Thập Tụng Luật và sự cấu trúc lại bộ luật nguyên tác của Nhất Thiết Hữu Bộ

Dịch từ nguyên tác "Shih-sung-lu and the Reconstruction of the Original Sarvāstivāda Vinaya" đăng trong Tạp chí Buddhist Studies (A Research Journal of the Department of Buddhist Studies, University of Delhi, Delhi) Vol XV, March, 1991 do Giáo Sư Sanghasen Singh biên tập, trang 46 – 51).

"Thập Tụng Luật" hay còn gọi là "Bộ Luật Mười Phần" giống như Bộ luật của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda)[i] (No. 1115, p.246) như đã được Bunjiu Nanjio đề cập trong cuốn "Mục lục các dịch phẩm Trung Hoa của Tam tạng Phật Giáo" (A Catalogue of the Chinese Translation of the Buddhist Tripiṭaka". Tên của bộ luật này gợi cho ta biết nó gồm có 10 phần. Bộ luật này được Ngài Puṇyatara (Phất-Nhã-Đa-La // Công Đức Hoa) và Kumārājiiva (Cưu-ma-la-thập) dịch vào năm 404 TL, dưới thời Hậu Tấn (384-417). Nanjio cũng chỉ ra bộ luật Tây Tạng là bộ luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūla-sarvāstivāda) và giống với Thập Tụng Luật nhưng không hoàn toàn đồng nhất với Thập Tụng Luật như Csoma đã phân tích trong tạp chí Nghiên Cứu Á Châu (Asiatic Research, Vol XX, see pp. 45ff). Chúng ta sẽ thấy thông tin này được Nanjio đưa ra không đủ.

Nanjio không làm sáng tỏ được lịch sử văn học của Thập Tụng Luật ở Ấn Độ. Tôi nghĩ Thập Tụng Luật nên được xác nhận tương đương với bản luật Nhất Thiết Hữu Bộ ở Kashmir. Bản luật này cũng gồm 10 phần, được 4 vị cao tăng: Kumārājiiva, Puṇyatara, Dharmaruchi[ii] (Đạt-ma-lưu-chi) và Vimalākṣa (Ti-ma-la-xoa) dịch sang Hoa văn có liên hệ gần gũi với vùng Kashmir. Ví dụ, Ngài Kumārājiiva sinh ở Kucha[iii], cha là người Ấn và mẹ là người Kucha, Ngài không những được giáo dục ở Kế-tân (Kashmir hiện nay)[iv] mà còn ở vùng ChineseTurkestan.[v] Phần lớn Phật giáo vùng Chinese Turkestan này được phát triển là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo vùng Kashmir. Ngài Puṇyatara cộng tác với Ngài Kumārājiiva dịch bộ Thập Tụng Luật là người vùng Kashmir và Ngài rất nổi tiếng về việc tụng đọc Thập Tụng Luật ở vùng này. Những phần đầu của bản dịch Thập Tụng Luật của Ngài Kumārājiiva đều dựa vào bản Sanskrit được ngài Puṇyatara trùng tụng. Dịch giả thứ ba là Dharmaruchi - người cộng tác cho công trình phiên dịch này sau khi ngài Puṇyatara viên tịch. Dharmaruchi cũng xuất thân từ vùng Chinese Turkestan, như chúng ta đã đề cập, phần lớn kinh điển Phật giáo và cao Tăng tại vùng Chinese Turkestan đều có nguồn gốc ở Kashmir. Vamalākṣa - người trợ thủ để hoàn thành tác phẩm phiên dịch này cũng là người Kasmir. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng Thập Tụng Luật là bản luật của Nhất Thiết Hữu Bộ vùng Kasmir rất là hợp lý.

