Thay đổi số phận (Phần 14)

PDang13 15

Sáng nay, Pháp Đăng giả vờ chóng mặt, để thầy Đồng nhờ chú khác đi đám. Pháp Đăng nhìn thầy vừa bước ra khỏi cổng và coi chừng khi bà Hiền vừa xách giỏ đi chợ là Pháp Đăng chạy xuống chỗ điện thoại bàn của thầy Đồng mà bấm gọi ngay cho chú Tùng qua đón.

Thấy chú Tùng vừa đến, Pháp Đăng mừng rỡ chạy ra ngồi sau xe, tiếng máy xe Honda nổ phình phịch chở Pháp Đăng đi lao vút trên những con đường trải dài.

Đi ngang qua những cung đường vòng quanh Sài Gòn, Pháp Đăng ngồi phía sau ngước đầu lên hô to:

- Chú Tùng ơi! Sài Gòn đẹp quá chú nhỉ, thảo nào ai cũng muốn đi lên Sài Gòn sống là phải.

- Ủa, chú ở đây cũng được mấy tháng rồi mà giờ mới biết Sài Gòn đẹp hả.

- Trước giờ, Pháp Đăng chỉ đi đám xong rồi về, có được ngắm nhìn thành phố và có cảm giác được thoải mái như thế này đâu để cảm nhận được Sài Gòn đẹp hay không, đúng không chú Tùng.

- Trời, chú cũng khéo ăn nói dữ, bởi vậy mới con nít mà bày đặt bỏ quê lên Sài Gòn tìm kiếm tương lai, tôi nghĩ chú cũng không phải dạng vừa đâu ha. Rồi chú Tùng cười kha khả.

- Ừ, thì phải vậy chứ chú Tùng, con của Phật mà, phải mạnh mẽ và quyết đoán chứ chú. Mà chú biết tại sao tôi lên Sài Gòn không?

- Tại sao? Chú Tùng hỏi.

- Vì ở chùa dưới quê, ai lớn lên đủ trưởng thành rồi, thì cũng phải tự tìm đường ra đi để tìm kiếm tương lai cho mình chú ạ, vì Pháp Đăng và các chú đều là trẻ mồ côi, thầy chỉ đủ khả năng cưu mang khi còn nhỏ, lớn rồi cũng phải tự tìm cách mà nuôi sống bản thân hoặc hoàn tục, hoặc đi chỗ khác tu để thầy còn có thể tế độ những hoàn cảnh bất hạnh khác đang cần thầy giúp đỡ. Nói đến đây, cái cảm giác nghĩ mình bất hạnh lại ùa về trong cõi lòng hơn bao giờ hết, giữa tiếng gió vi vu thổi mạnh qua tai làm Pháp Đăng cảm giác lạnh lẽo vô cùng mà chỉ có chú Tùng là người duy nhất để Pháp Đăng có thể bám níu vào trong giây phút này.

- Chùa này không nhận chú tiểu. Xin hai chú thông cảm.

- Dạ, cảm ơn thầy, thôi mình đi Pháp Đăng.

- Chùa này đủ người rồi. Xin hai chú thông cảm.

- Dạ, cảm ơn thầy, thôi mình đi Pháp Đăng.

- À, chùa này chỉ nhận tu sĩ miền Bắc.

- Dạ, cảm ơn thầy, thôi mình đi Pháp Đăng.

- Không có thầy trụ trì ở nhà, mà chùa này không có nhận người ngoài.

- Dạ, vậy thôi chắc mình phải về thôi Pháp Đăng à, không chùa nào nhận cả, mà trời thì cũng gần chiều tối rồi. Lát thầy Đồng có hỏi, thì nhớ nói là tôi mời chú qua nhà tụng kinh, rồi tôi đưa chú 200 ngàn về đưa lại cho thầy Đồng là xong.

Giữa buổi chiều hoàng hôn buông xuống, Pháp Đăng vẫn ngồi phía sau chiếc xe máy của chú Tùng mà cõi lòng buồn rười rượi, Pháp Đăng dường như không muốn trở về lại ngôi chùa đó nữa. Nơi mà Pháp Đăng ngán ngẩm khi quần quật cả ngày với việc ma chay, cúng đám và những lần la rầy inh ỏi của thầy Đồng và bà Hiền. Nghĩ vậy rồi Pháp Đăng khóc cho sự cô đơn, trống vắng đến vô cùng khi không biết phải đi đâu, về đâu giữa mảnh đất Sài Gòn này, cái cảm giác ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn, Pháp Đăng ngồi sau chú xe ôm tốt bụng một lần nữa lại ùa về trong tâm trí. Pháp Đăng khẽ đưa nhẹ khuôn mặt mình dựa sát vào bờ vai của chú Tùng mà khóc nức nở.

- Chú Tùng ơi! Đừng đưa Pháp Đăng về lại chùa nữa, Pháp Đăng xin chú Tùng đó.

Chú Tùng khẽ đưa tay nhẹ về sau, để vuốt lấy cái chóp trên đầu Pháp Đăng như thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu cho nỗi buồn của Pháp Đăng trong lúc này.

- Vậy thôi! Tôi sẽ đưa chú về nhà tôi ở tạm, ngày mai sẽ đi tìm tiếp. Mình có lòng thì Phật sẽ độ mà đúng không chú.

Vừa nghe xong, Pháp Đăng vội lau đi nước mắt và mừng rỡ khi mình có thêm hy vọng mới ở ngày mai.

- Xin lỗi, chùa này là chùa Ni, nên không có nhận chú tiểu Tăng.

- Trời, vô lộn chùa rồi Pháp Đăng. Hai anh em bước ra tới cổng mà cười khúc khích.

- Chú Pháp Đăng chờ tôi chút, để tôi mở cái điện thoại có mạng lên coi thử thầy nào nổi tiếng về giảng dạy Phật pháp rồi tôi kiếm địa chỉ để đưa chú tới đó xin thử.

- À, có rồi, Thầy… hiện là tiến sĩ Phật học, giảng viên Học viện Phật giáo, giảng sư,... Ồ, vị này chắc giỏi lắm nè chú Pháp Đăng. Chú Tùng nói to.

- Pháp Đăng biết Học viện Phật giáo đó chú Tùng, vì chỗ này chú Nguyên đang xin vào đó để được đi học Phật học đó.

- Vậy tốt quá, có địa chỉ chùa ở dưới, tôi chở chú qua gặp thầy xin thử nha. Chú Tùng trả lời.

Vừa bước tới cổng chùa, chú Tùng và Pháp Đăng bước vào chánh điện, Pháp Đăng cảm thấy ngỡ ngàng khi chứng kiến có tới vài trăm Phật tử đang ngồi trong áo tràng lam trang nghiêm để nghe thầy thuyết giảng Phật pháp, cảnh tượng mà Pháp Đăng chưa bao giờ có dịp nhìn thấy, ngoài việc Phật tử đến chùa làm từ thiện phát quà cho mấy chú tiểu như ở dưới quê và mấy Phật tử đến chùa xin xem bói, cúng đám ở chùa thầy Đồng.

Pháp Đăng tiến lại gần bên khung cửa sổ để đưa mắt nhìn cho thật kỹ thầy trụ trì đang thuyết giảng Phật pháp, nhìn thầy đang ngồi uy nghiêm để trao giảng lời Phật dạy một cách lưu loát, hùng hồn và theo đó là tiếng vỗ tay hoan hỷ của hàng trăm Phật tử, Pháp Đăng cảm nhận được niềm hạnh phúc vô cùng như chính mình đã tìm ra được hướng đi cao đẹp và mục đích đời mình.

- Pháp Đăng ơi! Thầy giảng pháp xong rồi. Chú Tùng vỗ vai bảo.

- Giảng pháp là sao chú Tùng? Pháp Đăng ngơ ngác hỏi.

- Tức là một vị thầy có trình độ học thức Phật học, và có sự thực tập trải nghiệm trên con đường tu, sau đó mang Phật pháp để truyền dạy lại cho Phật tử và mọi người tu hành để Phật pháp được tiếp nối và truyền thừa mãi mãi. Chú tu ở chùa từ nhỏ mà giờ này đi hỏi tôi, giảng pháp là sao. Tôi không biết hồi đó giờ chú ở chùa làm gì nữa.

Nghe chú Tùng nói vậy, quả thật Pháp Đăng như đang đón nhận nguồn ánh sáng của mặt trời đang soi rọi vào trong tâm hồn mình, Pháp Đăng mừng rỡ không tả xiết trong niềm hạnh phúc vô biên.

- Dạ, bạch thầy trụ trì con có quen chú tiểu này, tên là Pháp Đăng, chú muốn được xin ở chùa thầy để được tu và được học. Chú Tùng trình thưa, và kể đầu đuôi hoàn cảnh của Pháp Đăng bây giờ cho thầy trụ trì nghe.

- Ồ, chú tiểu trông sáng sủa quá, lại đây thầy biểu. Thầy trụ trì gọi.

Pháp Đăng liền đến gần, quỳ xuống chắp tay bên cạnh thầy.

- Hồi xưa, còn nhỏ tôi cũng như chú vậy, cũng rất bồng bột và nông nỗi, muốn thay đổi một điều gì đó trong cái sự bó buộc của cuộc sống và tôi muốn được cống hiến đời mình vì lý tưởng mang tinh thần của một đạo Phật nhập thế để ứng dụng thực tiễn vào đời mà giúp người bớt khổ, nhờ đó mà phần nào thay đổi đi những quan niệm sai lầm về một đạo Phật của những người bi quan, chán đời mà xã hội đã áp đặt. Và để thực hiện được hoài bão đó, tôi đã nỗ lực rất nhiều trên bước đường học Phật và được đào tạo một cách nghiêm túc để trở thành một vị giảng sư như bây giờ. Suy nghĩ một hồi rồi thầy nói tiếp:

- Tôi quyết định nhận chú ở lại đây.

Pháp Đăng mừng rỡ như mới vừa được sống lại một lần nữa, được sống lại trong giáo pháp, trong tình thương và trong lý tưởng của một người thầy cao cả.

- Nhưng tôi có một yêu cầu với chú, là phải học, và học cho thật giỏi để sau này mới làm được một ông thầy giỏi, để truyền thừa và tiếp nối con đường sứ mệnh của Như Lai. Vì Đức Phật của chúng ta là một nhà giáo dục vĩ đại, thì người đệ tử Phật tiếp nối sau này phải là một nhà tri thức giỏi mới đủ khả năng để cống hiến và mang lại lợi ích cho số đông.

Nghe những lời thầy dạy, Pháp Đăng cảm thấy ấm lòng vô cùng khi được sống lại với những hoài bão thiêng liêng mà thầy trụ trì đã truyền trao.

còn tiếp phần cuối