Quan điểm thờ phượng và phương pháp tu tập trong bộ Chơn lý

A. Dẫn nhập

Từ ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, vị sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vắng bóng, lần đầu tiên Hệ phái Khất sĩ có đủ thắng duyên tổ chức một Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư với quy mô tầm cỡ, nhiều chương trình có ý nghĩa. Đặc biệt hôm nay trong ngày mở đầu, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”.

Chúng tôi, hàng đệ tử kế thừa đạo nghiệp Đức Tổ sư, xin được phép trình bày một ít hiểu biết qua vài khía cạnh về tư tưởng Phật học của Tổ sư với đề tài: “Quan điểm thờ phượng và phương pháp tu tập trong bộ Chơn lý”.

3

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang sinh năm 1923 trong hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ. Phần đông dân chúng trong cảnh đói rách, nghèo khổ bởi tai trời ách nước. Phật giáo Việt Nam – một nền đạo Từ Bi cứu khổ độ sinh nhưng lại ở trong thời kỳ suy vi “... hầu như đã tuyệt diệt ... tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng, mà kỳ thực mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu” (TT. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tôn giáo, 1942). Lại nữa, Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ có khá nhiều tông môn pháp phái, các cơ sở thờ tự đa số thiên nặng về tín ngưỡng thần quyền cúng cấp cầu đảo. Phương pháp tu tập, nghĩa lý kinh điển đối với kẻ sơ cơ học đạo phần đông còn hoang mang mờ mịt:

Kinh văn rối rắm lạ thường,

Như là đêm tối không tường nông sâu”.

Hay một đoạn khác trong bài kệ “Ánh Sáng” trong Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ:

Con đường mà Phật ra vào,

Đã chia nhiều nẻo lại bao bóng mờ”.

Trước tình cảnh nhân dân khốn khổ, Phật giáo suy vi như đã nói trên, vào đầu năm 1944, Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí xuất gia, tầm cầu chân lý, phục hưng giáo pháp Phật-đà, một nền đạo cứu khổ độ sanh, thiết thực trong hiện tại, phù hợp với dân tộc Việt Nam.

B. Nội dung

I. Quan điểm thờ phượng

Nhìn chung tình hình Phật giáo lúc Tổ sư còn sanh tiền, các cơ sở thờ tự phần nhiều trưng bày hoa quả, đèn hương nghi ngút. Hầu hết quần chúng đến chùa chỉ lo việc cúng kiếng cầu nguyện. Họ xem đó là một cách tu truyền thống lâu nay của Phật giáo, ít ai hiểu ý nghĩa cao sâu siêu thoát, mục đích chính của đạo Phật. Ngài Maha Narada Thera, một Đại sư người Tích Lan một lần đến giảng pháp tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn (khoảng cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950) đã nói: “Phật tử Việt Nam rất mộ đạo, nhưng rất ít người hiểu đạo”.

Cũng trong thời điểm này, hòa cùng phong trào chấn hưng Phật giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thể hiện tâm nguyện qua pháp thoại “Thờ phượng” trong Chơn lý số 51 với hai nội dung, một là sự thờ phượng Phật Thánh, hai là sự thờ phượng ông bà tổ tiên.

1. Sự thờ phượng Phật Thánh

Đối với Phật Thánh, hay những vị tiền bối hiền nhân công thần có công với đất nước, nhân loại, con người thường giữ đạo “uống nước nhớ nguồn”, kính ngưỡng thờ cúng. Sự thờ phượng không ngoài ý nghĩa để bày tỏ lòng tri ân, hiếu nghĩa, tôn kính các bậc thiêng liêng, trưởng thượng của con người, đồng thời mong muốn học hỏi, nương theo gương sáng của chư vị. Trong Chơn lý “Thờ phượng”, Đức Tổ sư trình bày rõ ý nghĩa thờ Phật kính Pháp rằng: “Thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn, nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiến phức tạp; các Ngài chỉ quý trọng tư tưởng giáo lý. Còn đối với các hàng cư gia hữu lậu tội lỗi thì còn hâm mộ đức tin, việc thiện chút ít nơi hình thức, như là tạo xây cốt tượng, cất lập chùa tháp, lễ bái cúng dường, đi viếng các nơi kỷ niệm quan trọng của Phật... nhưng điều quý trọng hơn hết của cư sĩ là học nghe pháp bảo”.

