Quán thân bất tịnh

 QuanTuThi

Quán sát thân này đều do cha mẹ sinh ra, tứ đại hợp thành (Tứ đại gồm có đất nước lửa gió), cơm cháo thuốc thang duy trì. Thân này nói chung và thành phần kết cấu của nó nói riêng xét ra không có gì là sạch sẽ, thanh khiết, nên gọi là bất tịnh, hay nhơ uế. Kinh Phật liệt kê ra 32 thành phần của thân gồm:

- Tóc, lông, móng, răng, da (5)
- Thịt, gân, xương, tủy, thận (5)
- Tim, gan, ruột, lá lách, phổi (5)
- Phèo, bao tử, thực phẩm chưa tiêu, phẩn, óc (5)
- Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ (6)
- Nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu. (6)"

Người đời cưng quý bản thân quá độ, che mờ lý trí không thấy thân là bất tịnh, chẳng những bất tịnh toàn thân mà từng bộ phận đều bất tịnh. Những thân phần còn dính vào nhau thì còn có giá trị để mà sử dụng, thân phần nào rời ra thì đều đáng sợ, sự bất tịnh gia tăng nhanh chóng, và không còn giá trị gì nữa. Thân này ví như chiếc xe đạp: sườn, bánh, vành, căm... còn kết dính và phối hợp nhịp nhàng thì tạm gọi là xe để sử dụng, những cái đó thôi kết dính hay hết phối hợp thì toàn bộ giống như đồ phế thải, như rác rưởi, bị quăng bỏ rồi trở thành cát bụi. Quán chiếu được như vậy thì không chấp thân này là ta, là của ta, là tự ngã của ta.

Thân bất tịnh có thể được hiểu theo hai phương diện:

(1) Phương diện vật chất: Thân này duy trì được là do quá trình trao đổi chất vận hành, tức là quá trình nhận vào và cho ra. Thân thể nhận vào thức ăn, vật uống, không khí để có năng lượng mà hoạt động, thân thể lại cho ra phân tiểu đờm dãi mồ hôi và thán khí để giải độc. Khi nhận vào thì thân này nhận đồ tương đối tinh sạch, khi cho ra thì thân này bài tiết những thứ bất tịnh. Không phải thân này có cơ chế tạo ra chất độc rồi thải ra ngoài như vậy mà từng tế bào của cơ thể khi tiêu thụ năng lượng thì đều thải ra chất độc.

Máu huyết là chất dịch lõng châu lưu, nhuận thấm khắp thân thể, máu đã bất tịnh thì chắc chắn khắp thân thể không chỗ nào là sạch được. Y học cho biết không có máu của ai, dù là của một em bé mới sinh là sạch sẽ hoàn toàn, là không bị những chất dơ bẩn và vi khuẩn hay mầm ung thư tiềm tàng ẩn núp.

Chưa kể đến khi thân này già đi thì mức độ bất tịnh gia tăng, thân này bịnh hoạn thì mức độ bất tịnh tăng cao hơn nữa. Khi thân này chết đi thì mức độ bất tịnh theo ngày tháng mà trở nên cực điểm. Hàng ngày quan sát những chổ bài tiết của cơ thể thì người trí đã có thể thấy được. Như vậy, rõ ràng thân này là bất tịnh.

Người ngu sống mê muội đối với bản thân bất tịnh. Đối với sự bất tịnh của thân này, che tầm mắt người khác là chuyện tự nhiên, chuyện lịch sự trong giao tế, nhưng lừa mình là điều không nên. Ngược lại, người trí, sống chân thật, hiểu rõ tính bất tịnh của bản thân mà không mê mờ gì về giá trị của nó. Giá trị của nó rất tạm thời, rất mỏng manh, và rất thất thường trong nhiều trường hợp.

Biết thân như bọt nước,

Ngộ thân là như huyễn,

Bẻ tên hoa của Ma,

Vượt tầm mắt Thần chết (PC. 46)

Người sống quán thân bất tịnh thường xuyên thì sống an vui với giá trị thực của thân, và khi có chuyện thất thường xảy ra, người ấy không bị bất ngờ, không bị hốt hoảng, giữ được sự an tĩnh cần thiết để tu tập, hướng tới trạng thái an vui nội tâm và trạng thái giải thoát xả ly. Trong hành xử, người ấy dễ dàng xả kỷ, lợi tha, thương người, mến vật nhưng vẫn biết bảo vệ giá trị sử dụng của bản thân, và khéo léo sử dụng thân này để tịnh hóa thân tâm. Làm nhiều việc thiện lành trong sạch.

Như từ một đống hoa,

Nhiều tràng hoa được kết.

