Phát hiện một thành phố cổ tại Campuchia

Một thành phố thời Trung Cổ ẩn mình trong khu rừng rậm dọc theo sườn núi quanh năm sương mù bao phủ, phía tây bắc Campuchia đã bị lãng quên 1200 năm nay vừa mới được phát hiện. Thành phố này có tên là Mahendraparvata có nghĩa là “nơi ngự trị của thần linh”, cách Angkor Wat 40km về phía tây.

 

Đoàn thám hiểm khảo cổ giàu kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn của Damian Evans, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ Đại Học Sydney ở Campuchia và Jean-Baptiste Chevance, Giám đốc Tổ chức Phát triển và Khảo cổ Luân Đôn đã tuyên bố phát hiện di tích này và chương trình làm việc trong giai đoạn đầu vào hồi tháng 6 năm nay.

Tờ Sydney Morning Heral cho biết các nhà khảo cổ đã sử dụng thiết bị kỹ thuật Lidar, một thiết bị laser hiện đại khảo sát dò tìm từ trên không trong việc thám hiểm vùng núi Phnom Kulen. Đây là loại thiết bị hiện đại hữu hiệu cho việc khám phá khảo cổ ngày nay. Năm 2009, thiết bị này cũng đã giúp khám phá ra hệ thống ruộng bậc thang có mặt từ lâu đời ở thành phố Mayan thuộc Caracol và cuộc thám hiểm gần đây ở Stonehenge được tường trình trên Tờ The Age của Úc châu.

Đoàn khảo cổ cho rằng thành phố Mahendraparvata được hình thành vào khoảng năm 802AD, thuộc triều đại Jayavarman II, thời kỳ đế chế Khmer. Mahendraparvata là một trong ba thủ phủ của triều đại này. Hai thủ phủ khác là AmarendrapuraHariharalaya.

Năm 1936, cuộc thám hiểm người pháp Philippe Sterm, một nhà sử học nghệ thuật và cũng là một nhà khảo cổ nổi tiếng đã khám phá vùng cao nguyên Phnom Kulen. Ông tìm thấy nhiều đền đài bỏ hoang và nhiều tượng thần Visnu. Điều này chứng tỏ ngọn núi này là nơi linh thiêng, nơi cầu nguyện của dân chúng. Nơi này là nơi bắt nguồn của các con sông chảy xuống phía nam đến Tonle Sap, sau đó vua Jayavarman II dời kinh đô về Hariharalaya và rồi qua đời ở đây vào năm 835AD.

Đoàn sử dụng thiết bị kỹ thuật Lidar đã dò tìm khắp vùng núi Phnom Kulen suốt bảy ngày và thiết lập nên bản đồ của thành phố cổ hoang phế này. Damian Evans, người đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển thiết bị kỹ thuật Lidar nói rằng “Những tấm hình từ Lidar chụp cách đây vài tuần gợi cho chúng tôi có suy nghĩ, “vùng đất này có chút gì không bình thường.” Chúng tôi thấy nhiều khoảng trống trải hoàn toàn không có cây cối.”

“Hệ thống Lidar gạt qua những tán cây rừng, chụp lại toàn bộ một công trình kiến trúc hoàn hảo bao gồm mạng lưới đền đài, kênh rạch, đê kè và đường xá. Điều đáng ngạc nhiên là trong đống đổ nát kia vẫn còn nhiều đền đài không bị hư hại gì dầu đã trải qua nhiều thế kỷ.”

“Có lẽ những gì chúng ta thấy được không phải là phần trung tâm thành phố cho nên còn rất nhiều việc phải làm để khám phá nền văn minh này chi tiết hơn. Hiện tại vẫn chưa xác định Mahendraparvata rộng lớn bao nhiêu vì thiết bị lưu dữ liệu GPS và kỹ thuật dò tìm Lidar chưa phải là hoàn hảo. Việc nghiên cứu cho đến bây giờ vẫn còn trong phạm vi khoanh vùng, cần có nhiều ngân quỹ đầu tư cho việc khảo sát trên quy mô lớn hơn. Khám phá này có quan hệ mật thiết với xã hội ngày nay.”

Mặc dù có 1.200 người dân sống trong khu vực xung quanh các phế tích vừa được tìm thấy, không ai trong số họ nhận ra họ đã sống ở giữa thành phố cổ. Evans cũng đưa ra giả thiết: “Tại sao thành phố với nền văn minh rực rỡ một thời này lại bị rơi vào quên lãng?”

“Phải chăng do tác động của môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, nạn phá rừng nghiêm trọng khiến nguồn nước không đủ cung cấp hay có lẽ vì nó quá huy hoàng đến mức không thể quản lý nỗi nữa dẫn đến nền văn minh này sụp đổ.” Evans nói với các nhà báo Lindsay Murdoch, phóng viên Đông Nam Á Fairfax, chi nhánh The Age và Sydney Morning Herald.

Tin tức của công trình khảo cổ này sẽ được công bố trên tạp chí Proceedings của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Chuch Phoeun, Thư ký Bộ Văn hoá Campuchia phát biểu với AFP rằng: “Chúng tôi cần phải bảo vệ khu vực này bởi vì đây là nguồn cội văn hoá của chúng tôi.”

Các nhà khảo cổ tại Siem Reap cũng sử dụng kỹ thuật Lidar dò theo các bản đồ mới đã phát hiện tổng thể thành phố Angkor, nơi trước đây chỉ tìm thấy một số đền đài cổ kính. Angkor Wat từng là một thành phố tiền công nghiệp lớn nhất thế giới và được Tổ chức UNESCO công nhận là một trong những kỳ quan của thế giới. Di tích này được vua Suryavarman II kiến tạo vào thế kỷ thứ 12, đó là thời kỳ đỉnh cao của quyền lực và chính trị của đế chế Khmer. Henri Mahout, một nhà thực vật học người Pháp là người Tây phương đầu tiên khám phá ra Angkor Wat vào thập niên 1860, đây được xem là nơi cầu nguyện linh thiêng của người dân địa phương.

(Tổng hợp theo nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh)