Phổ thơ Kinh Tất cả lậu hoặc (Sabbàsava sutta)

Tôi được nghe như vầy:

Lúc bấy giờ Thế Tôn,

Đang ở Savatthi,

Vườn Thái tử Jeta,

Đất của Cấp Cô Độc

 

Rồi Phật gọi chúng Tăng:

“Này các thầy Tỳ-kheo,

Hôm nay Ta sẽ giảng,

Một pháp môn tinh yếu,

Đoạn trừ các lậu hoặc”.

 

Các Tỳ-kheo nên nhớ:

“Ta giảng pháp tinh yếu,

Cho người biết, người thấy.

Chẳng phải cho những người,

Không biết hay không thấy”.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sự diệt tận lậu hoặc,

Cho người biết, người thấy,

Là nghĩa như thế nào?

 

Không như lý tác ý,

Các lậu hoặc chưa sanh,

Do vậy mà sanh khởi,

Các lậu hoặc đã sanh,

Lại càng thêm tăng trưởng.

 

Do như lý tác ý,

Các lậu hoặc chưa sanh,

Không thể nào sanh khởi,

Các lậu hoặc đã sanh,

Hết thảy đều diệt tận.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Có những loại lậu hoặc,

Đoạn trừ nhờ tri kiến;

Có loại nhờ phòng hộ,

Hoặc nhờ pháp thọ dụng,

Kham nhẫn hoặc tránh né,

Trừ diệt hoặc tu tập.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nào là lậu hoặc,

Do tri kiến đoạn trừ?

 

Có phàm phu ít nghe,

Không thấy các bậc Thánh,

Không thấy bậc Chân nhân,

Không thuần thục các pháp,

Của các bậc Chân nhân,

Không tu tập các pháp,

Của các bậc Chân nhân,

Không tuệ tri các pháp,

Cần phải được tác ý,

Không tuệ tri các pháp,

Không cần phải tác ý;

Do vì không tuệ tri,

Các pháp cần tác ý,

Do vì không tuệ tri

Pháp không cần tác ý,

Nên vị ấy tác ý,

Pháp không cần tác ý,

Và lại không tác ý,

Pháp cần phải tác ý.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nào là các pháp,

Không cần phải tác ý,

Mà vị ấy tác ý?

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây có các pháp,

Do vị ấy tác ý,

Dục lậu chưa phát sanh,

Nay bắt đầu sanh khởi;

Các dục lậu đã sanh,

Nay càng thêm tăng trưởng.

Hữu lậu chưa phát sanh,

Nay bắt đầu sanh khởi

Các hữu lậu đã sanh,

Nay càng thêm tăng trưởng.

Vô minh lậu chưa sanh,

Nay bắt đầu sanh khởi,

Vô minh lậu đã sanh,

Nay càng thêm tăng trưởng.

Tất cả những pháp ấy,

Không cần phải tác ý,

Mà vị ấy tác ý.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nào là các pháp,

Cần phải được tác ý,

Nhưng lại không tác ý?

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Là pháp do tác ý,

Dục lậu chưa sanh khởi,

Sẽ không thể khởi lên,

Những dục lậu đã sanh,

Nay đều được diệt tận.

Hữu lậu chưa sanh khởi

Sẽ không thể khởi lên,

Những hữu lậu đã sanh,

Nay đều được diệt tận.

Vô minh lậu chưa sanh,

Sẽ không thể sanh khởi,

Vô minh lậu đã sanh,

Nay đều được diệt tận.

Đó chính là những pháp,

Cần phải được tác ý,

Nhưng vị ấy lại không,

Vì do không tác ý,

Những pháp cần tác ý,

Nên lậu hoặc chưa sanh,

Nay bắt đầu sanh khởi,

Các lậu hoặc đã sanh,

Nay lại càng tăng trưởng.

 

Vị ấy không tác ý,

“Quá khứ ta có mặt?

