Tiểu sử Ni trưởng Giới Liên

I. Thân thế

Ni trưởng Thích nữ Giới Liên, thế danh Lữ Thị Năm, sinh năm 1931 tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ là cụ ông Lữ Văn Vạn, pháp danh Thiện Huê; thân mẫu là cụ bà Hà Thị Xứng, pháp danh Tánh Ngọc. Ni trưởng là người con thứ năm, trong gia đình có một trai, năm gái.

II. Xuất gia hành đạo

Được sinh ra và lớn lên trong gia đình trung nông đạo đức, kính tin Tam Bảo, và nhất là mảnh đất Trà Vinh, nơi có Phật học đường Lưỡng Xuyên, nơi có nhiều danh Tăng nổi tiếng qua các thời kỳ khác nhau của Giáo hội. Nhờ đó, Ni trưởng sớm tỏ ngộ căn lành, phát khởi tín tâm, tầm đạo xuất gia. Sau nhiều lần Ni trưởng cùng gia đình lui tới Tịnh xá Ngọc Vinh để lễ Phật, đọc kinh, nghe pháp, từ đó mưa pháp thấm nhuần, nên vào năm 1961, Ni trưởng đã xin xuống tóc xuất gia tại Tịnh xá Ngọc Vinh, thị xã Trà Vinh, nơi chính mảnh đất quê nhà mà Ni trưởng đã được sinh ra và lớn lên. Tịnh xá Ngọc Vinh thuộc Ni giới Khất sĩ - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất Sĩ, một trong chín tổ chức Giáo hội, Hệ phái thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong suốt buổi đầu xuất gia tu học, Ni trưởng đã thường hằng tinh tấn, chuyên cần công phu, công quả, sớm trưa vun bồi cội phước, nên Ni trưởng lần lượt được Giáo hội cho thọ giới Sa di, Thức-xoa Ma-na-ni và để viên mãn giới pháp. Năm 1969 Ni trưởng được Giáo hội cho thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Tổ đình Ngọc Phương, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, được Ni trưởng Huỳnh Liên đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ là thầy Bổn sư ban pháp danh Giới Liên.

Sau khi xuất gia và thọ giới tu học tại Tổ đình Ngọc Phương một thời gian và rồi theo thông lệ của Hệ phái Khất Sĩ, cứ mỗi ba tháng thì thay đổi nơi trú xứ một lần. Kể từ đó, vâng lệnh Tổ Thầy, Ni trưởng đã lần lượt trải bước chân hành đạo tại các trú xứ Tịnh xá Ngọc Quang (Gò Công, tỉnh Tiền Giang), Tịnh xá Ngọc An (tỉnh Long An), Tịnh xá Ngọc Lâm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), Tịnh xá Ngọc Thành (huyện Long Thành), Tịnh xá Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai)… Tại mỗi điểm hành đạo, dầu gian lao, khổ nhọc, vật chất thiếu thốn trăm bề, nhưng không làm cho Ni trưởng thối tâm Bồ đề, ngược lại trong cảnh khốn khó Ni trưởng càng dốc hết tâm lực, đạo lực để lo cho Đạo pháp, hoàn thành trọng trách mà Giáo hội giao phó, nhất là sự phát triển của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Năm 1975, Ni trưởng được Hệ phái bổ nhiệm về trụ trì Tịnh xá Ngọc Liên. Tịnh xá Ngọc Liên lúc bấy giờ còn nhiều ao vũng, nhưng Ni trưởng đã cùng Ni chúng lấp dần các ao vũng ấy để cải tạo mặt bằng cho các sinh hoạt Phật sự của Tịnh xá. Đây cũng là thời điểm kinh tế của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, để phần nào cải tạo nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng kinh tế nhà chùa, Ni trưởng cùng với chư Ni chúng trong Tịnh xá đã lao động rất vất vả như trồng rau, làm bánh mứt, kết áo gối v.v… một phần để cải thiện đời sống, một phần dành dụm chắt chiu để có một ngày khởi công trùng tu ngôi Chánh điện vì ngôi Chánh điện đã xuống cấp, và một phần dành cứu tế những người nghèo khó, ủng hộ các chương trình phúc lợi xã hội do Mặt trận và các phong trào đoàn thể phát động.

Để trang nghiêm ngôi Tam Bảo, với trách nhiệm quản lý cơ sở của Giáo hội, được sự ủng hộ của chư Tôn đức Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ, chư tôn đức giáo phẩm, Tăng Ni trong Hệ phái Khất sĩ, sự phát tâm cúng dường của chư Phật tử gần xa và sự ủng hộ, cho phép của Chính quyền địa phương, năm 2006 Ni trưởng đã khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện, cùng với các công trình khác như Giảng đường, nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ, phòng khách, trai đường v.v… tất cả đều được trang nghiêm, tố đẹp như ngày hôm nay đã góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam, kiến trúc biệt truyền của Hệ phái Khất sĩ với mô hình bát giác.

Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước chiến tranh, trong phong trào đấu tranh cách mạng tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, do Ni trưởng Huỳnh Liên, đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam lãnh đạo, Ni trưởng đã cùng chư Ni giới Hệ phái Khất sĩ xuống đường, biểu tình đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, đòi thả tù binh chính trị, sinh viên học sinh; đồng thời tiếp tế lương thực thực phẩm thuốc men cho các cơ sở hoạt động cách mạng. Với công đức ấy, Ni trưởng đã được Nhà nước tặng nhiều kỷ niệm chương và bằng khen người có công với cách mạng.

Song song với việc hướng dẫn Ni chúng tu học, Ni trưởng còn mở rộng lòng từ, dìu dắt, dạy dỗ từ người chưa biết đạo trở thành những cư sĩ thuần thành và có những cư sĩ đã bước lên thuyền giác ngộ, xuất gia tu học. Ngoài ra, Ni trưởng còn đỡ đầu làm Y chỉ sư cho các Ni sinh trẻ để cùng nương nhau tu học. Trong số nàycó rất nhiều vị đã thành tựu được nhiều hạnh cao quý, là những Ni chúng tiêu biểu của Ni giới Khất sĩ trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh sự xả thân cầu đạo, Ni trưởng còn hướng đến mục đích cứu khổ ban vui theo hạnh nguyện từ bi của Đức Phật, Ni trưởng đã tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội tại địa phương, Ban Trị sự thành phố Cần Thơ và tại Tổ đình Ngọc Phương như cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm gần đây, trong phong trào hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học, Ni trưởng đã giúp đỡ cho nhiều sinh viên tạm trú trong Tịnh xá và nuôi ăn uống, để phần nào giúp cho các em sinh viên hoàn tất việc học, phục vụ xã hội. Quả thật: “Người đời hữu tử hữu sinh/ Sống cho xứng phận, thác dành tiếng thơm”.

Đối với Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ từ những ngày đầu thành lập Ban Trị sự năm 1983 với chức danh Ủy viên rồi Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Chứng minh Phân ban Ni giới Thành phố Cần Thơ cho đến ngày về cõi Phật.

Đối với đoàn thể xã hội, Ni trưởng đã nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Mặt trận với chức danh Ủy viên Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ. Đến những năm cuối của cuộc đời hữu hạn, do sức kém Ni trưởng tuy không tham gia vào Ủy viên Ủy ban Mặt trận nhưng vẫn đóng góp nhiều công đức cho các hoạt động của Mặt trận.

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2007), Ni trưởng đã được Đại hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng.

Đối với công đức mà Ni trưởng đã đóng góp cho Giáo hội, Hệ phái và Nhà nước, Ni trưởng đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và Giáo hội tặng thưởng nhiều bằng Công đức, bằng Tuyên dương Công đức.

Trong công đức giáo hóa đồ chúng, Ni trưởng đã tiếp nhận nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, sau khi ngôi Chánh điện được khánh thành, với một giảng đường rộng rãi, thoáng mát, được sự hỗ trợ của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, sự cho phép của Ban Trị sự và Chính quyền địa phương, mỗi một tháng hai ngày mùng 8 và 22 âm lịch, Ni trưởng đã tổ chức đều đặn thường xuyên khóa Tu Bát Quan trai, với số lượng Phật tử tham dự có trên dưới 200 Phật tử.

III. Thời kỳ viên tịch

Thế những tưởng Ni trưởng trăm năm trụ thế để tiếp tục thực hành hạnh nguyện từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, nào ngờ đâu một phút vô thường âm dương cách biệt, Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 01 giờ 20 phút ngày 15 tháng 8 năm 2014, nhằm ngày 20 tháng 7 năm Giáp Ngọ. Trụ thế 84 năm, Hạ lạp 47 năm.

Thế là hạnh nguyện Ni trưởng đã tròn xong, nhưng sự ra đi của Ni trưởng là một sự mất mát lớn lao cho Hệ phái Khất sĩ, cho Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ và môn đồ pháp quyến, hiếu quyến cùng chư nam nữ Phật tử đạo tràng Tịnh xá Ngọc Liên cũng như Phật tử gần xa, với những ai đã từng được diện kiến, làm việc với Ni trưởng.

Hỡi ơi!

Thương thay công hạnh đạo trường,

Tiếc thay một đóa sen gương thanh bần.

Đôi dòng lược sử tưởng niệm kính ghi công đạo hạnh. Ngưỡng nguyện Giác linh Ni trưởng thùy từ chứng giám.

Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.