Tiểu sử NT. Đàn Liên (1935-2015)

TDQ 0393 Copy

I. THÂN THẾ

Ni trưởng Thích Nữ Đàn Liên thế danh Nguyễn Thị Gấm, sinh năm 1935 tại Bà Khôi, ấp Phú An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Thân Phụ là cụ ông Nguyễn Văn Hiệu, pháp danh Thiện Phước; Thân Mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Lúa pháp danh Minh Ngọc. Hai ông bà có 9 người con, 7 trai 2 gái. Ni trưởng là người con út trong gia đình.

Sau khi thấu ngộ cảnh hồng trần giả tạm, Ni trưởng đã xuất gia sống đời phạm hạnh. Sau 3 năm, năm 1954, người anh trai kế Ni trưởng cũng xuất gia, pháp hiệu Hòa thượng Giác Tường, hiện đang ngụ tại Tịnh xá Trung Tâm, thuộc hàng Giáo phẩm Chứng minh trong hệ phái Khất Sĩ.

1. THUỞ THIẾU THỜI

Ni trưởng lớn lên trong tình yêu thương của song thân và anh chị, có lẽ hoa giác ngộ đã ươm mầm trong tiềm thức, cội Bồ-đề sớm chớm nở nơi tâm. Thế nên mới lên ba, Ni trưởng đã tùy thuận và hoan hỷ theo Cha Mẹ về chùa Linh Phước quy y, được Hòa thượng trụ trì đặt pháp danh Hồng Lợi.

Bởi Cha là bậc Nho gia, Mẹ là người phụ nữ đức hạnh, nên từ tấm bé Ni trưởng đã được đượm nhuần tinh thần gia phong lễ giáo, học hành văn chương, làu thông Hán ngữ và công dung ngôn hạnh. Thời gian êm đềm thắm thoát trôi qua, đêm đêm khi nghe những hồi chuông nhẹ ngân, tiếng mõ nhịp nhàng, hòa lẫn tiếng tụng kinh trầm bổng của thân phụ và huynh trưởng, như thúc giục Ni trưởng mau quay về bến giác.

2. THỜI KỲ CHUYỂN HƯỚNG XUẤT GIA

Phải chăng duyên lành hội tụ? Một hôm, Ni trưởng đến chùa Phước Lâm nghe Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp, lời pháp bảo như hồi chuông vang vọng, đánh thức bao người đang say giấc.

Ôi! Một khi hạt giống Bồ-đề đã ươm gieo, chắc chắn sẽ nảy mầm, kết trái. Quả thật, qua tuần lễ sau, trên đường đi, Ni trưởng gặp đoàn Đại đức Ni khoác y vàng rực sáng, từng bước chân trang nghiêm, tay ôm bình bát, mắt nhìn phía trước, dáng đi thanh thoát dưới nắng hồng ban mai. Hình ảnh ấy đã cuốn hút Ni trưởng tự động nối bước theo sau, thấy Phật tử xoay quanh để bát, lòng mừng khấp khởi, Ni trưởng thầm nghĩ, chắc chắn một ngày không xa mình sẽ cùng đi trên lộ trình giải thoát này.

Thế rồi, bước chân đoàn khất thực tạm dừng tại nhà cô Hai Nghĩa, xã Tân Quy Tây để thuyết pháp giáo hóa muôn người. Thời thuyết pháp của Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên như hồi trống thúc giục, nhắc nhở Ni trưởng sớm từ bỏ cõi tạm, trở về cội nguồn chân như. Thuyết pháp xong, Đệ nhất Ni trưởng nhìn thấy cô bé 16 tuổi, với gương mặt hồn nhiên, nhưng trong ánh mắt có vẻ như đang khao khát được sống đời thoát tục. Đệ Nhất Ni trưởng bước đến gần bên hỏi: “Em có muốn đi tu không?”. Cô bé đáp: “Con rất muốn đi tu ạ!” Đệ Nhất Ni trưởng bảo: “Vậy em hãy về nhà thưa với Cha Mẹ dẫn em đến cúng dường đi”. Cô bé hớn hở mừng rỡ chạy mau về nhà xin cha mẹ cho phép đi xuất gia, nhưng tiếc thay, song thân không đồng ý. Chỉ vì, ông bà không nỡ nhìn thấy con mình chịu cảnh dãi nắng, dầm mưa, đầu đội trời, chân đạp đất, sống đời đạm bạc cháo rau khoai củ, ngủ mái hiên, nhà trống, hoặc sân đình, gò mả, gốc cây…

