Thiền ngộ (Phần 1)

LỜI TỰA

Kinh Pháp Bảo Đàn có ghi: Một lần nọ, Thiền sư Huệ Năng ở lại chùa Pháp Tánh - Quảng Châu, tối đến gió nổi lên, làm lay động cây cờ trong chùa, phát ra âm thanh lật phật. Hai vị Hoà thượng trong chùa đã tranh luận về điều này, một vị nói lá cờ lay động, một vị nói gió lay động, họ cãi nhau không thôi. Thiền sư Huệ Năng thấy tình hình như vậy bèn bảo rằng: “Không phải gió động, cũng không phải lá cờ động mà tâm của các ngươi động thôi!”.

Câu thiền ngộ kinh điển này của ngài Huệ Năng đã chỉ thẳng vào tâm linh con người, hàm ý rằng tất cả những chấp trước đối với thế giới bên ngoài đều chỉ là những biến hiện của tâm, tất cả vọng niệm đều chỉ là những vật trong tâm, cũng như nói: “Rượu không làm người say mà do người tự say, sắc không làm cho người mê đắm mà do người tự mê đắm”.

Thiền là dịch âm của từ “Thiền Na” trong tiếng Phạn, nghĩa là “Tĩnh Lự”, chính là dùng phương pháp ngồi yên tĩnh tư duy để đạt được đại triệt đại ngộ.

Thiền là cánh cửa mở ra con đường giải thoát tâm linh. Cuộc sống là một loại nghệ thuật, mà thiền là trí tuệ cao tột để tìm tòi nghiên cứu ý nghĩa cuộc sống của con người. Trong cõi hồng trần nhốn nháo, trong sự giao tế rối ren này, giải thoát bản thân như là một cảnh giới, mà thiền có thể cày xới miếng ruộng mới mẻ xanh tươi cho chúng ta, để cho tâm linh như cá bơi dưới nước, chim bay trên bầu trời, tự nhiên, tự do, tự tại không bị hệ luỵ ngoại vật, từ đó mà toả ra sắc màu của cuộc sống.

Thiền có thể giúp chúng ta tìm ra mảnh vườn an vui đã bị mất của tâm linh. Trong xã hội vật chất và dục vọng điên đảo này, con người tâm linh trống rỗng, tinh thần bị ức chế không phải là số ít, tâm con người nông nổi, lãnh đạm, thờ ơ. Chủ nghĩa công lợi đang ăn mòn linh hồn của mỗi con người. Con người ít có thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu nghiên cứu ý nghĩa và giá trị của sự sinh tồn, dần dần trở thành kẻ nô lệ của vật chất. Thiền như mưa móc, như gió mát, như đòn cảnh tỉnh làm cho cuộc sống của chúng ta tỉnh giác nhanh chóng triệt để, khiến cho chúng ta đang đi trên đường mê biết quay đầu lại; giúp cho tâm linh của chúng ta bước vào cảnh giới tự do giải thoát; sống cuộc đời với tâm bình thường thoải mái, tự tại. Thiền giúp cho mọi người có đôi mắt trí tuệ, nhìn sâu thấy xa để quán chiếu nhân sinh. Trong trách nhiệm mong được đầy đủ, trong nghĩa vụ mong tâm được an, trong sự phụng hiến mong được hạnh phúc, trong vô ngã mong được tiến thủ, trong cuộc sống thấu hiểu được thiền cơ. Thiền đã đối diện với hiện thực, lại siêu việt hiện thực, đã xuất thế lại vừa nhập thế. Trong lúc nhập thế, hoàn thành tự ngã siêu việt của nội tại, hướng dẫn con người trong lúc tu tập trở thành những người tự do cất bước trên con đường xuất thế và nhập thế. Ngưng tụ thành thiền tông của trí tuệ phương Đông, dùng nó quan tâm đến tâm linh và sinh mạng của cá thể, dùng nó mà truy tìm cuộc sống chân thật, ngày càng phát khởi sự hứng thú và yêu thích.

Tham thiền cần phải trải qua ba loại cảnh giới, cảnh giới thứ nhất là: “lá rụng đầy trên núi, tìm dấu vết ở đâu?”, người tham thiền chấp trước truy tìm bản tánh của thiền, nhưng mờ mịt chẳng thấy gì. Cảnh giới thứ hai là: “núi vắng không người, nước chảy hoa nở”, người tham thiền hiểu sơ về thiền lý, dường như đã ngộ mà kỳ thực chưa ngộ. Cảnh giới thứ ba là: “xưa nay đều không, sáng sáng đều gió trăng”, bỗng thấy trong lòng sáng ra, trực tiếp lãnh ngộ rằng trong khoảnh khắc nháy mắt tức là vĩnh hằng, vĩnh hằng tức trong nháy mắt. Đây chính là “trong đám đông ấy tìm nàng từ bao độ, nhưng vẫn không tìm thấy, bỗng quay đầu lại, người đó lại ở nơi chốn đèn hoa hoang tàn”.

Thiền lý, xem ra có vẻ như cao thâm, nhưng hình thức của nó lại rất giản đơn và sinh động, phần nhiều là một số thiền ngộ và những câu chuyện thiền. Một năm 365 ngày, mỗi ngày cần phải “ba lần tỉnh giác về bản thân.” Quyển sách này chọn lọc ra 240 câu chuyện thiền lý kinh điển, và kết hợp với những bức tranh hoạt bát sinh động, gửi gắm thiền lý vào trong câu chuyện, trong bức tranh. Mỗi ngày ngoài giờ làm việc, pha ấm trà xanh, an nhàn ngồi một mình, gạt ra ngoài những muộn phiền của thế sự, thoải mái đọc một câu chuyện về thiền lý, từ trong đó hiểu rõ được ý vị chân thật của cuộc sống, đó chẳng phải là một cách hưởng thụ hay sao?

TRÍ TUỆ CỦA THIỀN NGỘ

TẮC THỨ NHẤT: DIỆU LÝ CỦA CHƯ PHẬT VÀ TỰ TÂM TỰ ĐỘ

Đại sư Huệ Năng là Tổ thứ sáu của thiền tông vốn là một Tiều phu nơi vùng đất hoang dã tại Lĩnh Nam. Một hôm, lúc Ngài đang bán củi trong chợ, ngẫu nhiên nghe một vị cư sĩ trì tụng “kinh Kim Cang”, không ngờ, người cực khổ một chữ cũng không biết như Ngài khi nghe được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên phát khởi tâm không dính mắc vào đâu cả) mà lại hoát nhiên khai ngộ! Thế là, dưới sự chỉ điểm, khen ngợi giúp đỡ của vị cư sĩ thiện tâm này, Ngài từ biệt quê nhà, đi lên Hồ Bắc cầu pháp với Ngài Hoàng Mai.

“Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xử nhá trần ai”

(Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng không đài,

Xưa nay không có vật,

Cớ sao vướng bụi trần)

Tại chùa Đông Sơn núi Song Phụng ở Hoàng Mai Hồ Bắc (nay là chùa Ngũ Tổ), Ngài Huệ Năng nhờ bài kệ này mà lọt vào được đôi mắt sáng suốt của Đại sư Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ tổ đã đem y bát của thiền tông truyền cho Ngài. Y bát mà ngài Huệ Năng nhận được không đơn thuần chỉ là chiếc áo ca sa do Tổ sư Đạt Ma mang từ Ấn Độ đến mà là cả một toà giang sơn và là một trái phá! Tuy chiếc ca sa này các Tổ sư đời đời truyền lại cho nhau chỉ là một tín vật, cũng không phải là bản thân của Phật pháp, nhưng có nó mới có thể chứng minh bạn và Tổ sư các đời dùng tâm ấn tâm, và cùng thở một hơi thở với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bạn chính là Tổ, bạn chính là Phật! Nhưng rất nhiều đồ đệ vì danh lợi không hiểu rõ đạo lý lấy tâm truyền tâm, tâm có sự sắc sảo của nó, mà cho rằng có được ca sa là trở thành Tổ sư, nên luôn nghĩ mưu tính kế để cướp đoạt. Vì thế y bát tương truyền xưa nay như nghìn cân treo sợi tóc! Huống hồ ngài Huệ Năng là một tiều phu xuất thân từ Nam man, một chữ cũng không biết, ngay cả điều tối thiểu là xuống tóc thì Ngài cũng chưa xuống – chưa xuất gia, lại đạt được y bát của thiền tông, người trong thiên hạ có ai mà không phục được?!”

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói: “Ngay trong đêm nay ngươi nên đi nhanh đi, sợ e có kẻ sẽ hại ngươi!”

Đại sư Hoằng Nhẫn lo lắng đồ đệ không quen đường đi, đích thân đưa Ngài xuống núi. Trong đêm tối tịch mịch, hai thầy trò họ đi như bay, đi mãi cho đến bên bờ sông Trường Giang.

Sao rơi trên đồng rộng, trăng lên trên dòng sông.

HueNang1

Ánh trăng mờ bao trùm xuống dòng Trường Giang, càng làm cho dòng sông thêm rộng lớn, mạch nước ngầm sôi động, sóng nước cuộn trào, tất cả là một vùng thần bí, mênh mang. Đại sư Ngũ Tổ dẫn Huệ Năng đến bờ sông. Bến đò này ban ngày náo nhiệt, người qua lại rộn ràng nhộn nhịp, bây giờ vắng lạnh đón tiếp hai Thầy trò họ, chỉ có tiếng sóng vỗ vào bờ đê.

Tiếng sóng lớn ì ầm vỗ vào đêm thâu làm cho cảnh vật thêm yên tĩnh, sông vắng không người tự chèo thuyền qua sông. Hai Thầy trò vội vàng nhảy lên một chiếc thuyền con. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn vừa đến cầm cây chèo thuyền, Huệ Năng liền nói: “Sư phụ! Xin Ngài ngồi yên, để con chèo thuyền.”

