Sinh tử và cảnh trung ấm

Ánh Sáng Mật Tông

►Lời đầu sách

►Chương 1: Ba bánh xe pháp

►Chương 2: PG hướng sang Tây Tạng

►Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng

Chương 4: Tiếng nói thời hiện đại

►Chương 5: Công cụ để chứng Chánh giác

►Chương 6: Âm thanh của Chánh giác

►Chương 7: Tâm thức ở tầng cao

      với pháp quán ảnh tượng

►Chương 8: Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta

►Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh trung ấm

►Chương 10: Suối Nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ

Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh Trung Ấm

 Nếu thường quán niệm về cái chết, tâm thức của con sẽ hướng về việc tu tập, sẽ có sức tinh tấn mới, và con sẽ thấy chết là cái nối kết con với sự thật tuyệt đối.

-- Giáo thư Tây Tạng

 

Chết là gì? Khoa học phương Tây cho rằng đó là lúc điện tim đồ nằm ngang, là kết thúc của những tiến trình sống. Đối với một số người, chết biểu trưng cho lần yên nghỉ sau cùng và sự an bình tuyệt đối. Tuy nhiên, người Tây Tạng tin rằng đó là cách nhìn hạn cuộc, không chính xác. Những người trở về từ trạng thái chết kể lại những kinh nghiệm thâm sâu, như thấy được một vùng sáng màu trắng, nhìn lại thước phim đời mình nhanh như một tia chớp. Theo người Tây Tạng đó là là bằng chứng cho thấy rằng tâm thức con người vẫn tiếp tục hoạt động sau khi chết và họ đã triển khai một ngành khoa học về cái chết, khai phá vùng tâm thức nội tại như những nhà khoa học thám hiểm thế giới bên ngoài.

Người Tây Tạng nhìn sinh và tử là một diễn trình liên tục. Cuộc sống là thời gian giữa sinh và tử. Sau khi chết vòng tròn sinh tử vẫn tiếp tục ngang qua một giai đoạn trung gian kéo dài từ lúc chết đến lúc sinh ra trở lại. Đối với người Tây Tạng, diễn trình liên tục này là sự thật và hứng thú bàn luận để minh chứng cho quan niệm của mình. Rất ít người trong chúng ta giữ được ký ức về sự kiện mình chào đời. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều tuyệt đối khẳng quyết rằng chúng ta đã được chào đời. Tương tự, rất ít người trong chúng ta giữ được ký ức về sự kiện mình tái sinh trở lại. Thế tại sao chúng ta không khẳng quyết rằng chúng ta đã được tái sinh trở lại? Khoảng thời gian giữa lúc chết và lúc tái sinh, chúng ta có nhớ lại được hay không nhớ lại được đâu phải là chứng cứ để cho rằng không có khoảng thời gian đó.

Mỗi khoảng thời gian trong diễn trình liên tục này là một phân khúc trên con đường tâm linh. Với những nỗ lực thích hợp, con người có thể càng lúc càng tiến hóa lên cao, cuối cùng đạt được ánh sáng chánh giác trong vắt. Ánh sáng này cắt đứt dòng triền miên sanh tử tử sanh, và đưa hành giả đến cảnh giới Niết-bàn tối hậu, vĩnh hằng và vô biên phúc lạc.

Đối Diện Cái Chết

hật giáo Tây Tạng dạy rằng người ta có thể làm chủ vòng lăn xoay của hiện hữu bằng cách phát triển nếp suy tư thích hợp đối với cái chết. Một trong những tác phẩm nổi tiếng về đề tài này, Bồ-đề đạo thứ đệ, do vị tổ khai sơn của tông phái Gelukpa là Tống Kha Pa (1357 - 1419) biên soạn. Trong đó Tống Kha Pa giải thích phương pháp đạt thành chánh giác. Đoạn sách nói về cách đối diện với cái chết là một khai thị tuyệt vời cho thời đại ngày nay.

