Suy nghĩ về phẩm chất căn bản của một vị trụ trì trước thời duyên

HTGiacToan VG2

1. MỖI VỊ TRỤ TRÌ PHẢI LÀ MỘT VỊ ĐẠO SƯ

Theo từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia[1] thì Đạo sư (, tiếng sanskrit làguru), nghĩa là Sư phụ, vị thầy dạy đạo. Theo một ý nghĩa riêng biệt, như trong trường hợp của các vị Đại thành tựu – thì người ta nên dịch chữ “guru” là Chân sư ( ). Cần phân biệt rõ giữa “Đạo sư” và “Chân sư”. “Đạo sư” là người dạy đạo, truyền đạo. “Chân sư” là bậc đạo sư chân chánh, dạy đạo và đời, truyền đạo với những kiến giải mới có lợi ích cho cuộc sống nhân sinh.

Kinh Hoa Thủ[2] thì nói: “Người có thể giảng thuyết đạo giải thoát sinh tử cho chúng sanh thì gọi là Đạo sư”.

Như vậy, mỗi vị trụ trì trước hết phải là một vị đạo sư, tức là vị thầy tâm linh để hướng dẫn cư gia bá tánh quy hướng Tam bảo, thọ trì ngũ giới, tu học theo đúng giáo pháp của Đức Phật để tự chuyển hóa khổ đau, tìm được nguồn an vui hạnh phúc ngay giữa cuộc sống vốn nhiều hệ lụy này. Đây là nhiệm vụ, sứ mạng hết sức quan trọng cần phải có trước tiên của một vị trụ trì. Bên cạnh đó, một vị trụ trì tu học lâu năm với thân tướng, phẩm hạnh trang nghiêm, với thân khẩu ý thanh tịnh, luôn trao dồi giới định tuệ sẽ là bóng mát, là bậc mô phạm – một vị “đạo sư chứng minh” đáng để cho các vị Tỳ kheo tân học và Phật tử tại gia nương tựa tu học.

Các truyền thống về đạo sư

Theo truyền thống của Ấn Độ giáo phân biệt ba vị “Đạo sư”:

- Cha mẹ là người sinh thành thân thể, hiến tặng đời sống và giúp làm quen với các vấn đề trong cuộc đời; thầy giáo dạy các môn học của thế gian, hướng dẫn nghề nghiệp;

- Đạo sư giúp tìm ra con đường đạo, tiến đến giải thoát;

- “Đạo sư vũ trụ”(sanskrit avatāra, dịch sát nghĩa là “Đấng Giáng thế”) là bậc Giác ngộ, là hiện thân của sự Giác ngộ, của Chân như.

Về “Đạo sư” người ta thường đặt hai câu hỏi là:

- Trên con đường tu học giác ngộ, liệu có thật cần một Đạo sư hay không?

- Đối với một Đạo sư, hành giả phải tuân lời đến mức nào?

Về câu hỏi thứ nhất, các Đạo sư Ấn Độ giáo hay dùng một thí dụ giản đơn: một người khách lạ tìm đường trong một thành phố. Người đó có hai cách, một là cứ lần lượt xem từng con đường, thế nào rồi cũng tìm ra, nhưng mất thời gian và nếu không may, có thể con đường cuối cùng mới đúng là con đường mình kiếm. Cách thứ hai là hỏi một người sống trong thành phố đó, người đó sẽ chỉ cách đi ngắn nhất đến đó. Đạo sư được xem là người sống tại “địa phương” của các phương pháp tu học. Mặt khác, trong kinh sách thường nói, một khi hành giả tiến tới một mức nhất định thì nội tâm sẽ biến thành Đạo sư, dẫn đường cho mình. Vì vậy trong kinh có dùng chữ Phạn antaryāmin, nghĩa là “người hướng đạo nội tại”.

Câu hỏi thứ hai nói về sự nghe lời Đạo sư, thì quan niệm chung cho thấy rằng không bao giờ một Đạo sư chân thật lại ức chế học trò. Ngược lại học trò phải có một mối liên hệ thân thiết và tin tưởng nơi Đạo sư thì các vị đó mới có thể giúp đỡ được. Vị Đạo sư được xem là vĩ đại chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì lại khuyên mọi đệ tử nên nghe rồi tự mình trắc nghiệm các chân lí, không nên nhắm mắt tin vào ai, kể cả vào lời nói của một vị Phật.

