Suy niệm về ý pháp do Hoà thượng Thiền chủ thuyết giảng

“Chính trong sắc thân không đầy một sải tay có thức có tưởng này, từ đây Như Lai tuyên bố thế giới (khổ đau) đối với người mê”; và “Chính trong sắc thân không đầy một si tay có thức có tưởng này, từ đây Như Lai tuyên bố đoạn tận thế giới (đoạn tận khổ đau) đối với người giác”.

Hai ý pháp trên được Hoà thượng Thiền chủ thuyết giảng dựa trên kinh điển, qua đó Ngài đã nhấn mạnh rằng để được giác ngộ, giải thoát khỏi tất cả phiền não khổ đau, sự giác ngộ ấy không ở đâu xa, đó chính là ở ngay trên sắc thân Ngũ uẩn này. Vì vậy cho nên sự tu tập của chúng ta không cần phải nhọc công đi tìm tất cả các phương pháp, mà chúng ta phải cần quay lại chính mình, tu tập ngay trên tự thân của mỗi chúng ta, nên trong kinh, Đức Phật có dạy “Kẻ nào chấp trước thì bị ác ma trói buộc, ai không chấp trước thì giải thoát khỏi ác ma”. Đó chính là sự thiết thực hiện tại của giáo pháp, và cũng chính là điều làm cho con tâm đắc ý pháp này.

Qua hai ý pháp trên, con nhận thấy được rằng việc tu tập hằng ngày của mỗi người xuất gia chúng ta là phải ý thức rõ ràng sự vô thường của sắc thân vật chất, do vì thấy được sự vô thường nên biết được nó sẽ không bền chắc, để từ đó chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt qua được những phiền não do sự chấp trước nơi thân và tâm gây ra. Tu tập như thế thì sự chứng đắt được quả vị nhập lưu, được dự vào dòng Thánh giả là việc hiển nhiên, rồi từ đó chúng ta sẽ đạt được những quả vị cao hơn, và cuối cùng rồi cũng sẽ chứng đắc được quả vị A-la-hán và dần đến quả vị Phật, như trong kinh Ngài Xá-lợi-phất có dạy muốn dự vào dòng Thánh thì phải quán Ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã cho đến muốn chứng được quả vị A la hán cũng phải quán Ngũ uẩn là vô thường khổ và vô ngã.