Tuy chưa được xuất gia, nhưng chí nguyện thoát trần vẫn kiên cố. Từ đó Ni trưởng tự mình tập tu, tụng kinh, ngồi thiền, trường chay, độ ngọ và còn khuyên Cha Mẹ ăn chay, cúng dâng phẩm vật đến đoàn du Tăng khất thực do cố Đệ nhất Ni trưởng dẫn đầu. Nhờ nhân duyên này, thân mẫu Ni trưởng đến với Tam Bảo ngày một gần hơn. Một hôm Đệ nhất Ni trưởng nói với bà Minh Ngọc rằng: “Con Mười (NT. Đàn Liên) là con của Phật, bà nên trả cho Phật, bà không nên nuôi giữ mãi cô ấy bên mình như vậy!” Nghe Đệ nhất Ni trưởng nói thế, trở về nhà bà thương lượng với ông Thiện Phước, nhưng ông lặng thinh chẳng nói một lời, thế rồi, đêm đêm ông ít ngủ, một mình trong phòng tới lui suy tư, trầm mặc.

Sau một năm dài thử thách, thấy con lập chí không sờn, một hôm, phụ thân gọi con gái đến bảo: “Con à! Tu hành phải chịu đựng biết bao khảo đảo của nghiệp lực và cực khổ mọi bề, liệu con có kham nhẫn được không? Nếu kham nhẫn được thì Cha sẽ đồng ý cho con đi tu, khi đi rồi, con phải gởi về cho Cha một lá thư bằng chữ Hán, như vậy Cha mới chấp nhận vào chùa quy y”.

II.   XUẤT GIA TU HỌC VÀ HÀNH ĐẠO

1. Thời kỳ xuất gia và tu học

Thế là, ngày 8 tháng 4 năm 1951, Ni trưởng được song thân cho phép xuất gia, thân mẫu đưa đến cúng dường cho Đệ nhất Ni trưởng đang trụ tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc). Thế phát xong, đệ nhất Ni trưởng nhập thất tu tập, giao trách nhiệm chỉ dạy cho NT. Tạng Liên. Thời gian này, Ni trưởng ở tại Tịnh xá Ngọc Quang tập sự, học kinh luật và tu học trọn ba tháng mùa hạ, tiếp đó đến Vĩnh Long dự lễ Tự Tứ. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1951, mặc dù mới nhập đạo, nhưng xét thấy Ni trưởng đủ phẩm cách tu học và hành đạo, không những thế, Tổ sư còn thọ ký: “Sư Cô Tạng đi hành đạo từ Sa Đéc đến Cần Thơ Ngã Bảy…, nên dẫn cô Đàn đi theo sẽ thành công”. Vì vậy, Tổ sư quyết định cho Ni trưởng thọ giới Sa-di-ni tại Tịnh xá Ngọc Quang Sa Đéc, dưới sự chứng minh của Tổ sư, và Đệ Nhất Ni trưởng, được Tổ sư đặt pháp danh là Đàn Liên.

Với bẩm tính thông minh và phẩm hạnh trang nghiêm, học đâu nhớ đó, lại thêm giới đức tinh cần, nên Ni trưởng được đệ nhất Ni trưởng giao phó cho trách nhiệm quản chúng, hướng dẫn Ni chúng tu học tại Tổ đình Ngọc Phương. Ngoài ra còn dạy các lớp chữ Hán Sơ cấp, giúp đỡ đệ nhất Ni trưởng tả kinh chữ Hán…

