Phật giáo và vấn đề hoằng pháp

Phat-chuyenphapluan-1Sự phát triển của Phật giáo luôn gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật liền nghĩ đến vấn đề hoằng pháp cho thế gian. Vấn đề khế lý và khế cơ cũng đã được Ngài cân nhắc trong buổi đầu của quá trình hoằng pháp. Đầu tiên, Ngài đi đến vườn Lộc Uyển thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, độ cho nhóm năm anh em ông Kiều Trần Như; sau đó lại độ cho nhóm 5 người bạn của Tôn giả Da Xá. Rồi lại độ tiếp 50 người bạn trứ danh khác của Tôn giả Da Xá xuất gia theo Phật giáo. Từ đó, trên thế gian đã hình thành một Tăng đoàn thánh thiện gồm 60 vị A-la-hán. Ngài khuyến khích các vị đệ tử đầu tiên của mình: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh” (Tương Ưng I. 128).

Từ thuở ban sơ ấy cho đến suốt 45 năm sau, Phật cùng chư đệ tử du hành khắp vùng Bắc Ấn Độ, tuyên dương giáo pháp làm lợi lạc cho mọi người và chúng sanh hữu duyên. Sau khi Phật diệt độ, các vị đại đệ tử lại tiếp nối sứ mạng hoằng truyền chánh pháp ra toàn Ấn Độ. Đến thời vua Asoka, khoảng 200 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, Phật giáo đã lan ra khỏi biên giới Ấn Độ qua các quốc gia xung quanh. Đến hôm nay thì Phật giáo đã có mặt trên toàn thế giới.

I. ĐỊNH NGHĨA

Hoằng pháp có nghĩa là truyền bá rộng rãi giáo pháp của đức Phật cho tất cả chúng sanh, đặc biệt là con người. Bởi con người mới có khả năng tiếp nhận cũng như hành trì Phật pháp một cách trọn vẹn. Chính sự khổ đau do vô thường sinh diệt xuất hiện quá phổ biến của cõi nhân sinh khiến con người dễ tiếp nhận giáo pháp giải thoát của Phật. Chư thiên và các chúng sanh khác trong lục đạo luân hồi cũng là những đối tượng giáo hóa của Phật nhưng vì những nguyên nhân đặc thù khiến họ khó tiếp cận và thực hành giáo pháp hơn.

Chúng sanh từ vô lượng kiếp bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi lại không biết cách thoát ly chính là nổi khổ lớn nhất. Sự xuất hiện của Phật giáo không phải vì niềm vui tương đối ở cõi nhân thiên mà chính là sự an lạc vĩnh hằng ra khỏi sanh tử. Do vậy, hoằng pháp là truyền rộng giáo pháp đưa đến khả năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử cho chúng sanh. Giáo pháp hay chánh pháp có thể khiến con người được “Nhất hướng, nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” mới là cốt tủy của hoằng pháp.

Hoằng pháp là một phạm trù rất lớn, cũng là sứ mạng thiêng liêng cao quý của những người Phật tử. Đức Phật chính là một tấm gương vĩ đại về khả năng hoằng pháp cho các đệ tử noi theo. Từ xưa đến nay có biết bao thế hệ người con Phật theo gương của Ngài ra sức truyền bá chánh pháp khắp muôn phương, làm lợi lạc chúng sanh. Hoằng pháp có thể dùng vô số phương tiện để đem ánh sáng giác ngộ đến với mọi người. Giảng pháp hay nói pháp chỉ là một trong những phương thức thù thắng của hoằng pháp mà thôi.

