Tìm hiểu về Bát khổ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng

12Nhanduyen12I. SƠ LƯỢC NỘI DUNG TÁC PHẨM HỒNG LÂU MỘNG

Tác phẩm này xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em cô cậu: Giả Bảo NgọcLâm Đại Ngọc. gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có lúc lên tới 448 người, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất kinh thành. Giả Chính có ba người con, con lớn Giả Châu mất sớm và để lại một con trai là Giả Lan; con gái thứ Nguyên Xuân tiến cung làm phi tử; Giả Bảo Ngọc là cậu ấm thứ hai, sinh ra đã ngậm một viên “Thông linh Bảo Ngọc”, là niềm hi vọng của gia đình họ Giả. Ngoài ra còn có Giả Thám Xuân và Giả Hoàn là con của nàng hầu Triệu Di Nương. Giả Chính và Giả Xá còn có một em gái tên Giả Mẫn, lấy chồng là Lâm Như Hải người Cô Tô, làm quan Diêm chính thành Duy Dương, có một cô con gái tên Lâm Đại Ngọc. Bố mẹ mất sớm, Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc. Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa vừa vào Kinh cùng đến ở. Vì con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi nên để mỗi lần về tỉnh thân, phủ Vinh quốc cho xây dựng “Đại Quan viên” là Thái Hư ảo cảnh”[1] cực kì tráng lệ, huy hoàng. Khu vườn Đại Quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Bàn về Đại Quan viên thì đã được đăng trên Minh Báo nguyệt san[2]. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình lại không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra. Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, là một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, lại cám cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc. Cho nên nàng thương hoa, khóc hoa, chôn hoa, tâm hồn nàng như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột. Nàng cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử làm quan, nên lánh xa công danh phú quý. Trong khi đó, Bảo Thoa, người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến thì lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ. Lúc đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa, song dần dần nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh "lập thân", nên Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Lâm Đại Ngọc và mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa. Trong lúc ấy thế lực của hai phủ họ Giả lại bị lung lay, do mắc tội với triều đình nên cả hai phủ đều bị phân li, kẻ chết người đi đày, và trong một cố gắng cuối cùng nhằm cứu vãn gia tộc, Phượng Thư đã đặt kế tráo hôn. Khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải Đại Ngọc, Bảo Ngọc bỏ đi, về sau hóa thành đá. Lâm Đại Ngọc nghe tiếng pháo đám cưới của Bảo Ngọc nên uất ức phát bệnh, ho ra máu mà chết. Kết thúc pho truyện là một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một "giấc mộng trong chiếc lầu hồng", như một sự chiêm nghiệm về lẽ đời của họ Tào. Cũng có một kết thúc khác là Bảo Ngọc chấp nhận sống với Bảo Thoa, sinh được con trai nối dõi, chăm chỉ học hành thi đỗ cử nhân rồi xuất gia nhưng cái kết này không được độc giả yêu thích, cũng có thuyết cho là của người sau thêm vào[3].

II. TÌM HIỂU BÁT KHỔ QUA TÁC PHẨM HỒNG LÂU MỘNG

Như chúng ta đã biết, trên đời này có được một cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất như Gia đình Giả Phủ là một sự mong ước của biết bao con người khố rách áo ôm. Thế nhưng, khi đi sâu vào bên trong thì chúng ta mới cảm nhận được chính họ cũng phải gánh chịu biết bao nỗi thống khổ của cuộc đời. Nói về nỗi khổ niềm đau, đức Phật đã từng dạy, con người dù giàu sang phú quí hay bần cùng trong xã hội cũng đều không tránh khỏi nỗi khổ, không bị khổ này thì lại bị khổ kia, nên Ngài tạm gọi là Bát khổ: “sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ”, ngoài ra còn có ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”, nó luôn ẩn tàng trong mỗi chúng ta, và luôn là một nỗi lo lớn đối với mọi người. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng người viết xin được đưa ra các nhân vật điển hình sau:

Giả Bảo Ngọc là nhân vật trọng tâm trong cốt truyện, tuy sống trong cảnh giàu sang sung sướng, là một quý tử của nhà họ Giả, thế như cuộc sống của y lại chứa chan nước mắt, sầu bi ai oán. Vì sao thế, phải chăng đây là bi kịch? Đối với Bảo Ngọc, cái tình yêu chân thật và quý báu như chính sinh mệnh của mình mà anh ta hầu như chẳng làm được gì, chẳng chiến đấu dũng mãnh để đoạt lấy hạnh phúc cho riêng mình! Mọi việc gần như đã phó mặc! Anh phải chấp nhận sự thật éo le đến nỗi như bất lực hoàn toàn, vì cuộc sống của anh ta luôn được cuộn tròn trong sự xắp đặt của khuôn phép một gia đình phong kiến, chẳng khác nào chú chim non được nuôi kỹ lưỡng trong chiếc lồng son, với thức ăn toàn là gạo trắng nước trong nhưng cuộc sống lại thật sự vô vị. Sống trong sự gò ép lễ giáo gia phong, không được tự do làm theo sở thích của mình, đến nỗi anh ta mắt phải chứng bịnh ngây ngây, cũng vì anh ta mà trước khi chết Lâm Đại Ngọc đã đau buồn oán giận và đốt khăn tặng hay đốt tập thơ..., không phải là không có lý! Vì Bảo Ngọc chưa bao giờ xứng đáng là một trang nam tử có lý tưởng và sự kiên định! Vấp phải những mâu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, anh ta sinh ra yếu ớt trước uy quyền và thế lực. Điều đó càng đẩy sâu anh ta vào bi kịch. Cuối cùng giải pháp “đi tu” - phản ánh sự từ chối, đã được anh ta chọn lựa. Thật trùng hợp khi tác giả đã viết lên nỗi khổ đau của một kiếp người, thật cay đắng: “Như chim khi đã hết mồi; Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành[4]. Những cảnh như vậy làm cho nhân vật thật gần gũi, phong phú, hấp dẫn.... và về mặt soi rọi tâm lý nhân vật đã đạt đến trình độ của nhân vật tiểu thuyết hiện đại.

Về nhân vật Lâm Đại Ngọc, nàng cũng là một mẫu người khá lý tưởng không thua kém gì Bảo thoa, tuy nàng cũng xuất thân từ gia đình có quyền thế nhưng lại éo le cho cuộc đời nàng là cha mẹ mất sớm, nên tuổi thanh xuân của nàng đã phải gánh chịu cuộc sống xa người thân, nhưng bù đáp lại là được sống trong cảnh giàu sang phú quý, được Giả mẫu hết mực thương yêu, và nàng cũng được xếp vào hạng "một trang nghiêng nước nghiêng thành”. Đây cũng là cái hạnh phúc tạm bợ của thế gian mơ ước. Thế nhưng, xét cho cùng thì cuộc đời của nàng quả thật là một trang tiểu thuyết đầy nước mắt sầu bi cô quạnh. Nàng vốn là một người có tính cách đặc biệt thú vị. Nàng yêu Bảo Ngọc nhưng lại tự ti mặc cảm về số phận mồ côi của mình, về bản thân thì ăn nhờ ở đậu nhà người, nhưng nàng lại thật lòng yêu mến Bảo Ngọc, nhưng ngược lại mỗi khi Bảo Ngọc ngỏ lời là nàng lại giận hờn, buồn tủi, làm ra vẻ cự tuyệt... Nàng thật là một nhân vật đáng yêu và tội nghiệp, ở nàng đã thể hiện bộc bạch ra chiều sâu tâm lý đa dạng và được bộc lộ qua tình yêu, qua những mối quan hệ khác như mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc bên người mình yêu, thế nhưng lực bất tòng tâm. Cho đến phút cuối cùng nàng nghe nói Bảo Ngọc sắp lấy vợ, và người được chọn sẽ là người trong phủ, nàng chắc mẫm người đó sẽ là mình, chứa chan hy vọng, và từ sự đang đau buồn tuyệt vọng, trong ốm đau, nàng trở lại sống linh hoạt, tươi đẹp...nào ai có hay chăng đó lại là phút bất hạnh nhất đến với nàng, và nàng đã kết thúc cuộc đời trong tuyệt vọng.

Còn Tiết Bảo Thoa là một nhân vật đặc biệt lý tưởng trong xã hội thời bấy giờ, biết bao người mơ ước có được địa vị như nàng. Là một phụ nữ lí tính, lúc nào cũng tỉnh táo, cũng lắm mưu mẹo. Nhưng nàng cũng là một nhân vật đáng thương hơn là đáng ghét, với mẫu người này theo cái nhìn của thế gian thì nàng là người tài sắc vẹn toàn, âu cũng là phước báo hiện tại nàng có được. Nàng ít nhiều cũng yêu Giả Bảo Ngọc mà tự kiềm chế, và cuối cùng với tất cả sức lực, nghị lực cùng với tất cả sự chân tình, nàng muốn có hạnh phúc trong cuộc sống, thế nhưng mọi việc không đơn giản như một bức tranh thủy mạc, tự con người tạo nên trong tư tưởng, mà là cuộc sống thực tại với nhiều thử thách, trong khi sống trong xã hội với đầy đủ những phẩm chất hỷ, nộ, ái, ố, sầu bi khổ ưu não…., rốt cuộc nàng cũng trở thành một nhân vật bi kịch. Mà bi kịch của nàng là bi kịch của một người trung thành với đạo đức phong kiến là để sống với người chẳng yêu mình, vì trong tâm trí Bảo Ngọc lúc nào cũng nghĩ đến Đại Ngọc, người yêu lý tưởng của Y; còn đối với Bảo Thoa thì lại không hề dành cho nàng một tình yêu đích thực. Kết cuộc mối tình tay ba này, Bảo Thoa trở thành quả phụ, thật đáng thương!

Từ ba nhân vật trong tác phẩm cho thấy, không phải trên cuộc sống lúc nào cũng trải thảm cho ta đi, mà chính chúng ta phải tự bước từng bước khập khiểng, gian nan trên con đường đầy chông gai sỏi đá mà chính mình phải đi qua. Kết cuộc thảm khốc của cuộc đời ba nhân vật thì không một ai biết trước, không một ai tránh khỏi. Mặc dầu trong cuộc sống của họ luôn tô điểm muôn màu muôn vẻ, lúc thăng lúc trầm nhưng niềm vui chẳng có được bao nhiêu mà nỗi khổ niềm đau lại dãy đầy.

IV. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Tác phẩm Hồng Lâu Mộng hay Giấc mộng lầu hồng là sản phẩm cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, là người thật việc thực chứ không ai khác. Tuy có sự sai khác ở chỗ, mỗi người có một biệt nghiệp riêng nên có kẻ sang người hèn, nhưng đều tượng trưng cho sự tương quan mật thiết với nhau như đồng gánh chịu chung một quy luật. Tác phẩm này chính là tâm huyết của tác giả, ông đã gởi gấm tâm tình của mình nơi tác phẩm, và thể hiện sự nuối tiếc khi đã mất đi cuộc sống cực kỳ vương giả, xa hoa nơi lầu son gác tía của thế gian quyền quý. Cuộc sống của các chàng công tử và những tiểu thư khuê cát trong Đại quan viên của đại gia đình họ Giả đất Kim Lăng, dù có đạt đến đỉnh điểm của sự cao sang vinh hoa phú quý thì cũng sẽ trở thành bình thường theo quy luật vô thường giả huyễn mà thôi. Vì thực ra đây chính là bản chất vốn có của cuộc sống đời người. Những mối quan hệ chân-giả, phúc-họa, tĩnh-động, thực-ảo... đan xen khôn lường và lẫn vào tính cách, số phận của mấy trăm con người đã cho ta thấy mọi phương diện, ngóc ngách của cuộc sống từng cá nhân cho đến gia đình, cộng đồng, xã hội, quan trường, triều chính...đều nằm trong quy luật tự nhiên là thành trụ hoại không, nhân quả nghiệp báo, không một ai tránh khỏi.

