Song ân

chame

Trong cuộc đời của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành rồi già, chúng ta đều nhờ các trọng ơn, đó là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn những người đã dạy dỗ và giúp đỡ ta trong cuộc sống.

Ơn đầu tiên con muốn nói đến đó là ơn hai đấng sanh thành, người đã cho con xác thân và lo lắng nuôi dưỡng dạy bảo cho con đến khi trưởng thành. Nói đến công ơn cha mẹ con không biết lấy gì để diễn tả và so sánh.

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Thật vậy, công ơn cha mẹ, cao ngất tựa Thái Sơn và bao la dồi dào như nước trong nguồn chảy ra. Vậy mà phận làm con như chúng con đây có mấy ai nghĩ tới, có mấy ai báo đền được công ơn sinh thành và dưỡng nuôi của cha mẹ. Con đã không báo được công ơn cho cha mẹ mà trái lại con lại làm cho cha mẹ buồn và khổ về con nhiều lắm. Con xin lỗi ngàn lần, con xin lỗi cha mẹ vì con là người con bất hiếu.

Người cha người mẹ nào cũng vậy, sinh con ra và nuôi dạy con trưởng thành ai cũng muốn cho con mình có một công ăn việc làm ổn định và có một gia đình thật hạnh phúc. Nhưng con đã không làm như vậy, con đã đi ngược lại với ước muốn của cha mẹ. Con đã chọn cho mình con đường xuất gia, từ bỏ gia đình và cuộc sống thế tục. Ngày con đi xuất gia mẹ đã khóc, khóc thật nhiều, còn ba chỉ im lặng, không nói lời nào. Nhưng con biết rồi cha mẹ sẽ hết buồn, rồi ba mẹ sẽ hiểu và vui cho con vì con đã chọn con đường thật đúng đắn. Mẹ ơi! Nhờ có con đường đạo con đã hiểu rõ hơn về công ơn dưỡng dục của ba mẹ. Con hiểu rõ hơn cần phải làm những gì để đền đáp công ơn đó. Con nguyện sẽ cố gắng sống hạnh phúc và tu tập thật tốt để đáp đền công ơn của ba mẹ.

Ơn thứ hai con thầm cám ơn Sư phụ, người đã dìu dắt con vào đạo, người đã truyền dạy cho con Tam quy Ngũ giới và là người đã thế phát xuất gia cho con. Tuy Sư phụ là một Thầy Tăng, nhưng dưới sự giáo dưỡng của Thầy, qua những gì Thầy chỉ bảo, dạy dỗ và quan tâm, con cảm nhận phụ như một người cha rất mực thương yêu chúng con.

Mới bước chân vào chùa trong con thật bỡ ngỡ, vì từ trước đến giờ con nào có đi chùa, con nào có biết đạo. Sư phụ là người đã hướng dẫn và chỉ dạy cho con. Con nhớ ngày mới vào chùa, Thầy đã dạy: “Con đã lớn tuổi, những cái biết, cái học ở ngoài đời tụi con đã rành, nhưng đối với người xuất gia thì con phải bỏ đi hết những cái biết đó, giữ cho tâm mình như một tờ giấy trắng, như một đứa trẻ mới chập chững đi học vậy. Vì cuộc sống tu tập của người xuất gia ngược lại với những gì ngoài đời mà con biết. Sư phụ đã dìu dắt cho con vào đạo, tận tình chỉ dạy cho con cách đi đứng, cách chào, cách xưng hô, cách nói chuyệnnhư thế nào cho đúng với người xuất gia, cách tu như thế nào mới đúng như lời Phật dạy. Hằng ngày con tập sống và làm việc, ăn cơm, đi đứng trong chánh niệm, tập tu trong mọi lúc mọi nơi, tập nhiếp tâm mình không cho buông lung theo tham ái, vật chất bên ngoài.

Thế là thời gian tập sự làm công quả cũng đã qua, ngày xuống tóc của con cũng đến. Sư phụ tận tay phủi đi cho con mái tóc của thời con gái cũng chính là phủi đi bớt bụi trần ô nhiễm bám trong tâm con. Ngày xuất gia Sư phụ giảng dạy cho con biết như thế nào là nhẫn, phải nhẫn với tất cả mọi điều, dù là có oan trái làm cho con không vừa ý, phải bỏ đi cái bản ngã trong con và hơn hết là con không nên nhìn lỗi người mà lúc nào cũng quay vào nội tâm để nhìn lỗi của mình. Sư phụ bảo nhìn được như vậy là con đã làm được việc của người tu, mới mau tiến bước trên con đường tu học.