II. MỤC ĐÍCH HOẰNG PHÁP

a/ Đem lại hạnh phúc cho mọi người

Đức Phật từng tuyên bố: “Ngài là một vị hữu tình không có si ám. Sinh ra đời vì mục đích an vui cho chúng sanh. Vì lòng thương tưởng cho đời. Vì hạnh phúc, lợi ích, an vui cho chư thiên và nhân loại”. Do vậy sứ mạng của hoằng pháp là đem lại niềm hạnh phúc an vui cho cuộc đời. Con người bị chi phối bởi vô minh và vô số phiền não khác như tham, sân, mạn, nghi, ác kiến… nên lúc nào cũng thấy đau khổ. Giáo pháp của Phật chính là những phương thuốc mầu nhiệm chữa lành các căn bệnh phiền não cho con người. Phật giáo dạy chúng ta biết cách sống an vui ngay trong cõi đời nầy và đời sau. Người học theo giáo pháp biết hiếu thuận với cha mẹ, quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, tu tập thập thiện, tin nhân quả nghiệp báo và có trí tuệ… Tuy chưa phải là mục tiêu an lạc tuyệt đối mà Phật giáo hướng đến nhưng cũng đạt được nhiều hạnh phúc an vui ngay trong cõi đời vô thường sinh diệt nầy. Phật giáo chính là nghệ thuật sống an vui trong đời sống thường nhật. Người hiểu biết và thực hành giáo pháp có thể biến thế giới ta-bà thành tịnh độ, thực hiện lý tưởng nhân gian tịnh độ vậy.

b/ Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc

Mục đích tối hậu của hoằng pháp là chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. Cái khổ lớn nhất của con người nói riêng và chúng sanh là nổi khổ sanh tử. Chính vì vô minh nên chúng sanh bị nghiệp lôi kéo trong sanh tử từ vô lượng kiếp đến giờ. Đức Phật cũng phải ngậm ngùi:

“Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà nầy

Khổ thay phải tái sanh”

(Pháp Cú 153)

Thật vậy, khổ sanh tử luân hồi rất đáng sợ. Từ xưa đến nay rất nhiều tôn giáo ra đời giải quyết vấn đề nầy nhưng không ai thành công ngoài Phật giáo. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài giáo hóa tùy theo căn cơ trình độ của mọi người. Có lúc Ngài chỉ nói đạo đức làm người thông thường, hoặc nói giáo pháp nhân thiên. Nhưng Phật không bao giờ dừng lại nơi đó mà luôn hướng mọi người đến giáo lý ly dục giải thoát. Trong kinh Pháp Hoa có ghi: Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh. Bởi thế, sứ mạng của đạo Phật là trao truyền ánh sáng giác ngộ để chúng sanh ra khỏi sanh tử hưởng niềm vui Niết-bàn. Phật giáo tuy dùng nhiều pháp môn phương tiện tu hành cao thấp khác nhau nhưng cứu cánh vẫn là mục tiêu giải thoát sanh tử. Người làm công tác hoằng pháp phải luôn nhớ mục tiêu giải thoát sanh tử của mình trong việc tu hành cũng như giáo hóa để tránh làm sai lệch mục tiêu ban đầu của Thế Tôn.

III. NỘI DUNG HOẰNG PHÁP

Lịch sử truyền bá Phật giáo gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Đức Phật đi giáo hóa khắp miền Bắc Ấn Độ. Ngài cũng khuyến khích các đệ tử của mình ra đi khắp nơi để hoằng truyền chánh pháp. Nhờ sự tích cực hoằng pháp của Phật và chư đệ tử mà giáo pháp giải thoát của Phật đã lan xa khỏi biên giới Ấn Độ ra các quốc gia xung quanh. Đến nay, Phật giáo đã có mặt ở khắp thế giới. Nội dung giáo hóa của Phật và chư đệ tử của Phật cực kỳ đa dạng nhưng cũng không ngoài mục tiêu đoạn trừ đau khổ cho chúng sanh, đem lại niềm vui cho thế giới muôn loài. Phật dạy rằng trong suốt 45 năm giáo hóa, Ngài nói không ngoài hai điều là khổ và sự đoạn trừ đau khổ. Những lời Phật dạy được lưu lại trong ba tạng Kinh, Luật, Luận, có thể được chia làm 5 cấp độ từ thấp đến cao, mà ta gọi là Ngũ thừa Phật giáo.

