Tìm hiểu thiền trong Chơn lý đức Tổ sư

 

TÓM LƯỢC NỘI DUNG

1/ ĐỊNH NGHĨA

Thiền định hay Thiền có nghĩa là tập trung vào một chỗ, để tâm vắng lặng và quán xét mọi sự vật nó có khả năng thu nhiếp những tinh thần phân tán hỗn loạn để thấy tự tính của mình, hiểu rõ đạo lý.

2/ MỘT SỐ Ý THIỀN ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG CHƠN LÝ

Trong Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Ở bài Định đức Tổ sư đề cập đến 40 đề mục thiền định, trong đó có:

10 đề trước mặt:1. Dùng đất làm đề mục, 2. Dùng nước làm đề mục, 3. Dùng gió làm đề mục, 4. Dùng lửa làm đề mục, 5. Dùng vật có sắc xanh làm đề mục, 6. Dùng vật có sắc vàng làm đề mục, 7. Dùng vật có sắc đỏ làm đề mục, 8. Dùng vật có sắc trắng làm đề mục, 9. Dùng hư không làm đề mục, 10. Dùng ánh sáng làm đề mục.

10 đề tử thi: 1. Tử thi sình nổi lên, 2. Tử thi sình có sắc xanh, 3. Tử thi sình có mủ chảy, 4. Tử thi đã bị người chặt đứt nửa thân mình, 5. Tử thi đã bị thú ăn còn dấu nhiều chỗ,6. Tử thi đã bị người cắt đứt rời ra từng đoạn, 7. Tử thi đã bị người bằm nhiều chỗ, 8. Tử thi đã bị phạm khí giới máu chảy nhiều chỗ, 9. Tử thi đã bị vòi đục cả cửu khiếu, 10. Tử thi chỉ còn những xương rời ra.

10 đề niệm niệm: 1. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Phật, 2. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Pháp, 3. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Tăng, 4. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của giới, 5. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của bố thí, 6. Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của chư thiên và đức tin của mình, 7. Tưởng nhớ luôn luôn đến sự chết, 8. Tưởng nhớ luôn luôn theo thân thể, 9. Tưởng nhớ luôn luôn đến hơi thở ra và thở vô, 10. Tưởng nhớ luôn luôn đến Niết bàn, là nơi tịch tịnh dứt khỏi các sự thống khổ.

4 đề vô lượng tâm: 1. Rải tâm đại từ đến tất cả chúng sanh, 2. Rải tâm đại bi đến tất cả chúng sanh, 3. Rải tâm đại hỷ đến tất cả chúng sanh, 2. Rải tâm đại xả đến tất cả chúng sanh.

4 đề vô sắc: 1. Lấy hư không, không ngăn mé làm cảnh giới, 2. Lấy thức không, không ngăn mé làm cảnh giới, 3. Lấy cái chi dù nhỏ nhen cũng không có làm cảnh giới, 4. Lấy phi phi tưởng làm cảnh giới.

1 đề bất động: Chăm chỉ suy xét tứ đại trong thân thể.

1 đề tưởng: Tưởng vật thực mình dùng là không sạch.

Ngoài ra, Ngài còn đề cập đến 30 đề mục đem đến nhập định, 5 lớp nhập định, 22 đề mục dùng làm cảnh giới, 11 phương pháp quán tử thi v.v... nhằm tập trung tâm ý vào một đề tài hay một đối tượng duy nhất không được phân tán hay xao lãng. Như vậy, thiền định là một phương pháp tu tập làm cho tâm tập trung đến cao độ trong sự chuyên chú, nhờ đó mà tâm được vắng lặng, thanh tịnh. Trong sự tập trung chuyên chú ấy cần phải có một đề mục hay một đối tượng để làm cơ sở cho tâm quán sát.