Chúng ta chắc chắn rằng rốt cuộc chúng ta sẽ chết, nhưng hầu hết mọi người đều tránh né, không muốn nghĩ ngợi về điều đó. Tuy nhiên, tăng cường ý thức về cái không thể tránh né này lại là mấu chốt để giúp chúng ta sống tốt. Khi chúng ta duy trì tình trạng thường trực ý thức về thời gian hạn chế của kiếp sống thì thái độ của chúng ta thay đổi. Chúng ta cảm kích từng giây phút đang có và sử dụng tốt hơn khoảng thời gian mà chúng ta thật sự đang có. Tống Kha Pa nói: “Vì vậy, tâm tưởng bị ngộ độc cho rằng mình sẽ không chết là ngọn nguồn của tất cả rối khỗ. Ngược lại, liều thuốc giải độc -- chánh niệm đối với cái chết -- là ngọn nguồn của tất cả điều mầu nhiệm” (Lopez 1997, 429).

Mặc dầu tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta sẽ chết, chúng ta lại không thể chắc chắn nó sẽ xảy ra lúc nào. Nếu bạn nghĩ về cái chết thì thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân đưa đến cái chết những lại có rất ít cơ may giữ được mạng sống. Tất cả những sơ sẩy đều có thể cắt ngang sinh mệnh. Thức ăn, nước uống, những thứ vun đắp cho mạng sống, nếu nhiễm độc, có thể đe dọa sinh mạng. Có lẽ chúng ta rất muốn sống yên và sống khoẻ nhưng chúng ta không thể nào kiểm soát được những biến số của cuộc sống. Đạo sư Long Thọ nói: “Mạng sống của con đang đặt ở giữa (một rừng gồm) những nhân tố đưa đến cái chết, giống như ngọn đèn treo trước luồng gió mạnh” (Lopez 1997, 437). Đối diện với những thực tế này giúp cho chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống mà chúng ta đang thực sự có để sống tốt nhất.

Lúc lâm chung, chỉ có những tiến bộ tâm linh là còn giá trị. Tiền bạc và của cải đều phải bỏ lại. Chúng ta sống như thế nào là tất cả những gì mà chúng ta có thể đưa vào tiến trình chuyển tiếp. Với nhận thức chắc chắn như vậy trong tâm, chúng ta phải tìm cách làm cho tâm hồn thăng tiến trong suốt cuộc sống. Phật giáo truyền giảng con đường tu tập, trao cho con người những gì sẽ cần đến khi đối mặt với cái chết. Tống Kha Pa khuyên:

Vì vậy, hãy nghĩ rằng, “Việc như vầy chắc chắn sẽ xảy ra: ta phải từ bỏ những gì tuyệt vời của thế gian; sau khi từ bỏ, ta đi qua thế giới khác. Tiến một bước nữa, hãy nghĩ việc như vậy sẽ xảy ra ngày hôm nay.” Hãy nghĩ làm thế nào, lúc đó, chỉ có công phu tu tập là chỗ nương thân, chỗ bảo vệ, chỗ che chở. (Lopez 1997, 439)

hiền định về 3 điều này: chúng ta sẽ chết, chúng ta không biết lúc nào, và chỉ có công phu tu tập là còn giá trị. Quán chiếu để nhận ra một cách đầy đủ ý nghĩa của chúng. Điều này sẽ rất có ích trong việc đưa bạn vào con đường tu chủng mà nếu bạn đi theo một cách chân thực và hết lòng thì chắc chắn sẽ chứng đạt chánh đẳng giác.

Bardo Thodol, Quyển Sách Dạy Về Cái Chết

Quyển sách dạy về cái chết của Phật giáo Tây Tạng được xem là do đạo sư Liên Hoa Sanh biên soạn là một trong những tác phẩm quan trọng của lịch sử nhân loại. Là quyển sách hướng dẫn cho người ta cách tìm thấy được đường đi nước bước trong tiến trình mệnh chung để hướng người ta tái sinh lên cảnh giới cao trên và cuối cùng là cảnh giới Niết-bàn.

