Quy cách viết tin, bài cho Đuốc Sen và trang nhà

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Thưa quý cộng tác viên,

Cảm ơn quý chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử đã gởi bài, đưa tin cho trang nhà www.daophatkhatsi.vn. Sự đóng góp của quý chư Tôn đức và Phật tử sẽ góp phần làm nên nền văn học, văn hóa Khất Sĩ. Tuy nhiên, Ban Biên tập chúng tôi xin đề xuất các quy cách sau, mong chư Tôn đức và quý cộng tác viên hoan hỷ:

1. Bài viết nên là bài tự sáng tác của mình. Tránh tình trạng copy, cắt dán từ các bài viết khác trên mạng hoặc trong sách. Nếu lấy ý hoặc hình tượng nhân vật từ một bài nào đó để tạo nên “tác phẩm” của mình, nên ghi rõ nguồn để tri ơn.

2. Nếu là bài biên dịch thì nên ghi rõ biên dịch. Nguồn tư liệu tham khảo, biên dịch nên được giới thiệu. Nếu bài dịch thì ghi rõ dịch từ nguồn nào (tác phẩm, tác giả, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản).

3. Nếu tin, ảnh do mình viết thì chỉ để tên tác giả. Nếu lấy lại từ nguồn nào, nên để nguồn để ghi nhận công đức của trang nhà đó. Nếu có biên tập lại thì phải viết là nguồn … và có biên tập lại để trân trọng cảm ơn.

4. Nên viết với thái độ khoan hòa, nhẹ nhàng, góp ý, xây dựng. Không lên án, phê phán những tiêu cực do một cá nhân hoặc thành viên trong tổ chức gây nên.

5. Bài viết nên dùng font Times New Roman. Không nên trong một bài có 2 fonts, nhất là vừa font Times New Roman và VNI Times.

6. Nếu bài phóng sự thì nên có hình đính kèm để minh họa. Các bài nghiên cứu, nếu có hình minh họa thì càng tốt, giúp cho bộ phận dàn trang, đưa lên mạng đỡ mất công tìm hình. Hình nên chất lượng từ file gốc. Lưu tên hình: các ký tự nên được liền kề với nhau và không dấu. Ví dụ: phatthichca, botatvanthu vì như vậy khi upload lên mạng khỏi phải mất công đặt tên lại.

7. Nên thống nhất dấu ngoặc kép bằng hai dấu móc “…” thay vì một dấu ‘…’. Dấu ‘….’ nên là phần con của “….”.

8. Dấu chấm cuối câu đối với câu có dấu ngoặc kép “….” theo logic của người Việt được để ở ngoài. Người nước ngòai thường để dấu ngoặc kép bên ngoài dấu chấm. Thống nhất chọn cách của người Việt Nam.

9. Tiêu đề các tác phẩm văn học được viết bằng chữ thường, không viết hoa tòan bộ như tiếng Anh, phải in nghiêng. Ví dụ: Cung oán ngâm khúc, Đại Việt sử ký toàn thư. Cách trích dẫn có thể ghi theo mẫu sau: Tên tác giả, tác phẩm, nơi nhà xuất bản, tên nhà xuất bản, năm xuất bản. Ví dụ: Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất Sĩ, “Kệ giới", Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2004, tr.105.

10. Chữ “đức” trong “đức Phậtđược viết thường (theo tạp chí Văn hóa Phật giáo, Đạo Phật ngày nay) hay viết hoa (“Đức Phật”, theo báo Giác Ngộ) đều được, vì đó chỉ là sự biểu đạt sự tôn kính về đấng Giác Ngộ hoặc các bậc Tổ sư. Tuy nhiên, nên thống nhất trong từng bài viết.

11. Các tước hiệu, giới phẩm được viết hoa chữ đầu tiên, các chữ sau viết thường. Các từ có nguồn gốc từ tiếng Pali, Sanskrit và được phiên âm sang tiếng Việt hoặc được phiên âm theo âm Hán Việt thì viết hoa chữ đầu như Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ví dụ: Bồ-tát, Tỳ-kheo, Sa-di-ni, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha-tát, v.v…

12. Các chữ đã được dịch nghĩa từ tiếng Phạn, như: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thế Tôn, v.v… được viết hoa cả thảy.

13. Khi đánh máy không nên để các chữ dính với nhau. Ví dụ: đứcphật Thíchca…

nên viết chữ đúng quy cách: đức Phật Thích-ca.

14. Bài có dung lượng lớn, quý vị nên zip lại và gởi qua attachment (file đính kèm). Gởi bài riêng và hình riêng. Các hình trong bài nên chú thích rõ ràng.

15. Hoan hỷ gởi bài qua hệ thống mạng trong attachment, vì như vậy chúng tôi đỡ phải mất công đánh máy lại.

16. Nếu dùng bút hiệu cũng nên hoan hỷ cho chúng tôi biết rõ pháp danh thật để tiện liên lạc khi cần thiết.

Kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử được vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường, thành tựu được đa văn Thánh hạnh, vun bồi đạo nghiệp, thành tựu viên mãn mọi Phật sự.

Tịnh xá Trung Tâm, ngày 01 tháng 03 năm 2013

 Cung kính,

TM. Ban biên tập,

TK. Giác Hoàng.

* Đạo đức của người làm báo Phật giáo