Hành thiền sẽ đem lại lợi ích rất lớn, cho nên đề cập đến tác dụng của định đức Tổ Sư nhấn mạnh: “dụng của định là thay đổi tiến hóa an vui giác ngộ và quả linh thần thông”[1] Bằng con đường thiền định tu tiến dần qua Tứ định chứng đắc Niết bàn và hành giả tu tập thiền định, “Tâm thì nhập định vắng êm, trí năng soi ra cắt đứt điều ô nhiễm. Chỉ lo tập tánh chơn như, hằng ngày lòng không vướng mắc chẳng buộc ràng, không hơn thua cùng ai cả thảy”[2].

Qua kinh nghiệm tu tập về pháp tu Sổ tức quan, đức Tổ Sư đã có nhận định rằng “Về hơi thở, người ta luyện tập cách nào cũng được, cốt yếu là để tập định, nhưng lúc hành thì phải kinh nghiệm, xem chừng từ chút sự khác lạ kẻo thái quá bất cập có điều trở ngại, tai hại cho thân thể, làm mất an vui tấn hóa. Người ta cũng có thể biết ra nhiều cách thở để thay đổi pháp hành tùy theo nhân duyên trình độ cho đặng tinh tấn. Hơi thở là một đề mục trong muôn ngàn đề mục thiền định chớ chẳng phải một môn độc nhất để đến thiền định”[3].

3/ SƠ LƯỢC VỀ THIỀN TÔNG

Thiền tông  thuộc Phật giáo Bắc truyền xuất phát từ 28 đời Tổ sư thiền Ấn Độ và truyền bá lớn mạnh ở Trung Quốc bắt đầu từ khi ngài Bồ Đề Đạt Ma (?-532) đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc.

Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như đức Phật đã đạt được dưới gốc cây Bồ đề. Quan điểm "Truyền pháp ngoài kinh điển" đã do Phật Thích Ca áp dụng trên núi Linh Thứu . Trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma-ha-ca-diếp , một đại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách "Dĩ tâm truyền tâm. Phật Thích-ca ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Đốn ngộ, nghĩa là "giác ngộ ngay tức khắc", trên con đường tu học.

Thiền tông khởi nguyên từ đất nước Ấ Độ được truyền đến đời thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Trong suốt thời gian từ ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Lục tổ Huệ Năng (638-713), Phái Thiền của Huệ Năng phát triển như một ngọn đuốc chói sáng, nhất là trong đời nhà Đường, đầu đời nhà Tống và sản sinh vô số những vị Thiền sư danh tiếng như Mã TổBách TrượngTriệu Châu, Lâm Tế... và truyền ra các nước khác như  Nhật Bản Hàn Quốc, Việt Nam... Thiền phương Nam dần dần chia thành Ngũ gia Thất tông (năm nhà, bảy tông) gồm Tào Động tôngVân Môn tôngPháp Nhãn tông, Quy Ngưỡng tôngLâm Tế tông và hai bộ phái của Lâm Tế là Dương Kỳ phái và Hoàng Long phái.

Thiền tông tại Việt Nam

Thiền tông Trung Quốc được truyền qua Việt Nam vào năm 580, do ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi, đệ tử của Tam Tổ Tăng Xán?- 606)., sau ngài truyền pháp cho ngài Pháp Hiền, lập ra dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ðến năm 820 ngài Vô Ngôn Thông, đệ tử của Tổ Bá Trượng, qua Việt Nam truyền pháp cho ngài Cảm Thành, lập ra dòng Vô Ngôn Thông. Ðến đầu thế kỷ thứ 11 có ngài Thảo Ðường, đệ tử dòng Vân Môn, truyền pháp cho đệ tử đầu tiên là vua Lý Thánh Tôn, và lập ra dòng Thảo Ðường. Tới thế kỷ thứ 17 ngài Nguyên Thiều 1648-1728, thuộc dòng Lâm Tế, qua Việt Nam và sáng lập ra dòng Lâm Tế tại Việt Nam là dòng mạnh nhất và còn thịnh hành cho đến nay tại Việt Nam (đệ tử truyền pháp đầu tiên của ngài không được ghi rõ).