Evans-Wentz trình bày rằng có nhiều nền văn hóa trước kia hướng dẫn người ta về cái chết như Tử thư Ai Cập và Thần thoại Hy Lạp của Hades. Trong đó nhiều ý tưởng trùng lập với nhau cho thấy có một số sự thật phỗ quát về kiếp sống của con người. Robert Wicks, một tác gia, tin rằng quyển sách về cái chết thực sự được viết để giúp cho cuộc sống. Ông bày tỏ: Đúng hơn, đó là quyển sách hướng về cuộc sống nhiều hơn là hướng về cái chết, hướng về những thực tế tâm lý học nhiều hơn là hướng về những thực tế siêu hình học” (Wicks 1997, 486). Chúng ta có thể quan sát theo cả hai hướng và xem đó là sách chỉ nam để chúng ta có thể sống tốt nhất trong đời này và mai sau.

Sách nói về lâm chung của Tây Tạng: Bardo Thodol. Bardo Thodol có nghĩa là quyển sách lớn nói về sự giải thoát bản nhiên nhờ những nhận thưc về cảnh giới trung ấm. Tuy vậy, Evans Wentz phỗ biến tác phẩm này bằng tựa đề là Tử thư Tây Tạng mà ngày nay hầu hết mọi người đều biết.

Tử thư Tây Tạng dẫn dường cho mọi người đi ngang qua những diễn biến sau khi chết. Những diễn biến mà một người trải nghiệm trong giai đoạn trung ấm xảy ra như thế nào dựa vào người ấy đã sống như thế nào, dựa vào con đường mà người ấy chọn lựa sau khi chết; hai yếu tố này tác động lẫn nhau.

Những người Tây Tạng tin rằng linh thức dần dần thoát ra, chớ không phải đột ngột phóng ra. Một vi đạo sư tụng đọc Bardo Thodol cho người mệnh chung cho đến 49 ngày; thời gian mà cảnh giới giác ngộ đang mở ngõ đón chờ sinh linh. Chậm nhất là ngày thứ 49, quá trình lâm chung đã hoàn mãn và sinh linh sẽ thấy mình giác ngộ hay tái sinh. Cảnh giới sau khi chết và trước khi tái sinh ngang qua sự hướng dẫn của Tử thư Tây Tạng gọi là Bardo hay cảnh giới trung ấm. Có ba dạng cảnh giới trung ấm: (1) Chikhai Bardo, dạng ánh sáng thuần khiết; (2) Chonyid Bardo, dạng thánh tướng bình an và giận dữ; (3) Sidpa Bardo, dạng con đường tái sinh.

Chikhai Bardo, dạng ánh sáng thuần khiết

Đoạn đầu sách nói về việc một sinh linh ngưng thở. Những lời dạy được đọc đi đọc lại sát bên tai của người lâm chung. Vị đạo sư dặn dò người lâm chung “sanh nơi cao quý” và thôi thúc người lâm chung khám phá những phẩm chất cao thượng nhất của mình.

Vừa ngưng thở, sinh linh liền thấy ánh sáng trong suốt rỡ ràng và thuần khiết, phóng xuất từ tâm bản nhiên sẵn có. Dạng ánh sáng thuần khiết này là trạng thái bản nhiên của tâm, chưa bị che mờ và tán loạn bởi những bản năng, tư ý và cảm xúc thấp kém. Vị đạo sư khích lệ sinh linh hãy đối diện và an trú với ánh sáng đó. Một giờ đầu sau khi ngừng thở là thời gian mà một sinh linh có tu tập thiền định trong lúc sinh thời có thể tức khắc chứng đạt chánh giác; tuy nhiên điều này rất hiếm xảy ra. Trong trường hợp sinh linh thoạt đầu không nhận thấy ánh sáng thuần khiết thì vẫn có cơ hội thứ hai, có thể kéo dài đến 4 ngày.

