Sự bình thường vĩ đại của ngài Minh Đăng Quang

Vào thập niên 40 của thế kỷ XX, ngài Minh Đăng Quang là một trong các nhân vật tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại vùng đất mới Tây Nam Bộ. Khi đề cập đến sự ảnh hưởng sâu rộng trong cư dân Nam Bộ của ngài Minh Đăng Quang và Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, mỗi người ở từng góc độ nghiên cứu, đưa ra những lý giải khác nhau. Có người thì tô hồng bằng màu sắc huyền thoại, có người cho đó là một hiện tượng lạ của Phật giáo Nam Bộ, có người cho đó là đỉnh cao của phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà, và nhiều ý kiến khen chê khác nhau xung quanh sự kiện này.

Khác nhau về nghiên cứu và lý giải, nhưng về mặt biện chứng khoa học, mọi người đều phải công nhận ngài Minh Đăng Quang là một trong các lãnh đạo tôn giáo kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn trong lòng cư dân Nam Bộ, và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (nay là Hệ phái Khất sĩ – thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam) hiện nay không ngừng phát triển nhân lực và cơ sở tôn giáo tại hầu hết các tỉnh, thành phía Nam. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao chỉ xuất hiện trong một thời gian tương đối ngắn (1944 - 1954), ngài Minh Đăng Quang đã sớm trở thành nhân vật tôn giáo kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ. Theo tôi, có hai vấn đề: thứ nhất, đó là sự bình thường nhưng vĩ đại trong việc truyền đạo của ngài Minh Đăng Quang; thứ hai, một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống Phật giáo và văn hóa Nam Bộ khi thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của ngài Minh Đăng Quang.

Hội thảo hôm nay, chính là dịp để chúng ta phân tích một cách logic và khoa học đối với vị lãnh đạo tôn giáo Minh Đăng Quang, những mặt tích cực và hạn chế của Hệ phái Khất sĩ trong sự phát triển và hội nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước trong xu thế kết nối toàn cầu hiện nay.

3

Như chúng ta biết, trong công cuộc khai hoang lập ấp của các cư dân người Việt tại vùng đất mới Nam Bộ, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những người dân đi mở đất mang theo. Bởi vì, Phật giáo đã thể hiện tinh thần nhập thế tích cực của mình, chia sẻ đắng cay ngọt bùi với nhân dân, nhất là an ủi nhân dân về mặt tinh thần trong mọi lúc mọi nơi; luôn là người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử. Nhất là trong công cuộc khai hoang lập ấp này, Phật giáo là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của đồng đạo”.

Nam Bộ là vùng đất mới, trù phú xinh đẹp, là vùng đất hội tụ của nhiều dân tộc, của nhiều nền văn hóa khác nhau. Qua đó, người dân Nam Bộ rất cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng và rất nhân văn; đặc biệt là có tư tưởng rất thoáng, kiến thức mở, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, cộng với xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX rơi vào sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhà nước phong kiến triều Nguyễn không hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình; các tín ngưỡng tôn giáo của xã hội nông nghiệp cổ truyền không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của các cư dân Nam Bộ trước giai đoạn lịch sử mới. Mặc dù Phật giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo ở vùng đất mới, nhưng đến giai đoạn này Phật giáo cũng mất dần ảnh hưởng, sự thể hiện vai trò chủ đạo không cao bởi những lý do chủ quan và khách quan.

1. Bối cảnh xã hội Nam Bộ và sự hình thành Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

Như chúng ta biết, những lưu dân khi đến vùng đất Nam Bộ đều chịu chung một số phận là cuộc đời có nhiều bất hạnh khi phải phiêu bạt nơi xứ lạ quê người, vì vậy họ đối xử với nhau rất chí tình chí nghĩa, tạo nên đức tính cao đẹp của người dân, là trọng nghĩa khinh tài, vì nghĩa quên mình, thủy chung trọn vẹn, bộc trực, trào phúng, hiếu khách, sống rất thực tế, khí khái, hào phóng và độ lượng. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ là tại sao người Nam Bộ lại cưu mang tất cả, không phân biệt thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Vì vậy nên ngài Minh Đăng Quang khi thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được đông đảo người dân miền Tây Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt và chẳng bao lâu đã thu hút một số lượng lớn tín đồ.

