Sài Gòn hoa lệ (Phần 9)

PDang p9Sài Gòn... - Ngộ - Ở đâu mà ai cũng muốn tìm về.

Con muốn đi xa lập nghiệp, con muốn thay đổi số phận của gia đình mình.

- Con đi đâu?

- Sài Gòn...

Anh sẽ bắt đầu với hai bàn tay trắng, anh sẽ trở về cưới em.

- Anh đi đâu?

- Sài Gòn...

Hoặc...

Người vợ ôm con để bỏ chạy khỏi những trận đòn roi của chồng.

- Tấp vô Bác tài,... cô đi đâu đó. Phụ xe hỏi.

- Sài Gòn...

Con là đứa con hư hỏng, bất tài vô dụng, cút khỏi nhà tao. Người cha giận dữ nói.

Anh chàng bỏ mấy bộ đồ vào trong cặp xách và lặng lẽ bước đi

- Con đi đâu đó. Người mẹ vọng hỏi trong nước mắt

- Sài Gòn..

Có người mang hoa đến Sài Gòn bằng những ý chí, quyết tâm và đổi đời, nhưng cũng có người mang đầy lệ mặn trong nỗi đau, thất vọng, trốn chạy và buồn chán.

Vì người ta cũng chẳng biết đi đâu ngoài Sài Gòn.

Đúng là Sài Gòn hoa lệ, nhiều hoa - cũng lắm lệ. Ở thì "chửi" mà Đi thì không nỡ.

Theo kế hoạch được bàn tính kỹ càng tối hôm qua, thì sáng nay Pháp Đăng sẽ cùng Pháp Bảo thay vì trên đường đi học sẽ chuyển hướng thẳng ra đường quốc lộ để Pháp Đăng trốn đi Sài Gòn. Vì ở cái làng nghèo này thì đâu ra cái bến xe nào ngoài việc phải đi tận quốc lộ để đón.

Pháp Đăng mặc bộ đồ nâu mới nhất do sư huynh Pháp Tất tặng lúc trước để thay cho bộ đồ khi bị tụi Tý Ngầu xé rách, với vài bộ đồ nâu cũ trong cái cặp xách vác ngang vai cùng mấy gói mì, cục xà phòng, bàn chải đánh răng, mấy viên thuốc tây và mấy cuốn kinh do Pháp Bảo lén lút qua mặt bà Năm Lựu tối qua để lấy cho sư huynh Pháp Đăng làm lộ phí đường xa.

Pháp Đăng thở dài nhìn Pháp Bảo lén lút chuẩn bị mọi thứ bỏ vào căng đầy cặp xách mà cõi lòng buồn rười rượi. Hít một hơi để lấy lại bình tỉnh, Pháp Đăng nói:

- Đây là kỷ vật mà huynh đeo trong cổ khi thầy nhặt được huynh phía trước cổng chùa, chắc là của mẹ huynh để lại. Mấy năm trước thầy không cho đeo nữa, thầy bảo đi tu rồi nên không được phép đeo trang sức trong người, nên huynh cất giữ nó thật kỹ tới giờ. Huynh sẽ giữ sợi dây và tặng lại cho đệ cái mặt dây chuyền hình Bồ-tát Quán Âm này, đi đâu hãy nhớ mang trong người để coi như có Đức Bồ-tát gia hộ và có huynh bên cạnh để chở che cho đệ.

Pháp Bảo cằm trên tay chiếc mặt dây chuyền do Pháp Đăng trao, vừa khóc mếu máo vừa nói:

- Sao mẹ của đệ lúc bỏ đệ trước cổng chùa, không để lại cho đệ thứ gì hết vậy. Chắc mẹ không muốn tìm lại đệ nữa rồi.

Pháp Đăng ôm Pháp Bảo vào lòng để dỗ ngọt cho Pháp Bảo nín.

- Huynh hứa với đệ là sau khi lên tới Sài Gòn rồi, phải quay về đón đệ đi đó. Khi nào buồn nhớ huynh, đệ sẽ chạy lên đồi tràm ngồi trên đó khóc một mình. Đệ sẽ ở chùa và chờ ngày huynh trở về. Huynh nhớ nếu được thì thăm hỏi tin tức của sư huynh Pháp Tất luôn nha.

- Thôi! Tới giờ đi rồi, huynh lên thắp hương lễ Phật lần cuối đi, xong rồi vào dắt xe ra, đệ mang giỏ đồ đứng trước cổng chùa chờ huynh, cẩn thận kẻo thầy phát hiện nha huynh. À! Để đệ bỏ thêm vào vài chai nước để khi nào khát huynh uống.

Pháp Đăng lặng lẽ mặc chiếc áo dài nâu vào tiến lên lễ Phật 3 lạy rồi đi thẳng ra cây sa la, Pháp Đăng nói:

- Cây sa la ơi! Ta đi nhé, ngoài Pháp Bảo ra thì chỉ có ngươi là người bạn luôn lắng nghe và ở bên cạnh khi ta buồn, không biết bao giờ ta có thể trở lại đây để ngồi dưới chân ngươi như ngày nào. Ta đi nhé sa la!

Nói rồi Pháp Đăng nhẹ nhàng nhặt cái hoa sa la bỏ vào trong túi áo cho như một sự lưu luyến mà Pháp Đăng muốn dành cho người bạn “tri kỷ” của mình.

Cứ thế, Pháp Đăng cứ hì hục đạp xe trong từng bước chân nặng trĩu trên con đường tiến ra quốc lộ giữa cuộc chia tay đầy nước mắt của hai chú chim non đã ngừng cất cao giọng hót để tiễn đưa một trong hai chú sẽ vỗ tung đôi cánh bay cao về phía chân trời vô định.

Đúng là thế giới con người khác với động vật chính là tương lai, cũng vì tương lai mà khiến con người ta không bao giờ biết dừng lại ở việc ăn và ngủ như các loài động vật khác, mà họ phải chấp nhận mọi mất mát đau thương chỉ vì mục đích và lý tưởng.

Mọi thứ trong chiếc cặp của Pháp Đăng dường như đã đủ, chỉ thiếu cái quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề là tiền. Vì có muốn cũng chẳng biết ở đâu mà tìm. Cứ thế mà giữa cái nắng chang chang từ sáng tới trưa, hai chú cứ đứng ở một góc đường ngay quốc lộ mà vẫy gọi mãi không xe nào chịu đón. Mồ hôi nhễ nhại lẫn sự mệt mỏi đã hiện rõ lên trên khuôn mặt, riêng chỉ có Pháp Đăng vẫn còn đủ sức để chạy ra rồi thụt vào để đón xe với nhiều hy vọng cháy bỏng rồi lại thất vọng nhìn Pháp Bảo.

- Tấp vô bác tài, có khách. Chú phụ xe hô to:

- Ê, đi đâu á chú tiểu.

- Dạ, dạ... Sài Gòn. Pháp Đăng ấp úng trả lời.

- Ừ, Sài Gòn thì 100 ngàn nha.

- Nhưng cháu không có tiền, cháu xin đi quá giang được không.

- Ồ, giỡn hả tiểu. Không tiền thì xe đổ nước mà chạy hả.

- Đừng có cà chớn cà cháo nha tiểu để cho anh mày còn làm ăn.

Bỗng chợt có tiếng của người phụ nữ trong xe vọng ra.

- Thôi! Cho chú đó lên đi, tôi trả.

Pháp Đăng mừng rỡ, chạy vào báo tin cho Pháp Bảo:

- Đệ ơi! Có xe rồi, mau xách giỏ ra.

Bỗng nhiên Pháp Bảo không kèm được cảm xúc mà úa lên khóc nức nở như đứa con nít, rồi xách chiếc giỏ xách ra để đưa tiễn sư huynh Pháp Đăng lên xe.

- Đệ nhớ ở nhà lo cho thầy, cố gắng học giỏi, huynh sẽ trở về rước đệ. Pháp Bảo nói trong hụt hơi.

Nói rồi, Pháp Đăng lén lút úp mặt trên chiếc giỏ xách đang ôm trong người mà khóc.

Còn Pháp Bảo thì cảm thấy mọi thứ chung quanh mình như tối sầm lại, cảnh vật như ngừng lại với nỗi cô đơn và mất mát đến tột cùng khi nhìn sư huynh Pháp Đăng đang ngồi chen chúc với mọi người, mà không biết rồi họ sẽ đưa sư huynh mình đi đâu trên chiếc xe khách đang từ từ khuất xa dần trong tầm mắt.

Chiếc xe đạp giờ đây đã thiếu vắng đi một người và trên con đường làng quen thuộc đến trường cũng chỉ còn có một chú chim non vẫn âm thầm cất cao những giọng hót đầy bi thương và buồn tủi đến trường trong nỗi nhớ nhung da diết.

Gần đây, ngày nào Pháp Bảo sau những buổi học về, cũng đều chạy thẳng lên đồi tràm ngồi khóc một mình, lâu lâu giơ tay hứng lấy những chiếc bông tràm rơi mà nhớ lại hình ảnh của sư huynh Pháp Đăng ngày nào vẫn còn quanh quẩn đâu đây với giọng nói hồn nhiên còn vang lại:

- Được rồi đệ mở mắt ra đi. Pháp Đăng bất chợt tung hết những bông hoa tràm lên trời và bay lên đón lấy một cách hứng thú và hồn nhiên, trong ánh nhìn ngơ ngác của Pháp Bảo.

- Đây rồi, đây là mây trời huynh đã dùng thần thông lấy cho đệ đây.

Nghĩ đến đó rồi Pháp Bảo ứa ra một nụ cười thầm kín cho sự hồn nhiên mà cũng quá "già đời" của sư huynh Pháp Đăng.

- Chú lên Sài Gòn để làm gì mà không có đồng nào trong người vậy. Cô hành khách với thân hình hơi mập mạp ngồi kế bên hỏi.