a/ Nhân thừa: Giáo lý sơ cơ cho người mới tiếp cận Phật giáo. Bằng cách dạy người lánh ác làm lành, quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới cấm, sống đời đạo đức nhằm mục đích sống an lạc trong hiện tại và đời sau đảm bảo không mất thân người.

b/ Thiên thừa: Giáo lý tu tập để được sanh lên các cõi trời hưởng phước báo thù thắng. Người tu muốn sanh thiên phải tu mười nghiệp lành, tức giữ ba nghiệp thân khẩu ý cho trong sạch là nhân để sanh thiên.

c/ Thanh Văn thừa: Giáo lý Tứ đế là cốt lõi của Thanh Văn thừa. Người tu phải giác ngộ bốn chân lý cao thượng là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đây là nhân để thành tựu quả vị A-la-hán, chấm dứt sanh tử.

d/ Duyên Giác thừa: Thập nhị nhân duyên là giáo lý căn bản của Duyên Giác thừa. Hành giả phải quán sát 12 nhân duyên từ vô minh đến lão, tử để phát huy trí tuệ chặt đứt nghiệp sanh tử, thành tựu Bích Chi Phật.

e/ Bồ Tát thừa: Con đường đi đến Phật quả của Bồ-tát. Hành giả phải phát bồ-đề tâm, tu tập Lục độ vạn hạnh trong vô lượng kiếp cho đến viên thành Phật quả mới thôi.

IV. CHỦ THỂ HOẰNG PHÁP

Chủ thể hoằng pháp là người đứng ra chịu trách nhiệm hoằng truyền giáo pháp Phật-đà. Đạo Phật có tinh thần tự độ độ tha, tự giác giác tha cho nên người đệ tử Phật ngoài việc tu tập giải thoát cho chính mình còn phải có bổn phận giác ngộ cho mọi người. Hoằng pháp là trách nhiệm cao cả của người học phật. Tăng Ni, cư sĩ đều có trách nhiệm hoằng pháp hay ôm ấp chí nguyện hoằng pháp để đền ơn Tam Bảo. Tuy nhiên, công việc hoằng pháp là một trách nhiệm nặng nề và hết sức khó khăn, không phải ai cũng khả năng làm nổi. Chính đức Phật là bậc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn phải gặp vô vàn khó khăn trên bước đường hoằng dương chánh pháp của mình. Nào là ngoại đạo, thiên ma, những người độc ác lúc nào cũng đe dọa công việc hoằng pháp của Ngài. Phật ví mình như con voi chiến giữa lằn tên mũi đạn:

Ta như voi giữa trận

Hứng chịu cung tên rơi

Chịu đựng mọi phỉ báng

Ác giới rất nhiều người”

(Pháp Cú 320)

Từ xưa đến nay có biết bao vị cổ đức phải vượt qua muôn vàn khó khăn để thực hiện sứ mạng hoằng pháp của mình. Phật giáo mỗi khi truyền qua vùng đất mới phải chịu nhiều thử thách cam go của văn hóa, phong tục, con người, tôn giáo bản địa và nhiều yếu tố bất thuận lợi khác nữa. Nhưng tất cả những khó khăn trên con đường hoằng pháp đều không cản nổi những bước chân của các nhà sư Phật giáo. Các Ngài bằng sự chứng ngộ giáo pháp, thâm hiểu giáo lý, lòng kiên trì và từ bi vô hạn nên cuối cùng đã thành công đem ánh sáng Phật-đà trải khắp muôn phương. Thế nên, muốn thành tựu sự nghiệp hoằng pháp, người đệ tử Phật phải trang bị cho mình những yếu tố cơ bản sau:

a/ Hành pháp và chứng pháp: Người làm công tác hoằng pháp không thể nói suông mà khiến người tin phục và hành theo. Mình có nói pháp hay thế nào đi nữa nhưng không hành thì cũng giống như cái bị sách mà thôi. Hay như người đếm châu ngọc cho người nhưng chính bản thân mình là kẻ nghèo cùng. Chính sự “năng thuyết bất năng hành”, “thuyết thông mà tâm không thông” thì trước sau gì cũng gây khó khăn cho người nói. Đức Phật ung dung tự tại giữa cuộc đời, giữa bất cứ hội chúng nào, hay đối diện với bất cứ thế lực nào đều không sợ hãi. Bởi vì Ngài đã chứng được Tứ vô sở úy.