Hệ tư tưởng và tôn giáo ở Nam Bộ bấy giờ có thể cho chúng ta thấy nhiều vấn đề: Thứ nhất, cư dân đồng bằng sông Cửu Long luôn ở trong trạng thái đầy nguy hiểm trong một xã hội Việt Nam đầy biến động, có nhu cầu rất lớn về tín ngưỡng tôn giáo, họ cần đến một đời sống tâm linh phong phú. Thứ hai, những tư tưởng, tôn giáo trước đây, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau đã không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của những người dân ở đây. Thứ ba, tuy Phật giáo ở giai đoạn này được vực dậy bởi các phong trào chấn hưng Phật giáo trên phạm vi cả nước, nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều, nhất là tại miền Tây Nam Bộ. Thứ tư, tại đây lúc bấy giờ có nhiều tôn giáo địa phương được hình thành và tôn giáo mới du nhập sau Phật giáo đã có nhiều cơ sở ở Cù Lao Giêng (Chợ Mới), Năng Gù (Châu Đốc), Bò Ót (Cần Thơ). Thứ năm, do những nguyên nhân khách quan, một thời gian dài và đến giai đoạn này, trình độ dân trí ở Nam Bộ không cao. Trước một bối cảnh chung như thế, có thể coi đây là đáp án của bài toán tại sao ngài Minh Đăng Quang xuất hiện trong một thời gian tương đối ngắn lại quy tụ được số lượng đông tín đồ là hệ quả tất yếu của giai đoạn lịch sử lúc đó.

2. Sự kế thừa hoàn hảo về mặt văn hóa và truyền thống

Sự xuất hiện của ngài Minh Đăng Quang lúc bấy giờ được xem như một sự đột phá trong vận dụng văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, truyền thống và nhu cầu tiếp cận cái mới của nhân dân. Từ ý nghĩa đó, ngài Minh Đăng Quang sớm trở thành một trong các nhân vật tôn giáo kiệt xuất ở Nam Bộ cho đến hôm nay.

Ngài Minh Đăng Quang đã áp dụng biện pháp như thế nào để lập cước hành đạo. Ngài Minh Đăng Quang, với sự thông minh, chân chất, nhân văn của một người dân sông nước Nam Bộ, đã diễn đạt quan điểm hành đạo của mình:

Mỗi người phải biết chữ.

Mỗi người phải thuộc giới.

Mỗi người phải tránh ác.

Mỗi người phải học đạo[1].

Sự xuất hiện của ngài Minh Đăng Quang và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà trong giai đoạn này, là một gạch nối giữa truyền thống và đổi mới trong hành đạo. Chính từ những yếu tố này đã tạo nên một bức tranh tổng thể về sự thống nhất trong đa dạng, đồng thuận các Phật sự của các tổ chức, hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại và mai sau.

Văn hóa dân gian – thơ lục bát đã được ngài Minh Đăng Quang dùng để diễn đạt giáo lý khi truyền đạo và hành đạo là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa Việt, cho dù trình độ dân trí của người dân Nam Bộ có khác nhau, đều cảm nhận được giáo lý Phật giáo bằng thơ lục bát hoặc diễn đạt kinh điển Phật giáo hoàn toàn bằng ngôn ngữ thuần Việt của ngài Minh Đăng Quang một cách không hạn chế, một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Như vậy, giáo lý của ngài Minh Đăng Quang vừa đậm nét bác học, vừa đậm chất dân gian. Đây chính là sự bình thường nhưng vĩ đại của ngài Minh Đăng Quang.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy tại sao người dân Nam Bộ tiếp nhận rất nồng nhiệt đối với một hình thức tu hành mới, khác xa hoàn toàn với các hình thức tu hành đang tồn tại lâu đời tại vùng đất này. Vấn đề này có nhiều lý giải khác nhau, theo tôi đó là người dân Nam Bộ ý thức rằng Phật giáo là mạch sống của dân tộc. Bởi vì ngay cả các tôn giáo địa phương khi thành lập đều vận dụng một số điều cơ bản và tinh hoa nhất của tư tưởng Phật giáo để hình thành hệ tư tưởng và giáo lý của họ. Qua đây đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng cuộc sống của người dân Nam Bộ không phải lúc nào cũng có được những nhu cầu vật chất, những đòi hỏi tinh thần, mà có những lúc phải đối diện với sự căng thẳng. Hai vấn đề này luôn có sự mâu thuẫn với nhau. Sống là phải tranh đấu khó nhọc để duy trì sự mong manh giữa con người và thiên nhiên, vật chất và tinh thần. Chính vì thế mà khi lo âu, đau khổ thất vọng, con người thường hướng về tôn giáo để giải phóng khỏi những áp lực đó. Và khi người dân Nam Bộ không thể thỏa mãn được những khát vọng, nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của mình vì những rào cản của thực tế xã hội ràng buộc, những truyền thống hiện hữu, thì chính xã hội lập ra những hình thức khác để giải tỏa cho đời sống con người. Từ ý nghĩa đó, ngài Minh Đăng Quang xuất hiện với tư cách là một người có khả năng tạo ra một trạng thái tinh thần hướng thượng, một trạng thái tâm lý hưng phấn cao cho mọi người để làm động lực cho những sáng tạo có ý nghĩa, sự thăng hoa nơi một nhân cách vĩ đại, một bước nhảy vọt về đổi mới tư duy khi thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