- Dạ,... dạ. Cháu cũng không biết lên Sài Gòn để làm gì, nhưng cháu muốn thay đổi số phận của đời mình, rồi cháu quyết định đi thôi.

- Còn cô. Pháp Đăng hỏi.

- À cô lên Sài Gòn tìm con. Cô có đứa con cũng có gương mặt sáng sủa, đẹp trai như chú vậy, chắc cũng khoảng bằng tuổi chú thôi.

Pháp Đăng ngơ ngác hỏi tiếp.

- Ủa con cô bị thất lạc lâu chưa?

- À mới mấy ngày đây thôi, không phải thất lạc, mà vì nó bị ba nó la nên bỏ trốn lên Sài Gòn. Giờ tôi phải lên đó để thăm hỏi tin tức để đưa nó về. Mà giữa cái Sài Gòn mênh mông này, tôi cũng không biết nó ở đâu mà tìm. Nhưng làm cha, làm mẹ thì ai mà nỡ bỏ con của mình hả chú. Nó có ngoan, có hư, có tật nguyền gì thì cũng là con của mình mang nặng đẻ đau.

Nghe cô nói vậy, Pháp Đăng im lặng một hồi lâu rồi trả lời trong vẻ buồn bã:

- Dạ,..

- Thôi! Tôi cho chú thêm 50 ngàn nữa nè để bọc hờ trong túi khi lên tới đó có tiền mà sài. Ở cái đất Sài Gòn mà không có tiền trong người thì như con cá mà thiếu nước nằm trên bờ mà chờ chết khô.

- Dạ, cháu cảm ơn cô, cô tốt với cháu quá. Đã giúp cháu trả tiền xe mà còn cho cháu thêm tiền nữa.

- Ừ! Tôi là Phật tử mà, quy y hồi còn nhỏ, nên thấy mấy chú nhỏ mà đã có duyên đi tu thế này, tôi quý lắm. Chứ thằng con của tôi cũng bằng tuổi chú mà suốt ngày cứ vùi đầu vào cái máy điện tử chơi game, bỏ học đi chơi miết, mà tôi có khuyên bảo gì được đâu. Thôi! Chú ráng tu nha, ở ngoài đời này khổ lắm, không có cái gì quý bằng tu hành cả chú ạ.

- Chú tiểu xuống chỗ nào của Sài Gòn. Bác tài xế hỏi to.

Pháp Đăng ngơ ngác không biết chỗ nào ngoài cái địa chỉ chính xác nhất mà mình biết để đi là Sài Gòn.

Pháp Đăng ú ớ trả lời:

- Dạ, chú cứ cho con xuống chỗ nào cũng được.

- Thôi! Tôi bỏ chú xuống bến xe Miền Đông nha, tới đó rồi chú muốn đi đâu thì cứ kêu xe ôm chở.

- Dạ, cũng được, cảm ơn chú.

Trên con đường chạy quanh thành phố, Pháp Đăng ngơ ngác liên tục ngoái đầu nhìn ra phía cửa sổ để xem Sài Gòn ra sao mà ai cũng đều muốn đặt chân đến. Pháp Đăng nhìn mọi thứ đều lạ lẫm giữa một rừng người đang chen chúc nhau nhít từng chút một trong tiếng còi xe, tiếng la hét inh ỏi chung quanh, vì đây là lần đầu tiên trong đời Pháp Đăng được đi xa đến vậy ngoài con đường quen thuộc từ chùa đến trường và ngược lại.

Rồi Pháp Đăng cảm thấy vui trong lòng trước những điều lạ lẫm đó, khi thấy mình được may mắn hơn các chú trong chùa là được nhìn thấy những gì đang diễn ra trước mắt mình, Pháp Đăng chợt nghĩ trong lòng: Mình phải cố gắng nhớ để sau này về còn kể cho sư đệ Pháp Bảo nghe nữa. Chắc sư đệ Pháp Bảo thích lắm. Rồi Pháp Đăng cười thầm.

Đúng là "con nít" mà chẳng phải "con nít" có lúc thì hồn nhiên vô tư, có lúc thì đầy tính toán lẫn ước mơ mà chỉ muốn làm cho bằng được.

Pháp Đăng đâu thể nào biết được con đường dài phía trước vốn đầy lắm những chông gai và nước mắt đang chờ đợi mình, phải chăng chú như một chú thỏ con chỉ vì những củ cà rốt mọc quanh mé rừng mà đi lạc vào trong khu làng của những người thợ săn đầy hung tợn hay một thiên thần nhỏ bé chỉ vì một chút ham vui với mải mê đuổi ong bắt bướm mà đi lạc vào nơi trần thế.

Sài Gòn phải chăng là thế giới không thuộc về những người như chú.

CÒN TIẾP PHẦN 10: ĐI ĐÂU – VỀ ĐÂU

Dựa trên câu chuyện có thật của chú tiểu Pháp Đăng