Thiền sư Liễu Quán

 

Thiền sư Liễu Quán ngộ câu:

“Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi”

Nếu thiền sư Chân Nguyên xem là nhân vật chủ chốt trong việc chấn hưng Phật giáo ở Đàng Ngoài thì Liễu Quán là nhân vật quan trọng tiêu biểu cho sự nghiệp phục hưng, xiển dương và trực tiếp lãnh đạo Phật giáo ở Đàng Trong.

Thiền sư Liễu Quán sinh năm 1670 trong một gia đình nghèo tại làng Bạch Mã, huyện Đông Xuân, tỉnh Phú Yên. Vốn người họ Lê, pháp danh là Thiệt Diệu, còn Liễu Quán là hiệu. Liễu Quán nhà nghèo mồ côi mẹ, 12 tuổi theo cha vào chùa Hội Tôn lễ Phật. Tại đây Liễu Quán đã gặp duyên với thiền sư Tế Viên. Như một cơ duyên, Liễu Quán nhất định xin cha cho xuất gia. Thương con, và không có khả năng nuôi dạy nên người, người cha đành chấp nhận theo ý con và gởi ông ở lại chùa Hội Tôn theo Tế Viên vào chùa tu Phật.

Liễu Quán được sự trụ trì Tế Viên thương yêu và tận tình dạy dỗ. Ở đây Liễu Quán tụng kinh niệm Phật và tu tập được 7 năm thì sư Tế Viên tịch. Khi đó Liễu Quán được 19 tuổi, sau khi lễ tang thầy, Liễu Quán từ biệt huynh đệ chùa Hội Viên, rồi một mình lặn lội tìm thầy tiếp tục học giáo lý nhà Phật.

Năm 1690, Liễu Quán vượt Trường Sơn ra đất Thuận Hoá. Tại chùa Thiên Thọ, duyên lành lại đến, Liễu Quán xin thọ giáo với sư Giác Phong Lão Tổ ở núi Hàm Long.

Sau khi nghe tin cha đau nặng, Liễu Quán xin sư phụ về nuôi dưỡng cha già cho tròn chữ hiếu. Vốn nhà nghèo nên hàng ngày ông phải bươn bả vào rừng đốn củi đổi gạo và thuốc men để chăm sóc cho phụ thân. Nhưng tuổi già sức yếu, thân tứ đại không sao tránh khỏi qui luật sinh tử, bốn năm sau cha Ngài mất. Lo tang chay xong, giao hết gia tài nhà cửa hương hoả cho người hàng xóm, rồi ông tiếp tục con đường tìm thầy học đạo.

Tại chùa An Tôn, Liễu Quán đến xin đảnh lễ thiền sư Thạch Liêm và được thụ giới Sa Di với đạo hiệu Liễu Quán, huý là Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 35. Năm 27 tuổi được tấn đàn thọ Tỳ-kheo giới. Liễu Quán một lòng theo Phật, tâm tính hiền hoà, thông suốt, lại muốn đi khắp nơi để có dịp thăm viếng nhiều chùa và được học hỏi thêm đạo lý các vị cao Tăng đi trước, và sau cùng quyết định một lòng hiến thân cho đời sống đạo, chẳng quản đạm bạc gian lao, sống đời “bần tăng” khổ hạnh.

Năm 1702 tìm đến thiên sư Tử Dung tại chùa An Tôn ở núi Long Sơn (Huế). Tử Dung thử ông nhiều lần và bắt ông giải thích câu: “Vạn Pháp qui nhất, nhất quy hà xứ?” (vạn pháp qui về một, một quy về đâu?) Câu thoại đầu này làm Liễu Quán suy nghĩ miên man nhưng vẫn không ngộ ra chân lý thâm diệu nói gì trong đó. Liễu Quán về chốn cũ Phú Yên trầm ngâm tịnh tu ròng suốt 5 năm liền mà vẫn chưa bung vỡ được thâm ý của câu thoại đầu.

Duyên đến thì sẽ đến. Trong lúc suy nghĩ miên man, tình cờ ông bắt gặp cuốn sách Truyền Đăng Lục, ông đọc say sưa nghiền ngẫm từng từ từng câu, đọc đến đoạn: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” (Chỉ vật mà truyền tâm, chính vì vậy mà người ta không hiểu nổi), bỗng thấy ông sáng ra và định đi tìm đến nơi để trả lời với thầy Tử Dung chỗ sở ngộ của mình.

Sư phụ Tử Dung nghe học trò trình bày: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, sư phụ Tử Dung hạ giọng bảo rằng: “Đứng ở hố thẳm buông tay, tự mình chịu lấy, chết rồi sống lại, bấy giờ không ai có thể dối người”. Liễu Quán nghe xong mừng rỡ vỗ tay đắc ý cười. Tử Dung liền nghiêm nét mặt nói: “Không phải vậy đâu”. Liễu Quán liền đọc: “Xường chuỳ nguyên thị thiết” (nghĩa là cái dùi nguyên là sắt), sư Tử Dung lại lắc đầu đáp: “cũng không phải vậy đâu”

Một đêm không ngủ, trằn trọc công án ngày hôm qua. Sáng hôm sau thầy kêu lại hỏi xem sao, Liễu Quán liền đọc hai câu: “Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi”. Tổ Tử Dung nghe xong lấy làm vừa lòng và hết lời khen ngợi công phu tu tập của Liễu Quán.

Liễu Quán một lòng theo Phật và được nhiều vị Tổ giảng dạy. Ngài đắc pháp rồi được truyền tâm pháp, và bắt đầu sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của mình ở xứ Đàng Trong, được chúa Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng nên ông được triệu vào cung, nhưng ông muốn tự tại chốn lâm tuyền.

Mùa xuân 1742 Ngài lâm bệnh, có dấu hiệu không thuyên giảm. Ngài nói với các đệ tử: “Ta sẽ ra đi, sứ mạng của ta ở đời này đã xong”. Trước khi mất mấy ngày, Ngài có làm bài kệ:

“Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông,

Kim triêu nguyệt mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn mang vấn tổ tông”

Nghĩa là:

Ngoài bảy mươi tuổi trong thế giới,

Không không sắc sắc thấy dung thông,

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ,

Nào phải ân cần hỏi tổ tông.

Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng ở Đàng Trong, từ thế kỷ 18 trở về sau đã dần hình thành và phát triển một thiền phái Liễu Quán. Khi chúa Nguyễn mở đất phương Nam, thiền phái Liễu Quán cũng đồng hành theo quần chúng đến những vùng đất mới, cứ như vậy, thiền phái Liễu Quán phát triển cùng với vùng đất màu mỡ phương Nam cho tới hôm nay.