Sứ giả Như Lai - Sứ giả Hoằng pháp với truyền thống & tinh thần hộ quốc an dân

buddhaspath

I. TINH THẦN HOẰNG PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT TỔ THÍCH CA VÀ CHƯ VỊ THÁNH TĂNG THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ

1. Tinh thần hoằng pháp của Đức Phật Tổ Thích Ca:

Sen vàng bảy đóa báu châu

Thất chi thị hóa đi vào nhân gian

Chỉ trời chỉ đất mà rằng:

Thiên thượng thiên hạ… ai bằng chân nhân?

Vô lượng sanh tử xoay vần

Đến nay mới trọn pháp thân huy hoàng.

1.1. Thể hiện tinh thần giác ngộ tự thân, nêu cao tấm gương xuất gia giải thoát:

Vô vàn khổ lụy tử sinh

Thất tình lục dục vô minh hụp trồi

Trái oan, oan trái luân hồi

Khổ thời than khổ… mê thời cứ mê!

Đời đời kiếp kiếp tái tê

Nghiệp duyên vây chặt khó bề thoát ra.

Thành sầu bốn cửa ái hà,

Bình minh tỉnh thức vượt qua đêm dài.

1.2. Thể hiện tinh thần tu tập và vượt thắng ma quân:

Đạo là chuyển hóa tự mình

Ngày đêm mài miệt tâm kinh trong lòng

Pháp trần sắc sắc không không

Nhất tâm soi sáng trước dòng thời gian.

Hay:

Phật thường đối diện ma quân

Nội tâm ngoại cảnh trừng trừng quán soi.

1.3. Thể hiện tinh thần khai sơn phá thạch, chịu đựng mọi gian khổ buổi đầu đem đạo vào đời:

Từ - Bi - Hỷ - Xả… tâm lành

Thương đời nào ngại tử sanh phong trần.

1.4. Chỉ truyền dạy những điều tự thân đã thực sự chứng ngộ:

Từ bao ngàn kiếp gian truân

Vô sanh pháp nhẫn… lập thân độ đời.

2. Tinh thần hoằng pháp của chư vị Thánh tăng thập đại đệ tử của Đức Phật:

2.1. Tôn giả Ma ha Ca Diếp – Khổ hạnh đệ nhất:

Ẩm Quang Ca Diếp sắc vàng

Từ trong vô lượng hào quang sáng ngời

Đầu đà công hạnh tuyệt vời

Đạo quả viên mãn, nụ cười Sen thiêng!

2.2. Tôn giả Xá Lợi Phất – Trí tuệ đệ nhất:

Xá Lợi Phất, trí vô biên

Tướng quân Chánh pháp đức hiền ngàn năm.

Trí hạnh viên mãn thậm thâm

Danh đức sáng mãi hương trầm mười phương.

2.3. Tôn giả Mục Kiền Liên – Thần thông đệ nhất:

Mục Liên thần thông phi thường

Sáu căn thanh tịnh, vẹn đường hiếu tâm.

Hộ trì chánh pháp lực thần

Thắng ma quân, sạch nghiệp nhân luân hồi.

2.4. Tôn giả Ca Chiên Diên – Luận nghị đệ nhất:

Ca Chiên Diên luận nghị thời

Khẩu khí sâu lắng, dòng đời quảng thông

Miệng ít nói, đạo thong dong

Muôn pháp sáng tỏ, lòng trong an bình.

2.5. Tôn giả A Nan Đà – Đa văn đệ nhất:

A Nan đệ nhất văn kinh

Vừa lòng chư Phật, hữu tình nhân gian

Tỳ-kheo, nam nữ đạo tràng

Mười phương đại chúng hân hoan pháp lành.

2.6. Tôn giả A Na Luật – Thiên nhãn đệ nhất:

A Na Luật, thiên nhãn hành

Sáng soi vô lượng nẻo sanh tử nầy.

Thắng ái dục… độ muôn loài,

Rừng sâu vắng lặng, sắc tài tịnh thanh.

2.7. Tôn giả La Hầu La – Mật hạnh đệ nhất:

La Hầu La chuyển căn lành

Nhìn hạt cát, chứng vô sanh diệu huyền

Mật hạnh lắng sạch não phiền

Đạo quả thanh thoát, chứng thiền thân tâm.

2.8. Tôn giả Tu Bồ Đề – Giải không đệ nhất:

Tu Bồ Đề hạnh tịch trầm

Giải không đệ nhất, thiền nham không lời!

An trú động đá hoa tươi

Chư thiên tấu nhạc, dâng đời hạo nhiên.

