Sự ra đi của sư huynh Pháp Tất (Phần 7)

PDang p7Nếu dùng ba tính từ để miêu tả về con người của chú Pháp Tất: bồng bột, phong trần, hào hiệp.

Cũng vì thế mà nay đã hơn 20 tuổi đời rồi mà thầy trụ trì vẫn chưa cho phép được thọ giới Sa-di. Điều ân huệ lớn nhất của chú là được thầy chứng minh cho cạo đi ba cái chóp trên đầu để trở thành một cậu thanh niên thật sự.

Thầy trụ trì hô to:

- Ừ thì, giờ chú lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi đó - bay đi.

Câu nói “phong tục” của những ai làm bậc thầy tổ, cha mẹ,…vừa hờn vừa trách như một sự mệt mỏi, bất lực nhưng đầy thương tiếc.

Rồi thầy im lặng với vẻ trầm tư đầy buồn bã trước ý muốn ra đi của người đệ tử mà mình đã nuôi dưỡng từ khi mới chập chững tập đi, tập nói.

- Dạ, con sẽ đi Sài Gòn, con sẽ hoàn tục. Vừa nói mà Pháp Tất bặm môi lại mà khóc.

Pháp Đăng, Pháp Bảo và mấy chú tiểu quỳ chung quanh chắp tay không dám nhìn thầy mà im lặng trước quyết định ra đi của người sư huynh cả.

Riêng Pháp Đăng là người đau đớn nhất, chú chỉ biết khóc nghẹn không thành tiếng cho sự lầm lỗi và tự trách mình là nguyên nhân để xảy ra sự việc này.

- Xin thầy, đừng đuổi sư huynh, lỗi tại con. Con xin thầy hãy tha thứ cho chúng con, con sẽ ra đi thay cho sư huynh Pháp Tất. Pháp Đăng vừa nói, vừa rung trước tình cảnh đầy bất lực.

- Không, thưa thầy, lỗi tại con. Con làm lớn mà không noi gương cho các sư đệ, con đã làm tổn hại đến uy tín của chùa và mọi người. Con sẽ bỏ đi, con sẽ ra đi mãi mãi. Con lạy thầy tha thứ.

Nói rồi chú Pháp Tất đứng bật dậy, lạy thầy ba lạy, chú nói trong nước mắt:

- Các sư đệ của huynh, huynh thương các đệ nhiều lắm, hãy ở lại mà ráng lo cho thầy, huynh đi đây.

Phát Tất chạy thật nhanh về phòng lấy túi xách đã chuẩn bị sẳn với chẳng có thứ gì quý giá ngoài với mấy bộ đồ nâu đơn sơ, ít quyển kinh cũ để gọi là có cái để mang đi như người ta, rồi chạy thật nhanh ra ngoài cổng trong tiếng khóc thất thanh vọng lại của Pháp Đăng và mấy chú:

- Sư huynh, sao nỡ bỏ tụi đệ mà đi.

“Phi vụ bất thành”

- Sư huynh Pháp Tất nè, thầy thường dạy: Mình là người tu, nên người ta có đánh mình, có chửi mình hay vu oan giá họa cho mình đi nữa mình cũng chỉ im lặng chấp nhận mà không nên phản kháng lại. Pháp Đăng nói.

- Nhưng đệ thấy Đức Phật không, thì Ngài đánh thắng Ma-vương rồi sau đó Ngài mới thành đạo chứ, mà nhân quả công bằng lắm, tụi Tý Ngầu đã đánh tụi đệ ra nông nổi này thì coi như là nhân, giờ mình cho tụi đó biết tay thì coi như là quả. Với lại, đường đường là sư huynh cả của tụi đệ thì làm sao huynh lại khoanh tay đứng nhìn người ta ăn hiếp em mình được.

Pháp Bảo lên tiếng:

- Mà sao đệ thấy nguy hiểm quá, cũng tội nghiệp tụi Tý Ngầu lỡ xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, thầy mà biết là huynh đệ mình chỉ có nước cuốn gói mà đi đó.

- Ngày nào tụi đệ đi học, cũng bị chúng chặn đường ăn hiếp, đánh không chừa mảnh giáp mà ở đó tội với nghiệp. Mình mà càng nhẫn nhịn thì chúng càng tiến tới, giờ là lúc phải cho chúng biết đội ngũ Thiếu Lâm Tự chúng ta không phải dạng vừa đâu.

- Cho chừa cái tật dám ỷ lớn ăn hiếp bé mà còn dám đụng tới Chú tiểu nữa là hết muốn sống, huynh sẽ rủ thêm mấy chú khác cùng tham gia để có gì “tiếp viện” khi mình thất thế, cứ theo kế hoạch mà làm. Pháp Tất nói trong vẻ đầy thuyết phục nhưng hơi chút bồng bột của một câu thanh niên mới lớn đầy máu lửa, nhưng thắm đượm nghĩa tình như một người anh cả chấp nhận mọi hậu quả chỉ để bảo vệ em mình.

- Sáng ngày mai hai đệ cứ chạy tới trường, huynh và các chú sẽ lẻn đi phía sau, khi nào tới cổng trường gặp tụi đó thì hai đệ cứ đi vào bình thường, tới khi chúng kiếm chuyện thì huynh và mấy chú sẽ nhào vô “sắp lá cà” luôn.