Thật vậy, người hoằng truyền chánh pháp phải là người tiên phong trong việc thực hành và chứng ngộ giáo pháp. Phải “tri hành hợp nhất”, “hạnh giải tương ưng” thì mới khiến người khác tin phục hành theo. Chính tấm gương đức hạnh và sự chứng ngộ giáo pháp có sức cảm hóa con người mạnh hơn vạn lời nói.

b/ Thông hiểu Phật pháp và các môn ngoại minh: Đây là một yếu tố cơ bản không thể thiếu đối với người hoằng pháp. Người làm công tác hoằng pháp phải thông rành tam tạng kinh điển hay ít nhất phải chuyên sâu một bộ phận kinh điển của Phật, điều nầy gọi là nội minh trong Phật giáo. Có thông hiểu chánh pháp mới có thể truyền đạt những giáo lý giải thoát của Phật cho người mà không bị sai lệch. Ngoài ra, người đứng ra lãnh trách nhiệm hoằng pháp phải thông thạo nhiều kiến thức xã hội khác để hỗ trợ cho việc hoằng pháp. Trong lịch sử Phật giáo, những vị đại sư hoằng pháp nổi tiếng đều là những vị có thế học cũng như Phật học cực kỳ uyên thâm. Các vị như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang… đều là những bậc long tượng trong việc truyền bá chánh pháp, làm cho Phật giáo trở nên hưng thịnh và sáng chói một thời. Theo như các vị đại sư Phật giáo, một người hoằng pháp lý tưởng phải thông hiểu Ngũ minh:

Nội minh: Am hiểu ba tạng kinh điển của Phật giáo.

Nhân minh: Thông rành môn luận lý học, hay phương pháp lý luận.

Thanh minh: Thông thạo ngôn ngữ học đặc biệt là ngoại ngữ.

Công xảo minh: Có kiến thức về nhiều ngành nghề trong xã hội.

Y phương minh: Hiểu biết về nghề thuốc và chữa các loại bệnh tật.

c/ Có nghiệp vụ sư phạm và sáng tạo: Hoằng pháp có thể dùng tất cả phương pháp để truyền bá Phật pháp. Một trong những phương pháp thù thắng nhất trong hoằng pháp là thuyết giảng Phật pháp. Chính đức Phật cũng tán thán phương pháp nầy mà Ngài gọi là Thần thông giáo hóa. Dùng lời thuyết giảng để giáo hóa người tuy thuận lợi nhưng không dễ. Người thuyết giảng Phật pháp phải có nghiệp vụ sư phạm và sáng tạo, tức là hiểu biết tâm lý, trình độ người nghe, nói đúng thời, đúng chỗ và ngôn ngữ phù hợp mới có tác dụng. Người giảng sư, pháp sư muốn thành công trong công tác giảng dạy phải nắm vững 4 nguyên tắc vàng là khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ. Do vậy, giảng thuyết là một nghệ thuật mà không phải ai cũng thành công. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật đưa ra 5 quy tắc phải có của vị giảng sư:

1. Thuyết pháp tuần tự: Thuyết theo thứ tự từ thấp đến cao, không bỏ sót lý kinh, không đi lạc đề.

2. Thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp: Dùng những lý lẽ dễ hiểu, dễ nhận thức, để giúp người nghe lãnh hội được pháp.