Tuy nhiên, Thập Tụng Luật bằng tiếng Hoa không giống với bản luật nguyên tác và đầy đủ như bản Luật của Nhất Thiết Hữu Bộ. Cứ liệu trong Đại Trí Độ Luận về điểm này đáng được trích dẫn. Trong bộ luận trên, ngài Nāgārjuna (Long Thọ) đề cập như sau: Nói một cách vắn tắt, bộ luật này…. gồm có 8 chi phần. Hơn nữa, nó có 2 phần lớn, phần thứ nhất là bộ luật của Mathurā, bao gồm các câu chuyện tiền thân (Bổn Sanh // Jātaka) và Avadāna [Bổn Sự: các công hạnh của Đức Phật, các Độc Giác Phật, các vị Đại Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nỗ lực để chứng được quả vị giác ngộ, giải thoát] và gồm có 8 chi phần. Phần thứ hai là luật của Kashmir không có Bổn sanh và Bổn sự, nhưng nó lại có các phần cốt tuỷ và các hình thức trong các chi phần.

Ở đây Đại Trí Độ Luận đang nói về Luật của Phật giáo Tiểu thừa (Hīnayāna Vinaya). Vì trong luận phẩm này, thuật ngữ Hīnayāna là chỉ cho những người theo phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Thật rõ ràng là cả hai văn bản Luật được đề cập ở đây đều thuộc trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Như vậy rõ ràng bản luật lớn bao gồm 80 chi phần [Bát Thập Tụng Luật], có rất nhiều Chuyện Bổn Sanh (Jātaka) và Bổn Sự (Avadāna) và nó thuộc vùng Mathurā (Ma-đâu-la) được xem như là một văn bản đầy đủ và sớm hơn, trong khi đó một bản ngắn hơn có 10 phần của những người theo phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ ở Kashmir và được trước tác từ bản luật lớn ở Mathurā bằng cách bỏ bớt các phần Jātaka và Avadāna. Bản luật ở Kashmir gồm 10 phần có thể dễ dàng xác nhận là tương đồng với bản Thập Tụng Luật bằng tiếng Hoa, vì cả hai đều có 10 chi phần và vì Thập Tụng Luật là bản dịch của bộ Luật Sanskrit xuất phát từ Kashmir. Sự tương đồng này có thể dẫn đến việc phục hồi nguyên tác của Luật Nhất Thiết Hữu Bộ, vì Thập Tụng Luật là bản rút ngắn của bản Luật nguyên tác ở Kashmir. Nhưng chúng ta phải thận trọng khi nghiên cứu nó. Thập Tụng Luật [bằng tiếng Sanskrit] chắc chắn đã được hình thành khá lâu trước thời Ngài Long Thọ và nó có thể xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I hoặc thứ II trước TL. Như chúng ta biết là bản Luật của Kashmir được dịch sang tiếng Hoa vào đầu thế kỷ thứ V TL. Suốt khoảng thời gian ít nhất là 500 năm này, đương nhiên bản Thập Tụng Luật ở Kashmir này bị thêm thắt và thay đổi trước khi nó được dịch sang tiếng Hoa. Chúng ta phải chỉ ra những sự thay đổi sau này trước khi bản Thập Tụng Luật tiếng Hoa có thể được sử dụng như là nguồn tài liệu đáng tin cậy để phục hồi bộ Luật nguyên tác của Nhất Thiết Hữu Bộ. Để thực hiện công việc này, trước hết chúng ta phải am tường những gì đã xảy ra đối với bản luật lớn của Nhất Thiết Hữu Bộ ở vùng Mathurā, và kế đến chúng ta phải chú ý đến sự phát triển dần dần của các bản luật khác nhau vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì các bộ luật của Thượng Toạ Bộ (Theravāda), Đàm-vô-đức Bộ (Dharmagupta // Pháp Tạng Bộ), Hoá Địa Bộ (Mahīsāsaka), Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda), và Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūla-sarvāstivāda) tất cả có thể được truy nguyên từ bộ luật nguyên tác của Sthavira[vi]. Điều này sẽ hết sức có ý nghĩa để đối chiếu với những sự thêm thắt và thay đổi sau này.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét đến vấn đề chuyện gì đã xảy ra đối với bản luật lớn của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ ở Mathurā. Bản này hoàn toàn bị mất hoặc vẫn còn tồn tại dưới một tên khác? Trong khả năng thứ hai là bản luật hiện còn đại diện cho bản luật lớn của Mathurā, nó phải hàm chứa hai yếu tố. Thứ nhất là trật tự sắp xếp và thứ hai có nhiều chi tiết của các truyền thống đều được lưu giữ giống với Thập Tụng Luật[vii] nếu so sánh bản Thập Tụng Luật với bản Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.