HTGiacToan VG1

2. TRỤ PHÁP VƯƠNG GIA

Ngôi nhà Pháp vương hay Vua pháp chỉ có ba nội dung chính rất căn bản với nền tảng là:

2.1. Phật Pháp Tăng

Tam bảo ( ) là “Ba ngôi báu”, ba cơ sở chính của Phật giáo là Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc Giác ngộ, giáo pháp của bậc Giác ngộ và những người bạn đồng học, đồng tu, đồng đi trên con đường giác ngộ giải thoát…

2.2. Kinh Luật Luận

Trong quyển Giáo trình Phật học[3] của Chan Khoon San, Lê Kim Kha (dịch) đã chỉ ra rằng những lời của Đức Phật nói ra, ban đầu được gọi là giáo pháp, bao gồm ba phương diện đó là: Giáo lý, Thực hành và Chứng ngộ.

Phần giáo lý còn được gọi là “Pháp học”. Phần pháp thực hành còn gọi là “Pháp hành”, và phần pháp chứng ngộ còn được gọi là “Pháp Giác ngộ” hay “Pháp thành”.

Toàn bộ giáo pháp được lưu giữ lại trong kinh điển được gọi là Tam tạng kinh (Tipitaka). Tam tạng kinh chứa đựngnhững lời dạycủa Đức Phật do chính Ngài nói ra trong hơn45 năm, từ sau khi Ngài giác ngộ thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn.

Tam tạng kinh (Tipitaka)trong tiếng Pali có nghĩa là “Ba cái rỗ” hoặc là “Ba kho tàng(Ti= ba,Pitaka= cái rỗ, kho tàng). Nó không chỉ mang ý nghĩa là vật hay chỗ chứa đựng mà mang ý nghĩa ‘truyền thừa’hay chuyền tay cho nhau, giống những người thợ chuyền những rỗ đất hay cát từ người này đến người kia theo một hàng dài cho đến cuối cùng để sử dụng, cũng giống như những cái rỗ chứa giáo pháp được chuyền tay, truyền thụ qua nhiều thế kỷ từ người Thầy cho đến những học trò.

“Ba rỗ kinh/ kho tàng” hay ba tạng kinh đó là:Kinh tạng(Sutta Pitaka), bao gồm các bài giảng của chính Đức Phật hoặc các đại đệ tử thuyết giảng khi còn tại thế. Hiện tại Phật giáo có 2 hệ kinh tạng đó là Tạng kinh Nam truyền và Bắc truyền. Luật tạng(Vinaya Pitaka), chứa đựng lịch sử phát triển củaTăng già cũng như các giới luật của người xuất gia, ra đời vài mươi năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Luận tạng (Abhidhamma Pitaka) cũng được gọi là A-tỳ-đạt-ma, chứa đựng các quan niệm về triết học và tâm lí học của Phật giáo.

2.3. Giới Định Tuệ

Giới – Đạo đức trong sạch nhờ chánh hạnh; Định – Tâm thanh lọc nhờ định; Tuệ - Tâm trong sáng nhờ thiền tuệ.

Trong kinh Tăng Chi[4], Đức Phật đã khẳng định rằng để trở thành một vị Sa môn phạm hạnh giải thoát thì vị ấy cần phải nỗ lực tinh tấn thực hành trọn vẹn ba hạnh của vị Sa môn đó là: “Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ðây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm của Sa môn”…

Ví như, này các Tỷ-kheo, một con lừa đi theo sau lưng một đàn bò nghĩ rằng: “Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò”, nhưng nó không có màu sắc giống như con bò. Nó không có tiếng giống như con bò. Nó không có chân giống như con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò, nghĩ rằng: “Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng: “Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo”. Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng định học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tuệ học như các Tỷ-kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng: “Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo”.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

3. TRÌ NHƯ LAI TẠNG

Hành trì gìn giữ tạng pháp của chư Phật:

3.1. Từ - Bi - Hỷ - Xả

Từ được chuyển nghĩa từ tiếng Phạn Maitri, nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho tha nhân…

Bi, tiếng Phạn là Karuna, là khả năng lấy đi nỗi đau, làm vơi bớt nỗi đau khổ nơi tha nhân. Lấy đi nỗi đau, làm vơi bớt nỗi đau không phải bằng một phép mầu nào đó, chắc chắn cũng sẽ không có một phép mầu như thế trong cuộc đời này. Chúng ta làm vơi bớt nỗi đau của người khác, của cuộc đời bằng cách giúp chính con người đó nhận thức và chuyển hóa các phiền não, chuyển hóa các cách nhìn cuộc sống, chuyển hóa các tâm lý tiêu cực, xấu trở thành tích cực, tốt đẹp hơn.