Cũng vậy, thân sanh tử,

Làm được nhiều thiện sự (PC. 53)

(2) Phương diện tinh thần: Thân bất tịnh còn phải hiểu về phương diện tinh thần. Nói đúng hơn là phương diện vô thường, khổ và vô ngã, có nơi gọi là vô chủ thể. Nhìn vào nghĩa địa, nhìn vào bệnh viện thì người trí sâu sắc nhận ra tính vô thường của thân này. Nó không bền vững chút nào, không hoàn hảo chút nào. Khả năng lành mạnh của thân càng lúc càng sút kém, cho đến lúc cạn kiệt.

Biết thân như đồ gốm,

Trú tâm như thành trì,

Chống Ma với gươm trí ;

Giữ chiến thắng, không tham (PC. 40)

 

Không bao lâu thân này,

Sẽ nằm dài trên đất,

Bị vất bỏ, vô thức,

Như khúc cây vô dụng (PC. 41)

Vì không bền vững, không hoàn hảo nên trạng thái của thân này ngày đêm biến động liên tục, cảm giác của chúng ta về thân cũng theo đó mà không an ổn: lúc có cảm giác nóng nực, lúc có cảm giác lạnh giá, lúc cảm thấy no nê, lúc cảm thấy đói, lúc cảm giác dễ chịu, lúc cảm giác khó chịu; lúc cảm giác hăng hái, lúc cảm giác uể oải... cứ như vậy mà xoay qua trở lại, lúc này lúc khác, tất cả đều không theo ý muốn của chúng ta, nhiều lúc khiến cho chúng ta khổ não, buồn phiền. Chính tính chất gây ra khổ não này mà đạo Phật gọi là bất tịnh, là hữu lậu.

Người trí quán sát sâu xa hơn nữa sẽ nhận thấy thân này thật sự không có chủ nhân và chủ thể. Tại sao nói là không có chủ nhân? Vì thân này nghe theo lịnh của tất cả, mà cũng không nghe theo lịnh của ai cả. Nó nghe theo lịnh của sương, nắng, thời tiết. Nó nghe theo lịnh của độc tố hay vi khuẩn trong cơ thể. Nó nghe theo lịnh của nội tiết tố trồi sụt thất thường. Nó nghe theo lịnh của hệ thần kinh thực vật. Nó nghe theo lịnh của những tế bào có chức năng điều khiển. Nó nghe theo lịnh của bản năng sinh tồn. Nó nghe theo vô số những mệnh lệnh khác nữa. Dĩ nhiên ít nhiều gì nó cũng có nghe theo ý của chúng ta nhưng cũng không hơn gì ý của những thứ đã kễ ở trên. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng thân này không có chủ nhân. Chính cái tính chất vô chủ này mà đạo Phật gọi nó là bất tịnh, không thuần chất, là tạp thuộc.

Tại sao nói là không có chủ thể: Tại vì không có cái cốt lõi gì để gọi cái đó là thân, hay ít nhất là đại diện cao nhất của thân. Thân này có cách kết cấu tượng tự như cách kết cấu của chiếc xe đạp. Kết cấu của xe đạp gồm những bộ phân chính như sườn xe, bánh xe, vành xe, căm xe, yên xe, bàn đạp... kết hợp lại với nhau gọi chung là “xe”, nhưng không bộ phận nào là cốt lõi để gọi là “xe” cả. Tháo từng bộ phận để tìm kiếm cái “xe” thì chắc chắn là không có. Nhà Phật gọi như vậy là không có chủ thể, hay không có thực thể. Thân này cũng vậy, gồm những bộ phận như đầu, mình, tay chân, ruột, gan, phổi... kết hợp với nhau gọi chung là thân người, nhưng không có bộ phận nào là cốt lõi để gọi là thân người cả, chia chẻ cắt rời từng bộ phận để tìm kiếm cái thân chắc chắn là không có. Như vậy là không có chủ thể hay không có thực thể. Nhà Phật gọi cái tính chất không chủ thể, hay không thực thể này là bất tịnh. Có thể nói đây chính là cái bất tịnh sâu xa nhất.

Người thường xuyên quán chiếu tính bất tịnh của thân như vậy hàng ngày, hàng giờ, sẽ sống trong trạng thái an ổn, vui vẽ, vì không còn bị những ảo tưởng, ảo kiến về thân bức bách, làm cho mê mờ. Cảnh giới Niết bàn theo mức độ quán chiếu sâu hay cạn mà hiển lộ.

Có lẽ cũng nên lưu ý điều này, nói rằng: “Cái thân này ô nhiễm và dễ làm độc” không có nghĩa là một thái độ tiêu cực, mà là thái độ chân thực, và có tính cảnh giác. Nói như vậy không có mục đích chối bỏ thân này mà có mục đích bảo vệ thân này. Bảo vệ ở đây không phải là bảo vệ rồi thôi mà bảo vệ để có thể sử dụng thân này một cách tốt nhất, có ý nghĩa nhất. Ý nghĩa đó là sống lợi lạc an vui cho bản thân và tha nhân. Cuối cùng là sự giải thoát giác ngộ tối thượng.

Như Lai Thiền Tự San Diego

Chớm Đông 2011