Tết quê hương trên miền đất khách

tet“Năm hết Tết đến”! Câu nói vốn quen thuộc và gần như trở thành câu cửa miệng của người Việt Nam mỗi khi đông qua, xuân về, cả đất nước tưng bừng đón chào năm mới. Thế nhưng, với những người con xa quê, nơi đất khách quê người trên khắp mọi miền năm châu bốn bể, những con người đã và đang mãi miết kiếm tìm cơ hội và hy vọng vào một cuộc sống tương lai rạng rỡ, lại chính là những người con tha thiết nhất, và mong mỏi nhất được tìm lại chút âm vang Tết truyền thống ở nơi phương xa, xứ lạ. Phải chăng, chính những cảm xúc và nỗi nhớ dạt dào này nơi phương xa đã góp phần tạo nên không khí Tết thật nhiều màu sắc trên miền đất Australia này.

Là sinh viên xa nhà, dù bận rộn việc học hành và đôi lúc còn công việc làm thêm, nhưng các bạn sinh viên hiện đang học tập tại thành phố Melbourne ở nước Úc, đất nước của những chú chuột túi ngộ nghĩnh và đáng yêu, vẫn không quên đi hương vị ngày Tết khi cùng nhau chào đón Tết quê hương trong không khí đầm ấm, nhẹ nhàng của những ngày đầu xuân. Một bữa ăn đơn giản, những câu chuyện Tết rôm rả gợi nhớ bao yêu thương về ngày Tết quê nhà. Niềm mong nhớ không chỉ dừng ở một buổi hội ngộ, những lời chúc chan chứa cảm xúc, các bạn sinh viên đã cùng nhau đi chùa đầu năm với ước muốn cho một năm nhiều thành công và sức khỏe.

Thật bất ngờ rằng ở nơi phương xa xứ lạ này, chùa của người Việt vẫn tồn tại, đã từ rất lâu và vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc – một dân tộc có bề dày lịch sử với nền văn hóa đặc sắc lâu đời. Và ở bất kỳ nơi đâu, cách xa quê mẹ vạn dặm đi nữa, vẫn được những người con hướng về, ghi sâu trong tâm thức của mình, để rồi hình thành nên những ngôi chùa nguyên bản sắc Việt Nam.

Chùa Quang Minh không quá to và đồ sộ, có lẽ còn do điều kiện khí hậu và cuộc sống nơi đây; ấn tượng trong tôi là một ngôi chùa nhỏ, vừa và gọn gàng, nằm chênh vênh trên sườn núi Sunshine tĩnh lặng, nơi không gian thung lũng trải dài trước mắt với nét mờ ảo của sương sớm. Tuy nhỏ bé nhưng chùa vẫn có đầy đủ các điện thờ. Điện thờ Phật Tổ trang nghiêm được đặt giữa gian chính, bức tượng Phật to cao và sừng sững khiến tôi không khỏi ngạc nhiên về sự sùng bái và tôn thờ của người Việt nơi đây với tôn giáo được xem là lớn nhất của Việt Nam, là cội nguồn của sự sống bình yên. Chùa cũng còn có không gian thờ riêng với Phật Quan Âm, cùng hai vị Thiện, Ác nơi lối ra vào và các vị Phật khác. Phía sau điện thờ là khoảnh sân nhỏ, các Phật tử thường nghỉ ngơi sau khi đi lễ. Một căn-tin gọn gàng có đầy đủ các món chay phục vụ khách hành hương từ khắp mọi miền quy tụ về đây. Trong tiếng mõ, tiếng đọc kinh đều đều của quý Thầy xen lẫn tiếng chuông trầm ấm ngân vang dọc triền đồi, không gian như thanh bình hơn, yên ả hơn. Chút dư vị từ các món ăn quen thuộc hàng ngày của người Việt càng gợi bao hình ảnh về ngày lễ chùa đầu năm nơi quê nhà.

Một ngày đầu xuân, sương mờ của buổi ban mai còn chưa tan hết, ánh vàng dịu nhẹ lấp ló trên những lùm cây phủ khắp thung lũng huyền ảo, không khí trong chùa đã tấp nập nhộn nhịp với Phật tử từ khắp nơi đổ về. Trên con đường nhỏ trải đầy màu hồng của xác pháo đón chào năm mới, những gia đình đầm ấm với các bé gái xinh tươi trong bộ áo dài truyền thống nhỏ nhắn đầy sắc màu đáng yêu, càng gợi sự nôn nao trong tôi về không khí đầu xuân nơi quê nhà. Quanh tôi không chỉ rất nhiều gia đình mà còn có cả các đôi nam thanh nữ tú trẻ trung, những cặp vợ chồng mới cưới tay trong tay cùng nhau đi lễ chùa. Ngôi chùa nhỏ như nơi hò hẹn của những người con xa tổ quốc để “đến đây sum họp vui cười”. Không gian mới tràn ngập sự yên bình và hạnh phúc làm sao! Có lẽ mỗi người, mỗi gia đình đi chùa đều mang trong mình điều nguyện cầu, những ước mong bé nhỏ, đứng trước tượng Phật từ bi xin Người chứng giám lòng thành, mang lại cho mình bình an, hạnh phúc và ấm no, cuộc sống thanh bình! Đôi vợ chồng trẻ cầu mong an lành trong cuộc sống mới mặn nồng vừa bắt đầu, những gia đình với niềm hy vọng vào một năm mới gặp nhiều may mắn và hạnh phúc, v.v… Chúng tôi, những sinh viên xa nhà, có lẽ chỉ có một mong ước nhỏ nhoi, là sớm đến ngày hoàn thành ước mơ trên con đường học vấn để trở về với kiến thức học được bên mái nhà ấm áp tình thân yêu gia đình, phụng dưỡng và chăm lo cha mẹ để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục; xây dựng quê hương đất nước - nơi đã cưu mang nuôi nấng mình. Đây cũng là điều chúng tôi được học từ ngày đầu tiên bước chân đến cửa Phật, điều đã giúp chúng tôi nên người như hôm nay để có một ngày được đến, được cảm nhận thật chân thành cảm xúc đó, cảm xúc ở nơi xứ xa mong ngóng ngày trở về quê hương tại ngôi chùa này.

Không khí mùa xuân mát mẻ hòa quyện cùng mùi trầm thơm dịu tỏa ra từ những bó hương tạo khói nghi ngút đã góp phần vẽ nên một không gian thấm đượm bản sắc quê hương như thế ở miền đất Australia xa xôi này.

Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại bùi ngùi nhớ câu ca dao truyền miệng: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Xuân năm nay, trên miền đất khách này, tôi vẫn không khỏi xúc động với niềm thương nhớ về miền đất Tổ thiêng liêng, về cội nguồn của con người Việt Nam. Đứng trên triền dốc, ánh mắt trải dài trước không gian mênh mông vô tận, hướng về quê cha đất tổ, cảm giác sự cay cay nơi khóe mắt, không rõ vì khói hương hay vì cảm xúc dâng trào. Xin cầu chúc cha mẹ và quê hương thân yêu một năm mới ngập tràn hạnh phúc, bình an và may mắn. Năm mới đã bắt đầu, cùng những người con xa quê khác, xin chúc mừng!