Trong một bài viết, tôi đã chỉ ra rằng bộ Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ vẫn còn được gìn giữ trong bản dịch tiếng Hoa chắc chắn đầy đủ tất cả các chi tiết này. Bản dịch tiếng Hoa của bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ này rất giống với bản Thập Tụng Luật, ngay cả trong một số điểm [cả bố cục và nội dung] không giống với những bộ luật khác, nếu đem so sánh với bản Thập Tụng Luật, trong một số trường hợp Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ còn lưu giữ một số truyền thống sớm hơn, mà các truyền thống này dường như dựa vào các truyền thống lưu hành được các vị theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ tuân thủ. Chúng tôi sẽ trình bày sâu hơn trong phần thảo luận của chúng tôi là Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có một vài phần thuộc bộ luật nguyên tác của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhưng nó bị thiếu trong Thập Tụng Luật. Như vậy, thật là hữu lý khi chúng ta kết luận rằng bản luật lớn đầu tiên ở Mathurā của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ không còn tồn tại độc lập mà nó bị pha trộn với bản tiếng Hoa của bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Bản Luật hiện nay của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ không thể nào đồng nhất với bản Luật nguyên tác của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ ở vùng Mathurā, vì nó có nhiều sự thêm thắt sau này. Do đó, việc chúng tôi trình bày trên có thể được tóm tắt như sau: bản Thập Tụng Luật không những là bản luật tóm tắt của nguyên tác của bộ Luật Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đầu tiên mà nó còn bao gồm một số sự thêm thắt và thay đổi sau này. Mặc khác, bộ Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ không những kết hợp chặt chẽ với bộ Luật nguyên tác của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ thuộc vùng Mathurā mà nó còn bao gồm nhiều thêm thắt sau này. Để tìm ra bộ luật nguyên tác của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, chúng ta phải tìm ra tất cả các sự thay đổi sau này hoặc là phần bỏ đi, hoặc là phần thêm thắt vào. Để làm được điều này, chúng ta không chỉ so sánh Thập Tụng Luật với Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ mà còn so sánh Thập Tụng Luật với các bộ Luật khác phát triển từ Luật của Sthavira. Chúng ta hãy lấy câu chuyện gọi là cuộc đời của Đức Phật trong phần Skandhaka[viii] để minh hoạ vấn đề này.

Những bản Luật của các trường phái Thượng Toạ Bộ, Đàm Vô Đức Bộ, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đặt vấn đề hoá độ đầu tiên của Đức Phật trong phần đầu của phần liên quan đến việc xuất gia (Pravrajyā)[ix] và thọ giới (Upasampadā). Cũng như vậy, trong bản Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã tóm tắt những yếu tố liên quan đến những sự giáo hoá này trong phần đầu của phần xuất gia và thọ giới. Do đó, dường như phần thủ tục xuất gia và thọ giới đầu tiên này đã trở thành một phần của Skandhaka trước khi sự phân phái của Sthavira và Mahāsāṁghika xảy ra, thủ tục liên quan đến thọ giới và xuất gia này được kế thừa và phát triển từ trường phái Sthavira và các trường phái phát xuất từ Sthavira. Do đó, chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ phát triển từ Sthavira, mà Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ lúc đầu cũng có ghi lại sự việc này trong bản luật của họ ở phần xuất gia (pravrajyā) và thọ giới (upasampadā). Chỉ có Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ được vẫn còn được gìn giữ trong bản dịch tiếng Hoa đã đặt phần sử liệu xuất gia và thọ giới trong phần Phá hoà hợp tăng (Saṁghabhedavastu). Ở đây cần lưu ý rằng thủ tục xuất gia và thọ giới này thật sự là một văn bản của những việc giáo hoá đầu tiên được nhìn dưới góc độ chủ đề thì nó gần gũi với chi phần 4 & 5 hơn, và việc sắp xếp của bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cho thấy sự đảo lộn vị trí sau này.

