Tìm hiểu kinh Di giáo

Phat Nb 1

Kinh Di Giáo là lời dạy sau cùng của Đức Từ Phụ Thích-ca Mâu Ni, trước khi Ngài nhập Vô dư Niết-bàn, nhằm khuyến hóa chư Tỳ-khưu phải dứt khoát tư tưởng giữa hai lối sống: hoặc Tăng hoặc tục, hoặc Đạo hoặc đời, không nên nhập nhằng bắt cá hai tay sẽ mất hết “cả chì lẫn chài”, Đạo, đời đều hỏng.

Tiết thứ nhất – Giữ Giới

Ni trưởng Huỳnh Liên Việt dịch và thi hóa:

“Này Tỳ-khưu các bậc,

Khi ta nhập Niết-bàn.

Phải tôn trọng giới luật,

Như đêm tối gặp đèn.

Như người nghèo được báu,

Phải biết giới là Thầy.

Giá ta còn sống mãi,

Cũng chẳng khác chẳng sai:

Người giữ gìn giới luật,

Không bán buôn đổi chác,

Không tạo ruộng mua nhà,

Không mướn người nuôi vật.

Không đào đất đốn cây,

Không xem sao coi tướng,

Không trị bịnh, coi ngày,

Không xem số, toán mạng.

Không tham dự thế sự,

Không thông tin, đi sứ,

Không chế luyện thuốc tiên,

Không gần người càn dở.

Không thân kẻ giàu sang,

Không kinh doanh trồng tỉa,

Xa của quý bạc vàng,

Như lánh xa hầm lửa”.

(xin lược dẫn)

Từ ngữ KHÔNG được Đức Phật lặp lại đến mười lăm lần (15) trong tiết Giữ Giới – Thứ Nhất (NT. Huỳnh Liên dịch 13 KHÔNG và 2 CHẲNG, cũng đủ 15 lần KHÔNG), và đặt điệp từ KHÔNG ở đầu mỗi câu, để xác quyết những điều trọng yếu mà người xuất gia (Tỳ-khưu) cần phải nghiêm trì, không được sai phạm.

Đã nói là luật thì phải nghiêm, luật mà không nghiêm là loạn.

Giới Pháp của đức Thế Tôn, có mười một (11) ân đức mà các tông phái đương thời tại Ấn Độ không có được. Mười một ân đức ấy là:

1- Là giới thân nguyên vẹn.

2- Là giới thân không bao giờ bị sứt mẻ.

3- Là giới thân không bao giờ bị nhiễm ô.

4- Là giới thân không bao giờ tỳ vết.

5- Là giới thân không bao giờ hỗn tạp.

6- Là giới thân được hàng thức giả ngợi khen và hâm mộ.

7- Là giới thân có công năng bảo vệ tự do.

8- Là giới thân đưa đến sự không sợ hãi.

9- Là giới thân đưa đến thiền định.

10- Là giới thân đưa đến tuệ giác.

11- Là giới thân đưa đến giải thoát và hạnh phúc đời đời.

Giới không chỉ là Thầy của chư Tỳ-khưu mà còn là thầy của chư Phật nữa. Mười phương ba đời chư Phật đều nương theo giới này mà thành tựu Định, thành tựu Tuệ, hoàn thành lộ trình Bát chánh đạo (Đạo đế), đạt mục đích vô thượng Diệt đế Niết bàn.

Trong luật Thiện Kiến Tỳ-bà-sa cũng nói: “Giới là thọ mạng của Phật Pháp. Giới còn thì Phật Pháp còn, Giới mất thì Phật Pháp mất”.

Bát chánh đạo gồm có tám chi phần: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc phần Tuệ. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn thuộc phần Giới. Chánh niệm, Chánh định thuộc phần Định.

Trong Kinh Niết-bàn, đức Phật khẳng định: “Ở đâu có Bát chánh đạo ở đó có sa môn (Tỳ-khưu). Ngoài Bát chánh đạo ra không có Sa-môn”.

Trong Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang dạy:

“Giới như mặt đất, Định như cây trồng trên đất, Tuệ như hoa trái của cây”.

