Phát biểu của HT. Chủ tịch HĐTS GHPGVN

HTThienNhon 1

PHÁT BIỂU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN NHƠN
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN

Tại Hội thảo Vùng Đông Nam Á và Nam Á:
Nơi giao hòa của Văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Kính thưa Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo;

- Kính thưa Ngài Chủ tịch Hiệp hội Đông Nam Á, Nam Á Nghiên cứu về Văn hóa và Tôn 

- Kính thưa Quý vị khách quý;

- Kính thưa quý vị học giả, trí thức, các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước.

Kính thưa Quý liệt vị,

Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm, đoàn kết trong cộng đồng nhân loại không biên giới của khu vực Đông Nam Á, Nam Á, tất cả chúng ta quy tụ về đây tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Tp. Hồ Chí Minh – Việt Nam tham dự Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Đông Nam Á nghiên cứu về Văn hóa và Tôn giáo tổ chức với chủ đề Vùng Đông Nam Á và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á và Nam Á. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam hân hoan chào mừng Quý đại diện Phật giáo các nước, các nhà học giả, trí thức nghiên cứu trong nước và quốc tế. Kính chúc quý vị khách quý, quý đại biểu thân tâm an lạc, vạn sự cát tường như ý. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính thưa Quý đại biểu, 

Từ buổi bình minh của nhân loại, khi hai nền văn hóa Đông Tây gặp nhau trên hành tinh nầy, nhất là khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Việt Nam là một đất nước ở vào vị thế đặc biệt, là cửa ngõ của Đông Nam Á, nhìn ra Biển đông luôn tiếp nhận các luồng tư tưởng văn hóa, văn minh nhân loại ở những thế kỷ đầu công nguyên. Lưng dựa vào các nước Đông Dương và Đông Nam Á, làm điểm tựa tiếp cận văn hóa đa dạng và phát triển bền vững của khu vực.

Qua đó, từ đầu thế kỷ, các thương nhân người Ấn trong đó có các nhà sư truyền giáo đã đến Việt Nam bằng các thuyền buôn, xuất phát từ Nam Ấn đến Duyên hải Việt Nam, Trung bộ, Bắc bộ Việt Nam. Di tích Thành Nê Lê tại Đồ Sơn – Hải Phòng là một minh chứng. Thứ đến là đường bộ từ Trung Quốc sang, như Pháp sư Đàm Hoằng (425 TL), Đạo Thiền, Dhammadeva (550 TL), Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580 TL), Vô Ngôn Thông (820 TL) v.v… Ngược lại, các Thiền sư Việt Nam như Vân Kỳ, Khuy Sung, Trí Hoằng, Tuệ Diệm, Trí Hành, Đại Thặng Đăng, Khương Tăng Hội v.v… cũng đã sang truyền đạo tại Trung Quốc, cho đến Srilanka và Ấn Độ v.v…

Qua đó cho thấy Phật giáo vào những thế kỷ đầu cho đến thế kỷ thứ 10, thuộc Đinh, Tiền Lê (969TL), Phật giáo mang màu sắc Mật tông, dù có tư tưởng Thiền, tạm gọi là Thiền Mật song hành, chủ đạo là Mật tông. Thời Lý (1010 - 1225), Phật giáo mang đậm màu sắc của ba dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580 TL), Vô Ngôn Thông (820 TL) và Thảo Đường (1069 TL). Do đó, có thể nói Phật giáo thời Lý mang đậm màu sắc Thiền Trí thức, ẩn tàng Tịnh độ và cả Mật giáo, nhưng nổi bật là Thiền Tịnh, gọi là Thiền Tịnh song hành, Tịnh độ hóa nhân gian. Tuy ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhưng Việt Nam đã biến cải thành một nền văn hóa độc lập, và các phương thức hành hành trì riêng của Phật giáo Việt Nam, Thiền theo phong cách Việt Nam, Tịnh độ Việt Nam, Mật tông Việt Nam (Kim Cang thừa Việt Nam). Do đó, tuy hòa nhưng không đồng trong bối cảnh văn hóa tổng thể của khu vực.

Tiến sang Phật giáo thời Trần (1225 – 1400 TL), do vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành chứng ngộ, gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, Vua Phật Việt Nam, đã thống nhất ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1299), thống nhất Phật giáo thời Trần thành một mối, gọi là Giáo hội Trúc Lâm, trụ sở đặt tại chùa Quỳnh Lâm – Đông Triều, Quảng Ninh là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, Trung tâm Văn hóa đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm – Đức La, Bắc Giang, đặc biệt hoàn toàn mang màu sắc Văn hóa Việt Nam và Đạo Phật Việt Nam.

Cuối cùng đến thời Hậu Lê, Tây Sơn, triều Nguyễn v.v… do hoàn cảnh chiến tranh, nô lệ thực dân phương Bắc, phương Tây nên Phật giáo tiềm ẩn trong dân gian làng mạc, núi rừng. Tuy nhiên, tinh thần và sức sống tiềm tàng của Phật giáo vẫn còn, đã tạo thành tinh thần hộ quốc an dân, đánh thắng bao đế quốc xâm lược cũ và mới, thống nhất đất nước Việt Nam.