2. Thời kỳ hành đạo và hóa độ song thân

Có lẽ do duyên tu học nhiều đời, nên sau khi xuất gia nhập hàng Tăng chúng, tuy tuổi đời – đạo còn nhỏ, nhưng phẩm hạnh tròn đầy cùng chí nguyện độ sanh dõng mãnh, khi được trang bị chút ít tư lương, Đệ nhất Ni trưởng đã phân công cho Ni trưởng theo NT. Tạng Liên, trợ giúp trong việc du phương hành đạo từ Cần Thơ đến Ngã Bảy, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Nơi nào hữu duyên thì dừng lại, thời gian này chưa có đạo tràng tịnh xá, chỉ nghỉ tạm ở đình, miếu, hang động, sau đó mới tiến hành việc lập đạo tràng tịnh xá. Tuy nhiên, vì điều kiện và kinh phí thiếu kém, nên bấy giờ chỉ kiến lập tịnh xá bằng mái lá thô sơ, để có chỗ dừng chân ngơi nghỉ, hầu thuận tiện trong việc giảng kinh, thuyết pháp hướng dẫn cho hàng Phật tử gần xa thâm nhập Phật pháp, kính tin Tam bảo. Tuy sống cuộc đời “Bát cơm ngàn nhà”, lấy “nhân sinh làm quyến thuộc”, nhưng tâm tư NT luôn được an vui, tự tại. Đặc biệt thời điểm này, theo qui định cứ mỗi ba tháng thay đổi trú xứ một lần, chư Ni nào có đủ khả năng gánh vác Phật sự, phải luân phiên nhau đến trụ trì các Tịnh Xá thuộc các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.

Do trọng trách này, NT cũng được phân bổ đi hành đạo tại các đạo tràng như Tịnh Xá Ngọc Thành (Long Thành), Tịnh Xá Ngọc Thặng (Thủ Thừa), Tịnh Xá Ngọc An (Long An), Tịnh xá Trà Vinh… tuy mỗi nơi chỉ dừng chân 3 tháng, nhưng với tâm nguyện “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, Ni trưởng luôn tích cực và tận tụy với trách nhiệm của người Thích tử, nên cũng đã tiếp độ được vô số tín đồ.

Ngoài việc theo Ni trưởng Tạng Liên du phương hoằng hóa, Ni trưởng cũng được theo Đệ nhất Ni trưởng trên lộ trình hành đạo, để ghi lại những bài thuyết pháp, phụ giúp Đệ nhất Ni trưởng duyệt bài cho đại chúng. Bởi vì sống trong thời kháng chiến, đời sống khó khăn, kinh sách hiếm ít, nên Ni trưởng phải viết tay các mẫu chữ Hán gởi đi khắp mọi miền tịnh xá để chư Ni đồ theo và học chữ Hán. Ngoài ra, Ni trưởng còn đãi lao cho Đệ nhất Ni trưởng dạy chúng học hành trong lúc đi hành đạo.

Trải qua thời gian tinh tấn tu học và phụng sự đạo pháp, nhớ lại lời quy ước với cha, Ni trưởng đã viết một bức tâm thư bằng chữ Hán gởi về quê nhà, hầu mong hóa độ cho thân phụ sớm quy y Tam bảo. Quả đúng như lời hứa, sau khi nhận được thư Ni trưởng, cụ ông vô cùng xúc động, liền đến tịnh xá xin thọ trì tam quy ngũ giới và được Tổ sư đặt pháp danh là Thiện Phước.

Còn thân mẫu, vì thương con, nên sau khi xuất gia, Ni trưởng đến tu học nơi đâu, bà thân Ni trưởng đều theo đến đó để công quả, cúng dường, vun bồi phước duyên. Thế rồi, duyên đã đủ, thời đã đến, trải qua thời gian không bao lâu bà Minh Ngọc cũng phát tâm xuất gia, sống đời phạm hạnh, với pháp danh là Minh Liên. Để làm tròn hiếu đạo, Hòa Thượng Giác Tường và NT Đàn Liên cũng thường xuyên chăm sóc và sách tấn. Cho nên Sư bà Minh Liên dốc tâm tu hành, ngày đêm hành trì miên mật pháp môn niệm Phật, đến năm 1988 theo định lý vô thường, Sư bà xả bỏ thân tứ đại, sinh về cõi tịnh.

