Thao thức về văn hóa PGVN

Ngay 26 5 2016 5a

Xuất phát từ việc bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự GHPGVN có công văn giao cho Ban Văn hóa Trung ương nhiệm vụ này qua các nhiệm kỳ trước kéo dài đến nay. Trong khi thực hiệm nhiệm vụ này, Ban Văn hóa nhận thấy nếu Tăng Ni không có ý thức bảo tồn thì văn hóa Phật giáo sẽ bị xê dịch, nếu không muốn nói là mất đi bản chất đẹp của nó.

Đặc trưng của văn hóa Phật giáo là nét đẹp vượt mọi không gian và thời gian, trong đó tính chất hòa điệu cùng văn hóa bản xứ là một điểm nhấn chủ đạo. Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ nhưng khi truyền bá qua các nước khác lại chuyển mình thành nét đặc trưng riêng của quốc gia đó. Ngày nay, khi Phật giáo các nước có cơ hội giao lưu, gặp gỡ nhau trong các đại lễ hay hội thảo khoa học thì chúng ta sẽ bắt gặp được các nét đặc trưng này. Ngoài tiếng nói là một đặc trưng cơ bản nhất, thì nhìn pháp phục ta có thể nhận biết đó là tu sĩ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Tạng… Bởi họ đã chuẩn hóa được pháp phục, tư tưởng và đường lối tu hành. Đây là một điều mà Phật giáo Việt Nam còn bất cập.

Việt Nam là một đất nước tiếp thu văn hóa rất đa dạng. Trong đó, Phật giáo tại Việt Nam cũng không tránh khỏi. Hiện nay, các dòng truyền bá lớn của Bắc truyền, Nam truyền và dòng Kim Cang thừa đang có mặt tại nước ta. Sự giao hòa đó cho ra đời Hệ phái Khất Sĩ như một thành viên đồng đẳng của Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi Hệ phái đều có bản sắc riêng trên nhiều phương diện như pháp phục, lễ phục, nghi thức, ngôn ngữ… Nếu nói có một tiêu chuẩn nào chung nhất cho văn hóa Phật giáo Việt Nam để không lẫn lộn với Phật giáo các nước trên thế giới thì vẫn còn một lỗ hổng lớn.

Sở dĩ như vậy, là do lịch sự du nhập và phát triển của đạo Phật tại nước ta chịu nhiều phân hóa đa dạng. Hai thế kỷ trước Công nguyên, Phật giáo theo con đường biển vào nước ta và phát triển thịnh hành. Nhưng đến thời Bắc thuộc 1000 năm Phật giáo chịu sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nhà sư từ Trung Quốc sang truyền đạo. Về thời cận đại, Phật giáo các nước Nam truyền và Kim Cang thừa thừa Tây Tạng cũng bắt đầu truyền giáo. Do bộ phận Tăng sĩ và tín đồ quy hướng theo các dòng truyền thừa quá đa dạng nên muốn chuẩn hóa một nét văn hóa đặc trưng chung của Phật giáo Việt Nam là chuyện vô cùng khó khăn.

Một vấn đề nan giải khác đã xuất hiện từ lâu và dần dần lan rộng trong Phật giáo đó là việc tu sĩ làm công việc của hàng cư sĩ. Như lời Phật dạy: chúng xuất gia có nhiệm vụ truyền trì chánh pháp, chúng tại gia có nhiệm vụ hộ trì chánh pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tu sĩ tham gia làm kinh tế qua các việc tổ chức hành hương, du lịch tâm linh, tổ chức các sự kiện nhân các mùa lễ lớn… để tạo điều kiện kinh tế diễn ra trong hầu hết các tông phái. Việc làm man tính tự phát và thiếu đồng bộ, cũng như tự chế định các hình thức lễ nghi cúng kiến biệt lập nhau làm cho bản sắc văn hóa Phật giáo ngày càng chia rẽ. Điều quan trọng ở đây là người tu sĩ cần phải nhớ đúng trách nhiệm của mình là truyền trì chánh pháp, đừng vì lợi dưỡng mà lãng quên trách nhiệm này để rồi biến chất đi, làm cho văn hóa Phật giáo bị ảnh hưởng theo.

Di huấn của Tổ sư các phái luôn luôn chỉ dạy hàng hậu học phải biết kế thừa tông môn bổn phái. Tông môn ấy chính là văn hóa Phật giáo vậy. Trong nét tu tập và hành đạo ngay từ khi lập giáo được các vị Tổ sư xác chứng mẫu mực trong các bản kinh văn, các lời di huấn và trong đời sống phạm hạnh của các Ngài. Là một tu sĩ chân truyền dù là truyền thống nào di chăng nữa, người tu sĩ phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy giá trị thiêng liêng của bổn phái mình. Nếu mỗi cá nhân đều ý thức được như vậy, chắc chắn rằng nền văn hóa Phật giáo Việt Nam sẽ được trường tồn.

Ngay 26 5 2016 6a

Trong các hệ phái đang có mặt tại Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ có nét đặc trưng riêng mang tính chất dân tộc nhất. Trong nét kiến trúc, Hệ phái Khất sĩ có mái chùa Bát giác tượng trưng cho Bát Chánh đạo – là con đường đưa đến giải thoát. Bên trong chánh điện chỉ thờ một bảo tượng Phật Thích Ca trên nền ba tầng tượng trưng cho Giới Định Tuệ. Đây là một ý nghĩa rất lớn: muốn tu hành chứng thành Phật quả, phải lấy giới luật làm nền tảng, từ giới phát triển định, từ định phát sanh tuệ giải thoát thành Phật. Bốn trụ cột chính tượng trưng cho tứ chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Hay ngọn tháp 13 tầng tượng trưng cho lộ trình tiến hóa từ cõi phàm phu lên Phật quả. Còn rất nhiều nét đặc trưng mà càng tìm hiểu lại càng thấy kính quý và nể trọng trí tuệ siêu phàm của đức tổ sư Minh Đăng Quang đã lập nên Hệ phái Phật giáo thuần Việt. Điểm nhấn quan trọng nhất trong nét đặc trưng của Khất Sĩ chính là dùng ngôn ngữ thuần Việt để soạn dịch kinh tụng qua việc chuyển hóa thành các loại thơ. Chính phương tiện này khiến người tiếp nhận dễ hiểu, dễ thuộc, dễ hành trì nên ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong lòng dân tộc.

Nói tóm lại, văn hóa là một nét đẹp không thể thiếu trong một đất nước nhất là trong Phật giáo. Là một nhân tố lớn trong Giáo hội, bất kỳ hệ phái thành viên nào cũng phải có ý thức giữ gìn nét đặc thù của bổn phái mình. Ngày nay, đứng trước sự du nhập của nhiều dòng truyền thừa từ thế giới, chúng phải có định hướng và lập trường vững vàng trong việc tiếp nhận. Đừng vì quá hâm mộ mà đánh mất bản sắc riêng của văn hóa nước nhà. Trong việc kế thừa tông môn, cũng phái biết phát huy theo từng thời đại. Hãy xem văn hóa như một sợi chỉ kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Mỗi thời đều có nét đặc riêng tạo nên nền văn hóa đáng tự hào cho Phật giáo đất nước mà chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ muôn đời.