Phật giáo ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong các mối quan hệ trong và ngoài nước. GHPGVN có 63 đơn vị Phật giáo Tỉnh, Thành hội và 546 Quận, Huyện hội trong cả nước, có Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và 4 Trường Đại học Phật giáo, 31 Trường Trung cấp Phật học, hơn 100 Trường, lớp Tiểu học; Với 86 Tăng Ni có học vị Tiến sĩ, trên 186 Thạc sĩ và hàng ngàn Tăng Ni có trình độ Trung học, Cử nhân Phật học; Có 53.941 Tăng Ni, 18.466 cơ sở Tự viện trong toàn quốc. Về sắc thái Phật giáo trong ngôi nhà chung GHPGVN là Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo người Hoa, Phật giáo người Chăm; Truyền thống tu tập là Thiền tông Nguyên thủy, Thiền Trung Hoa – Tổ sư Thiền, Thiền phái Trúc Lâm, Pháp môn Tịnh độ, Đạo tràng Pháp Hoa, Đạo tràng Dược sư, Đạo tràng Đại Bi, Kim Cang Thừa v.v… gồm hai Hệ: Hán tạng ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã biến cải thành sắc thái, phương thức hành trì độc lập theo phong cách của Phật giáo Việt Nam. Pali tạng ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Srilanka mang đậm màu sắc Phật giáo Nam truyền, sinh hoạt hài hòa, ổn định trong sự đoàn kết hòa hợp của các hệ phái Phật giáo Việt Nam.

Trong quá trình quan hệ giao lưu văn hóa, hội nhập Phật giáo thế giới cũng như khu vực trước hết phải nói rằng:

a. Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Phật tử Châu Á vì Hòa bình năm 1970, trụ sở đặt tại Ulanbato – Mông Cổ, có Trung tâm ABCP Việt Nam tại Hà Nội.

b. Đối với Tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu (IBC) dưới sự bảo trợ của Chính phủ Ấn Độ, và Hội Asoka Misson, có trụ sở đóng ở New Deldhi - Ấn Độ. Việt Nam là thành viên sáng lập và đồng là Chủ tịch của tổ chức.

c. Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp (WBC), có trụ sở đặt tại Kobe, Osaka, Nhật Bản, thành lập năm 1998, có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Hội.

d. Đối với Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới, thành lập năm 1950 tại Comlombo – Srilanka trụ sở đặt tại Comlombo, sau nầy trụ sở dời qua Rangoon, Myanmar, cuối cùng là Bangkok Thái Lan. Việt Nam là thành viên sáng lập tổ chức này.

e. Về Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ ICDV – thành viên cố vấn Unessco Liên Hiệp Quốc. Trụ sở đặt tại Bangkok Thái Lan. Việt Nam là thành viên tham gia sáng lập năm 2004. Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 02 lần Đại lễ Vesak năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Hà Nội, và 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, đã quảng bá hình ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam và phương thức hành trì của các truyền phái Phật giáo Việt Nam cho hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

f. Trong các mối giao lưu văn hóa thế giới, Việt Nam là một trong những nước sáng lập Hội Hữu Nghị Giao lưu Văn hóa Châu Á, do Hòa thượng Đại Nguyện, trụ trì chùa Lục Tổ Quảng Đông Trung Quốc làm Chủ tịch, có văn phòng đặt tại Hồng Kông. Phật giáo Việt Nam là nước đồng Chủ tịch sáng lập.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ v.v… hoạt động có hiệu quả, tạo được mối giao lưu văn hóa, quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực, đa phần là theo Phật giáo Nam truyền. Các Thiền sư Phật giáo Myanmar đã sang Việt Nam hành đạo và hướng dẫn tu thiền định cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

g. Kể từ khi được Phật giáo Việt Nam giúp đỡ phục hồi đến nay, Phật giáo Campuchia đã hỗ trợ Phật giáo Việt Nam thỉnh 358 bộ Đại Tạng Kinh và hơn 100 đầu sách đủ loại bằng chữ Khmer cho chư Tăng, Phật tử nghiên cứu đọc tụng và làm Pháp bảo tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như tôn trọng các truyền thống văn hóa dân tộc Khmer, tết Chol Nam Thmay, Ock Om Bock, Sen Dolta, lễ Kathina v.v….  

h. Về quan hệ Tổ chức Hội đoàn. Hiện nay GHPGVN có mối quan hệ mật thiết với Hội Phật tử Việt Nam tại Vientaine Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, do Thượng tọa Minh Quang lãnh đạo. Văn phòng đặt tại chùa Phật Tích, thủ đô Vientaine.

Tại Campuchhia, có Giáo hội Phật giáo Maha Annam Nikaya, do Hòa thượng Từ An Lạc làm Hội trưởng, Văn phòng đặt tại chùa Quan Âm, Tp. Phnom Penh, đang có quan hệ thân thiện với GHPGVN.