Như vậy, muốn thưởng thức hoa quả là phải trồng cây, mà muốn trồng cây thì phải có đất. Thế cho nên Giới là nền tảng căn bản của Định và Tuệ. Giới – Định – Tuệ là môn “Tam vô lậu học” chấm dứt phiền não (vô lậu).

Trước khi thành Phật tại Bồ-đề đạo tràng, thái tử Sĩ Đạt Ta cũng từng tu thiền truyền thống của Ấn Độ, và Ngài đã đạt đến chỗ tột cùng của các thiền này là “Vô sở hữu xứ” và “Phi phi tưởng xứ”. Nhưng rồi Ngài vẫn không giác ngộ được chân lý nào đã trói buộc chúng sanh trong luân hồi sanh tử để phải chịu đau khổ trầm luân. Mục đích xuất gia của Ngài là để giải quyết tận gốc rễ những bế tắc trong cuộc sống hầu giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sanh. Mục đích đó chưa đạt được thì Ngài chưa an tâm thọ hưởng phúc lạc của các tầng thiền. Cho nên Ngài từ bỏ lối tu đó và dấn thân mãi…

“Nầy chư Tỳ-khưu ! Còn Chánh định nữa ! Định thì các vị đã từng tu tập, từng chứng đắc, dù thấp hay cao theo tôn giáo truyền thống, các vị đã biết rõ rồi. Định tối thượng nhất trong tam giới là định vô sở hữu và Định phi phi tưởng từ hai bậc đạo sư Ālāra Kālāmagotta và Uddaka Rāmapputta thì Như Lai cũng đã từng chứng đắc nhưng tại sao Như Lai bỏ đi? Như Lai bỏ đi vì chúng không đưa đến tuệ nhãn, tuệ trí, tuệ giác, tuệ minh, giác ngộ, giải thoát. Các định ấy còn ở trong sinh từ. Cả hai vị đạo sư còn dính mắc, không chịu lìa bỏ, còn chấp thủ, còn sở hữu xả và nhất tâm, còn an trú trạng thái phúc lạc thâm sâu của xả và nhất tâm ấy nên Như Lai bảo đấy không phải là Chánh Định. Còn kiến chấp và ngã chấp, còn thỏa hiệp với sinh tử thì không phải là Chánh định. Trước các vị là những vị tỳ khưu đầu tiên trong giáo pháp bất tử này. Như Lai tuyên bố rằng: Chỉ có định xuất thế, chỉ có định của các vị đắc tứ thánh, tứ quả, có đối tượng là Niết bàn thì định ấy mới là định chơn chánh, là Chánh định!”

(Kinh Chuyển Pháp luân – Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch)

Ngài nhận định về đường lối tu tập của các tông phái Ấn Độ từ trước đến nay đã rơi vào hai cực đoan là thái quá (thụ hưởng) và bất cập (khổ hạnh ép xác).

Sau 49 ngày đêm nhập định tại bồ đề đạo tràng, Ngài minh định được con đường Trung đạo đó là: Bát chánh đạo (Đạo đế); thế là Ngài liền từ bỏ hai cực đoan thái quá và bất cập, nghiêm túc thực hành trung đạo bát chánh. Kết quả thật bất ngờ là thành tựu chánh trí, giác hạnh viên mãn. Khi thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn rồi, Ngài đứng lên đọc bài kệ khải hoàn và ra đi hoằng hóa. Đầu tiên Ngài đến vườn Nai (Lộc Uyển) độ năm anh em Ngài Kiều Trần Như là bạn đồng tu với Ngài từ trước. Bài pháp đầu tiên Phật thuyết tại vườn Nai được gọi là: “Chuyển pháp luân” (vận chuyển bánh xe chân lý). Nội dung của bài pháp này Ngài nói về Tứ diệu đế - Vô ngã tướng, được chư thiên tán dương ca ngợi như sau:

“Hôm nay trong vườn Nai, gần thành Bārānāsī, Đức Thế Tôn gióng trống chuyển một bài pháp vô cùng vi diệu, chưa từng có một sa môn, Bà la môn, Thiên thần, Ma vương, Phạm Thiên hay bất kỳ ai trên thế gian này có thể tuyên giảng được” (Kinh Chuyển Pháp luân).

