Quảng Nam: TT. Giác Hoàng giảng về “Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang” tại khóa tu truyền thống lần thứ 34

Thuộc khuôn khổ khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34, tại TX. Ngọc Cẩm (TP.Hội An), TT. Giác Hoàng - UV HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Trưởng ban Văn hóa TƯGH, Chánh Thư ký Ban Thường trực GPHP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni GĐ.III, Chánh Thư ký khóa tu, đã có buổi giảng chủ đề “Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang” trong ngày thứ 7 của khóa tu – 17/04/2024 (09/03 Giáp Thìn).

Có thể nói, Pháp trau tâm không phải chỉ do Tổ sư Minh Đăng Quang viết nên, hay tự chế tác ra, mà được Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và chư đại Tổ sư từ thời quá khứ đến hiện tại, giảng giải, phân tích. Song, sở dĩ chủ đề của thời pháp thoại là “Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang”, theo TT. Giác Hoàng là vì mong muốn dựa trên nguồn tư liệu của Bộ Chơn lý do chính Tổ sư trướt thuật, từ đó nhấn mạnh cội nguồn của hành giả theo truyền thống Khất sĩ.

Với việc tìm hiểu về cụm từ Pháp trau tâm trên Bộ Chơn lý bằng công nghệ 4.0, TT. Giác Hoàng cho biết, cụm từ “trau tâm” xuất hiện ở 53 đoạn, trong đó có 6 đoạn Tổ sư đã sử dụng cụm từ “trau tâm dồi trí”. Tuy nhiên, ở giới hạn chủ đề buổi pháp thoại, TT. Giác Hoàng nhấn mạnh chỉ đặt trọng tâm vào “trau tâm”. Ngoài ra, với sự tra cứu về tính đồng nghĩa của cụm từ này, như “tu tâm” đã xuất hiện ở 12 đoạn, hay những từ khác như “nuôi tâm”, “trau sửa”, “sửa trau”… tổng cộng có ít nhất 116 đoạn chứa đựng cụm từ này, chưa kể đến những đoạn tuy không chứa các cụm từ ấy, nhưng mang nội hàm về sự “trau tâm” mà Tổ sư muốn đề cập đến, cụ thể như trong bài kinh số 17: Chơn lý – Tâm.

Trong nội dung buổi thuyết giảng, Thượng tọa đã trích 11 đoạn, với 10 đoạn có từ “trau tâm” và 1 đoạn mang ý nghĩa nội hàm của từ này, chia thành bố cục 5 phần:

 

1. Tầm quan trọng của việc trau tâm

Đối với Pháp trau tâm, trích chương Một pháp trong kinh Tăng chi, TT. Giác Hoàng nhắc lại lời dạy của Đức Phật Thích Ca rằng: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại đưa đến lợi ích lớn như tâm được tu tập. Tâm được tu tập, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn”. Đồng thời, ở phẩm này, Đức Thế Tôn cũng đưa ra khía cạnh ngược lại, tức điều gây bất lợi cho lớn cho vị Tỷ-kheo tu tập, đó là pháp không tu tập tâm.

Ở phương diện này, trong Chơn lý – Đi tu, Tổ sư Minh Đăng Quang nói: “Kẻ trí trau tâm chớ chẳng dồi thân. Nói ít mà nên, làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt”. Đồng ý pháp này, trong Chơn lý – Nhập định, Tổ sư nói: “Người có trí nói ít mà nên, nói ít mà hay, làm ít mà nên, ít suy nghĩ mà suy nghĩ phải”. Con người chúng ta hiện diện trên cõi đời với thân – tâm, sắc – danh, Tổ khẳng định, kẻ trí là người lo chú trọng vào việc sửa chính mình, chứ không dồi đắp tô vẽ bên ngoài. Những phần theo sau mà Tổ sư nhắc đến chính là kết quả của việc trau tâm. Điều này được Tổ sư liên tục ứng dụng nhắc lại ở nhiều phẩm trong Chơn lý.

Hay như trong Chơn lý – Đạo Phật Khất sĩ, Tổ dạy: “Giáo lý Khất sĩ: Một là dứt các điều ác. Hai là làm các điều lành, tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp vì lẽ không có thì giờ dư dã và cũng biết rằng, các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chứ không ngó xem nơi việc làm kết quả. Ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”. Qua đó cho thấy, Tổ sư là một người đa văn, quảng kiến, thông tuệ, với cách diễn giải riêng biệt khi diễn giải ý pháp trong kinh Pháp cú.