Hay chưa hề có mặt?

Có mặt như thế nào?

Hình vóc như thế nào?

Trước kia ta là gì?

Ta có mặt thế nào?

Lại trong thời vị lai:

Ta có mặt thế nào?

Hình vóc sẽ thế nào?

Tương lai ta là gì?

Và có mặt thế nào?

Hoặc vị ấy nghi ngờ,

Ngay trong thời hiện tại:

Ta có hay không có?

Ta có mặt thế nào?

Hình vóc ta thế nào?

Chúng sinh từ đâu đến?

Và sẽ đi về đâu?”

 

Không như lý tác ý,

Sáu tà kiến khởi lên,

Ngay trong tâm vị ấy:

“Thật ta có tự ngã;

Ta không có tự ngã;

Do tự mình tưởng tri,

Ta đang có tự ngã;

Do tự mình tưởng tri,

Ta không có tự ngã;

Do không tự mình tưởng,

Ta đang có tự ngã;

Chính tự ngã ta nói,

Cảm thọ quả báo nghiệp,

Quả thiện ác đã gieo,

Chỗ kia hay chỗ này.

Chính tự ngã là ta,

Thường trú, không biến chuyển,

Hằng vĩnh viễn tồn tại”.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Như vậy là tà kiến,

Kiến trù lâm, hoang vu,

Kiến hý luận, tranh chấp,

Kiến kiết phược khổ não.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Bởi kiết sử trói buộc,

Kẻ phàm phu ít nghe,

Không sao giải thoát nổi,

Tiến trình sanh, già, chết,

Sầu, bi, khổ, ưu, não.

Nên Ta nói kẻ ấy,

Không thoát khỏi khổ đau.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Các vị Thánh đệ tử,

Nghe nhiều, suy tư nhiều,

Được thấy các bậc Thánh,

Thuần thục pháp bậc Thánh,

Tu tập pháp bậc Thánh,

Được thấy bậc Chơn nhơn,

Thuần thục pháp Chơn nhơn,

Tu pháp bậc Chơn nhơn,

Tuệ tri pháp cần yếu,

Cần phải được tác ý,

Và cũng tuệ tri pháp,

Không cần phải tác ý.

Nhờ tuệ tri các pháp,

Cần phải được tác ý,

Hoặc pháp không cần thiết,

Nên vị ấy tinh cần,

Không tác ý các pháp,

Không cần phải tác ý,

Và tinh cần tác ý,

Pháp cần phải tác ý.

Vị ấy chơn tác ý:

“Đây vốn là sự khổ,

Đây là nguồn gốc khổ,

Đây là chơn khổ diệt,

Đây chính là con đường,

Đưa đến diệt gốc khổ”.

Nhờ tác ý như vậy,

Ba kiết sử dứt trừ:

Thân kiến, nghi, cấm thủ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Các lậu hoặc như thế,

Do tri kiến đoạn trừ.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do phòng hộ đoạn trừ?

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu Tỳ-kheo không tập,

Phòng hộ nơi đôi mắt,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Phòng hộ ngay đôi mắt,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu Tỳ-kheo không tập,

Phòng hộ tai, mũi, lưỡi,

Phòng hộ thân và ý.

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Phòng hộ tai, mũi, lưỡi,

Phòng hộ thân và ý,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do phòng hộ đoạn trừ.

 

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do thọ dụng đoạn trừ?

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Thọ dụng các y phục,

Chỉ để ngăn lạnh nóng,

Ngăn xúc chạm ruồi muỗi,

Gió, sức nóng mặt trời,

Ngăn các loài bò sát,

Và để che đậy thân.

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Thọ món ăn khất thực,

Không phải để vui đùa,

Không phải để đam mê,

Trang sức hay làm đẹp,

Mà chỉ để thân này,

Được bảo dưỡng, sống lâu,

Để thân không tổn hại,

Để hỗ trợ phạm hạnh.