Sự thờ phượng trong tinh thần như vậy mới đúng với Chánh pháp. Mục đích cứu cánh giải thoát, Đức Phật và chư Thánh đã chứng đắc, còn con người nơi đây trồi hụp mãi chưa thoát khỏi vòng luân hồi, nỗi khổ niềm đau không dứt được. Thế nên, trong từng sát na, người biết hướng thượng thường quán chiếu giáo pháp chư Phật Thánh đã để lại, chiêm ngưỡng hình ảnh chư Phật Thánh làm tấm gương cố gắng tu tập theo. Đức Tổ sư cũng nhắc nhở: “Vả lại Phật bảo người tu y theo con đường của Phật, chớ Phật nào có bảo ai thờ phượng Ngài, độc tôn ích kỷ cho Ngài. Ngài muốn cho tất cả chúng sanh đều bình đẳng giác ngộ như Ngài cơ mà!”.

Sau khi Đức Thế Tôn chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác, Ngài hướng dẫn người hữu duyên thực tập giáo pháp mà Ngài đã trải nghiệm và những ai tinh tấn hành trì cũng đều thành tựu con đường giác ngộ giải thoát. Quả vị cứu cánh không chỉ dành riêng cho Đức Phật mà tất cả mọi người nếu siêng năng quán chiếu công phu đều đạt được. Hạt giống Phật đang có sẵn nơi chúng sinh, cần phải tự tu để tự chứng chứ không phải thờ cúng, cầu nguyện, van xin mà được. Đức Tổ sư dạy: “Vậy thì chúng ta nên hiểu rằng thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi, rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu để mà làm Phật, y như Phật, chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng, cùng sự lập công kể ơn với tượng cốt, đặng mưu sự toại danh hưởng lợi cho thêm khổ nạn. Thế mới biết rằng, sự thờ phượng không phải thật. Thờ phượng là pháp trợ tu cho kẻ nhỏ, chớ đó chẳng phải là cách tu đâu, thì chúng ta nhọc lòng bào chữa làm chi?”. Và Ngài cũng khuyên: “Thế nên sự thờ phượng tạm của chúng ta là nên phải đơn giản thanh tịnh một lúc đầu thôi, rồi thì lo tu giải thoát làm Tăng, chớ nên cố chấp lắm”.

Ý nghĩa cao tột của thờ phượng nhắc mọi người mỗi khi thấy hình ảnh chư Phật Thánh hãy nhớ đến đức hạnh cao cả của quý Ngài để quay nhìn lại thân tâm mình, năng tu tỉnh sửa đổi để sớm được toàn thiện được như chư Phật Thánh vậy. Một khi thành tâm thành ý phủ phục trước bậc mình kính ngưỡng, tâm kiêu ngạo trong ta sẽ được bào mòn dần. Mỗi khi đảnh lễ bậc trời người tôn kính, lòng tri ân và sức mạnh tinh tấn phục thiện trong ta dâng tràn. Noi theo gương hạnh chư Phật Thánh để gắng công tu tập chuyển hóa chính mình mới là đúng nghĩa thờ kính trong đạo Phật vậy.

2. Thờ phượng ông bà tổ tiên

Các bậc tiền bối, ông bà cha mẹ là những vị đã mang chúng ta vào đời và giáo dưỡng chúng ta thành người tốt, biết đạo lý làm người đúng nghĩa. Công ơn này rất lớn, không phải nói biết ơn và đền ơn chư vị là chúng ta có thể làm tròn ơn nghĩa này một sớm một chiều. Đức Tôn sư nhắc lại chuyện xưa rằng: “Khi xưa đức Khổng Tử bày sự thờ phượng ông bà, cha mẹ cho kẻ thế gian tại nhà là vì muốn dạy gương hiếu đạo cho con cháu về sau. Với lẽ ông bà chết rồi, mà cha mẹ còn thờ phượng nhớ ơn như lúc sống, thì con cháu đối với cha mẹ đang sống sẽ có hiếu thảo, chẳng dám vong ân. Ấy là sự tốt nên cho nó và có ích lợi cho cha mẹ. Việc làm của cha mẹ ấy kể như cho vay, và con cháu sẽ trả lại. Đó là sự thi ân cầu báo, cho vay mong đòi nợ. Đó là giáo lý gia đình hiện tại, tham lam nhỏ hẹp, tùy theo trình độ của chúng sanh, chớ đúng ra thì còn tội lỗi kém xa chân lý”. Ngài phân tích thật thấu đáo, thờ cúng ông bà tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là việc những người con, người cháu hiếu thảo vo tròn phận sự. Công ơn sinh thành vô bờ bến nên dù hết lòng báo đáp thế nào cũng không viên mãn được. Đạo lý này với người thế gian được trân trọng lắm thay, thế nhưng nếu sánh với giáo lý giải thoát thiêng liêng thì chỉ ở nơi ngưỡng cửa đạo.

