Tầm thinh cứu khổ

Thường đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, ai cũng nghĩ về mẹ, và hạnh phúc thay, là người con Phật, trong ý thức cũng như trên thực tế, chúng ta có 2 bà mẹ: mẹ sanh ra thân tứ đại của ta và bà mẹ tâm linh gọi là Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát. Cả hai bà Mẹ đều có tấm lòng biển cả, luôn nghĩ con mình còn nhỏ dại để cần có sự bao bọc che chở của mình, nhưng ngược lại con mình thì sao?

Với bà Mẹ “Tứ đại”, khi mới sanh ra lúc đói khát, ta khóc oe oe… ta cần vú mẹ, vì mẹ có sữa cho ta bú, có hơi ấm cho ta ngủ … và lớn hơn, khi chập chững biết đi, ra nhà hàng xóm chơi, ai đánh mình, ai ăn hiếp mình thì chỗ dựa đầu tiên là mẹ: “Tao về tao méc Má tao!”. Khi xa nhà, nhớ về cố hương, ai cũng than thở: “Nhớ nhà, nhớ Má quá đi thôi!”. Khi hữu sự nguy cấp, người ta hay kêu: “Đau quá Má ơi! - Má ơi cứu con!”… Ấy vậy mà người đầu tiên trong gia đình ta hay cãi lời nhất, đó là Mẹ mình. Còn bà Mẹ tâm linh (Đức Quán Thế Âm Bồ Tát), lớn lên có ý thức, ta mới tin - nhưng tâm lý ta thường xem Ngài như bà Mẹ “để dành hộ mạng”! Khi nào khổ não mới nhớ tới Mẹ và mới tha thiết khẩn cầu: “Nam Mô Đại từ Đại bi cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”. Khi qua cơn nạn tai thì bầy con “chúng sanh” này hầu như quên … Mẹ. Nhưng không sao, Mẹ nào cũng đều có tấm lòng bao dung, tha thứ cho con, luôn đứng sau lưng con để hộ trì, che chở cho con. Con khoẻ mạnh, thăng hoa, con có quên Mẹ, Mẹ vẫn không trách phiền; khi con thất thế sa cơ, ốm đau bệnh hoạn thì mẹ sẵn lòng dang tay cứu giúp, che chở, ấp ủ, bảo ban…

Điều này trong Pháp Hoa Kinh, phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn” có đoạn Phật bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát”.

Và nêu các trường hợp: “Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng, vì do sức oai thần của Bồ Tát này vậy. Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn…”

Và các trường hợp ngặt nghèo khác, nếu chúng sanh có tâm thành niệm danh hiệu của Ngài, thì sẽ được Ngài ra tay cứu độ. Nhưng làm cách nào để Ngài cứu giúp chúng sanh? Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có dạy: thân Phật hoá độ có rất nhiều dạng, Người đáng dùng thân Phật, thân Duyên giác, thân Thanh Văn, thân Phạm Vương, thân Đế Thích…hay thực tế hơn là thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đặng độ thoát, liền hiện các thân như trên, mà vì đó nói pháp. Và Ngài còn có danh hiệu là “Thí Vô Uý” bởi trong cõi Ta bà này, khi chúng sanh gặp chỗ nạn gấp sợ sệt ngoài sự cứu khổ cấp thời, Ngài còn ban giáo pháp để chúng sanh sống tự tin hơn, sống không sợ sệt, đó là ban sự vô uý.

Trên thực tế, khi chưa hiểu sâu xa giáo pháp của Ngài, nhiều người cho rằng kinh dạy là thế, nhưng dễ mấy ai thấy và hưởng được sự nhiệm mầu của Đức Quan Thế Âm cứu giúp! Chỉ là niềm tin, mà từ niềm tin đến hiện thực bao giờ cũng có khoảng cách rất xa. Rất đúng! Tuy nhiên trên thực tế ta vẫn thấy hiện hữu các điều nhiệm mầu xảy ra, nơi này nơi kia vẫn có người đang làm nhiệm vụ “cứu khổ”, thông qua các gương điển hình “Người tốt, việc tốt”. Vậy thì họ có phải là vị Bồ Tát tái sinh cứu đời không? Với cái nhìn thực tế, chúng tôi cho rằng, những “Người tốt việc tốt”, họ cũng là người bình thường như chúng ta nhưng họ làm được những điều phi thường, thậm chí có người xuất thân từ những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất hạnh, nhưng họ biết vươn lên, biết sống giúp đời, như vậy đích thị họ là hoá thân của Bồ Tát rồi chứ gì? Vậy thì ta phải cảm phục và tri ơn họ biết dường nào. Thế thì tại sao chúng ta không lấy đó làm gương để học tập, để vun bồi thiện nghiệp trong ta?

