Sức sống

Sức mạnh khiến ta tiến bước nhanh,

Sống chung tu học sanh tâm lành,

Hạnh nguyện chưa tròn, chưa yên phận,

Tu hành chân chánh độ nhơn sanh.

Chư Tổ Thầy luôn sách tấn hàng hậu học rằng đã quyết lòng xuất gia tu hành cần phải tinh tấn nỗ lực trong từng sát na. Sự tinh tấn nỗ lực ấy chính là sức sống của hạnh tu và sức sống này được ví như sức sống của mặt trời. Khi chân trời phía Đông hừng rạng, màn sương dần dần tan biến, cỏ cây, hoa lá nở bừng, để đón nhận sắc hồng êm ả, trải trên khắp vũ trụ nhân sinh. Nơi đây trường Hạ An cư cũng được đượm nhuần ánh bình minh rực rỡ. Năng lượng tu tập uy nghiêm, nhiệt huyết tinh tấn của đại chúng làm tăng thêm sức sống trong mùa An cư kiết hạ. Trên gương mặt của các hành giả sau những giờ thiền quán, công phu như toả ra sức sống tinh thần mới.

Để sức sống của hạnh tu vững chãi, nhân duyên hỗ trợ tốt nhất, đó là hành giả cần tham gia các khóa An cư kiết hạ. Dù chỉ ba tháng, nhưng cũng đủ để đánh giá được đức hạnh của người tu và xứng đáng nhận thêm một tuổi hạ. Không phải những hành giả không đủ duyên tham dự khóa An cư là không nhận được tuổi hạ mà tuỳ nhân duyên, các vị ấy cũng có thể cấm túc an cư cùng huynh đệ tại trụ xứ dưới sự hướng dẫn của vị Bổn sư. Người con Phật không thể thiếu pháp hành “một năm cấm túc an cư ba tháng” theo truyền thống tu tập của Tăng đoàn thời Đức Phật khi xưa. Đó cũng là thể hiện tinh thần sống đúng phương châm của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy:

                        “Cái sống là phải sống chung.

                        Cái biết là phải học chung.

                        Cái linh là phải tu chung”.

Nếu chúng ta thể hiện đúng với tinh thần đó, sức sống của người tu sĩ mỗi ngày dâng cao làm cho thế giới xung quanh thêm thơm ngát hương từ bi và trí tuệ. Có sống chung, chúng ta mới hiểu nhau, thông cảm cho nhau; có tu chung mới có thể chia sẻ kiến thức kinh nghiệm tu học với nhau. Bước đầu sống chung, tu chung vẫn còn có những khó khăn, song chúng ta đều có chung một lý tưởng giải thoát, đều đi trên một con đường phạm hạnh nên sẽ sớm thích nghi, hoan hỷ, an lạc trong đời sống đại chúng Lục hoà. Cổ đức có câu:

“Học Phật dễ lắm ai ơi!

Thế mà học mãi cả đời chưa xong.

Bởi do tâm tánh bất đồng,

Học thời đồng học, ngộ không tùy người”.

Những lời nhắc khuyên của Cổ đức cho ta biết, cho ta hiểu, cho ta tu. Nếu biết, hiểu rồi thì phải lo tu thôi. Nếu không tu thì làm sao ổn định được đạo tràng, cho nên trong mỗi thời khóa Ban Chức sự trường Hạ nhắc nhở, khuyên răn các vị chưa thi hành đúng pháp, đúng luật, đúng nội quy Hạ trường. Trường Hạ Ngọc Trung năm nay không chỉ dành riêng cho những Tỳ-kheo nhiều hạ, kinh nghiệm mà có cả tân Tỳ-kheo, Thức-xoa, Sa-di-ni và tập sự, tiểu điệu, cho nên nếu không có sự hy sinh dạy bảo nhắc nhở, khuyên răn của Ban Chức sự trường Hạ, làm sao có được một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh như thế này?

Một đạo tràng đại chúng tu học thanh tịnh như vậy, thật xứng đáng cho thiện tín cúng dường, sớt bát mỗi ngày:

“Mỗi ngày nhận một bát cơm,

Vo tròn công hạnh tu hơn mỗi ngày.

Mới mong trả nợ đàn-na,

Và ơn giáo dưỡng cho ta mỗi ngày”.

Chúng con tu học theo thời khóa giờ giấc chỉ định sẵn, thế nhưng khi nghe tiếng chuông reo chuẩn bị cho buổi học, buổi tu, độ cơm, chấp tác v.v… chúng con vẫn còn trì trệ. Chưa hết! Nhất là giờ khuya 3h30’ thức chúng, thật tình chúng con không muốn dậy tí nào, vì con ma ngủ cứ rỉ rả bên tai: “Nằm một chút nữa đi cũng không muộn”. Chúng con cứ bị nó dụ dỗ hoài nên trễ nãi mãi. Đó là một biểu hiện của sự không tinh tấn. Vì vậy mà nghiệp lực cứ đến với chúng con hoài.

Cổ đức có câu:

                        “Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn,

                        Không gì bằng trí tuệ của đời ta,

                        Sống điêu linh trong kiếp sống Ta-bà,

                        Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”.

Con vẫn biết vậy, nhưng không sao hiểu nổi tập khí lâu đời khó sửa một lần cho hết. Chính vì vậy, về An cư kiết hạ sống chung tu học, nương đức đại chúng, dầu ma ngủ kia có rủ ren đi nữa chúng con cũng không chiều theo chúng. Mỗi khuya, vừa nghe chuông thức chúng, chúng con dũng mãnh thức dậy mở mùng, xếp mền gối, đi rửa mặt,…. Mọi việc tập tự giác, nhanh nhẹn để theo kịp thời khóa, nếu không ốt dột với đại chúng lắm. Hàng ngày được ăn cơm thiền, uống sữa pháp, nếu không tinh tấn tu học,sẽ hỗ thẹn biết ngần nào. Nhờ tinh tấn tu học, tuệ trí ngày một khai mở, chúng con đã dẹp yên lũ ma vương quấy nhiễu. Trước đây, vẫn biết những thói hư tật xấu đều là ma cả, nhưng chúng con không đủ sức đánh lui chúng nên đành phải ở bên cạnh chúng. Bởi không tinh tấn, để ma vương sai xử, thiện pháp trong chúng con không phát triển, huệ trí không được khai thông.

Thế nên sức sống của hạnh tu là mỗi ngày mỗi tinh tấn, mỗi ngày phải học hiểu để chuyển hoá chính mình lành thiện hơn. Đồng thời, chúng ta có thể theo kịp với tiến trình phát triển của thời đại, tiếp cận những thông tin mới làm phương tiện để giúp người, giúp đời. Được như vậy, chúng ta mới mong đền ơn đáp nghĩa Thầy Tổ và đàn-na tín thí trong muôn một.

Hạ trường Tịnh xá Ngọc Trung, ngày 20 tháng 05 năm Giáp Ngọ