Trong đạo Phật, Phật tử thường thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu cho người thân đã mất hoặc đem tên họ hương linh người mất gởi vào chùa. Việc làm này giúp cho tâm thức người đã mất được tịnh nhàn an lạc, mỗi ngày được sống trong không gian từ bi, vô nhiễm, được nghe kinh học pháp, hiểu ra lẽ đạo “các pháp vốn vô thường, khổ não, vô ngã” để sớm tái sinh sang kiếp khác. Đó là một nghĩa cử đúng với Chánh pháp. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông hiểu việc làm này để tạo duyên tu hành cho người đã mất. Trong Chơn lý “Thờ phượng”, Đức Tổ sư cũng nhắc nhở: “Mà tại sao khi kẻ ấy trở về già, chẳng cho nghỉ dưỡng đưa vào xuất gia để sống chung tu học ở trong đạo tràng Giáo hội, gọi là tha thứ cho kẻ già,... nghỉ yên, thôi đừng hành phạt? Hoặc khi có kẻ chết đi, tại sao không được thiêu mất xác thây cùng đồ đạc dấu tích kỷ niệm của kẻ chết, để cho vong linh không còn tiếc nhớ, đặng dễ bề nhập thai kiếp khác? Hay là đem hình ảnh tên họ kẻ chết đưa vào trong chùa thờ,... xuất gia, cắt ái ly tục, để cho vong linh ấy theo về với Phật Pháp Tăng trong sạch hiền lương giác ngộ biết tu cho hết khổ?”.

Đức Tổ sư còn gợi ý rằng việc đem linh vị người mất thờ ở nhà Cửu Huyền nơi chùa hay tịnh xá còn có ý nghĩa tạo duyên để người mất cùng tựu hội về một nơi, sống cùng nhau hòa hợp, để tiêu hoại dần tâm bỏn xẻn, ích kỷ. Tâm bất thiện này được chuyển hóa để đến kiếp lai sinh họ sẽ có cuộc sống an bình, thịnh mãn hơn. Trong bộ Chơn lý, ý Tổ sư được viết như sau: “Do đó mà sự thờ phượng một người, đến thờ phượng một tộc họ, để đến với sự thờ phượng chung cả chúng sanh nơi trong vuông chùa đạo Phật của chúng sanh chung là rất đúng lý..., có như thế mới dứt lòng tư kỷ, chia rẽ, chiến tranh nhau. Cũng như chỗ bàn thờ hội đồng ấy tất cả kẻ quá khứ đều chung hiệp, thì những người hiện tại và vị lai mới sẽ chung hiệp”.

Việc thờ phụng cúng vọng là một phương tiện tùy cơ ứng hợp với lòng nhân thế, không phải là phương thức nhất nhất quan trọng đối với việc đạt đến mục đích cứu cánh trong đạo Phật, đúng như lời Đức Tổ sư dạy: “Vậy thì chúng ta cũng hãy nên biết dùng phép thờ phượng tạm làm phương pháp cứu thế độ đời, chánh lý trong sạch trong lúc khổ nguy. Đó là một sự thích hợp với thời cơ, dùng tạm hữu vi, để bước tới vô vi, chơn thật yên vui vĩnh viễn. Vì vô vi là đúng lý quý báu hơn hết”. Để dìu dắt người từ tâm bất thiện đến có tâm thiện, từ người hiền lành đạo đức trở về nương ánh sáng Chánh pháp, tập sống đạo hạnh, lễ kính thờ cúng Phật Thánh tổ tiên ông bà cũng được xem là pháp hữu vi, chính là một trong những bước đi nền tảng đến gần với đời sống thánh thiện giải thoát.

II. Phương pháp tu tập trong Chơn lý của Tổ sư

1. Giới thiệu

Suốt khoảng 3 năm ròng chuyên tâm nghiên tầm, thực nghiệm cả hai truyền thống giáo lý Phật giáo - Nam truyền và Bắc truyền ở Campuchia và Việt Nam, vào ngày trăng tròn cuối năm 1946, Tổ sư đã xác chứng và công bố chơn lý Chánh pháp Phật-đà, sáng lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Ngài đã du hành khắp xứ tuyên dương giáo pháp và lưu lại cho đời 69 đề tài trong bộ Chơn lý.

Đức Tổ sư đã khẳng định phương pháp tu tập cho toàn thể Tăng Ni hàng xuất gia Khất sĩ: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới Định Huệ” (Chơn lý “Y bát chơn truyền”). Cũng vậy, đối với cư sĩ: “Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ cần phải đem theo Giới Định Huệ” (Chơn lý “Cư sĩ”). Tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp tu tập này, Tổ sư đã trải nghiệm chứng đắc và đề khởi con đường Đạo Phật Khất Sĩ chính là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn ở vườn Nai là minh chứng cho phương pháp tu tập vi diệu này ngang qua Bốn Thánh Đế, gồm thâu Giới - Định - Huệ. Tại đây, Đức Thế Tôn cũng từng khuyến tấn cho 60 đệ tử đắc Thánh quả đầu tiên phát tâm hoằng hóa khắp nơi: "Hãy đi! Hỡi các Tỳ-kheo, vì lợi lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người... Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh..." (Luật tạng, Đại Phẩm, 19). Câu cuối trong lời dạy này ngoài ý nghĩa giáo pháp luôn đúng, luôn phù hợp mọi thời đại, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai, chúng ta còn có thể hiểu ở khía cạnh đạo pháp toàn thiện ở phần đầu (là Giới), phần giữa (Định) và phần cuối (Huệ).

Lại nữa, tầm quan trọng của Giới Định Huệ đã được Thế Tôn tuyên bố trong Kinh Makhadeva (số 83), thuộc Kinh Trung Bộ, ngang qua Bát Thánh đạo. Ngài kể lại rằng, thuở xưa Ngài là vua Makhadeva. Khi ấy, Ngài đã thiết lập một pháp tu truyền thống tốt đẹp, đó là đến độ tuổi khoảng lục tuần, tóc bắt đầu ngả sang hoa râm, Ngài liền nhường ngôi vị cho thái tử, sau đó rời gia đình, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa sống đời phạm hạnh. Những ngày tháng này, Ngài chuyên tâm tu tập bốn Phạm trú (từ, bi, hỷ, xả) để sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên Phạm thiên giới. Ngài thực thi truyền thống này và căn dặn hậu bối phải duy trì truyền thống không cho dứt đoạn. Thế nhưng khi Ngài chứng đắc quả Chánh Đẳng Giác, Ngài thấy rõ truyền thống trước đây được cho là tốt đẹp ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn mà chỉ có tu tập theo Thánh đạo tám ngành mới đưa người thực tập yểm ly, ly tham,... Niết-bàn. Đây mới thực sự là truyền thống tốt đẹp và Ngài khuyên chư Tăng Ni hãy duy trì, đừng để mai một.

Trong “Tiểu Kinh Ví dụ dấu chân voi” (số 27), thuộc Kinh Trung Bộ, Đức Thế Tôn cũng thuyết về 4 dấu pháp: Giới, Định, Huệ và Giải thoát tri kiến. Trong “Đại Kinh Ví dụ dấu chân voi” (số 28), Tôn giả Xá Lợi Phất còn đề cao giáo lý Bốn Thánh đế: “Trong tất cả dấu chân loài động vật, dấu chân voi là đệ nhất về mặt to lớn bao trùm tất cả mỗi dấu chân. Cũng vậy trong tất cả thiện pháp thì Tứ Thánh đế cũng như Giới, Định, Huệ, Giải thoát tri kiến đều bao trùm tất cả thiện pháp”.

Chừng ấy trích dẫn từ kinh văn đã cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của Giới Định Huệ hay Bát Thánh đạo.

