Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Từ truyền thống đến hiện đại

Dẫn nhập

Chiều dài lịch sử hai ngàu năm của Phật giáo từ khi du nhập Việt Nam chính là quá trình vận động, kế thừa và phát triển không ngừng, phản ánh đúng tinh thần của đạo Phật là tùy duyên hóa độ, khế cơ khế lý – phù hợp với yêu cầu của từng hoàn cảnh cũng như tâm nguyện của người dân Việt Nam qua các thời đại.

Trong quá trình vận động đó có những giai đoạn, những sự kiện góp phần làm nên trang sử vàng son của dân tộc và đạo pháp, có sức sống mãnh liệt cho tới tận hôm nay. Nói tới điều này, chúng ta không thể không nhắc tới dòng chảy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần hình thành hơn 700 năm trước.

Trúc Lâm Yên Tử

Trúc Lâm Yên Tử

Đã có nhiều nghiên cứu khá đầy đủ về lịch sử, giá trị tư tưởng như một mẫu hình Phật giáo dấn thân tích cực, ảnh hưởng lên tinh thần và sức mạnh của dân tộc trong ba lần chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đánh tan các đội quân xâm lược Nguyên – Mông vào những năm 1258, 1285, 1288…, giữ vững nền độc lập tự chủ và hòa bình cho Tổ quốc, để lại nhiều bài học sâu sắc về sự vận động sức mạnh toàn dân để giữ nước và xây dựng đất nước.

Do vậy, trong tham luận này, chúng tôi xin đóng góp một vài vấn đề mà chúng tôi đã suy tư trên cơ sở những nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như các tham luận, luận văn, các công trình mà chúng tôi đã thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội trước đây.

1. Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên – Điều ngự Giác hoàng: Dấu ấn của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất các thiền phái đương đại làm nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Như chúng ta biết, Phật giáo du nhập vào Việt Nam chậm lắm là từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khi dân tộc chúng ta đang tìm một cơ sở để nhận thức chính mình. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu: “Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo[1].

Từ thế kỷ thứ VI, các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, sau đó là Vô Ngôn Thông và Thảo Đường được hình thành, cùng tồn tại trong hòa hợp mặc dù về tư tưởng và phương pháp vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo Bắc truyền. Điều này thể hiện rất rõ trong  hành trạng của các vị Thiền sư được ghi lại trong Thiền uyển tập anh.

Mặc dù không thấy hiện tượng mâu thuẫn hay tranh chấp, nhưng chính sự tồn tại 3 dòng thiền với 3 hệ truyền thừa phần nào cho thấy sự thiếu tính liên kết trong tổ chức nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể cho tinh thần Phật giáo đương thời.

Đại Việt ở thế kỷ thứ XIII được khẳng định là hùng mạnh. Nói về nguyên nhân, cụ Phan Chu Trinh (1872 – 1926) trong trăn trở về hướng phục hưng tinh thần dân tộc đầu thế kỷ XX từng đặt vấn đề: “Nước Đại Việt chúng ta ngày nay sở dĩ yếu thế là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho chúng ta đức hy sinh, coi nhje tính mạng của mình, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: Quân Nguyên thắng cả Á, Âu; nuốt trọn cả Trung Hoa mag qua nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chăng rphair là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”[2].

“Đạo Phật rất thịnh” là nhờ vào tài năng và đức độ của một nhân vật lịch sử, vị minh quân được xem là “Triết vương” Trần Nhân Tông (1279-1293), người đã hai lần tham dự cuộc kháng chiến vệ quốc đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông, đã có quyết định nhường ngôi lại cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp khi tuổi đời chưa tròn 40, xuất gia trở thành Thiền sư, thống nhất các thiền phái Phật giáo trở thành Thiền Trúc Lâm thuần Việt, hài hòa với cương lĩnh đạo Phật dấn thân mà tư tưởng chủ đạo thể hiện qua bài phú bằng chữ Nôm “Cư trần lạc đạo” nổi tiếng, vị được dân Việt tôn xưng là Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng, là đức Phật của nước Việt, Sơ tổ của dòng Thiền Trúc Lâm.

2. Tinh thần hài hòa – phân minh giữa đời và đạo

Trần Nhân Tông được đào tạo và thử thách rất sớm, được vua cha Trần Thánh Tông (1240-1290) tin tưởng truyền ngôi lúc tuổi chưa tới 20. Phẩm chất của bậc minh quân đã sớm được bộc lộ qua tài lãnh đạo, thống nhất lòng dân và huy động toàn lực xã hội làm nên những thành tựu, phát triển về mọi mặt của đất nước mà lịch sử dân tộc đã ghi nhận.

Là một Phật tử, nhưng trong vai trò của người lãnh đạo đất nước, Đức vua Trần Nhân Tông đã vận dụng tinh hoa của nhân loại thời bấy giờ của Nho và Lão, làm nên tinh thần Tam giáo đồng nguyên trên căn bản thái độ và đạo đức mang tính phổ quát của Phật giáo. Các tài liệu xưa cho biết Trần Nhân Tông lúc còn là Thái tử, là người được đào tạo căn bản, sở đắc trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học, nắm vững Phật học cũng như tư tưởng Nho giáo và Lão giáo. Sách Thánh đăng ngữ lục ghi: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.

Là người lãnh đạo đất nước, vua Trần Nhân Tông đã làm tròn bổn phận của mình một cách vẹn tròn. Ngài là vị lãnh đạo có thái độ kiên quyết trong việc giữ chủ quyền dân tộc, uyển chuyển trong chính sách hữu nghị với các nước láng giềng, kể cả với phương Bắc; thấu hiểu và khoan thứ với dân, không tham quyền cố vị cũng như hưởng thụ dục lạc, chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước trong hòa bình và ổn định.

Khi chưa tới tuổi bốn mươi, Đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi, trở thành Thái Thượng hoàng, cố vấn cho thế hệ lãnh đạo thứ tư của triều đại nhà Trần là Trần Anh Tông. Và sau đó không lâu, Ngài xuống tóc xuất gia, học theo hạnh của đức Phật, sống thiểu dục tri túc, chuyên tâm tu tập, trầm tư về con đường giác ngộ trên núi cao Yên Tử.

Là người tích cực dấn thân theo lý tưởng Bồ-tát hạnh, với tầm nhìn xa và rộng, Thái Thượng hoàng đã vân du trong thôn cùng làng mạc để tận mắt được thấy, tận tai được nghe đời sống của dân chúng. Theo đó, Ngài đã khuyến hóa dân chúng “tu thân hành thiện”, bỏ các hủ tục trong tín ngưỡng và siêng năng thực hành các giá trị đạo đức Phật giáo (năm giới và mười thiện nghiệp), làm căn bản cho nền tảng đạo đức hiền đẹp trong thời đất nước hòa bình.

Là bậc minh quân, có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị của đất nước thời bấy giờ, nhưng khi đã xuất gia, Ngài chọn nếp sống đầu đà – khổ hạnh, tự thân sống trọn vẹn trong nếp sống của một vị Tăng, nỗ lực thân chứng đạo quả, lấy giải thoát và giác ngộ làm mục đích tối hậu. Chính vì điều đó mà Ngài được tôn xưng là Trúc Lâm Đại Đầu Đà.

Và cũng chính sự thân chứng cùng nếp sống hiền đẹp của một bậc xuất trần thượng sĩ, Ngài đã nhiếp phục các cao nhân Phật giáo đương thời, thống nhất các thiền phái về một mối là Thiền Trúc Lâm (Giáo hội Trúc Lâm). Tầm nhìn của một vị lãnh đạo Phật giáo cũng được bậc Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm thể hiện qua việc đào tạo và cử người lãnh đạo kế thừa là Đẹ nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330) và Đệ tam Tổ Huyền Quang (1254-1334), hoàn thiện hệ thống Phật giáo Trúc Lâm – Phật giáo Việt Nam từ tư tưởng, pháp hành cho đến phương diện dấn thân hành đạo trong tinh thần hộ quốc an dân moothj cách nhuần nhuyễn, mang bản sắc Việt Nam.

Trúc Lâm Giác Tâm

3. Tinh thần Thiền thuần đạo, thân chứng chánh đạo của Thiền phái Trúc Lâm

Căn bản cho mọi ứng xử Phật giáo phải bắt nguồn từ sự thân chứng trong tu tập Giới – Định – Tuệ. Chính sự thân chứng đó là chất liệu cho tuệ giác, giúp người hanh fgiar có cái nhìn tùy duyên bất biến giữa cuộc đời thăng trầm vạn biến. Điều đó đã được đức Phật tổ Thích-ca Mâu Ni nhấn mạnh trong nhiều kinh điển, các tạng Nam cũng như Bắc truyền.