Ðặc điểm của Thiền tông là: "Thiền tông lấy phương diện hoạt động hiện thực làm chủ nghĩa để phát khởi. Ðó là đặc sắc rất lớn của Ðạt Ma Thiền, đã từ các Thiền phái làm nổi bật một sắc thái riêng để rồi không bao lâu đã trở thành một phái độc lập". (Trích: Ðại thừa Phật giáo Tư tưởng luận). Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả thiền để kiến tínhđược coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt được như sau:

教外別傳 Giáo ngoại biệt truyền Truyền giáo pháp ngoài kinh điển
不立文字 Bất lập văn tự không lập văn tự
直指人心 Trực chỉ nhân tâm chỉ thẳng tâm người
見性成佛 Kiến tính thành Phật thấy chân tính thành Phật.

Thiền tông phản bác, vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những bài luận khó hiểu, bất tận nhưng không phủ nhận nội dung, tinh hoa của chúng. Thiền tông chính là sự tổng hợp độc đáo của hai giáo lý, hai học thuyết nền tảng của Phật giáo, đó là  thuyết Thật tướng của Trung quán và Vạn pháp duy tâm của Duy thức Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hoá "mâu thuẫn", "nghịch lý" của các vị Thiền sư nếu nắm được giáo lý của Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại:Khi đã thấy rằng tâm đó chỉ là cái tâm vọng, huyễn hóa, không có một thực thể, nên mới có thể trả lời rằng: "Con tìm tâm không được". Chính khi đã hiểu được thực tánh của cái tâm vọng đó là đã thấy được phương pháp an tâm rồi.

Thiền ngộ của thiền tông có một quá trình lịch sử diễn biến. Đầu tiên ngài Huệ Năng đề xướng Bởi thế, Huệ Năng không tán đồng tư duy, chấp trước sự vật ngoại giới, đề xuất VÔ NIỆM VI TÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TRỤ (kinh Pháp bảo đàn), TÁNH TỊNH TỰ NGỘ. Sau Huệ Năng, phái Nam Nhạc và Thanh Nguyên đều nhấn mạnh BẤT LẬP VĂN TỰ, đặc biệt ngài Mả Tổ Đạo nhất (phái Nam Nhạc) đề xướng XÚC LOẠI THỊ ĐẠO và ngài thạch Đầu Hy Vận đề xướng TỨC SỰ MÀ CHÂN Từ phái Thanh Nguyên hình thành thêm 3 tông: Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn; Phái Nam Nhạc hình thành 2 tông: Qui Ngưỡng và Lâm Tế, các tông đều phát huy các phương pháp tiếp hóa, các dạng mô thức phong phú đa sắc, như: Ngài Nghĩa Huyền (义玄 ?-867, khai sáng tông Lâm Tế 临济宗) tiếp thừa ngài Đạo Nhất, tư tưởng XÚC LOẠI THỊ ĐẠO của ngài Hy Vận phát triển thêm với chủ trương NGAY 1 NIỆM GIÁC NGỘ ẤY LÀ PHẬT, phá trừ tính chấp trước của 2 loại biên kiến là (tức我执 法执) , trong đó điển hình là TỨ KHOA GIẢN 四科简, TỨ BINH CHỦ 四兵主VÀ TỨ CHIẾU DỤNG 四照用.

Tóm lại, Thiền tông Trung Quốc (có một số nhánh đã truyền vó Việt Nam) hướng hành giả nhận ra sự huyễn giả của vạn pháp và “nhìn” trở về bản tâm thanh tịnh nơi chính mình.