3. Sự cách tân Phật giáo trong thập niên 40 của thế kỷ XX

Sau khi nhà Trần sụp đổ, Phật giáo bắt đầu suy thoái về mặt tổ chức cho đến thế kỷ XVII – XVIII, Phật giáo được vực dậy bởi các Thiền sư Hương Hải, Toàn Nhật, Liễu Quán, Chân Nguyên v.v... và một số thiền sư Trung Quốc như Viên Cảnh, Viên Khoan, Nguyên Thiều, Giác Phong, Tử Dung v.v... nhưng không hưng thịnh như trước. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Phật giáo bước sang trang sử mới, trang sử của sự suy vi nghiêm trọng. Những thập niên đầu của thế kỷ XX, do ảnh hưởng phong trào chấn hưng của Phật giáo thế giới, các bậc cao Tăng Việt Nam bấy giờ như Hòa thượng Thanh Hanh (miền Bắc); Hòa thượng Tuệ Pháp, Hòa thượng Đắc Ân, Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Phước Huệ (miền Trung); Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Chí Thiền, Hòa thượng Từ Phong, Thượng tọa Thiện Chiếu (miền Nam) đã vận động và cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Để tạo thanh thế và phát huy thế mạnh của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, chư Tôn đức đã lập nên các Hội đoàn: Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam thành lập năm 1930 (nay là Hệ phái Phật giáo Nam tông - Kinh), Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập năm 1931, Hội An Nam Phật học (miền Trung) thành lập năm 1932, Liên đoàn Phật học xã thành lập năm 1933, Hội Lưỡng Xuyên Phật học thành lập năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1935, Hội Phật học Kiêm Tế thành lập năm 1936, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam thành lập năm 1946 (nay là Hệ phái Khất sĩ), Hội Phật giáo Cứu quốc thành lập năm 1946, Hội Phật học Nam Việt thành lập năm 1949, Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt thành lập năm 1949 (sau đó được đổi tên thành Giáo hội Tăng-già Bắc Việt)[2].

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (năm 1966 là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam) do ngài Minh Đăng Quang sáng lập là một trong số ít các Hội đoàn được thành lập vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX còn duy trì được sự phát triển cho đến ngày nay.

Một câu hỏi được đặt ra là sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam mang yếu tố cách tân Phật giáo, hình thành nên một truyền thống tu học mới ở Việt Nam, nhưng nó có kế thừa truyền thống hay có làm phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam hay không? Đây là một vấn đề cần có sự nghiên cứu một cách tổng thể mang tính chuyên sâu và khoa học. Trong thời gian chờ đợi những nghiên cứu đó, trước mắt chúng ta có thể đánh giá hai vấn đề: Tính truyền thống và sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ XX như sau:

