Thiền quán theo phương pháp Mật tông – phần 1

Đừng tưởng tượng, đừng nghĩ ngợi, đừng phân tích, đừng nghiền ngẩm, đừng suy tư; hãy giữ tâm ý trong trạng thái tự nhiên của nó.

Tilopa

Phật giáo Tây Tạng có một truyền thừa phong phú về phương pháp thiền Mật tông, vận dụng tất cả phương diện của thân tâm con người. Tất cả năng lực mà bạn có đều có thể phát triển. Ngang qua thiền quán bạn có thể làm sáng sạch và tịnh hoá bản thân để sống một cách đầy đủ và trở thành một người tốt đẹp nhất mà bạn có thể.

Thiền quán mật tông sử dụng nhiều năng lực bản nhiên phàm làm người ai cũng có. Chúng ta có thể sử dụng sức tưởng tượng, ảnh tượng hóa, nhận ra những xúc cảm của chúng ta, và chuyển dịch thân thể. Mọi thứ mà bạn đang có đều trở thành biểu tượng của sự chuyển hóa nội tâm của bạn.

Hãy đến với những kỹ thuật thiền quán này theo cách mà bạn học sử dụng một nhạc cụ hay một môn thể thao mới: tức là cẩn thận làm theo những điều được hướng dẫn và kiên trì thực tập. Chương sách này nêu ra một số cách thức thực tập theo những thiền pháp Mật tông. Hãy sử dụng những thiền pháp trong những chương sau trên con đường phát triển nội tâm mà bạn đang tiến bước.

CHUẨN BỊ SẲN SÀNG CHO THIỀN TẬP

Để bắt đầu thiền tập, hãy tìm một nơi mà trong một thời gian ngắn bạn không bị quấy nhiễu. Hãy bắt đầu với năm phút thôi sau đó mới kéo dài tùy theo sự tập luyện.

Theo truyền thống thì khi thiền tập người ta ngồi trên một cái gối nhỏ đặt lên sàn nhà. Nếu ngồi kiết già trên nền nhà làm cho bạn thoải mái thì cứ theo cách truyền thống đó. Tuy nhiên đừng để cho việc ngồi trên nền nhà trở thành một chướng ngại. Trong những lớp thiền tập mà chúng tôi hướng dẫn thường có những học viên vì lý do này hay lý do khác mà không cảm thấy thoải mái khi ngồi trên sàn nhà thì chúng tôi khuyến khích họ ngồi trên một cái ghế. Điều quan trọng nhất của thiền tập chỉ đơn giản là thực tập thiền chớ không phải là chuyện bạn ngồi ở đâu hay ngồi kiểu nào. Hãy tìm cách ngồi thoải mái của bạn.

Tư thế ngồi thiền truyền thống là Kiết già hay bán già, chân này xếp trên chân kia. Hãy để lưng bạn tương đối thẳng nhờ vậy hơi thở được thông thoáng. Đừng cho căng thẳng. Đặt tay trên đùi. Phật giáo Tây Tạng có một số tư thế của tay gọi là thủ ấn. Chúng ta sẽ sử dụng trong chương này. Trước hết, đơn giản là bạn hãy tìm một chỗ đặt tay thoải mái.

Bây giờ với một trạng thái tâm mở rộng bạn đã sẳn sàng để trải nghiệm thiền quán và tất cả những lợi ích mà thiền quán đem lại.

ĐẠI THỦ ẤN: BIỂU TƯỚNG VĨ ĐẠI

Theo Evans-Wentz thì Đại thủ ấn trong những bài hướng dẫn thiền tập là một trong những quà tặng vĩ đại nhất mà chúng ta nhận được từ phương Đông. Ông nói: ‘Đại thủ ấn chứa đựng tinh hoa của một số giáo lý sâu thẳm nhất trong mật pháp phương Đông’ (Evans-Wentz 1967, 101).

Đại thủ ấn không chỉ là một bộ thế kỹ thuật mà là một quan điểm. Có công năng như một thấu kính hiển vi, những pháp Đại thủ ấn giúp cho hành giả có được những ‘thấu kính’ của nội quán, nhận ra những tầng sâu hơn của thực tại. Khi bạn nhìn một tế bào da ngang qua một kính hiển vi với độ phóng đại nhỏ thì bạn đã thấy rất nhiều chi tiết rồi. Nếu bạn chuyển sang độ phóng đại cao thì trong tầm nhìn của bạn mở ra một thế giới khác với những bào tử và mô bào vô cùng nhỏ. Sử dụng kính hiển vi điện tử có độ phóng đại cao hơn nữa thì ảnh tượng và cấu trúc cái thế giới mà chúng ta biết hoàn toàn tan biến. Những biên tế trở nên mơ hồ. Chúng ta thấy được một cái thực tại cực vi gồm những hạt âm điện tử, hạt trung hòa tử - thuần túy là năng lượng. Cũng vậy pháp Đại thủ ấn rèn luyện cho nhận thức có được cái nhìn vượt qua cái thế giới hóa mà các giác quan của chúng ta cung cấp, cho chúng ta thấy cái bản chất của thực tại ở tầng sâu hơn: không thực thể, đơn thuần là năng lượng. Với cái nhìn trong suốt của pháp Đại thủ ấn, thế giới này rơi vào một trạng thái thông sáng, giống như giây phút đầu tiên khi bạn vừa rời khỏi một rạp hát tối đen sau xuất chiếu ban ngày, thế giới lúc ấy dường như sáng tỏ hơn sinh động hơn. Loại bỏ tất cả những huyển tượng thì còn lại là một cái vô cùng sinh động.