Thật vậy, Thiền gia không thế, nhìn cây gậy là cây gậy, không bị khái niệm nào chen vào, không bị khuôn cũ lối mòn nào định sẵn. Nhìn thẳng sự hiện hữu của cây gậy, bằng tâm như như của mình. Cảnh và tâm, tâm và cảnh, không có gì gián cách. Tâm không khởi niệm, làm gì có thật thấy, thật giả: đã không thật giả còn gì thsm ái hay chán ghét. Nếu không ái thì đâu có thủ, đây là giải thoát sanh già bệnh chết chứ gì. Chủ yếu của thiền gia là trực diện đối cảnh, cốt tâm không khởi niệm. cho nên câu nói cuối bài kệ Cư Trần Lạc Đạo của Trúc Lâm Nói: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ( đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền ). Quả là định nghĩa thiền một cách cụ thể. Cái cao siêu tuyệt vời của Thiền là trút sạch khởi niệm, dù khái niệm đúng như lời Phật dạy, lột hết mọi kiến giải đã huân tập, nhìn vào sự vật như sự vật, không vì một lý do gì mà thêm bớt vào. Đây là một con người tự do tự tại, không bị kiến thức nào trói buộc. Bởi vậy nên nói:

Sanh không thích thiền đường

Tử không dựa địa ngục

Buông tay đi ngang ngoài tam giới

Mặc tình vươn bổng nào buộc ràng

( Thiền sư Đạo Giai) 1.

Và:

Đến cái nhìn của thiền gia, không phải thế, thấy hoa hồng là hoa hồng, không khởi tâm so sánh, quán sát chi cả. Hiện thân hoa hồng như thế nào, thấy đúng thế ấy. không khởi niệm so sánh thì đâu có đẹp xấu (thọ), không đẹp xấu thì làm gì có yêu ghét (ái), không yếu ghét thì đâu có lấy bỏ (thủ), dòng sanh tử do đâu lôi cuốn được. Thấy có đẹp xấu là thấy hai, yêu ghét là hai, thủ xả là hai; còn có hai bên là nguồn gốc sanh tử. Thiền gia khi nhìn sự vật không dấy tâm khởi niệm, nên thấy mọi vật đều chân. Như khi vua Lý Thái Tông đến viếng Thiền Lão thiền sư, vua hỏi: - Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?

Sư đáp:

Đản tri kim nhật nguyệtc

Thùy thức cựu xuân thu.

Chỉ biết ngày tháng này,

Ai rành xuân thu trước.

Vua lại hỏi: - Hằng ngày Hoà thượng làm gì?

Sư đáp:

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân. [4]

Song, thiền gia không nói giới định tuệ theo thứ tự như vậy, mà khi chuyên tâm vào vấn đề mình đặt ra thì lơ là với mọi việc bên ngoài giới; chính lúc chuyên tâm không bị ngoại duyên làm xao động là định; ngay trong lúc tâm định mà sống với trí tuệ vô sanh là tuệ. Tuệ là nhận được lý vô sanh ngay trong an định ( kiến tánh ). Cái vô sanh ấy là ông chủ của chính mình, sống thẳng với ông chủ này mà nhìn mọi vật, thì mọi vật đều chân. Cho nên, một hôm tổ Huệ Khả thưa với Bồ-Đề-Đạt-Ma:

- Tâm con bặt hết các duyên.

Tổ Đạt-ma bảo: - coi chừng rơi vào không!

Huệ Khả thưa: - rõ ràng thường biết, làm sao không được!

Tổ Đạt-ma liền ấn chứng cho. Trong lúc đối duyên xúc cảnh hằng ngày, tâm ta không chạy theo, không dính mắc là định, cái định này không thuộc ngồi, không có nhập xuất, nên nói là định. Chính cái tâm không sanh không diệt mà hằng giác tri ấy là tuệ. Cái tuệ này tánh là giác sẵn có muôn đời của mình, không phải từ đâu đến, nên gọi là trí vô sanh. Sau khi nhận được ông chủ thì vấn đề đã phá vỡ, ngang đây nhìn mọi vật bằng cách đối cảnh vô tâm, là nếp sống của thiền sư.

