Thực hành chánh niệm

chanhniem11Có một lần người viết chứng kiến một người sắp trượt chân té khi đi trên cầu thang, sự việc xảy ra trong thoáng chốc giữa rủi và may, giữa tốt và xấu…chỉ là đường tơ kẽ tóc. Khi công việc xảy ra rồi thì người trong cuộc mới thở phào nhẹ nhỏm, lòng lâng lâng những cảm giác khó tả khi vừa tránh được kết quả không may.

Suy ngẫm về “lỗi thất niệm” này có nhiều vấn đề liên quan đến như: do chúng ta thiếu cẩn trọng, do sơ ý, do lơ đểnh, do thiếu kiến thức không lường được hậu quả xảy ra sau đó... Từ những lý do trên, chúng ta nhận thấy bên trong sự việc hàm chứa nhiều vấn đề và để giải quyết được vấn đề ấy cũng tùy theo mức độ có thể nhanh hay chậm. Cái khó nhất của vấn đề là, chúng ta dựa vào đâu để biết được nguyên nhân đúng hay sai. Nếu chúng ta không thấy ra, không có sự hiểu biết, không có kinh nghiệm về những tình huống đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta…thì chúng ta rất dễ nhầm lẫn, hồ đồ, phỏng đoán thiếu hiểu biết về sự việc mà chúng ta muốn tìm hiểu.

Tìm hiểu về “Chánh niệm”, nhận biết đúng hướng sẽ giúp cho chúng ta đi theo một mục tiêu đúng, một sự thật mà ta đã biết rõ, đã từng trải nghiệm qua và biết chính xác những nguyên nhân tựu thành nên kết quả.

Theo lời Tổ dạy: Chánh niệm là “Nhớ chắc các tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã; ghi nhớ bằng cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã; không tham sân si, dục vọng luyến ái”.

Đọc lời giải thích, diễn giải trên, chúng đã nhắc nhở chúng ta nhận thấy, thực hành chánh niệm không chỉ đơn thuần là có nhận thức, có chú tâm, bám chặt vào đối tượng liên tục; mà đó đồng thời là sự tổng quan của nhận thức chín chắn về khổ não, sự cẩn thận biết chắc diễn biến của quy luật sự vật là vô thường, và bản chất quá trình này chính là sự tương hợp của các pháp là không ngã tính, có nhiều nhân duyên hình thành nên sự vật đang diễn biến trong thân và ngoài thân của chúng ta. Xin được đưa ra ví dụ dưới đây. Trong lúc dạo chơi trong rừng, chân tôi dẫm ngang qua phần cỏ tranh và thế là tôi đã bị lá cỏ tranh tạo nên một vết xước trên tay khá dài và sâu. Khi ấy, tôi rất hoang mang với cánh tay bị chảy máu, chảy hoài mà không sao cầm được, sau nhiều lần thử đi thử lại các loại lá rừng thì vết xước nơi tay mới cầm.

Sự việc đã qua, tôi đứng lặng hồi lâu nhìn chiếc lá tranh nhỏ, mảnh mai, yếu đuối, cho dầu một cơn gió nhẹ cũng có thể làm nó lay động, di chuyển lên hay xuống một cách dễ dàng. Thế mà chiếc lá nhỏ này đã có công năng làm tổn thương nơi bàn tay dày và chai sạn của tôi. Một hồi ngắm nghía, nhìn xem từ nhiều phía, đưa tay sờ lên chiếc lá nhỏ và thân giữa của lá…để tìm hiểu nguyên nhân từ đâu mà sức mạnh bên trong của chiếc lá mền mại kia. Và lúc đó trong đầu tôi chợt hiểu ra một điều. Quả thật là con người chúng ta rất dễ bị ngộ nhận, đánh giá sai vấn đề mà chúng ta đã nhìn thấy, thường chúng ta quy chung là lỗi do thất niệm.

Nhiều trường hợp lỗi do con người ngộ nhận, đánh giá không đúng đối tượng mà chúng ta tiếp xúc, tâm xao lãng, không để ý, thế là chúng ta rất dễ phạm phải sai lầm đáng tiếc. Trong cuộc sống đời thường chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy điều này giữa hai người bạn tranh cãi nhau hết sức căng thẳng, phiền não tăng cao, trái ý nghịch lòng…xuất phát từ nguyên nhân nói chuyện chơi cho vui, xem ai hiểu biết hơn. Tình hình càng lúc càng nguy kịch, xảy ra ẩu đả, hận thù tăng cao, oan trái buộc thắt càng nhiều. Lỗi từ đâu, đã bao lần chúng ta tự hỏi chưa? Mới ban đầu là học hỏi và trao đổi lẫn nhau, mà bây giờ kết quả thắng bại bất phân, bên nào cũng có những lý lẽ riêng của mình, để rồi đi đến kết luận không ai chịu nghe, phục tùng ai cả. Nơi ấy, chiến tranh giữa người và người bắt đầu, cuộc chiến tranh này có thể là súng đạn, có thể là ngôn ngữ, bằng nhiều hình thức trả đũa lẫn nhau…lỗi từ sự hiểu biết có ngã tồn tại và tạo nên ranh giới của quy ước chung cho con người.

Từ sự xao loãng tâm có thể nhìn thấy được lỗi của nhiều người thường gặp phải, do không đánh giá được đối tượng, nhu cầu, tiến độ, trách nhiệm, bổn phận… của sự việc diễn ra trước mắt mình, cho nên con người rất dễ bị tổn thương bởi các duyên sẽ xảy ra rất mau chóng. Sự cố vừa nêu trên, một loài cây cỏ yếu đuối, mền mại có thể uy hiếp được con người to lớn. Hay như trường hợp trên cũng thế, những suy luận mang tính học hỏi, trao đổi lẫn nhau, mục đích mang lại sự lợi ích và tốt đẹp cho cả hai, giờ đã không như ý muốn ban đầu, lòng cả hai người đều bị phấn khích bởi sự sân hận tăng cao không thể nào dừng lại được nữa.

Suy ngẫm về thực hành chánh niệm, tất cả nguyên nhân trên có thể nào khắc phục được chăng? Làm thế nào mang lại lợi ích lớn lao để cả hai người ngồi gần lại với nhau và tránh được sự va chạm không cần thiết. Nếu không được như vậy thì quả thực ai cũng sẽ là người bị tổn thương cả, từ thân đến tâm chứ không phảichuyện đùa. Lúc này đây, bên tai tôi như văng vẳng lời dạy của thiền sư AJRACHA “Đừng coi thường phiền não, nó sẽ cười vào mũi các bạn đấy…”

Quả thực, sự thiếu chánh niệm trong mỗi người chính là những nguyên nhân tạo ra bất hạnh và khổ đau. Tâm hành con người phải được sự huân tập một cách đúng mức, có sự hiểu biết, nhận thức chánh kiến của con người là vô cùng quan trọng, dẫn dắt, hướng tâm, tạo ra sự hạnh phúc hay khổ đau. Để làm rõ ý này, đức Phật thường có lời khuyên rằng, “Hãy lắng nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng…” như chúng ta nhận thấy hầu hết trong các bài kinh, để người hành giả tìm được sự liên hệ cần thiết cho sự tu hành.

Như trên chúng ta vừa tìm hiểu, tất cả những hệ quả mà người phải gánh chịu đều có nguyên do của nó. Như động lực ngủ ngầm trong tâm thức sai lầm dẫn dắt tâm con người theo chiều hướng đã định. Thế nên, ý niệm ban đầu, chính là điểm thiết yếu để chúng ta có thể đoán định được hệ quả mang lại sẽ đúng hay sai theo như lời Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỳ kheo, như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỳ kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng”.

Thế nên, bài học tu sửa tâm không thể thiết lập được nếu chúng ta không chú ý những điểm pháp quan trọng; không “ như lý tác ý…” muốn có kết quả tốt không thể được. Người viết xin lấy ví dụ: như người cưa cây lấy củi, công việc này chúng ta nghĩ rất dễ dàng thực hiện được, ai cũng làm được, nhưng thực tế thì không phải thế. Khi người ấy leo lên cây cao, gió mạnh, nhánh cây nhiều chỗ mục nát… phía dưới là những nóc nhà; vách ngăn bên dưới; nếu anh ta không quen tay nghề, không có sự tác ý đúng khi đưa tay cắt nhánh lá tươi rơi theo hướng đã định, chiếc dây đeo nơi thân cây cần cột thế nào để có thể hổ trợ cho sự rơi các nhánh cây không va vào các ngóc nhà người khác… Để thực hiện tốt được điều này anh ta phải có sự quán sát chu toàn về nhiều khía cạnh, nhiều góc độ để khi đưa tay ra quyết định những hành động sẽ làm. Nơi đây sự “khéo tác ý…” khéo hướng tâm mang lại nhiều lợi ích lớn lao.

Cho nên, người nhận thức đúng hành động chúng ta sắp làm, được gọi là chánh kiến, người hiểu rõ công việc người ấy đang thực hiện là chánh niệm. Đây được xem là bước đầu tiên chúng ta đi vào con đường sáng mà đức Phật đã chỉ dạy, “tránh được các điều ác, làm các điều lành”. Chúng ta không nên đánh giá thấp đối tượng, không được xao loãng, mà phải hiểu đối tượng, bám sát sự vận hành của chúng, khi ấy chúng ta mới có thể điều tiết hợp lý nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể, chuyên biệt.

Tổ dạy: “Thường nên kiểm soát hành vi / khi ăn lúc nói đứng đi ngồi nằm...”. Đây là lời nhắc nhở chúng ta về vấn đề trên. Có như thế con người chúng ta mới có thể điểm tựa để hiểu biết các pháp thiện và ác, lợi hay hại, trắng hay đen… để chúng ta có sự hành xử thích hợp. Ý niệm ban đầu này mà đúng, do có sự tác ý đúng tạo ra sự quyết đoán mạnh mẽ, vững chắc, an trụ, mang lại kết quả tốt đẹp của mỗi người.

Trong sự tu tập tâm cũng thế, sự rèn luyện chánh niệm để tâm bám được trên đối tượng, hòa vào trong đối tượng, chính đối tượng là một thực thể của mình đang sống. Khi ấy, ý niệm an trụ giúp chúng ta mới có thể làm chủ được tâm mình trong những quan niệm sống đời người, tâm chơn chánh, là người hướng đạo, là bến yên bình giữa thiện và ác, sự thong dong tự tại trước chợ đời nghiệt ngã bon ba… Con người khi ấy có thể điều khiển được vận mệnh sống của chính mình.

Điều này đức Phật có dạy: “Này các Tỳ kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm lủng tay hay chân , hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm lủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt niết bàn; sự tình nàyxảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, vì tâm được đặt đúng hướng”.

Lắng nghe và thực hành chánh niệm, chúng ta nhận ra những lời dạy quí báu của Phật dạy: “Chiến thắng trăm vạn quân không bằng chiến thắng chính mình.” Sự hiểu biết và khéo huấn luyện tâm mình theo lẽ chánh là con đường hạnh phúc rộng mở yên vui khi chúng ta biết cải biến, sử dụng tâm hợp lý, hữu ích trong từng ý niệm sống.