3. Thuyết pháp vì lòng từ mẫn: Có tâm bác ái, giúp cho người nghe có được sự lợi ích.

4. Thuyết pháp không phải vì tài vật: Không chú tâm đến lợi lộc, chỉ mong cho người nghe được thoát khổ.

5. Không làm thương tổn đến mình và người khác: Không khen tặng mình chê bai người khác.

Theo đức Phật, một vị truyền bá chánh pháp lý tưởng phải có tám đức sau: Ðức lắng nghe, đức thuyết phục người khác lắng nghe, đức học hỏi, đức ghi nhớ, đức nhận thức sáng suốt, đức giúp người khác nhận thức sáng suốt, đức phân minh sự thích hợp hay không thích hợp, đức hòa mình và tạo an lạc cho tha nhân. Và người giảng sư khi trước hội chúng phải có sự tự tin về ngôn ngữ, pháp lý hay không e sợ bất cứ sự chất vấn nào thì mới là vị giảng sư giỏi.

"Trước hội chúng đông người,

Không ấp úng giọng nói,

Không ngập ngừng do dự,

Không mất dòng mạch lạc,

Diễn bày rõ pháp môn.

Lời tự tin, cả quyết,

Không một chất vấn nào

Có thể gây não loạn.

Vị Tỳ-kheo như vậy

Thật xứng đáng là người

Làm sứ mệnh giáo hóa"

(Anguttara-Nikàya)

d/ Tinh thần dõng mãnh không ngại khó khăn: Một vị giảng sư trang bị cho mình đầy đủ các yếu tố cần thiết bên trên, nhưng nếu không có tâm tha thiết vì chúng sanh, không có tinh thần dõng mãnh, e sợ khó khăn gian khổ thì cũng khó biến lý tưởng độ sanh của mình thành hiện thực. Chính tinh thần tha thiết vì lợi ích chúng sanh, muốn cho mọi người hết khổ làm động cơ sức mạnh tinh thần để người làm công tác hoằng pháp vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Người hoằng pháp không phải sống trong tháp ngà đợi người đến mà bản thân mình phải trực tiếp dấn thân tìm cơ duyên hóa độ. Phải phát nguyện hiến mình cho Phật pháp, nơi nào chúng sanh cần thì đến, nơi nào Phật pháp cần thì đi, không ngại gian lao, không nề khó nhọc. Người làm công tác hoằng pháp phải học tinh thần dõng mãnh độ sanh của ngài Phú Lâu Na thì mới có thể thành công trên bước đường hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

V. ĐỐI TƯỢNG HOẰNG PHÁP

Đối tượng hoằng pháp là tất cả chúng sanh đau khổ. Nhưng trong giáo pháp của Phật, đối tượng cần giáo hóa nhất vẫn là con người. Con người tuy bị chi phối bởi rất nhiều khổ đau từ thân, tâm đến hoàn cảnh nhưng họ là đối tượng có thể hiểu và thực hành Phật pháp. Con người dù ở bất cứ thời đại nào, hay ở bất cứ vùng đất nào đều đau khổ như nhau. Sự si mê, lòng ham muốn, chấp thủ là nguyên nhân sâu xa của mọi sự bất an, lo sợ, phiền não, khổ đau. Mặt khác cũng do lòng tham ái ngũ dục của con người quá mãnh liệt khiến họ khó hiểu niềm vui ly dục, giải thoát, Niết-bàn. Bởi đạo Phật là đạo đi ngược dòng đời, đi ngược dòng tham ái của thế gian. Bản thân đức Phật sau khi thành đạo còn cảm thấy khó khăn về việc công bố giáo pháp vi diệu ngược dòng đời, khó thấy, khó biết nầy cho chúng sanh. Nhưng nếu dùng nhiều phương tiện thiện xảo và khéo léo trong giáo hóa tùy theo căn cơ của mỗi người thì cũng có thể hướng dẫn họ vào đạo. Do đó, người làm công tác hoằng pháp phải là bậc thầy trong việc hiểu biết tâm lý và căn cơ của nhiều hạng người trong xã hội.