Yếu tính này cũng được Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm – Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông thể hiện nhất quán trong tư tuonrg của mình qua các tác phẩm của Ngài sau khi xuất gia. Cuộc đời vô thường, nếu nhìn với con mắt của cái tôi và cái của tôi(ngã và ngã sở) khi mọi việc thuận theo ý mình thì sẽ vui mừng, nhưng không như ý thì khổ đau; nhưng nếu nhìn với con mắt của người tự thân chứng ngộ, sẽ thấy với một thái độ lạc quan, thuận theo sự vô thường của vạn vật, như Ngài đã bày tỏ trong một bài thơ ngắn Xuân vãn (Cuối xuân) bằng chữ Hán, chúng tôi chuyển dịch như sau:

Tuổi trẻ chưa rõ sắc không

Xuân về hoa nở rộn lòng mừng vui

Chúa xuân nay tỏ ngộ rồi

Giường thiền tĩnh tọa, quán soi xuân hồng”.

Chi9snh thân ngã bỉ thử trói buộc con người trong sầu bi ưu khỗ não, trong lo sợ khi mất đi và tham lam muốn tích chứa thật nhiều dẫn tới những hành động bất chấp đạo đức, luân lý. Chỉ khi tự thân chứng ngộ chánh đạo, mới có được sự an lạc, bền vững như kim cương:

Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cương

Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác”.

(Dứt nhân ngã, kim cương thiêng

Dứt tham sân mới lòng viên giác mầu).

(Hội thứ Hai, Cư trần lạc đạo phú)

Cũng tinh thần đó, vị Tổ kế thừa Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng là ngài Pháp Loa cũng nhấn mạnh những sai biệt ở thế gia này cũng đều là vọng tưởng, khi tự thân chứng ngộ sẽ có sự ứng xử tự tại, tích cực đóng góp xây dựng nhưng cũng có thể buông xả khi thời duyên không còn mà không bị vướng bận, ràng buộc bởi các giá trị của đời thường:

Ai người rạng rỡ thiền cơ

Ai người xứng đáng hiện giờ trao duyên

Biện pháp chân ngụy hiện tiền

Pháp chân – giới luật, định thiền tiến tu

Pháp ngụy hí luận ảo mù

Hơn thua, phải quấy… ngục tù ngữ ngôn

Lập tông, lập phái truyền tôn

Chấp danh, chấp phận, vui buồn… có không…”.

(Khuyến xuất gia tấn đạo ngôn, Trần Quê Hương chuyển thơ)

Điều này cũng bàng bạc trong tư tưởng của Tam tổ Huyền Quang. Chính kinh nghiệm tự thân chứng ngộ chánh đạo của các ngài đã làm nên đạo phong thong dong giữa cac srangf buộc, và chính điều đó là suối nguồn tâm linh giữ cho dòng chảy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử luôn được liên tục hơn 700 năm qua, cho đến ngày nay. Điều này cũng bàng bạc trong thơ của Tam tổ Huyền Quang:

Phồn hoa rủ bóng không theo

Thiền lâm an trú ẩn nghèo nhàn cư

Sớm khuya Bát-nhã đèn từ

Nước Ma-ha rửa sạch ngu nhiều đời

Lòng thiền vằng vặc trăng soi

Hiu hiu thế sự, gió thời gian qua

Bụt hiện tịnh cốc lòng ta

Nagij chi non nước đường xa dặm trời ”.

(Vịnh Vân Yên tự phú, Trần Quê Hương chuyển thơ)

Đó là chất liệu cho sự dấn thân của đạo Phật vào cuộc đời, phụng sự nhân sinh có ý nghĩa và dẫu ở trong cuộc đời mà không bị danh lợi nhấn chìm, vẫn sống đời vui đạo, làm nên cốt lõi triết lý cho truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.

Trúc Lâm Bạch Mã

4. Thiền phái Trúc Lâm đương đại

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử sau khi thống nhất các thiền phái về một mối chính là nền tảng cho Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử sau đó. Tuy lúc này lúc khác, nhưng tinh thần đó vẫn hiện hữu, và gần đây, từ thế kỷ XX, được nhiều người quan tâm nghiên cứu, phục hưng, trong đó nổi bật nhất phải kể tới Trưởng lão Thiền sư Thích Thanh Từ, hiện là Tông trưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tư, đồng thời Ngài cũng là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Ngài là vị Thiền sư chủ trương tìm về với kinh nghiệm tu tập của tiền nhân, trong đó đặc biệt là pháp môn Thiền Tổ sư qua sự đúc kết của tổ tiên chúng ta từ sự thân chứng ngộ. ngay từ rất sớm, ở thập niên 1960-1970, khi đất nước còn bị chia cắt, trong xu hướng tìm về cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc trỗi dậy ở miền Nam, Thiền sư Thích Thanh Từ đã quan tâm tới dòng chảy của Thiền Trúc Lâm thời Trần.

Ngài đã chuyên tâm nghiên cứu, giảng luận cùng với thực hành, sau đó lập các thiền viện, hướng dẫn đồ chúng. Từ những ngôi thiền viện khiêm tốn đầu tiên hơn 50 năm trước, cho đến nay, hệ thống thiền viện Trúc Lâm với mô hình được thiết định đã có mặt tại hơn 30 tỉnh thành địa phương trong nước cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, số đệ tử xuất gia đông đảo.

Trả lời cho câu hỏi tại sao Thiền sư phục hưng Thiền Trúc Lâm, trong một bài giảng, Thiền sư Thích Thanh Từ xác nhận: “Chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ngót mười tám thế kỷ, từ thế kỷ thứ hai đến thế kỳ hai mươi, trong thời gian này trải qua lắm lần thăng trầm. Ngày nay là con cháu trong nhà, chúng ta phải chọn một chặng nào thích ứng với hoàn cảnh hiện tại làm sáng tỏ lên cho hàng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam noi dấu, đó là một trọng trách rất nặng. Tinh tần khế lý khế cơ của Phật giáo giúp Tăng sĩ chúng ta dễ thấy lối đi, dễ nhận ra chặng đường nào thích hợp để ứng xử nhịp nhàng với xã hội đương thời”.

Chủ trương đó với sự kien trì của Trưởng lão Thiền sư đã thuyết phục và nhận được sự ủng hộ âm thầm nhưng hết sức mạnh mẽ của nhiều giới. Ngay cả sau khi đất nước hòa bình thống nhất (1975), các cơ sở thiền viện thuộc hệ thống thiền viện Trúc Lâm do Ngài chủ trương đã được xây dựng quy mô, tăng nhiều lần so với trước đó, tổng số xây dựng mới có quy mô lớn lên tới hơn 30 ngôi, không chỉ ở miền Nam mà cả miền Trung và miền Bắc, mà còn ra hải ngoại như Mỹ, Úc… Hiện nay, các thiền viện tiêu biểu như: Thường Chiếu, Viên Chiếu (Đồng Nai), Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang), Trúc Lâm Phượng Hoàng (Lâm Đồng), Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn, Quảng Ninh),…

Việc hiện diện của hệ thống các thiền viện Trúc Lâm trong chủ trương của Trưởng lão Thiền sư Thích Thanh Từ có một ý nghĩa đối với văn hóa, xã hội Việt Nam đương đại. Trước hết, hiện tượng đó chứng tỏ sức sống tự nội của dòng thiền này có tính vượt thời gian, thích nghi với người Việt, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam qua Thiền học Phật giáo, phương pháp rèn luyện tâm thức cho người xuất gia cũng như các thành phần xã hội khác, thôi thúc chúng ta tìm về với cội nguồn văn hóa truyền thống. Kế đó, sự hiện diện của các thiền viện Trúc Lâm đã đem đến nhiều lợi lạc, tạo môi trường hiền đẹp về cảnh quan cũng như đạo đức, ảnh hưởng tốt tới lối sống của cộng đồng nhân dân và bá tánh hữu duyên.

Trúc Lâm Chánh Giác

Kết luận

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong việc tiếp nhận đạo Phật, một tôn giáo đến từ Ấn Độ, cũng như tiếp biến các thiền phái có nguồn gốc từ Trung Hoa, dung hợp về một mối thống nhất, kiện toàn về triết lý, tư tưởng, pháp hành cũng như nếp sống thiền môn, đúng chánh đạo đồng thời mang bản sắc Việt Nam rõ ràng và sâu sắc.

Công lao đặt nền tảng phải kể tới tiền nhân, từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông, đặc biệt là Sơ tổ Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và 2 vị kế thừa là Đệ nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang. Dòng chảy đó lúc mạnh yếu, nhưng vẫn được duy trì suốt mấy trăm năm qua, phục hưng thời hiện đại với công đức lớn của Trưởng lão Thiền sư Thiền sư Thích Thanh Từ, năm nay 2018, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong thiền phái vừa làm lễ mừng thọ Ngài 95 tuổi.

Với hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thiền Trúc Lâm Yên Tử được thống nhất từ các thiền phái thời Trần với vị Sơ tổ là Trúc Lâm Đại Sĩ, vẫn hiện hữu và phát triển trong thời đại hôm nay, gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về bản sắc và bản lĩnh văn hóa dân tộc, về hướng xây dựng đất nước hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo đức, về lối sống vô ngã, vị tha, trách nhiệm rất cần thiết cho sự phát triển bền vững cảu đất nước.

Thanh Tịnh am, tháng 9-2018

 

[1] Trần Văn Giàu, “Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam”. In trong: Phật giáo và Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học xuất bản, Hà Nội, 1986. Tr.15.

[2] Dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, Lá Bối, Sài Gòn, 1974.