Sự Xuất gia và Thành đạo của Tất-đạt-đa Cồ-đàm: Một khởi đầu Giáo pháp Tỉnh thức và chấm dứt sự im lặng

Thích Ca Mâu Ni – Đức Phật của chúng ta, là tên của vị Phật lịch sử còn được biết đến với tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm, trong phiên âm Hán Việt từ chữ Phạn Siddhārtha Gautama. Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của từ siddhārthalà “người đã hoàn tất”: Siddha; “ý nghĩa (cuộc sống)”: artha. Trong cách dịch ý thường được hiểu bởi người Việt là Nhất thiết nghĩa thànhThành tựu chúng sinh, vì được dịch ý từ Phạn ngữ là sarvārthasiddha.  

Theo những đồng thuận về mặt Sử học và các nhà nghiên cứu Khảo cổ cũng như khía cạnh Triết học thì vào năm 19 tuổi, sau khi công chúa Da-du-đà-la hạ sinh một bé trai và được đặt tên là La-hầu-la (Rāhula), thái tử Tất-đạt-đa quyết định lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm đạo sĩ khác nhau thời bấy giờ. Thái tử quyết tâm tìm cách diệt khổ và tu học với nhiều đạo sư của các giáo phái khác nhau và trở nên người xuất sắc trong các truyền thống ấy.

Các tôn giáo Ấn Độ thời bấy giờ có đến 62 trường phái khác nhau và phần lớn đều có quan niệm rằng theo đuổi con đường khổ hạnh mới là con đường duy nhất đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng lỗi lạc thời đó là A-la-la-ka-lam (Ārāda kālāma) và Ưu-đà-la-la-ma (Udraka Rāmaputra) có hội chúng quy tụ đến vài nghìn đệ tử, học trò các phương lũ lượt theo về tu học. Theo trường phái của A-la-la-ka-lam, thái tử Tất-đạt-đa tu học đạt đến cấp độ Thiền Vô sở hữu xứ (ākiṃcanyāyatana) nhưng thái tử không nhận thấy sự giác ngộ và đoạn trừ khổ đau. Khi theo học với Ưu-đà-la-la-ma, thái tử tu học đạt đến cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ (naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana), những cũng vẫn không nhận thấy sự giác ngộ và đoạn trừ khổ đau, không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên thái tử quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát.

khohanh

Từ đó, Tất-đạt-đa tách riêng và tự chọn con đường tu đạo cùng với năm anh em Kiều-trần-như (Koṇḍañña) theo con đường tu khổ hạnh.

Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết trong gang tấc, Tất-đạt-đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ đã bắt đầu ăn uống bình thường, và năm anh em kia thất vọng từ bỏ Tất-đạt-đa ra đi.

Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài có nhắc lại cách tu khổ hạnh như được diễn tả trong bài kinh Ðại kinh Saccaka (Mahàsaccaka sutta) số 36 thuộc Kinh Trung Bộ như sau:

Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: “Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hạt hay súp đậu nhỏ.” Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, xúp đậu đen hay súp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ da bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Aggivessana, da bụng của Ta đến bám chặt xương sống. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện” thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Aggivessana, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít. Lại nữa, này Aggivessana, có người thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gotama có da đen.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama, da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, da không xám.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm.” Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít.”

Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ pháp tu bất cập này. Tất-đạt-đa quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, mà phải tìm phương pháp khác, trong lúc ấy Tất-đạt-đa nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận trong Lễ Tịch điền (Ðại kinh Saccaka):

Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm-phù-đề, Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ.” Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ.” Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?” Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện.”

Sau những kinh nghiệm tu và thức tỉnh đó, Tất-đạt-đa quyết định ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành, ngồi dưới gốc cây Bồ-đề (ngày nay ở Bồ Đề Đạo Tràng) và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ.

Sau 49 ngày thiền định, Tất-đạt-đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35 (theo sự đồng thuận trong thời điểm hiện tại). Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là vị Giác ngộ (Phật), và biết rằng sẽ không còn tái sinh. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại theo chính lời của Ngài trong Ðại kinh Saccaka như sau:

“... Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), Ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền (Tứ thiền), nhưng những cảm giác hỷ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm Ta. Khi tâm Ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, Ta hướng nó về những ký ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kỳ của thế giới. 'Nơi đó Ta đã sống, tên của Ta đã như thế, gia đình của Ta là như thế, nghề nghiệp của Ta, giai cấp xã hội của Ta... Ta đã chết như vầy... “Sự hiểu biết đầu tiên này Ta đã đạt được trong canh đầu...Sau đó, Ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, Ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên”... Sự hiểu biết thứ hai này Ta đã đạt được trong canh hai.

Sau đó, Ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc (āsrava) và nhìn nhận như thật: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ”, và khi Ta nhận thức được điều này, tâm Ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lý “Tái sinh Ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của Ta đã hoàn tất, Ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này Ta đã vượt qua”. Sự hiểu biết thứ ba này Ta đã đạt được trong canh ba”.

Từ lúc tu theo con đường khổ hạnh 6 năm cho đến lúc giác ngộ, Ngài vẫn không nói một lời, sự im lặng kéo dài trong thời gian dài.

Theo kinh nghiệm được Đức Phật được ghi lại trong bài kinh Ðại kinh Saccaka, lúc đó Ngài biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt, Đức Phật tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu từ nhiều nơi, Đức Phật mới quyết định chuyển Pháp luân. Đến đây, Ngài mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni. Thích-ca Mâu-ni có nghĩa là Trí giả của dòng dõi Thích-ca.

Phat chuyenphapluan 1

Quán chiếu đến nhân duyên của nhiều người, sau đó Đức Phật gặp lại năm anh em Kiều-trần-như. Khi Ngài đến Vườn Nai, các vị đồng tu trước đây nhận ra rằng Tất-đạt-đa đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân tướng, họ biết rằng vị này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà họ không thể tìm ra bằng pháp tu khổ hạnh. Các vị đó xin được nghe những lời giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Đức Phật nói Pháp Tĩnh thức và chấm dứt sự im lặng.

Pháp thoại Tưởng niệm nhân Ngày Đức Phật Thành Đạo,
Thiền đường Chánh Giác, Pháp Thuận Thiền viện, 8 tháng 12 năm Ất Mùi - 2015.