Giáo pháp chỉ thật sự ích lợi đối với người đương cơ, tức là phải phù hợp với căn cơ trình độ của người nghe. Thuyết pháp một cách khế cơ là một việc cực kỳ khó khăn đối với mỗi vị giảng sư xưa nay. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố nghệ thuật cũng như kinh nghiệm tu chứng, thế học, Phật học uyên thâm… Đức Phật là vị Vô Thượng Y Vương trong việc hoằng pháp khế cơ mà vô số thế hệ đệ tử học tập hành theo. Người hoằng pháp cũng giống như làm dâu trăm họ, bởi ta phải tiếp xúc với rất nhiều hạng người, nào là Tăng Ni, Phật tử, người bình dân, người trí thức, người già, trẻ em, người thuộc tôn giáo khác… Mỗi hạng người khi tiếp xúc, ta phải khiến họ hài lòng tin đạo hay có ấn tượng tốt về đạo Phật.

Mỗi hạng người đều có tâm tư, ước muốn, tình cảm, trình độ hiểu biết hoàn toàn khác nhau nên cách giảng đạo cho họ cũng phải khác nhau, giảng cho người bình dân phải khác với người trí thức. Người bình dân ta không thể dùng quá nhiều thuật ngữ hay những tư tưởng triết học thâm sâu của Phật giáo giảng cho họ, bởi vì với tâm hồn chất phác và trình độ phổ thông thì họ sẽ không hiểu ta nói gì. Ta có thể dùng những câu chuyện đạo đức Phật giáo rồi lồng vào đó những giáo lý nhân quả, tội phước… thì có thể cảm hóa được họ. Theo đức Phật, mỗi khi giảng pháp cho hội chúng đông đảo nhiều trình độ, Ngài thường thuyết pháp theo kiểu tuần tự từ thấp đến cao. Đầu tiên, Ngài nói về lợi ích của sự bố thí, cúng dường; công đức xây cất tinh xá đạo tràng; sự an vui ở các cõi trời; công đức thù thắng của quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới; sự nguy hiểm của dục lạc và lợi ích của xuất ly. Sau khi thấy người nghe đã thuần thục, Ngài mới nói những giáo pháp cao thượng là Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo…

Kinh nghiệm thuyết pháp của Phật vẫn luôn là những bài học vô giá về nghệ thuật hoằng pháp. Ngài thuyết giảng cho người đang đói khát và mệt lả, tha thiết muốn học pháp nhưng chỉ sau khi người ấy đã được cho ăn uống và nghỉ ngơi. Ðối với một phụ nữ bị quẩn trí vì buồn đau trước cảnh mất đứa con duy nhất, Ngài không vội phân tích liền tính vô thường của cuộc sống, mà dùng một phương pháp đơn giản để người mẹ đau khổ ấy bình tâm tỉnh trí nhận ra quy luật sống chết của kiếp nhân sinh. Người làm công tác hoằng pháp chúng ta hôm nay tuy không có khả năng thấu hiểu căn cơ trình độ con người như đức Phật và các bậc đại sư nổi danh Phật giáo, nhưng với tấm lòng tha thiết vì đạo Phật, con người và chúng sanh thì ít nhiều chúng ta cũng làm lợi lạc cho đời và trao dồi khả năng hoằng pháp của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn.

VI. PHƯƠNG THỨC HOẰNG PHÁP

Như đã nói ở phần định nghĩa, hoằng pháp có nghĩa rộng hơn giảng pháp. Giảng pháp chỉ là một phương thức của hoằng pháp. Hoằng pháp có thể dùng nhiều phương thức khác nhau để hướng dẫn chúng sanh đến với đạo Phật. Mỗi người đệ tử của Phật có nhân duyên với chúng sanh khác nhau nên cách họ giáo hóa cũng khác nhau. Có người hoằng pháp bằng đời sống phạm hạnh gương mẫu; có người giảng kinh thuyết pháp; có người rải tâm từ đến chúng sanh; có người truyền bá giáo pháp bằng cách biên soạn dịch thuật; có người dùng điêu khắc, văn học, hội họa, âm nhạc để hoằng pháp… Người làm công tác hoằng pháp nên ứng dụng các phương thức hoằng pháp một cách linh hoạt tùy theo khuynh hướng và khả năng của mình để lợi lạc chúng sanh.