Nhưng sống và tu tập với Sư phụ chẳng được bao lâu, một hôm Người bảo rằng nay Người không có duyên tiếp tục dạy dỗ đệ tử Ni nữa, sẽ gửi con đến học với vị thầy khác. Ngày biết tin, con thật buồn và đã khóc thật nhiều. Nhưng rồi con cũng hiểu và chấp nhận rằng từ đây con không còn được sống, tu tập và nương vào ân đức dạy bảo của Sư phụ nữa. Ngày con ra đi Sư phụ dạy rằng: “Sau này con đừng thường xuyên về thăm Sư phụ, khoảng 10 năm nữa con hãy về, dù con ở chùa nào nhưng con có tu thì con và Sư phụ sẽ gặp nhau trong Chánh pháp. Sư phụ mong con hãy luôn nỗ lực tinh tấn tu hành và nhớ những lời Sư phụ dạy.

Lúc mới nghe con không hiểu, nhưng giờ con đã hiểu rồi, thưaphụ. Con nguyện với lòng mình dù đi đến bất cứ nơi đâu, trong con vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Người. Vì trong con Sư phụ không những là một người thầy mà còn là một người cha khả kính.

Ơn thứ ba con thầm cảm ơn đó là vị Thầy hiện đang hướng dẫn con tu học. Cơ duyên con đến với Thầy thật bất ngờ. Ngày mới tới con mang theo một tâm trạng buồn và hụt hẫng, con không nghĩ và ngờ rằng mình sẽ chuyển sang Hệ phái Khất Sĩ. Nhưng sau một thời gian sống và tu tập dưới sự chỉ dạy của Thầy con đã nhận ra rằng nơi nào cũng tu, hệ phái nào cũng tôn thờ Đức Phật Thích Ca và tu theo giáo pháp Ngài để lại. Sau đó con được Thầy cho tham dự vào một khoá thiền 10 ngày do Thầy chỉ dạy.

Sau 10 ngày nỗ lực tu tập, dưới sự giảng dạy tận tình của Thầy, ngày ra khoá tu trong con hạnh phúc như v oà, một hạnh phúc mà con chưa bao giờ cảm nhận được. Chính qua 10 ngày tu tập đã làm cho con thay đổi dòng suy nghĩ, mở rộng trong con lòng từ bi và giúp con định hướng được con đường tu của mình rõ hơn. Thầy dạy cho chúng con biết cách đột nhập vào dòng tâm thức mình và biết cách buông xả những gì xấu ác, sân hận trong tâm. Thầy đã hướng dẫn cho chúng con bước đi trên con đường Giới, Định, Tuệ. Chính con đường này sẽ đưa chúng ta đi đến an lạc và giải thoát hoàn toàn.

Tuy bận rất nhiều Phật s nhưng Thầy thường tranh thủ lúc rảnh rỗi hay sau mỗi bữa cơmdạy dỗ, gần gũi và quan tâm chúng con. Ở bên Thầy chúng con không bao giờ buồn được, vì ở nơi thầy lúc nào cũng lan toả một từ trường mát mẻ và một lòng từ bi vô lượng. Thầy ơi, tuy Thầy đã dạy dỗ chúng con rất nhiều, nhưng do chúng con nghiệp duyên sâu dày, nên nghe nhiều mà thực tập chẳngbao nhiêu. Vậy mà nhiều lúc chúng con không nghe lời làm thầy phải buồn, phải phiền và bận tâm nhiều.

Trên đây là những lời tri ân con gởi đến hai đấng sinh thành và hai vị Thầy khả kính nhất. Người đã cho con xác thân này, Người đã dạy dỗ và dìu dắt con bước trên con đường Chánh pháp. Cuối cùng con kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Sư phụ, cho Thầy, cho Ba Mẹ luôn dồi dào sức khoẻ, thân tâm thường an lạc và mãi là tàng cây bóng mát che chở cho con trên bước đường tu học.