Đại sư Hoằng Nhẫn nói một lời mà nhắm đến hai việc: “Ta là Thầy, nên phải do Ta chèo thuyền đưa con đến bờ kia!”

Huệ Năng hiểu ý, cười nói: “Lúc đệ tử còn mê, phải nhờ Thầy độ, nay con đã ngộ rồi phải tự độ mình thôi”.

Đại sư Hoằng Nhẫn gật đầu lia lịa: “Tuyệt lắm! Tuyệt lắm! Phiền não của mình tự mình đoạn trừ, sanh tử của mình tự mình giải thoát. Tham thiền tu đạo, bất cứ ai cũng không thể thay thế được. Sư phụ chỉ có thể là người chỉ rõ phương hướng ở phía trước. Phải chăng có thể đạt đến sự không còn sanh diệt của bờ bên kia, chỉ có thể dựa vào sự tự độ của mỗi cá nhân. Sau này, Thiền tông phát triển rực rỡ là nhờ vào con.”

Sóng lớn cuồn cuộn như mây trời, vầng trăng sáng trong veo như chiếc thuyền, chiếc thuyền nhỏ lao vun vút như tên bắn sang bờ bên kia – Giang Châu (nay là Cửu Giang)…

Sau khi Huệ Năng đắc pháp với Sư phụ là Ngũ tổ, Sư phụ dặn Ngài không nên gấp gáp công khai thuyết pháp. Đợi thời cơ chín muồi rồi mới hoằng pháp. Vì thế, Ngài Huệ Năng từ Hoàng Mai trở về thôn Tào Hầu ở Thiền Châu mai danh ẩn tích. Ở đó có một vị Nho sĩ Lưu Chí Lược đối đãi với Ngài Huệ Năng rất nồng hậu. Tuy Lưu Chí Lược theo nghiệp Nho, nhưng gia đình của ông lại có duyên với nhà Phật.

Cô của ông xuất gia là một Ni sư sống ở chùa Sơn Giản gần thôn Tào Hầu, pháp hiệu là “Vô Tận Tạng”. Ni sư Vô Tận Tạng lấy việc trì tụng kinh “Niết Bàn” làm khoá tu hằng ngày, cho nên lúc Ngài Huệ Năng và Lưu Chí Lược đến thăm viếng, Ni sư đang tụng kinh Niết Bàn, tự nhiên cũng nói đến kinh Niết Bàn. Ni sư Vô Tận Tạng cười rạng rỡ, khiêm cung thưa với Ngài Huệ Năng: “Nghe cháu tôi nói, đối với Phật pháp Ngài nghiên cứu rất sâu. Kinh Niết Bàn này Bần ni tuy đã trì tụng nhiều năm nhưng vẫn còn có nhiều chỗ chưa hiểu rõ lắm, xin Ngài chỉ điểm chỗ mê mờ”.

Vừa nói, Ni sư vừa lấy cuốn kinh dày đưa cho Ngài Huệ Năng. Ngài Huệ Năng xua tay nói: “Hổ thẹn, hổ thẹn! Từ trước đến nay tôi chưa từng đi học, cho nên không biết chữ, càng không thể đọc kinh. Nhưng, nếu Ni sư đọc lời kinh ra, có lẽ tôi có thể giải đáp ý nghĩa trong đó cho Ni sư”.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt Ni sư Vô Tận Tạng trong nháy mắt đã biến mất và chuyển thành mây đen u ám. Ni sư thu lại tầm mắt, với giọng điệu hơi trách móc, nói: “Phật cấm nói láo, cho nên người học Phật thành thật là điều đầu tiên. Ông ngay chữ cũng không biết, làm sao có thể giải thích đạo lý thâm sâu ở trong kinh văn được?”

“Chân lý của Phật pháp và văn tự không liên quan gì với nhau!”

Ngài Huệ Năng đúng là người chưa nói cho người ta kinh sợ thì chưa thôi! Lưu Chí Lược và Ni sư Vô Tận Tạng đều bị câu nói này của Ngài làm cho kinh hoàng: Cái gì? Phật pháp thần kỳ, huyền diệu và văn tự không có liên quan gì? Vậy thì, còn cần thiên kinh vạn quyển này làm gì nữa? Người xưa thập tử nhất sinh đến Tây Thiên thỉnh kinh, chẳng phải để mang về những quyển kinh sách hay sao? Hai người họ đang nhìn Ngài Huệ Năng chăm chăm giống như đang nhìn thấy quái vật. Ngài Huệ Năng lại không hiểu gì cả hít hít lỗ mũi, vừa tìm kiếm khắp nơi, vừa hỏi rằng: “Hương hoa từ đâu đến vậy?”

Ngài Huệ Năng này không chỉ là một người “có mắt như mù” mà còn giống người mù thật, ngay cả loài hoa rừng Thấu Lan Mạn Ni sư Vô Tận Tạng cúng trên bàn thờ Phật cũng nhìn mà không thấy. Ni sư Vô Tận Tạng đưa tay chỉ chỉ bình hoa cúng trên bàn thờ, nói: “Ồ! Bần ni mỗi sáng sớm đều hái hoa dại cúng Phật. Hương hoa thoang thoảng trong phòng chính là mùi hương chúng toả ra”.

Huệ Năng lại nghiêng tai, lắng nghe gì đó: “Có người đang đánh đàn ở đâu đó?”

Lưu Chí Lược nói: “Ngôi chùa này sở dĩ được gọi là chùa Sơn Giản, chính vì bên trái có một khe suối, nước suối róc rách giống như tiếng đàn. Xem kìa, chính là bên kia”. Lưu Chí Lược chỉ tay ra phía ngoài chùa.

Ánh mắt của Ngài Huệ Năng không nhìn theo hướng tay anh ta chỉ, mà chăm chú đếm đầu ngón tay của anh ta. Lưu Chí Lược vừa giận vừa buồn cười, nói: “Huệ Năng! Ông vốn là người rất sắc sảo thông minh. Hôm nay bị làm sao vậy? Ông nhìn ngón tay tôi làm gì? Ngón tay không phải là nước suối, cũng không phát ra âm thanh!”

Lúc này, Huệ Năng mới cười lớn, nói: “Các ngươi thấy không, chân đế của Phật pháp cũng giống như hương hoa đẹp đẽ thơm tho, cũng giống như tiếng động của nước chảy. Nhưng văn tự, chỉ giống như ngón tay của các ngươi chỉ cho ta xem. Ngón tay có thể chỉ ra chỗ hương hoa và nước chảy đang có mặt, nhưng bản thân ngón tay của các ngươi hoàn toàn không phải là mùi hương của hoa dại, cũng không phải là tiếng nước chảy. Vì thế, nhìn một đoá hoa đẹp, nghe tiếng nước suối chảy hoàn toàn không nhất định phải thông qua ngón tay chỉ”.

Cuối cùng, Huệ Năng tổng kết lại rằng: “Diệu lý của chư Phật, không liên quan đến văn tự, cho nên không thể chấp trước đối với kinh văn”.

Từ đó, Ni sư Vô Tận Tạng rất kính phục Ngài Huệ Năng và đã lễ bái sát đất. Ni sư khen ngợi Ngài Huệ Năng với dân chúng trong thôn rằng: “Ngài thiên cơ tự ngộ, không có Thầy mà tự thông hiểu, người thường không thể theo kịp, là bậc Đại bồ tát tái thế”.

Vì thế, dân chúng trong thôn Tào Hầu dưới sự lãnh đạo của bậc đại thiện Tào Thúc Lương, lễ thỉnh Ngài Huệ Năng vào trú trong chùa cổ Bảo Lâm rất nổi tiếng ở vùng đó.

Liên quan đến thiền cơ: Phiền Não Của Mình Tự Mình Dứt Hết

Thư sinh trẻ tuổi tánh tình thoải mái, phong lưu hào phóng, thường ngày hay rủ rê bạn bè, đứng trước gió mà uống rượu. Đám công tử bọn chúng suốt ngày ăn uống, xem ca múa, du sơn ngoạn thuỷ, há không vui sao? Việc học của chúng đương nhiên cũng dần dần lơ là. Thầy giáo của thư sinh là một Tiên sinh đạo học cứng nhắc, ân cần nhắc nhở anh ta: Rượu ngon, thức ăn ngon qua ruột là xong, âm thanh, sắc tướng ca múa càng như khói mây bay qua tầm mắt, chỉ có Thánh giáo của Khổng Phu Tử mới lưu lại ở trong tâm. Chỉ cần con có thể thể hội một cách sâu sắc những câu này thì có thể suốt đời hưởng không hết”.

Học trò gật đầu lia lịa, cúi người xuống thưa với tiên sinh: “Thưa Thầy! Thầy dạy đúng lắm, con sẽ nhớ kỹ câu nói này của Thánh Khổng!”

Thầy giáo rất lấy làm lạ, hỏi: “Ồ, thật chứ? Câu nói nào đâu?”

Khổng Phu Tử nói: “ăn uống và chuyện trai gái há chẳng phải là thiên tính sao”

Bài tụng viết:

“Đã có diệu lý của chư Phật,

Đâu cần lời lẽ của Khổng Thánh,

Nếu cứ tìm cầu trên văn tự,

Chắc chắn sẽ luống công vô ích”

(Tự hữu chư Phật Diệu Nghĩa

Mặc câu phu tử ngôn cú,

Nhược hướng văn tự tham cầu,

Định nhiên đồ lao vô ích.)

Có một tín đồ rất thành kính, suốt ngày cầu nguyện trước tượng Quán Thế Âm Bồ tát, hy vọng Bồ tát ban cho anh ta sự giàu có và hạnh phúc. Mọi người đều nói: Bồ tát Quán Thế Âm hễ cầu nguyện tất đáp ứng, nhưng đã mấy mươi năm qua đi, anh ta vẫn khốn khó như xưa.

Rồi một hôm, không thể nhẫn nại được nữa, lời cầu nguyện của anh ta đã biến thành lời oán trách: “Quan Thế Âm Bồ tát! Mọi người đều nói Ngài đại từ đại bi, có ba mươi hai ứng thân, tuỳ nơi mà hiện hoá, không có gì là không làm được. Nhưng tại sao Ngài lại cứ bỏ quên con như thế? Đã nhiều năm nay, không có ngày nào con không cầu nguyện với Ngài, thế mà, thần may mắn lại không hề chiếu cố đến con. Ngài xem, hàng xóm của con chẳng có ai thành kính đối với Ngài như con, thường ngày ngay cả thắp hương họ cũng không thắp, nhưng Ngài lại để cho vé số mà họ mua trúng thưởng lớn! Điều này thật sự bất công quá…”

Bồ tát Quán Thế Âm thực sự bị những câu than vãn dây dưa của anh ta làm phiền, bèn mở lời nói: “Những năm nay, ngoài việc không ngừng cầu nguyện ra, còn làm những gì nữa? Ngay cả việc muốn trúng thưởng thôits ra cũng phải mua lấy một tấm vé số chứ?”

Bài tụng viết:

“Người nào ăn cơm người đó no,

Phiền não của mình tự mình đoạn,

Xưa nay đâu có đấng cứu thế,

Dựa tường tường đổ lẽ đương nhiên.”

(Cá nhân ngật phạn cá nhân bảo,

Tự kỷ phiền não tự kỷ liễu,

Tùng lai một hữu cứu thế chủ,

Tổng thị kháo tường tường yếu đảo.)

TẮC THỨ HAI: BẺ GÃY NGẠO MẠN

Sau khi Ngài Huệ Năng sang sông, Ngài gạt nước mắt từ giã Sư phụ Ngũ Tổ. Ngày đêm Ngài tiếp tục lên đường, đi thẳng đến núi Đại Dữu ở giáp giới của Giang Tây và Quảng Đông. Trèo đèo, lội suối đi qua ngọn núi vừa dài vừa cao vừa nguy hiểm này là đến cố hương Lĩnh Nam rồi.

Cuối cùng, Ngài lại được trở về Tào Khê.

Bá tánh trong thôn Tào Hầu nghe nói Huệ Năng đạt được y bát của Tổ sư Thiền tông trở về, họ reo vui rộn rã đón tiếp như một vị anh hùng của dòng họ trở về. Thế là, họ khua chiêng đánh trống, lần nữa ủng hộ tôn sùng đưa Ngài Huệ Năng đến chùa Bảo Lâm, mời Ngài đăng đàn thuyết pháp, hoằng dương thiền pháp. Nhưng chỉ được chín tháng, hành tông của Huệ Năng bị bọn ác đồ phát hiện và vọng tưởng tranh đoạt y bát Thiền tông. Trong một đêm không trăng, gió lớn, chúng xông vào chùa Bảo Lâm, đi thẳng vào phương trượng của Ngài Huệ Năng đang ở….

May mắn thay! Đại sư Huệ Năng sau khi khai ngộ, trực giác vô cùng nhạy bén. Trong tâm Ngài rõ ràng sáng tỏ, thường biết rõ mọi việc, nên sớm đã nhận ra ý đồ bất lương của họ và đã trốn đi trước. Ngài trốn đến một ngọn núi lớn cây cối rậm rạp ở phía sau ngôi chùa. Ai ngờ bọn người tán tận lương tâm kia vì muốn ép Ngài đi ra khỏi rừng núi, đã ngang nhiên phóng hoả đốt núi!

Lửa cháy bừng bừng, khói đen cuồn cuộn, thế lửa càng lúc càng mạnh, ngọn lửa cháy càng lúc càng gần…

Ngay thời khắc đó, nếu Ngài Huệ năng không tự cứu mình, thì có thể tiêu thân trong biển lửa!

Không chút lo sợ, Ngài đi đến khe hở giữa hai tảng đá lớn, xếp bằng hai chân ngồi xuống, nhập vào thiền định sâu xa - sự việc bất khả tư nghì đã phát sanh, nhục thân của Ngài vẫn được ẩn dấu sâu giữa hai tảng đá!

Theo truyền thuyết, Sơ tổ Thiền tông – Tôn giả Đại Ca Diếp, chính nhờ lực của thiền định này đã ẩn vào trong ngọn núi Kê Túc, đợi đến khi Phật Di Lặc giáng sanh. Mà ngày nay, trên tảng đá ở núi Tào Khê vẫn còn lưu giữ dấu tích Lục Tổ Huệ Năng kiết già phu toạ, thậm chí những đường hoa văn trên y phục cũng rất rõ ràng. Mọi người đều gọi đó là “Tị nạn thạch” (đá tị nạn).

Ngài Huệ Năng sau khi lánh nạn ở trong núi sâu vùng Hoài Tập, Tứ Hội ở Quảng Đông mười lăm năm, pháp duyên cuối cùng cũng đã chín muồi. Lần thứ ba Ngài đến Tào Khê chính thức trú trì chùa Bảo Lâm (nay là chùa Thiều Quan Nam Hoa). Tin tức Lục Tổ thiền tông xuất thế ở Lĩnh Nam nhanh chóng truyền khắp Phật môn, rất nhiều Tăng nạp nghe danh thiền phong mà đến quy y.

Đúng là mùa xuân, thời tiết rất ôn hoà, muôn hoa đua nở, sắc xuân tươi đẹp, gió xuân ấm áp, Thiền Tăng hành cước vân du, gậy thiền làm ngựa vượt qua ngàn non, giày cỏ làm thuyền vượt qua sông suối, đến các tòng lâm hai bên bờ Bắc Nam sông lớn để thăm viếng hỏi đạo. Ngày hôm nọ, một Tỳ kheo (người xuất gia) trẻ tuổi đang dong ruổi trên con đường cát bụi dặm trường. Anh ta tên là Pháp Đạt, chớ thấy anh ta trẻ mà cho rằng anh ta còn nhỏ; Tăng lạp (năm tháng xuất gia) lại rất nhiều - mới bảy tuổi đã xuất gia. Anh ta nghe nói Lục Tổ đã lộ diện, không quản đường sá xa xôi, từ Hồng Châu tỉnh Giang Tây (nay là Nam Xương) vội đến bái yết. Thế mà, lúc anh ta đi vào chùa Bảo Lâm, khi thật sự nhìn thấy Lục Tổ Huệ Năng, lại rất thất vọng: lẽ nào người vừa thấp, vừa xấu , vừa đen, vừa gầy này lại chính là Tổ sư đời thứ sáu của Thiền tông sao? Lẽ nào kẻ nam man một câu cũng không biết này lại thật sự tinh thông Thiền pháp thần kỳ mà huyền diệu hay sao?

Nhưng đã đến trượng thất người ta, Pháp Đạt không thể không theo quy cũ viếng chùa của người xuất gia, đành đảnh lễ Đại Hoà thượng đường đầu ba lễ. Đương nhiên, sự lễ bái của anh ta rất là qua loa lấy lệ, ngay cả đầu cũng chưa được sát đất. Lục tổ thấy như vậy liền quở trách: “Tăng nhân đảnh lễ nên năm vóc sát đất, mà kiểu dáng lễ bái của ngươi thì đầu không sát đất, chẳng bằng đừng khấu đầu còn hơn! Ngươi cống cao ngã mạn như vậy, trong tâm nhất định đang chứa loại tự phụ gì trong đó!”

“Con là Pháp Đạt Tu trì ‘kinhPháp Hoa’ đã mười mấy năm, đã từng tụng niệm hơn ba ngàn lần”. Vừa nói, ý thức trong đầu Pháp Đạt lại trổi lên.

Lục Tổ nói: “Ngươi tên là Pháp Đạt mà chưa từng đạt pháp! Tăng nhân đảnh lễ không chỉ để bày tỏ sự tôn trọng của mình đối với người khác, mà còn để chiết phục tâm ‘ngã mạn’ của mình. Bởi vì, trong tâm người xuất gia một khi vẫn còn tập khí ngạo mạn, ngã chấp chưa đoạn trừ thì không thể thể ngộ được chân lý của vũ trụ nhân sinh. Ngươi chỉ mới đọc kinh ngoài miệng, ý nghĩa trong kinh điển ngươi vẫn chưa rõ. Ngươi nên hiểu rằng, chỉ có sáng tâm thấy tánh, mới có thể gọi là Bồ tát”.

Pháp Đạt đỏ mặt tía tai, lung túng đứng dậy ngay tại chỗ đó.

Lục Tổ nhẹ nhàng thở ra một hơi rồi chậm rãi nói: “Hôm nay, ngươi từ xa đến thăm ta, cũng coi như có duyên phận, nay Ta nói cho ngươi diệu nghĩa của Phật pháp.

Lục Tổ đưa cho Pháp Đạt một tách trà, đợi anh ta uống hết, mới hỏi: “Pháp Đạt! ngươi hãy miêu tả chính xác hương vị của tách trà này là gì? Nó và tách trà ngươi đã từng uống trước đây có gì khác nhau?”

“Điều này, điều này,…” pháp Đạt ngập ngừng hồi lâu mà vẫn không nói chính xác ra được hương vị của tách trà.

Lục Tổ cười lớn, nói: “Thiền không thể dùng lời lẽ để nói, như người uống nước nóng lạnh tự biết lấy. Áo diệu của Phật pháp cũng không thể dùng chữ nghĩa để biểu đạt. Tất cả kinh sách, kể cả “kinhPháp Hoa” đều là công cụ để đức Phật chỉ dạy cho chúng ta khai ngộ. Nó cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng, mục đích là để cho chúng ta thuận lợi, nhanh chóng tìm ra mặt trăng. Mà bản thân ngón tay hoàn toàn không phải là mặt trăng. Nếu ngươi chỉ nghiên cứu sự thô tế, dài ngắn, màu sắc của ngón tay thì mãi mãi ngươi không thể tìm ra mặt trăng trên trời. Cho nên, người học Phật phải trực tiếp tìm tòi nghiên cứu bản thể của Phật pháp mà không chấp trước vào kinh điển. Nếu ngươi trì tụng kinh ‘Pháp Hoa’ với tâm trạng như thế thì tất cả diệu pháp sẽ như hoa sen vậy, tự nhiên sinh ra từ trong miệng ngươi!”

Pháp Đạt nghe lời dạy của Lục Tổ xong hoát nhiên có chút tỉnh ngộ, nhưng trong lòng vẫn còn một chút nghi hoặc, do dự hỏi tiếp: “Nói như vậy thì chỉ cần hiểu được ý nghĩa của kinh điển thì không cần phải mệt thần phí sức đọc tụng kinh văn sao?”

Lục Tổ Huệ Năng nói: “Kiểu lý giải máy móc của ngươi chẳng phải cái này tức là cái kia như vậy, lại sa vào một loại giáo điều khác. Kinh điển có gì sai, há nó có thể trở ngại việc đọc tụng của ngươi sao? Nếu như miệng trì tụng kinh văn, tâm cũng có thể thực hành tu tập, chính là ‘chuyển kinh’; Nếu như miệng đọc kinh văn mà tâm lại không biết thực hành, như vậy thì đã bị chuyển theo kinh.

Lục Tổ lại ngâm tụng một bài kệ cho Pháp Đạt:

“Tâm mê Pháp Hoa chuyển, tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.

Tụng kinh lâu không hiểu, oán trách tại nghĩa lý.

Không suy nghĩ tức chánh, có suy nghĩ tức tà.

Có không đều không tính, thường cưỡi xe Trâu trắng.”

(Tâm mê ‘Pháp Hoa’ chuyển, tâm ngộ chuyển ‘Pháp Hoa’.

Tụng kinh cửu bất minh, dữ nghĩa tác cừu gia.

Vô niệm niệm tức chánh, hữu niệm niệm thành tà.

Hữu vô câu bất kế, trường ngự Bạch Ngưu xa.)

Xe Trâu trắng là một thí dụ trong kinh ‘Pháp Hoa’, đại biểu cho nguồn gốc tự tánh con người của chúng ta. Pháp Đạt nghe kệ xong, rỗng rang đại ngộ. Từ đó, anh ta suốt đời đi theo Lục Tổ, trở thành một trong mười người đệ tử lớn của Ngài Lục Tổ Huệ Năng.

Liên quan đến thiền cơ: Đánh Tức Là Không Đánh

Có một vị Tú tài, nuốt trỗng đầy một bụng thiền lý, đi khoe khoang khắp nơi. Anh ta nghe nói Thiền sư trú trì trong một ngôi chùa tinh thông thiền pháp, nhưng lại rất nghi ngờ, bèn tìm đến chùa để so sánh sự sắc sảo thiền cơ với Thiền sư.

Sau khi gặp mặt, Tú tài tự cho mình cao siêu không chịu dập đầu lễ bái, chỉ cúi đầu chào hỏi mà thôi. Lão Thiền sư hỏi: “Ngươi tuổi trẻ, lại là người có học, thấy người lớn tại sao không lễ bái?”

Tú tài đã chuẩn bị trước, nên thưa: “Con cúi đầu chào hỏi, tuy trên hình thức thì chưa từng lễ bái, nhưng trong tâm lại lễ bái rồi. Thiền sư hà tất phải phân biệt hình thức bên ngoài?”

Thiền, siêu việt tất cả hình thức, không bị giới hạn câu nệ bởi khuôn khổ, không còn phân biệt đối lập. Từ trên góc độ thiền mà nhìn, lời nói của Tú tài hoàn toàn không sai, vì thế Tú tài đắc ý liếc xéo qua Lão Thiền sư, xem ông ứng đối như thế nào?

Lão Thiền sư không nói tiếng nào, cầm thiền trượng lên, thẳng tay gõ trên đầu Tú tài ba cái. Tú tài rất giận dữ, hét lên: “Ông là một người xuất gia, theo lý mà nói thì tâm không được sân hận, tại sao lại động một cái là đánh người vậy?”

Lão Thiền sư mỉm cười, không chút lo lắng, nói: “Đánh tức là không đánh, tay ta tuy đánh ngươi nhưng trong tâm ta lại không đánh ngươi, Tú tài ngươi hà tất lại phải phân biệt?”

Tú tài đớ lưỡi không thể đáp được, xấu hổ lui ra.

Tú tài lý lẽ hồ đồ nên bị đánh, bị đánh nên càng hồ đồ, trong lòng rất không phục, quyết tâm sẽ dành lại thể diện.

Hạt nhân của Phật giáo không phải là ‘Không’ sao? Thế là, anh ta bắt đầu nghiên cứu rất thấu triệt nghĩa ‘Không’ của Phật giáo, lại thêm anh ta biện tài vô ngại, cho nên chẳng bao lâu đã có thể trình bày một cách rành mạch ‘Thập Nhị Không’ trong ‘kinh Đại Phẩm Bát Nhã’ như hoa trời tung khắp. Rất nhiều người suốt đời nghiên cứu Phật giáo đều biện luận không qua anh ta.

Thế rồi, người Tú tài đã chuẩn bị sẵn sàng này lại lần nữa đến chùa, ngồi xuống đối diện với Lão Thiền sư. Đề tài họ bàn luận đương nhiên là ‘Không’. Tú tài nói thao thao bất tuyệt những lý giải về ‘Không’ của mình: “Tâm không, Phật không, chúng sanh không, cả ba đều không; Hiện tượng không, bản chất không, tự tánh chân không. Vì tất cả đều không cho nên không có phiền não có thể đoạn trừ, không có Bồ đề có thể chứng, không có mê, không có ngộ, không có phàm, không có Thánh, không có người cho và không có người nhận….”

Lão Thiền sư chỉ bình tĩnh lắng nghe, Ngài rót trà cho Tú tài, nhưng Tú tài không rãnh miệng để uống; Thiền sư lại đưa cho anh ta một trái cây rừng, hai tay anh ta lại bận ví dụ, đành phải tạm thời đặt ở một bên. Có một con ruồi lại không khách khí, bay qua đáp xuống trên trái cây mà Tú tài chưa rãnh để thưởng thức. Luận chứng ‘Không’ của Tú tài như thác nước trên núi cao cuồn cuộn trút xuống, đương nhiên chẳng để ý đến ruồi hay không ruồi gì cả. Thiền sư đem phất trần ra đuổi ruồi, thuận thế gõ luôn trên đầu tú tài một gõ. Người thanh niên vô cùng phẫn nộ: “Lão Hoà thượng này, miệng nói không hơn người ta, lại cứ động một chút là ra tay!”

Ánh mắt giận dữ của anh ta trợn tròn, nhìn trừng trừng Thiền sư. Thiền sư mỉm cười, chậm rãi nói: “Đã nói tất cả đều là không, vậy xin hỏi giận dữ của ngươi từ đâu đến? Vì sao mà nảy sinh?”

Kệ tụng viết:

“Có ngã tức vô ngã,

Không lễ tức là lễ,

Chỉ nói suông về thiền,

Làm sao sáng tỏ tâm?”

TẮC THỨ BA : MIÊU TẢ CHÂN NGÃ

Sau khi Lục Tổ Huệ Năng trú trì chùa Bảo Lâm, Ngài xây dựng mở rộng chùa chiền, tiếp dẫn học tăng, suốt ngày bận rộn tối mắt tối mũi. Một hôm, Ngài phát hiện y ca sa Tổ truyền lại bị nhăn nheo, dính đầy bụi đất. Thế là Ngài tranh thủ thời gian đem y ca sa ra khỏi chùa, định đến bờ Tào Khê giặt.

Nước Tào Khê uốn lượn quanh co khúc khuỷu, một đoá hoa rừng lãng mạn đang trôi theo dòng nước lượn lờ. Trời xanh mây trắng đang phản chiếu xuống dòng sông, tạo ra một vòng cung tự nhiên khoáng đạt trước chùa Bảo Lâm, sau đó tan ra, reo vui bay về phương xa.

Bên bờ suối, có mấy Sa di nhỏ tuổi đang giặt áo quần. Họ cũng rất chăm chỉ, ngay cả áo quần trên người cũng đem giặt hết - Bạn chà áo, tôi tạt nước, kết quả, toàn thân mọi người đều là nước, ướt như chuột lột. Bọn họ không lo không buồn, dường như còn vui vẻ, hoạt bát hơn cả dòng nước Tào Khê trong mát, những hòn đá cuội lớn nhỏ dường như được kết thành từ những tiếng cười khanh khách của đám Tiểu Sa di.

Sông Tào Khê, như dây đàn, như móc câu

Như tiếng đàn ngâm khúc Bồ đề

Như câu không được làn mây trắng

Âm vang của thiền xanh thăm thẳm.

Lục Tổ Huệ Năng lặng lẽ bỏ đi. Một là Ngài không muốn vì sự hiện diện của mình mà làm cho tiếng cười đùa của họ biến mất; Hai là, Ngài nghĩ, áo ca sa này là vật thần thánh do Tổ sư Đạt Ma đem từ Ấn Độ sang, ngộ nhỡ nước suối từ trên nguồn chảy xuống cũng có người đang giặt rửa ở phía trên, dơ bẩn theo dòng mà chảy xuống, há không phải là coi thường ca sa sao?

Đại sư Huệ Năng quay người, tay cầm thiền trượng – cũng gọi là tích trượng, đi về hướng núi sâu ở sau chùa.

Đi rồi nghỉ, nghỉ rồi đi, không ngớt tìm kiếm, Đại sư Huệ Năng vừa đi vừa quan sát, bất giác đã đi được bốn, năm dặm đường, Ngài đi đến một nơi đều tĩnh, cây cối um tùm ở trong rừng.

Ở đây, những cây cổ thụ cao chọc trời, bóng cây che khắp mặt đất, cỏ thơm như tấm thảm, không khí trong lành bao quanh. Chẳng biết tại sao nữa mà Lục Tổ Huệ Năng lại mỉm cười. Với dáng vẻ trang trọng, Ngài đứng giữa một khoảng đất trống, nhắm mắt trầm tĩnh trong giây lát, sau đó dộng tích trượng xuống đất một cái rồi chọc thẳng xuống đất.

Dường như Ngài không dùng lực, nhưng toàn cây tích trượng đã chôn vào lòng đất sâu. Điều thần diệu hơn nữa là khi Ngài nhổ cây tích trượng lên, một dòng nước xanh trong ào ào phun lên. Trong khoảnh khắc, nước đã tụ lại thành một hồ nước trong xanh– Đây chính là ‘suối Trác Tích’ rất nổi tiếng.

Sau đó vài trăm năm, một nhà văn hoá lớn đời nhà Tống là Tô Thức đã hai lần đến tham bái chân thân của Lục tổ. Ở bên suối Trác Tích lời văn của ông cũng đã tuôn trào bất tận như dòng suối, ông đã múa viết ra bài: ‘Trác Tích Truyền Minh’. Đây là một câu cuối cùng của bài Minh.

Lục Tổ vốc một ngụm nước suối lên nếm thử, nước suối mát lạnh tinh khiết, làm cho tinh thần người ta chấn động. Ngài quỳ xuống cẩn thận giặt y ca sa….

“A Di Đà Phật”, sau lưng Ngài bỗng nhiên có tiếng niệm Phật vẳng lại. Lục Tổ quay người, một Tỳ kheo trẻ tuổi chắp tay cúi chào, rồi thưa Ngài rằng: “Xin hỏi Pháp sư, đến chùa Bảo Lâm phải đi như thế nào?”

Lục Tổ nhìn dáng vẻ lặn lội đường xa, cát bụi dặm trường của anh ta nên xách ca sa ướt đứng dậy hỏi: “Ngươi từ đâu đến?”

Nào ngờ, vị tăng kia vừa thấy ca sa trong tay Huệ Năng liền thất kinh la lên, quỳ sụp xuống đất, cảm động thốt lên rằng: “Đệ tử Phương Biện xin bái kiến Lục Tổ Đại sư”.

Lục Tổ ngạc nhiên hỏi lại rằng: “Phương Biện? Ông tên là Phương Biện à? Chúng ta từng gặp nhau sao?

Dạ không, chưa từng gặp qua, đây là lần đầu tiên đệ tử được yết kiến Hoà thượng.”

“Vậy làm sao ông lại quen biết ta?”. Ngài hỏi.

Phương Biện trả lời: “Đệ tử là người nước Tây Thục, vì muốn cầu phương pháp cao siêu nên đã du hành đến Ấn Độ - quê hương của đức Phật - đã từ bao năm nay. Tại nơi đây, đệ tử gặp được một vị cao tăng thần kỳ. Đệ tử thỉnh cầu Ngài truyền thọ Phật pháp, Ngài bảo rằng: “Chánh pháp nhãn tạng do đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni truyền lại cùng với ca sa được truyền cho các đời Tổ sư đã sớm đến Trung Quốc rồi. Tính đến nay đã truyền được sáu đời, hiện nay Lục Tổ Huệ Năng đang ở núi Lãnh Nam Tào Khê truyền dạy pháp thiền. Ngài dạy đệ tử khi về nước thì đầu tiên phải đến Tào Khê cầu pháp. Cho nên, đệ tử vừa thấy thần lực oai nghiêm thanh khiết của ca sa liền nhận ra ngay Ngài chính là Lục Tổ Đại sư. Đại sư, xin Ngài cho con được chiêm ngưỡng chiếc ca sa kỹ hơn một chút được không ạ?”

“Tất nhiên là được rồi” Đại sư Huệ Năng giũ giũ y ca sa, những hạt nước vải tung xống như những hạt trân châu lấp lánh, đúng lúc đó dường như ca sa phóng ra hào quang thần kỳ…

Phương Biện đâu kịp chiêm ngưỡng gì, chỉ biết năm vóc gieo sát đất, dập đầu lia lịa như gà mổ thóc…

Lục Tổ Huệ Năng mỉm cười, nói: “Phương Biện! Trên đất có thóc hay sao vậy? Phương Biện giật mình, nhìn quanh, thưa: “Dạ không!”

Lục Tổ nói: “Không có thóc, tại sao dáng vẻ ngươi giống như gà con ăn thóc vậy?”

Phương Biện biết Lục Tổ đang nói đùa, nên xấu hổ đứng dậy. Lục Tổ dường như có suy nghĩ gì, bèn hỏi: “Phương Biện, ngươi xem trọng y ca sa này như thế, vậy trước đây ngươi làm nghề gì?”

Phương Biện không hiểu dụng ý của Lục Tổ, nên nói theo sự thật: “Đệ tử làm nghề kỹ nghệ đắp nặn do Tổ tông truyền lại. Khi con chưa xuất gia, con lấy nghề đắp nặn tượng thần để sinh sống. Sau khi đã xuất gia, con cũng đã từng đắp tượng Phật và Bồ tát cho thiện tín”.

“Thảo nào ngươi không ngừng lễ bái pháp y ca sa như vậy?” Lục Tổ nói, “Vậy thì, Phương Biện hãy đắp cho ta một tượng xem xem.”

Thực ra, bổn ý của Lục Tổ là, thật Phật vô hình, thật tướng vô tướng, một người làm sao có thể đắp nặn được hình tướng chân thật của Phật! Phương Biện không hiểu thiền cơ trong câu nói, nên vài ngày sau đem đến một pho tượng đắp về hình tướng của Lục Tổ Huệ Năng. Tượng cao khoảng bảy tấc, hình tượng rất giống, thật là kỳ diệu, tái hiện giống như thật nét mặt tươi cười của Lục Tổ Huệ Năng, có thể nói là rất tuyệt diệu. Thật không biết là Lục Tổ Huệ Năng thu nhỏ thành bức tượng hay bức tượng phóng to thành Lục Tổ Huệ Năng?

Lục Tổ Huệ Năng cầm bức tượng của chính mình, ngắm nhìn rồi cười. Tiếp đó Ngài nói với Phương Biện: “Phương Biện, tuy ngươi nắm bắt được kỹ xảo đúc tượng rất sống động, nhưng lại không hiểu Phật tánh chân thật. Lục Tổ thấy anh ta hoang mang bèn gợi ý rằng: “Trong kinh Kim Cang đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy: ‘phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng’, điều này muốn nói đức Phật chân thật chính là vô tướng. Người học Phật không thể chấp trước hình tướng bên ngoài mà quên mất tự tâm, cái chúng ta cần lễ bái là đức Phật thiên chân tự tánh vốn có, chứ không phải là những hình tượng khắc bằng gỗ, nặn bằng bùn đất này”.

Dường như Phương Biện đã hiểu ra được điều gì, Lục Tổ xoa xoa trên đầu anh ta và nói rằng: “Phương Biện! Ngươi xuất gia làm tăng, mong rằng ngươi luôn luôn là tấm gương cho hàng trời người, là ruộng phước của thế nhân”.

Giống như được tưới nước đề hồ lên đỉnh đầu, những cảm giác từ trước tới nay chưa từng thể nghiệm này từ trên đỉnh từ từ chảy vào ruộng tâm của Phương Biện, giống như chủng tử Bồ đề ở trong tâm của Phương Biện đang nở một đoá hoa sen mát mẽ, linh diệu. Lục Tổ Huệ Năng giải tấm y ca sa đang đắp trên mình xuống trân trọng tặng cho Phương Biện. Phương Biện đón lấy y ca sa, cảm động quá nên chẳng biết làm thế nào nữa, hai hàng nước mắt nóng hổi như dòng suối nhỏ tuôn trào vì sung sướng, biết ơn. Phương Biện đi ra khỏi phương trượng đi lên đại điện, dùng giới đao (con dao nhỏ các vị Tăng mang theo) cắt y ca sa mà Lục tổ cho thành ba phần: một phần đắp lên tượng của Ngài Huệ Năng, một phần dấu vào trong người, còn một phần dùng vỏ cây cọ, cẩn thận nghiêm túc bọc lại rồi chôn sâu xuống đất. Sau đó, anh ta chắp tay quỳ xuống chỗ đất đó ngước mặt lên trời phát nguyện: “Sau này nếu có ai đào được y ca sa này, người đó chính là tái sanh của Ta, Ta sẽ trú trì chùa Bảo Lâm này, trùng hưng chùa chiền, hoằng truyền chánh pháp”.

