Sư Phụ, người Bồ-tát trong con

Đã bao lần con thấu hiểu tình cha !

Đã bao lần con yêu thương tình mẹ !

Nhưng đã bao lần con thấu hiểu tình thầy !

“Sư phụ” ! Hai tiếng mà hàng đệ tử luôn gọi bằng những giọng điệu thân thương, trìu mến ấy.

Bảy năm, thời gian không phải ngắn, không phải dài. Nhưng bảy năm cũng đủ thời gian cho con có thể thấu hiểu về Sư phụ. Người luôn âm thầm lặng lẽ dõi theo con dù bất cứ ở đâu, xa hay gần.

Nhân duyên may mắn đủ điều con được đến với Sư phụ cho dù cách nhà phải đi 6 tiếng đồng hồ. Một ngôi tịnh xá nhỏ thôi nhưng chan chứa đầy tình đức hạnh từ bi.

Vốn được sinh ra trong gia đình thuần nông. Là con út nên được bố mẹ và anh chị cưng chiều, nên ít khi phải đụng tay đụng chân. Khi đi tu là giống như bản thân phải tự lập về mọi măt. Nhớ! một lần đi quét sân, không biết Sư phụ đứng từ sau lúc nào. Sư phụ đến và nói, quét sân là phải cúi xuống, rồi quét như vậy. (Sư phụ vừa nói vừa quét nhìn khuôn mặt Sư phụ rất hoan hỷ !) . Lúc lễ lạy, vốn là một Đoàn sinh của gia đình Phật tử của một ngôi chùa nên cách lễ lạy cũng khác và cũng được Sư phụ chỉ cách lễ lạy xá bái của một người khất sĩ. Rồi Sư phụ chỉ dạy đủ điều từ nhỏ đến lớn, từ thô đến tế. Ngày qua ngày ở bên Sư phụ học kinh, học luật.

Nhân duyên tới Sư phụ cho đi học trung cấp tại tỉnh. Từ đây con phải tự chắp cho mình một đôi cánh để tự bay, khi mỗi lần vấp ngã thì phải tự mình đứng dậy. Và thời gian ở bên Sư phụ cũng ít dần chỉ có những ngày lễ, tết còn lại đa số là ở tại trường. Nhưng Sư phụ vẫn luôn dõi theo con. Thời gian thấm thoát trôi qua ba năm học xong chương trình trung cấp, và con được bước chân lên ngưỡng cửa Cử nhân Phật học, thời gian về tịnh xá lại càng lâu hơn chứ không như trung cấp giỗ Tổ thì về phụ, nhưng giờ thì không. Nhưng Sư phụ vẫn luôn mỉm cười, luôn hoan hỷ khi mỗi lần trở về.

Sư phụ có ước nguyện là xây dựng được Chánh điện để Phật có chỗ ngồi không bị ướt và có chỗ hướng dẫn cho Phật tử tu tập. Bởi lẽ, Tịnh xá được lập năm 1974, cũng đã 44 năm trôi qua rồi, xứ miền Trung năm nào cũng mưa bão. Mỗi lần mưa bão là chánh điện bị ướt thậm chí là không có chỗ ngồi để tụng kinh.

Sư phụ luôn cưu mang những trường hợp mồ côi không cha, không mẹ. Nhiều lúc những chú tiểu quậy quá nhưng cũng không đành cho về. Sư phụ nói: “Ở trong chùa dạy con chưa nghe, về nhà ra xã hội chỉ làm gánh nặng cho xã hội, thôi ở được ngày nào hay ngày đó.” Phải nói Sư phụ có một lòng từ bi rất lớn như một vị Bồ tát vậy. Luôn từ bi chỉ dạy cho đệ tử khi sai trái, luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mặc dù nền kinh tế còn eo hẹp.

Rời xa gia đình, nhất là hai đấng sanh thành, đã nuôi nấng, dưỡng dục từ thuở bé. Đi xuất gia, Sư phụ như là người cha, người mẹ, một vị Bồ tát của đời con. Luôn che chở, nâng đỡ, dìu dắt con đi trên đường đạo, con đường mà con đã và đang đi.

Cảm ơn Người, Người Bồ tát trong con !!!