2. Nội dung chi tiết

Trong bài này tôi xin được phép chỉ trình bày Giới - Định - Huệ thuộc hàng xuất gia Khất sĩ ngang qua Bát Thánh đạo:

- Thánh chánh tri kiến, chánh tư duy thuộc phần Huệ.

- Thánh chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc phần Giới.

- Thánh chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thuộc phần Định.

a) Giới:

- Giới xuất gia: Đề cao đời sống không gia đình thanh tịnh, thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian, trong Chơn lý “Bát chánh đạo”, Đức Tổ sư dạy: “Đời sống tại gia nhiều triền phược, nhiều bụi đời, rất khó cho một thiện nam tử sống đời phạm hạnh trắng bạch như vỏ ốc. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không”. Tổ sư còn dạy: “Không làm Tăng không thành Phật được”.

- Giới “Tứ y pháp”: Bốn pháp nương nhờ, cũng gọi là Tứ Thánh chủng hay Bốn pháp truyền thống của bậc Thánh: 1) Nương vào khất thực nuôi thân tạm sống, 2) Nương ở cội cây, am cốc tranh lá đơn sơ qua ngày, 3) Nương vào y phục thô sơ chằm vá, 4) Nương vào thuốc men thường thức khi đau bệnh. Lối sống như vậy giữ tâm thiểu dục tri túc, không tham lam ái luyến điều kiện vật chất thế gian, đồng thời cũng không phải là thực hành hạnh khắc khổ nhọc nhằn, đúng như lời Đức Thế Tôn khuyến nhắc ngay trong bài pháp đầu tiên rằng: “Này các Tỷ-kheo có 2 cực đoan mà các người cần phải xa lánh, đó là lợi dưỡng và khổ hạnh ép xác”.

* Giới thanh tịnh (thân miệng) nhờ thu thúc theo giới bổn: 250 giới.

* Giới thanh tịnh nhờ thu thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

* Giới thanh tịnh nhờ thu thúc trong phép nuôi mạng chân chánh.

* Giới thanh tịnh nhờ thu thúc theo Tam đề - Ngũ quán.

Trong kinh văn có thêm:

* Giới “chú tâm cảnh giác”: Suốt ngày đêm trừ ngủ nghỉ, khi đi kinh hành hoặc ngồi thiền đều chú tâm cảnh giác ngăn ngừa không để cho các ác bất thiện pháp có thể khởi lên.

* Giới “chánh niệm tỉnh giác”: Luôn ghi nhớ biết rõ các việc mình đang làm, tất cả các oai nghi như: đi đứng ngồi nằm... cho đến ăn uống, ngó qua ngó lại, v.v... đều có ý thức tỉnh giác.

Đấy là sơ lược phần nội dung của giới.

* Trì giới hỗ trợ cho Định rất nhiều, Đức Tổ sư dạy: Giới nhiều thì định nhiều, giới ít thì định ít, không giới thì không định (Chơn lý “Nhập định”).

* Ổn định nhu cầu thân sinh lý nhờ khéo thọ tứ vật dụng đúng như pháp (Tứ y pháp).

* Tìm một nơi thích hợp như cảnh vườn rừng thanh vắng, thông thoáng, không khí trong lành (tùy hoàn cảnh).

* Chọn tư thế: tốt nhất là ngồi thẳng lưng kiết già hoặc bán già, hoặc chọn một tư thế nào thích hợp theo từng cá nhân để dễ an định thân tâm.

* Đặt tâm an trú vững chắc vào đề mục do một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn, hoặc tự mình chọn lấy nếu như mình có nhiều trải nghiệm trong thiền pháp, nếu cần nên tham khảo với các bạn đồng tu có trí.

* Đoạn 5 triền cái (tức là 5 pháp chướng ngại, cũng gọi là 5 pháp che lấp làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí huệ) bằng cách kiên trì dán chặt tâm liên tục trên đề mục một cách an tịnh thoải mái. Hành thiền chỉ tức là làm cho vắng mặt 5 triền cái và thay thế vào 5 thiền chi:

Năm thiền chi:  Đoạn                            Năm triền cái:

- Tầm                            đoạn                             - Hôn trầm

- Tứ                              đoạn                             - Nghi

- Hỷ                              đoạn                             - Sân hận

- Lạc                             đoạn                             - Phóng tâm (trạo hối)

- Nhất tâm                     đoạn                             - Tham dục

* Chứng 4 thiền:

- Sơ thiền: 5 chi thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm đều có mặt đầy đủ trong vị chứng Sơ thiền.