Các Tỳ-kheo nghĩ rằng:

“Cảm thọ cũ đã diệt,

Không khởi cảm thọ mới,

Nhờ vậy không lỗi lầm,

Sống tu học an ổn”.

 

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Thọ dụng loại sàng tọa,

Để ngăn ngừa lạnh nóng,

Ngăn xúc chạm ruồi muỗi,

Gió, sức nóng mặt trời,

Ngăn các loài bò sát,

Tránh nguy hiểm thời tiết,

Cho mục đích độc cư.

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Thọ dụng các dược phẩm,

Vì mục đích trị bệnh,

Ngăn cảm giác đau khổ,

Để hoàn toàn thoát khổ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu không thọ dụng thế,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Nếu thọ dụng như vậy,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do thọ dụng đoạn trừ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do kham nhẫn đoạn trừ?

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Kham nhẫn mọi lạnh, nóng,

Kham nhẫn sự đói, khát,

Kham nhẫn mọi xúc chạm,

Với ruồi, muỗi, côn trùng,

Gió, sức nóng mặt trời.

Kham nhẫn sự phỉ báng,

Các cảm thọ trên thân,

Cảm thọ khổ khốc liệt,

Đau nhức, không sung sướng,

Không thích, đau chết người.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu không hành kham nhẫn,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Kham nhẫn hết cả thảy,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do kham nhẫn đoạn trừ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do tránh né đoạn trừ?

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Tránh né voi, ngựa dữ,

Tránh bò dữ, chó dữ,

Rắn, khúc cây, gai góc,

Tránh hố sâu, vực nước,

Ao nước nhớp, vũng lầy.

Tránh chỗ không nên ngồi,

Trú xứ không nên đến,

Không giao du bạn ác.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu không biết tránh né,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Tránh né điều cần tránh,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do tránh né đoạn trừ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do trừ diệt đoạn trừ?

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Đối với dục, sân niệm,

Đã khởi lên từ trước,

Vị ấy không chấp nhận,

Quyết từ bỏ, diệt tận,

Quyết không cho tồn tại.

Với ác bất thiện niệm,

Thường khởi lên trong tâm,

Vị ấy không chấp nhận,

Quyết từ bỏ, diệt tận,

Quyết không cho tồn tại.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu không hành trừ diệt,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Trừ diệt bất thiện pháp,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do trừ diệt đoạn trừ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Sao được gọi lậu hoặc,

Do tu tập đoạn trừ?

Này các thầy Tỳ-kheo,

Ở đây, có Tỳ-kheo,

Tập như lý giác sát,

Tu tập Niệm giác chi,

Được viễn ly, ly tham,

Đoạn diệt, và từ bỏ.

Tu Trạch pháp giác chi,

Tinh tấn…, Hỷ…, Khinh an…,

Tu Định…, Xả giác chi,

Được viễn ly, ly tham,

Đoạn diệt, và từ bỏ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Nếu không tu tập thế,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Có thể sẽ khởi lên.

Ngược lại nếu khéo sống,

Tập như lý giác sát,

Tu tập đúng như vậy,

Các lậu hoặc nhiệt não,

Không thể nào còn nữa.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Thế nên gọi lậu hoặc,

Do tu tập đoạn trừ.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Đối với các vị nào,

Lậu hoặc được đoạn trừ,

Do tri kiến, phòng hộ ,

Do thọ dụng, kham nhẫn,

Do tránh né, trừ diệt ,

Do tu tập đoạn trừ;

Này các thầy Tỳ-kheo,

Vị ấy xứng danh gọi,

Người sống biết phòng hộ,

Phòng hộ các lậu hoặc,

Đã đoạn diệt khát ái,

Đã thoát ly kiết sử,

Đã chánh quán kiêu mạn,

Đã diệt tận khổ đau.

Thế Tôn giảng như vậy,

Các Tỳ-kheo hoan hỷ,

Tín thọ lời Phật dạy.