Pháp tu Quan Thế Âm theo quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang

Quan Am 1Cầu nguyện, mong ước những điều tốt đẹp nhất đến với mình và người thân là tâm lý chung của tất cả mọi người trong các nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, tinh thần đó được thể hiện rất rõ qua tín ngưỡng Quan Thế Âm (hay Quán Thế Âm). Tín ngưỡng Quan Thế Âm gần gũi, quen thuộc trong nếp sống của người dân Việt và đã thấm nhuần trong lòng mọi người qua nhiều thế hệ. Nói đến Bồ-tát Quan Thế Âm, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến một vị Bồ-tát quán sát cuộc đời, xem xét thế sự, lắng nghe tiếng khổ của tha nhân để tùy duyên cứu độ. Do đó, hầu hết chúng ta tin rằng, trong cảnh khổ, chúng ta thường nghĩ đến, cầu nguyện, hy vọng và tin tưởng Bồ-tát Quan Thế Âm sẽ hiện thân cứu giúp chúng ta. Cách nghĩ cách làm ấy đã trở thành một nét văn hóa. Thế nhưng, văn hóa Quan Thế Âm không chỉ có cầu nguyện, kêu cứu mà còn là một pháp tu.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin bàn về khái niệm Quan Thế Âm và pháp tu Quan Thế Âm theo quan điểm của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

1. Tín ngưỡng Quan Thế Âm trong dân gian

Cuộc sống vận hành theo những quy luật khách quan, con người sống thiên trọng về cảm tính chủ quan, thuận theo những cung bậc tình cảm của mình hơn là chấp nhận và tập sống theo sự vận hành của những quy luật khách quan. Chính vì lẽ đó, con người thường chuốc lấy cái khổ khi sự vận hành của quy luật khách quan không thuận theo chủ ý của mình. Đây là tâm lý thường tình, phổ quát ở tất cả con người chưa giác ngộ và cũng vì lý do này, người ta nói “đời là khổ”. Là người, ai cũng mong vươn đến mục đích tối hậu là hạnh phúc, nên khi gặp khổ đau, một cách bản năng, ai trong chúng ta cũng mong cầu được hết khổ, an vui, hạnh phúc.

Nếu có một vị Bồ-tát, với tâm từ bi vô hạn, lắng nghe tiếng kêu than liền ứng hiện, dùng trí tuệ soi thấu, tìm phương cách cứu giúp chúng ta qua khỏi khổ nạn thì hầu như hình ảnh vị Bồ-tát ấy thường trực trong tâm trí mỗi người chúng ta, vì nỗi khổ niềm đau ngự trị triền miên nơi con người chưa hết tham, sân, si và nhu cầu hết khổ được vui lại càng bức bách hơn. Chẳng có gì lạ khi người Phật tử cũng như người không theo đạo Phật thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm để mong sự an lành, tai qua nạn khỏi.

Thường xuyên nghĩ nhớ và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm cũng đồng nghĩa với sự mong ước bình yên, nỗ lực hướng đến trạng thái bình yên của tất cả mọi người. Cầu nguyện, mong xin sự gia hộ, cứu khổ cứu nạn từ Bồ-tát Quan Thế Âm là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian và giáo lý đậm chất từ bi của đạo Phật, trong đó, yếu tố tín ngưỡng có phần vượt trội. Do vậy, không có gì lạ khi thấy một hiện tượng phổ biến là rất nhiều Phật tử có xu hướng thờ tượng Bồ-tát Quan Thế Âm và quen gọi một cách cung kính là “Phật bà Quan Âm”.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là liệu những mong muốn của chúng ta, những nguyện cầu của chúng ta có được đáp ứng, thành tựu hay không? Không ai dám chắc được điều này, vì không đủ cơ sở. Dù vậy, chúng ta vẫn cứ trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm kèm theo bao lời cầu nguyện. Đây là việc chúng ta làm trong quá khứ, đang làm trong hiện tại và sẽ tiếp tục trì niệm danh hiệu Bồ-tát, cầu nguyện cứu khổ cứu nạn trong tương lai. Chúng ta cầu nguyện vì cảm thấy bất an, khi sự vận hành của cuộc sống không phụ thuộc vào những gì mình mong muốn. Trong bất an, tâm lý mất cân bằng, chao đảo, trống vắng, hoang vu nên chúng ta cần một điểm tựa. Lúc này, cầu nguyện như một cái cọc tâm vớ được để tự trấn an mình. Do tâm tham lam và si mê chi phối, sự ham muốn của con người không có điểm dừng. Ham muốn càng nhiều, sự lỗi nhịp, tách rời giữa những gì ta muốn và những gì đang thật sự diễn ra theo quy luật khách quan càng lớn. Từ đó, sự bất an càng nhiều hơn và hệ quả tất yếu là cầu nguyện thường xuyên hơn, dù không ai đảm bảo được hiệu quả của việc cầu nguyện.

2. Trì niệm Quan Thế Âm là một pháp tu

Theo Tổ sư Minh Đăng Quang, Quan Thế Âm là hiện thân của từ bi và trí tuệ, là đặc tính của tất cả chư vị Bồ-tát, chứ không có một vị Bồ-tát cụ thể nào có danh hiệu Quan Thế Âm cả. Như vậy, tất cả bậc Bồ-tát đều là Quan Thế Âm, đều là hiện thân của từ bi và trí tuệ. Ngài viết “từ bi trí huệ là Quán Thế Âm: Quán Thế Âm là Bồ-tát, Bồ-tát là từ bi trí huệ, hay cũng gọi là có Quán Thế Âm mới từ bi trí huệ, có từ bi trí huệ mới có Quán Thế Âm” (Chơn Lý, tr. 707). Như vậy, người ta cầu nguyện, mong ước nhận được sự trợ giúp, cứu khổ cứu nạn từ Bồ-tát Quan Thế Âm là cầu mong nguồn từ bi và trí tuệ, để bản thân mình được giao thoa, tưới tẩm và thấm nhuần hai đặc tính này. Thật là biện chứng và đầy tính nhân văn khi Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng “Người ta cầu cứu với Đức Quán Thế Âm phương Tây nghĩa là: người ta cầu cứu với các nhà đạo đức từ bi, thường quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm, đem đạo đức đến giảng dạy giáo hóa cho họ, để cho họ được giác ngộ cảm hóa, mà dứt bỏ tiêu tan chứng bịnh tham sân si tam độc, trong thời kỳ vật chất vướng lây truyền nhiễm tâm người” (Chơn Lý, tr. 708). Như vậy, cầu xin, mong ước ở đây thể hiện phương diện tích cực, chủ động của chủ thể cầu nguyện. Đó là quy trình hướng tâm đến, khuynh hướng tâm lý thôi thúc chủ thể hướng về từ bi và trí tuệ.

3. Tu pháp Quan Thế Âm là ứng dụng tự kỷ ám thị tích cực

Không chỉ có khuynh hướng về con đường đạo đức, từ bi và trí tuệ khi cầu nguyện danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, mà chính bản thân chúng ta, khi nuôi lớn từ bi và phát triển trí tuệ, ta cũng có thể trở thành Quan Thế Âm. Tổ sư Minh Đăng Quang viết tiếp “ai ai các Phật, Thánh nào cũng có mang danh từ pháp lý Quán Thế Âm cả, chúng ta kẻ nào có tấm lòng như thế cũng là Quán Thế Âm được” (Chơn Lý, tr. 709). Trên cơ sở đó, cầu nguyện và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm như là một phương pháp tự kỷ ám thị để khắc sâu hai đặc tính cần học hỏi, cần khơi nguồn và nuôi lớn tự trong tâm mỗi người, đó là từ bi và trí tuệ. Tự ám thị là thuật ngữ dùng để chỉ cho tất cả những hình thức tự kích thích và khuyến khích bản thân qua các giác quan, là quá trình tự tâm niệm, tự khích lệ. Tự kỷ ám thị không chỉ tác động đến phần ý thức mà còn tác động mạnh đến tiềm thức của não bộ.

Napoleon Hill, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Think & Grow Rich” rất đề cao vai trò của tự kỷ ám thị, coi đây là một trong những nhân tố dẫn đến thành công. Ở chương 3 trong cuốn sách này, Napoleon Hill viết: “Bạn có thể cấy vào trong tiềm thức của mình bất cứ kế hoạch, ý tưởng hay mục đích nào mà bạn khát khao mong muốn biến thành các giá trị vật chất hay tiền bạc tương đương.”“Hãy nhớ rằng, tiềm thức của chúng ta hoạt động bất kể mình có cố gắng tác động đến nó hay không”. Vậy, cầu nguyện, nghĩ về Bồ-tát Quan Thế Âm là tạo ra một dòng năng lượng tích cực trong tâm, hướng về, nghĩ về, tha thiết có được từ bi và trí tuệ. Đây là cách chúng ta sử dụng ý thức để khắc sâu vào tiềm thức những niềm tin và tư duy tích cực để rồi đi đến cụ thể hóa với những hành động tích cực. Thật ra, nhiều thứ trong thế giới, ngoài ta và trong ta đang vận hành có tính quy luật và chúng ta không thể nào can thiệp được guồng máy ấy, ví dụ như sự biến chuyển, thay đổi của các pháp hữu vi. Tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp, thậm chí làm chủ một số cơ chế vận hành diễn ra trong ta: sự vận hành của tâm thức. Napoleon Hill có lời nhắc nhở chí lý rằng “thiên nhiên ban tặng cho con người quyền kiểm soát tuyệt đối một thứ duy nhất, đó là tư tưởng”. Nếu biết làm người chủ khôn ngoan, sáng suốt của tâm trí mình, với sự nỗ lự đúng cách, hạnh phúc của đời mình nằm trong lòng bàn tay.

Tự ám thị có chủ đích theo hướng tích cực, như tạo niềm tin về khả năng sẽ đạt được ước mơ của mình thúc đẩy con người hành động mạnh mẽ, kiên trì vượt qua mọi khó khăn thách thức để đạt mục đích mà mình hướng đến. Theo truyền thống Phật giáo, thắp nến cầu nguyện hòa bình, thả bồ câu cầu nguyện hòa bình là những cách tự ám thị tích cực tương tự như cầu nguyện Bồ-tát Quan Thế Âm vậy.

4. Thanh tịnh nội tâm, dấn thân cứu đời là hạnh tu Quan Thế Âm

Lấy từ bi và trí tuệ làm nền tảng để ứng dụng vào đời sống tu tập của bản thân và tùy duyên hóa độ chúng sanh là tâm nguyện của Bồ-tát Quan Thế Âm. Tổ sư Minh Đăng Quang diễn tả phương diện tự độ của Bồ-tát Quan Âm rằng “Bồ-tát tay trái cầm tịnh bình chứa nước cam lộ, là các bậc thầy ấy giữ gìn tâm thanh tịnh chơn như đạo đức” (Chơn Lý, tr. 709). Kinh Lăng Nghiêm, quyển thứ sáu, cũng diễn tả ý tưởng tương tự rằng “Phương pháp tu hành của vị Bồ-tát này là không dùng nhĩ căn để nghe những âm thanh bên ngoài mà là hướng vào bên trong nghe công năng của tánh nghe ở bên trong nhĩ căn… vị Bồ-tát này dùng nhĩ căn để quán sát, phân tích tính chất giả tạm, không thật của âm thanh trong thế gian mà hoàn toàn không bị tác động. Nhờ thế Bồ-tát đi vào trạng thái như như bất động của đại giải thóat”. Như vậy, tu hạnh Quan Thế Âm về phương diện tự thân là giữ tâm như như bất động. Thật ra, có giữ tâm bất động trước những biến động của cuộc đời mới có đủ nội lực quán chiếu, lắng nghe và cứu khổ tha nhân.

Song song với giải thoát tự thân, với chất liệu từ bi và trí tuệ, Bồ-tát Quan Thế Âm là người dấn thân vào cuộc đời cứu khổ tha nhân. Tổ sư Minh Đăng Quang viết: “Tay mặt cầm nhành dương nhúng nước rưới khắp nơi, là dùng phương tiện giáo lý hoằng dương, đem pháp bảo rải khắp nơi cho mọi người, giác ngộ thức tỉnh, nhờ thấy rõ mục đích, nên họ quay về đường sống chung tu học, không còn tham sân si giết hại lẫn nhau nữa, cũng không còn hơn thua danh lợi thế quyền”(Chơn Lý, tr. 709). Câu văn mộc mạc, chân chất nhưng đủ diễn đạt ý tưởng căn bản trong pháp tu của người học Phật: từ bỏ tham, sân, si, không bon chen danh lợi thế quyền.

5. Pháp tu niệm Quan Thế Âm thích hợp cho tất cả

Pháp niệm Quan Thế Âm là một pháp tu thích hợp cho cả hàng xuất gia và tại gia. Tổ sư Minh Đăng Quang viết: “Nhờ các Ngài thuyết pháp mà họ được hết khổ, và được thấy rõ nẻo xuất gia, xa lìa khổ nạn; nên họ thường niệm tưởng đến danh hiệu Quán Thế Âm luôn. Kẻ nào xuất gia chưa được, thì họ nhắc nhở câu nói như vầy: Kính lạy Đại từ Đại bi cứu khổ linh cảm Quán Thế Âm Bồ-tát. Họ nhắc như thế để cho quên sự ghê sợ nạn khổ của đời, và đừng xao lãng sự phát tâm cầu đạo giải thóat của họ” (Chơn Lý, tr. 709).