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.1

4/ NHẬN ĐỊNH CỦA ĐỨC TỔ SƯ TRONG CHƠN LÝ

Kìa một nhà sư tham thiền: mỗi cái chi vọng động xảy đến, là ngài tầm sát rốt ráo nguyên lý của nó, là chơn tánh, mỗi pháp nào ngài cũng thấy rỏ tánh gốc của nó là chơn như. Như vậy mỗi pháp hiện đến là mỗi chơn như hiện đến, tô đắp tâm thêm to lớn, cứng chắc, tròn trịa, y như tánh chơn võ trụ. Như thế tức là nhà sư ấy, lấy cái pháp chơn như, mượn cái tánh võ trụ làm tâm, để tạo tâm chơn, hay chơn tâm vĩnh viễn của bậc giác ngộ, phật. đó tức là chơn như do vạn pháp.

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân. [5]

Phật là cái chơn như Như Lai, là chẳng vọng động bổn lai, chớ không phải thân tướng là Phật. cũng như ngài không cố chấp cái quả chi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và cái pháp chi cần phải thuyết, vì Ngài không cố chấp bốn tướng, tâm chỉ hằng chơn như đại định thôi. Ngài không cố chấp quả chi hết, là vì tâm của Ngài đã thật giải thoát trọn vẹn, không còn dính mắc vào đâu cả. Nên Ngài gọi rằng: dứt bốn tướng ấy tức thành Phật, phước đức lớn hơn hết. Cũng như cái thật là cái không có hình tướng, cái nhiều là cái chẳng suy lường, cái lớn là cái không xem thấy, cái có là cái không giữ gìn, cái không hư hoại là chơn như võ trụ, cái ấy mới gọi là cái của bậc giác ngộ, Phật, là tâm của Phật, chơn tâm, không vọng. [6]

Và:

Vì bởi tâm định chơn như tức là niết bàn Phật rồi, giác ngộ như thế nên không còn có chi tìm cầu cả; ba đời chư Phật cái tâm đều y như vậy, nên mới thành phật. Ấy là cái trung tâm, trụ cốt, chổ đến, đặc điểm của tất cả chung sanh đó.

Như thế, tức là đức Phật dạy bảo chúng ta nên hãy nhận ra cái chơn như võ trụ đạo đức không vọng động, không không vắng lặng, tự nhiên chơn thật, làm tâm, làm trung tâm tụ cốt chổ đến. kìa như cái biết của ta nó cũng vốn là tự nhiên không vọng động, và từ nơi tự nhiên không vọng động, có sẵn từ lâu, từ hồi nào, chớ nào phải mói có hiện tại đây. Vì nếu không có trước kia, thì bây giờ đâu có. Sở dĩ trước kia nó chưa xuất lộ ra, chưa tập thành tướng, là chính nó đang ở ẩn trong các pháp chung sanh vạn vật đó thôi, nên gọi là cái sống biết linh, có sẵn nơi chúng sanh vạn vật các pháp, vốn là tự nhiên ở trong võ trụ. Thế nghĩa là cái biết của chúng sanh đã có, đang có, sẽ có, chớ chẳng phải không. Nó là cái có sanh ra, có sẵn, ở trong võ trụ hư vô chơn như đạo đức. Và cũng là chơn như đạo đức võ trụ hư vô, đang có sẵn ở trong mỗi cái.

Chơn như là pháp rốt ráo không trên. Cũng như khi xưa Phật hỏi các vị tu tiên trong rừng: Pháp tu nào mới diệt được cái ta phàm tục, để dứt luân hồi sanh tử, khổ?... Thì các ông ấy không ai trả lời được. Sau đó đức Phật mới giác ngộ chơn như trong khi nhập định dưới cội bồ-đề chánh giác, Ngài thấy rõ được chơn như là vô ngã, không ta, vọng ngã, hay chơn như mới là chơn ngã; mới thật cái ta. Vì thế mà Ngài dạy rằng chơn như là chánh pháp, chánh lý, đạo tâm của chúng sanh, hay đạo tâm ấy là đạo Phật. Vậy thì những ai tu học chơn như, tức là tu học với tất cả vạn pháp rồi. Bởi vạn pháp là ánh sáng của chơn như túa ra, mà người đã đến chơn như, ấy là vạn pháp đã ở nơi mình, tự mình túa ra, chớ không còn nương theo vạn pháp. Thế nên gọi chơn như là chơn như tự nhiên, chớ không phải có hoặc không, hay trung.