Nhơn duyên và trạng thái chứng đắc: Do nhờ tinh tấn hành trì, an trú liên tục vào đề mục, các vọng tưởng được chế ngự, nên tâm ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền và có được trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm, có tứ.

- Nhị thiền: có 3 chi thiền hỷ, lạc, nhất tâm đều có mặt trong vị chứng Nhị thiền. Sau khi diệt tầm và tứ, vị ấy có được trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm.

- Tam thiền: chỉ còn 2 chi thiền lạc và nhất tâm. Nhờ vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

- Tứ thiền: chỉ còn một chi thiền là nhất tâm (định). Nhờ xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

c) Huệ: chứng Tam minh

Một hành giả khi đã có được Giới và Định như trên, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến Lậu tận trí bằng cách:

* Thường đến yết kiến bậc Thánh (Phật), bậc chơn nhơn (đệ tử chứng 4 Thánh quả của Phật), thường nghe pháp và tu tập pháp của bậc Thánh, bậc chơn nhơn tức là Thánh Giới, Thánh Định và Thánh Huệ. Vị ấy thành tựu trí huệ như thật đối với thế giới (Khổ đế), thế giới tập khởi (Tập đế), thế giới đoạn diệt (Diệt đế - Niết-bàn) và con đường đưa đến thế giới đoạn diệt, tức là Bát Thánh đạo (Đạo đế).

* Nhờ thấy biết như vậy, các lậu hoặc, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu được đoạn trừ. Với sức định có được như trên vị ấy chứng đạt Tam minh: Thiên nhãn, Túc mạng và Lậu tận minh.

* Vị ấy biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành.

Phần Định - Huệ trên được trình bày dựa trên kinh văn. Và sau đây là phương pháp tu tập Định - Huệ của Đức Tổ sư.

Nhờ sự tu tập Giới hạnh theo pháp môn của Đức Tổ sư, tâm hành giả định tĩnh rất nhanh nên Tổ sư kết hợp Định - Huệ song tu. Thay vì sử dụng đề mục để tịnh chỉ thân tâm (Định an chỉ), Đức Tổ sư chỉ dạy đi thẳng Định - Huệ, vào đạo quả giải thoát.

Trong tư thế hành thiền như mục “b” đã trình bày, hành giả thay vì an trú vào đề mục thiền chỉ (samatha), thì an trú vào đề mục Thiền quán (vipassana) như:

- Sáu giới (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức).

- Sáu xúc xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý).

- 18 ý cận hành (khi 6 căn hướng đến 6 trần làm y xứ cho hỷ hoặc cho ưu hoặc cho xả tạo thành 18 ý cận hành).

- 5 uẩn (sắc, thọ, thưởng, hành, thức).

- 4 Thánh đế (sự thật về khổ, sự thật về khổ tập, sự thật về khổ diệt, sự thật về con đường đưa đến khổ diệt).

Theo quy trình:

- Tầm sát: tầm tòi quán xét các pháp như trên cho thấu rõ chơn lý.

- Hỷ: nhờ thấu rõ chơn lý nên có hỷ (mừng).

- Lạc: nhờ có hỷ nên nội tâm được an lạc (vui).

- Tịnh định: nhờ có lạc nên nội tâm được tịnh định đoạn trừ tất cả lậu hoặc, an trú vào Niết-bàn tịch tịnh.

C. Kết luận

Qua chủ đề “Sự thờ phượng và phương pháp tu tập trong bộ Chơn lý”, chúng ta thấy rằng sự thờ phượng chỉ là lợi ích phần nhỏ cho kẻ sơ cơ kém trí, tập tu hướng thiện để làm xã hội hiền lương, an ổn, bớt khổ, chưa phải là pháp tu giải thoát rốt ráo. Giới - Định - Huệ qua tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mới thật sự là pháp tu giải thoát dứt khổ rốt ráo của mười phương ba đời chư Phật. Tổ sư đã khẳng định ngoài pháp này không còn có pháp nào thứ hai nữa cả.