Thứ nhất, tính truyền thống: Tuy Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam hình thành một truyền thống tu học mới, các hình thức tu hành, lễ nghi tôn giáo được cách tân, nhưng vẫn giữ được sự kế thừa gần như hoàn hảo của hai truyền thống Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Bởi lẽ, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ra đời tại vùng đất Nam Bộ, nơi có hai truyền thống Phật giáo (Bắc tông và Nam tông Khmer) cùng tồn tại và phát triển, ngài Minh Đăng Quang từng sang đất nước Chùa Tháp tu học. Do đó, khi lập giáo hành đạo, ngài Minh Đăng Quang đã vận dụng một cách linh hoạt những ưu việt của cả hai truyền thống đó, nhất là phát huy được văn hóa bác học Phật giáo và văn hóa dân tộc, dung hòa lại để tạo thành một Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, vừa mang tính văn hóa bác học Phật giáo vừa phát huy được văn hóa dân gian của dân tộc. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được: khất thực là truyền thống của Phật giáo Nam tông, Hệ phái Khất sĩ xem đây là việc “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”; Kinh điển và Giới luật thì áp dụng theo truyền thống Phật giáo Bắc tông được sử dụng bằng thơ lục bát và ngôn ngữ thuần Việt; thọ thực theo khuynh hướng Bắc tông. Đây là một điều khá đặc biệt, vì giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ XX, phần lớn kinh sách Phật giáo đều sử dụng bằng âm Hán – Việt. Cho nên không có gì khó hiểu khi Hệ phái Khất sĩ mới thành lập, chỉ trong thời gian tương đối ngắn đã thu hút một số lượng tín đồ, vì trình độ dân trí bấy giờ không cao, ngài Minh Đăng Quang truyền đạo bằng văn hóa dân gian nên cư dân Nam Bộ dễ dàng tiếp thu và họ tin theo Hệ phái Khất sĩ ngày một đông là hệ quả tất yếu của sự sáng tạo khoa học, hiểu được tâm lý người dân của ngài Minh Đăng Quang.

Thứ hai, có sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ không? Đây là một vấn đề cần có sự nghiên cứu một cách tổng thể các mối quan hệ của tất cả truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, nhất là vào giai đoạn thập niên 30, 40 của thế kỷ XX. Nếu phân tích khách quan, thấu đáo qua các giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, chưa có ghi nhận nào về sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn khoảng 100 năm, nội bộ của Phật giáo Ấn Độ có sự bất đồng trong việc tiếp thu lời Phật dạy về giới luật, về vũ trụ quan, nhân sinh quan và những bất đồng khác đã tạo thành sự phân phái với sự ra đời của 20 bộ phái có sự đối lập nhau về tư tưởng, quan điểm. Khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, do cách tiếp cận khác nhau về tư tưởng Phật giáo, vì thế Phật giáo Trung Quốc đã hình thành 10 tông phái với cách thức tu hành khác nhau, có sự độc lập trong truyền thống tu hành của từng tông phái. Khác xa với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam không có sự phân phái trong nội bộ từ khi được truyền vào Việt Nam cho đến ngày nay. Mười thế kỷ đầu trước kỷ nguyên độc lập, Phật giáo Việt Nam có 3 Thiền phái nhưng không có sự đối lập nhau về truyền thống tu hành, có sự đan xen giữa các phương tiện, pháp môn tu hành của 3 Thiền phái này. Đến thế kỷ XIII, thiền phái Trúc Lâm được thành lập, chỉ là sự hợp nhất các Thiền phái lại để tạo thành một Phật giáo mang đậm nét của người Việt. Như đã trình bày, đến thứ kỷ XVII - XVIII, tại Việt Nam có nhiều truyền thống tu hành được hình thành, nhưng đó không phải là sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam, mà chỉ là sự đan xen Thiền-Tịnh-Mật trong các truyền thống này.

Sang thập niên 40 của thế kỷ XX, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã hình thành nên một truyền thống tu hành mới, nhưng đây không phải là sự phân phái trong nội bộ Phật giáo, mà là sự cách tân, nắm bắt được tâm lý người dân Nam Bộ, đây là một sự kế thừa nhuần nhuyễn giữa hai truyền thống lâu đời nhất của Phật giáo để hình thành một truyền thống mới, với một mục đích duy nhất của người sáng lập là phát triển Phật giáo, nắm bắt đúng tâm lý số đông để hội nhập trong từng điều kiện cụ thể của đất nước.

Từ tiền đề của lịch sử, ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình khi có 9 truyền thống tu học cùng sinh hoạt trong một ngôi nhà chung, tạo nên một nét đặc thù đặc biệt đối với Phật giáo thế giới. Từ đó cho chúng ta thấy rằng không có sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam, dù có hình thành một truyền thống tu học mới, thì cũng chỉ là một sự tự thân vận động, một sự đổi mới để bắt kịp sự phát triển của thời đại. Và Hệ phái Khất sĩ là một thí dụ điển hình trong quá khứ.

4. Kết luận

Ngài Minh Đăng Quang đã vận dụng, phát huy văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống có sẵn, đổi mới và sáng tạo một truyền thống mới để làm nền tảng trong việc lập giáo tu hành, chứ không tạo thành một sự phân phái trong nội bộ Phật giáo Việt Nam.