Từ đó, một lần nữa Tổ sư muốn nhấn mạnh việc trau tâm phải đảm bảo 3 yếu chỉ: dứt điều ác, làm điều lành và giữ lòng trong sạch. Tổ khẳng định, tất cả mọi sự phải xuất phát từ tâm lành, vì tâm lành ấy mà làm sự phải, mang đến lợi ích cho mình và nhân sinh. Cuối cùng giữ tâm trong sạch, đó cũng là pháp quan trọng trong việc trau tâm.

 

2. Điều kiện để trau tâm

TT. Giác Hoàng khẳng định, khi muốn làm bất cứ điều gì cũng cần phải có điều kiện. Ví như việc muốn học phải đến trường lớp, muốn tìm hiểu phải có cứ liệu sách vở, muốn tốt đẹp phải có vị Thầy dẫn đường. Việc tu tập, mà cụ thể là trau tâm cũng vậy, cần phải có điều kiện thích hợp. Đó là gì?

Ngang qua lời dạy của Tổ sư trong Chơn lý – Đi tu: “Ở trong cảnh tục, người ta không thể trau tâm y như Phật được. Ở trong bùn, ai mà không dính bùn. Có ai uống rượu mà chẳng say. Dễ ai say mà không loạn. Khó mà gần sắc lại không đắm. Gần tiền thì phải tham. Gần ác thì không thiện”, TT. Giác Hoàng nhấn mạnh, muốn trau tâm cần phải có điều kiện, môi trường thuận lợi, đó chính là phải xuất gia, lìa xa cảnh trần tục, sinh hoạt trong môi trường Tăng đoàn, dưới sự hướng dẫn của chư Tôn thiền đức, của các bậc thiện tri thức.

Điều này càng được Tổ sư dạy rõ trong Chơn lý – Tu và nghiệp: “Ở bên này là cư sĩ tại gia, không thế gì giữ giới trau tâm diệt nghiệp phiền não cho đặng, nên mới phải xuất gia Khất sĩ và qua bờ bên kia; nhờ giải thoát, ở chỗ vắng êm, mà dễ dàng giữ giới luật hơn, vì ai muốn trau tâm là phải thu thúc lục căn thanh tịnh, diệt nghiệp phiền não bằng cả hai trăm năm chục giới luật mới được”. Trong đó, Thượng tọa nhắc nhở đại chúng, cần nhận biết rõ, Tổ sư dạy muốn trau tâm phải thu thúc lục căn thanh tịnh bằng việc giữ giới, nghiêm trì giới, song giữ giới là để phòng hộ lục căn, hướng đến việc trau tâm, chứ không để xen lẫn cố chấp giới.

3. Phương pháp trau tâm

Trích từ Chơn lý – Đi tu, Thượng tọa nói: “Hãy xét ngó tâm mình đừng ngó việc người… ngăn ngừa tâm bất thiện, biết tâm giác mà tu”, đây cũng là phương pháp trau tâm mà Tổ sư đã dạy trong phương pháp trau tâm.

Theo Thượng tọa, trong cõi ta bà, con người chúng ta với tâm ý sanh diệt biến chuyển liên tục, mỗi người đều có vô số vô biên các hình thái của tâm. Người xuất gia bước vào con đường tu tập, là nhằm để phân biệt từng trạng thái tâm như vậy. Việc nhận diện, chắt lọc và điều phục được từng tâm ý của mình đã là điều không hề đơn giản, huống lại phóng tâm ra bên ngoài, xét ngó việc người.

Tổ sư cũng dạy trong Chơn lý - Thần Mật: “Vậy nên tu tâm là thân-khẩu-ý phải giữ gìn trau sửa cho được tự nhiên vắng lặng, ẩn mật kín đáo trở lại... một người thân-khẩu-ý chưa trọn ác thì chưa được gọi là trọn ác. Cũng như nói thiện, làm thiện mà ý tưởng không thiện thì chưa được gọi là hột giống thiện. Thiếu một phần thì không thành tựu hột giống”. Qua đó, Tổ không chỉ bao quát hóa, tâm không chỉ là ý, mà còn bao gồm cả thân-khẩu.