Những bài hướng dẫn thiền tập sau đây được trích từ những bộ sưu tập lớn. Nếu bạn có ý muốn tu tập theo phương pháp này ở cấp độ sâu hơn, chúng tôi khích lệ bạn đi tìm một vị đạo sư có hiểu biết để hướng dẫn bạn tiến bước trên con đường đạo. Những bài tập này sẽ đưa bạn đến trạng thái nhất tâm tỉnh giác, một năng lực mà bạn có thể dùng làm công cụ để tập trung ý thức và ổn định nội tâm, công cụ này bạn có thể sử dụng trong mọi công việc mà bạn đang làm.

Nhất Tâm Tỉnh Giác Ngoại Hướng

Pháp thiền cổ xưa này trước hết hướng dẫn bạn làm thế nào tập trung tâm ý trên một đối tượng duy nhất. Đặt một trái banh nhỏ hay một mảnh gổ trước mặt bạn. Chuyên tâm nhìn vào vật ấy, tập trung tất cả sức chú ý của bạn. Chỉ nghĩ về vật ấy mà thôi. Nếu bạn nhận ra rằng tâm tư của bạn đang lang thang, hãy nhẹ nhàng đưa chúng trở lại. Thực tập nhiều lần bạn sẽ nhận thấy rằng tâm tư của bạn trở nên tĩnh lặng và sức của tập trung mạnh hơn.

Nhất Tâm Tỉnh Giác Nội Hướng

Bài tập này hướng sức chú tâm đến hơi thở. Nhắm mắt lại và đếm mỗi khi hơi thở hoàn tất, thở vào và thở ra. Những bản kinh xưa bảo người ta đếm đến 21,600 hơi thở! Bạn có thể khởi sự đếm từ một đến mười rồi lập lại. Ban đầu đếm trong 5 - 7 phút thôi rồi kéo dài thời gian bao lâu bạn cảm thấy thoải mái là được.

Khi sức tập trung của bạn trong việc đếm hơi thở đã mạnh lên thì bạn hãy tập trung sức chú ý trên bản thân của hơi thở. Hãy ghi nhận luồng không khí khi đi ngang qua lổ mũi rồi đi xuống buồng phỗi. Hãy để ý thời gian nó dừng lại trong phỗi là bao lâu trước khi bạn thở ra ngoài. Dần dần bạn sẽ trở nên quen thuộc với tiến trình của một hơi thở và phát triển năng lực duy trì sức tập trung của bạn.

Giờ đây bạn bắt đầu việc điều chỉnh những tiến trình tâm thức và có thể phát triển một tâm thái thiền tư.

Thuần Hóa Tâm Tư Bằng Cách Để Như Thế Là Như Thế

Trong bài thiền tập này, hãy hướng năng lực chuyên nhất vào bên trong để quan sát tâm tư của mình. Hãy để ý kỹ lưỡng sự xuất hiện và sự tan biến của những dòng suy tưởng mà đừng cố gắng bắt chúng dừng lại hay điều hành chúng. Chỉ đơn giản là quan sát tiến trình này. Đừng đi theo cũng đừng ngăn trở bất cứ một dòng suy tưởng nào. Chỉ đơn giản là ghi nhận và không bị vướng vào những suy tưởng đó.

Rốt lại, bạn sẽ trở nên trầm tỉnh hơn, bạn sẽ có những giây phút mà không có dòng suy tưởng nào xuất hiện. Sức tập trung của bạn trở nên giống như sức tập trung của một cậu bé, chỉ nhìn chăm chú một cách tỉnh táo vào một vật hấp dẫn nào đó mà thôi. Lại giống như con voi đối với một thẻo gai thì chẳng có gì phải màng đến, chẳng có gì phải tán tâm cả.

Sự Tĩnh Lặng Của Đại Dương Lúc Không Có Sóng

Phật giáo dạy rằng người suy tưởng và dòng suy tưởng là Một. Bạn có thể tự mình trải nghiệm điều này qua thiền tập. Thực hiện lại những bài thiền tập như trên và ghi nhận những dòng suy tưởng của bạn tuôn chảy liên miên như thế nào trong lúc bạn giữ không cho bất cứ một dòng suy tưởng nào cuốn lôi bạn đi mất. Hãy giữ cho tâm ý nghỉ ngơi. Khi bạn tiếp tục thiền tập như vậy thì bạn sẽ trải nghiệm sự dần dần tan biến, không còn cái khoảng phân biệt giữa một bên là sự tuôn trào của dòng suy tưởng và một bên là phần còn lại của tâm thức: nhận biết và tĩnh lặng. Như vậy là đã chứng đạt được trạng thái nhất tâm tỉnh giác.