Trở lại Kinh Di Giáo

Tiết Thứ Tư – Hổ thẹn

“Này các Tỳ Khưu:

Chớ để giờ qua luống,

Ngày ngày tu pháp lành,

Sơ canh (đầu đêm), thâm canh (cuối đêm) vậy,

Luôn đêm gắng tụng kinh.

Chớ để đời qua luống,

Chỉ vì giấc nghỉ an,

Kìa vô thường lửa dữ,

Đang thiêu đốt thế gian.

Chớ để đời qua luống,

Chỉ vì giấc ngủ ngon,

Kìa quân giặc phiền não,

Đang rình giết chúng con.

Phiền não như rắn độc,

Đang ngủ tại lòng ta,

Dùng giới làm cây móc,

Móc rắn liệng ra xa.

Rắn đi mình an giấc,

Rắn ở, dễ chi mà,

Rắn còn, nhưng cứ ngủ,

Người chẳng biết thẹn a” …

(xin lược dẫn)

Cuối tiết thứ tư – Hổ Thẹn –

Phật kết luận:

“Người có biết hổ thẹn,

Pháp lành ắt đắc thâu,

Bằng không biết hổ thẹn,

Cầm thú có khác đâu!”

Thật nhức nhối! Thật ê ẩm !

Theo lời Phật dạy ở đoạn kinh trên, chúng ta thấy, làm người mà không biết hổ thẹn (tàm quý) là chưa đủ tư cách con người, còn nói chi là làm Tăng, làm Thánh ! Thế cho nên phải xử lý thích đáng chức năng “Tăng bảo” của mình, là người: “Tự nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”.

Luận về bản chất thì người và thú phần cấu tạo nên thân xác, cơ bản là giống nhau (cũng tứ đại hiệp thành). Người, vật khác nhau ở phần tinh thần, trí huệ - Biết hổ thẹn.

Là người, phải biết hổ thẹn khi làm những điều sái quấy bất thiện, phải sớm xa lìa, từ bỏ và tích cực phát huy những thiện pháp, thăng hoa tinh thần, thanh lọc mọi nhiễm ô, an tịnh phiền não. Người xuất gia chưa an tịnh được phiền não thì phải tinh cần tu tập, không được biếng lười. Đầu đêm, phải tụng đọc những Phật ngôn; cuối đêm phải thiền quán về Tứ niệm xứ, không cho phiền não ngự trị trong tâm. Nếu ôm phiền não mà ngủ có khác nào ôm rắn độc. Phật dạy: “Tỳ-khưu ưu bất cách túc”. Nghĩa là Tỳ-khưu không để phiền não (lo buồn) tồn tại trong tâm quá một đêm. Nếu ban ngày gặp việc bất như ý, bực bội, ưu tư, tối phải thức để tham thiền, minh sát và loại trừ cho được những bức xúc ấy ra, trước khi mặt trời mọc thì sáng ra mới xứng đáng thọ dụng tứ vật dụng của đàn na. Nếu chưa loại trừ được phiền não mà nhận lãnh của cúng dường là người còn mắc nợ. Lẽ thường, người mắc nợ thì không thể đi đâu xa được. Cũng vậy, người xuất gia mà còn mắc nợ đàn na thì không thể nào giải thoát được.

Kinh Pháp cú câu 9, Phật dạy:

“Tâm nhơ mang áo cà sa,

Giới nghi bừa bãi chẳng thà không mang.

Tâm thanh mang tấm y vàng,

Giới nghi nghiêm khắc đáng hàng sa môn”.

Tiết Thứ Mười Tám – Nói rõ Nhân Duyên:

“Ta dạy đã tròn đầy,

Pháp lợi mình, lợi chúng,

Dầu lưu mãi cõi nầy,

Cũng không còn ích dụng …”

(xin lược dẫn)

Ngài bảo rằng bốn mươi chín năm hoằng hóa của Ngài như vậy là đủ rồi, thêm nữa cũng thừa. Người trí chấm dứt được thân giả hợp ngũ uẩn như trừ được kẻ nghịch tặc thì thật là đáng vui mừng:

“Hôm nay ta đắc diệt,

Như trừ được bịnh dữ,

Thân tội ác bỏ đi,

Đem chôn biển tứ nghiệt.