Chính sự vận dụng sáng tạo, hợp thời, hợp cơ mà chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, Hệ phái Khất sĩ đã thu hút được số lượng lớn tín đồ. Giảng đạo cho tín đồ phần lớn bằng thơ phú, điều này chứng tỏ ngài Minh Đăng Quang hiểu rất rõ tâm lý của người dân Tây Nam Bộ. Bởi vì muốn được sự ủng hộ của nhân dân thì chỉ có con đường duy nhất phải phù hợp tâm tư, tình cảm và dân trí của họ.

Ngài Minh Đăng Quang đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại, phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của Nam Bộ bấy giờ, biến nó thành chất men hội tụ và làm chất xúc tác để Phật giáo Việt Nam phát triển đa dạng, hội nhập bằng chính sự đoàn kết trong nội bộ Phật giáo Việt Nam, làm cho mỗi Tăng Ni, đồng bào Phật tử Hệ phái Khất sĩ trên những cương vị khác nhau, luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình để cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Tóm lại, Hệ phái Khất sĩ được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đen tối của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng ở một chừng mực nào đó, đã đóng góp tích cực trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà, tạo thành một ý thức bảo vệ và phát huy văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc. Qua đây, Hệ phái Khất sĩ đề ra một phương pháp tu hành tương ứng với trình độ dân trí của người dân Nam Bộ, và hy vọng với hệ tư tưởng Phật giáo sẽ cải tạo một xã hội đen tối thành xã hội chơn thiện mỹ, xây dựng lại đạo đức xã hội đang trên đà suy thoái, góp phần làm phong phú nền văn hóa nước nhà, chống lại sự du nhập ồ ạt không chọn lọc nền văn minh vật chất phương Tây, phát huy tinh thần phụng đạo, yêu nước.

Việc ra đời của Hệ phái Khất sĩ là một tất yếu lịch sử, một tư duy đổi mới, mạnh dạn trong sáng tạo là cá tính của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng, bằng nhiều phương cách khác nhau để làm cho đạo pháp xương minh, phát triển bền vững là việc đáng trân trọng. Trong xu thế kết nối toàn cầu hiện nay, những thành tựu và hạn chế của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, của Hệ phái Khất sĩ được đúc kết thành những bài học về sự đoàn kết, phát triển trong đa dạng, đồng thuận các Phật sự khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước từng bước hội nhập với thế giới bằng chính sự bình dị nhưng vĩ đại, dũng khí và trí huệ của chính mỗi chúng ta.

Thượng tọa Thích Thiện Thống

Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu (1993), Kinh Trung Bộ, kinh số 48, quyển I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

2. Viên Chiếu (2000), Tích truyện Pháp cú, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

3. Tỳ kheo Thích Đổng Minh (2010), Luật Tứ phần, Nxb. Phương Đông.

4. HT. Thích Thanh Từ (2003), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Tôn giáo.

5. Thích Chơn Thiện (1993), Tư tưởng kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo.

6. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2007), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo.

7. David S. Clark (1998), Freud đã thực sự nói gì?, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

8. E. Fromm (1969), Phân tâm học và tôn giáo, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, TP. HCM.

9. Hệ phái Khất sĩ (2012), Chơn lý – Luật nghi Khất sĩ, Nxb. Tổng hợp TP. HCM.

10. Hệ phái Khất sĩ (2007), Ánh Minh Quang, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

11. Thích Đồng Bổn (1995), Danh Tăng Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

12. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. Thuận Hóa.

13. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

14. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

15. Trần Hồng Liên (1995), Phật giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

16. Viện Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh (1981), Thư mục Đồng bằng sông Cửu Long, Thư viện Khoa học Xã hội TP. Hồ chí Minh (lưu hành nội bộ).

17. Sơn Nam (1992), Cá tính của miền Nam, Nxb. Văn hóa.

18. Chính Văn (IV/1993), “Các hệ phái đạo Phật tại An Giang: lịch sử và huyền thoại”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 18.

 


[1] Hệ phái Khất sĩ (2007), Ánh Minh Quang, Nxb. TP.HCM, tr. 14.

[2] Thích Thiện Thống (1998), Tài liệu nghiên cứu hành chánh, VP 2 TW.GHPGVN (lưu hành nội bộ), tr. 1 – 4.