Vậy bản luật nào hàm chứa sử liệu gốc của thủ tục xuất gia và thọ giới này. Mahāvagga của Luật tạng Pāli bắt đầu bằng các sự kiện xảy ra sau khi Đức Phật thành đạo và chấm dứt bằng câu chuyện cải đạo của Tôn giả ‘Sāriputra (Xá-lợi-phất) và Maudgalyāyana (Mục-kiền-liên). Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ bắt đầu bằng các sự kiện sớm hơn và mô tả những trường hợp dẫn đến sự giác ngộ của Đức Phật, phần nói về gia đình Đức Phật, v.v… Đàm-vô-đức Bộ cũng bắt đầu bằng sử liệu về gia đình của Đức Phật và thêm các việc hoá độ đầu tiên của Ngài. Vì tất cả các trường phái này phát triển từ bộ phái Sthavira. Rõ ràng là bản Luật nguyên tác của Sthavira ít nhất bắt đầu với những việc hoằng hoá đầu tiên của Đức Phật sau khi chứng đạt giác ngộ. (Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ khởi đầu bằng nguồn gốc thế giới và bao gồm các sự kiện xảy ra trong gia đình Đức Phật, các cuộc du ngoạn của Thái tửv.v…) và các bộ luật khác, kể cả bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có thêm thắt nhiều điểm căn bản về cuộc đời Đức Phật như vậy. Nhưng bản nguyên tác của Luật Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có đào sâu sử liệu căn bản này không? Để đi đến kết luận, chúng ta phải chú ý đến lịch sử của bản Giới kinh Catuḥparisat.

Bản giới kinh Catuḥparisat được giáo sư E. Waldschmidt phục hồi từ các phần của bản cảo Sanskrit được tìm thấy ở Trung Á. Cũng như tác phẩm Mahāvagga, bản giới kinh này bắt đầu bằng các sự kiện xảy ra sau khi Đức Phật thành đạo và chấm dứt bằng câu chuyện nói về sự cải đạo của Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Không có kinh nào tương đương [với giới kinh Catuḥparisat] trong Tạng kinh Pāli (Pāli Sutta-Piṭaka) hay trong kinh tạng A-hàm (Āgama) bằng tiếng Hoa. Nhưng Waldschmidt chỉ ra rằng Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ được lưu truyền trong các bản dịch của Tây Tạng và Trung Hoa cũng như Mahāvagga đưa ra những điểm tương đương rất giống với giới kinh Catuḥparisat. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Những bản Luật khác của Sthavira, ngoại trừ bản Thập Tụng Luật, cũng có các sử liệu tương tự. Rõ ràng là tác phẩm được gọi là giới kinh Catuḥparisat và nó đã hình thành một hình thức của một bài kinh, và giới kinh Catuḥparisat này ban đầu tạo thành một phần của luật tạng.

Nhưng bản giới kinh Catuḥparisat thuộc bộ luật nào? Chúng ta biết rằng các sự kiện sau khi thành đạo của Đức Phật đã tạo thành một phần nguyên tác của luật Sthavira. Do đó, chúng ta có thể giả định rằng bộ luật nguyên tác của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng có các sự kiện như trên là điều hết sức đương nhiên. Sự thừa nhận này được vững vàng hơn nữa, khi chúng ta nhận thấy rằng ngay cả bộ Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ dựa vào bộ Luật Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các sự kiện tương tự mà các sự kiện này đã xảy ra sau khi Đức Phật chứng ngộ. Tổng kết các sự kiện trong bộ Luật của Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ cũng chỉ ra rằng bộ Luật của Căn Bản Nhất Hữu Bộ không phải xuất phát từ nguyên tác của bộ Luật Sthavira, mà bản giới kinh Catuḥparisat này được tách ra. Mặt khác, sử liệu này bị thiếu trong Thập Tụng Luật mà nó được dịch từ bản Luật Nhất Thiết Hữu Bộ ở Kashmir. Do đó, dường như nội dung của giới kinh Catuḥparisat như hiện nay là do các vị Nhất Thiết Hữu Bộ tách nó ra từ bộ Luật của Sthavira và mang nó đến vùng Kasmir. Việc khám phá này của chúng tôi cộng với bản giới kinh Catuḥparisat mà nó đã tạo thành một phần của Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ sẽ biện minh cho những gì tôi đã nói, nếu chúng ta kết luận rằng sử liệu về những sự kiện sau khi Đức Phật chứng ngộ tạo thành một phần của nguyên tác luật Nhất Thiết Hữu Bộ.


Người dịch xin chân thành cảm ơn Đại đức Minh Diệu đã giúp một số ý trong việc dịch bài viết này.

Bài này đã được đăng trong trang www.daophatngaynay.com. Chúng tôi đã biên tập lại vài chữ trong bản dịch cũ.



[i] Tất cả các thuật ngữ Phật học được sử dụng trong bài này đều là chữ Sanskrit (người dịch).

[ii] Trong A Catalogue of the Buddhist Tripi.taka của Nanjio viết là Dharmaruki, còn trong A Dictionary of Chinese Buddhist Terms của William Edward Soothill và Lewis Hodous thì viết là Dharmaruci.

[iii] Theo A Dictionary of Chinese Buddhist Terms của William Edward Soothill và Lewis Hodous, Kucha được phiên âm là Qui-tư, Khố-xa, Khuất-chi, Khâu-tư hay là Câu-chi, một kinh đô và là một thành phố cổ của phía Đông Turkestan (Eastern Terkestan) ngày xưa.

[iv] Kashmir xưa được các nhà dịch thuật phiên âm là Kế-tân. Mặc dầu trong bài nghiên cứu này tác giả chỉ sử dụng chữ Ki-pin (Kế-tân) để chỉ cho vùng Kashmir. Để tiện cho người đọc ngày nay, nên chúng tôi đã dịch chữ Ki-pin thành Kashmir.

[v] Chinese Turkestan là địa danh rất quan trọng đối với trường phái Sarvāstivāda vào thế kỷ thứ II TL. Chúng tôi không biết hiện nay đó là vùng nào. Xin các bậc thiện trí thức chỉ giáo giúp.

[vi] Theo một số nhà sử học cho rằng Sthavira là một trong hai bộ phái đầu tiên sau kỳ phân phái. Một số học giả đánh đồng chữ Sthavira giống như chữ Theravāda, nên đều dịch chữ Sthavira và Theravāda là Thượng Toạ Bộ. Theo tác giả của bài viết này, chữ Sthavira đặc biệt chỉ cho bộ phái đầu tiên, còn Theravāda là bộ phái xuất hiện sau bộ phái Sthavira. Do đó, chúng tôi giữ nguyên chữ Sthavira, không dịch sang tiếng Việt để khỏi nhầm lẫn.

[vii] Thuật ngữ Thập Tụng Luật được dịch trong văn bản này là chỉ bản Thập Tụng Luật bằng tiếng Hoa.

[viii] Skandhaka hoặc là Skandha: Hán Việt phiên âm là Kiền-độ, dịch nghĩa là Tụ, Uẩn, Tích, Tạng, Kết, Tiết, Phân đoạn. Trong Luật tạng thường có nghĩa là phần, phẩm, tiết.

[ix] Trong A Dictionary of Chinese Buddhist Terms tr. 166b lại ghi là Pravraj.