a/ Tứ giáo: Tứ giáo là thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, cảnh giáo. Người làm công tác hoằng pháp cũng là nhà giáo dục Phật giáo. Chúng ta muốn truyền bá chánh pháp hữu hiệu đến với mọi người phải thì phải thông qua một trong 4 cách giáo hóa trên. Trước tiên là thân giáo. Thân giáo là lấy thân làm phương thức giáo hóa. Người tu hành có giới hạnh trang nghiêm, tự thân chứng giáo pháp, có thiền định, trí tuệ, giải thoát thì bản thân họ toát ra một phong cách phạm hạnh rất đặc biệt. Chính phong cách phạm hạnh giải thoát có sức mạnh cảm hóa rất lớn đối với mọi người. Tôn giả Xá Lợi Phất, một nhà biện luận nổi danh thời bấy giờ, chỉ nhìn phong cách đi trì bình khất thực với phong thái trang nghiêm, thanh tịnh của Tôn giả Asaji mà được cảm hóa. Nhà hoằng pháp nên làm tấm gương tốt, phạm hạnh trang nghiêm để khiến mọi người cảm mến. Từ cảm mến họ mới đến gần, nghe pháp để được an lạc giải thoát. Tất cả cũng bắt đầu từ thân giáo mà ra. Do vậy, thân giáo là một trong những phương thức quan trọng của hoằng pháp. Thứ đến là khẩu giáo, tức là giáo hóa bằng lời nói. Giáo hóa bằng lời rất đa dạng và cũng là một phương thức thù thắng của hoằng pháp. Chúng ta có thể giảng kinh, thuyết pháp để khuyến giáo người giác ngộ, hoặc có thể dùng phương thức đàm luận để khiến người sáng tâm tỏ trí, hoặc có thể dùng hình thức tụng kinh, niệm Phật để thức tỉnh người mê. Tiếng tụng kinh trầm hùng cùng với tiếng chuông, tiếng mõ ở chùa cũng là một phương thức tốt để thức tỉnh con người đang lạc lối nơi hồng trần trở về nẻo giác. Tiếp theo là ý giáo, dùng ý nghĩ cảm hóa chúng sanh. Một người có tâm niệm hận thù, độc ác, bất an khiến người khác sợ hãi xa lánh bao nhiêu; ngược lại người có tâm từ bi rải đến chúng sanh thì khiến mọi người cảm thấy an lành và gần gũi bấy nhiêu. Người đệ tử Phật nên nuôi dưỡng tâm từ và hướng đến đối tượng là chúng sanh. Người có tâm từ sẽ được chúng sanh cảm mến và đến gần. Từ đó, ta có nhiều cơ hội để giáo hóa họ. Một vị thánh trú ở nơi nào thì vùng đất ấy rất an lành, tốt đẹp. Đó là nhờ tâm từ của vị ấy tỏa ra xung quanh nên mới được như vậy. Người cư ngụ nơi rừng núi nếu rải tâm từ đến mọi chúng sanh xung quanh thì sẽ được an toàn không sợ mọi rắn rít, độc xà hay thú dữ làm hại. Cuối cùng là cảnh giáo. Cảnh giáo tức là phong cảnh nơi chùa chiền, tịnh xá, chốn thiền môn phải có sức thu hút cảm hóa con người. Chúng ta, người đệ tử của Phật nên tạo phong cảnh nơi chốn tu hành của mình cho thật trang nghiêm, an tịnh và giải thoát. Cửa thiền còn gọi là cửa không, chốn A-lan-nhã, là nơi vắng bóng của mọi phiền não, tranh chấp, khổ đau, ồn ào náo nhiệt. Du khách hay Phật tử khi đến chốn thiền môn với cây xanh bóng mát, và gặp được những nhà tu hành thoát tục họ sẽ cảm thấy tâm hồn mình trở nên yên tĩnh, mọi phiền não lo toan như bỏ lại bên ngoài cổng chùa. Có làm được như thế là chúng ta đã tạo nên ngôi nhà tâm linh giải thoát ngay giữa cảnh đời đầy tục lụy, làm chỗ nương tựa và bình an cho bá tánh quanh vùng.

b/ Biên soạn và dịch thuật: Một khía cạnh quan trọng khác của hoằng pháp là biên soạn và dịch thuật các kinh điển hay tài liệu Phật giáo. Lời kinh tiếng kệ do giảng sư thuyết giảng cho thính chúng chỉ còn tồn động chút ít trong tâm hồn họ. Trái lại một quyển kinh hay một quyển sách Phật giáo làm sách gối đầu giường có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhờ thế Phật tử có thể chiêm nghiệm, thẩm thấu và thực tập giáo lý của Phật dễ dàng hơn. Một quyển kinh sách có giá trị sẽ có ảnh hưởng lớn đối với nhiều người và nhiều vùng đất khác nhau. Ngày nay một tác phẩm Phật giáo có thể được xuất bản trên toàn thế giới. Xuất bản kinh sách và ấn tống kinh sách là một phương thức hoằng pháp quan trọng không thể thiếu trong thời đại ngày nay.

c/ Văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc: Ngoài những phương thức trên, các nhà hoằng pháp Phật giáo xưa nay còn sử dụng các loại hình nghệ thuật khác trong hoằng pháp như âm nhạc, hội họa, văn học, điêu khắc… Các loại hình nghệ thuật nầy tuy không trực tiếp xiển dương giáo lý giải thoát của Phật nhưng cũng gây nên cảm xúc, tình cảm tốt đẹp về đạo Phật cho mọi người, khiến chúng sanh gieo duyên lành với Tam bảo. Những ngôi chùa cổ kính; những bức phù điêu; những bức tranh tượng Phật, Bồ-tát, La-hán; những ngôi tháp cổ; những hang động mang dấu ấn Phật giáo luôn khiến cho con người hoài niệm về một đời sống tâm linh cao đẹp. Một tác phẩm âm nhạc ca ngợi về cuộc đời đức Phật và chư Thánh chúng cũng có sức truyền tải tư tưởng từ bi, trí tuệ, giải thoát của Phật giáo đến tâm hồn mọi người. Những áng thơ văn lồng tư tưởng Phật giáo cũng khiến cho con người hiểu được những tư tưởng cao quý của Phật giáo. Ngôi chùa chính là một tổng thể của các loại hình nghệ thuật Phật giáo và có vai trò hoằng pháp rất quan trọng đối với dân chúng quanh vùng.

d/ Các phương thức hoằng pháp hiện đại: Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người hoằng pháp có thêm nhiều công cụ để phổ biến chánh pháp sâu rộng hơn. Nhờ sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông hiện đại như báo chí, phát thanh, truyền hình, internet mà giáo lý của Phật có thể truyền thông đến mọi nơi trên thế giới. Vả lại việc hoằng pháp hôm nay đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều. Người hoằng pháp ở một chỗ cũng có thể truyền bá giáo pháp đến mọi người thông qua mạng internet. Người học Phật cũng có thể dễ dàng tìm hiểu Phật pháp, nghe pháp qua mạng internet. Trên internet có rất nhiều website Phật học, các diễn đàn Phật pháp nhiều ngôn ngữ phục vụ cho nhu cầu học Phật cũng như nghe pháp của mọi người trên toàn thế giới. Quý Tăng Ni có thể ghi âm, ghi hình bài giảng của mình vào băng cassette, dĩa CD, hay đưa trực tiếp lên mạng internet để phổ biến cho Phật tử. Tóm lại, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, Phật pháp không còn quá xa lạ đối với mọi người. Điều cần thiết là chúng ta phải biến những giáo lý của Phật thành lẽ sống hằng ngày để đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho mình cho người và tất cả chúng sanh.