2.9. Tôn giả Phú Lâu Na – Thuyết pháp đệ nhất:

Thuyết pháp đệ nhất nhân duyên

Vị lai, quá khứ… nhiệm huyền nhân gian

Phú Lâu Na đẹp lời vàng

Từ trong vô lượng, âm vang muôn đời.

2.10. Tôn giả Ưu Ba Li – Trì luật đệ nhất:

Ưu Ba Ly phận nhỏ nhoi

Giai cấp bất hạnh, đạo thời hữu danh.

Trì giới phạm hạnh đức sanh

Tướng tánh viên mãn, đạo lành hoằng dương.

Chư vị Thánh tăng thập đại đệ tử của Đức Phật, mỗi người một công hạnh, một đức tánh. Trong quá trình tu tập, mỗi vị nỗ lực hoàn thiện phẩm hạnh của mình, rồi đem nét đẹp của sự hoàn thiện đó mà hoằng hóa, rộng độ chúng sanh.

II. TINH THẦN HOẰNG PHÁP VỚI TRUYỀN THỐNG HỘ QUỐC AN DÂN CỦA CHƯ VỊ THIỀN SƯ, TỔ SƯ PHẬT GIÁO VIỆT NAM (Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII)

1. Thành lập các thiền phái, xiển dương Phật pháp

- Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi từ năm 580 TL đến sau năm 1213 TL: Truyền thừa 19 đời với 29 thiền sư (TS). Nổi bật là TS. Thanh Biện, TS. Pháp Thuận (990), TS. Vạn Hạnh (1018), TS. Từ Đạo Hạnh (1115), TS. Minh Không (1141) và TS. Y Sơn (1213 ) v.v…

- Thiền phái Vô Ngôn Thông từ năm 820 TL đến năm 1300 TL: Truyền thừa 15 đời với 29 thiền sư. Nổi bật có các vị: TS. Cảm Thành (860), Thái sư Khuông Việt (1011), TS. Viên Chiếu (1090), TS. Mãn Giác (1096 ), Quốc sư Thông Biện (1134), TS. Không Lộ (1119), TS. Thường Chiếu (1203), TS. Hiện Quang (1221), v.v…

- Thiền phái Thảo Đường từ năm 1069 TL đến năm 1200 TL: Thiền phái này có 5 đời truyền thừa, với 19 vị Thiền sư.

- Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ 1221 TL đến năm 1399 TL: Thiền phái này truyền thừa được 23 đời, với 23 thế hệ Thiền sư.

1.1. Xây dựng chùa, tháp; thu nhận Tăng Ni xuất gia và cư sĩ tại gia.

1.2. Dịch, phổ biến kinh điển Phật giáo, thuyết giảng giáo lý; hướng dẫn phương pháp tu tập cho cư sĩ, Phật tử hữu duyên.

2. Truyền thống Hộ quốc an dân, chống giặc ngoại xâm

2.1. PG thời Ngô – Đinh – Lê – Lý (938 – 1225):

+ Ủng hộ đấu tranh giành “Độc lập, tự chủ của Dân tộc”.

+ Giữ gìn sự đoàn kết gắn bó, chan hòa nét đẹp của đạo, phụng sự đời để luôn luôn được an bình và hạnh phúc.

+ Một tấm gương sáng thông qua hình ảnh người chèo đò và vị Quốc sư thể hiện tinh thần “Hộ Quốc An Dân” của TS. Pháp Thuận (990) và Ngô Chân Lưu (1011).

2. 2. Phật giáo thời Trần (1226 – 1399):

+ Gắn kết tinh thần dân tộc.

+ Xả thân, quên mình vì đại nghĩa.

+ Ba lần chống giặc Nguyên – Mông thành công.

2.3. Những tấm gương lớn về tinh thần “Hộ quốc an dân” thời Trần:

+ Vua Trần Thái Tông với gương sáng: “Lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”.

+ Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Nguyên-Mông đã chủ động nhường ngôi báu cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Đồng thời, Ngài để tâm chăm sóc việc nước hộ trì cho Trần Anh Tông bằng cách đi khắp nhân gian, đem giáo lý Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, v.v… để khuyến hóa nhân dân tu nhân tích đức.

III. ĐỊNH HƯỚNG HOẰNG PHÁP PHÙ HỢP CƠ LÝ TRƯỚC THỜI ĐẠI

1. Khẳng định tính khế cơ, khế lý của Phật giáo qua phương châm hoạt động của GHPGVN ngày nay: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”

Phương châm hoạt động của Giáo hội giúp chúng ta định hình tính khả thi của hoằng pháp. Nếu muốn hoằng pháp thành công, chúng ta phải khéo vận dụng, kết hợp 3 vế của phương châm như kiềng 3 chân:

- Nét đẹp của Đạo pháp: dù ở không gian, thời gian nào thì tính chất truyền thống của Đạo pháp luôn thể hiện nét đẹp đặc sắc của Kinh Luật Luận, được ứng dụng cụ thể trong đời sống tu tập Giới Định Huệ, đạt được sự thân chứng từ thân, khẩu, ý… nơi chính mỗi con người.

- Nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc: tính nhân nghĩa gắn kết hiếu đễ với ông bà cha mẹ và tình thương yêu cộng đồng.

- Nét đẹp của thời đại Chủ Nghĩa Xã Hội: xóa bỏ sự bất công trong giai cấp, luôn đổi mới và thích nghi với cuộc sống. Sống biết phụng sự quyền lợi và hạnh phúc của cộng đồng và tự thân, không tách rời nhau.

2. Xác lập tính hiệu quả trong sự nghiệp hoằng pháp qua tinh thần “Hộ quốc An dân” trước thời đại

2.1. Xác lập tính nhân quả: Hạt giống tốt nên được nhân rộng; hạt giống xấu nên được loại trừ. Làm thế nào giúp mọi người cùng nhận ra tính nhân quả trong mọi hình thái sinh hoạt: trong kinh doanh, trong xây dựng, trong giáo dục, trong y học, v.v…

2.2. Xác lập giá trị phẩm chất các loại hình sinh hoạt:

+ Trong cuộc sống của con người – Nhân cách tự thân.

+ Trong nghề nghiệp – Nhân cách giáo dục, đào tạo.

+ Trong sản phẩm – Nhân cách đạo đức nhân nghĩa tương quan.

2.3. Xác lập nền tảng đạo đức trong cuộc sống, tự thân và tha nhân, trước mắt và lâu dài bằng ý pháp “Tứ vô lượng tâm” – Từ , Bi, Hỷ, Xả.

TỪ tâm thể hiện tình thương

TỪ thân, từ khẩu, ý thường an vui

TỪ hành động, từ nụ cười

TỪ đức, từ ái… thương đời độ sanh!

BI tâm, bi tánh, thiện lành

BI trí, bi đức thường dành thương yêu

BI chúng sanh, xót trăm chiều…

BI tuệ nhẫn pháp hóa nhiều phúc ân.

HỶ lạc hiện tướng hiền nhân

HỶ mừng ban tặng hóa thân nhiệm mầu.

HỶ tánh, hỷ ý… xưa sau

HỶ thường - lạc - tịnh… muôn màu pháp thân.

XẢ nghiệp chướng, xả trầm luân

XẢ oan gia, xả khổ nhân nhiều đời.

XẢ lỗi, xả tội… cho người

XẢ - mầm an tịnh vui tươi cho mình.

2. 4. Tính hiệu quả và giá trị đặc thù của “Sứ giả Như Lai – Sứ giả hoằng pháp”: Thực hiện tinh thần “Hộ Quốc An Dân”, góp phần chia sẻ trách nhiệm, gánh nặng cuộc sống.

+ SỨ GIẢ NHƯ LAI - SỨ GIẢ HOẰNG PHÁP VỚI Ý PHÁP ĐẠI TỪ ĐẠI BI:

Tự thân chúng ta từ bao đời cảm nhận, thọ ân đức ĐẠI TỪ, ĐẠI BI của Đức Thế Tôn ban cho; rồi chúng ta đã tu tập, đã tích tụ… nay chúng ta trở thành “Sứ giả Như Lai – Sứ giả Hoằng pháp” thì việc chúng ta đem tâm đức Đại từ – Đại bi thương yêu cuộc đời, ban rải chia sẻ hay phụng sự cuộc đời. Thiết nghĩ điều nầy hết sức bình thường, bởi lẽ nó vừa là sứ mạng mà cũng vừa là trách nhiệm thiêng liêng. Đức Phật đã từng giáo huấn chư Tỳ-kheo đệ tử:

Hãy vui gánh những gánh nặng đang gánh

Và, không mơ gánh những gánh nặng chưa gánh”.

Nhiệm vụ của những “Sứ giả Như Lai – Sứ giả hoằng pháp” trước thời đại, trước cuộc sống là nhận thức được sứ mạng, được chức năng thiêng liêng của mình, với tâm thức trí tuệ soi quán, thấy biết và nhận ra được việc nào nên làm và không nên làm. Rõ ràng, một điều rất tất yếu, đó là, Quốc thái dân an là điều nên làmQuốc loạn dân khổ là điều không nên làm và nhất định không làm.

+ SỨ GIẢ NHƯ LAI - SỨ GIẢ HOẰNG PHÁP VỚI Ý PHÁP ĐẠI HỶ ĐẠI XẢ

Trên đường hoằng pháp, dù gặp thuận duyên hay nghịch duyên, tâm đức của “Sứ giả Như Lai – Sứ giả hoằng pháp” nên cố gắng giữ tâm thăng bằng, không vì hoàn cảnh thuận nghịch mà vui buồn. Đặc biệt khi gặp những điều trái ý nghịch lòng hay chướng tai gai mắt mà vẫn giữ được niềm hoan hỷ, xả chấp trước mọi hoàn cảnh, nhơn duyên; hoặc những lỗi lầm, sai quấy của người khác đối với mình mà mình vẫn nhẹ nhàng, an tịnh. Đây chính là thể hiện tâm đức thần thông Đại Hỷ, Đại Xả của Đức Phật, của Sứ giả Như Lai – Sứ giả hoằng pháp, nhằm tháo gỡ mọi oan gia, mọi oán thù trong nhiều đời, nhiều kiếp còn vướng mắc. Làm được điều nầy cũng chính là thể hiện tâm đức Hiếu hạnh, Hiếu đạo đối với cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp:

Oan gia nay cởi sạch rồi

Hiếu đạo, Hiếu hạnh nhiều đời sáng tươi.

Đại hỷ, Đại xả vui cười…

Sứ giả hoằng pháp hiện đời hoằng dương”.

IV. KẾT LUẬN – ĐỨC PHẬT VỚI BÓNG MÁT QUÊ HƯƠNG

Là Sứ giả Như lai – Sứ giả Hoằng pháp, chắc chắn trong lòng mỗi chúng ta luôn ghi nhớ thông điệp du hành hoằng pháp của Đức Thế Tôn đã ban dạy:

Này chư Tỳ- kheo, hãy luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Suốt cuộc đời 80 năm của Đức Phật là một bản trường ca mầu nhiệm thiêng liêng về thông điệp đặc sắc nầy.

Có một lần, Thái tử Tỳ Lưu Ly, con trai của Vua Ba Tư Nặc, cháu ngoại (ngoại tộc) của dòng họ Thích Ca, do tình cờ nhận ra được tâm ý khinh miệt mình của dòng họ Thích Ca, nên nổi căm phẫn. Sau nhiều lần dồn nén, Thái tử Lưu Ly đã quyết định kéo quân qua sát hại dòng họ Thích Ca để rửa lòng sân hận. Trên đường hành quân qua biên giới hai nước, Thái tử Tỳ Lưu Ly đã nhận ra Đức Thế Tôn đang ngồi giữa ngã tư đường, phía bên đất dòng họ Thích Ca trời đang nắng gắt. Thái tử Tỳ Lưu Ly đến trước Đức Thế Tôn đảnh lễ và cung thỉnh Ngài về bóng cây đại thọ nằm bên lãnh thổ Kiều Tát La cho đỡ nắng nóng, đợi đến khi trời mát dịu hãy du hành. Không ngờ, Đức Thế Tôn chẳng những không nhận lời cầu thỉnh của Thái tử mà vẫn ngồi yên dưới trời nắng nóng và đáp lời: “Nầy Thái tử, đối với Như Lai - KHÔNG CÓ BÓNG MÁT NÀO HƠN BÓNG MÁT CỦA QUÊ HƯƠNG!”. Thái tử Tỳ Lưu Ly hiểu ý lời dạy của Đức Thế Tôn, Thái tử bèn ra lệnh rút quân. Sự kiện vừa nêu diễn ra thêm 2 lần nữa và đều được Đức Thế Tôn thể hiện lòng Đại từ đại bi thương xót, can gián Thái tử Tỳ Lưu Ly với lời tuyên bố thấm đẫm nghĩa tình quê hương đất nước: “Đối với Như Lai - KHÔNG CÓ BÓNG MÁT NÀO HƠN BÓNG MÁT QUÊ HƯƠNG”.

Ai ơi bóng mát quê hương

Cho ta sự sống, tình thương giống nòi

Cho ta vóc dáng, thân người

Cho ta tiếng nói, tiếng cười ngàn năm

Cho ta ánh sáng trăng rằm

Cho ta cơm ngọc, áo tằm thiên hương.

Dù đi khắp chốn muôn phương

Lòng ta mãi nhớ niềm thương quê mình.

Mái chùa hiền đẹp tâm linh

Giang sơn gấm vóc… hữu tình biết bao!

Ôi! Quê hương ngàn trăng sao!

Non xanh biển thẳm ngọt ngào tháng năm.

(Tư liệu phục vụ khóa Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc
tổ chức tại tỉnh Kiên Giang
từ ngày 6 - 9/5/2010 nhằm 23 - 26/3/Canh Dần).