Năm 1958, được sự chỉ dạy của Đệ nhất Ni trưởng, Ni trưởng được phân bổ ra Tịnh xá Ngọc Bích (Vũng Tàu) để phụ giúp NT. Tạng Liên trong việc hành đạo và tu bổ đạo tràng. Nơi đây cảnh sắc hoang sơ, hẻo lánh, trời nước mênh mông, nhìn quanh chỉ thấy núi rừng, biển cả. Đời sống Ni chúng bấy giờ vô cùng kham khổ, khát uống nước suối, đói ăn quả rừng, rau núi, củ nần… Trải qua thời gian hành đạo, dần dần chư thiện nam, tín nữ học hiểu chánh pháp, phát tâm ủng hộ tứ vật dụng, sửa sang tịnh xá, lập phòng ốc để an trú tịnh tu.

Năm 1962, Ni trưởng đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Tịnh xá Ngọc Đức (Thủ Đức), sau đó Ni trưởng lại trở ra Tịnh xá Ngọc Bích để tiếp tục trợ giúp công việc hoằng pháp độ sanh, xây dựng đạo tràng. Mãi đến năm 1965, xét thấy đạo tràng và đời sống tu hành của đại chúng cũng tạm ổn định. Lúc bấy giờ, Ni trưởng có tâm nguyện muốn kiến lập đạo tràng, làm nơi tịnh tu cho tự thân và hóa độ Ni chúng, hầu báo Phật ân đức. Nhân duyên hội đủ, ông bà Nguyễn Rỏn Luyện biết được ý hướng của Ni trưởng, nên hai vị phát tâm hiến cúng miếng ruộng 5 công tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, nơi đây chỉ là một đồng ruộng hoang vu, bốn bề quạnh quẻ. Được Đệ nhất Ni trưởng chứng minh, NT. Tạng Liên tùy thuận, thế là từ năm 1967, đạo tràng Tịnh xá Ngọc Duyên được hình thành.

Do chiến tranh bao lần tàn phá, tịnh xá phải nhiều lần trùng tu. Cảnh trí Tịnh xá Ngọc Duyên tuy đơn sơ, nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm thanh tịnh để Ni chúng yên tâm, an trú tu học. Hằng ngày, ngoài việc dạy học giáo lý, chữ Hán, Ni trưởng còn dạy cho Ni chúng học làm thơ văn, tập thuyết pháp, góp phần đào tạo cho ngôi nhà Giáo hội những bậc sứ giả Như Lai đầy đủ hạnh đức, để phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Riêng Ni trưởng vốn giỏi về văn thơ, nên trong giờ rảnh rỗi đã sáng tác ra rất nhiều thơ văn, những tác phẩm này hiện đã in thành tập thơ nhỏ, mang tên “Đàn Liên thi tập” được lưu hành nội bộ. Điều quan trọng nữa, Ni trưởng do hấp thụ được lời giáo huấn của cố Đệ nhất Ni trưởng, luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, tài năng, oai nghi cho Ni chúng. Đặc biệt là vào những năm sau 1975, do nhu cầu xã hội phát triển, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, việc đào tạo và bồi dưỡng tăng tài cho giáo hội được xem là một trọng trách cần yếu. Và cũng để thực hiện bổn hoài của Đệ nhất Ni trưởng, Ni trưởng Tịnh xá Ngọc Duyên đã tích cực góp phần nuôi dạy đệ tử và tứ chúng phương xa đến cư trú tu học.

Trong đó, hàng đệ tử của Ni trưởng đã lần lượt theo học các lớp như Đại học Phật giáo, Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp Phật học. Ngoài ra, để thực hiện nguyện vọng của Đệ nhất Ni trưởng, mỗi tịnh xá ít nhất phải đào tạo từ hai vị có học vị Cử nhân trở lên. Nay trong hàng đệ tử Ni trưởng đã có 2 vị, 1 Tiến sĩ và 1 Thạc sĩ, hiện đang tham gia công tác giảng dạy tại Phật học viện Thành phố Hồ Chí Minh và lớp Sơ cấp Phật học quận Gò Vấp, tại Tổ đình Ngọc Phương. Hoặc có vị đã nhậm chức trụ trì, đảm trách Phật sự, gánh vác trọng trách hoằng pháp độ sanh... Ngoài ra, Ni trưởng còn xây dựng phòng ốc tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lớp Ni chúng từ các miền tịnh xá tỉnh, thành đến nội trú tu học, từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Phật học viện, Giảng sư cho đến các lớp thế học.

III. THỜI KỲ LÂM BỆNH VÀ VIÊN TỊCH

Theo quy luật thời gian, tuổi cao sức yếu, thân thường đau bệnh nhưng tinh thần Ni trưởng vẫn luôn sáng suốt, định tĩnh. Mặc dù thời gian lâm bệnh, Ni trưởng đã giảm bớt việc hành đạo tại trú xứ cũng như ít đến lui hành đạo đó đây. Đặc biệt là vào những năm gần đây, vì bệnh duyên, Ni trưởng không thường xuyên trở về Tổ đình tham gia hội họp hoặc các sinh hoạt Phật sự Hệ phái, hoặc các buổi lễ trọng đại trong Phật giáo quận/ huyện địa phương. Thế nhưng, Ni trưởng vẫn luôn quan tâm thăm hỏi, để biết tình hình diễn biến của Phật sự Giáo hội cũng như sinh hoạt quần chúng. Đồng thời, Ni trưởng luôn khích lệ chúng Ni tích cực đóng góp tài năng, góp phần tô bồi ngôi nhà tâm linh của Giáo hội, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân sanh.

Hơn 80 năm trụ thế, có thể nói Ni trưởng đã làm tròn hiếu đạo đối với Cha Mẹ, đệ tử đối với Tổ Thầy, người con ngoan đối với Giáo hội. Đối với đất nước, thông qua vai trò giáo hóa tứ chúng, làm tốt đạo đẹp đời, Ni trưởng quả xứng đáng là một công dân tốt trong xã hội. Riêng đối với đệ tử và Phật tử tại gia, Ni trưởng tuy ít trực tiếp có mặt trong giờ sinh hoạt, tu tập trong đạo tràng, như tụng kinh, ngồi thiền, cúng hội, thuyết pháp… Nhưng với phạm hạnh trang nghiêm, giới đức thuần tịnh, hằng sống với chánh niệm, kết hợp lòng bao dung từ ái, Ni trưởng quả là một bậc thầy mô phạm, Người đã để lại cho hàng Ni chúng và Phật tử chúng con một bài học “thân giáo” bất diệt, được thể hiện đầy đủ cả hai mặt tâm đức lẫn hạnh đức. Vì vậy, sự hiện diện của Ni trưởng đối với hàng đệ tử chúng con nói riêng, đối với sinh hoạt của đạo tràng Tịnh xá Ngọc Duyên nói chung, ví như thạch trụ kiên cố, làm điểm tựa, giúp chúng con có thêm nghị lực, để vững bước trên đường tu học và phụng đạo.

Thế rồi vào lúc 3 giờ sáng, ngày 17 tháng 5 năm Ất Mùi thuận theo lẽ vô thường, Ni trưởng đã xả báo an tường, thu thần viên tịch. Sự ra đi của Ni trưởng đã để lại trong lòng tứ chúng biết bao niềm kính tiếc, nhớ thương. Trong giờ phút này, nhớ đến thâm ân giáo dưỡng, chúng con không biết dùng bút mực nào tả cho hết nỗi đau khi xa cách và lòng tri ân đối với bậc ân sư, chỉ tạm dùng vần thơ sau, thành tâm kỉnh nguyện, cung tiễn Giác linh cố Ni trưởng:

                                   Thích Ca chánh pháp nối dòng

                                    Nữ lưu nay thoát cõi hồng trần gian

                                    Đàn ba la mật rỡ ràng

                                  Liên hoa hé nở Lạc Bang đón về.

Kính ngưỡng nguyện Giác linh cố Ni trưởng thùy từ minh chứng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.