Hiểu như thế là chơn như rất quý báu, vì đi theo bao nhiêu ánh sáng là cũng chỉ có đến một mặt trời chơn như đây thôi. 1

Hiểu được nơi Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta sẽ khỏa bằng tất cả, đến như đời và đạo, Phật với chúng sanh cũng không còn có được, cái trí của ta sẽ không còn ở nơi trụ chấp bên lề, thì cái giác chơn mới thành tựu. Tỏ ngộ nơi pháp ấy, chúng ta sẽ đắc được phép thiền định tương đối chánh giác tối cao. Ấy như là từ cái ác đến cái thiện, hay như lẽ có và lẽ không, nó đã là tương đối của đời rồi, thế mà cái trung đạo lại cũng là tương đối với hai pháp ấy nữa. Cũng như Phật Niết-bàn, trung đạo, là tương đối bến bờ bên kia của thiên đường, địa ngục. Có hiểu vậy rồi thì trí ta sẽ bỏ luôn cả trung đạo, Phật Niết-bàn tương đối ấy nữa, mà định tâm về chỗ giác tương đối, tức là sẽ tự nhiên không sở trụ, ấy mới gọi là không còn chỗ đến. Bậc hết tu hết học là bậc mà đến đây, đời đạo đã công bằng, tâm đã giải thoát chánh định, chơn như hoàn toàn. Ấy mới xứng đáng gọi là Phật, kẻ ấy mới phải thật là Phật quá khứ, đã thành Phật từ xưa, từ xưa tái sanh trở lại, vì kẻ ấy đã không còn nghi ngờ gì rằng: mình không phải là Phật, hay cõi đời không phải là cõi Phật nữa. 1

5/ NHẬN ĐỊNH

Như thế, Thiền tông và Chơn lý đều khẳng định rằng, Tâm không chạy theo cảnh hay đối cảnh tâm không niệm, nói là giáo ngoại biệt truyền, tâm không chấp cảnh, tâm không dính với cảnh, đối cảnh tâm được an định. Nhận thấy cái suy nghĩ là tâm của mình, chịu sự sai sử lôi kéo của nó. Bất thần chúng ta tìm lại nó thì nó mất tăm mất dạng. khi nó không còn tâm dạng thì tâm an. Rõ ràng pháp an tâm mà không có pháp, chỉ xoay ánh sáng trí tuệ soi rọi xem cái tâm bất an ấy thế nào thì nó biến mất. Thuật ngữ nhà thiền gọi là hồi quang phản chiếu, biết vọng không theo.

Trong Chơn lý, theo kiến giải cá nhân, đức Tổ sư không chỉ đề cập thiền chỉ quán thông thường mà còn cả thiền đốn ngộ trong thiền tông. Lâu nay chưa thấy đề cập tới.

 


[1] Chơn lý tập I, bài Nhập định, NXB Tôn giáo 2009, trang 340.

[2] Chơn lý tập I, bài Y bát chơn truyền, trang 295.

[3] Chơn lý tập III, bài Sổ tức quan, NXB Tôn giáo 2009, trang 300 - 301.

1 HT. Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TP. HCM năm 2014, trang 24.

[4]HT. Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TP. HCM năm 2014, trang 27-28.

1HT. Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TP. HCM năm 2014, trang 31-32.

[5]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý (bài Phật tánh, tập III), NXB Tôn giáo 2009, trang 7.

[6]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý (bài Pháp hoa, tập III), NXB Tôn giáo 2009, trang 331.

1Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý (bài Chơn như, tập III), NXB Tôn giáo 2009, trang 335.

1 Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “ Pháp Hoa”, tập III, NXB Tôn giáo 2009, trang 232 – 233.