Thượng tọa nhấn mạnh, thân-khẩu là cửa ngõ của tâm và ý là sự biểu đạt của tâm. Tâm là “citta”, là năng lực nhận biết, là khả năng diễn đạt của ý. Do đó, thân-khẩu-ý nhìn chung là sự biểu đạt của tâm, như Tổ nói tâm là thân-khẩu-ý. Tu tâm là trau dồi thân-khẩu-ý cho đặng trong sạch.

Hay như Tổ sư dạy trong Chơn lý – Tâm: “Những ai muốn chữa bệnh, tức là phải tu, phải lập một tâm, lấy giữ một pháp, thực hành một đạo, phải lựa pháp lý nào tốt đẹp yên vui trọn lành, sáng, mà làm trung tâm điểm, cốt yếu mục đích tâm. Tập cho thân-khẩu-ý thuần thục, túa ra nhập vào toàn là pháp quý báu ấy, để cho được kết quả chơn như, trọn sáng lành yên vui tốt đẹp, mạnh mẽ sống đời (pháp lành sáng là thuốc hay và chơn như là không còn bệnh hoạn). Muốn vậy thì người bệnh là chúng sanh phải kiên tâm trì chí, nhất tâm uống thuốc, giữ một thứ thuốc nào trị ngay bệnh mình đó và uống mãi cho đến khi lành bệnh)”.

Qua đó, Tổ sư dạy phải tu từ bên trong tu ra, tu từ bên ngoài tu vào, túa ra nhập vào, đủ cả ba phương diện giới-định-huệ. Ở đây Tổ sư muốn nhấn mạnh, dẫu tu theo hình thức như thế nào, rốt ráo cũng để quay về thân và tâm. Trong đó, việc tu phải kiên định, kiên tâm.

4. Mục đích trau tâm

Trích các bài pháp, Thượng tọa nhấn mạnh về mục đích trau tâm. Như trong Chơn lý – Chánh đẳng chánh giác, Tổ sư chỉ rõ: “Khổng Tử nói, lập gia đình xã hội cốt cho người tu tập thiện, sống cùng nhau, bước lần đến đạo đức. Sở dĩ như vậy là để con người đừng chia rẻ, chém giết lẫn nhau, kẻ ác trở nên thiện, dạy trẻ nhỏ ra người lớn, là giáo lý bình dân, ngăn giặc, cấp tốc tạm thời. Song, sau cùng, phải lo tu học trau tâm dồi trí, mà đi lên lớp trên khác nữa, chớ nào phải đứng hoài một chỗ, giữ một bài, mà cam chịu dốt kém, luân hồi”.

Hay trong Chơn lý – Phật tánh, Tổ nói: “Có giới-định-huệ mới gọi là có chân, mình, đầu của tâm. Tâm ấy là chơn như vắng lặng y như võ trụ, lấy chơn như võ trụ làm mục đích, so sánh chơn như võ trụ mà trau tâm. Vì chơn như võ trụ ấy là đức tánh từ bi thiện lành, ơn huệ, dung chứa tất cả, trong chơn như là có trí tuệ và giác ngộ. Tâm ta mà có được như thế, ấy là trong sạch, yên lặng, sáng suốt, nghỉ yên, vui vẻ trọn lành, ích lợi, quý báu cho đời…”.

5. Gương sáng của những người trau tâm

Trích lược trong hai bài kinh Chơn lý – Tu và nghiệpChơn lý – Lễ giáo, TT. Giác Hoàng nêu lên những tấm gương sáng của người xưa trong việc trau tâm. Cho thấy, pháp trau tâm này tương ứng với pháp niệm tâm trong Kinh Niệm Xứ - Trung BộĐại Niệm Xứ - Kinh Trường Bộ.

Chơn lý – Tu và nghiệp kể lại câu chuyện hình ảnh một người tôi tớ gặp ông lão ở chùa, đang đi xin tiền lợp chùa, thấy đó mà người ấy lại bố thí hết lòng. Cũng từ đó, người ấy lần mò đến chùa, làm việc công đức, đánh chuông, trau tâm.... Hay trong Chơn lý – Lễ giáo kể lại gương hạnh của vua A Dục, xứ Ấn Độ.

Từ đó, Thượng tọa sách tấn hành giả tu tập: “Nên biết noi theo đó để tập mình biết học, biết nghe, biết xét lỗi mình, trau tâm, tập tâm chánh tròn lớn thiệt quý báu, như các nhà sư trong sạch, có giới hạnh đức trí kia”.

 

Một số hình ảnh tại khóa tu truyền thống ngày thứ 7: