Thiền ngộ (Phần 7)

TẮC THỨ 25 : NGỒI RÁCH BỒ ĐOÀN

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng, vốn là người Diêm Quan - Hàng Châu (nay là huyện Hải Ninh). Thiếu niên họ Tôn này bẩm tánh thuần phác, đạm bạc tuổi chỉ mới 13 đã đến chùa Thông Huyền ở Tô Châu thế phát xuất gia, làm một tiểu Sa di. Thọ giới xong, ông bắt đầu cầm gậy vân du, lần lượt tham thiền. Một năm nọ, ông đến hồ Triết Giang, đi thăm trăng ở vùng Mân. Thời đó, Phúc Châu có hai đỉnh núi Tuyết Phong và Long Vân cao to sừng sững vút tận trời xanh, hai vị đại Tổ sư Nghĩa Tồn và Chí Cẩn ngồi vững vàng trên hai đỉnh núi trơ trọi đó, mỗi vị đều xiển dương tông phong của mình. Đầu tiên Huệ Lăng đến núi Linh Vân, lễ bái tham yết Đại sư Chí Cần người đã “nhìn hoa đào mà ngộ đạo.” Huệ Lăng đảnh lễ rồi thưa: “Đại ý của Phật pháp là gì?”

Đại sư Linh Vân Chí Cần mắng: “Việc lừa chưa xong, việc ngựa đã đến.”

Thật vậy, tâm chúng ta luôn có các thứ phiền não đến tới tấp, chẳng được một phút yên ổn. Mà Huệ Lăng lại tìm cầu những hiểu biết ở bên ngoài, vọng tưởng sẽ tìm được chân đế của thiền trong một câu nữa lời của Tổ sư, không những là buồn trước chưa đi mà thêm buồn sau lại đến. Thế mà ông lại thật thà không hiểu vì sao Đại sư Linh Vân lại trả lời như thế, nên thưa: “Học tăng không hiểu?” Linh Vân Chí Cần nói: khí màu suốt đêm động, tinh linh ngày càng ít (Thái khí dạ trường động, tinh linh nhật thiểu phùng.)

Vốn dĩ Huệ Lăng bị: “Ý của Tổ sư từ Tây Trúc đến” làm cho mê hoặc tới mức mơ mơ hồ hồ, nay lại bị Đại sư Linh Vân ném vào trong một khối sương mù dày đặc, thật đúng là trên tuyết lại thêm sương, oan khuất chồng lên oan khuất! Linh Sơn Chí Cần thấy Huệ Lăng bị mê mờ đoanh vây, liền nói nhân duyên của ông không phải ở đây bảo ông ta đi tham vấn Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Lúc sắp đi, Linh Vân bảo: “Ta có một phong thư gửi đến cho Tuyết Phong.”

Huệ Lăng thưa với Thiền sư Linh Vân đem thư ra. Linh Vân cởi ra một chiếc giày, ném tới trước mặt Huệ Lăng.

Huệ Lăng đến Thiền Viện Tuyết Phong. Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn hỏi ông từ đâu đến? Ông thưa từ Linh Vân đến. Tuyết Phong lại hỏi Linh Vân khỏe không? Huệ Lăng thưa có một bức thư gửi cho ngài. Tuyết Phong hỏi: “Thư đâu?”

Huệ Lăng bắt chước như cách của Linh Vân, cởi một chiếc giày ra, ném đến trước mặt Tuyết Phong. Đại sư Tuyết Phong hiểu ý mỉm cười, lặng lẽ bỏ đi.

Có tâm nhạy bén tất cả đều thông, tất cả đều nằm trong chỗ vô ngôn, mà người được sai đưa thư như Huệ Lăng lại nhìn không thấy, bởi vì ông ta thực sự không thể khế nhập thiền cơ vi diệu này. Giữa các Tổ sư, thú vui về Thiền là tâm tâm tương ấn, càng làm cho Huệ Lăng vươn xa hơn, ông quyết tâm phá vỡ mối nghi tình lớn lao này, ngộ được áo diệu ở trong đó.

Thế là, ông cứ như vậy đến giữa Tuyết Phong và đệ tử thượng thủ của Tuyết Phong là Huyền Sa Sư Bị, khổ công tham cứu suốt 20 năm, người ta hình dung việc khai ngộ này giống như lọt qua đáy thùng, ngồi xuyên bồ đoàn.

Trong 20 năm Huệ Lăng đã ngồi rách 7 chiếc bồ đoàn! Có thể thấy sự dụng công của ông thâm sâu biết bao, chuyên chú biết bao!

Một hôm, lúc ông đang cuốn tấm rèm cửa lên, bỗng nhiên nhìn thấy bên ngoài là cả một thế giới mới toanh tràn đầy sức sống, trong lòng tự rỗng rang đại ngộ, bốn câu hệ này ào ào tuôn ra:

Rộng lớn thay, rộng lớn thay,

Kéo rèm lên thấy thiên hạ,

Có người hỏi hiểu tông gì?

Đưa phất trần đánh vào miệng.

Kỳ diệu quá, Kỳ diệu quá! Cảnh giới sau khi khai ngộ lại diệu kỳ không thể tả như vậy, cho nên, nếu bạn mở miệng để hỏi, liền đưa phất trần đánh vào miệng bạn!

Việc cuốn rèm mà ngộ đạo của Huệ Lăng và việc nhìn hoa đào mà khai ngộ của Thiền sư Linh Vân năm nọ, có gì tương tợ! Hai mươi năm trước, Đại sư Linh Vân gieo hạt Bồ đề xuống, cuối cùng đã nở hoa kết quả.

Sư Phụ Tuyết Phong đọc bài kệ khai ngộ của Huệ Lăng xong, nói với Huyền Sa: “Huệ Lăng triệt ngộ rồi!”

Huyền Sa Sư Bị lại nói: “Không thể ấn chứng vội vàng như thế, bài kệ này cũng có thể do ông ta dựa vào ý thức mà trước thuật, cho nên, phải khảo nghiệm lại.”

Đến lúc tiểu tham ban tối. Huệ Lăng cũng tham dự như thường lệ, đi theo chúng Tăng lên thưa hỏi sư phụ, Tuyết Phong nói với ông: “Sư huynh Huyền Sa Sư Bị không chấp nhận bài kệ của ngươi, nếu ngươi thực sự đã chứng ngộ, thì ngay trước mặt đại chúng hãy nói ra.” Huệ Lăng lại có bài kệ tụng rằng:

“Trong vạn tượng một mình ta đi,

Chỉ ta thừa nhận ta mới biết.

Ngày xưa lầm lỡ tìm trong đó,

Ngày nay thấy rõ lửa trong băng.”

(vạn tượng chi trung độc lộ thân,

Duy nhân tự khẳng nãi phương thân.

Tích thời mậu hướng đồ trung mích,

Kim nhật khán lai hỏa lí băng.)

Sâm la vạn tượng, tự tánh như vậy, chỉ có ta thừa nhận, mới có thể khế nhập đại đạo. Vì thế, ngày xưa cứ đến đi qua lại tìm cầu “Tổ sư Tây lai ý” từ bên ngoài, thậm chí “ngồi rách bảy chiếc bồ đoàn” cũng đều là cành lá trên ngọn mà thôi, chứ chưa đạt đến gốc của nó được; Ngày nay hiểu ra, chữ nghĩa tìm hiểu, thậm chí công phu tọa thiền đều là người đứng giữa đường mà tìm kiếm vườn nhà. Mà sau khi khai ngộ, lại thấy tất cả những điều này giống như băng ở trong lửa, hư huyễn không thật, hoàn toàn không thể có!”

Tuyết Phong quay đầu nhìn Huyền Sa hỏi: “Thế nào!Không thể vẫn còn nói là ý thức trước thuật đấy chứ!”

Huệ Lăng thưa với Đại sư Tuyết Phong: “Từ trên chư Thánh truyền xuống chỉ có một con đường, xin sư phụ chỉ dạy.”

Đại sư Tuyết Phong im lặng, im lặng hồi lâu … Thế mà, chính ngay trong sự im lặng đó, Thiền sư Huệ Lăng cảm nhận được một cách rõ ràng có một thứ từ trong tâm tư sư phụ dâng trào cùng hòa chung với tâm linh của mình…

Như Lai đưa cành hoa lên, Ca Diếp mỉm cười. Tuyết Phong trầm mặc, Huệ Lăng ấn tâm. Thiền, chính là kỳ diệu như vậy.

Sau khi Huệ Lăng khai ngộ, hành vi cử chỉ đều rất khác trước. Ngày hôm sau, sư phụ Tuyết Phong đang khai thị tại pháp đường: “Thường ngày ta nói với đại chúng, Nam Sơn có con rắn mũi rùa, mỗi mỗi các ngươi nhất định phải xem cho kỹ.”

Thiền sư Huệ Lăng lập tức từ trong Tăng chúng đứng dậy, nói: “Hôm nay ở trong pháp đường này người táng thân mất mạng chắc chắn rất nhiều!”

Đúng vậy, đối diện với con rắn kịch độc, do dự bàng hoàng một chút, liền bị vong thân mất mạng; đối diện với ánh chớp, lửa đá mà lơ là một xíu là cơ phong qua đi, nếu suy nghĩ tìm tòi, liền bỏ qua khế cơ trước mắt mất đi huệ mạng của mình.

Đệ tử đầu của Tuyết Phong là Đại sư Vân Môn Văn Yển càng táo bạo hơn, ném thiền trượng của mình đến trước mặt Tuyết Phong rồi làm ra vẻ sợ hãi.

Cao Tăng nói thiền, chính là ý vị tuyệt vời như thế.

Có một lần, Huệ Lăng đến phương trượng tham kiến sư phụ, Tuyết Phong ngớ ngẩn hỏi: “Là cái gì?”

Huệ Lăng trả lời: “Hôm nay trời nắng ráo, vừa vặn để phổ thỉnh (lao động tập thể).

Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, là một vị đại tông sư nổi tiếng nhất trong chốn thiền lâm thời bấy giờ, có liên quan đến câu nói “Nam Tuyết Phong, Bắc Triệu Châu.” Đương thời, dưới trướng của ngài hội tụ đến 1500 tăng chúng, trong đó các nhân vật được Đại sư khen ngợi đếm hơn 10 vị, rồng bay hổ nhảy, voi gầm hổ rống, thật là náo nhiệt: Vân Môn Văn Yển khai sáng ra tông Vân Môn vang danh thiên cổ, đệ tử của Huyền Sa Sư Bị sáng lập ra phái Pháp Nhãn, Cổ Sơn Thần Yến được xưng là vị thầy trong cả nước, nhà thơ nổi tiếng Trường Sanh Giảo Nhiên đã truyền tụng thiên thu…

Trong số nhiều huynh đệ đầy tài hoa, ngộ đạo sâu xa đó, Huệ Lăng và Bảo Phúc Tùng Triển là đôi bạn thân thiết nhất. Họ thường cùng nhau mài dũa công án, khuyến khích cổ vũ lẫn nhau. Một hôm, hai người cùng đi tản bộ lên núi bỗng nhiên Bảo Phúc chỉ ngọn núi cao chọc trời đằng xa hỏi: “Cổ nhân nói đỉnh núi Diệu Phong, chẳng phải là núi này sao?”

Núi Diệu Phong là một tòa núi cao trên kim luân ở chính giữa Tiểu thiên thế giới. Trong các điển cố thiền tông, thường dùng từ “Diệu Phong” này để hình dung cảnh giới tuyệt đối siêu tuyệt tất cả ngôn ngữ, tư duy, hình thức phân biệt, tức là chỗ căn bản của thiền ngộ.

Đã là cảnh giới tuyệt đối, làm sao mà nói ra được? Từng có một vị Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẫm: đỉnh núi Diệu Phong là gì?

Thiền sư Triệu Châu nói: Lão Tăng không trả lời câu hỏi của ngươi.

Vị Tăng kia hỏi dồn: “Vì sao không trả lời?”

Thiền sư Triệu Châu đáp: Nếu ta trả lời ngươi, e rằng ngươi sẽ ngã trên đất.

Cho nên, lúc Bảo Phúc hỏi: Cổ nhân nói, đỉnh núi Diệu Phong, chẳng phải là núi này sao?

Thiền sư Huệ Lăng trả lời rằng: “Phải thì phải, chỉ tiếc rằng, vẫn còn bao nhiêu….

Thiền sư Huệ Lăng muốn nói lại thôi như vậy, ý chỉ của Thiền sư là gì vậy?

Theo ghi chép trong “kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử (tức là đồng nam đứng bên cạnh Bồ tát Quan Âm) được Bồ tát Văn Thù điểm hóa, đi tham bái Tỳ kheo Đức Vân. Nghe nói, Tỳ kheo Đức Vân trú trên đỉnh Diệu Phong, trước nay chưa hề xuống núi. Nhưng, Thiện Tài Đồng Tử tìm trên núi suốt bảy ngày, cũng không gặp ngài. Có một hôm, lại gặp ngài trên một ngọn núi khác.

Tỳ Kheo Đức Vân đã chưa từng xuống núi, Thiện Tài Đồng Tử tại sao không tìm ra ngài ở trên núi? Làm sao lại có thể gặp Ngài trên một ngọn núi khác? Nếu nói ngài xuống núi, mà trong “kinh Hoa Nghiêm” rõ ràng nói Tỳ kheo Đức Sơn mãi mãi ở trên đỉnh núi Diệu Phong, thì có mâu thuẫn không? Tổ sư thiền tông bảo: “Diệu Phong tuyệt đỉnh không chứa sự so lường; đỉnh núi thứ hai, hơi thông tin tức.” Bởi vì Diệu Phong Tuyệt đỉnh là cảnh giới tuyệt đối không có một chút bụi nhỏ, không dính một sợi tơ, cho nên Thiện Tài Đồng Tử không tìm thấy tự tánh mà bản thân đồng tử đã chứng đắc ở nơi đó. Tình cảnh này, cũng như con mắt có thể nhìn thấy đồ vật, nhưng lại không nhìn thấy bản thân là con mắt; cũng giống như ngón tay có thể xúc chạm sờ mó ngoại vật, nhưng lại không thể xúc phạm sờ mó bản thân ngón tay; cũng như nước có thể rửa sạch vạn vật, nhưng lại không thể rửa sạch bản thân… Phàm là người đạt đến cảnh giới này đều rất từ bi, muốn đưa ra một con đường khác để dẫn dắt mọi người, cho nên, Thiện Tài gặp Tỳ kheo Đức Sơn ở một ngọn núi khác. Vì vậy, Thiền sư Huệ Lăng nói: “Đúng thì đúng, chỉ tiếc là, vẫn còn bao nhiêu…”; Cho nên, ngay sau khi sư đệ Cổ Sơn Thần Yến của họ nghe nói công án này, vô cùng cảm khái nói: “Nếu không phải là sư huynh Huệ Lăng, người khác thì nhất định sẽ rơi vào hoàn cảnh cây khô núi lạnh, khắp núi rừng nhìn đâu cũng đều là xương cốt.”

Thiền, tức là trung đạo, nếu thiên lệch một phía, thì chẳng nghi ngờ gì nữa đó chính là ý thức què quặt, cũng chính là xa rời Thiền. Câu trả lời của Trường Khánh Huệ Lăng: “Sơn đầu lão Hòa Thượng (chỉ cho Sư Phụ của họ: Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn) có lẽ sẽ hỏi tin tức sư huynh, tôi nên trả lời như thế nào?”

Thiền sư Huệ Lăng nói: “Không tránh tanh hôi, thì cũng có một ít.”

Thiền sư Bảo Phúc hỏi: “Cuối cùng nhắn cái gì?’

“Bảo ta dặn dò ai?” Thiền sư Huệ Lăng hỏi ngược lại. Thiền sư Bảo Phúc trả lời: “Tùng Triển ta tuy có những lời này, chưa chắc đã có những việc ấy.”

Thiền sư Huệ Lăng cười: “Nếu như vậy, con đường phía trước đều nhờ vào bản thân ngươi thôi.”

Thiền sư Huệ Lăng tu hành bên cạnh sư phụ Tuyết Phong đã tròn 29 năm, Năm Thiên Hựu thứ ba (906 Tây lịch), thứ sử Vương Đình Bân (sau đó quan ở Thái Tú Thái Truyền, nên gọi là “Vương Thái Truyền) ở Tuyền Châu mời Ngài trú trì chùa Chiêu Khánh.

Vương Đình Bân này nói chuyện Thiền thật không phải là học đòi phong nhã mà ông thực sự tham cứu thiền, và có được sự lĩnh ngộ, các nhân vật bình thường trong tông môn không qua được ông ta. Có một lần, lúc ông bước vào chùa Chiêu Khánh, vừa vặn gặp Thượng tọa Huệ Lăng và Thiền sư Minh Chiêu đang nấu trà. Huệ Lăng không cẩn thận làm đổ siêu trà (đồ nấu nước sôi, luộc đồ vật). Vương Công hỏi: “Dưới bếp trà là cái gì?” Thượng tọa Huệ Lăng biết ông đang mượn cớ để nói thiền, bèn trả lời đầy ẩn ý rằng: “Nâng lò thần.” Vương Công hỏi dồn: “Đã là nâng lò thần, vì sao lại đổ siêu trà?” Huệ Lăng trả lời: “Việc quan ngàn ngày, đều mất tại triều đình”. Ai ngờ, Vương Công phẩy phẩy tay áo, nghênh ngang mà đi. Vương công dùng cách đó để biểu thị câu trả lời của Huệ Lăng bị lạc tông chỉ, thương nhọn đâm vào tay, cho nên không chấp nhận Thượng tọa. Có lẽ vì như vậy, mắt tuệ của Vương Công biết nhìn nhận ngọc quí, thỉnh Thiền sư Huệ Lăng đến trú trì chùa Chiêu Khánh.

Buổi thuyết pháp đầu tiên, Vương Công trịnh trọng mặc quan phục, đi nhanh lên trước bục, thi lễ thưa rằng: “Cung thỉnh sư phụ thuyết pháp.”

Thiền sư Huệ Lăng không nói gì, mà hỏi lại một cách kỳ quái: “Nghe thuyết pháp chưa?” Vương Công dường như đã hiểu, đại lễ tham bái, Thiền sư Huệ Lăng nói: ‘Tuy là như vậy, nhưng e rằng có người không chấp nhận.”

Không như những người không chấp nhận, chắc chắn họ chưa lãnh ngộ được áo diệu ở trong đó, mà Vương Đình Bân là một vị thiền giả tham thiền đã lâu. Cho nên, nhìn thấy cái bóng roi của Huệ Lăng lay động, liền bắt đầu rong ruỗi.

Có một lần, Thiền sư Huệ Lăng nói cho Vương Đình Bân một công án của sư phụ Tuyết Phong: Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn dựng cây phất trần lên cho một vị Tăng xem, vị Tăng kia liền từ pháp đường đi ra. Thiền sư Huệ Lăng nói: “Hành vi của tăng nhân này, thật đáng gọi ông ta lại, đánh một trận nên thân.”

Trong tâm Vương Công sáng suốt linh động, cho nên, ông ta hỏi ngược lại: “Hòa thượng, ông đang an tâm gì vậy?”

Thiền sư Huệ Lăng tự có chổ xoay chuyển nói: “Đợi đến lúc thích hợp lại bỏ qua.”

Có một vị Tăng hỏi: “Chánh Pháp Nhãn là gì?”

Thiền sư Huệ Lăng trả lời: “:Lão Tăng có một lời phát nguyện, không để cát vào trong mắt.”

Ý của Thiền sư là: Nếu ta giải thích cho ngươi “Thế nào là Chánh Pháp Nhãn”, thì chính là rải cát vào trong “mắt” - Kỳ thực, ở đây chính là sự giải thích đối với “Chánh Pháp Nhãn” không thể giải thích - giải thích ở một góc độ khác.

Mân Soái ngưỡng mộ đạo đức tu hành của Thiền sư Huệ Lăng, mời Thiền sư đến trú trì chùa Trường Khánh, một ngôi chùa nổi tiếng ở phủ Trường Lạc (nay là Phúc Châu), ban cho hiệu là Đại sư Siêu Giác. Từ đó về sau, trong hơn 20 năm Thiền sư Huệ Lăng truyền thiền hoằng pháp ở đây, thường có đồ đệ và Tăng nhân đi theo lên đến 150 người. Ngài được xưng là “Trường Khánh Huệ Lăng.”

Có một vị Tăng từ Tương Châu (nay là Tương Phàn tỉnh Hồ Bắc) xa xôi mộ danh tiếng ngài mà đến tham bái. Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng hỏi ông ta tên gì?

Ông trả lời: Minh Viễn

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng lại hỏi: “Tình hình ở đó như thế nào?”

Minh Viễn biết điều sư phụ đang hỏi phải chăng là sự khai ngộ, cho nên theo sự thật mà trả lời: “Minh Viễn lùi sau hai bước.”

Ý của ông ta là: bản thân còn kém cỏi lắm.

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng đã sai cho sai luôn, nên vặn hỏi: “Ông vô cớ lùi hai bước làm gì? Minh Viễn không thể đối đáp, Trường Khành Huệ Lăng quán xét căn cơ mà chỉ dạy, ứng cảnh mà khế cơ, dùng tình hình đặc biệt này để gợi ý: “Nếu không lùi hai bước, làm sao biết được Minh Viễn!”

Minh Viễn lập tức đại ngộ.

Hay thay cho “Minh Viễn” - nếu không lùi lại một cự li nhất định, lấy gì để Minh Viễn (thấy xa)? Làm thế nào để có thể thấy xa?

Thôi Thị, phu nhân của Mân Soái là một thiền giả tại gia, Bà sai đặc sứ đem đến tặng Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng một ít y áo. Đặc sứ thưa: “Phu nhân bảo con xin đặc sứ một bức thư trả lời”.

Năm đó, Thiền sư Linh Vân lấy một chiếc giày làm thư, mà nay Thiền sư Huệ Lăng lại càng rút gọn hơn, chỉ nói:” Ngươi nhắn lại với phu nhân: thu nhận hồi âm”.

Đặc sứ sững sờ trong giây lát, rồi lập tức hiểu ra câu nói: “thu nhận hồi âm” này chính là thư hồi âm, ông ta vâng lời, trở về thưa lại với phu nhân. Ngày hôm sau, Thiền sư đến phủ đại soái, phu nhân thưa: “Cám ơn thư hồi âm của Đặc sứ ngày hôm qua”. Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng tự nhiên nổi phong ba, đột nhiên đưa cánh tay ra, nói:” Xin đem thư hồi âm ngày hôm qua của lão tăng ra đây xem xem”.

Phu nhân là người rất cừ, xòe hai bàn tay ra, đại soái thấy tình cảnh đó, phát khởi thiền hứng, hỏi: “Phu nhân vừa trình thư, có vừa ý Đại sư không? Trường Khánh Huệ Lăng trả lời: “Vẫn tàm tạm”

Mân Soái hỏi dồn: “Không biết ý chỉ của Đại sư như thế nào?”

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng im lặng khá lâu, nhưng mà sự im lặng ấy như tiếng sét kinh thiên động địa, lúc này, vô thanh hơn có thanh. Đại soái rỗng rang tỉnh ngộ, cảm kích nói: “Thật là không thể nghĩ bàn được? Phật pháp của Đại sư vô cùng sâu xa!”

Tháng 5 năm thứ ba niên hiệu Trường Hưng đời Hậu Đường (932 Tây lịch), Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng an nhiên quy tịch, hưởng thọ 79 tuổi.

Liên quan đến thiền cơ : Mài Dao Không Bỏ Công Chặt Củi.

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng hao phí hai năm ngồi rách bảy cái bồ đoàn mới đạt được khai ngộ, dường như ngốc nghếch quá. Nhưng, trên toàn bộ lịch sử Thiền tông, có một hiện tượng thú vị như thế này: Có một vài người “ngốc nghếch” giống như Trường Khánh Huệ Lăng vậy, sau đó phần nhiều lại đều trở thành những nhân vật quan trọng lưu danh thiên cổ, mà những thiền nhân lanh lợi một nghe ngàn ngộ kia thường thường bị chôn vùi vào con dòng sông dài của lịch sử một cách nhanh chóng. Tìm hiểu kỹ về nguyên nhân của nó, những vị này bắt đầu biểu hiện rất là vụng về, đều hạ thủ công phu rất lớn tu hành trong thời gian lâu dài, trải qua quá trình long đong lận đận, cực kỳ gian khổ, giống như rèn luyện trong ngục vậy, cho nên công hạnh của họ vô cùng thâm hậu. Tích tụ nhiều mà bọc phát ra ít, đương nhiên đưa lên nặng mà như nhẹ.

Vì thế, lúc họ xuống núi hoằng pháp, mắt tuệ thông khắp trời đất, khéo tay vẽ cầu vòng; dương mi liếc mắt đều là đạo; nói, im, động, tĩnh tất cả đều là thiền. Trong tay họ, một cây thiền trượng cũng đủ để có thể trùm khắp núi sông đại địa; mà chân đế của nhân sanh vũ trụ, cũng có thể khiến cho nó hiển hiện trên cây gậy không mảy may có đầu mối này…

Thiền ngộ, có nhiều loại khế cơ: có người ngộ từ ngay trong lời nói, có người đọc kinh mà ngộ, cũng có người ngộ được nhờ nhân duyên… từ duyên mà ngộ, thì sức lực phải rất lớn, bởi vì nó lấy việc trường kỳ khổ công tu tập thực sự rèn luyện làm cơ sở, lấy sự tích lũy thay đổi về lượng mà đạt đến đốn ngộ, ngộ đắc công triệt để, ngộ đắc càng sâu sắc, mà luôn luôn không bị thối lui.

Chư vị Tổ sư gọi nó là “Dùi một mũi phá ba cửa” ( ba cửa của thiền đó là: sơ quan, trùng quan, lao quan).

Nhà nông nói: “Mài dao không bỏ công chặt củi”.

Hoặc là cơ duyên thật khéo, có lẽ là nhân duyên đã định, ban đầu chính bản thân Thiền sư Linh Vân Chí Cần hướng dẫn Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng đi tham bái Thiền sư Tuyết Phong đó là một vị tham thiền từ lâu mới khai ngộ. Huệ Lăng mất 20 năm khổ công tham cứu, thế mà ngài, lại “ngốc” hơn cả Huệ Lăng, tham cứu 30 năm đằng đẵng, ngồi rách không biết bao nhiêu là bồ đoàn, cuối cùng mới đổi lấy được sự hoát nhiên đại ngộ.

Thiền sư Linh Vân Chí Cần ở Phúc Châu, người Trường Khê - Bổn Châu. Sau khi xuất gia, do ngưỡng mộ lá thứ nhất của Thiền Tông Trung Hoa – người sáng lập ra tông Qui Ngưỡng một tên tuổi rất nổi tiếng Đại sư Linh Hựu, nên không quản đường sá xa xôi hành cước đến núi Đại Qui ở Hồ Nam.

Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu kế thừa truyền thống “một ngày không làm, một ngày không ăn” của sư phụ Bách Trượng Hoài Hải, phụng hành tông phong lao động tức tu thiền, vì thế, Thiền sư Linh Vân Chí Cường được phân làm điển tòa lúc đó – dưới trướng của Thiền sư Trường Khánh Đại An, cày ruộng trồng lúa, thổi lửa nấu cơm. Cây cối trên núi Đại Qui từ xanh trở qua vàng, từ vàng lại trở xanh, hoa màu trên rẫy từ gieo trồng đến thu hoạch, thu hoạch rồi lại gieo trồng, mười năm, hai mươi năm qua đi, Đại sư Qui Sơn Linh Hựu đã sớm quảy gót về Tây Linh Vân vẫn bặt vô âm tín.

Thiền sư Trường Khánh Đại An tiếp nhận đạo tràng của Qui Sơn, tiếp tục thiền phong Mục Ngưu của ngài (xem tùng thư “Thiền Đông Thiền Tây, Đại An Mục Ngưu”). Thiền sư Linh Vân đành phải tiếp tục tham “Thiền hoa màu” của ngài…

Mười năm dần trôi, gió xuân lại xanh ngắt núi Đại Qui. Một hôm, Linh Vân Chí Cần lao động từ ruộng trở về, ngài ngẫu nhiên ngẩng đầu, bỗng phát hiện hoa đào trong sân chùa nở rộ, rực rỡ xán lạn, ngài hoát nhiên ngộ đạo! Bốn câu kệ này tự nhiên từ tâm mà tràn ra như thế:

Ba mươi năm đi tìm kiếm khách,

Mấy độ lá rơi rồi nảy lộc.