Chonyid Bardo, dạng thánh tướng bình an và giận dữ

Hầu hết mọi người đều không thể đối diện với dạng ánh sáng rỡ ràng thuần khiết và vì vậy mà đi tiếp vào cảnh giới trung ấm thứ hai Choyid Bardo. Trong cảnh giới này, sinh linh tiếp xúc với những âm thanh, ánh sáng và hình ảnh của cả hai dạng thánh: bình an và giận dữ. Quyển Tử thư liên tục nhắc nhở sinh linh rằng đó chỉ là những biểu hiện từ chính tâm thức của mình. Vị đạo sư khích lệ sinh linh chớ nên sợ hãi vì ngay cả tướng mạo của một vị thần hung bạo và đáng kinh khiếp nhất cũng phát xuất từ tư tưởng nội tại. Trong một ý nghĩa nào đó thì sinh linh đang đối mặt với những phẩm tính thánh thiện nhất và những cái tồi tệ nhất ngay bên trong của mình. Quyển tử thư hướng dẫn sinh linh hãy nhìn trực diện và đối tác với những ác quấy của mình để có thể tiếp nhận tâm Phật trong suốt bản nhiên thanh tịnh mà không bị bất cứ một tác động nào khác chen vào.

Trong thời gian 7 ngày, sinh linh gặp những vị thánh bình an, mỗi vị biểu trưng cho một phẩm tính tích cực của tâm. Để đối diện với những vị thánh này một cách đầy đủ, hãy khích lệ sinh linh vượt qua những giới hạn tiêu cực của bản thân. Cụ thể, ngay ngày đầu của trung ấm Chonyid, sinh linh sẽ thấy thánh tướng Đại Nhật từ phụ, chủng tử của tất cả, với vị trợ phối thánh nữ, trong vầng sáng rỡ ràng màu xanh. Để mở được đạo lộ cộng thông với cảnh giới Niết-bàn, sinh linh phải nhận ra chỗ u mê của bản thân và loại trừ đi. Nhiều sinh linh bị cuốn hút bởi vầng sáng trắng dịu phủ mờ đạo lộ nên không thể vượt qua huyển tướng để thấy tự tánh bản nhiên của mình nên quay sang hướng khác.

Tử thư khích lệ sinh linh dùng một dạng liệu pháp để chuyển hóa những xúc cảm hẹp lượng, nhỏ mọn như tức giận, tự ái, chấp thủ, và ganh ghét làm cho chúng trở thành những xúc cảm rộng lớn và đại thể hơn như tình thương, lòng từ ái, và trí tuệ. Mỗi ngày sinh linh đi theo một vị thánh an bình khác nhau và ra sức từ bỏ những tính tình tiêu cực của con người. Ngày thứ bảy chấm dứt với một cầu vồng nhiều màu; trong đó chư thánh tướng an bình tập hội theo một đồ hình mạn-đà-la, cố gắng lôi kéo sinh linh về hướng chánh giác.

Nhưng những ý hướng tiêu cực đã tập nhiễm trong lúc sinh thời đã trở thành nghiệp lực lôi kéo sinh linh rời khỏi hướng chánh giác. Cuộc hành trình trong cõi trung hữu đã đưa sinh linh mặt đối mặt với những vị thần phẩn nộ từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14. Tử thư miêu tả những vị thần dữ dằn có bộ dạng khủng khiếp, nhiều đầu, nhiều tay chân; ánh mắt khủng hoảng; trên thân treo những chiếc đầu lâu, bình đựng máu; tay chân vung lên những loại binh khí rợn người. Vị đạo sư trấn an sinh linh, khẳng quyết rằng những hình tướng rùng rợn đó chỉ là hình dáng của những cuồng vọng của chính con người; sinh linh hãy chấp nhận.

Học chấp nhận tất cả những gì thuộc về mình, ngay cả những phương diện mà bản thân mình không ưa thích là một liệu pháp rất thâm sâu. Khi mà một người biết dừng lại trong cuộc ẩu đả với những quấy ác của mình thì người ấy đã bước một bước trên con đường chánh giác. Những thói xấu bị hóa giải và người ấy khám phá ra nguồn bình an nội tại. Chúng tôi có trị liệu một bệnh nhân bị chứng hai nhân cách; cô thích nhân cách này và ghét nhân cách kia. Hai dạng nhân cách xung đột với nhau làm cho nội tâm cô bị dằn xé và tách làm hai. Nhờ quá trình trị liệu, cô biết chấp nhận cả hai nhân cách; làm chủ bản thân nhiều hơn nhờ cả hai nhân cách bớt đi tính cực đoan.