Bậc người đắc trí huệ,

Diệt trừ được huyễn thân,

Như diệt trừ nghịch tặc,

Lẽ nào chẳng vui mừng”.

Ngài còn cho biết những pháp mà Ngài thông suốt (thế gian giải) nhiều như lá cây trong rừng, nhưng những pháp mà Ngài đem ra dạy cho hàng đệ tử thì ít như nắm lá trong tay. Tại sao vậy? Tại vì Ngài chỉ dạy những điều cần yếu về lộ trình tu tập để giải thoát giác ngộ, đoạn tận khổ đau. Còn những pháp khác không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn tận phiền não, không đem lại lợi ích thiết thực cho sự tu tập thì Ngài không dạy:

“Từ xưa đến nay ta chỉ nói có hai vấn đề là KHỔ và DIỆT KHỔ” (Kinh Trung Bộ số 22: Kinh Ví Dụ Con Rắn, HT Minh Châu dịch). KHỔ và DIỆT KHỔ là hai chi của Tứ diệu đế.

Người sau, vin vào câu nói “lá trong rừng” này mà đoán mò, rồi diễn đạt “lá trong rừng” ấy ra thành thiên kinh vạn bổn” và cho đó là pháp môn, phương tiện để giải quyết tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não của chúng sanh. Nhưng tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não ấy phát xuất từ đâu? – Khổ có gốc rễ từ TẬP. Phật đã dạy cặn kẽ trong Tứ diệu đế.

Như vậy, chúng ta thấy không cần học thiên kinh vạn bổn, mà chỉ cần thông suốt giáo lý Tứ diệu đế, thực hành rốt ráo giáo lý Tứ diệu đế là đủ tận diệt mọi nguyên nhân sanh khổ, giải quyết dứt điểm tám vạn bốn ngàn trần lao, bởi vì tham, sân, si là thuộc tính của vô minh. Tham ái - Tập đế - Phật đã chứng ngộ Tứ thánh đế mà trở thành Chánh Đẳng Giác, trở thành Đạo Sư của chư Thiên và nhân loại. Một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ khưu, cũng nhờ triệt ngộ Tứ diệu đế mà trở thành A la hán, vô sanh. Phật có được mười danh hiệu và được người đời tôn xưng là Thế Tôn cũng do chứng ngộ được bốn sự thật căn bản này (Tứ diệu đế).

Cũng như muốn loại bỏ một giống cây nào đó, không cần phải tỉa lá, bẻ cành của nó, mà chỉ cần đào bứng gốc cây ấy lên và chặt đứt rễ cái của cây ấy thì toàn bộ thân cây sụp đổ, không còn cơ hội sống sót, đâm chồi.

Chánh kiến như ngọn đèn soi sáng tâm trí giúp ta hoàn thiện Giới, hoàn thiện Định, hoàn thiện Tuệ, hoàn thiện mục tiêu tối hậu của sa môn hạnh là Hữu dư Niết bàn, còn lại chỉ là vấn đề thời gian.

Trong Kinh “Chuyển Pháp Luân” đức Phật dạy về Chánh kiến như sau:

“Chánh kiến là thấy Tứ thánh đế, cái thấy siêu thế, không có sanh y, dành cho bậc vô học. Cũng có một loại Chánh kiến khác dành cho bậc hữu học còn sanh y, đó là thấy rõ thiện, bất thiện, khổ báo, phước báo, luân hồi sanh tử … Cả hai loại Chánh kiến này đều loại bỏ sáu mươi hai loại tà kiến thế gian. Từ căn bản Chánh kiến, dẫn đến Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng … hoàn thiện lộ trình Bát chánh đạo thể nhập Diệt đế, Niết bàn”.

Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy là Chánh tuệ, như ngọn đèn soi sáng tâm trí, hướng dẫn Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn là chánh Giới, hoàn thiện đạo đức bản thân, phát triển tâm từ, xả kỷ lợi tha vô điều kiện. Mặt khác, an tịnh phiền não, tâm trí thảnh thơi. Sống thảnh thơi thì chết siêu thoát đâu còn gì nữa mà phải cầu xin.

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng là Thái tử Sĩ Đạt Ta thành Phật là thành cái gì? Là thấu triệt bốn sự thật vĩnh cửu của cuộc sống – Tứ diệu đế.Tứ thánh đế dẫn đến bốn thánh đạo, bốn thánh quả, chứng ngộ mục đích rốt ráo tối hậu của sa môn hạnh là giải thoát Niết bàn.

Ngày nay, chúng ta tình nguyện theo Phật, gọi Phật là Bổn Sư (Thầy gốc) của mình, thì tại sao chúng ta không học Tứ diệu đế, không tu tập Tứ diệu đế, không hành trì Tứ diệu đế mà đọc tụng lung tung và chuyên làm việc cầu an cầu phước. Tổ Quy Sơn dạy: “Sinh tử sự đại, các ngươi tối ngày chỉ lo cầu an cầu phước. Thử hỏi vô thường tới thì phước đức nào cứu nổi”.

Đành rằng những kinh sách của hệ phát triển cũng rất hay, rất cao sâu, nhưng những kinh ấy quá thiên về phần triết lý siêu hình, chỉ thích hợp cho những triết gia thông thái, nhàn hạ, hay hàng Bồ tát “cư trần bất nhiễm”, còn đa số quần chúng Phật tử đến với đạo Phật là để mong giải quyết những gút mắc trong cuộc sống, không phải để huyền đàm hư luận mà cần những giáo lý thực tiễn, khoa học như giáo lý Nhân quả, thì trong Tập đế, Đạo đế đã chỉ rõ từng chi tiết một, giúp chúng sanh tháo gỡ mọi ngõ ngách khổ đau một cách căn bản như Ngài A Nậu Lầu Đà:

“Mặt trăng có thể nhiệt,

Mặt trời có thể hàn,

Như Tứ Đế Phật thuyết,

Không sai khác hoàn toàn.

 

Phật nói pháp Khổ đế,

Thật khổ chẳng hề vui,

Phật nói pháp Tập đế,

Thập nhân chẳng đổi dời.

 

Khổ diệt tức nhân diệt,

Nhân diệt tức quả diệt,

Đạo diệt khổ đạo chân,

Không đạo nào sánh kịp”…

(Kinh Di Giáo Tiết thứ mười bảy – Quyết Nghi)

Ngài A Nậu Lầu Đà nói: Giáo lý Tứ diệu đế của Phật vững chãi hơn mặt trăng, mặt trời.

Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng: Đức Phật Thích Ca thành Phật từ nền tảng Tứ diệu đế. Chư Thánh Tăng đắc quả vô sanh A la hán cũng từ nền tảng Tứ diệu đế; thì tại sao ngày hôm nay chúng ta lại không tu theo Tứ diệu đế, cứ mãi lo cầu an, cầu phước. Còn ai nhiều phước bằng Thái tử Sĩ Đạt Ta. Còn ai siêu trí tuệ hơn Thái tử Sĩ Đạt Ta. Nhưng tại sao Ngài lại từ bỏ tất cả để dấn thân tầm đạo? Đức Phật từ bỏ ngũ dục mới tìm ra chân lý giải thoát. Bởi vì giải thoát và ngũ dục là con đường ngược chiều, có cái này tức không có cái kia. Phải tu pháp môn niệm tâm (Vi diệu pháp) mới thấy được mọi ngõ ngách của tâm tham, nó vô cùng xảo trá, luồn lách, đậy che, vi tế … rốt cuộc nó vẫn còn nguyên dạng đó. Tu đến tầng thánh thứ tư A la hán mới đoạn tận tâm tham vi tế này, mới chứng được quả vô sanh, mới được gọi là đắc vô lậu trí.

Không có kinh điển nào thực tế, cao siêu như kinh Tứ diệu đế. Không có con đường nào vững chãi, quang minh, chánh trực như con đường Đạo đế (Bát chánh đạo). Kinh nào nói ngoài Tứ diệu đế, kinh đó là ngoại đạo, không phải đạo Phật.

Cầu chúc tất cả Phật tử chúng ta nắm vững yếu chỉ này.

Nam mô Vô Lượng Quang Phật.

TX. Nhật Huy – Long Khánh

Mùa An cư Bính Thân – 2016