Thành kính tưởng niệm tri ân cố Hòa thượng

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng Mười phương Ba đời

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni hiện toạ đạo tràng,

Kính bạch Giác linh Cố Hoà thượng - Bậc Thầy hiền của chúng con.

Mấy mươi năm tu học trong ngôi nhà Khất sĩ Giáo đoàn III, biết bao lần được diện kiến, hầu chuyện và lắng nghe Hoà thượng chỉ dạy, chúng con thương kính biết ngần nào nhưng chưa một lần diễn bày niềm thương kính ấy bằng lời nói. Giờ đây trước linh ảnh và nhục thân của Ngài, trong giờ phút trang nghiêm thiêng liêng này, xin chư Tôn đức và giác linh bậc Ân sư chứng giám cho lòng thành của chúng con một lần sau cùng trong kiếp này được bộc bạch đôi lời.

Kính bạch Hoà thượng,

Sau những ngày tháng chịu đựng bệnh duyên, cuối cùng Ngài cũng bỏ chúng con mà đi. Hàng phàm phu hữu học như chúng con làm sao không bùi ngùi khi chuỗi ngày còn lại trong đời này phải xa bậc Thầy khả kính mãi mãi.

Bạch Hoà thượng, cảnh tượng đang diễn ra nơi đây, lúc này, phải chăng là cái cảnh mà 47 năm trước Người khóc Đức Thầy rời xa Người và tứ chúng, Ngài viết:

“Mai đây Thầy trở về góc bể,

Con phương trời sao Thầy nỡ cho đành.

Con cố gào, cố thét tận trời xanh,

Nhưng thực tế… vẫn diễn bày ra đó.

…Chia ly sao quá đoạn trường,

Thầy ơi, lệ đổ theo đường Thầy đi.”

Giờ này, tại nơi Tịnh xá Ngọc Duyên này, trời đất Đập Đá u sầu, tứ chúng cũng nghẹn lời khóc Ngài như thế.

Bạch Hoà thượng,

Thế là, 69 năm hành trình trong nhân gian này, nay thực sự Ngài dừng bước.

44 hạ tinh chuyên tu tập, cống hiến trí tuệ và công sức cho mạng mạch Phật pháp, lợi ích quần sinh tạm gác lại nơi đây.

Từ nay cuộc rong chơi của một văn nhân thi sĩ tài hoa khép lại.

Nhưng thưa Ngài, âm hướng, phước đức, trí tuệ của Ngài từ thuở chưa bước chân vào đạo, cho đến lúc phủi mái tóc luỵ phiền, thực hành đại nguyện xuất trần thượng sĩ và mãi cho đến những ngày tháng cuối đời, Ngài đã để lại muôn vàn bài học cho nhân thế. Đó là những bài học từ thân hành, từ pháp âm sư tử hống, từ ý niệm từ bi, tuỳ hỷ của Ngài.

Bài học đầu tiên Ngài gởi lại chúng con đó là tấm lòng hiếu thảo, thương kính mẹ hiền. Chưa một lần Ngài làm phật ý mẹ; Ngài lựa chọn đúng và đi trọn con đường tu tập, làm rạng rỡ gia phong - đạo pháp, tròn công đức tu tập, hoằng dương chánh pháp dìu dắt hàng ngàn chúng sinh nhân và phi nhân, hồi hướng cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ.

Nói về lòng hiếu thảo, Ngài thương mẹ xiết bao. Năm tuổi Ngài không còn cha, bao tình thương dồn về phía mẹ. Thế rồi 18 năm sau, buổi chiều mùa lá đổ, 26 tháng 9 năm 1972, thân mẫu cũng không từ mà biệt, vĩnh viễn ra đi, Ngài than:

Mẹ ơi, tình mẹ tuyệt vời,

Nguồn từ chưa cạn vội thời mẹ đi.

Đau lòng trước cảnh chia ly,

Trời ơi, mẹ đã một đi không về…

…Mẹ ơi, sao vội lìa đàng,

Để lòng con trẻ muôn ngàn nhớ thương.

Và rồi từ đó, thu lại thu, Ngài vẫn bùi ngùi:

… Than ôi, kiếp sống vô thường,

Biết tìm đâu nữa “bóng thương” ngày nào?

Hồn thiêng Mẹ trải ngàn sao,

Tiếng than con trẻ lạc vào cõi không.

… Từ đây quảy gánh đoạn trường,

Cắn răng mà bước lên đường thương đau.

Thỉnh thoảng, khi nghe giảng pháp, chúng con nghe Ngài ngâm những câu thơ này mà nào có thấu được lòng thương kính mẹ và tự trách chưa làm tròn bổn phận làm con của Ngài. Ai bảo, người cắt ái ly gia, xuất gia cầu đạo giải thoát không còn rung động trước sự sinh ly tử biệt. Đấy là lòng từ ái trước nỗi khổ chung của kiếp người, thao thức vì cơn vô thường ràng buộc mãi vạn loại hữu tình vô tình trong vòng dây ly tan, tự thân ý thức thấy chưa tròn chữ hiếu, và cũng vì niệm tri ân hiếu nghĩa trong đời này.

Lại cũng tình cảm thiêng liêng trong đời, đối với tình huynh đệ đồng học đồng tu, Ngài trân quý, anh em như thể tay chân. Những năm sau 1975, thấy cảnh huynh đệ lần lượt để lại y bát trở bước về đường hoang cũ, Ngài ngậm ngùi:

Ai đã gây nên cảnh phủ phàng,

Cho đời tu sĩ phải vương mang,

Ai đem ngọc báu hoà chung sạn,

Ngăn bước đường đi đến Niết-bàn.

Ai xui chim quý bỏ địa đàng,

Rơi vào trần thế lắm hoang mang,

Ai xui quỷ dữ ngăn đường lối,

Thôi thế thì thôi, nát ngọc vàng…

Ngài thương vì tình huynh đệ tuy vẫn vậy nhưng từ nay không còn thấy sư huynh mỗi ngày cùng tu tập, cùng làm việc, cùng một nhịp bước trên con đường khất thực hoá duyên, cùng nhau đàm đạo đêm trăng sáng… Ngài tiếc vì đây là Thánh đạo duy nhất đưa đến bình an vĩnh cửu, nhưng huynh đệ của mình đã thật sự giã từ để đi lại thế đạo những tưởng thuận dòng ấy. Một con chim sổ lồng mà không thấy không gian tự do, tự tại, lại bay trở vào, tự nhốt mình trong lồng son cũ kỹ. Càng thương, càng tiếc, Ngài càng lập chí kiên nhẫn gấp bội bước tiếp con đường huynh đệ dang dở, chuyên tâm nghiên cứu giáo lý, thực tập ngay pháp vừa học, thể nghiệm và rồi chỉ dạy cho chúng đệ tử Tăng Ni Phật tử. Sức nhớ kinh luật, sự uyên bác khi hiển bày lý pháp, năng lực văn chương mỹ lệ của Ngài, khiến người nể phục. Song, Ngài vẫn hết sức giản dị, hoà ái, khiêm cung. Được gần Ngài, ai ai cũng cảm thấy ấm áp, cung kính mà trìu mến. 

Kính bạch Hoà thượng,

Tĩnh lặng chiêm ngưỡng nhục thân Ngài đang nằm an nhiên tự tại kia, con cảm thấy chúng con vẫn còn nhiều an ủi, bởi Ngài đã để lại cho hậu bối chúng con tấm gương sáng. Bài pháp không lời từ thân hành, từ nghĩ tưởng hoạch định của Ngài đã làm cho chúng con và chúng sinh ngưỡng kính và nguyện noi theo như vậy. Trên dưới 30 năm cưu mang bệnh nghiệp như một người bạn khó tính của thân, Ngài vẫn điềm nhiên chưa một lời não phiền, đau mệt, khó chịu. Trong đời sống sinh hoạt của thân, Ngài lập một thời gian biểu chuẩn mực, giờ nào việc nấy, để Ngài có thể tu tập, làm việc và sống với bệnh một cách hợp lý, bình yên nhất. Mỗi lần đi đâu, tuy chỉ vài ngày song có cả một thùng thuốc song hành cùng. Đến giờ, Ngài xem đồng hồ rồi nhắc Sư thị giả: “Đến giờ uống thuốc con à!” Đời sống của Ngài giản dị lắm, tam y nhất bát có chăng thêm là thêm thùng thuốc này. Có lần Ngài cười nói vui: “Sư đeo cái đồng hồ điện tử này không phải để làm đẹp đâu mà là để canh giờ uống thuốc và làm việc thôi!” Chúng con thương Ngài quá, chỉ thầm cầu nguyện trời Phật gia hộ Ngài bớt bệnh hoạn, sống lâu với chúng con và chúng sanh. Chỉ chừng đó thôi, chúng con học cả đời cũng khó hành nổi đức tính nhẫn chịu bệnh duyên, sự điều độ, tâm hoan hỷ, tuỳ thuận và hết sức tinh tấn của Ngài.