Yếu tố thứ ba là Hỷ, tiếng Phạn là Mudita, nghĩa là niềm vui không điều kiện, tùy hỷ. Thường thấy ai hạnh phúc, chúng ta chưa hẳn đã vui theo, vui vì điều đó. Con người thường vị kỷ, hay đố kỵ, ghen tỵ với thành công của người khác. Những tâm lý xấu này là chất liệu xây nên bức tường ngăn cách, làm khổ nhau giữa mọi người trong xã hội, trong cộng đồng mà mình sống, trong công ty, đơn vị mà mình làm việc. Hỷ là tâm vui cái vui của mọi người, hạnh phúc vì thấy người khác thăng tiến, thành công, một niềm vui không ràng buộc và không bị điều kiện hóa bởi nhiều quan hệ khác.

Thứ tư là Xả, tiếng Phạn là Upeksha, là sự buông xả, không nắm giữ khư khư với những điều kiện cụ thể. Thiền sư Nhất Hạnh đã từng nói đến việc cần thiết phải có tâm Xả trong cuộc đời, thầy ví mỗi người chúng ta là một bông hoa đẹp. Để vẻ đẹp của bông hoa hiển lộ, chúng ta cần tạo không gian bên trong và cả bên ngoài để bông hoa đó tỏa chiếu vẻ đẹp của nó. Xả ở đây chính là sự hiến tặng không gian cần thiết ấy.

Bốn tâm vô lượng, Từ, Bi, Hỷ và Xả không phải là lý thuyết, không phải là tri thức, là thuật đối nhân xử thế kiểu đắc nhất tâm, mà chính là phương pháp tu tập, rèn luyện tâm, cần phải thực hành để chuyển hóa những tâm lý tiêu cực, phá bỏ những bức tường ngăn cách làm trở ngại sự giao tiếp giữa trái tim với trái tim, mình có thể có tình thương, có sự tôn trọng lẫn nhau một cách chân thật hơn. Và như vậy, có sự an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc lâu bền hơn, như lời của thiền sư Thiền Lão 1000 năm trước, đáp lời của vua Lý Thái Tông: “Đản tri kim nhật nguyệt, thùy thức cựu xuân thu” dịch thoát nghĩa “Sống ngày nay, biết ngày nay/ Nặng lòng chi, những tháng ngày đã qua!”.

3.2. Thường - Lạc - Ngã - Tịnh

Phật Quang Đại từ điển[5] giải thích rằng: Thường Lạc Ngã Tịnh ( ), cũng gọi tứ đức Niết bàn. Chỉ cho 4 đức của Niết bàn Đại thừa và pháp thân Như lai. Sự giác ngộ đạt đến cảnh giới Niết bàn là sự giác ngộ vĩnh viễn không biến đổi, được gọi là Thường; cảnh giới ấy không có các khổ não, chỉ có an vui, gọi là Lạc; được tự do tự tại, không một mảy may bó buộc, gọi là Ngã; không có phiền não nhiễm ô, gọi là Tịnh. [X. kinh Niết bàn Q.23 (bản Bắc); luận Phật tính Q.2], (xt. Tứ đức).

Mặt khác, Thường Lạc Ngã Tịnh cũng chỉ cho 4 kiến giải sai lầm vì phàm phu không biết chân tướng của mình và thế giới vốn là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà sinh ra. Thường là hiểu lầm rằng con người sẽ tồn tại vĩnh viễn; Lạc là cho rằng đời người là khoái lạc; Ngã là tưởng lầm mình có tự do, tự chủ, là cái ta chủ thể có thể nắm bắt được; Tịnh là cho rằng thân tâm mình trong sạch. Đây cũng là 4 cái điên đảo. Cho nên Phật giáo thời kì đầu ở Ấn độ đã dạy tu tập 4 Niệm xứ để đối trị 4 cái điên đảo này, đó là: Quán thân là bất tịnh, Cảm thụ là khổ, tâm là vô thường, các pháp là vô ngã. (xt. Tứ Điên đảo).