Tưởng chừng kế hoạch sẽ hoàn hảo để cho tụi Tý Ngầu một bài học về sự hung hãn và chừa đi cái thói hiếp đáp người yếu thế. Nhưng kết quả là chiếc xe đạp của Pháp Đăng bị đập tan nát, Pháp Tất thì bị vết thương đầy mình, còn Pháp Bảo thì ăn nguyên cục gạch ngay trước trán, thấy tình hình nghiêm trọng nên đội quân “tiếp viện” chỉ biết đứng khóc mà kêu cứu, còn tụi Tý Ngầu thì chỉ bị trầy xước ngoài da cho những cú đánh đầy nương tay của các chú.

- Ngày mai, tôi cho mời phụ huynh của Pháp Đăng, Pháp Bảo lên để nhà trường làm việc. Cô chủ nhiệm quát to.

Còn phụ huynh của tụi Tý Ngầu thì kéo tới chùa mà la hét tưng bừng với những câu đại loại như: Thầy gì mà không biết dạy đệ tử, đi tu gì mà hung dữ, chú tiểu hay đại ca chợ lớn hả…

Biết nói gì đây khi trách nhiệm làm thầy, biết làm gì đây khi con người ta bị dồn vào con đường cùng mà không thể vùng dậy, biết khóc thế nào trước sự ra đi mãi mãi của người đệ tử thân yêu cho những dại khờ và bồng bột, biết chấp nhận ra sao trước hình ảnh người huynh cả vì mình mà bỏ đi khi không biết nơi nao là bến đỗ.

Khóc, khóc và khóc. Mấy huynh đệ chỉ biết ôm nhau khóc trong sự bất lực và nghẹn ngào.

Nhất là Pháp Đăng, từ ngày đó đến nay hình ảnh của sư huynh Pháp Tất lúc nào cũng hiện rõ trong từng ý nghĩ. Khi ngủ, khi ăn Pháp Đăng lúc cũng tự hỏi: “Không biết giờ này sư huynh Pháp Tất có được ăn, có được ngủ giống mình không”. Nghĩ thế rồi Pháp Đăng lại tự trách mình mà lẻn ra góc cây Sala ngồi khóc.

Đêm nay, Pháp Đăng lại không tài nào ngủ được nên quay sang thủ thỉ hỏi Pháp Bảo:

- Sài Gòn ở đâu, sao sư huynh Pháp Tất phải đi Sài Gòn và hoàn tục là như thế nào.

Pháp Bảo ra hiệu nói nhỏ để kẻo mấy chú nghe như kiểu đang trả lời một câu hỏi đầy “tế nhị” cho sự rành đời của mình. Pháp Bảo nói thủ thỉ:

- Sài Gòn là hoa lệ đó, nơi ở của những người sang trọng có nhiều tiền, họ sài điện thoại xịn và đi xe nhiều bánh. Huynh thấy không mỗi lần mấy đoàn Phật tử Sài Gòn xuống đây viếng chùa toàn ăn mặc đẹp và đi xe có nhiều bánh lắm, với lại đệ thấy mỗi lần chùa mình hết mì, gạo là thầy liền nói đi Sài Gòn. Hôm bữa, đệ lén hỏi cô Phật tử từ Sài Gòn xuống:

- Đệ hỏi:

- Sài Gòn đẹp lắm hả cô, cô trả lời to tiếng làm đệ hết cả hồn.

- Cô trả lời sao? Pháp Đăng hỏi.

- Cô nói: Sài Gòn là nơi hút máu người ta đó mấy chú ơi!

- Cô còn nói: Hoa lệ gì đâu, mà hoa thì ít, lệ thì nhiều. Mà cô trả lời trong vẻ giận dữ hờn trách lắm.

- Ồ! Vậy à. Pháp Đăng đáp và hỏi tiếp:

- Nhưng tại sao sư huynh Pháp Tất nói lên Sài Gòn rồi hoàn tục. Mà hoàn tục là sao, tức là mình không được mặc đồ nâu và không được làm chú tiểu nữa á hả.

- Huynh còn nhớ sư huynh đầu tiên của thầy trụ trì tên là Pháp Hạnh không, mà mỗi lần bà Năm Lựu nhắc đến trước mặt huynh đệ mình là thầy đều ra hiệu im lặng đó.

- Chú Pháp Hạnh ghé chùa mình mấy lần nè! Còn dẫn theo vợ và hai đứa con gái nữa. Thì hoàn tục là vậy đó, tức mình không được làm chú tiểu nữa, mà phải lên Sài Gòn để lấy vợ, có con gái hay con trai.

- Ồ! Mà sao đệ rành quá vậy. Pháp Đăng hỏi.

- Thì đệ thích tìm hiểu vậy thôi, mà lần trước đệ lén hỏi chú Pháp Hạnh là hoàn tục như chú vậy có hạnh phúc không?

- Chú nhăn mặt trả lời: Khổ lắm mấy chú ơi! Giờ tôi chỉ ước được quay trở lại cái thời được làm điệu như mấy chú thôi. Cơm, áo, gạo, tiền, vợ, con, nhà cửa, công ăn, việc làm, sự nghiệp, tương lai, đã biến tôi ra thế này nè, mấy chú không thấy sao.

- Rồi chú chắc lưỡi nói: Khổ lắm!

- Ủa, mà thấy chú Pháp Hạnh bình thường mà, còn để tóc hai mái, ăn mặc sang trọng nữa, chứ có thấy khổ gì đâu. Pháp Đăng hỏi.

- Thì đệ có biết đâu, nghe sao đệ thuật lại cho huynh vậy thôi.

Pháp Đăng nói:

- Pháp Bảo nè, huynh muốn đi.

- Đi đâu?

- Sài Gòn,...

CÒN TIẾP PHẦN 8: KẾ HOẠCH "NGẦM"

Dựa trên câu chuyện có thật của chú tiểu Pháp Đăng.