Tại Thái Lan, có Giáo hội Phật giáo An Nam tông, do Tăng thống Thiền sư Kính Chiếu người Việt Nam lãnh đạo 23 cơ sở tự viện tại Thủ đô Bangkok và các tỉnh thuộc Vương quốc Thái Lan.

Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản do Sư cô Tâm Trí làm Hội trưởng, Văn phòng đặt tại chùa Nhật Tân (Nissinkutsu), thủ đô Tokyo do Hòa thượng Yoshimzu Daichi nguyên Hội chủ Tổng hội Tịnh độ Tông Nhật Bản, Trụ trì chùa Nhật Tân làm cố vấn chứng minh cho Hội.

Lễ đón tiếp phái đoàn “Đi bộ vì Hòa bình” của Phật giáo Nhật Bản do Hòa thượng Suzuki, Hòa thượng Yamadha, Hòa thượng Yoshimzu Daichi dẫn đầu. Đặc biệt là mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam, Phật giáo Việt Nam với Ấn Độ và Nhật Bản. Qua đó các lễ hội Văn hóa, lễ hội Yoga, lễ Dhammadashan - Ấn Độ, Lễ hội Văn hóa, Lễ hội Hoa Anh đào – Nhật Bản được tổ chức hằng năm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hội An tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhất là Lễ kỷ niệm 1.200 năm ngày Thiền sư Phật Triết mang Phật giáo, âm nhạc và vũ đạo truyền sang đất nước Nhật Bản năm 733 Tây lịch.

Qua đó cho thấy, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á, Nam Á là nơi hội tụ, giao hòa giữa các nguồn văn hóa trong khu vực, đồng thời là nơi tiếp cận các truyền thống hệ phái Phật giáo, cũng như các phương pháp hành trì từ xưa đến nay và mãi mãi về sau.

Không những thế, mà còn góp phần củng cố hòa bình cho khu vực và thế giới, đóng góp công sức vào sự thúc đẩy cộng đồng Asean ngày càng phát triển, ổn định trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xứng đáng là thành viên tích cực của cộng đồng Asean, thực hiện hữu hiệu chủ trương Liên Hiệp Quốc về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiên tai, giảm tăng độ nóng quả đất, sự cạn kiệt tài nguyên môi trường, góp phần cho nhân loại tồn tại lâu dài trên hành tinh chúng ta.

Do đó, cuộc hội thảo với chủ đề: Đông Nam Á và Nam Á – Nơi giao hòa của Văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á và các chủ đề khác thật là thiết thực và hữu ích, vượt qua những rào cản về văn hóa khác nhau cũng như những phương thức hành trì của truyền thống Phật giáo và nền văn hóa các nước, tạo ra một không gian thông thoáng và sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng Asean cùng tiến tới tương lai.

GHPGVN vô cùng trân trọng và lắng nghe những ý kiến phát biểu, các tham luận, thảo luận của Hội thảo để làm bài học kinh nghiệm cho sự duy trì, phát triển và hội nhập quốc tế của Phật giáo Việt Nam ở hiện tại và tương lai, trong một cộng đồng Asean giàu mạnh, ổn định và không ngừng phát triển.  

Với tinh thần và ý nghĩa ấy, GHPGVN một lần nữa hoan nghênh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Đông Nam Á, Nam Á nghiên cứu về Văn hóa và Tôn giáo tổ chức cuộc Hội thảo đầy ý nghĩa và quan trọng này, để tôn vinh, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Nam Á. Thay mặt GHPGVN trân trọng kính chúc quý Đại biểu, khách quý, quý Học giả, trí thức, các nhà nghiên cứu thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường, thành tựu các hoạt động trên mọi lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu tôn giáo nói chung. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp

Xin chân thành cảm ơn Quý liệt vị.

Tài liệu tham khảo :

Reference material:

- Lược sử Phật giáo Trung Quốc, HT. Thích Thanh Kiểm (2011)

- Sử luận Phật giáo Việt Nam, GS Nguyễn Lang, NXB Văn học (2008)

- Lược sử Phật giáo Việt Nam, GS. Lê Mạnh Thát, NXBTG (2006);

- Lược sử Phật giáo Thái Lan, Nguyễn Thị Quế, NXB KHXH (2007)

- Phật giáo khắp thế giới, Thích Nguyên Tạng, NXB Phương Đông (2006)

- Lịch sử Myanmar, Vũ Quang Thiên, NXB KHXH – Hà Nội (2005)

- Phật giáo Lào dưới góc nhìn văn hóa, Nguyễn Văn Thoàn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2006)

- Người Khmer gốc Việt, Lê Hương, Sài gòn (1966)

- Phật giáo Khmer Nam bộ vấn đề cần nhìn lại, Nguyễn Mạnh Cường, VKHXH VNCTG (2008)

- Tôn giáo ở Trung Quốc, Lữ Vân, NXBTG (2003)

- Phật giáo Trung Quốc, Trần Quang Thuận, NXBTG (2008)

Đời sống Tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Phạm Hồng Thái, NXBKHXH 2005.