Nếu niệm danh hiệu và cầu nguyện Bồ-tát Quan Thế Âm theo cách niệm và cầu nguyện suông, thì đó không phải là giáo lý đạo Phật. Bởi lẽ, nếu cầu gì được nấy, ước sao có vậy thì rõ ràng mâu thuẫn với giáo lý nhân quả của đạo Phật. Sự vô ích của cầu khẩn van xin được Đức Phật nhấn mạnh trong một bài kinh thuộc Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, chương XI, phẩm 3, kinh số 21: Mahānāma với hình ảnh rất ấn tượng là không thể nhờ cầu nguyện mà đá có thể nổi trên mặt nước và bơ dầu có thể chìm. Niệm Quan Thế Âm không có nghĩa là chúng ta cầu xin, mà đó là sự khởi tâm, động cơ thôi thúc tự trong tâm mình, niềm tin và động lực, tạo thành một quán tính tâm lý, suy nghĩ và hành động theo hạnh từ bi và trí tuệ. Niệm danh hiệu Quan Thế Âm là khơi dậy trong tâm thức một quá trình trang bị cho mình hai đức tính quý báu của một người tu chân chánh, có giá trị như đôi cánh của một con chim, đó là từ bi và trí tuệ, để rồi động lực tâm thức ấy luôn nuôi dưỡng hai đức tính này, thôi thúc chúng ta hành động có từ bi, có trí tuệ. Một cộng đồng có nhiều người biết tu niệm Quan Thế Âm theo cách này thì xã hội sẽ bình an, thịnh vượng.

6. Thực hành lời dạy của Đức Thích-ca Mâu-ni là tu pháp Quan Thế Âm

Như trên đã trình bày, ở Việt Nam, tín ngưỡng Quan Thế Âm phát triển mạnh mẽ trong đời sống thường nhật của quần chúng nhân dân cũng như trong hàng Phật tử, thờ tượng Bồ-tát Quan Thế Âm trong hình tướng một người nữ nhiều hơn thờ tượng Phật Thích-ca, vị Phật lịch sử đã để lại cho đời cả một kho tàng giáo lý pháp bảo cho chúng sanh nương theo tu học và giải thóat khỏi khổ đau.[1] Thật ra, hình ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm được giới thiệu trong kinh Đại Nhật, kinh Bi Hoa và phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa theo tư tưởng Phật giáo Phát triển. Xây dựng hình ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm là một cách truyền thông điệp từ bi và trí tuệ mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy. Thực hành pháp tu Quan Thế Âm là thực hành từ bi và trí tuệ. Rõ ràng từ bi và trí tuệ là cốt lõi, là sợi chỉ thắm xuyên suốt những lời dạy của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Hai đặc tính này là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết giáo lý của Đức Phật. Chúng ta có thể tìm thấy từ bi và trí tuệ trong tất cả những bài pháp sống động, qua những hình tượng văn học Phật giáo phong phú và đa dạng trong kho tàng kinh điển Phật giáo. Hiểu được điều này, chúng ta sẵn lòng thỉnh tôn tượng của Đức Bổn sư Thích-ca về thờ tại nhà mà vẫn không rời pháp tu Quan Thế Âm – pháp tu giữ nội tâm thanh tịnh, đạo đức và dấn thân cứu giúp tha nhân trên nền tảng của từ bi và trí tuệ.

Tóm lại

Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quan Thế Âm là vận dụng lời Đức Phật dạy vào cuộc sống, cùng nhau bắt nhịp cầu kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn đồng hành và giúp nhau sống trong mối tương quan cộng sinh. Học hạnh Bồ-tát Quan Thế Âm là học cách thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ nhau cho đời vơi bớt khổ đau. Chuyên tâm cầu nguyện và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm đúng cách là thể hiện các đặc tính trên một cách thuần thục, uyển chuyển và tự nhiên như chính hơi thở của mình.

Tài liệu tham khảo

1.  HT. Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ kinh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997.

2.   Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998.

3.  Hill, Napoleon. Think and Grow Rich : The 21st-Century Edition, Revised and Updated. High Roads Media, 2004.  

http://hang-nhu.blogspot.com/2015/07/phap-tu-quan-am-theo-quan-iem-cua-to-su.html


[1] Thờ tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay thờ Bồ-tát Quan Thế Âm đều là một nét văn hoá tâm linh cao quý trong Phật giáo. Tuy nhiên, khi thờ tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni,  chúng ta có cảm giác gần với thông điệp từ bi trí tuệ của đạo Phật hơn, vì Ngài là con người lịch sử. Trong khi đó, thờ Bồ-tát Quan Thế Âm có thể đưa chúng ta gần với xu hướng đạo thần hơn, nhất là trong trường hợp người thờ và quy ngưỡng chưa hiểu sâu và không thực hành tốt pháp tu Quan Thế Âm như trình bày ở trên mà thiên nặng về cầu nguyện van xin.