Phát biểu tại hội thảo Phật giáo Nam tông Khmer

ht-giactoan

HT. Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch GHPGVN, Phó Trưởng Ban TT Ban Giáo dục Tăng Ni TW

phát biểu tại hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khmer

 

Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc” là Hội thảo khoa học đầu tiên do Học viện Phật giáo Nam tông Khmer phối hợp với Viện nghiên cứu Tôn giáo đồng tổ chức. Đây là sự kiện học thuật lớn, phù hợp với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm nghiên cứu lịch sử, bản chất hội nhập và đồng hành của Phật giáo Khmer với dân tộc Việt Nam và GHPGVN.

Với tư cách lãnh đạo thường trực của Ban giáo dục Tăng Ni Trung Ương mà Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là một đơn vị đào tạo cấp đại học trực thuộc, đồng thời là đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo, tôi vô cùng hoan hỷ khi được biết trên 60% các tham luận gởi về là của các học giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, đặc biệt Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Xã hội học, và các trường như Đại học KHXH&NV TP.HCM, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Chính trị Khu vực 4 tại Cần Thơ, Trường Đại học Văn Hóa, Trường Cán bộ TP.HCM, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Hùng Vương, Hội Văn học Dân gian Sóc Trăng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Các Ban Tôn giáo tại các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long và 4 Học viện Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Hội thảo về Phật giáo Khmer có sự tham dự đông đảo của các Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các Ban ngành tham gia.

Hơn 80 bài tham luận được chọn lọc in vào kỷ yếu Hội thảo chỉ là 3/4 của tổng số bài gởi cho Ban tổ chức, cho thấy giới học giả và giới Phật học rất quan tâm đến chủ trương của Phật giáo Khmer đồng hành cùng dân tộc Việt Nam và GHPGVN.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày 4 vị sư Khmer hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ Phật pháp, chúng ta cùng ôn lại tinh thần của ngày 10/6/1974. Không chỉ giới hạn trong chủ đề chính của hội thảo, các bài tham luận đào sâu vào các chuyên đề với các diễn đàn sau đây:

1. Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc

2. Phật giáo Nam tông Khmer: Những vấn đề triết học và Phật học

3. Phật giáo Nam tông Khmer: Những vấn đề hội nhập và phát triển

4. Phật giáo Nam tông Khmer: Những vấn đề văn hóa

5. Phật giáo Nam tông Khmer Những vấn đề giáo dục

Phật giáo Nam tông Khmer có mặt ở Miền Nam nói chung và ở Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng vào khoảng thế kỷ thứ 4. Là thành viên sáng lập của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11-1981, đến nay Phật giáo Nam tông Khmer đã xây dựng hơn 450 ngôi chùa, với khoảng 10.000 vị sư, chiếm khoảng 20% trên tổng số tu sĩ Phật giáo cả nước. Dầu tập trung và phát triển chủ yếu ở 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau), Phật giáo Nam tông Khmer đã góp phần phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam như chủ trương nhất quán, có ý nghĩa lớn cho đại cục của Việt Nam và Campuchia.

Từ năm 1964, Phật giáo Khmer Nam Bộ đã thành lập Hội đoàn kết sư sải yêu nước khu Tây Nam bộ. Từ đó, phong trào các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã lần lượt thành lập Hội đoàn kết sư sải yêu nước, với mục đích sát cánh cùng các dân tộc Việt Nam, đấu tranh vì sự thống nhất đất nước. Phong trào nêu cao tinh thần yêu nước đó tiếp tục được duy trì và phát triển sau năm 1975 cho đến hôm nay. Sau 34 năm cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer đã góp phần phát triển đất nước Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và góp phần làm phong phú truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với sự đóng góp chất xám tập thể của các nhà nghiên cứu và các nhà Phật học trong Hội thảo khoa học lần này, tôi tin tưởng rằng chúng ta phát hiện, thảo luận và thống nhất về những đóng góp của cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer cho đất nước Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng, các nhà nghiên cứu trong Hội thảo này giúp chúng ta thấy rõ về thế giới quan - nhân sinh quan Phật giáo, triết học chính trị xã hội Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, văn hóa và giáo dục Phật giáo cũng như hình thái đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer tại Việt Nam.

Tôi cho rằng giá trị của Hội thảo không giới hạn trong các nghiên cứu học thuật nêu trên mà còn là dịp thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như tình Pháp lữ giữa cộng đồng Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp này, chúng ta góp phần phát triển đất nước Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo hướng bền vững.

Rực ánh huỳnh y, rực sắc hương

Tháp Thiên sử ngọc đẹp mười phương

Việt Nam tươi rạng – Tây Nam Bộ

Truyền thống đạo đời… mãi sáng gương.

Kính chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.