Phật giáo TP.HCM phát triển qua 8 nhiệm kỳ:"Ôn cố tri tân"

Chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX,
Nhiệm kỳ 2017-2022

Đại hội kỳ đầu tiên diễn ra vào tháng 6-1982 thành công, cung thỉnh HT.Thích Trí Tịnh giữ chức vụ Trưởng ban Trị sự đầu tiên, HT.Thích Thiện Hào là Phó ban Thường trực, các Hòa thượng: Bửu Ý, Từ Nhơn, Từ Thông, Trí Quảng, Thanh Kiểm… đều là Phó ban Trị sự.

HTToanHT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo phẩm Thường trực Hệ phái Khất sĩ, là một trong những vị giáo phẩm tham gia vận động thành lập BTS Thành hội Phật giáo TP.HCM (nay là GHPGVN TP) đã hồi tưởng lại: 

- Tôi có nhân duyên sống ở Sài Gòn từ năm 1965, rồi tới 1975 - thống nhất nước nhà, lúc đó đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn. Phật giáo VN cũng nằm trong bối cảnh chung của đất nước nhưng hầu như ai cũng phấn khởi vì nước nhà được hòa bình, độc lập. Tới những năm 1978-1979, lãnh đạo UBTƯ MTTQVN tạo điều kiện cho Phật giáo miền Nam đi thăm miền Bắc, lúc đó tôi là tu sĩ trẻ được đại diện Hệ phái Khất sĩ cùng đi trong đoàn. Đây là chuyến đi tạo tiền đề gặp gỡ đầu tiên để tiếp tục sau đó, chính thức vận động các tổ chức, hệ phái Phật giáo ngồi lại, rồi tiến hành hội nghị thành lập GHPGVN vào tháng 11-1981 tại thủ đô Hà Nội. 

Do TP.HCM là nơi có các vị giáo phẩm cấp cao của GHPGVN cũng như nhiều tổ chức, hệ phái tham gia hội nghị về thống nhất Phật giáo nên cuộc vận động thành lập sau đó cũng diễn ra nhẹ nhàng. Lúc bấy giờ, tôi được cử tham gia Ban Vận động và tham gia BTS cùng với chư tôn đức như HT.Thích Thiện Hào, HT.Bửu Ý, HT.Siêu Việt, HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Thiện Tâm... 

Đại hội kỳ đầu tiên diễn ra vào tháng 6-1982 thành công, cung thỉnh HT.Thích Trí Tịnh giữ chức vụ Trưởng ban Trị sự đầu tiên, HT.Thích Thiện Hào là Phó ban Thường trực, các Hòa thượng: Bửu Ý, Từ Nhơn, Từ Thông, Trí Quảng, Thanh Kiểm… đều là Phó ban Trị sự, và khi đó, tôi là Phó ban trẻ tuổi nhất. 

Nhìn lại 8 nhiệm kỳ đã qua (trong đó có 7 nhiệm kỳ tôi tham gia trực tiếp với vai trò Phó ban kiêm những công việc chuyên môn như Hoằng pháp, Văn hóa...) tôi thấy thời kỳ nào cũng có những dấu ấn riêng, với những thành tựu đáng mừng. Như thời gian tôi làm, phần mình tham gia tổ chức, thực hiện thì có lập Tổ In ấn kinh sách, tổ chức các hoạt động văn hóa Phật giáo gắn liền với sự kiện Sài Gòn - Gia Định 300 năm, hưởng ứng chương trình 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... 

Thành tựu mà tôi ấn tượng chính là việc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM được cấp đất, cấp phép xây dựng tại Bình Chánh, tạo ra môi trường giáo dục Phật giáo tốt đẹp cho Tăng Ni, nơi đào tạo thế hệ kế thừa. 

Thế hệ của chúng tôi được đào tạo từ việc dấn thân vào công việc và trưởng thành; tiếp nối những sự dấn thân, cống hiến của các bậc tiền nhân mà nổi bật nhất là sự kiện đấu tranh của Phật giáo đồ năm 1963, đỉnh cao là vai trò của Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, để lại quả tim bất diệt. Cũng chính TP này là nơi diễn ra sự kiện đó, để rồi hôm nay, Phật giáo TP đủ duyên xây dựng Việt Nam Quốc Tự trên nền đất cũ, được chính quyền quan tâm giao đất (lần đầu 3.712m2, sau đó là hơn 7.201,5m2). Ngoài chánh điện thì Việt Nam Quốc Tự còn được HT.Thích Trí Quảng, Trưởng BTS Phật giáo TP cùng Ban Thường trực BTS chủ trương cho xây dựng lại ngôi bảo tháp 13 tầng, cao 63m, dự kiến sẽ tôn thờ trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Theo tôi, đây là việc làm có ý nghĩa lớn, một công trình văn hóa - tâm linh không chỉ của Phật giáo TP.HCM mà còn của cả nước. 

