Tiểu sử Ni trưởng Bạch Liên - Đệ nhị Trưởng Ni giới HPKHVN

NTBachLien

 

I.THÂN THẾ VÀ THUỞ THIẾU THỜI

Ni trưởng Bạch Liên thế danh Võ Thị Hiến, sinh ngày 17 tháng 11 năm Giáp Tý 1924 tại Láng Cò, nay là ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Ni trưởng là con trưởng trong một gia đình thâm Nho, đạo đức, sống chuyên nghề nông nhiều đời. Thân phụ là cụ ông Võ Văn Tý đã qua đời vào năm 1955. Thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Đường pháp danh Truyền Ngọc cũng đã từ trần vào năm 1996 tại Tịnh xá Ngọc Chơn, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 92 tuổi. Ông bà cụ có 9 người con, 4 trai và 5 gái.

Vốn sẵn có thiện duyên nhiều kiếp, nên Ni trưởng sớm trực nhận được lý vô thường, cảnh trần ảo mộng, huyễn hư, và hết lòng sùng kính ngôi Tam Bảo. Thuở thiếu thời Ni trưởng đã tiếp nhận nếp sống Nho phong đạo đức, nên có nhiều đức lành đáng quý. Nhất là Ni trưởng thường về lễ Phật, trì kinh tại chùa Long An ở Láng Cò, được bà Ba Ban Hộ Tự thương mến hướng dẫn và giới thiệu vào Ban Hộ Niệm Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Từ đó, Ni trưởng được dịp đi tụng kinh cầu an, cầu siêu nhiều nơi với hội, được huân tập nhiều công đức lành, trưởng dưỡng đức trí.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA THEO PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN

Trong kinh đức Phật dạy: “Tam Bảo là phước điền của thế gian. Già-lam là phước địa của chúng sanh.”. Vì chốn thiền môn là nơi sanh phước, chúng sanh có duyên bước vào mảnh đất phước ấy thì sớm muộn gì cũng trổ lộc phước kết hoa duyên, Phật tánh dễ triển khai. Quả thật, thời duyên hội đủ, năm Ni trưởng 18 tuổi (1942), tại Chùa sắc tứ Long Hội Tự (còn gọi Chùa Xóm Chuối), làng Tân Hòa Thành, quận Bến Tranh, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Ni trưởng đã được Hòa thượng Viện chủ Thích Hoằng Thông tế độ xuất gia và trao truyền giới pháp Sa-di Ni với pháp danh Nhuận Cung, tự Diệu Phụng. Cùng được xuất gia với Ni trưởng là Ni trưởng Thanh Liên, lúc ấy mang pháp danh Nhuận Đắc, tự Diệu Lực. Hai vị được Hòa thượng đặc trách: hằng ngày công quả phụng sự ngôi Tam Bảo.

Thời gian này, có những lúc 2 Ni trưởng đã gặp nhiều chướng ngại, mà nếu thiếu ý chí, thiếu kham nhẫn đã dễ bị thối tâm. Dưới sự hướng dẫn tu tập 5 năm của Hòa thượng Bổn sư, 2 Ni trưởng vẫn không sờn lòng, chỉ mong tròn hạnh nguyện, tâm hằng nhẫn nhục kiên trung, thản nhiên, lo trau dồi đạo hạnh, lại còn khéo tự sắp xếp thời khóa riêng cho mình để nỗ lực tiến tu cho tăng phần tâm đức.

IIITHỜI KỲ XUẤT GIA THEO HẠNH KHẤT SĨ

Năm 1946, vì nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho người tu hiền làm việc nuôi thân sống tạm, nên đức Tổ sư Minh Đăng Quang phải rời khỏi xứ Cao Miên trở về Việt Nam thực hành giới luật Tăng đồ nhà Phật tại làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nhờ duyên lành đó mà Ni trưởng đã được gặp đức Tổ sư. Lại thêm một đại nhân duyên là Ni trưởng Huỳnh Liên cùng cô em gái và thân mẫu thường bơi thuyền đến nghe đức Tổ sư thuyết pháp tại Linh Bửu Tự. Sau khi nghe, Ni trưởng Huỳnh Liên ngộ pháp nên liền bước ra quỳ xin xuất gia. Đức Tổ sư dạy: “Tín nữ phải tìm thêm bạn đồng hành, đủ 4 vị Thầy mới nhận.”. Ni trưởng Huỳnh Liên liền tìm đến Chùa sắc tứ rủ 2 Ni trưởng về cùng xuất gia theo Giáo pháp Khất Sĩ của đức Tổ sư. Liền đó 2 Ni trưởng đã đến xin với Hòa thượng Bổn sư, được Hòa thượng đồng ý.

Thế là ba vị cùng với một sư cô lớn tuổi đã đến gặp đức Tổ sư Minh Đăng Quang, được đức Tổ sư làm lễ thế phát, trao truyền giới pháp y bát Khất Sĩ làm Tỳ-kheo Ni và thọ ký pháp danh: Bửu Liên, Huỳnh Liên, Bạch Liên và Thanh Liên tại Linh Bửu Tự, vào ngày 1 tháng 4 năm Đinh Hợi 1947 (vài năm sau bà Bửu Liên đã mất). Cả ba Ni trưởng đều được truyền thừa mạng mạch Phật pháp, nối chí đức Tổ sư tu học, hành đạo, tiếp độ chúng Ni và hướng dẫn chúng sanh hồi quy Phật pháp.

Kể từ đó, Ni trưởng được trực tiếp học đạo, nghe pháp nơi đức Tổ sư qua những bài pháp Chơn lý thật sống và lo rèn luyện ý chí, trau giồi phẩm hạnh hầu khai thị pháp thân, huệ mạng, để rồi tuyên dương giáo pháp Phật-đà.

IV. THỜI KỲ HOẰNG PHÁP BÁO ÂN ĐỨC PHẬT VÀ TỔ THẦY

Sau khi xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Tổ sư và nhận sự ủy thác tiếp độ chúng Ni, làm sứ giả Như Lai, Ni trưởng ý thức trách nhiệm thượng cầu hạ hóa, khai thông dòng pháp Ni lưu. Hương giới bay xa, đạo tâm xán lạn, Ni trưởng là một thạch trụ của Ni giới Khất Sĩ, làm sáng gương Thánh đức Kiều-đàm.

Năm 1954 đức Tổ sư vắng bóng, có biết bao chuyện thương tâm dồn dập cho Ni giới Khất Sĩ, chiếc thuyền Liên Hoa Khất Sĩ như bập bềnh giữa biển cả sóng to. Lúc này, quý Ni trưởng đã sát cánh bên nhau, tay trong tay vững mạnh gánh gồng Phật sự, lèo lái con thuyền Liên Hoa Khất Sĩ, song song với con thuyền Tăng-già Khất Sĩ truyền thừa Phật pháp rộng sâu trong quần chúng nhân dân. Quý Ni trưởng đã kết đoàn du phương hành đạo miền Trung, qua khắp các tỉnh thành, quận huyện, khi trung thổ, lúc cao nguyên, rồi trở về Sài Gòn, xuôi ngược sông Tiền, sông Hậu… thể nhập trong biển cả đại đồng của chư Phật Như Lai, thực hiện bổn hoài của đức Tổ sư, triển khai huệ trí, nỗ lực gióng trống Pháp, chuyển xe Pháp, thiết lập đạo tràng tiếp độ chúng sanh, giáo dưỡng mầm non Bồ-đề của chúng Ni và Phật tử!...

Ở miền Nam, thành quả vẻ vang nhất của Ni trưởng đáng được xưng tụng là công khai phá rừng hoang ở Thủ Dầu Một, thành lập ngôi Tịnh xá Ngọc Bình vào năm 1954.

Điểm nổi bật nhất của Ni trưởng là kể từ năm 1958, ôm hoài bão tiếp chúng độ sanh ở miền Trung, Ni trưởng đã dõng mãnh dong thuyền giác khắp nông thôn, phố thị miền Trung, từ Thuận Hải đến Quảng Trị, không nơi nào không có dấu chân hành đạo của Ni trưởng.

"Gót vàng thoăn thoắt du phương

Tâm kinh nở giữa tình thương vạn loài."

Theo bước chân của Ni trưởng, các tịnh xá hình bát giác đã thi nhau dựng lên trên khắp miền Trung, song song với sự hành đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên, của quý Ni trưởng và chư Ni trong miền Nam.

Ni trưởng Huỳnh Liên đã từng tán dương công hạnh của Ni trưởng: “Như quý vị thấy: Ni sư Nhị vừa bệnh xác thân vừa kém trí nhớ, thế mà Ni sư chẳng nệ hà, cương quyết lãnh đạo mở mang giáo pháp ra miền Trung. Điều mà tôi muốn nói là Ni sư cũng còn mẹ, còn bà ngoại già. Một lần, sau khi Ni sư ra đi ít phút, bà thí chủ của Ni sư đã đến và khóc não nuột. Nhìn cảnh thân quyến của một bậc tận lực hy sinh cho Giáo pháp đau lòng, tôi luống ngậm ngùi, cảm nghĩ đây là những tâm hồn hy sinh cao thượng cho Phật pháp, mình phải thù đáp thế nào?

Nhơn đó, tôi nghĩ đến chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thiên chắc cũng có những cảm nghĩ như tôi và các Ngài sẽ ban hay đã ban ân huệ cho Ni sư rồi.

Giờ đây tôi xin lưu lại đôi vần thơ, tựa là:

GIỌT CẢM ĐÊM MƯA

"Đêm thâu mưa gió lạnh lùng

Nhớ người ở cảnh núi rừng cheo leo

Công phu vượt núi, qua đèo

Dở dang sự nghiệp, đìu hiu nhân tình.

Tự dưng buộc trói lấy mình,

Cánh chim bay lượn bỗng thành lao lung.

Phương trời tha thiết chờ mong

Chút duyên dưa muối, mảnh lòng nhớ thương.

Mẹ già mái tóc pha sương

Giọt thu lấp lánh, ánh vàng lung linh.

Than ôi tình nghĩa, nghĩa tình

Non xa, nước thẳm, rừng xanh dặm dài!...”

Năm 1965, đoàn du hành dừng chân trên vùng đất Buôn Ma-thuột, đi hóa duyên, trưa ngồi độ ngọ dưới gốc cây. Ni trưởng Huỳnh Liên nói: “Nơi đây có ngọn gió thiên mát mẻ, dân chúng hiền hòa, chắc chúng ta mở đạo dễ dàng. Tôi muốn thành lập một ngôi Tịnh xá ở xứ này.”. Đoạn Ni trưởng Huỳnh Liên đề nghị Ni trưởng và Ni sư Tốn ở lại để lần hồi tìm cất Tịnh xá.

Ca dao có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Thật vậy, buổi đầu rất vất vả, hai vị phải ở tạm bóng mát, mái hiên, mưa nắng phải tạm trú trong trại gia binh. Nhưng vất vả vì đạo pháp luôn có chư Thiên, chư Thần ủng hộ, khiến một hôm gặp ông Trưởng Quân Đoàn, ông phát tâm cho cây, cho lá, cho tôn cũ và cho mấy anh em trong trại gia binh phụ dựng lên một túp lều cho Ni trưởng và Ni sư đụt nắng che mưa. Lâu ngày trở thành quen biết, thì ra vợ của ông Trưởng Quân Đoàn là bà con với Ni trưởng. Bà đã hướng dẫn Ni trưởng xin đất, được ông Trưởng Quân Đoàn cấp cho khu đất này, cả khu đất của mình bà cũng đem nhượng luôn cho chùa (20.000 đồng).

Lúc này Ni sư Tốn nặng lòng lo lắng cho cha và kế mẫu của mình đang sinh sống trên đất khách, quê người quá vất vả. Hiểu được nỗi lòng hiếu tử của Ni sư, Ni trưởng liền cho Ni sư về Sài Gòn, một mình ở lại gánh vác Phật sự, bắt tay xây dựng Tịnh xá Ngọc Thành, tuy đơn sơ nhưng trải biết bao công trình gian nan.

Sau đó, Ni trưởng về khẩn đất khai hoang nơi đèo Dủ Dỉ để lập nông trại. Ni trưởng thường tự thân cần cù lao động cùng với Ni chúng, ngày lại ngày một nắng hai sương phơi thân trên 24 mẫu đất giữa núi rừng xanh thẳm, mong có đủ phương tiện giáo dưỡng cô nhi và giúp người đau khổ, không kể thân sơ, không phân lương giáo. Chính Ni trưởng đã tự tay trả lương rất hậu cho đồng bào thất nghiệp quanh vùng đến góp phần lao động…

Đến năm 1972, Ni trưởng khởi công xây dựng Tịnh xá Ngọc Ninh ở đường Ngô Gia Tự, thị xã Phan Rang. Thuở ấy, đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, nên Ni trưởng đã đứng ra thành lập Cô Nhi Viện Ngọc Ninh, để tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ bất hạnh mồ côi. Việc làm đó của Ni trưởng đã xoa dịu biết bao nhiêu hoàn cảnh đau thương. Chính nơi Tịnh xá Ngọc Ninh này đã ghi lại bao ấn tích công hạnh lớn lao của Ni trưởng.

Sau ngày giải phóng, Ni trưởng đã giao 24 mẫu đất ở đèo Dủ Dỉ cho nhà nước quản lý, chuyên tâm lo Phật sự cho giáo hội, cho Tịnh xá Ngọc Ninh và các nơi.

Về hạnh tu, Ni trưởng rất nghiêm túc, giới luật kỷ cương. Xưa Ni trưởng là Phó Ban Trị Sự của Giáo hội Liên Hoa Khất Sĩ Việt Nam, sau này là Trưởng Ban Giám Luật của Ni giới Hệ phái Khất Sĩ.

Bên cạnh việc tu hành phạm hạnh và lãnh đạo chúng Ni, Ni trưởng còn hay sáng tác thơ văn, đặc biệt là khả năng xuất khẩu thành thơ trong những lúc lao động hay tiếp xúc với mọi người. Ni trưởng đã lưu lại cho đời một số bài thơ Đường, bài Bát cú dạng ngẫu hứng và một số bài Song thất lục bát, Thất ngôn trường thiên, Phú, Vè, Văn tế… Những bài thơ văn của Ni trưởng đều có văn nghĩa rõ ràng, giản đơn dễ hiểu, gởi gắm bổn hoài, gắn bó tâm hồn cùng đạo pháp và quê hương. Ni trưởng cũng rất chú trọng đến việc đào tạo nhân tài kế thừa, nên đã thường xuyên ủng hộ trường Phật học ở Phan Rang và các nơi…

Đối với xã hội, Ni trưởng thường tổ chức những cuộc ủy lạo cứu giúp đồng bào thiên tai lũ lụt, đói nghèo, người già neo đơn, cô nhi quả phụ và dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên, sơn cước.

Đối với mẫu thân, Ni trưởng đã nêu gương hiếu hạnh ngàn vàng cho Ni chúng và Phật tử noi theo.

Nhằm trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Ni trưởng cùng Ni trưởng Huỳnh Liên và quý Ni trưởng lãnh đạo Ni giới Khất Sĩ đã nỗ lực chung vai đấu cật suốt mấy mươi năm để bảo tồn nền Giáo pháp Khất Sĩ, góp phần làm cho Tổ ấn trùng quang, Đạo vàng xán lạn trên thế gian này.

Với tâm đức, hạnh đức thanh tịnh của Ni trưởng, năm 1987, sau khi Ni trưởng Huỳnh Liên – Đệ nhất Trưởng Ni giới viên tịch, toàn thể Ni giới nhất tâm suy tôn Ni trưởng lên ngôi vị Đệ nhị Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ cho đến ngày viên tịch.

Suốt lộ trình hành đạo, trải bao cuộc dâu bể thăng trầm, Ni trưởng vẫn bình tâm kiên định, vững bền chí nguyện, một lòng nối chí Tổ Thầy tuyên dương giáo pháp, khuyến tấn chư Ni khắp các miền tịnh xá luôn gắn bó, hòa hợp trong lòng Giáo hội, đoàn kết với các đoàn thể quần chúng, chấp hành tốt luật pháp nhà nước, làm tốt đạo đẹp đời.Ni trưởng đã góp phần xây dựng ngôi nhà Phật pháp trường tồn vĩnh cửu, kế thừa sự nghiệp của chư Phật mười phương.

V. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Vào những năm Ni trưởng sắp từ bỏ báo thân, dầu thể vóc mòn mỏi nhưng tâm niệm luôn tỉnh giác, đức tinh cần bao giờ cũng rọi sáng tâm Ni trưởng, thật là Phật ân thâm diệu!

Hành trình đã sẵn món tư lương, dầu khô, đèn tắt lúc 21 giờ 30 phút ngày 17 tháng 11 năm Bính Tý (Nhằm ngày 26 tháng 12 năm 1996), Ni trưởng hưởng thọ 73 tuổi, hạ lạp 50 năm.

Thân tứ đại đã hoàn nguyên về tứ đại

Cõi Tây phương rày tự tại với Tây phương.

Ôi! Một vì sao lìa ngôi, một cội tùng tróc gốc! Đầm Liên Hoa mất đóa sen thiêng, Giáo hội Phật giáo vắng bóng một thành viên, một Trưởng lão Ni giới đức, một vầng trăng soi bước Tăng hành; tín đồ Phật tử mất đi bậc thầy gương mẫu. Ôi! Một người ra đi, muôn người thương tiếc, nghìn thu khôn thể kiếm tìm.

Bạch thanh một cõi lòng chơn tịnh

Liên hóa sen vàng chắp cánh bay!

Mong rằng tấm gương cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Bạch Liên mãi mãi là ánh hào quang, là bóng mát Bồ-đề, để hàng môn đồ đệ tử và Phật tử cùng chúng sanh hữu duyên nương bóng từ quang an tâm tu học.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật