Sự gắn kết giữa Bồ đề đạo tràng với lá cờ Phật giáo

Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya) là một trong bốn thánh tích[1] quan trọng của Phật giáo. Có thể đây là điểm linh thiêng nhất đối với hầu hết các Phật tử trên khắp năm châu nói chung, đối với những người đang nghiên cứu về Phật giáo nói riêng.

Theo sử liệu Ấn Độ, ngôi đại tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng có thể được xây dựng vào năm 525 và hoàn tất năm 636 sau công nguyên. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIII- XVIII, ngôi đại tháp cùng chung số phận với lịch sự Phật giáo Ấn Độ bị thiên nhiên chôn vùi và chìm vào lãng quên. Đến thế kỷ XIX, Năm 1875, Vua Mindan Min ở Myanmar trực tiếp can thiệp và được sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ và giáo hội Ấn giáo Mahant, nhà vua cúng dường tài chính để sửa sang lại ngôi tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tàng bị hoang phế nhiều thế kỷ. Song song với việc trùng tu Bồ Đề Đạo Tràng, Anagarika Dharmapala (1864-1933) và một số học giả phương Tây đã vận động các nước Phật giáo gây sức ép chính phủ Ấn Độ giành lại quyền quản lý Bồ Đề Đạo Tràng từ tay những người Ấn giáo.

Năm 1956, lễ kỷ niệm 2550 năm Đức Phật đản sanh, chính phủ Ấn Độ đã sửa chữa một phần trong ngôi đại tháp và đã nới rộng diện tích khuôn viên. Ngày 27 tháng 6 năm 2003, UNESCO, một tổ chức văn hóa, xã hội và giáo dục của Liên Hiệp quốc chính thức liệt Bồ Đề Đạo Tràng vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Ngày 19 tháng 2 năm 2004, Chính phủ Ấn Độ chính thức tổ chức lễ mừng Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng được liệt vào di sản văn hóa thế giới.

Năm 1889, Henry Steel Olcott (1832 -1907) cùng Thượng tọa Susmangala (người Tích Lan) phỏng theo sáu đạo hào quang của Ðức Phật (xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu này) đã phác họa ra lá cờ Phật Giáo. Từ đó, lá cờ Phật giáo được Tích Lan công nhận và treo ở tất cả các chùa trên lãnh thổ Tích Lan trong ngày lễ Phật Ðản. Năm 1950, Ðại hội Phật Giáo Thế Giới được tổ chức lần đầu tiên tại Colombo (thủ đô Tích Lan) và Đại Hội đã thống nhất chọn lá cờ Phật Giáo Tích Lan làm cờ Phật Giáo Thế Giới.

Sáu đạo hào quang của Đức Phật phát xuất từ đâu để Henry Steel Olcott và Thượng tọa Susmangala căn cứ vào đó phác họa nên lá cờ Phật giáo? Có thể đây cũng là câu hỏi của rất nhiều Phật tử.

Theo nguồn sử liệu, sau khi giác ngộ, Đức Phật trải qua bảy tuần lễ tại Bodhgaya. Đặc biệt, vào tuần thứ tư, Đức Phật ngồi tại đền Ratanaghara suy tư về các pháp cao thượng. Lúc này thân Đức Phật phóng ra các đạo hào quang sáng rực với sáu màu xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và hỗn hợp của cả năm màu sắc. Tất cả các đạo hào quang tiếp tục tỏa ra từ thân và tâm Ngài trong suốt thời gian đó. Mỗi màu sắc phản ánh một nét đặc trưng riêng. Màu vàng tượng trưng cho đức hạnh, màu trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh, màu xanh tượng trưng cho niềm tin, màu đỏ tượng trưng cho trí tuệ, màu cam tượng trưng cho sự diệt trừ hết ái dục, và màu hỗn hợp từ năm màu tượng trưng cho nhân cách cao thượng. Tóm lại, có thể nói rằng sáu màu trên nền lá cờ Phật giáo được phác họa từ các đạo hào quang của Đức Phật trong tuần thứ tư sau khi Ngài giác ngộ. Nếu chúng ta đủ duyên đến Bồ Đề Đạo Tràng, chúng ta sẽ đến được đền Ratanaghara nơi Đức Phật đã trải qua tuần thứ tư thiền định.

Thiết nghĩ rằng, ông Henry Steel Olcott và và Thượng tọa Susmangala đã nghiên cứu Phật giáo rất nghiêm túc mới có thể mô phỏng lá cờ Phật giáo và thông qua sáu màu trên lá cờ Phật giáo, phải chăng họ muốn nhắn gửi lại lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” tại đền Ratanaghara, Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng.


[1] Bốn Thánh tích: Lumbini nơi Đức Phật đản sanh, Bodhgaya nơi Đức Phật thành đạo, Sarnath nơi Đức Phật chuyền Pháp luân và Kushinagar nơi Đức Phật nhập Niết bàn