Cùng dòng hồi tưởng về quá trình phát triển của Phật giáo TP.HCM, đồng thời gửi gắm trách nhiệm với thế hệ kế thừa, HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó BTS GHPGVN TP.HCM chia sẻ: HTThienTam

- Tôi về TP.HCM năm 1979, lúc bấy giờ đương nhiệm Phó Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM. Sau khi GHPGVN được thành lập vào năm 1981, thì Thành hội Phật giáo TP.HCM ra mắt ngày 4-6-1982, gồm 17 quận huyện trực thuộc, tôi được phân công làm Chánh Thư ký BTS nhiệm kỳ đầu. Có thể nói bước đầu có những khó khăn, vì hầu hết các vị tham gia trong BTS khóa đầu có người có kinh nghiệm, có người chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu được hướng đi rõ ràng khi Giáo hội đề ra, nhưng qua thời gian hoạt động nhìn chung thuận lợi, ít khó khăn.

Người gây ấn tượng trong những ngày đầu tham gia Thành hội đối với tôi đó là HT.Thích Thiện Hào, ngài để lại tấm gương rất lớn về làm Phật sự. Hòa thượng lớn tuổi nhưng hàng ngày luôn đến văn phòng làm việc. Nhờ đức độ của ngài, nên anh em cũng noi gương, như tôi dù ở chùa xa, nhưng ngày nào cũng về Văn phòng - chùa Ấn Quang trực. Trong các buổi họp giao ban hàng tuần, tất cả các thành viên Ban Thường trực đều tham dự, Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh ở xa nhưng ngài vẫn đến tham dự và chỉ đạo công việc Phật sự, vì vậy các Phật sự đều thể hiện được sự đoàn kết, nhiệt tâm, ai cũng hoàn thành trách nhiệm được giao. 

Trải qua 8 nhiệm kỳ tham gia xuyên suốt, tôi thấy trước hết là sự phát triển về số lượng Tăng Ni ngày càng đông, cơ sở tự viện ngày càng được xây dựng, trùng tu; các chùa tổ chức lễ lạt đều trang trọng. Ngoài ra còn có những đại lễ, hội nghị mang tầm quốc tế như 2 Đại lễ Vesak được tổ chức ở nước ta, có nhiều đoàn Phật giáo Việt Nam đi tham dự các hội nghị ở các nước trên thế giới, trong đó có sự góp phần của Phật giáo TP.HCM. Trình độ chư Tăng được đào tạo chính quy phát triển hơn so với trước, công tác từ thiện xã hội cũng đóng góp cho xã hội, tạo dấu ấn cho Phật giáo TP.

Từ thành tựu, tôi nghĩ tới vai trò lãnh đạo của các vị trong Thường trực BTS hết sức quan trọng - là bộ não, là trí tuệ tập thể - nếu không có trí tuệ tập thể phù hợp với xu thế phát triển thì sẽ làm cho Giáo hội suy yếu. Nên khi Tăng Ni tham gia vào BTS phải có những tiêu chuẩn nhất định, đương nhiên trẻ hóa, nhưng tôn trọng sự kế thừa; đặc biệt phải tôn trọng Hiến chương Giáo hội, nội quy hoạt động của TƯGH đề ra, thể hiện ý chí lãnh đạo chung. 

Tôi còn được Ban Thường trực BTS phân công làm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN TP, và trong nhiệm kỳ qua cũng như các ban trực thuộc khác đều có những đóng góp trong hoạt động Phật sự cho Phật giáo TP, cũng như đóng góp hoạt động quốc tế của Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư. Một trong những hoạt động nổi bật là tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân và tham gia tích cực và cụ thể vào các hoạt động khác trên nhiều lĩnh vực như: hoạt động trong các hội hữu nghị và hợp tác của các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan… Nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN TP đã thực hiện khá tốt các chương trình đã đề ra, đóng góp vào thành tựu chung của Phật giáo TP. 

TP.HCM là TP rất quan trọng, đặc biệt Phật giáo có số lượng Tăng Ni đông, tự viện nhiều, bề dày hoạt động Phật sự có quá trình, đóng góp cho Giáo hội. Cho nên, nhiệm kỳ tới, tôi kỳ vọng Phật giáo TP có những thay đổi tích cực để thúc đẩy hoạt động Phật sự tốt hơn. Vì đây là TP quan trọng nên lãnh đạo Phật giáo TP cần cân nhắc, trao đổi kỹ lưỡng để làm sao cơ cấu lực lượng Tăng Ni kế thừa có đạo lực, tài năng gánh vác hoạt động Phật sự, theo kịp xu thế phát triển của Giáo hội trong tinh thần đoàn kết giữa các hệ phái, tổ chức Phật giáo.

Riêng, Phật giáo Nam tông Kinh tại TP.HCM trong xu thế phát triển chung của Phật giáo TP.HCM đã hoạt động nhịp nhàng, hài hòa với tất cả các hệ phái trong Phật giáo từ nhiệm kỳ I đến nay. Theo đó, Phật giáo Nam tông Kinh tại TP.HCM hiện có 22 chùa với 124 vị Tăng và 88 Tu nữ, có nhiều vị tham gia tích cực trong hoạt động của Giáo hội; cơ sở, tự viện được phát triển, ngày càng khang trang; tinh thần đoàn kết hòa hợp với các hệ phái vẫn được duy trì tốt đẹp. Nhiều vị giáo phẩm của Hệ phái, với vai trò, cương vị của mình tại các quận, huyện đã có nhiều đóng góp tích cực trong các Phật sự như giáo dục, từ thiện xã hội, hoằng pháp...

Nguồn: giacngo.vn