Trong quyển Tử thư vị đạo sư khuyên nhủ người lâm chung nhiều lần rằng ngay cả những cảnh tượng kinh hoàng nhất cũng chỉ là hình ảnh của tâm thức mà thôi. Nhận ra được điều này thì người ta chứng đạt chánh giác.

Sidpa Bardo, Con Đường Đi Tái Sinh

Nhiều người không thể tin rằng những hình tướng đáng sợ như vậy lại có nguồn gốc từ những vọng tưởng của chính mình nên mới kình chống, rơi xuống cảnh giới Sidpa, cảnh giới trung hữu thứ ba và là cảnh giới đáng sợ nhất. Bản thân cảnh trung hữu này có thể kéo dài cho đến ngày thứ 49 cuối cùng của diễn trình.

Vì người lâm chung không có nhục thể nên chuyển dịch liên tục, vì vậy cảm thấy không ổn định, tự hỏi: “Ta phải làm gì?” suốt cuộc hành trình trong cảnh giới Sidpa, sinh linh sẽ trải qua những khó khăn và đau khỗ cùng cực.

Trước hết, sinh linh phải đối diện với sự phán xét, tương tự với sự phán xét trong những tôn giáo phương Tây. Những hành vi thiện và ác được xem xét và cân nhắc, một tiến trình mang tính mệnh lệnh và tuyệt đối chân thật. Tự lừa dối sẽ bị tính điểm âm. Vị đạo sư cảnh giác người lâm chung hãy cẩn thận trong ý tưởng vì những ý tưởng xấu xa không trong sạch sẽ làm cho người ta đọa lạc. Quyển Tử thư khích lệ người ta niệm tưởng đến Đức Phật, Giáo pháp và Tăng-già, tiếp nhận năng lượng và sự dẫn đạo của Tam bảo. Nếu duy trì được chánh niệm, người ta vẫn có thể đạt đến chánh giác.

Ở cấp độ này này, người mệnh chung đang chuyển dịch dần dần đến chỗ tái sinh. Phật giáo Tây Tạng nhận thức 6 cảnh giới người ta có thể sinh vào: 3 cảnh giới tốt (người, bán thiên thần và thiên thần) và 3 cảnh giới xấu (súc vật, quỷ đói, địa ngục). Trong cảnh trung hữu, mỗi một cảnh giới có một dạng ánh sáng riêng phủ lên người mệnh chung tùy theo người ấy sinh thời đã sống như thế nào.

Tử thư chỉ dạy 5 phương pháp để đóng kín cửa đi vào thai bào và nhờ vậy mà không phải tái sinh. Trong đó, hai phương pháp đầu là nhiệt tâm và thành kính. Phương pháp thứ ba tương tự như cách nói của Freud, người khai sáng ra ngành tâm phân học trình bày về chứng tâm lý giới tính dị đồng đối với cha và mẹ. Tử thư tuyên bố rằng những bé trai một cách tự nhiên có cảm giác ghét người cha và có cảm giác thương người mẹ. Bé gái thì ngược lại, có cảm giác ghét người mẹ và có cảm giác thương người cha. Nếu người ta có thể vượt qua được những cảm giác này và thiền quán biểu tướng cha/mẹ, thấy cha/mẹ là đạo sư thì có thể đạt đến chánh giác. Phương pháp thứ tư là thiền quán về tính huyễn hóa của các pháp mà chúng ta trải nghiệm. Phương pháp cuối cùng là thiền quán ánh sáng thuần khiết. Nếu không vận dụng được phương pháp nào thì sinh linh lập tức tái sinh vào một trong 6 cảnh giới. Như vậy, vòng luân hồi lại bắt đầu với khả năng giải thoát ngang qua tuệ giác.

Bằng cách kiểm soát được tâm, ngay cả ở cảnh trạng thấp nhất, một sinh linh kém cõi nhất vẫn có thể cải thiện và được giác ngộ. Như vậy, Tử thư đã giữ niềm hy vọng cho tất cả mọi người. Mặc dù chúng ta có thể không hoàn hảo, chúng ta vẫn có thể đạt được trạng thái giải thoát hoàn toàn, phúc lạc hoàn toàn, bất cứ lúc nào trong dòng tương tục của sinh mệnh.