Tiểu sử cố Trưởng lão Giác Toại

Cố trưởng lão Giác Toại thế danh Trần Trong, sinh ngày 13 tháng 5 năm Ất Mão (1915) tại thôn Hưng Lương, xã Phước Lý, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay là thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định). Thân phụ của Người là Trần Ngọc, thân mẫu là Phạm Thị Đặng (song thân đều quá cố lúc Người chưa xuất gia tu học). Người là con đầu trong hai anh em trai.

Lớn lên khi học xong sơ học, Người thôi học, ở nhà làm việc phụ giúp song thân nuôi em nhỏ dại. Người sống một nếp sống thuần lương chất phát.

Năm Định Hợi (1947), khi nghe Đức Thầy Giác An hướng dẫn Tăng đoàn về hành đạo thuyết pháp tại Tịnh xá Qui Nhơn, Người đã cùng các bạn đạo mời đức Thầy về hành đạo, thuyết pháp tại xã nhà.

Với lòng ngưỡng mộ Phật Pháp, Người quyết tâm dâng cúng đất vườn và cùng thiện nam tín nữ kẻ công người của xây dựng Tịnh xá Ngọc Hòa để Tăng đoàn làm nơi tịnh dưỡng, cũng là nơi thuyết giảng kinh pháp cho thiện nam tín nữ nghiên cứu tu học.

TXNgocHoa BD

ngochoanhonly 800x600

Sau nhiều năm nghiêm cứu tu học theo hạnh cư sĩ tại gia, hạnh tu xuất gia giải thoát của các vị Khất sĩ du Tăng đã in sâu vào tâm khảm của Người. Ý chí xuất gia thoát tục bắt đầu và càng ngày càng thôi thúc.

Ngày 1 tháng 2 năm Ất Tỵ (1965), ngày kỷ niệm 11 năm Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Người phát tâm dõng mãnh xuất gia tu học, được Đức Thầy Giác An thu nhận và đặt pháp danh là Thiện Nhơn.

Vào tháng 11 năm ấy (1965), tập sự Thiện Nhơn được Giáo hội truyền sa di giới và Đức Thầy Giác An thọ ký với pháp danh Giác Toại.

Ngày rằm tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969), đại lễ Tự Tứ Tăng - Vu Lan Bồn được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Hải, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, sư Giác Toại được Giáo hội xem xét về hạnh đức, giới luật và truyền cụ túc giới Tỳ-khưu, chính thức vào hàng xuất gia Khất sĩ.

Kể từ đó nhà sư Khất sĩ Giác Toại chuyên tâm thực hành hạnh Du tăng Khất sĩ, tam y nhất bát, rày đây mai đó, những tịnh xá các tỉnh miền Trung và Tây nguyên Ngài đều dừng trụ, ngày ngày khất thực xin ăn nuôi sống tấm thân ngũ uẩn, kết duyên lành với tất cả chúng sanh; đêm đêm tịnh tọa tham thiền tăng trưởng pháp thân huệ mạng, chuyển hóa phiền não soi rọi vô minh, hướng tâm đến quả vị giải thoát. Năm Quý Sửu (1973) nhà sư Giác Toại đã nhiều năm hành đạo, đầy đủ kinh nghiệm, có thể đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn thiện nam tín nữ tu tập nên Giáo đoàn đã bổ nhiệm về làm trụ trì Tịnh xá Ngọc Hòa.

Năm Kỷ Tỵ (1989) Đại đức Giác Toại đầy đủ hạ lạp, đạo hạnh thanh cao nên được Giáo hội tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa.

Năm Canh Ngọ (1990) Thượng tọa Giác Toại được suy cử chức Phó trưởng Hội đồng Tỳ kheo thuộc Giáo đoàn III Hệ phái Khất sĩ.

Năm Quý Dậu (1993), nhận thấy thời gian song hành với già bệnh, thân tứ đại đã xoay vần trên 70 xuân thu, tuổi già sức yếu khó có thể duy trì được nhiệm vụ trụ trì được lâu dài, nên Thượng tọa đã trình Giáo đoàn xin tăng thừa kế và được Giáo đoàn chuẩn y. Thời gian còn lại này Ngài chuyên tu tịnh niệm và rất hoan hỷ trước những thuận nghịch, hoan hỷ thể hiện trên đôi môi lúc nào cũng nở nụ cười an lạc.

Ngày mồng 1 tháng 8 năm Quý Dậu (1993), Thượng tọa Giác Toại viên tịch sau một cơn bệnh nặng tại Tịnh xá Ngọc Hòa, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 79 tuổi.

20 năm trụ trì Tịnh Xá Ngọc Hòa.

50 năm bon chen với thế tục.

78 năm trụ thế.

28 năm xuất gia hành đạo.

Ngài được Giáo hội truy phong cố Trưởng lão Giác Toại. Tang lễ được tổ chức trọng thể tại Tịnh xá Ngọc Hòa do các vị Tôn túc Trưởng lão, Thượng tọa trong Giáo hội chứng minh, chư Tăng Ni, chính quyền, môn đồ hiếu quyến và đồng bào Phật tử đến kính viếng, phúng điếu và tiễn đưa linh quang của Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng.

ThapGiacToai

Chư Tăng, môn đồ hiếu quyến và thiện tín Tịnh xá Ngọc Hòa đồng xây ngôi bảo tháp để ghi dấu nơi nhục thân an nghỉ của một vị chân tu khả kính; vị giáo phẩm trong Giáo hội; vị trụ trì Tịnh xá Ngọc Hòa. Ghi dấu nơi khởi điểm hành đạo và cũng là nơi kết thúc viên mãn sự nghiệp tự giác, giác tha của cố Trưởng lão Giác Toại.