Từ sau thấy được hoa đào nở,

Mãi đến bây giờ càng rõ hơn.

(tam thập niên lai tầm kiếm khách,

Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi,

Tự tùng nhất kiếnđào hoa hậu,

Trực chí như kim cánh bất nghi.)

Nếu không có ba mươi năm công phu tựa hồ như lãng phí ấy, thì ngài có ở cả đời trong rừng đào ấy, cũng coi như là ngày ngày xem hoa đào, dù cho ngày ngày đều ăn hoa đào thì cũng không thể rỗng rang đại ngộ được.

Trường Khánh Đại An, xem qua bài kệ của ngài liền cật vấn sự chứng ngộ của ngài. Mỗi câu mỗi lời của ngài đều từ trong ruộng tánh chảy ra một cách tự nhiên, cho nên đều phù hợp với tông chỉ của Thiền. Sư phụ khen rằng: Từ duyên mà ngộ đạt, mãi mãi không bị thối thất, ngươi phải tự hộ trì”. Thiền sư Chí Cần sau khi ngộ đạo đã trở về quê hương Phúc Kiến, đại khai pháp tịch ở núi Linh Vân, cùng sánh ngang hàng với Đại sư rất nổi tiếng là Tuyết Phong, mong muốn trùng hưng Phúc Kiến.

Có vị Tăng hỏi: “Làm thế nào để ra khỏi sanh lão bệnh tử?”

Thiền sư Linh Vân trả lời: Núi xanh vẫn bất động, mây trôi cứ đến đi”.Sanh tử là gì ? đối với Thiền sư khai ngộ mà nói thì sanh tử chẳng qua chỉ là khói mây bay qua mắt, mặc cho bạn sanh tử nhiều hay ít, thì tự tánh vẫn là núi xanh, không hề bị lay động.

“Khi quân vương xuất trận thì như thế nào? “ Đệ tử hỏi:

Thiền sư Linh Vân trả lời:” Ngoài cửa Minh Xuân, không hỏi Trường An”

Được triều kiến Thiên tử thì như thế nào? Đệ tử hỏi:

Thiền sư Linh Vân lại trả lời: “Gà mù xuống ao xanh, cá lội qua dưới chân”.        

Cửa Minh Xuân, chính là một cửa thành của thành Trường An. Bạn đã đến ngoài cửa, còn phải hỏi thăm Trường An sao? Tất cả những lời nói và hành động của mọi người đều là diệu dụng của tự tánh, nếu lại ra công cố sức để triều kiến, thì đã bỏ qua hiện tại.

Đại sư Tuyết Phong từng khen ngợi rằng: “Trăng xưa hiện trên núi Linh Vân”.

Một vị Tăng tham thiền đã lâu mà chưa ngộ hỏi rằng: “Chiến đấu trên sa trường đã lâu sao công danh chưa thành tựu?”

Thiền sư Linh Vân trả lời: “Quân vương có đạo, luôn luôn tỉnh thức, nhọc gì phải xây vạn lý trường thành”.

Thiền Tăng có chút tỉnh ngộ, suy nghĩ một lúc, rồi hỏi: “Can qua đã hết, lúc bó tay về với triều đình thì như thế nào?”

Thiền sư Linh Vân nói: “Mây lành bủa khắp muôn nơi, cây khô không hoa vì sao thế?”

Một vị đệ tử khác của Thiền sư Tuyết Phong là một trong những nhà thơ Tăng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc – Trường Sanh Kiểu Nhiên đến tham yết, thưa rằng: “Lúc Hỗn Độn chưa phân chia, tất cả chúng sanh từ đâu mà đến?”

Thiền sư Linh Vân trả lời: “Như cây cột mang thai”

Kiểu Nhiên hỏi dồn:” Sau khi đã phân chia thì như thế nào?’

Thiền sư Linh Vân trả lời: “ Cũng như đám mây trên trời xanh”.

“Không biết Thái thanh có chịu điểm không?” Kiểu Nhiên hỏi câu thứ ba, Thiền sư Linh Vân im lặng không nói. Kiểu Nhiên bỗng có chút tỉnh ngộ, thế là, ông lại quay sang một gốc độ khác, tiếp tục hỏi rằng: “Lúc đáng được thuần thanh tuyệt điểm thì như thế nThiền sư Linh Vân lần này đã mở lời: “Như chân thường trôi chảy”.

Trôi chảy, là ý chấp trước, dừng lại. Ý của Thiền sư Linh Vân là chấp trước cảnh giới tuyệt đối chân không thường tịch là cái bệnh của pháp tánh.

Kiểu Nhiên hỏi: “Như thế nào là chân thường trôi chảy?”

Thiền sư Linh Vân trả lời: “Tựa như gương luôn sáng”

Kiểu Nhiên lĩnh ngộ rồi, gật gật đầu, lại hỏi lần nữa: “hướng thượng vẫn còn có việc nữa sao?” Thiền sư Linh Vân nói có, ông lập tức hỏi dồn: “Thế nào là việc hướng thượng?”

Thiền sư Linh Vân trả lời:” Đợi ngươi đánh vỡ tấm gương này, sẽ gặp lại ngươi”.

TẮC THỨ 26 : BẢO PHÚC BỐN LẦN LỪA NGƯỜI

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển, họ Trần, người Phúc Châu. Năm 15 tuổi, ngài đến núi Tượng Cốt, lễ Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn làm thầy độ cho xuất gia. Đại sư Tuyết Phong là một vị Thầy lớn trong thiền môn, thiền tăng được đích thân ngài rèn luyện như sư tử nuôi thú nhỏ, ba tuổi đã có thể gầm thét lớn tiếng. Giống như mai già vừa nhú chồi non, cành lá chưa lớn đã nở hoa trước. Dưới sự khuyến khích cỗ vũ của sư phụ Tuyết Phong, Tùng Triển mới 18 tuổi này đã đi vân du. Mảnh trăng mới mọc, mây đơn côi ra khỏi núi. Chim bằng đã đủ cánh, vút tận trời cao mà bay lượn. Rồng cá mới lớn trở về biển xa đạp gió rẽ sóng mà đi. Thiền sư Tùng Triển một bình một bát, một gậy một nón, bình đựng sóng Triết Hải, bát đựng nước Hán Giang, đầu gậy gánh ánh trăng Tiu Tương, nón bao phủ đầy mây Lô Sơn. Sau khi qua lại nam bắc bờ Đại Giang, lên xuống vùng Ngô Sở, du lịch tham bái nhiều năm, ông về lại quê cũ ở Lĩnh Trung (Phúc Kiến). Bởi vì Thiền Tuyết Phong trên núi Tượng Cốt luôn khiến cho ông mộng hồn lởn vởn.

Đại sư Tuyết Phong lặng lẽ quan sát ông mấy ngày, Tùng Triển đang đi kinh hành trong sân, sư phụ đột nhiên gọi ông, hỏi một cách bất ngờ: “Có thể lãnh hội không?” Thiền sư Tùng Triển cảm nhận được thiền cơ tốt trong câu hỏi ngớ ngẩn ấy, nên muốn bước lên gần hơn một tí, bỗng nhiên Thiền sư Tuyết Phong dùng đầu thiền trượng ngăn ông lại. Ngay trong lúc tiến lên trước không được mà lùi lại sau cũng chẳng xong này, ông lập tức đốn ngộ.

Tùng Triển biết, khai ngộ, hoàn toàn không phải là đã xong mọi việc. Thế nên, ông trở về chỗ các sư huynh sư đệ ở long tượng Tông Môn của mình, luyện tập thiền đạo, ông đã từng theo sư huynh Trường Khánh Huệ Lăng trong một thời gian dài. Một hôm, Thiền sư Trường Khánh nói với ông rằng: “Thà nói A la hán có ba độc, cũng không nên nói Như Lai nói hai lời. Không phải nói như Như Lai không nói, chỉ là Như Lai không nói hai lời”. A la hán là bậc thánh nhân đã phá trừ tất cả phiền não, làm sao có thể có ba độc tham sân si được? Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng rất từ bi, ngài nói như vậy là vì muốn làm nổi bật Phật Pháp của đức Thích Ca Mâu Ni, không có câu nào không phải đạo lý của lời nói chân thật. Lúc đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, giảng kinh tổng cộng hơn 300 lần. Bởi vì đối tượng mỗi lần Ngài gặp đều không giống nhau, cho nên đạo lý mà Ngài nói cũng không hoàn toàn giống nhau. Nguyên nhân là do Pháp Nhãn của Ngài sáng suốt có thể quan sát được căn cơ của mọi người khác nhau, nên cho họ những pháp môn khác nhau. Điều này cũng giống như vị bác sĩ cao minh, luôn căn cứ tình hình của bệnh nhân mà điều chỉnh phương pháp xử lý điều trị, tùy bệnh mà cho thuốc. Tóm lại, đức Phật nói trái nói phải, nói thẳng nói ngang, muôn hình vạn trạng, nhưng mục đích chỉ có một: khiến cho chúng ta giác ngộ. Vì thế, Trường Khánh Huệ Lăng nói Ngài “tuyệt đối không nói hai lời.”

Nhưng mà, từ bi quá độ, tất nhiên lại mất đi sự công bằng của nó nên Thiền sư Tùng Triển sắc sảo hỏi dồn: “Lời Như Lai là gì?”

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng bị ép chẳng biết làm sao nữa, đành miễn cưỡng xoay người nói: “Giống như người điếc vậy, làm sao có thể nghe hiểu được chứ!”

Thiền sư Tùng Triển biết rõ Thiền sư Trường Khánh đang dở trò thôi, bèn nói: “Ta đã sớm biết rồi, đại Hòa thượng ngươi sẽ nói trên núi thứ hai.”

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng hỏi ngược lại: “Sư đệ, ngươi cho rằng lời của Như Lai như thế nào?”

Thiền sư Tùng Triển biết sư huynh “không có ý tốt”, nên mỉm cười, nói: “Uống trà đi”. Đây đúng thật là kỳ diệu đến tột đỉnh! Thái Sơn đè lên đầu, trong phút chốc, làm cho nó tan biến vào cõi vô hình; Sóng lớn ngút trời, chỉ vẩy tay nhè nhẹ, đã vỗ về nó trở về với trời trong biển lặng.

Thiền sư Tùng triển, Trường Khánh Huệ Lăng và sư cháu của họ là La Hán Quế Thâm, cùng đi vào thành. Tại một quán trọ họ nhìn thấy một bức bình phong, trên đó có vẽ một đóa hoa mẫu đơn tươi đẹp. Tùng Triển nói: “Một đoá hoa mẫu đơn đẹp!”

Trường Khánh Huệ Lăng nói: “Ngươi chớ nên hoa mắt.”

La Hán Quế Thâm nói: “Đáng tiếc! Một đóa hoa!”

Một đóa hoa mẫu đơn sống động chính là sự thể hiện của diệu tâm viên giác, chân như tự tánh. Cho nên, Thiền sư Tùng Triển nói nó đẹp quá; đóa hoa mẫu đơn vẽ trên bình phong này như huyễn như hóa, hoàn toàn không thật có, nếu bạn cho rằng thật có đóa hoa này, thì cũng giống như cố ý đè hai con mắt để nhìn thấy hoa đốm hư không - hoa mắt; Đáng tiếc rằng người đời không biết đóa hoa này, đem cái vật như huyễn như hóa của chân như tự tánh hiển hiện, mà mê lầm chấp trước, vì thế, La Hán Quế Thâm vô cùng cảm khái.

Ba vị Đại sư lấy hoa để nói thiền, mỗi mỗi đều đầy ý nghĩa sâu xa, thiền cơ lý thú, mỗi mỗi đều như vậy.

Thiền sư Tùng Triển và La Hán Quế Thâm ngồi ngắm trăng, La Hán Quế Thâm nói: “Có mây đang di chuyển, chắc sẽ có mưa phải không?”

Thiền sư Tùng Triển nói một cách đầy thiền cơ: “Không phải mây di chuyển, là gió di chuyển.”

La Hán Quế Thâm cũng không chịu nhường, sắc sảo đối đáp: “Ta thấy mây cũng không di chuyển, gió cũng không di chuyển.”

Tùng Triển “gian tà xảo quyệt”, cười nói: “Nhưng ngươi mới nói là mây di chuyển mà.”

La Hán Quế Thâm thân phận tuy nhỏ, nhưng công phu lại thâm hậu, nhẹ nhàng xoay chuyển tình thế: “Không biết là ai sai nữa?”

Tùng Triển nghe nói sư đệ Trường Sanh Kiểu Nhiên trú trì chùa trên núi nên đến thăm viếng. Họ vừa uống trà vừa tán gẫu. Kiểu Nhiên nói: “Mấy ngày trước, có một vị Tăng hỏi tôi về ý của Tổ sư từ Tây Trúc đến, tôi liền đưa phất trần lên để biểu thị thiền cơ không biết có được hay không?”

Tâm có sự sắc sảo của nó, một mảy may cũng có thể ngộ đạo; không đúng cơ duyên Phật, Bồ Tát cũng không thể giúp người ta khai ngộ. Vì thế, Thiền sư Tùng Triển mới không mắc lừa ông ta, nói: “Ta làm sao dám nói được hay không được? Có người khen việc này giống như mãnh hổ mọc thêm vuốt, có người lại coi thường hủy báng việc này chẳng đáng một xu. Cùng một việc như nhau, vì lý do gì mà khen chê khác nhau?”

Thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên vội nói: “Câu vừa rồi là do ngẫu nhiên thôi.”

Năm thứ tư niên hiệu Trinh Minh đời Hậu Lương (918 Tây lịch), thứ sử Vương Công ở Đàm Châu sáng lập ra thiền uyển Phúc Kiến, nghênh đón Thiền sư Tùng Triển đến trú trì. Hôm đăng đàn thuyết pháp trong buổi đầu tiên nhậm chức ấy, Vương Công quỳ lễ thỉnh ba lần, tự thân dìu đỡ Thiền sư Tùng Triển mới thăng tòa.

Từ đó, ngài luôn hoằng pháp lợi sanh ở thiền viện Bảo Phúc, nên mọi người xưng là “Bảo Phúc”.

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển tại pháp đường nói: “Việc này (tham thiền) như lửa do đánh vào đá mà có, như ánh chớp, ngộ được hay không ngộ được, đều không khỏi sẽ bị táng thân mất mạng.”

Thuyết pháp như vậy, thật khiến cho người ta nghi ngờ mờ mịt. Quả nhiên có một thiền tăng từ trong đại chúng đứng dậy, thưa rằng: “Không biết người đã ngộ rồi, có thể tránh được sự táng thân mất mạng hay không?”

Thiền tăng nói: “Nếu không ngộ được, không khỏi khiến cho mọi người chê cười.”

Bảo Phúc Tùng Triển đưa ngón tay cái ra, dường như là khen ngợi nói rằng: “Hành gia! Hành gia!”

Thiền Tăng có đôi điều không hiểu: “Thưa Hòa thượng, ngài nói đây là tâm hành gì vậy ?” Lúc này Bảo Phúc Tùng Triển mới để lộ tin tức chân thật: “Một gáo bùn phân tạt vào mặt mà ngươi cũng không thấy thối sao!”

Cổ nhân dạy, ngộ rồi cũng giống như lúc chưa ngộ. “Kinh Kim Cang” viết: A la hán không cho rằng mình đã đạt đến quả vị A la hán. Có sở đắc, tất có chấp trước, mà còn có một chút ngăn ngại, thì không thể giải thoát triệt để được. Cho nên, người khai ngộ thực sự, sẽ không hét vang trên khắp đường phố: “Ta đại ngộ rồi! Ta thành Phật làm Tổ rồi…”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển gặp một vị thiền tăng ở trước đại điện, bèn lấy thiền trượng gõ gõ vào đầu vị Tăng. Tăng nhân đau quá không chịu được nên la lên một tiếng. Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển chỉ cột trụ nói: “Cái kia vì sao không đau?”

Kỳ thật, Ngài đang nhắc nhở tăng nhân, ngay lúc đó nên thể hội “cái kia” tự tánh kia biết đau biết ngứa, tự thân lại không biết đau biết ngứa. Thế mà, vị Tăng này kém cỏi không đối đáp được.

Có một vị Tăng trốn trong một góc nhà, đang lặng lẽ đếm tiền. Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển phát hiện ra ông ta, bèn đưa một cánh tay ra, dường như muốn xin cho một ít tiền vậy: “Xin bố thí cho tôi một đồng tiền.”

Vị Tăng nghi ngờ không hiểu, thưa: “Thưa đại Hòa thượng, vì sao ngài lại đến nông nỗi này?”

“Ta đến nông nổi này mà.” Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển nói. Vị Tăng kia thấy vậy, bèn nói: “Nếu thật sự đã đến nỗi nông nỗi này thì ta cho ngài một đồng rồi đi đi.”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển hỏi ngược lại: “Vì sao ngươi lại đến nông nỗi này?”

Một vị đệ tử tham thiền đã lâu thỉnh giáo với Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển rằng: “Cổ nhân dạy, nếu muốn đạt đến con đường vô sanh (tịch tịnh Niết bàn) thì nhất định không biết được bản nguyên. Vậy nguồn gốc bản nguyên là gì?”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển im lặng một hồi, sau đó quay đầu lại hỏi Sa di thị giả bên cạnh: “Vừa rồi ông ta hỏi sư phụ gì vậy?”

Không đợi thị giả trả lời, vị đệ tử kia cho rằng thật sự sư phụ không nghe rõ, nên nhắc lại câu hỏi vừa rồi lần nữa. Thế mà lần này lại làm cho Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển nổi giận lôi đình lớn tiếng mắng: “Ta không phải điếc!”

Tuy ngài không điếc, mà vị đệ tử kia lại bị mù, sư phụ dùng phương thức “im lặng” để trực tiếp biểu thị “bản nguyên” của tâm tánh, ông ta lại nhìn mà không thấy, đương nhiên phải bị Sư Phụ trách mắng. Mà bản thân sự trách mắng này, vẫn là đang chỉ cho ông ta thấy: “Ta không điếc, ngươi cũng chớ có mù.”

Một hôm, hai vị vân du đường sá xa xôi áo quần bụi bặm đến thiền viện, Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển hỏi hai người từ đâu đến, một người trong số họ trả lời từ Giang Tây đến. Thiền tông Giang Tây hưng thịnh, chư vị Cao Tăng xuất hiện nhiều, long tượng thành hàng. Cho nên, Bảo Phúc Tùng Triển hỏi: “Học được gì rồi?”

Vị Tăng kia trả lời rất có thiền ý: “Lấy không ra.”

Đúng vậy, Thiền, có thể nói rõ ràng được sao ? Thể nghiệm ở trong tâm có thể lấy ra được hay sao? Vị tăng này dường như là một người có lãnh hội. Thế nhưng, thiền, nếu thật sự không có cách gì để biểu thị, làm sao có thể truyền một mạnh từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho đến ngày nay được? Nếu các thiền sư ngộ đạo thật sự, thì lại có thể ngay lúc không thể dùng lời ấy, phương tiện mà nói ra, ngay khi không biết làm sao mà chỉ thị rõ ràng! Vì thế, Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển hỏi tiếp: “Cái lấy không ra đó, là thứ như thế nào?”

Vị Tăng kia không đáp được.

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển quay qua một người khác, vẫn dựa theo hồ lô mà vẽ vá như cũ rồi hỏi: “Từ đâu đến?”

Câu hỏi này dường như là thừa thải. Nhưng mà, nếu thật là lời thừa, thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển phải nhọc công làm gì? Quả nhiên, vị tăng này thật sự có chút tin tức, ông ta trả lời: “Giang Tây, chùa Quan Âm.”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển tự nhiên đất bằng dậy sóng, sấm nổ giữa trời thanh, đột nhiên đưa ra cơ phong dựng đứng ngàn nhận: “Ngươi có thể nhìn thấy Quan Âm rồi chứ?”

Vị tăng này nghề cao gan lớn, ung dung nói: “Nhìn thấy chứ.”

Lúc Bảo Phúc Tùng Triển hành cước, đã đến chùa Quan Âm, biết rõ tình hình địa lý ở đó, nên hỏi thêm một câu đầy thiền ý: “Lúc ngươi nhìn thấy Quan Âm, ngài đang ở bên trái sông hay là bên phải sông?”

Vị Tăng này trả lời vô cùng tuyệt diệu: “Lúc thấy không phải bên trái cũng chẳng phải bên phải.”

Từ trong câu trả lời thiền cơ như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trung tâm của vấn đề hoàn toàn không phải là Bồ tát Quan Âm, Quan Âm chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho thiền mà thôi. Cho rằng đã nhìn thấy Ngài tức là chỉ cho Bát Nhã trực quán của thiền.

Thiền, không có trái phải, bản thân nó là một chỉnh thể hoàn chỉnh, nó là “nhất sắc biên” của “đốn nhất”. Vị tăng đáp lời hiển nhiên phải là một vị thiền giả thực thụ, hiểu rõ thế nào là Bát Nhã trực quán. Cho nên, mới dám tách vi yết trên đầu rồng, nhổ râu trên miệng cọp, đem cơ phong của thiền đưa đến một trình độ tuyệt vời xán lạn nhất.

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển đã để lại cho thiền lâm một di sản lớn nhất đó là công án “Tứ Mạn Nhân” của ngàiThiền sư Bảo Phúc Tùng Triển hỏi một tăng nhân: “Trong đại điện là gì?”

Thiền tăng biết Hòa thượng biết rõ mà cố hỏi, tất nhiên có ẩn dấu cơ phong, cho nên ông đáp một cách thông minh: “Hòa thượng ngài tự đi xem cho rõ.”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển không thèm nhìn mà nói: “Ông Thích Ca kia.”

Thiền tăng chẳng khách khí nói: “Đại Hòa thượng, ngài chớ lừa dối người khác được không!”

“Là ngươi lừa dối ta.” Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển nói.

Tiếp đó, Bảo Phúc Tùng Triển lại hỏi vị tăng kia: “Tên ngươi là gì?”

“Tên tôi là Hàm Trạch.” Vị tăng kia trả lời. Tên của người ta vốn là có ý nghĩa “Ân Trạch Quảng Bị”, Bảo Phúc Tùng Triển lại nói: “Lúc Ân Trạch giống như giọt nước khô thì như thế nào?”

Vị Tăng kia theo lý đương nhiên hỏi lại: “Ai là giọt nước khô?”

Bảo Phúc Tùng Triển nói: “Ta”. Vị tăng kia nói: “Đại Hòa thượng, ngài chớ lừa gạt người khác được không?”

Bảo Phúc lại nói lần nữa: “Nhưng mà ngươi lừa gạt ta.”

sư Bảo Phúc Tùng Triển lại hỏi: “Ngươi làm nghề gì mà dáng vẻ cao to như vậy?”

Hàm Trạch hỏi lại: “Đại Hòa thượng, ngài thấp bao nhiêu?”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển hỏi người nấu cơm: “Nồi của ngươi rộng bao nhiêu?”

Người đầu bếp cũng là một người hiểu thiền, hỏi ép sư phụ: “Đại Hòa thượng tự ngài thử lượng xem.”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển dùng tay làm tư thế đo đo. Người đầu bếp mắng: “Đại Hòa thượng, ngươi chứ lừa gạt người được không!”

Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển vẫn nói câu nói đó: “Nhưng mà ngươi lừa gạt ta.”

Liên quan đến thiền cơ : Hòa Sơn Bốn Lần Đánh Trống.

Chúng ta thấy công án “Tứ Mạn Nhân” (bốn lần gạt người) của Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển, rất có chút mùi vị ngậm lưỡi cuốc trong miệng - cắn tới nhai lui, rất khó nếm ra được mùi vị. Thế mà, chính công án lời lẽ câu kéo vô vị này mà hơn cả trăm ngàn năm nay lại được thiền giả các thời đại đều cho rằng là phần rất quan trọng của Thiền Tông.

Những công án tương tự với “Bảo Phúc Tứ Mạn Nhân” vẫn còn rất nhiều, chúng ta liệt kê ra một ít để so sánh đối chiếu, từ đó có thể suy ra để biết, hoặc có thể nếm được chút mùi vị, thấy được một chút đường lối.

Có một vị Tăng hỏi Thiền sư Tịnh Quả: “Khi hạc đậu trên cây tùng đơn lẻ thì như thế nào?”. Hạc đậu trên cây tùng cô lẻ, thật là một cảnh giới siêu phàm thoát tục. Thế nhưng, Thiền sư Tịnh Quả lại trả lời: “Dưới chân là một bãi ô uế.”

Thiền tăng lại hỏi: “Khi tuyết trắng phủ đầy núi thì như thế nào?”

Thật là một thế giới thanh tịnh. Nhưng, Thiền sư Tịnh Quả lại nói: “Sau khi mặt trời mọc, quả đất là một đám xấu hổ.”

Thiền Tăng hỏi câu thứ ba: “Đường Vũ Tông vào giữa niên hiệu Hội Xương đã phát động một phong trào pháp nạn trước đây chưa từng có, chùa chiền bị phá hủy, tượng Phật bị đập vỡ, kinh sách bị thiêu rụi, tăng ni bị đuổi, lúc đó, thần hộ pháp đi đâu rồi?”

Thiền sư Tịnh Quả nói: “Hai vị ngoài cửa chùa, là một phường xấu hổ.”

Thiền giả các nơi gọi công án này là: “Tam tu quí” (Ba xấu hổ).

Công án nổi tiếng nhất xứng đáng thuộc về: “Triệu Châu Trà”.

Có hai vị Tăng vân du cùng đến viện Quan Âm của ngài Triệu Châu (nay là chùa Bá Lâm huyện Triệu ở Hà Bắc) viện chủ (giám viện) dẫn họ đến phương trượng bái kiến Triệu Châu Cổ Phật - Đại sư Tùng Thẩm. Đại sư triệu Châu Tùng Thẩm hỏi: “Đã từng đến đây chưa?”

“Con đã từng đến.” Một vị tăng trả lời. Đại sư Triệu Châu bảo: “Được rồi, mời ông uống trà đi.”

Một vị tăng trẻ tuổi khác thưa: “Thưa sư phụ, con chưa từng đến.”

Thiền sư Triệu Châu vẫn nói một câu như trước: “Được rồi, mời ông uống trà đi.”

Ngày xưa trong tòng lâm tiếp đãi những tăng nhân vân du đến ở lại đêm, có tục lệ uống trà. Nhưng đối với người mới đến và khách cũ có sự khác nhau. Đại sư Triệu Châu phá lệ đều bảo họ uống trà đi, không những làm cho hai vị học tăng hoài nghi không hiểu mà ngay cả viện chủ đứng bên cạnh cũng nghi ngờ không chịu được hỏi: “thưa lão Hòa thượng! người đã từng đến chỗ của chúng ta ngài bảo ông ta uống trà đi, người chưa từng đến ngài cũng bảo ông ta uống trà đi, vì sao vậy?”

“Viện chủ!” Đại sư Triệu Châu bỗng dưng hét một tiếng lớn. Viện Chủ giật mình, đáp lại theo bản năng: “Thưa sư phụ, con ở đây.”

“Ông cũng uống trà đi!”

Ba thiền tăng đột nhiên có được tỉnh ngộ. Ba lần uống trà của Triệu Châu, thành tựu được ba đức Phật.

Nhưng công án có tính tiêu biểu nhất là: “Hòa Sơn tứ đả cổ.” (Hòa Sơn bốn lần đánh trống).

Thiền sư Hòa Sơn Vô Ân, họ Ngô, cũng người Phúc Châu. Năm ngài 7 tuổi đã theo Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn xuất gia - cũng giống như Thiền sư Bảo Phúc Tùng Triển vậy, nhờ uống no sữa Thiền Tuyết Phong trên núi Tượng Cốt mà trưởng thành. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài cũng thảnh thơi rời Phúc Kiến, vân du đến các nơi trong tòng lâm. Có điều khác đó là, lúc ngài tham yết với Thiền sư Cửu Phong Đạo Kiền, một câu khế cơ, những chướng ngại trong tâm, tiêu tan sạch không, thấy rõ bản lai diện mục của mình. Thế rồi ngài trú trì ở Hòa Sơn Cát Châu, đồ đệ theo học đông đúc, khắp nơi ca ngợi.

Thiền sư Hòa Sơn (mất vào năm 960 Tây lịch) lúc thuyết pháp tại pháp đường, thường trích dẫn một đoạn phẩm Quảng Chiếu Không Hữu trong Bảo Tạng Luận: “Học tập là một giai đoạn nghe, tuyệt học là một giai đoạn gần đến gần, vượt lên trên cả hai thứ đó là giai đoạn đạt đến chân lý.”

Một thiền tăng phản ứng rất nhanh, từ trong đại chúng đứng dậy nêu lên một câu hỏi: “Giai đoạn đạt đến chân lý là gì?”

Hòa Sơn không trả lời theo câu hỏi: “Ta chỉ biết đánh trống.”

Một thiền tăng khác từ trong câu trả lời kỳ quái của sư phụ đã thể ngộ được sự nhạy bén của thiền cơ đến nhanh như chớp rồi đi, lập tức truy hỏi: “Chân đế là gì?”

Chân đế chính là cảnh giới tuyệt đối của thiền, hoàn toàn không dính bụi trần, tục đế tương ứng với nó tức là vạn sự vạn vật đều đầy đủ. Chân đế và tục đế không khác tức là Thánh đệ nhất nghĩa đế.

Hòa Sơn làm sao mà trả lời được? Ngài nói: “Ta chỉ biết đánh trống.”

Tiếng trống lần thứ hai, thức tỉnh người đệ tử thứ ba, người đệ tử thay đổi câu hỏi một cách mới mẽ hơn: “Tức tâm tức Phật, con không còn phải hỏi nữa, xin sư phụ nói cho con biết thế nào là “chẳng phải tâm chẳng phải Phật?”

Tức tâm tức Phật, chẳng phải tâm chẳng phải Phật, đều là thiền ngữ do Mã Tổ Đạo Nhất đề xướng rộng rãi, trong tòng lâm không ai không biết, không ai không hiểu. Tức tâm tức Phật còn dễ lý giải; chẳng phải tâm chẳng phải Phật thì rất ít người có thể đạt đến giai đoạn này.

“Ta chỉ biết đánh trống”. Thiền sư Hòa Sơn lại trả lời như vậy, khác nào trên băng lại đổ thêm dầu, thử hỏi ai có thể đi trên đó được.

Chớ nói đường băng trơn, mà có người trượt băng. Thiền tăng thứ tư lên pháp đường hỏi rằng: “Nếu như một người đã tu chứng, đã giải thoát, chứng đắc huệ quả vô thượng đi đến, thì nên hướng dẫn ông ta như thế nào ?”

Thiền sư Hòa Sơn vẫn trả lời như thế: “Ta chỉ biết đánh trống”.

“Thùng, thùng, thùng, thùng !”

Bốn tiếng trống pháp, từ thời cuối nhà Đường vang vọng mãi cho đến hôm nay. Lúc thiền tăng hỏi “cái này”, hỏi “cái kia”, lúc mọi người suy nghĩ về công án này, thì kết luận của mọi người nếu không thế này thì thế kia, luôn luôn không tránh khỏi rơi vào một bên. Vậy thì mọi người nên thành thật đi đánh trống thôi: “thùng” một tiếng trần trụi, thanh tịnh, lan tỏa trong không trung yên tĩnh, lại cùng hòa lẫn trong sự trong sáng vô biên, trong cái không có gì đó, lại không có gì là không có…

Cho nên, mỗi lúc có người đứng trên góc độ danh từ, khái niệm mà tìm tòi truy hỏi, thiền sư liền tìm cách để định tĩnh tư duy của họ, cắt đứt dòng suy nghĩ thông thường của họ, từ đó khiến cho họ nhận thức được rằng, vấn đề của họ hoàn toàn không khế nhập bản thân sinh mạng, rất xa với chân đế của thiền, từ đó giúp họ nhanh chóng giác ngộ.

Thiền đã không khẳng định lại không phủ định, thiền tức là tướng trạng vốn có của sự vật, là bản lai diện mục, là chân đế vốn đầy đủ. Từ quan điểm này mà nói, lúc đối với người hỏi đến những vấn đề liên quan đến đạo Phật, tâm và thiền, câu trả lời của thiền sư Hòa Sơn đều có ý nghĩa.

Bốn lần đánh trống của Thiền sư Hòa Sơn, bốn lần lừa gạt người của Thiền sư Bảo Phúc, ba lần hổ thẹn của thiền sư Tịnh Quả, ba lần uống trà của thiền sư Triệu Châu…. đều là những áo nghĩa thậm thâm vi diệu của các vị đại tông sư đã tu chứng, đã hiểu thấu đưa ra, lấy đà làm cơ dụng tiếp dẫn người đời sau. Cho nên, ở đây không cần phải suy lý, cũng không cần suy lường, ngay lúc không hiểu, liền tại chỗ không hiểu đó phát khởi nghi tình, dụng tâm để tham cứu, cuối cùng cũng có ngày mối nghi bùng vỡ, từ đáy thùng thoát ra.

TẮC THỨ 27: THIỀN TĂNG VÀ THI TĂNG

Trong lịch sử phát triển của Thiền tông Trung Quốc có một tập thể đặc thù như thế này. Họ tu thiền được chứng ngộ, lại đem ngọn gió mát mẻ, màu sắc của khói, khí chất măng non của thiền đi vào văn đàn thi ca: Họ không thích chốn phồn hoa, nhưng lại thường trở thành thượng khách của vua quan quí tộc, bạn bè sáng tác của văn nhân khách sĩ; họ xa lánh hư danh, ẩn cư nơi núi sâu, mà lại đạt được vinh dự to lớn ở trong triều đình và dân chúng, tiếng thơm lưu lại ngàn đời. Có thể nói như thế này, không có họ thì những thi nhân thời cỏ đại sáng rực như dãy Ngân Hà sẽ bị mờ nhạt, rơi rụng đi rất nhiều; thậm chí không có họ thì ngay cả thế giới thi ca thời thịnh Đường – thời đại vàng son của thi ca Trung Quốc – cũng sẽ mờ nhạt đi nhiều, họ là một dòng chảy to lớn trong sông dài của thi ca Trung Quốc. Họ phát ra ánh sáng kì diệu độc nhất vô nhị… họ chính là những nhà thơ Tăng sĩ.

Vương Phạm Chí, Tề Tỵ, Hàn Sơn, Thập Đắc… họ như những ngôi sao lấp lánh, nhấp nháy trong bầu trời thơ Đường. Và đại sư Kiểu Nhiên, lại đem những điểm lành mạnh, những vắng lặng giản đơn của Phật môn riêng có trong chốn tòng lâm ấy kết hợp với tâm hồn trong sáng, khai sáng ra dòng thi ca Thanh Cảnh trong thời thịnh Đường, ảnh hưởng đến toàn bộ một thời đại.

Trong lịch sử thiền tông còn có một vị đại sư Kiểu Nhiên, ông là đệ tử đắc pháp của thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, ông đã để lại cho đời sau không chỉ là tập thơ mà là một tắc công án kinh điển và ngữ lục vi diệu. Vì tên của ông giống với pháp hiệu của nhà thơ tăng sĩ Kiểu Nhiên, nên nhiều người đương thời thường lẫn lộn giữa hai người hoặc cho hai người chỉ là một.

Thiền tăng Kiểu Nhiên, sau khi khai ngộ thì trú trì tại chùa Phúc Châu ở núi Trường Sanh nên người đời gọi là “Trường Sanh Kiểu Nhiên”. Quê ngài ở Phúc Châu, tuổi nhỏ đã xuất gia rồi. Ngài đã từng chăm chỉ tu tập không hề sai phạm mảy may trong giáo nghĩa Giới luật, lại còn khắ khổ nghiên cứu uyên bác, tinh thâm Thiên Thai chỉ quán … thế nhưng tất cả những điều đó chưa giải quyết được những nghi hoặc trong tư tưởng và nghi hoặc vốn có của Ngài. Thế là, Ngài từ bỏ việc nghiên cứu giáo lý, bắt đầu vân du tham thiền.

Ở núi Tượng Cốt, âm hưởng thiền của Đại sư Tuyết Phong giống như tiếng chim Hạc hót trên chín tầng mây, mạnh mẽ lay tỉnh trái tim phiêu bạt của Kiểu Nhiên, Ngài đặt hành lý xuống ở lại bên cạnh Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn một thời gian khá lâu để tham thiền ngộ đạo.

Một hôm, Ngài cùng với mấy vị Tăng sĩ đi đốn cây để làm phòng ốc. Sư phụ Tuyết Phong đi đến, xem họ đốn Bạch Trà nói: “Chặt đến tim cây mới dừng”. Thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên bỗng nhiên nhận thấy thiền cơ dâng trào, kiên quyết nói rằng: “Chặt ngã luôn!”

Thiền sư các thời đại đều nói: “Tức tâm tức Phật, tự tâm là Phật, vì vậy Đại sư Tuyết Phong chỉ bày Ngài đến tâm liền dừng (trụ). Nhưng mà tâm thiền không có chỗ trụ, tâm cũng không thể chứng đắc, do đó Kiểu Nhiên nói: “Chặt ngã luôn”.

Đại sư Tuyết Phong thấy Ngài khế hợp thiền cơ, liền thêm bước nữa, khích lệ nói: “Người xưa dùng tâm truyền tâm, vì sao ngươi lại chặt đứt tâm?”

Trường Sanh Kiểu Nhiên hoát nhiên đại ngộ, ném rìu xuống, lớn tiếng la: “Truyền!”

Đại sư Tuyết Phong vui mừng thưởng cho Ngài một cây thiền trượng, cười ha ha rồi bỏ đi.

Có một vị Thiền tăng hỏi Tuyết Phong: “Thế nào là đệ nhất cú?”

Đệ nhất cú, tức là đệ nhất nghĩa đế. Cảnh giới tuyệt đối của Thiền, làm sao nói hết được? Vì vậy, Đại sư Tuyết Phong im lặng rất lâu. Vị Tăng này dốt nát, chưa hề ứng cơ, nghi ngờ không hiểu từ phương trượng đi ra, lại đến Thiền sư Kiểu Nhiên thỉnh giáo: “Sư phụ im lặng không nói, là nghĩa gì vậy?”

Trường Sanh Kiểu Nhiên nói: “Đây là đệ nhị cú”

Tuyết Phong nghe Kiểu Nhiên phủ định thiền cơ của mình, liền bảo vị Tăng kia đến hỏi: “Thế nào là đệ nhị cú?”

Thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên nói: “Trời xanh! Trời xanh!”

Đỉnh cao kỳ diệu, không thể nghĩ bàn. Vì vậy, Kiểu Nhiên nói thiền cơ im lặng của Tuyết Phong là: ‘đệ nhị cú’, tự mình cũng không có ngôn từ để nói, chỉ có thể ngẫng đầu kêu: “Ông trời à! Ông trời à!”

Khi mọi người tập trung lao động xong, Đại sư Tuyết Phong hỏi: “Người xưa nói, ai ngờ dưới cái mũ nhẹ nhàng mát mẽ vốn là người lo lắng trong quá khứ. Các ông nói xem, ý của người xưa là gì?”

Trường Sanh Kiểu Nhiên cố ý đem cái nón nghiêng nghiêng đang đội trên đầu, đấu cơ với Đại sư Tuyết Phong: “Xin Sư phụ nói xem, đây là lời của người nào vậy?”

Tuyết Phong không đáp mà hỏi lại: “Người trì kinh có thể gánh vác Như Lai. Như thế nào mới gánh vác Như Lai?”

Trường Sanh Kiểu Nhiên không nói lời nào, ôm sư phụ Tuyết Phong đến đặt trên giường thiền – gánh vác Như Lai một cách chân chánh – chúng sanh giác ngộ tức là Phật, Đại sư Tuyết Phong cũng chính là Như Lai.

Chốn tòng lâm của Thiền tông, làm việc tức là tu thiền. Do vậy, ngày hôm sau, mọi người đều phổ thỉnh như thường lệ. Sở dĩ, Thiền tông tập trung lao động thì gọi là ‘phổ thỉnh’, nghĩa là: trên dưới quân bình sức lực, không có ngoại lệ, đều phải tham gia. Do đó, Đại sư Tuyết Phong mặc dầu là bậc đạo sư hướng dẫn 1500 người, rất được mọi người quý trọng, cũng theo lẽ thường tham gia ‘phổ thỉnh’. Ngài vác một bó củi, đi được nữa đường thì gặp một người đệ tử, liền vứt bó củi xuống. Người đệ tử đang lom khom nhặt bó củi lên, Tuyết Phong lạnh lùng đá anh ta một cái, anh ta ngã sấp trên đường. Về đến phương trượng, Tuyết Phong nói với Kiểu Nhiên: “Hôm nay ta đá ngã vị Tăng này, thật vui quá!”

Trường Sanh Kiểu Nhiên nói: “Đại hoà thượng, ngài nên vào Niết Bàn đường thay anh ta mới được”.

Niết Bàn đường là phòng bệnh dành cho những Tăng nhân ốm sắp chết ở. Trường Sanh Kiểu Nhiên lấy đó để phê bình sư phụ Tuyết Phong của mình: Chân của người đá đệ tử, mặc dầu muốn dẫn dắt anh ta khế nhập thiền cơ, nhưng lỗi ở tâm tha thiết, đã hiển lộ tông tích.

Một hôm, Tuyết Phong hỏi Kiểu Nhiên: “Cảnh tượng sáng rỡ thì đều biến mất, đây là vật gì?”

Trường Sanh Kiểu Nhiên nói: “Trước tiên xin sư phụ rộng lượng tha lỗi cho Kiểu Nhiên, Kiểu nhiên mới dám trả lời”.

Đại sư Tuyết Phong nói: “Ta thứ lỗi cho ngươi rồi, ngươi nói thế nào đi”.

“Kiểu Nhiên con cũng tha thứ lỗi của Đại Hoà thượng rồi!”

Anh sáng là trí nhanh nhạy, cảnh tượng là sự hiển hoá của ánh sáng tâm linh, hai cái đó đều bất khả đắc, cho nên còn có chân tâm sáng suốt nào đáng nói?

Một khi miễn cưỡng nói ra liền phạm lỗi. Cho nên Kiểu Nhiên trước tiên phải xin Tuyết Phong tha thứ. Cũng vậy lão hoà thượng Tuyết Phong, người không nên hỏi con làm gì, là không có việc mà kiếm chuyện, không có việc mà sanh quấy cũng là phạm lỗi rồi.

Trong lòng Tuyết Phong biết vị đệ tử này đại triệt đại ngộ rồi, tán thán sâu sắc rằng: “Tha cho ngươi hai mươi gậy”.

Trường Sanh Kiểu Nhiên hiểu rõ vị sư phụ này ấn chứng cảnh chứng ngộ của mình, thế là ngài năm vóc sát đất, đảnh lễ cung kính.

Không bao lâu, thiền sư Kiểu Nhiên liền được tín chúng mời đến chùa Phúc Châu núi Trường Sanh trú trì hoằng pháp.

Có vị Tăng hỏi: “Người xưa có dạy rằng: vô minh tức là Phật tánh, phiền não không cần trừ bỏ. Thế nào là vô minh tức Phật tánh?”

Phiền não tức Bồ đề, vô minh tức Phật tánh đó là chân lý chắc thật. Nhưng đây là cảnh giới khai ngộ của bậc đại sư, phàm phu tục tử quyết không thể thể hội được. Nếu tâm địa chưa thông, nội tâm chưa sáng, đem những lời nói này làm vật mua bán của tự thân thì sẽ bị ăn gậy chịu hét! Quả nhiên, thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên sắc mặt phẫn nộ, đưa nắm đấm thật cao, hét thật lớn, nói: “Hôm nay ta phỉa tàn nhẫn đánh sư tăng nhà ngươi!”

Vị tăng này dám xả thân cầu pháp, không hề sợ hãi, tiếp tục hỏi: “ thế nào là phiền não không cần trừ diệt?”

Thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên đưa tay gãi sau gáy nói: “Sư tăng nhà ngươi, làm sao ta giận ngươi được?”

Một thiền tăng khác thấy cơ phong của họ đấu rất mãnh liệt dạt dào, liền từ trong đại chúng bước ra hỏi: “Trên đường gặp được cao Tăng đã khai ngộ không dùng lời nói, im lặng, động, tĩnh để đối đáp, không biết nên lấy gì để đối đáp?”

Thiền sư Trường Sanh Kiểu Nhiên nói: “Văn tự viết ở trên giấy có thể làm gì?”

Thống soái đất Phúc Kiến bị sự chứng ngộ sâu rộng của Trường Sanh Kiểu Nhiên thuyết phục, nên xưng ngài là “thiền chủ Đại sư”.

Nhà thơ tăng sĩ Kiểu Nhiên (khoảng 720 – 793 Tây lịch), so với Trường Sanh Kiểu Nhiên thì sớm hơn 100 năm. Ngài gốc ở Hội Khể tỉnh Triết Giang (nay là Thiệu Hưng), có một thuyết nói là quê ở Hồ Châu (nay là huyện Trường Hưng, Triết Giang), dòng họ Tạ, tự Thanh Trú, là cháu đời thứ 10 của Tạ Linh Vận, thi nhân nổi tiếng thời Nam Triều. Người này xuất thân là một công tử danh môn vọng tộc, vào năm thứ nhất niên hiệu Thiên Bảo ông thi tiến sĩ nhưng không đỗ, hạ quyết tâm trốn vào chùa làm một thiền tăng vân du mây nước. Tu tập thiền đã làm rạng rỡ ánh sáng tự tánh của ông, sự chứng ngộ của thiền, càng khiến ông ở trên nền móng căn bản thể chứng chân đế của nhân sinh vũ trụ. Cho nên ông mới có thể thoải mái phóng bút, hứng thú linh hoạt, thầy xưa mà không lún bùn xưa, hợp với pháp mà không hạn chế nơi pháp, từ đó sáng tạo ra dòng thi ca “Thanh Cảnh” ảnh hưởng đến văn đàn thi ca cả hàng ngàn năm nay.

Sau niên hiệu Chí Đức đời nhà Đường, Kiểu Nhiên cư trú lâu dài ở chùa Diệu Hỷ núi Trữ ở Ngô Hưng (nay là ranh giới giữa Tây Bắc tỉnh Triết Giang và Nghi Hưng tỉnh Giang Tô), cùng với nhà thơ tăng sĩ Lĩnh Triệt, nhà đại thư pháp Nhan Chân Khanh, nhà đại văn học Vĩ Ưng Vật…xướng hoạ qua lại, kết thành bạn bè thi ca. Vì vậy, thiền sư Kiểu Nhiên để lại cho lịch sử, không chỉ là công án và ngữ lục truyền thống mà còn có 10 quyển thơ ý vị: “Trữ Sơn Tập” (cũng gọi là Kiểu Nhiên Tập), mang phong cách độc đáo, phong vận đặc biệt của ngài. Bình luận thơ của ngài có địa vị nổi bật trong lịch sử phê bình văn học của Trung Quốc đó là “hình thức thơ”, “nghị luận thơ”, “bình thơ”; trước đời Đường, nó là một trước tác có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử bình luận thơ.

Mưa lất phất mái hiên,

Ao nhuốm màu xanh ngắt.

Mịt mù qua ruộng lúa,

Xào xạc bên Sa Thành.

Yên tĩnh nhìn mai rụng,

Nhà tối tiếng trúc vào.

Buổi sáng ngắm không chán,

Ngâm nga gởi yên lành.

(Phiến vũ phất thiềm doanh,

Phiền khâm tứ toà thanh.

Phi vi quá mạch lũng,

Tiêu sắt bàng Sa Thành.

Tỉnh ái hoà mai lạc,

U gian nhập trúc thanh.

Triêu quán thú vô hạn,

Cao vịnh kí nhàn tình.)

Mùa hạ năm nọ, Kiểu Nhiên cùng bạn bè leo lên lầu Quán Nông, mưa bay mịt mù bao phủ cánh đồng hoang, cây cối lay động trong gió nhẹ, nếu thiền tâm không sáng suốt, làm sao có thể cảm nhận được cây mai khô lặng lẽ rơi rụng.

Dời nhà tuy đến thành,

Qua đêm ngủ giường dâu.

Gần hàng rào hoa cúc,

Thu đến chưa nở hoa.

Gõ cửa không tiếng chó,

Muốn đi hỏi nhà Tây.

Bảo đi vào trong núi,

Quay về lúc xế chiều.

(Di gia tuy đới quách,

Dạ kinh nhập tang sàng.

Cận chủng li biên cúc,

Th lai vị trước hoa.

Khiếu môn vô khuyển phệ,

Dục khứ vấn Tây gia.

Báo đạo sơn trung khứ,

Qui thời mỗi nhật tà.)

Kiểu Nhiên tràn đầy hứng thú tìm thăm người bạn là Lục Hồng Tiệm, nhưng thật không may, người bạn đi vắng, gặp phải cảnh nhà cửa đóng.

Thế mà chúng ta không những không cảm thấy sự thất vọng trong thơ của Ngài, mà ý cảnh trong thơ ngược lại, nhân thăm bạn không gặp mà càng tăng thêm vẻ thanh đạm u tĩnh, tái hiện sống động thiền hứng của tác giả trong cuộc sống ẩn dật sông núi.

Trăng lạnh bóng tùng như ngọc rơi,

Đá suối tiếng vang trôi lững lờ.

Sáng sớm nhẹ nhàng lướt trên sương,

Nguyện cùng sông núi đến tuổi già.

(Tùng nguyệt ảnh hàn sanh bích lạc,

Thạch tuyền thanh loạn phún sàn viên.

Minh triêu cánh nhiếp tầng tiêu khứ,

Thệ cộng yên hà đáo lão nhàn.)

Ai nói tăng sĩ thân như cây khô, tâm như tro tàn? Họ tự có tình cảm vừa đặc biệt vừa sâu sắc nữa. Đương nhiên tình cảm của họ mang đậm phong thái khí tiết của tùng trúc, trăng hoa mây núi. Thế là, dưới ngòi bút của Kiểu Nhiên, tùng cô lẻ nhưng cao ngạo, trúc già mà đầy khí tiết, trăng thanh mà lạnh lùng, mây trắng mà tinh khiết. Ngài kế thừa truyền thống thơ sơn thuỷ. Lại còn thêm linh hồn siêu nhiên của thiền, cuối cùng trở thành phong cách độc đáo của dòng thơ “Thanh Cảnh”. Anh hưởng đó kéo dài cho đến dòng thơ Giang Tây đời Tống.

Nhưng mà Kiểu Nhiên rốt cuộc vẫn là một Tăng sĩ, là Thiền sư, do đó trong thơ của Ngài càng có nhiều cảnh giới của Thiền, sự tu tập của Thiền. Cảnh giới Thiền như:

Xưa nay Hồ Thượng thắng nhân gian,

Xa ải phù vân tự trở về.

Trăng lẻ trời vắng thấy tâm địa,

Lơ thơ dòng nước chiều núi xanh.

(Tùng lai Hồ Thượng thắng nhân gian,

Viễn ái phù vân độc tự hoàn,

Cô nguyệt không thiên kiến tâm địa,

Liêu liêu nhất thuỷ kính trung sơn.)

(Tiễn Duy Kinh thượng nhân trở về Đỗng Đình)

Ý nào muốn về núi?

Đạo cao nhờ thắng cảnh.

Hoa rỗng ngộ tánh giác,

Trăng tàn biết chứng tâm.

Suốt đêm ngâm thơ thiền,

Vượn xanh tự tương ứng.

(Hà ý dục qui sơn?

Đạo cao do thắng cảnh.

Hoa không giác tánh liễu,

Nguyệt tận tri tâm chứng.

Vĩnh dạ xuất thiền ngâm,

Thanh viên tự tương ưng.)

(Tiễn Thanh Lương thượng nhân)

Có lẽ do hai bài thơ này đều viết cho hai vị cao Tăng tham thiền chứng ngộ, tâm linh sắc bén mà Kiểu Nhiên càng đề cập nhiều đến cảnh giới tu tập thiền. Trong thiền định treo vầng trăng tâm, sáng suốt rõ ràng như tấm gương trong, vắng lặng mà thường chiếu, chiếu sáng mà thường vắng lặng.

Mã Tổ Đạo Nhất nói: “Phàm thấy được sắc, đều là thấy tâm; tâm không phải từ tâm nhờ sắc mà có”. Chính vì thế, “hoa đốm hư không tức tánh giác”, “trăng tàn” mà biết “tâm chứng” – sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.

Chùa cổ trên Hàn Sơn,

Chuông xa đưa theo gió.

Dư âm lay bóng nguyệt,

Vang đến tận hư không.

Thiền tăng suốt đêm dài,

An nhiên tâm trong cảnh.

(Cổ tự Hàn Sơn thượng,

Viễn chung dương hảo phong.

Thanh dư nguyệt thụ động,

Hưởng tận sương thiên không.

Vĩnh dạ nhất thiền tử,

Lãnh nhiên tâm cảnh trung.)

Liên quan đến thiền cơ: Thiền Và Thơ

Văn hoá truyền thống Trung Quốc, phát triển đến thời đại nhà Đường đã bước vào thời đại hoàng kim, từ thơ ca đến hội hoạ, từ âm nhạc đến điêu khắc đều đạt đến đỉnh cao trước đây chưa từng có. Lãnh vực nghệ thuật văn hoá này phát riển mạnh mẽ, hình thức thay đổi rõ ràng đều có liên hệ lớn lao đến sự truyền bá của Phật giáo, đặc biệt là sự hưng khởi và phồn thịnh của thiền tông.

Từ khi Phật giáo truyền từ Phương đông vào, nghệ thuật văn hoá Trung Quốc ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều đến Phật giáo. Đặc biệt thời thịnh Đường, chính trị rõ ràng, tư tưởng phóng khoáng. Thiền tông vừa mới hưng thịnh, với hình thức tư duy độc đáo, thoải mái bay bổng siêu nhiên ngoại vật, trí tuệ uyên bác hiểu rõ trời đất, đã thay đổi cách nhìn của các văn nhân, sĩ phu.

Họ bàn luận thiền, tu tập thiền, trên tư tưởng đã có một khuynh hướng thiền lý hoá, tự nhiên dẫn đến sự thay đổi niềm vui trong cuộc sống của họ và cũng tự nhiên được phản ánh trong tác phẩm văn học nghệ thuật của họ. Họ đưa thiền vào thơ, đưa thiền vào hội hoạ, đưa thiền vào nhạc… tư duy nghệ thuật từ chỗ thô tháo nông cạn đã dần dần đạt đến trình độ tinh vi sâu rộng, hơn nữa đã tạo ra một bước nhảy kết thúc về chất, tiến vào một cảnh giới hoàn toàn mới lạ.

Sự phát triển của thơ ca đời Đường hoàn toàn không chỉ là sáng chế theo luật và chữ nghĩa quen thuộc. Sức mạnh thúc đẩy sự thay đổi về chất của nó chính là những nhà thơ biết tu tập thiền, đưa thiền vào thơ; thiền giả làm thơ, dùng thơ nói thiền, trong thiền có thơ, trong thơ có thiền.

Thiền sư Tri Không đã từng nói với một người bạn thơ văn rằng: “Nay Sơn tăng bình luận thơ cùng với cư sĩ, cư sĩ đàm luận thiền cùng với Sơn tăng. Tại sao vậy? Từ xưa trong tình thơ một nửa là thiền. Lấy thiền làm thơ, lấy thơ làm thiền, không gì là có thể hay không thể.

Sự thẩm thấu về thiền khiến hồn thơ càng có hồn hơn, thay đổi đến độ càng thêm sáng rỡ linh hoạt, nhẹ nhàng siêu thoát, đạt đến cảnh giới thẩm mỹ trước đây chưa từng có. Cho nên Nguyên Hảo hỏi rằng: “Thơ làm khách Thiền thêm ý chí, thiền là nhà thơ mài dao ngọc”.

Chính tu dưỡng thiền, thể nghiệm thiền và lãnh ngộ về thiền đã thành tựu rất nhiều thi nhân vĩ đại như: Vương Duy, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Tô Đông Pha, Lưu Vũ Dương, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Hoàng Đình Kiên, Lục Du… ở trong tác phẩm của họ, ý tưởng của thơ cùng ý cảnh của thiền song song tồn tại không phân cách, nước sữa hoà nhau, sản sanh một thứ mỹ cảm vô cùng độc đáo ý vị, cảnh và ta đều quên, từ đó đạt đến sự gột rửa ô nhiễm của thế tục, hướng đến giải thoát thanh cao, tinh khiết của nhân sanh.

Đồng thời, theo đà hưng thịnh của thiền tông, để trình bày và giải thích những điều thiền không thể nói, không thể bàn, các vị Tổ sư đã dùng nhiều bài kệ, thơ tụng để “đi đường vòng nói chuyện thiền”. Thế là, trong biển lớn thi ca sanh ra một đoá hoa kì lạ – thơ thiền. Thiền giả có khí khái dám chết dám sống, dám phá dám lập, đặc biệt có trí tụê lớn, “hạt cải chứa cả núi Tu di, một sợi lông hoá hiện cả đại thiên”. Hơn nữa sau khi thiền khai ngộ, trên tinh thần đạt đến tự do tuyệt đối, khí chất của họ chuyển biến thành nhẹ nhàng, thanh thoát, hào phóng gần với khí chất của thi nhân; điều chủ yếu hơn là phương thức tư duy thông thường của họ đã chuyển hoá thành tư duy linh cảm trực giác: “Tâm rỗng rang ngưng tư duy, suy nghĩ tinh vi mà thành lời, nhốt trời đất trong hình thể, nén vạn vật dưới đầu bút”, cho nên khong cần phải giống thi nhân “làm thơ mới nghiêng về nói chuyện sầu” như thế, tuỳ tay niêm luật, nên bài thơ rất hay:

Muốn biết đạo của ta

Không trái tính vạn vật

Biển lớn mặc cá bơi

Trời rộng tuỳ chim lượn.

Đầu tiên đề ra rõ ràng trạng thái thiền định và trạng thái tinh thần sáng tác thơ ca là tương tức tương dung. Đó là học trò của Kiểu Nhiên – nhà văn học lớn Lưu Vũ Dương.

Lưu Vũ Dương sinh ra đã có duyên với Phật, lúc bé ông đã từng học với nhà thơ tăng sĩ nổi tiếng – Kiểu Nhiên. Có thể nói, thầy giáo đầu tiên dạy ông sáng tác thơ ca chính là Kiểu Nhiên – người khai sáng ra phái Thanh Cảnh. Ông đã từng là thành viên chủ yếu của “Vĩnh Trinh Cách Tân” ( cuộc cách mạng Vĩnh Trinh), sau cuộc đàm phán chính trị thất bại, bị lưu đày 22 năm. Do đó, ông có một khoảng thời gian rảnh rỗi ngồi tham thiền. Trong một lần tĩnh tu, trong trạng thái thiền định sáng suốt không mê mờ, ông vô tình khám phá được một bí quyết lớn:

Thơ cảnh và thiền cảnh, gần gũi tương thông!

Ông miêu tả tỉ mĩ rằng: “Có thể xa lìa dục thì tâm vắng lặng yên tịnh (nhờ giới mà sanh định), tâm linh sáng suốt, yên tịnh thì sâm la vạn tượng chiếu vào (thiền định hiển bày trí tuệ), lúc này, hình thức từ ngữ thơ từ thì hay mà thâm thuý, thanh luật của thể phú, thì uyển chuyển mà linh động. Vì vậy từ xưa đến nay, có nhiều thiền Tăng nhờ thơ làm người ta kinh ngạc mà nổi tiếng trên đời. Nhờ thiền định mà đạt được ý cảnh của thơ, trí tuệ hiển bày nhờ thiền định, cho nên bất ngờ mà hay…”

Đến đời Tống, thiền tông như cuồng phong đột tiến, phổ biến đến các tầng lớp xã hội Trung Quốc, văn nhân sĩ đại phu tham thiền, bàn luận thiền trở thành trào lưu thịnh hành. Trong quá trình tham thiền tự nhiên họ phát hiện được tham thiền và làm thơ dường như có trạng thái tâm lý nhất trí, đây chính là “ngộ” – tham thiền phải ngộ cảnh giới thiền, học thơ phải ngộ cảnh giới thơ.

Nhà thiên tài bình thơ Nghiêm Vũ lần đầu tiên đã phát biểu: “Thơ – Thiền là một”, ông chỉ ra “con đường Thiền chỉ ở nơi sự chứng ngộ vi diệu, con đường thơ cũng tại nơi sự chứng ngộ vi diệu… không biết thiền, tất nhiên không biết thơ”.

Từ đó, thơ và thiền kết hợp với nhau càng chặt chẽ hơn:

Học thơ sẽ như thiền buổi đầu,

Chưa ngộ thì tham vấn mọi nơi.

Một sớm ngộ rồi mắt tuệ mở,

Tin rằng niêm luật sẽ thành chương.

(Hàn Câu tặng Triệu Bá Ngư)

Học thơ hoàn toàn giống tham thiền,

Giường tre bồ đoàn chẳng kể niên.

Trực tiếp tự mình đều hiểu được,

Thanh nhàn niêm luật mới siêu nhiên.

(Ngô Khải “Học làm thơ”)

Muốn xem luật giống tham thiền,

Lý thú không từ văn tự truyền.

Quan tâm thoáng chốc liền chứng ngộ,

Hiểu rồi câu chữ liền siêu nhiên.

(Tái Phúc Cổ “Luận Thơ Thập Tuyệt”)

Học thơ giống như học tham thiền,

Ngộ rồi mới biết “tuế” là “niên”.

Chút sắt thành vàng như hư vọng,

Núi cao nước chảy vẫn như nguyên.

(Cung Tương “Học Thơ”)

TẮC THỨ 28: LỄ LẠY CHÍNH MÌNH

Thiền sư Long Hoa Linh Chiếu (870 – 947), nguyên là người Cao Lệ – Hải Đông. Cuộc đời mênh mang như biển lớn, đầy dẫy những điều chưa biết và nghi ngờ. Chính những nghi hoặc câu sanh này, thúc dục ngài bước lên một con thuyền gỗ mưa gió lênh đênh, trải qua sóng to gió lớn, chín phần chết một phần sống, con thuyền mới đến được đại Đường. Ngài du phương đến vùng đất giữa Mân và Việt, hành cước trong chốn tòng lâm, tham vấn cao tăng thạc đức, tìm hiểu sự thật của cuộc đời. Bấy giờ, Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn như trăng trung thu trong sáng, cao cao giữa bầu trời Mân Nam. Ngài ngưỡng mộ tiếng tăm của đại sư liền lên núi Tượng Cốt. Đại sư Tuyết Phong thấy ngài đạo tâm kiên cố, cho phép vào trượng thất. Thiền của ngài Tuyết Phong, ánh sáng trí tuệ lấp lánh rực rỡ, chiếu khắp mọi nơi. Thiền sư Linh Chiếu sống ở đó rất lâu, hun đúc đào luyện, dần dần trong ngoài đều thấu triệt, một sáng khế cơ, hoát nhiên lãnh ngộ được yếu chỉ huyền diệu.

Lúc ngộ rồi cũng giống như khi chưa ngộ vậy. Thiền sư Linh Chiếu giấu tài tự giữ mình thản nhiên, lẫn mình vào tăng chúng bình thường. Từ đông sang hạ chỉ có một chiếc y bá nạp; chẳng kể xuân thu. Khổ cực siêng năng làm việc chúng. Ở đất Mân tăng, tục đều gọi ngài là “Chiếu bố nạp”. Một đêm thu trời trong như nước, nửa vầng trăng sáng trôi trên bầu trời xanh, trời đất một vùng trong sáng. Thiền sư Linh Chiếu chỉ nửa vầng trăng trên bầu trời đêm hỏi sư đệ đồng môn Thượng toạ Bồ (Thùy Long Đạo Bồ): “Nửa kia đi đâu rồi?”

Thượng toạ Bồ nói: “Chớ vọng tưởng”

Thiền sư Linh Chiếu nói đầy thiền cơ: “Mất đi một nữa rồi!”

Sau này, Thiền sư Linh Chiếu lại không che giấu được ánh sáng trí tuệ chiếu khắp trời của Ngài, được quan dân đất Việt cung thỉnh xuất thế, hoằng pháp độ sanh. Ban đầu, ngài trú tại núi Tề Vân ở Vụ Châu (nay là vùng Kim Hoa tỉnh Triết Giang), sau dời đến thiền viện Kính Thanh ở Việt Châu (nay là Thiệu Hưng). Thái thú Tiền Công rất ngưỡng mộ thiền phong của ngài, xây dựng cho ngài thiền viện Báo Từ có qui mô to lớn tai Tây Quan Hàng Châu. Sau đó, danh tiếng của Ngài kinh động đến vua Tiền Trung Hiến nước Ngô Việt. Tiền vương xây dựng chùa Long Hoa tại Hàng Châu, thờ linh cốt, xá lợi của Phó đại sĩ Kim Hoa, mời Thiền sư Linh Chiếu trú trì.

Ngài trú trì chùa Linh Hoa ở Hàng Châu, lúc ở pháp đường lần đầu tiên khai thị Phật pháp, có vị tăng hỏi: “Hội Hoa Long này, có gì khác với pháp hội Linh Sơn của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni?”

Thiền sư Linh Chiếu kiên quyết nói: “Đều là hóa thành thôi!”

Gọi là hóa thành, tức là thành thị do hóa hiện mà có. Kinh Pháp Hoa có chép: một đoàn người muốn đến một nơi xa xôi, nhưng đường đi rất xa, gian nan hiểm trở, người dẫn đường sợ người đi mệt mỏi muốn trở về, liền biến hóa ra một thành quách ở trên đường, cho mọi người được nghỉ ngơi ở thành này, bồi dưỡng sức lực, để đi đến kho báu. Ý của ví dụ này là: Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni muốn cho tất cả chúng sanh đều đắc đạo thành Phật, nhưng chúng sanh tâm tính khiếp nhược, không dám đảm đương. Vì vậy, đầu tiên đức Phật nói Phật Pháp tiểu thừa, dùng cảnh tốt đẹp trước mắt hoàn toàn dễ thực hiện, khiến chúng sanh phát khởi tâm, sau đó tiến đến Phật pháp đại thừa, tiến thẳng vào kho báu chơn chánh. Hoá thành chỉ là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng.

“Thế thì cần gì phải ngưỡng mộ lẫn nhau?” thiền tăng hỏi.

Thiền sư Linh Chiếu nói: “Tuy là hóa thành nhưng không phải lập ra một cách uổng phí. Cho nên, những lời nói trước đây cũng hoàn toàn không phải là nói suông”.

Hóa thành, tự có diệu dụng đặc thù của nó; lời nói tuy không phải là chơn đế của thiền, nhưng chơn đế của thiền cũng không tách rời lời nói để diễn đạt.

Thiền tăng lại đem cơ phong đẩy lên một tầng mới, hỏi thiền sư Linh Chiếu: “Không biết lúc đầu trên pháp hội Linh Sơn, Phật tổ Thích Ca Mâu Ni nói pháp gì?”

Pháp hội Linh Sơn, đã trải qua 1500 năm. Nhưng Thiền sư Linh Chiếu lại dám đảm đương. Ngài đáp: “ Phật Tổ không nói gì, Ca Diếp cũng không nghe gì.”

1500 năm trước, trên pháp hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa lên, Ca Diếp mỉm cười - tâm nhạy bén một điểm liền thông suốt, tất cả đều không ở trong lời nói - Thiền vi diệu thần kì, từ đây mà sanh ra!

Trong đại điện Thầy hương đăng đang quét những bụi bặm trên tượng Phật, Thiền sư Linh Chiếu đi đến hỏi rằng: Đã là Phật, thanh tịnh không ô nhiễm, tại sao lại còn bụi bám?”

Thầy hương đăng không đáp được lời nào. Thiền sư Linh Chiếu đáp thay ông ta: “KHÔNG thấy nói sao, mạt vàng tuy quý?”

Năm đó, Thiền sư Hưng Thiện Duy Khoan nói với Bạch Cư Dị: “Mạt vàng tuy quý, vào mắt thành nhặm mắt”, thầy hương đăng cũng là người linh lợi, lập tức ngộ được Thiền cơ, chất vấn rằng: “Mạt vàng tuy quý, lúc đặt vào trong mắt không được thì như thế nào?”

Thiền sư Linh Chiếu đáp: “Đặt không được còn đặt làm gì?”

Đúng vậy, suy nghĩ “Đặt không được” ấy, còn đặt làm gì? Cũng chính là nói, cái kia đã thanh tịnh, sao còn phải để ý giữ gìn? Cảnh giới thanh tịnh, cũng là một cảnh giới! Thiền tâm không ở trong ô nhiễm, cũng không ở trong thanh tịnh!

Thầy hương đăng hoát nhiên ngộ ra, dập đầu lễ bái.

Tại Pháp đường, Thiền sư Linh Chiếu im lặng hồi lâu, rồi nói: “Một người nói dối, vạn người nói thật”.

Nói dối một vạn lần, trở thành sự thật.

Một người đệ tử rất nhạy bén, lập tức nắm bắt thiền cơ, hỏi rằng: búp bê làm bằng cỏ có thể ca múa, không biết bây giờ còn loại búp bê cỏ ấy không?

Thiền sư Linh Chiếu từ pháp tòa đi xuống nhảy múa trước mặt đại chúng, ngài vừa nhảy vừa hỏi: “Lãnh hội không”?

Người đệ tử lắc lắc đầu giống như trống Hóa Lang.

Thiền sư Linh Chiếu trách rằng: “Sơn Tăng nhảy múa, ngươi cũng không lãnh hội à?”

Thiền, hoàn toàn không kì lạ gì. Con rối (búp bê) nhảy, có dây điều khiển; con người nhảy múa,tánh ở chỗ tác dụng - mỗi cử chỉ của người đều là diệu dụng của tự tánh, tại sao còn nói không lãnh hội?

Một thiền tăng khác nói: “Người xưa dạy: Luyện đơn một hạt, luyện sắt thành vàng, đạt ý một lời, chuyển phàm thành Thánh”. Xin thầy chỉ giáo”.

Con người luôn như vậy, thời thời khắc khắc vọng tưởng khế hợp vọng tưởng. Cho nên ngày xưa, các loại linh đơn, diệu dược xuất hiện dẫy đầy, thời hiện đại, lời hay ý đẹp cũng đầy trong sách!

Thiền sư Linh Chiếu trả lời như thế nào? Ngài nói: ngươi có biết lão Tăng có thể luyện vàng thành sắt không?

Thiền Tăng mê mờ không hiểu, vẫn cứ huyễn tưởng: Luyện vàng thành sắt, trước nay chưa hề nghe. Đạt lý một lời, xin sư phụ không tiếc lời chỉ dạy.

Thiền sư Linh Chiếu: “Nếu ta nói ra điều ấy, ngươi cũng không thể lãnh hội, thế thì hối hận không kịp à!”

Có vị Tăng cũng từng hỏi sư đệ của ông - Thiền sư Thúy Nham Linh Tham- cùng một câu hỏi như thế: “Luyện đơn một hạt, luyện sắt thành vàng; đạt lý một lời, chuyển phàm thành Thánh. Người học đã đến, xin Thầy chỉ giáo”. Thiền sư Thúy Nham Linh Tham kiên quyết cự tuyệt nói: “Không dạy”.

Thiền Tăng hỏi vì sao không dạy? Ngài đáp: “Sợ ngươi rơi vào kiến chấp Phàm, Thánh!”

Một vị Tăng vân du đến hỏi rằng: “Bổn phận của người học là gì?”

Bổn phận của Thiền Tăng còn có thể là gì? Sở dĩ anh ta hiểu rõ mà cố hỏi, chẳng phải muốn tìm được tin tức gì từ lời nói của sư phụ sao? Thiền sư Linh Chiếu liền cho anh ta vài tin tức, những tin tức này đều ngờ nghệnh: “Sơn Tăng chẳng tiếc lời nói”.

Vị du Tăng đổi sang một góc độ khác nói: “Xin Sư phụ gọt giũa”.

Tục ngữ nói: Ngọc không giũa không thành đồ trang sức. Thời cổ đại, Thiền Tăng trong tòng lâm giống như những viên ngọc chưa mài giũa. Dưới sự gọt giũa khéo léo của Thiền sư, họ từ thô trở thành đẹp, từ ngụy thành chân, hiển bày ánh sáng tự tánh. Vì vậy, vị Tăng vân du thành khẩn xin Thiền sư Linh Chiếu gọt giũa cho mình. Ngài Linh Chiếu lập tức chỉ anh ta nói: “Tám phần”.

Du Tăng ngu si không hiểu: hoàn toàn tốt đẹp mới là viên mãn. Tại sao chỉ có tám, mà không là mười?

Đây chính là phương thức tư duy độc đáo của Thiền: bất kì sự việc gì của thế gian, đều không có thể đạt đến “thập toàn thập mỹ”. Quá truy cầu viên mãn, giống như lấy bảo bối bỏ vào trong mắt, ngược lại sẽ bị hại rất lớn.

Thiền sư Linh Chiếu bỗng nhiên hỏi một vị Tăng: “Nhớ không?”, “Gì mà nhớ”, “Nhớ gì”? Vị Tăng kia lại trả lời: “Nhớ”.

Linh Chiếu cười: “Nói gì”?

Vị Tăng kia không hiểu nói theo: “Nói gì”?

Thiền sư Linh Chiếu nói: “Đứa bé Chuẩn Nam vào chùa”.

Cơ phong như vậy, giống như tiếng cung tên lướt trong không trung, chỉ nghe tiếng mà không thấy dấu vết. Thế là liền có một vị Tăng hỏi: “Là gì mà ngay cả diều hâu, ngựa giỏi cũng không đuổi kịp?”

Linh Chiếu nói: “Ngươi hãy hỏi khác, Sơn tăng sẽ đáp khác”.

Vị Tăng kia giật mình, không dám hỏi câu mới, trực tiếp chất vấn: “Thế thì xin Sư phụ đáp câu khác”.

Thiền sư Linh Chiếu chuyển thân mình: “Mười dặm dài, người đi còn cách một đoạn”.

Có vị Tăng hỏi: “Dưới cây Bồ đề độ chúng sanh, như thế nào là cây Bồ đề?”

Cây Bồ đề, là cây giác ngộ của Phật đà, vừa thần thánh lại thần kì. Nhưng Thiền sư Linh Chiếu lại nói: “Gần giống như cây xoan”

Trời ơi! cây Bồ đề tinh khiết cao quý như bậc Thánh, vì sao lại giống cây xoan bình thường thấp kém? Linh Chiếu đáp: “Nếu như ngựa hiền dùng roi làm gì?”

Đúng vậy, nếy không phải tuấn mã tính tình tốt, ngươi có cầm roi nhịp nhịp, nó cũng sẽ không vì cái ảnh của roi mà ruổi rong.

Một vị tăng dáng vẻ phong trần, áo vá đến phương trượng, thiền sư Linh Chiếu hỏi ông ta từ đâu đến?”. Ông ta nói: “Từ Ngũ Phong đến.”

Thiền sư Linh Chiếu hỏi ông đến làm gì? Ông nói: “lễ bái Hòa thượng.”

Thiền sư Linh Chiếu như đất bằng dậy sóng, nghiêm nghị nói: “Tại sao không lễ bái chính mình?”

Thiền tăng nói: “Lễ rồi”

Thiền sư Linh Chiếu nói: “Soi hồ nước cạn”

Hồ nước trong gương, là sâu hay cạn? Ngươi không cảm nhận sự kì diệu của thiền cơ à?

Liên quan đến thiền cơ: Kêu Gọi Tự Ngã

Thiền sư Thoại Nham Sư Ngạn, là cháu của Đức Sơn, là đệ tử của Nham Đầu, sư huynh của La Sơn. Lần đầu tiên, khi Ngài đến bái kiến đại sư Nham Đầu, đã hỏi: “Thế nào là đạo lý bình thường?”

Nham Đầu hét lớn rằng: “Động à!”

Thiền sư Thoại Nham Sư Ngạn lấy làm lạ: theo lý lẽ bình thường làm sao lại động?

Người nhạy bén như Ngài liền hiểu thấu thiền cơ ngay trong câu nói bình thường đó, nhanh chóng chất vấn: “Khi động như thế nào?”

Nhan Đầu cười nói: “Không phải là lý bình thường”.

Người bình thường quen đem sự vật phân làm hai bên, như động và không động, thường và vô thường. Thực ra, lòng bàn tay, mu bàn tay đều là bàn tay, một thể mà hai mặt không tách rời nhau. Để phá trừ kiến chấp nhị biên này, thiền sư thời xưa quen dùng thủ thuật: Ngươi hỏi thường, ông ta đáp vô thường; ngươi hỏi vô thường ông ta đáp thường.

Câu trả lời đầy mâu thuẫn của Nham Đầu, khiến Thoại Nham Sư Ngạn không còn tự chủ, rơi vào hố sâu tư duy, ông im lặng, im lặng rất lâu. Nham Đầu lại tưới dầu vào lửa, tiến thêm một bước chất vấn rằng: “lời nói khẳng định, tức chưa thoát căn trần; không khẳng định thì mãi mãi đắm chìm nơi sanh tử”.

Thoại Nham Sư Ngạn liền lãnh ngộ, giập đầu bái tạ.

Sau này, Thiền sư Sư Ngạn được mời đến núi Thoại Nham ở Đan Khâu, trú trì chùa núi. Có vị Tăng hỏi: “lúc trên đầu hiện bảo cái, dưới chân sanh mây là thế nào?”

Trên đầu bảo cái đẹp đẽ, dưới chân mây ngũ sắc bồng bềnh, không phải Thần tiên, cũng là Hiền thánh. Nhưng mà Thiền sư Thoại Nham lại nói: “Chẳng qua cũng là anh chàng mang gông xiềng!”

Thiền tăng lại hỏi: “lúc trên đầu không bảo cái, dưới chân không sanh mây là thế nào?”

Không phải cái này tức là cái kia, đã không phải ‘cỡi mây, đạp gió’, thế thì không có bảo cái che đầu, cũng không có mây lành vây quanh, như vậy cũng có thể chứ? Ai ngờ Thoại Nham Sư Ngạn, vẫn một mực phủ định: “gông xiềng tuy bỏ rồi, nhưng lại mang còng tay!”

Cái này không được cái kia cũng không thể, Thiền tăng bị ép đến đường cùng rốt cuộc thì như thế nào?”

Mãi đến lúc này, Thiền sư Thoại Nham nhẹ nhàng giật tung ra thông tin chân thật: sau bữa cơm chay, liền sẽ khó khăn”.

Khó khăn sau một bữa cơm chay ngon! Không sùng bái Hiền thánh, không ngưỡng mộ Thần tiên, tự nhiên mà được, tùy tánh mà làm, không miễn cưỡng, lại càng không tạo tác, một ngườảcõ ràng chân thật, chính là tinh thần chân chánh của thiền!

“Phật là gì?”, người đệ tử hỏi. Thoại Nham bất ngờ đáp: “Trâu đá”

Cái gì ? trâu tạc bằng đá là Phật thật sao? Phật là trâu đá? Người đệ tử không thể nào tin được, liền hỏi câu khác: “Pháp là gì?” Thiền sư Thoại Nham nói: “Con do trâu đá sanh ra”.

Trâu đá lại có thể sanh con à! Con của trâu đá tự nhiên không phải là trâu đá, mà là Phật và Pháp, không hai không khác. Thế là, đệ tử suy nghĩ: “Lời như vậy là không giống nhau rồi”

Thoại Nham nói: “Trộn lẫn không được”.

Đệ tử chất vấn: “Tại sao trộn lẫn không được?”

Thoại Nham nhạy bén chuyển thân: “không giống có thể giống, trộn lẫn cái gì?”

Một hôm, có một lão bà đến chùa lễ bái Thiền sư Thoại Nham. Thiền sư nói: “Bà lễ lạy tôi, chẳng bằng nhanh về nhà đi, có mấy ngàn tánh mạng cần bà cứu giúp đó”.

Lão bà nhanh chóng trở về nhà, vừa lúc gặp người con dâu mang ốc trở về. Lão bà liền bưng cái sọt đầy ốc kia thả trở lại ao nước.

Điều thần kỳ hơn là, vào một ngày lễ quan trọng, các cư sĩ tranh nhau thỉnh thiền sư Thoại Nham đến nhà mình thọ trai. Ngài cũng không từ chối, đều nhận lời từng người một. Đến ngày kia, cùng một thời gian, tất cả nhà cư sĩ điều có một Thiền sư Thoại Nham xuất hiện như đã hứa…

Học trò của đại sư Tuyết Phong - thiền sư Kính Thanh - đến tham vấn: “Trời không thể che, đất không thể chở, há không phải sao?”

Trời đất không thể che chở, đương nhiên là tự tánh. Nhưng mà tự tánh sáng suốt, lại không hình không tướng, nói giống một vật tức không đúng, do đó Thoại Nham nói: “nếu đúng tức được che chở rồi”.

Kính Thanh cảm động nói: “Nếu không phải là Thiền sư Thoại Nham thì gần như bị lừa rồi!”

Thoại Nham lại tự gọi mình rằng: “Sư Ngạn”

Thoại Nham tự xưng, có ý rất sâu sắc. Ngài thường một mình ngồi trên tảng đá, suốt ngày như ngây như dại, mỗi mỗi tự kêu “chủ nhân ông” sau đó tự mình đáp lại, đồng thời dặn dò chính mình: “Tỉnh tỉnh, ngày sau chớ bị người ta lừa dối”.

Về sau, có một vị tăng sĩ đến tham vấn đại sư Huyền Sa Sư Bị, Huyền Sa hỏi ông vừa từ nơi nào đến đây? Thiền tăng trả lời: Thoại Nham. Huyền Sa lại hỏi: “Sư huynh Thoại Nham có câu khai thị gì cho đệ tử không?”. Thiền tăng nói về công án “chủ nhân ông”. Huyền Sa khen rằng: “cùng là luyện tinh thần, chỉ có Thoại Nham thật kỳ quái”.

Sau đó Ngài hỏi Thiền tăng: “Tại sao ngươi không tiếp tục tham thiền với sư huynh Thoại Nham?”

Thiền tăng nói thiền sư Thoại Nham đã viên tịch rồi. Huyền Sa nói: “Bây giờ còn gọi được không?”

Thiền tăng không có lời nào để đáp.

Từ thiền sư Linh Chiếu bảo học tăng tự lễ lạy chính mình, đến việc tự xưng, tự gọi, tự dặn dò mình của thiền sư Thoại Nham Sư Ngạn, đã xuyên suốt một thứ tinh thần của Thiền: thức tỉnh tự mình, tôn trọng bản thân, thực hiện tự ngã, siêu việt tự ngã.

Tương truyền, lúc Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni vừa mới đản sanh ở đời, liền đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: “Trên trời dưới đất chỉ có Ngã độc tôn”. Đây mặc dầu là một truyền thuyết thần thoại, nhưng cũng phản ánh sự xem trọng cái “ngã” của Phật giáo,

Cao tăng phái Lâm Tế Thiền sư Tánh Không Diệu Phổ khai thị: “gặp người thì vui, thấy Phật không lễ lạy”.

Đệ tử không hiểu: một người đệ tử Phật tại sao thấy Phật không lễ bái? Thế mà câu hỏi của anh ta được thưởng cho một cái bạt tai, lại thêm bị trách mắng: “Một nhà không có hai chủ”

Tự mình là chủ nhân ông của chính mình. Có Phật tánh của chính mình, đương nhiên không thể để làm nô lệ cho người khác.

Một vị nhân sĩ thành công rất có tiếng tăm, nói với một vị Hòa thượng Thiền tông đầy khiêu khích rằng: “nay tôi không mê tín, ma quỷ, Thần tiên, Thượng đế, Phật, Bồ tát, tôi đều hoàn toàn không tin, tôi chỉ tin chính tôi thôi.”

Vị đại Hòa thượng đưa ngón tay cái ra, thật lòng khen ngợi ông ta: “Tốt, ông nói tốt quá!”

Điều quan trọng là, ông thật sự có thể tìm được chính mình không? Có thể tìm được tự ngã chân thật không?

Chớ đem cái riêng tư làm tự ngã, chớ đem ngoại vật làm tự ngã, chớ đem chấp trước làm tự ngã, chớ đem tập khí làm tự ngã…cái gọi là chân ngã, chính là chủ nhân ông của mỗi người - tự tánh suốt. Chủ nhân ông này mãi mãi không bị mê muội, tỉnh tỉnh vắng lặng, thường biết sẽ không bị bất cứ thánh sắc nào lừa dối. Cũng chính là nói thân xác đần độn, tâm trạng chuyển động theo cảnh bên ngoài, tuyệt đối chẳng phải cái tôi chân thật. Do đó, thiền sư Thoại Nham thức tỉnh chúng ta: “Chủ nhân ông, tỉnh táo, ngày sau chớ bị lừa dối”.