4. TINH THẦN ỨNG DỤNG LÀM CHO PHẬT PHÁP LƯU THÔNG TRONG ĐỜI

4.1. Soi sáng tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, phụng sự đạo đời làm lợi ích cho chúng sanh như lời Đức Phật đã dạy:

Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người... [6]

4.2. Nắm vững pháp luật liên hệ đạo và đời

+ Tìm hiểu nghiên cứu thông suốt những văn kiện liên hệ luật pháp và tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt là Hiến pháp và Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; những quy định cụ thể liên hệ…

Ví dụ như Hiến pháp năm 2013 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đã thừa kế và sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộquyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật[7].

Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; đặc biệt là cơ sở tôn giáo gồm các chương:

Chương III: TỔ CHỨC TÔN GIÁO

- Mục 1: Đăng ký sinh hoạt tôn giáo; đăng ký hoạt động, công nhận tổ chức tôn giáo.

- Mục 2: Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc.

- Mục 3: Đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác.

- Mục 4: Thành lập, quản lý, giải thể trường đào tạo,mở lớp bồi dưỡng những ngườichuyên hoạt động tôn giáo.

- Mục 5: Phong chức, phong phẩm,bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức,bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo.

- Mục 6: Thuyên chuyển nơi hoạt độngcủa chức sắc, nhà tu hành.

Chương IV: HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

- Mục 1: Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáohàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở.

- Mục 2: Đăng ký người vào tu.

- Mục 3: Hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo.

- Mục 4: Các cuộc lễ, giảng đạo, truyền đạocủa tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hànhdiễn ra ngoài cơ sở tôn giáo.

- Mục 5: Hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hànhtại cơ sở tôn giáo được xếp hạng di tíchlịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Mục 6: Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trìnhtín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

- Mục 7: Tổ chức quyên gópcủa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

- Mục 8:Quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo,tín đồ, nhà tu hành, chức sắc…

+ Tìm hiểu nghiên cứu học tập thông suốt hiến chương GHPGVN được tu chỉnh mới nhất trong Đại hội VII; nội quy các ban ngành, viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; đặc biệt nội quy Ban Tăng sự Trung ương, v.v...

+ Thực hiện sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì tại cơ sở tự viện, tịnh xá… Gắn liền truyền thống “truyền đăng tục diệm” của Đức Phật, và Thầy, Tổ sơn môn pháp phái.

+ Thể hiện sự an tịnh của vị Tỳ kheo trong tinh thần thiểu dục tri túc, thanh bần đơn giản, luôn tinh tấn hành trì phạm hạnh thanh tịnh đúng như định hướng phương châm Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Nên tập sống chung tu học/ Cái sống là phải sống chung/ Cái biết là phải học chung/ Cái linh là phải tu chung” (Chơn lý “Hòa bình”); đồng thời trong sinh hoạt thường nhật, vị Tỳ kheo luôn giữ gìn thân khẩu ý trong sạch, sống theo tinh thần lục hòa, bình đẳng, thực hiện quy cũ thiền môn theo lời dạy của đức Tổ sư:

- “Thân trong sạch ấy là xứ Phật/ Miệng trong sạch ấy là pháp Phật/ Ý trong sạch ấy là con Phật/ Tâm trong sạch tức là đức Phật” (Chơn lý “Tu và nghiệp”).

- “Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời, có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch” (Chơn lý “Có và không”).

- “Kẻ trí trau tâm, chớ chẳng giồi thân. Nói ít mà nên, làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt” (Chơn lý “Đi tu”).

“Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta; sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài, kết thành một lượt không mau không chậm” (Chơn lý “Đi tu”).

5. KẾT LUẬN

Tự viện tịnh xá chùa chiền

Cơ sở truyền thống nối duyên đời đời

Phật Pháp Tăng bảo tuyệt vời

Bóng mát nương tựa độ người thoát mê

Ma-ha Bát-nhã lần về

Tìm lại chơn tánh Bồ-đề ngày xưa

Trụ vương gia pháp thuyền đưa

Trì Như Lai tạng thượng thừa hồng ân.

PV. Minh Đăng Quang, 19/4/Bính Thân

 


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_sư

[2] Theo Phật Quang Đại từ điển, bản dịch của SM. Thích Quảng Độ, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.1851.

[3] Chan Khoon San, Lê Kim Kha (dịch), Giáo trình Phật học, Nxb. Phương đông, 2012, tr.457.

[4] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh, chương 3, phẩm Ananda, phần Sa-môn [lược]

[5] Phật Quang Đại từ điển, bản dịch của SM. Thích Quảng Độ, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.6694-6695.

[6] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ kinh , chương IV, Phẩm thứ nhất, Mục 5: Bẫy sập.

[7] “Hiến pháp năm 2013”, chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Mục 24.