Chúng con rất diễm phúc, trú xứ không xa Ngọc Duyên lắm nên mỗi khi có sự kiện như các khoá tu tập, An cư kiết hạ, Lễ Phật Đản – Vu Lan …, chúng con luôn được Ngài quan tâm hoan hỷ đến chứng minh, dạy bảo. Chư Ni và Phật tử Ngọc Trung, Ngọc Túc, Ngọc An sung sướng nói sao vừa khi bóng dáng Ngài lưu lại nơi tịnh xá. Không những thế, ngoài kia cả không gian thiên nhiên, hoa cỏ, cũng vui theo lời pháp thâm trầm rỗng rang vang vọng. Nhưng từ nay trở đi tất cả sẽ không tìm thấy nữa.

Lại nữa, tấm lòng thương người như thể thương thân, Ngài khuyến khích chư Tăng và Phật tử thường xuyên nấu cháo, cơm chay mang đến bệnh viện cho người bệnh và người nuôi bệnh. Nơi nào cần giúp đỡ, ít nhiều Ngài đều đến chia sẻ. Những ngày cuối ở bệnh viện, nhằm lúc cuối năm, chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh khổ sở nơi đây, Ngài bảo chư Tăng cố gắng giúp đỡ, tội nghiệp họ. Ôi, lòng từ mẫn của Ngài cũng khó dùng lời diễn bày cho trọn.

Hơn hết là sự tinh tấn nơi Ngài chưa lúc nào lui sụt. Thuở bước vào đạo giữa lúc tuổi thanh niên, nhờ tinh tấn mà ngài vượt qua được những khó khăn thử thách, phiền não. Khi tịnh xá trùng tu hoàn tất, Ngài liền chỉ dạy chư Tăng tổ chức các thời tu tập. Pháp tu mà Ngài đặt trọn niềm tin là niệm Phật Di-đà, quán tưởng Phật tướng và công hạnh của Ngài, để tâm an trụ không còn bất kỳ vọng niệm nào nữa. Với pháp môn này, Ngài tinh tấn vừa tu vừa dìu dắt người. Dù thân bệnh khổ, thử thách đủ điều, Ngài vẫn mỉm cười tự nhắc nhở mình hãy sống cùng với bệnh tật, một thành viên trên tấm thân tứ đại không thật này và chuyên cần tu niệm hơn. Để rồi một ngày, tâm Ngài bừng tĩnh, nhận chân hết diện mạo của cái ta kia, Ngài viết:

 Kể từ vô thỉ xa xăm,

Đến nay mới được âm thầm nhận ra.

Tử sanh, sanh tử gọi là,

Niết-bàn tự tánh tỉnh ra một nhà.

Bây giờ Phật đã là ta,

Cái ta của đức Thích-ca ngày nào.

Hoà thượng liễu tri nguyên lý vô thường, tự tại trước sanh tử, nên thời gian từ bỏ báo thân đến gần; Ngài chuẩn bị một hành trình mới cho mình, sắp xếp mọi việc, dặn dò tứ chúng, và tin rằng:

Tây phương đã chọn con đường,

Quyết lòng thoát khỏi đoạn trường trầm kha.

Hàng ngày niệm chữ Di-đà,

Với nhân duyên ấy, ái hà viễn ly.

Đức Di-đà Đại Từ Bi,

Độ con thoát khỏi tham si kiếp này

Chữ Duyên đã trọn từ đây,

Cảnh lành Tịnh Độ mong ngày vãng sanh.

Kính bạch Hoà thượng,

Từng gốc cây chiếc lá Ngọc Duyên còn vương vấn bóng y thiền hành của Người,

Lối mòn gạch cũ thì thầm nhớ bước chân Người qua,

Sân trước vườn sau sẽ thế nào khi Người mỗi lúc mỗi xa,

Tiếng chuông khuya nay nghe lạnh lùng tha thiết.

Ngày mai đây, cổng tam quan ngập ngừng mở ra cúi đầu tiễn kim quan Hoà thượng một lần sau cuối. Những bước chân trần của chư Tôn đức Tăng Ni đã mạnh dạn dường nào bước trên khắp các nẻo đường Đông Tây Nam Bắc hoằng hoá nhân sinh nay lại nặng nề, ngại ngùng, xót xa đưa tiễn kim quan người huynh đệ về nơi gió cát.

Duyên thế trần đã mãn,

Phút ly biệt thiêng liêng,

Bao người ngấn lệ tiễn giác linh,

Song chúng con tin chắc:

 Thân tứ đại trả về cát bụi,

Pháp thân nay về cõi Tây phương,

Nhưng sẽ không lâu Người trở lại,

Ta-bà mãi ấm suối tình thương.

Ngưỡng bạch giác linh cố Hoà thượng chứng giám.

 Kính lễ

Con, Liên Hoà (NT)