Phát biểu chào mừng của Viện NCPHVN

ht triquangHội thảo “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, hội nhập và phát triển” được diễn ra hôm nay, ngày 25-02-2014 tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Tổ đình của Hệ phái Khất sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mang tên Tổ sư khai sáng Hệ phái này, là sự hợp tác học thuật của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam với Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Hội thảo này vừa là dịp tưởng niệm 60 năm vắng bóng của Tổ sư Minh Đăng Quang, vừa là cơ hội để tất cả chúng ta nghiên cứu về khuynh hướng nhập thế và đồng hành với dân tộc của Hệ phái Khất sĩ nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, trong xu thế toàn cầu hóa và hiện đại hóa tại Việt Nam, theo đó, rút ra những bài học và phương cách phụng sự nhân sinh.

Với tư cách đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, tôi rất vui mừng khi đón nhận được hơn 90 bài nghiên cứu học thuật, trong số đó hơn một nửa là các bài nghiên cứu của các học giả thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các trường Đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy giới nghiên cứu học thuật bắt đầu quan tâm đến các Hệ phái và sơn môn pháp phái Phật giáo thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như một cửa ngõ tiếp cận về cách hành trì và truyền bá Phật giáo cho người Việt Nam.

Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào giữa thập niên 40 của thế kỷ XX. Sau gần một thập niên truyền bá, năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang thọ nạn và “vắng bóng”, đường lối nhập thế của Hệ phái Khất sĩ chẳng những không bị khựng lại, mà còn phát triển vượt trội so với các hệ phái và sơn môn pháp phái khác của Phật giáo tại miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung. Kể từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, xuyên suốt 60 năm tiếp tục sứ mệnh nhập thế, 7 giáo đoàn (sáu giáo đoàn Tăng và một giáo đoàn Ni) của hệ phái Khất sĩ với lưỡng bộ Tăng Ni đã đào tạo hơn 3.200 Tăng sĩ và xây dựng trên 500 ngôi tịnh xá. Sự phát triển nhanh chóng này cho thấy, phương pháp hành đạo của Hệ phái Khất sĩ chú trọng “nhân thừa”, mang phong cách bình dân, tụng niệm bằng thi ca, đầu đội trời, chân đạp đất, ba y một bát thong dong trên mọi nẻo đường, ăn chay thuần tịnh, giảng pháp đi vào lòng người… có khả năng chuyển hóa nhân tâm, đặc biệt là quần chúng bình dân ở miền Nam. Nhờ đường lối này, ngày nay, các tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ đã có mặt hầu hết tại các tỉnh thành từ Cà Mau cho đến tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, tại miền Bắc chỉ có 5 cơ sở tự viện, tịnh xá. Trong tương lai, Hệ phái Khất sĩ có khả năng phát triển và có mặt tại các tỉnh thành còn lại của đất nước.

Đồng hành với dân tộc trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa là chủ trương của Hệ phái Khất sĩ, cũng vừa là cách giúp cho Hệ phái Khất sĩ phát triển toàn diện và mạnh hơn. Về tổ chức Giáo hội, từ những năm tháng hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ là thành viên sáng lập Giáo hội. Suốt 7 nhiệm kỳ GHPGVN từ năm 1981- 2012, các vị tôn túc Hệ phái Khất sĩ đã được suy tôn làm Phó Pháp chủ, được bầu chọn làm Phó Chủ tịch HĐTS, các Phó Trưởng ban thuộc Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh thành.

Về phương diện giới luật, Hệ phái Khất sĩ sử dụng giới bản của Đại thừa với những điểm dị biệt không đáng kể. Về văn hóa y phục và ẩm thực, Hệ phái Khất sĩ ăn trường chay như Đại thừa, quấn y gần giống với phong cách truyền thống của Phật giáo Ấn Độ. Đây là sự dung hòa giữa hai bản sắc văn hóa Đại thừa và Nguyên thủy trong Hệ phái Khất sĩ. Về phương pháp tu trì, Hệ phái Khất sĩ chủ trương phát huy chánh niệm trong bốn oai nghi trong đời sống hằng ngày và thực tập thiền định, cũng như vận dụng các phương tiện thiện xảo để tiếp cận quần chúng, giáo hóa chúng sanh, vốn là sự cộng thông trong phương pháp hành trì của Nguyên thủy và Đại thừa.

Về Nghi thức tụng niệm, Hệ phái Khất sĩ sử dụng phần lớn các kinh thuộc nghi thức Bắc tông, bao gồm Kinh Phổ Môn, Kinh A Di Đà, Kinh Vu Lan, Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân thuộc bản dịch của Tổ Huệ Đăng và Hồng danh Sám hối - nghi thức sám hối thông dụng tại các chùa Đại thừa. Đóng góp mới của Nghi thức tụng niệm Hệ phái Khất sĩ là bổ sung Nghi thức cúng dường, Nghi thức cúng Cửu huyền, Nghi thức thọ trì và các Kệ tụng. Sử dụng thi ca trong Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ đã giúp cho Hệ phái này được quần chúng tiếp nhận mà không bị bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ Hán Việt như trong nghi thức Đại thừa, hay văn tự Pāli như trong nghi thức Phật giáo Nguyên thủy.

Những nét tương đồng và tính đặc thù của Hệ phái Khất sĩ so với truyền thống Đại thừa và Nguyên thủy tại Việt Nam nêu trên là chủ trương làm đạo, vừa mang tính kế thừa truyền thống, vừa phát huy tính sáng tạo trong nhập thế. Sự phát triển của Hệ phái Khất sĩ trong 70 năm qua tại Việt Nam là một minh chứng về sự vận dụng trí tuệ phương tiện trong độ sinh, nhờ đó, cũng trong cùng bối cảnh xã hội và chính trị Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ đã có một bước phát triển đều đặn, năng động và hiệu quả so với các hệ phái và sơn môn pháp phái khác của Phật giáo Việt Nam.

Vì đây là hội thảo khoa học đầu tiên về Hệ phái Khất sĩ, các nghiên cứu và khám phá trong hội thảo này chỉ là bước khởi đầu cần thiết, chưa phải là các kết quả sau cùng. Tôi mong rằng, bằng các hội thảo khoa học tương tự trong tương lai, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các trường đại học khác sẽ tiếp tục cho ra đời các nghiên cứu chuyên sâu về Hệ phái Khất sĩ nói riêng và GHPGVN nói chung. Dù sao, các dữ liệu của hội thảo hôm nay sẽ trở thành kho tư liệu quý giá cho các nghiên cứu chuyên sâu về sau, nhằm cung cấp cho thế giới học thuật thêm những khám phá và tri thức mới.

Tôi tin rằng bằng thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu, bằng phương pháp liên ngành và đa ngành, bằng sự đào sâu vào lý thuyết và thực tiễn, các tham luận về Phật giáo Khất sĩ hôm nay sẽ mở ra các cơ hội nghiên cứu về một hình thái nhập thế mới của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam.

Kính chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

HT.TS. Thích Trí Quảng

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam