Tiểu sử Ni trưởng Tạng Liên (1916-2002)

 

Cố Ni Trưởng Tạng Liên (1916 - 2002)

- Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

- Ủy Viên Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

- Trưởng Ni Giới Hệ Phái Khất Sĩ (1996 – viên tịch)

- Trụ Trì Tịnh Xá Ngọc Bích – Thành Phố Vũng Tàu

 I. THÂN THẾ & THỜI NIÊN THIẾU

 Ni trưởng Thích nữ Tạng Liên, thế danh Ngô Thị Sến, sinh năm 1916 tại xã Bình Tâm, tỉnh Long An. Ni trưởng là trưởng nữ trong một gia đình lễ giáo và đạo đức, sống bằng nghề nông hiền hòa mộc mạc. Thân phụ là cụ ông Ngô Văn Sao, pháp danh Thiện Đức; thân mẫu là cụ bà Đinh Thị Đắc, pháp danh Ân Ngọc. Ni trưởng có bốn chị em, ba gái một trai.

Là chị cả trong gia đình nên mặc dầu mới 12 tuổi, Ni trưởng đã biết đảm đang chuyện nhà cửa ruộng đồng, phụ với cha mẹ nuôi các em còn nhỏ dại. Tuy không đủ điều kiện đi học nhưng Ni trưởng cũng đã học hết tiểu học thời Pháp thuộc. Thấm nhuần truyền thống đạo đức của gia đình, Ni trưởng trường chay từ lúc 12 tuổi và tham gia vào đoàn đồng nhi của đạo Cao Đài.

 Năm 22 tuổi, Ni trưởng vâng lệnh song thân lập gia đình. Mười năm sống kiếp thế nhân, trả nợ trần duyên, đến năm 32 tuổi thảm họa thiên tai dịch bệnh bất ngờ đưa đến gây cảnh chết chóc tang thương. Chỉ trong vòng một tháng, gia đình Ni trưởng mất đi 10 người thân, trong đó có ba người con ruột. Trước cảnh sinh ly tử biệt, vô thường một thoáng, Ni trưởng bỗng nhận chân được thực tướng huyễn mộng của cuộc đời.

 II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU TẬP VÀ HOẰNG ĐẠO

 1. Xuất gia theo Tổ sư Minh Đăng Quang – Sư trưởng Giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ

 Cảnh tử biệt sanh ly đã làm cho cơ duyên xuất gia giải thoát chín muồi. Vốn chơn tâm sẵn có nên sau tám tháng trong cảnh tang thương dâu bể, Ni trưởng bừng ngộ được lẽ vô thường khi được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang đang trên đường hoằng đạo.

 Vào ngày 28 tháng 11 năm 1948, Ni trưởng phát tâm xuất gia, được Tổ sư thọ nhận chứng minh, ban pháp danh là Tạng Liên. Thế là, từ trong cảnh đau thương trần lụy, gia đình nhỏ bé, Ni trưởng phát túc siêu phương, hân hoan bước chân vào thế giới xuất gia giải thoát, rộng mở thênh thang, dưới sự dìu dắt của Ni trưởng Huỳnh Liên. Sau thời gian miệt mài tu tập và học thông kinh luật, Ni trưởng được Đức Tổ sư chứng minh truyền giới pháp Tỳ-kheo-ni. Từ đó, Ni trưởng theo hạnh nguyện của Tổ Thầy hoằng pháp độ sinh với tinh thần “Tứ hải vi gia – Cửu châu lập nghiệp”, lấy vũ trụ làm nhà, nhơn sanh làm quyến thuộc; phụng thờ Chánh pháp từ bi bình đẳng. Thuở sơ khai, bước đường hành đạo có nhiều gian nan thử thách, nhưng Ni trưởng đã thể hiện sự bền gan vững chí trong hạnh nguyện tự giác giác tha.

2. Những bước chân du hóa

Suốt quá trình hành đạo độ sanh, Ni trưởng luôn thể hiện trọn vẹn tinh thần hy sinh tận tụy, cống hiến hết sức mình cho đạo pháp. Ni trưởng là một trong những vị Đại đệ tử Ni tiên phong vâng mệnh Tổ Thầy mở mang Phật pháp, hoằng hóa nhiều nơi. Đầu tiên Ni trưởng hoằng đạo tại Sài Gòn, Chợ Lớn; sau về Vĩnh Long trụ trì Tịnh xá Ngọc Thuận ở vườn Tre. Ni trưởng lần lượt bước chân du hóa đến Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, kế đến là Thốt Nốt, Ô Môn, Cần Thơ, Sóc Trăng, Ngã Bảy, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cầu Kè, Cái Côn, Rạch Giá, Hà Tiên. Sau đó Ni trưởng trở lên Tây Ninh, Trảng Bàng rồi về lại Sài Gòn. Nơi nào Ni trưởng cũng để lại tấm gương từ bi vô ngã, những hạnh nguyện xả kỷ lợi tha, khiến cho mọi người kính thương trân trọng. Những nơi mà Ni trưởng có duyên giáo hóa, dù đó là những làng mạc thôn quê, hay những tỉnh thành hoa lệ, Ni trưởng vẫn một mực cháo rau đạm bạc, đội trời đạp đất, nắng sớm mưa chiều, cố gắng học theo hạnh đầu đà thanh bần đơn giản của chư Thánh Tăng xưa.

Với hạnh tu như vậy, Ni trưởng nối chí Tổ Thầy dựng xây ngôi nhà đạo pháp, thiết lập đạo tràng Tịnh Xá, dắt dìu Ni chúng, tiếp độ cư gia, trải lòng từ ái đến vạn loài sanh linh. Trong mọi trường hợp, Ni trưởng đều thể hiện tinh thần tận tâm với đạo pháp, tận trung với Tổ Thầy, tận nghĩa với pháp hữu và tận tình với môn đệ.

 Năm 1954, Tổ sư vắng bóng, chiếc thuyền Giáo hội có phần chao đảo, dù là phận nữ lưu, Ni trưởng vẫn thể hiện nghị lực kiên định, đủ đầy bi trí dũng, chung vai góp sức với Ni trưởng Huỳnh Liên và hàng Giáo phẩm Ni giới, tiếp tục xây dựng và lèo lái con thuyền Giáo hội Ni giới Khất sĩ vượt qua thử thách phong ba, làm tròn phận sự người đưa đò trong cơn hiểm nạn. Dù nguy nan, Ni trưởng vẫn không hề xao lãng một cơ duyên nào trong hạnh nguyện độ tha trước cuộc đời đầy thử thách gian nan.

3. Tu dưỡng và trụ xứ

Năm 1958, với bản tánh không ngại gian nguy nên Ni trưởng được Giáo hội phân công đến Vũng Tàu để mở thêm đạo tràng tịnh xá. Thời đó, Vũng Tàu nhiều nơi còn hoang vu với cảnh núi rừng lấn biển, trời nước mênh mông, quạnh quẽ, nhưng Ni trưởng vẫn quyết tâm tiên phong khai phá. Am tranh che mưa nắng, khoai củ đỡ đói lòng, thật là gian nan khó khổ. Sau nhờ đệ tử lớn là Ni sư Đàn Liên cùng với một số đệ tử xuất gia và tại gia đồng cam cộng khổ, chung lòng góp sức, ra công gầy dựng, lập vườn trồng rẫy tự túc suốt 10 năm. Đến năm 1968 Ni trưởng mới xây dựng hoàn thành Tịnh xá Ngọc Bích làm nơi dừng trụ, hóa đạo và an dưỡng cho đến ngày nay.

Suốt cuộc đời tận tụy cống hiến cho đạo pháp, Ni trưởng đã có công tạo lập nhiều tịnh xá ở miền Tây và miền Đông. Theo truyền thống Tổ Thầy, mỗi khi xây dựng xong một ngôi tịnh xá, Ni trưởng lại mang bát y lên đường vân du, giao tịnh xá lại để cho Giáo hội cắt cử quý Ni khác đến trụ trì. Hiện nay, tại những ngôi tịnh xá này vẫn còn giữ lại biết bao nhiêu những kỷ niệm, những dấu tích thân thương của một Tỳ-kheo-ni Khất sĩ miệt mài với hạnh nguyện xuất trần hóa đạo.

 4. Công tác Phật sự và xã hội sau khi nước nhà độc lập

 Sau khi thống nhất đất nước, năm 1981 Đại hội Phật giáo toàn quốc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Hệ Phái Khất Sĩ trở thành thành viên thống nhất trong lòng Giáo hội, Ni trưởng tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động của Giáo hội Phật giáo tại địa phương.

 Năm 1985, khi đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo thành lập Ban Đại diện Phật giáo, Ni trưởng luôn gắn bó cùng Ban Đại diện. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ II (năm 1987), Ni trưởng được suy cử vào chức vụ Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo cho đến ngày viên tịch.

 Năm 1996, khi Đệ nhị Trưởng Ni giới Hệ Phái Khất Sĩ viên tịch, Ni trưởng được Ni giới Hệ phái Khất sĩ suy tôn làm Đệ tam Trưởng Ni giới Khất sĩ.

 Năm 1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV, Ni trưởng được suy cử chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị Sự GHPGVN.

 Ngoài ra, Ni trưởng còn tham gia vào các hoạt động xã hội và đảm nhận chức vụ:

 - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 - Ủy viên Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Năm 1990, Ni trưởng cho tu tạo, kiến thiết lại Tịnh xá Ngọc Bích còn dang dở trước năm 1975 thành thắng cảnh trang nghiêm cho khách thập phương chiêm bái, góp phần tôn tạo vẻ đẹp của vùng biển Vũng Tàu trong năm du lịch của thành phố này.

 Năm 1991, Ni trưởng đã đóng góp công sức để xây dựng Tăng xá cho Tăng sinh tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm.

 Vì sự nghiệp kế vãng khai lai, truyền trì mạng mạch Phật pháp, Ni trưởng đã cho Ni chúng theo học tại các trường Phật học, thế học trong nước và cả nước ngoài, nhằm đào tạo nhân sự tài đức cho Phật pháp mai sau. Bằng khả năng và phương tiện có được, nơi nào cần đến dù việc lớn hay nhỏ, gần hay xa đến đâu, Ni trưởng đều tự thân đi đến để lo lắng và giúp đỡ với tâm trong sáng vô tư của một hành giả giải thoát xả ly. Hạnh nguyện nổi bật của Ni trưởng là không phân biệt nhân ngã thân sơ, sang hèn, trí ngu gì cả. Người bất hạnh khổ đau đến là Ni trưởng sẵn sàng bảo bọc, đỡ nâng, giúp cho vượt qua cơn khổ nạn theo lời Phật dạy: “Thương yêu chúng sanh như cha mẹ thương con”. Ni trưởng còn là tấm gương đối nhân xử thế đạo nghĩa chu toàn trọn vẹn.

 Đối với gia đình cha mẹ: Ni trưởng trọn câu hiếu tử

 Đối với đạo pháp Tổ Thầy: Ni trưởng tận tụy, đảm đang

 Đối với môn nhơn đệ tử: Ni trưởng nêu gương phẩm hạnh

 Đối với chúng sanh vạn loại: Ni trưởng từ ái, che chở

 Đối với quốc gia dân tộc: Ni trưởng lo tròn bổn phận công danh.

 Đặc biệt về công tác từ thiện xã hội, dù tuổi già sức yếu nhưng bất cứ nơi nào có thiên tai, bão lụt là Ni trưởng tự thân đi vận động và trực tiếp tặng quà cứu trợ đến đồng bào Phật tử gặp việc không may.

 Cảm kích trước những phẩm chất cao quý của Ni trưởng, Ni trưởng Huỳnh Liên đã cảm tác nên vần thơ khen ngợi như sau:

 TẠNG gồm tín nguyện khá chu toàn

 LIÊN tiếp nhọc nhằn chẳng thở than

 CÔNG trạng đứng đầu môn tạo tác

 ĐỨC lành ban rưới nước mưa chan.

 III. VIÊN TỊCH

 Những tưởng Ni trưởng còn tiếp tục lưu trụ ta bà với hạnh nguyện vị tha vô ngã, nào ngờ vô thường một thoáng, kiếp sống tạm bợ mong manh như sương như khói, phút chốc bỗng giựt mình, nhục thân Ni trưởng đã mòn mỏi tự bao giờ, lại thêm cơn bạo bệnh, mặc dù các bác sĩ tận tâm chữa trị, chư Tôn đức Tăng Ni khắp nơi nhất tâm cầu nguyện cho Ni trưởng sớm mau bình phục nhưng vô thường vẫn là định luật khắc nghiệt muôn thuở.

 Vào những ngày cuối cùng Ni trưởng vẫn bình thản dặn dò, nhắn nhủ môn nhơn đệ tử ở lại ráng lo tu học. Những gì cần làm Ni trưởng đã làm, những gì cần nói Ni trưởng đã nói. Trong buổi lễ sám hối cuối cùng năm Tân Tỵ - 2002, Ni trưởng chủ toạ chứng minh cho môn nhơn Ni chúng phát lồ xong xuôi, Ni trưởng bất chợt nói: “Tôi muốn đi”. Chúng đệ tử bạch: “Tết đến rồi mà Ni trưởng định đi đâu? Ni trưởng đáp: “Tôi đi về Phật, … nhưng thôi… để qua mùng 3, lối mùng 4 đi cũng được”. Đến 12 giờ đêm mùng 3, Ni trưởng hơi mệt, chúng đệ tử lo lắng tựu lại chung quanh, lo âu vấn an sức khỏe. Ni trưởng nói: “Tôi sắp đi” rồi nhắm mắt thở đều cho đến 12 giờ ngày mùng 4 thì Ni trưởng thuận lý vô thường, an nhiên thị tịch.

 Tám mươi sáu năm hiện hữu cõi ta bà, ba mươi hai năm trả dứt nghiệp trần, năm mươi bốn năm vui đường giải thoát, Ni trưởng đã thể hiện trọn vẹn tâm hồn xả kỷ lợi tha, đức tánh từ ái bao dung của một hành giả theo hạnh nguyện Bồ-tát thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Ni trưởng ra đi là một mất mát lớn lao trong hàng tứ chúng và đệ tử môn nhơn. Ni trưởng đã để lại trong lòng chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu và môn nhơn đệ tử nói riêng lòng tiếc thương vô hạn với những ấn tượng khó quên về một vị Trưởng lão Ni suốt đời tận tụy, dấn thân phụng sự cho đạo pháp và dân tộc được trường hưng, cho nhân sinh mãi mãi được thanh bình, an lạc.

 Đệ tử TKN. Đàn Liên

Thành kính phụng soạn