Nhiều năm sau, vào năm thứ tám niên hiệu Gia Hộ triều đại nhà Tống, có một vị Thiền sư tên là Duy Quang, trú trì chùa Bảo Lâm . Để trùng tu đại điện, lúc đào móng làm chùa, đã đào được y Tổ truyền lại vẫn còn mới như in…

Liên quan đến thiền cơ: Vẽ Ma

Có một vị hoạ sĩ làm nghề vẽ tượng. Nếu như đem việc “cửa có thể bủa lưới bắt chim được” (vắng vẻ ít khách) để hình dùng việc buôn bán của anh ta thì thật là chính xác. Bởi vì cửa nhà anh ta có nhiều chim đậu – không có khách đến quấy nhiễu, chỉ có chim sẻ đến kiếm ăn. Anh ta suy đi nghĩ lại, cuối cùng nghĩ ra được một chủ ý: đem ảnh của hai vợ chồng mình dán lên trên cửa làm bảng hiệu quảng cáo để mời chào buôn bán.

Một hôm, nhạc phụ đến nhà anh ta chơi, chưa vào đến cửa, ông đã chỉ hình người con gái đứng trên tấm biểu treo ở cửa, nói: “Người con gái này là ai vậy?”

Người hoạ sĩ chau mày, kinh ngạc nói: “Con gái của bố mà!”

Nhạc phụ càng chau mày hơn cả anh ta, giọng điệu cũng rất kinh ngạc: “Đã là con gái của ta, vì sao nó lại ngồi với một người con trai lạ hoắc như vậy?”

Hoạ sĩ lỡ khóc lỡ cười, lúng ta lúng túng, lập tức chuyển đề tài, hỏi bố đến làm gì? Nhạc phụ nói đến nhờ anh ta vẽ một bức ảnh chân dung cho Tổ tiên, treo trong từ đường để thờ phụng.

Cũng có thể coi là có người đến cậy anh ta hoạ hình rồi! Hoạ sĩ vui mừng hoa tay múa chân, nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ vẽ. Nhưng vừa chuẩn bị xong, lại không biết bắt đầu vẽ từ đâu – vì anh ta chẳng hề biết đến hình dáng tổ tiên của nhạc phụ.

Nhạc phụ nói: “Đã là tổ tiên, có lẽ sẽ gần giống với hình dáng của ta thôi”.

Thế là, hoạ sĩ liền dựa theo hình dáng của nhạc phụ mà vẽ. Một tiếng đồng hồ sau, anh ta bảo đã vẽ xong rồi. Nhạc phụ vừa nhìn thoáng qua đã phẫn nộ, nói: “Bức hoạ con vẽ là một con ma hả?!”

Hoạ sĩ huyênh hoang không chút ngượng mồm mà trả lời rằng: “Tổ tiên của bố qua đời đã lâu lắm rồi, vốn dĩ đã là một con ma mà?”

“Vậy thì anh đem bán cho quỷ đi!”. Nhạc phụ phẩy tay áo bỏ đi.

Người hoạ sĩ chợt nghĩ ra: Hình dáng của con người ai ai cũng quen thuộc, khác đi một chút người ta có thể nhận ra ngay, nhưng ma là vật vô hình, chưa ai từng thấy nó, giống hay không giống cũng chẳng thể biết được. Từ đó trở về sau, anh ta thực sự không vẽ hình người nữa mà chuyên vẽ ma, nên buôn bán ngày càng phát đạt.

Nhưng, bức vẽ của annh ta có thật là ma không? Ma có thật là có dáng vẻ như anh ta vẽ không?

Có bài tụng rằng:

Vẽ tiên, vẽ quỷ, khó vẽ người,

Vẽ dung, vẽ mạo, vẽ sao được thần,

Phật tánh không tướng làm sao vẽ?

Nặn bùn khắc gỗ há là chân!

TẮC THỨ TƯ: NAM ĐỐN BẮC TIỆM

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng do đức hạnh chiêu cảm, danh tiếng vang xa, Tăng nạp trong thiên hạ đều hướng về, Đệ tử ngày càng đông đảo, chùa chiền phát triển thành mười ba ngôi, gọi chung là “Hoa Quả Sơn”. Một nhà văn lớn là Vương Duy gọi tình hình lúc bấy giờ là ‘Năm châu đều hướng về, trăm họ đều qui ngưỡng” Tại vùng đất Lĩnh Nam hoang dã chưa từng được khai hoá này, chùa Bảo Lâm không chỉ là Trung tâm Phật giáo mà còn là nơi văn phong giáo hoá. Nhờ sự hoằng hoá của Đại sư Huệ Năng mà dân phong, phong tục ở đây vốn lạc hậu dần dần đã được cải thiện. Vùng Tào Khê hẻo lánh đã trở thành Trung tâm văn hoá Phật giáo của phía Nam Trung Quốc.

Đồng thời lúc đó, một vị cao túc khác của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn - tức Ngài Thần Tú, bị Đại sư Huệ Năng đánh bại, buồn vì mất đi địa vị Lục Tổ Thiền tông, vốn ẩn cư tiệm tu ở núi Đang Dương, Hình Châu, định ở núi rừng tu đến suốt đời. Nhưng trời cũng có khi mưa gió khôn lường. Sư đệ của Ngài là Thiền sư Pháp Như đã cắm lên ngọn cờ hoằng dương Thiền tông ở Trung Nguyên, nhưng chí lớn chưa thành; Thiền sư trẻ tuổi đã vội ra đi, để lại chúng đệ tử rất đông mà không người nương tựa. Thế là, Thiền sư Thần Tú đã tám mươi lăm tuổi từ trên núi cao không thể không xuống núi, sắp xếp tàn cuộc, lãnh đạo Thiền lâm Giang Bắc đã như rắn mất đầu này. Đại sư Thần Tú lấy ngôi chùa cổ xưa Bảo Tuyền ở Hình Châu (nay là Đang Dương ở Hồ Bắc) làm trung tâm, phát triển thiền pháp cảm động lòng người của Ngài.

Huệ Năng và Thần Tú, một vị ở phía Nam một vị ở phía Bắc, tuy hai vị đều được kế thừa thiền pháp từ Ngũ Tổ, nhưng mỗi vị đều có riêng thiền phong rõ ràng của mình. Huệ Năng dương cao ngọn cờ đốn ngộ thành Phật, đề xướng quan điểm một đao xông thẳng vào, kiến tánh thành Phật. Ngài cho rằng: Tu hành không nhất định phải ngồi thiền quán xét tâm tánh, mà có thể trực tiếp lãnh hội, thể ngộ diệu dụng của Phật tánh ngay trong những sinh hoạt hằng ngày như: gánh nước, chẻ củi, cày ruộng, trồng rau. Nhưng Thần Tú lại đề xướng phương pháp tiệm tu truyền thống, xiển dương tư tưởng tiệm thiền (dần dần, có thứ lớp, chia ra từng giai đoạn) đó là “giờ giờ thường phản tỉnh, chớ để vướng bụi trần”. Phương pháp tu hành chủ yếu của ngài là xếp chân ngồi thiền, lắng động tâm tư cho yên tĩnh.

Do vì hai vị Thiền sư hoằng pháp song song nên thiền môn nhanh chóng phát triển rực rỡ, trong cả nước hình thành hai trung tâm thiền học lớn, đó là “Nam Năng (Huệ Năng), Bắc Tú (Thần Tú). Mọi người căn cứ theo giáo pháp bất đồng của họ mà gọi là “Nam đốn, Bắc tiệm” hay là “Nam tông, Bắc tông”.

Đại sư Huệ Năng chỉ dạy đệ tử rằng: “Giáo pháp xưa nay chỉ có một tông chỉ, chẳng qua do người học pháp có sự khác nhau trên khu vực Nam Bắc; Thiền cũng chỉ có một loại, chỉ là có sự phân biệt nhanh chậm trong sự lý giải của mỗi người. Thiền hoàn toàn không có nhanh hay chậm (đốn - tiệm), vì sao lại gọi là nhanh, chậm? Chỉ vì tư chất trời phú cho mỗi người khác nhau, nên quá trình lãnh hội có sai khác, vì thế mà có tên gọi là đốn tu hay tiệm tu. Mọi con đường lớn đều đổ về Trường An, trước cửa mỗi nhà đều có đường thông về Trường An, bất luận xuất phát từ con đường nào, cũng không kể là đi nhanh hay đi chậm, mục đích, địa điểm cuối cùng mà họ đến đều là thành Trường An.”

Đệ tử của Ngài Thần Tú vì không hiểu biết nhiều về Ngài Huệ Năng, chỉ biết Ngài xuất thân từ một người đốn củi, một chữ cũng không biết, bèn nghĩ đương nhiên Ngài chẳng có điểm nào hơn người nên thường nói lời chỉ trích, coi thường. Đại sư Thần Tú nghe được bèn dùng lời lẽ chân thành, ý tứ sâu xa mà nói với họ: “Sư đệ Huệ Năng tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng Ngài lại có trí tuệ siêu việt, không Thầy mà tự thông hiểu, cho nên có thể thể ngộ được thiền pháp tối thượng thừa. Về điểm này, Ta không bằng Huệ Năng. Hơn nữa, Đại sư Ngũ Tổ - Sư phụ của Ta, đã tự thân đem y bát thiền tông truyền lại cho Ngài, lẽ nào chỉ là ngẫu nhiên thôi sao? Ta chỉ tiếc rằng mình tuổi già sức yếu mà đường sá lại xa xôi, không thể tự đi đến Lĩnh Nam gặp mặt sư đệ Huệ Năng để thỉnh giáo. Các con tuổi trẻ, nên mau đến chỗ sư đệ Huệ Năng tham học, không nên chậm trễ ở lại nơi đây, lỡ mất cơ hội khai ngộ thấy đạo của các con”.

Nói đi nói lại, nhưng các đệ tử đâu có ai chịu bỏ vị đại tôn sư tuổi cao đức trọng, học thức uyên bác, danh thơm khắp thiên hạ, để đi theo một người mù chữ? Không phải sao, ngay cả Vũ Tắc Thiên ngôi vị cao tột cũng sai sứ giả đặc biệt đến đón đại sư Thần Tú – người mà cả thiên hạ hướng tâm về - vào kinh thành, suy tôn Ngài là “Pháp chủ của hai kinh thành”, là vị Quốc sư ba đời. Võ Tắc Thiên này là một Nữ hoàng đế máu lạnh, không sợ trời, không sợ đất, dám chống lại truyền thống trọng nam khinh nữ mấy ngàn năm của Trung Quốc, đã không để ý đến sự khác biệt giữa vua tôi, bỏ đi thân phận muôn người tôn trọng, thân thể ngọc ngà để quỳ rạp dưới chân Đại sư Thần Tú…

Một hôm, Đại sư Thần Tú gọi một người đệ tử rất tâm đắc của mình là Chí Thành đến, bảo với ông ta rằng: “Chí Thành! Con rất thông minh lại giàu tài trí, nên đến Tào Khê nghe pháp thay ta. Pháp yếu mà sư đệ Huệ Năng thuyết, con nên chú tâm nhớ rõ để trở về nói lại cho Ta”.

Chí Thành vâng lời Thầy, trèo đèo lội suối, lặn lội sớm hôm, mới đến được Tào Khê. Hôm đó, vừa kịp đúng lúc Lục Tổ thăng toà thuyết pháp ở chùa Bảo Lâm, tín đồ tăng tục vùng lân cận lục tục kéo về chùa nghe pháp. Chí Thành đi theo mọi người, lẫn trong đám người, tự cho rằng thần không hay quỷ cũng chẳng biết được. Ai ngờ, pháp nhãn của Lục Tổ thông thiên, tâm như hư không, biết khắp tất cả, đã sớm biết được mục đích đến của ông. Sau khi Lục Tổ thăng toà, nhìn khắp một vòng mỉm cười với mọi người, nói: “Hôm nay dưới toà có kẻ nghe trộm Phật pháp”.

Chí Thành vừa nghe, lập tức biết huệ nhãn Lục Tổ như đuốc sáng, liền từ trong đám đông bước ra một cách vô tư thẳng thắn, thật thà kể lại những việc đã qua. Đại sư Huệ Năng cố làm ra vẻ nghiêm túc nói: “Ngươi từ chùa Ngọc Tuyền đến, lại gánh vác sứ mạng đặc biệt, có thể coi như là gián điệp!”

“Vì sao không phải?”

Chí Thành trả lời rất nhanh nhẹn: “trước khi chưa nói rõ, có thể nói là như vậy. Con đã nói rõ với Hoà thượng rồi, vậy là không phải gián điệp!” Nói xong, chắp tay chào hỏi, tâm lý an ổn, ngồi xuống chăm chú nghe pháp.

Đối đáp như vậy, không những đặc sắc mà còn ẩn tàng thiền cơ vô hạn. Lục Tổ có gậy hét, có gợi ý, ngộ và không ngộ, ngộ được cái gì? Như người uống nước, nóng lạnh tự biết – Chí Thành tự biết như vậy.

Sau khi pháp hội giải tán, Chí Thành đi theo đại sư Huệ Năng đến phương trượng, chính thức dập đầu tham bái. Trước hết, đại sư Huệ Năng hỏi thăm sức khoẻ, tình hình sinh hoạt hằng ngày của sư huynh Thần Tú, sau đó đi vào vấn đề chính, Ngài hỏi: “Chí Thành! Sư phụ của con, sư huynh Thần Tú, thường ngày dạy các con như thế nào?”

Chí Thành trả lời: “Sư phụ Thần Tú thường dạy chúng con nên trụ tâm một chỗ, quán chiếu cảnh giới thanh tịnh. Ngài đốc thúc chúng con ngồi thiền mỗi ngày, yêu cầu mọi người luyện thành công phu ‘bất đảo đơn’”

“Bất đảo đơn” chính là ngày đêm toạ thiền, không được nằm xuống nghỉ ngơi. Ngày nay, trong tòng lâm thiền môn, cũng có thiền tăng thực hành công phu này y như vậy.

Huệ Năng nghe xong, cứ lắc đầu mãi rồi nói: “Cưỡng ép đem tâm trú tại một chỗ, để đạt tới cảnh giới thanh tịnh, đó là một loại thiền bệnh hoạn chứ không phải là tham thiền đúng đắn. Ngày đêm thường ngồi không nằm, không những không liên quan gì đến việc lãnh ngộ mà còn tổn hại thân thể”.

Nói xong, Đại sư Huệ Năng sợ anh ta không hiểu rõ nên ngâm thêm một bài kệ của chính mình:

“Khi sống ngồi không nằm,

Chết rồi nằm không ngồi,

Tất cả là xương thối,

Vì sao phải làm vậy?”

(Sanh lai tọa bất ngọa,

Tử hậu ngọa bất tọa.

Nhất trực xú cốt đầu,

Hà vi lập công khóa?)

Như nước đề hồ quán đảnh, như nước cam lồ thấm nhuần vào tâm, Chí Thành hoát nhiên tỉnh ngộ.

Đúng vậy, tu hành trong thiền là tu tâm, hà tất phải lao nhọc đến thân thể? Sau vài năm, sư huynh của Chí Thành là Đại sư Nam Nhạc Hoài Nhượng đưa ra một ví dụ hình tượng: mối liên hệ giữa thân và tâm giống như trâu và xe, khi đi về phía trước, bạn nên đánh trâu hay là đánh xe?

Chí Thành tâm phục khẩu phục, không ngăn được nỗi lòng, quỳ rạp xuống đất, lần nữa hướng về Lục tổ đảnh lễ. Ông rất kích động nên lời lẽ đều có phần lắp bắp: “Đệ… đệ tử tham…tham thiền với… với đại sư Tần Tú đã tròn chín năm, mãi vẫn không… không thể nhập thiền cơ. Hôm nay nghe Lục tổ nói như vậy, lập tức lãnh ngộ bản tâm. Đệ tử đã hiểu sâu sắc về việc lớn sanh tử. Kính xin Đại sư từ bi khai thị cho con rõ hơn về Phật pháp”.

Lục Tổ Huệ Năng luôn tuỳ theo căn cơ của học tăng mà khéo léo điểm hoá, từ đó làm cho học tăng nhanh chóng khế nhập thiền cơ, đó là điều cốt yếu trong phương pháp dạy thiền của Ngài. Cho nên trước hết, Ngài muốn biết rõ tình hình cụ thể của Chí Thành, Ngài hỏi: “Phật pháp, không có gì ngoài Tam học Giới, Định, Tuệ. Đại sư Thần Tú - Sư phụ của con, dạy các con tu học Giới, Định, Tuệ như thế nào?”

“Sư phụ Thần Tú dạy không làm các việc ác, đó là Giới; Thực hành các điều thiện, đó là Huệ; Tự thanh tịnh tâm ý của mình, đó là Định”

Dạng giáo pháp truyền thống này đã sớm nằm trong dự định của Ngài Huệ Năng, cho nên trên nét mặt Ngài thoáng ẩn hiện một nụ cười bí ẩn đầy ý vị.

“Chớ làm điều ác,

Gắng làm việc lành,

Giữ ý thanh tịnh,

Là lời Phật dạy”.

Đây là một bài kệ được nói ra từ chính kim khẩu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Có thể nói, bài kệ ngắn gọn vỏn vẹn mười sáu chữ này đã khái quát toàn bộ tinh yếu của Phật giáo. Nhưng đại sư Thần Tú coi nó tương ứng với Giới, Định, Tuệ cũng có thể nói là thích hợp đúng đắn và trình bày một cách tốt đẹp về Như Lai thiền truyền thống. Như pháp tu hành, lần lượt tiến lên, cũng có thể ngộ đạo. Nhưng pháp môn mà Lục Tổ sáng lập, đề xướng lại là pháp môn đốn ngộ “siêu Phật việt Tổ” (hơn cả Phật Tổ), vì thế “Nam đốn Bắc tiệm” của “nam Năng bắc Tú” bắt đầu phân chia ranh giới từ đây.

Chí Thành sắc bén nhận ra được nụ cười thần bí khó lường trên gương mặt Lục Tổ, có hàm ý sâu sắc. Ông nhạy bén hỏi: “Không biết Hoà thượng dùng phương pháp gì để dạy đệ tử?”

Lục Tổ trả lời: “Nếu như nói Ta có phương pháp gì đặc biệt có thể chỉ dạy cho mọi người thì đó là lừa dối con, bởi vì pháp là pháp vô định, Ta chỉ căn cứ theo căn cơ linh hoạt của mỗi người mà nói pháp, dùng phương pháp tương ứng để giải trừ những ràng buộc trong tâm linh của họ là được rồi. Phương pháp tuỳ cơ ứng biến này vốn không có tên gọi, chỉ tạm dùng một giả danh là ‘tam muội’. Giới, Định, Tuệ mà Sư phụ con nói và những lý giải của ta rất khác nhau”.

Chí Thành nghi ngờ không hiểu: “Giới, Định, Tuệ của Phật giáo phải chỉ là một loại, sao lại có sự sai khác được?”

Lục Tổ Huệ Năng giải thích rằng: “Giới, Định, Tuệ mà Sư phụ của con nói là để tiếp dẫn những người có căn tánh đại thừa. Giới, Định, Tuệ mà Ta nói là để tiếp dẫn cho những người có căn tánh tối thượng thừa. Lãnh ngộ của mỗi người đều khác nhau, cho nên sự thấy tánh cũng có sự phân biệt nhanh, chậm. Giáo pháp Ta giảng vốn không tách rời tự tánh của con người, nếu như tách rời tự tánh để giảng thuyết Phật pháp, chẳng qua chỉ là thuyết giáo trống rỗng, hoàn toàn không thể từ trong đó mà có thể đạt đến lợi ích thực tế. Con nên biết, tất cả các pháp đều từ tự tánh sanh khởi diệu dụng của nó. Đó mới chính là giáo nghĩa Giới, Định, Tuệ đúng đắn”.

Lục Tổ Huệ Năng đã nhẹ nhàng đọc một bài kệ với giọng điệu nhu hoà:

“Tâm địa không sai là tự tánh Giới,

Tâm địa không si là tự tánh Huệ,

Tâm địa không loạn là tự tánh Định,

Không tăng không giảm chính là Kim cang,

Thân đến hay đi đều là Tam muội.”

(Tâm địa vô phi tự tánh Giới,

Tâm địa vô si tự tánh Huệ,

Tâm địa vô loạn tự tánh Định,

Bất tăng bất giảm tự Kim cang,

Thân khứ thân lai bổn Tam muội).

Chí Thành nghe xong bài kệ như được tắm gội gió xuân ấm áp, trong tâm rỗng rang linh động… Đây là nơi xa xôi nào vậy? là mẹ hiền tha thiết gọi kêu? Hay là trời đất tạo hoá rửa tội cho linh hồn?...

Thanh âm Lục Tổ bỗng im bặt, trong khoảnh khắc rỗng rang đó, Chí Thành đại triệt đại ngộ. Từ đó ông ở lại bên cạnh Lục Tổ, ở lại Tào Khê, không trở về nữa.

Liên quan đến thiền cơ: Tâm Lượng Của Thiền Giả.

Chí Thành vốn là đặc sứ của Thần Tú, nhưng lại không nén được lòng, bị Thiền pháp “Đốn ngộ thành Phật” của Ngài Huệ Năng hấp dẫn, cảm hoá, cam tâm tình nguyện đầu thành đảnh lễ đại sư Lục Tổ. Ông sống như một con cá chép nhỏ đến thăm dò Long môn. Nào ai ngờ, một khi cá chép vào được Long môn, liền biến thành Phi long, một đi không trở lại.

Không biết, phải chăng Đại sư Thần Tú đang mỏi mắt ngóng trông ông trở về, phải chăng đang đợi tin tức của ông?

Kỳ thực không về tức là về, không có tin tức chính là tin tức – Nam đốn Bắc tiệm ai cao ai thấp, do sự một đi không trở lại của Chí Thành đã có thể nói rõ được vấn đề. Chúng ta dường như nghe được tiếng than thở vô thanh của Thần Tú.

Thế là, Thần Tú nhiều lần khích lệ đệ tử của mình đi đến Lĩnh Nam, đến Tào Khê quy nạp với Đại sư Huệ Năng. Vì thế, khi Võ Tắc Thiên thỉnh Ngài Thần Tú đức cao vọng trọng vào cung, suy tôn làm “Pháp chủ hai kinh, Quốc sư ba đời”, Thần Tú lại suy cử Đại sư Huệ Năng, nên nói rằng: Ở phương Nam có Thiền sư Huệ Năng, ngầm nhận được y bát của Đại sư Hoằng Nhẫn.

Chỉ riêng Thiền giả mới có tấm lòng ngay thẳng “không còn thủ xả, tâm không vô ngã, thế giới đại đồng”, là điều mà chúng ta là những khách danh lợi không thể tưởmg tượng được.

Tâm lượng giống như toàn bộ hư không, không bờ không mé, là một trong những đặc trưng của Thiền sư Khai Ngộ. Vì họ không có mây đen phiền não trói buộc tâm, khiến không có sự phân biệt “thích thì nhận lấy, ghét thì bỏ đi”, cho nên Tam tổ Tăng Xán nói: tâm của Thiền giả rộng như hư không, không thiếu không thừa”.

Thiền tông phát triển đến cuối đời Bắc Tống, trong năm dòng phái lớn đã có ba phái là Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn, Vân Môn bị chôn vùi trong dòng lịch sử, không còn thấy tông tích, mà chỉ còn hai phái là Lâm Tế và Tào Động. Cũng nhờ thời gian khai tông lập phái đã lâu, mỗi mỗi đều có riêng hệ thống tư tưởng luận lý của riêng mình dần dần bị ngưng trệ, xơ cứng, cần phải tìm ra lý luận mới tăng trưởng thêm, tiến đến làm thay đổi mới mẻ của cấu trúc đặc thù hệ thống tu chứng, để cho thực tiễn tu hành đạt đến ý nghĩa chỉ đạo tính căn bản. Những mâu thuẫn này ngày càng rõ rệt đặc biệt là Tông Tào Động, ba trăm năm nay quanh co phạm nhiều sai lầm, pháp mạch mỏng manh, có thể nói đã đến bước sanh tử tồn vong.

Giang sơn thay đổi, nhân tài xuất hiện, lúc khủng hoảng chính là lúc tái sanh.

Lúc này trang sử thiền tông lại có hai vị tông sư vĩ đại xuất hiện giữa thời đại, họ là Đại sư Thiên Đồng Chánh Giác (cũng gọi là Hoằng Trí Chánh Giác) của tông Tào Động và Đại Huệ Tông Quả (cũng gọi là Diệu Hỷ) của tông Lâm Tế.

Đại sư Thiên Đồng Chánh Giác vứt bỏ những tệ đoan danh tướng quá lộn xộn rối rắm của tông Tào Động, đề xuất tư tưởng “mặc chiến thiền” rõ ràng thông suốt, giản dị mà dễ thực hành. Thiền pháp của Ngài là cắt bỏ cái rườm rà, lấy cái tinh giản, chỉ thẳng nhân tâm. Ngài đề xướng phong cách toạ thiền “vắng bặt vọng ngôn, thấy rõ hiện tiền”, từ đó Thiền pháp của tông Tào Động đã đi vào thực tế, nắm được căn cơ thâm hậu. Vì thế học giả khắp nơi đua nhau đến, chùa Ninh Ba Thiên Đồng nghiễm nhiên trở thành trung tâm thiền học đương thời. Hàng ngàn Thiền tăng đang luyện tập diệu pháp “mặc chiếu” của Đại sư Chánh Giác đã có thành tựu, như rồng đã được về biển xanh, hổ về núi lớn. Giao Long gặp nước tăng ý chí, mãnh hổ nhờ núi thêm oai phong; Rồng lớn nhảy vào biển sâu, biển gào lên, sóng to gió lớn dấy lên vạn dặm; Mãnh hổ gầm rú trên đỉnh núi cao, ắt theo gió vọng về đồng rộng! – Tông Phong Tào Động từ đó truyền khắp trong thiên hạ.

Đồng thời cũng có một toà núi cao khác phát triển lịch sử thiền tông, đó là tiếng hét Cao Tăng Đại Huệ Tông Cảo của tông Lâm Tế ra đời.

Đương thời, trong thiền lâm thịnh hành phương pháp tham cứu công án Tổ sư. Nhưng tháng rộng năm dài, công án thiền bị rơi vào tệ nạn phổ biến đồ giải văn tự. Đại Huệ Tông Cảo căn cứ theo đó mà sáng lập ra phương thức tham thiền đặc sắc hơn người – đó là khán thoại thiền - tức tham thoại đầu (tham cứu lời nói). Muốn tham cứu thoại đầu, chắc chắn phải ném bỏ tất cả những tri thức và thành kiến trong tâm, thậm chí ngay cả những tư tưởng suy nghĩ của tâm cũng đều dừng lại. Dùng tâm nhạy bén sáng suốt vắng lặng để thật sự tham cứu, lấy nghi tình làm gậy chống, toàn bộ thân tâm trở thành một mối nghi bưng kín, thời tiết nhân duyên chín muồi, ngay trong khoảnh khắc, mối nghi bị vỡ, chính là về nhà ngồi yên – hoát nhiên đại ngộ! Đến nay phương pháp này vẫn còn xu hướng tham thiền này.

Thiên Đồng Chánh Giác và Đại Huệ Tông Cảo lệ thuộc hai tông phái khác nhau. Phương pháp tham thiền mà họ đưa ra cũng có sai biệt rất lớn, vì thế hai vị đã triển khai những luận chiến chưa hề có trước đây. Đặc biệt là Đại Huệ Tông Cảo, nhiều năm nay Ngài dùng thiền pháp Lâm Tế để làm dòng chính của Thiền tông với bối cảnh hệ thống rộng lớn, tư tưởng tinh thâm, lạnh lùng nhìn Mặc Chiếu thiền của tông Tào Động, phản bác Tào Động không còn mặt mũi gì.

Chính cặp đối thủ luận chiến nhiều năm này mà quan hệ cá nhân lại rất tốt đẹp. Đại Huệ Tông Cảo khi kịch liệt phê bình tệ đoan “mặc chiếu thiền” đồng thời lại rất tán dương nó có công trạng đặc biệt đối với tư tưởng “khởi tử hồi sanh” của tông Tào Động. Nên trước khi Thiên Đồng Chánh Giác lâm chung, lại gửi thư cho Đại Huệ Tông Cảo, mời Ngài đến chủ trì hậu sự cho mình. Điều hứng thú là hai vị lại coi đối phương của mình là người bạn tri kỷ đích thực của chính mình! Bạn có biết, sau khi Thiên Đồng Chánh Giác viên tịch, Đại Huệ tông Cảo đã làm một bài kệ tán thán trước di ảnh của Ngài:

Lò lửa lớn nấu Phật nấu Tổ,

Kiềm búa dữ nung Thánh nung phàm,

Hưng khởi Tào Động vốn bị chôn vùi,

Cứu nguy nan khi đã hết phương đường,

Đó chính là cái dùi tổ Thiên Đồng,

Tri âm Diệu Hỷ có ai bằng không?

(Còn tiếp)