Có lần đi tham gia chuyến công tác từ thiện, nghệ sĩ Kim Cương đã nói: “Thấy một bà mẹ, ôm 4 đứa con bại não để nuôi nấng, thương yêu và chăm sóc chúng, cô muốn quỳ xuống lạy bà…vì sự cảm phục! Bởi theo nghệ sĩ Kim Cương, bà là một vị Bồ Tát hóa thân làm một người mẹ?” Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những kẻ hung ác, vì lòng tham, sân, si, họ tạo ra cái ác, thông thường chúng ta phẫn nộ, chúng ta lên án họ, nhưng nếu bình tâm suy nghĩ lại, ta nên hiểu và thương cho họ vì sự thiếu hiểu biết, vì sự “vô tri”, mà họ đánh mất lương tâm! Rồi họ sẽ bị luật pháp trừng trị và trong sâu thẳm tâm hồn, lúc nào đó, lương tri họ cũng phải lên tiếng, đó là cái quả mà do hành vi ác nghiệp mà họ đã gây ra, điều này ông bà ta thường nói: “Ác giả ác báo”. Ta cũng lấy đó làm gương để tự răn dạy mình và giáo dục con cái, người thân của mình để từ đó chúng ta đừng tạo ác nghiệp cho mình và nhân loại.

Xã hội càng văn minh, càng tiến bộ thì “nghiệp ác” và “ nghiệp thiện” trong chúng ta lại càng có cơ hội hành nghiệp dễ dàng hơn, mau chóng hơn, hiệu quả và hệ quả ghê gớm hơn!

Gần đây trong xã hội ta, hiện tượng bạo hành trẻ em diễn ra khá nhiều, nạn nhân thường là những em thiếu niên, con nhà nghèo, đi ở thuê cho chủ, hay con nuôi, con riêng, con ngoài giá thú… có những vụ việc tạo nên sự phẫn nộ trong dư luận cả nước, chẳng hạn như trường hợp cháu Anh Hào ở Cà Mau. Ba mẹ ly hôn, mẹ đi lấy chồng khác, năm lên 9, 10 tuổi em phải đi ở đợ làm công cho trại nuôi tôm giống để lấy 800.000 đồng/ tháng cho mẹ. Hơn 2 năm em bị chủ hành hạ bằng nhiều nhục hình, nào là lấy búa đánh vào khớp chân tay, lấy kiềm bẻ một lúc 5 cái răng, trên lưng và thân thể thì bị tạt nước sôi, có lúc còn bị trói tay chân đem phơi nắng hay bị đạp xuống sông, trên người đầy thương tích, rồi còn bị bỏ đói, ngủ cạnh nhà vệ sinh, không mùng chiếu… Kết quả giám định là cháu bị thương tật trên 65%. Cuối cùng vợ chồng Giang – Thơm (chủ trại tôm) bị kết án tù chung thân. Như vậy chúng ta thấy cái ác nó bắt nguồn từ sự sân hận, mà em Hào Anh phải bị hành hạ dã man qua nhiều năm tháng. Cái ác không có ranh giới và mức độ, bởi nó là “lửa sân” khi bùng cháy thì người ta chỉ muốn kẻ đối diện phải oằn oại đau thương! Trong sự việc này, chúng ta thấy em Hào Anh chưa có cái may mắn được mẹ mình che chở bảo bọc, thậm chí em còn bị xem là công cụ kiếm tiền cho gia đình. Với luật pháp và lương tâm thì không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên trong xã hội vẫn có những gương hiếu hạnh, cao thượng đáng cho chúng ta khâm phục, như câu chuyện cô H.T. N, cô L.T. Cô Đơn, tuy chưa làm mẹ, nhưng lại có tấm lòng bao la của bà mẹ đã cứu vớt bao nhiêu mảnh đời bất hạnh. Với cô H.T.N do bị thất lạc cha mẹ, từ năm lên 10 tuổi, sau đó cô phải sống lay lất, xin ăn ở bến tàu, bến xe, đến năm 15, 16 tuổi cô phải bị sa chân vào nhà chứa, cuộc đời cô trôi nổi đọa đày suốt 13 năm liền. Khi vừa thoát thân, cô tìm cách mưu sinh bằng cách đi bán thuốc lá dạo, ấy thế mà dám nhặt một bé gái sơ sinh ở bến xe Miền Đông về nuôi. Ngày ngày cô phải dậy sớm đi phụ bán cà phê quán cóc vỉa hè để vét sữa cặn trong lon sữa bò về cho bé bú… Rồi một hôm, may nhờ một vị mạnh thường quân tặng cô 20 cây vàng để làm vốn làm ăn. Nếu là kẻ ích kỷ, khi có món tiền lớn ấy họ sẽ thu vén cho mình hay ăn chơi thoả chí, nhưng với cô, cô lại dùng tiền ấy mà tổ chức lại cuộc sống cho các em nhỏ cơ nhỡ khác (hơn 10 em tháp tùng theo cô). Cái cảnh đi mướn nhà người ta không cho, vì nói cái băng nhóm này “hổ lốn” quá, chứa nó trong nhà không yên, thật tội nghiệp. Sau đó, buộc lòng cô phải đi mua một căn nhà nhỏ làm chỗ tá túc, được 2 ngày thì có người đến thương lượng mua giá gấp đôi, cô đồng ý bán và từ ấy nảy sinh ý định kinh doanh địa ốc, thế là vàng lại đẻ ra vàng… Giai đoạn này thì cơn bỉ cực đã qua, nhưng với cô thì vàng không làm cô tối mắt để hưởng thụ. Cô tìm cách mua đất lớn hơn, làm nhà rộng rãi hơn, thoáng mát hơn và từng ngày từng ngày cô thu nhận các em nhỏ bất hạnh về nuôi, dạy các em học nghề, học chữ… Ngày nay ở Sài Gòn này mà nói đến cô giám đốc trẻ Mái ấm Quê Hương, có lẽ những nhà từ thiện hảo tâm ai mà không ngưỡng phục. Chưa hết, sự hy sinh của cô còn cao cả hơn nữa, đáng cảm phục hơn, vì có một người nước ngoài mến phục cô, ngỏ ý muốn xây dựng gia đình, nhưng cô từ chối vì không muốn xa quê hương, xa các em nhỏ bất hạnh. Câu chuyện ấy nghe qua như huyền thoại, nhưng là câu chuyện có thật giữa đời thường. Thiết nghĩ chúng ta khó có ai làm nổi vì chúng ta chưa có nổi cái tâm Bồ Tát như cô.

Cũng như cô L.T. Cô Đơn, cách đây hơn 5 năm về trước, báo Tuổi Trẻ đã từng nói về cô “Một gánh ve chai nuôi 32 cuộc đời”. Cô là một nữ tu sĩ nhà dòng theo hạnh dấn thân, cô đã ra công viên, bến xe nhặt ve chai và nhặt cả những cuộc đời bất hạnh về nuôi. Đa số các em bị cha mẹ bỏ rơi do bị dị tật bẩm sinh, như đau tim nặng, như bị bại liệt, nhưng cô nhẫn nại… Ngày ngày mặc bộ đồ công nhân cũ kỹ, đạp chiếc xe ba gác cọc cạch, cô đi nhặt ve chai, bán phế liệu, kiếm tiền mua gạo cho các em, còn thức ăn thì ra chợ Cầu Muối xin bạn hàng vào buổi chợ trưa. Ấy vậy mà cô nuôi được 32 em nhỏ, cô cho các em đi học, cô dạy các em biết lễ phép, biết yêu thương nhau, và biết đặt niềm tin nơi Chúa để nuôi dưỡng tâm bác ái, yêu thương đồng loại, nhất là các bạn cùng cảnh ngộ… Vậy cô có phải là một vị đang thực hiện hạnh Bồ Tát giữa trần gian, đã thay mặt các vị Bồ Tát để cứu vớt những mảnh đời bất hạnh chăng?

Cái tâm Bồ Tát của con người không dừng lại ở những người lành lặn, mà ngay cả những người khuyết tật, họ cũng có những nghị lực và tấm lòng cao cả không kém. Ví như Cô Ba ấp Củ Chi là danh hiệu của một cô gái bị dị tật bẩm sinh, bị bệnh xương thuỷ tinh, chiều cao độ 60cm. Chiếc xe lăn thay cho những bước chân, ấy thế mà cô lại là một cô giáo trường làng miễn phí cho học sinh nghèo cấp I. Ban đầu cô xin mẹ mua cho mình quyển sách học vần lớp một, nhờ mẹ dạy, sau đó mẹ hết chữ, cô phải tự học hết cấp một. Và với 24 tuổi đời cô đã có 10 năm thâm niên làm cô giáo trường làng. Ngoài dạy chữ, cô còn tập cho các em biết tiết kiệm, tương trợ nhau. Hiện nay cô đang thành lập thư viện miễn phí cho các em ở xã. Cô từng nói: “Cho dù tôi chỉ còn sống một ngày, thì đó sẽ là một ngày trọn vẹn để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình – đứng lớp dạy những đứa trẻ hàng xóm, duy trì thư viện miễn phí cho trẻ em nghèo” (Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 14-6-2010). Tuy công việc của cô không lớn lao về thành tích, nhưng tấm lòng của cô thật lớn lao, bởi cô có cái tâm và tầm nhìn hơn nhiều người, cô biết mình bất hạnh về thân xác, nhưng cô lại biết đem đến hạnh phúc tinh thần cho các em nhỏ, cho nhiều gia đình nghèo khổ khác.

Tâm Bồ Tát của người mẹ còn thể hiện ở sự hy sinh hạnh phúc bản thân mình để nuôi con, đem hạnh phúc cho con, mặc dầu đôi lúc hết sức mong manh… như câu chuyện báo Tuổi Trẻ vừa nêu, đó là câu chuyện của “Hai mẹ con bé Đầu Bự”, ở vùng quê nghèo khổ (Quảng Ngãi). Đó là cô Cao Thị Tiếp 28 tuổi, vừa sinh đứa con đầu lòng bị dị tật úng thuỷ não (tuổi thọ người bệnh không cao), bị gia đình chồng làm áp lực phải “bỏ đi”. Nhưng cô cương quyết từ chối, cuối cùng cô chấp nhận bỏ vào Sài Gòn, ở nhà thuê và đi bán vé số nuôi con. Cô tổ chức sinh hoạt cho 2 mẹ con rất khéo, lúc nào hai mẹ con cũng nhìn nhau âu yếm và đều có nụ cười. Cô từng nói: “Với người khác thì Bé là thứ bỏ đi, nhưng với tôi đó là ý nghĩa và niềm hạnh phúc giúp tôi sống mỗi ngày…(bài đăng trên báo Tuổi Trẻ tháng 5/2010).

Thông qua những câu chuyện đời thường, nhưng hết sức phi thường nêu trên, chúng ta suy nghĩ và nhận thức được gì? Có phải trong cảnh trần gian khổ ải này, như Đức Phật đã nhận xét “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển Đông”, thì đã có những người tốt, họ xả thân giúp đời một cách “vô ngã”. Vậy họ đích thực là hiện thân của Bồ Tát Quán Âm, Ngài đã “Tầm thinh cứu khổ” rồi còn gì nữa.

Họ đã hóa thân ra làm nhiều hạng người trong xã hội, nhất là ở những tầng lớp người nghèo khổ bệnh tật, để cảnh tỉnh chúng sanh, để cảm hoá cho chúng sanh từ bỏ ác nghiệp, nỗ lực thực hành thiện nghiệp. Vậy sao chúng ta không lấy đó làm gương để mà giáo dục con cái, giáo dục chính bản thân mình, để không ngừng bắt chước làm thêm những hành vi thiện nghiệp nhằm chung tay cùng với các vị Bồ Tát tái sinh ấy để giúp đời và cứu khổ nhân sinh.