Nếu chúng ta nhận rõ được bản chất của cuộc sống là một tuồng hài kịch dài tập mà mỗi con người là một diễn viên xuất sắc, thế thì chúng ta cần phải diễn xuất sao cho đạt vai diễn của mình mới là hay, là giỏi. Bằng ngược lại thì vô hình chung chúng ta lại đi nhận cái giả làm chơn, rồi chịu khổ trong muôn kiếp giống như tằm làm kén, tự ràng buộc mình vào, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa để tự thiêu đốt mình. Đừng dại dột tạo lập một thế giới ảo mộng rồi chấp vào đó và cho là trường tồn vĩnh cữu. Qua hình ảnh Đại Quan Viên trong tác phẩm, là một ngôi vườn giữ cho đám con gái được cách biệt với thế giới bên ngoài. Tác giả với hi vọng bọn họ ở lại trong vườn đó, sống tháng ngày tiêu dao vô ưu vô sầu, không nhuốm mùi bẩn thỉu của thói đời. Tốt nhất là các nàng giữ mãi tuổi thanh xuân, nó chỉ tồn tại trong lí tưởng, không có cơ sở hiện thực gì cả”[5]. Điều này cho ta thấy ước nguyện của tác giả rất kỳ vọng vào cuộc sống vương giả một thời vàng son mãnh liệt, nhưng mong muốn chỉ là cái mơ ước viễn vong của con người khó thành đạt được. Vì theo qui luật định hình, con người sanh ra ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn “Sanh thân rồi lớn rồi già, rồi đau rồi chết rồi qua một đời, rồi trở lại luôn hồi sanh tử, cũng sanh thân cũng phải tấn tuần, bánh xe tứ khổ quay cuồng, sanh già đâu chết là tuần thế gian”[6]. Thật vậy, cuộc sống kiếp người như tuồng ảo mộng, thế nhưng có mấy ai nhìn nhận ra, cũng vì con người quá tham đắm dục lạc mà tạo ra vô số tội lỗi, chỉ vì cung phụng cho xác thân bẩn thỉu này mà sẵn sàng giết người, cướp của bốc lột, lấy thế mạnh hà hiếp kẻ cô quả để gây rối loạn cho xã hội, hay phá hoại gia cang người khác.v.v…Họ nào có nghĩ đến luật nhân quả của con người, rất rõ ràng là nợ ta vay thì chính ta phải trả, những vui sướng mà họ đang hưởng thụ chính là phảiđánh đổi bằng biết bao đau khổ cùng cực trong mồ hôi nước mắt của người khác.

C. KẾT LUẬN

Người ta sống ở đời như đi trong đêm tối, như chèo thuyền giữa biển mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Giáo pháp của đức Phật như là ngọn đèn soi sáng đường ta đi, là phương chỉ hướng cho ta đến bờ giác ngộ. Trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, vạn vật đều chịu sự biến đổi bởi thời gian nhưng những lời dạy của đức Phật thì không bị biến hoại mà ngày càng trong sáng và cao đẹp.

Với tác phẩm Hồng Lâu Mộng hay còn gọi đấy là giấc mộng lầu hồng của mỗi con người, mà không ai thấy mà không tham muốn. Nhưng thật tế, cuộc sống con người như dòng trường giang, đoạn thẳng khúc quanh, nơi dốc nơi bình, khi cuồn cuộn hung dữ, lúc hiền hòa sâu lắng, mùa đục mùa trong, chảy hoài ra biển Đông- sóng vui dập hết anh hùng. Tưởng chừng cuộc sống chốn vinh hoa phú quý tột bậc ấy, ngày đêm, tháng năm chỉ biết có yến tiệc cùng phong hoa tuyết nguyệt sẽ êm đềm, vô lo vô nghĩ và sẽ trường tồn vĩnh viễn, nhưng dẫu có được như sở nguyện đi chăng nữa cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi thoáng qua trong nháy mắt của một kiếp người, rồi tiếp theo cảnh già nua hiện ra, mặt nám da đen lưng còng, gói mỏi.., song thực ra nó lại là nơi ẩn giấu của những yêu thương-thù hận, vui vẻ-sầu não, ngây thơ-mưu mô, chân thành-lừa lọc, mưu cầu thành-hoại...tất thảy chồng chất lên nhau và lặn sâu vào trong, tạo thành những lớp lang cang mà mắt thường nào ai dễ thấy được ... Đấy, chính những lớp lang cang dày đặc ấy làm nên đặc sắc ảo diệu cho Hồng Lâu Mộng.

Thông qua tác phẩm, chúng ta nhận thấy được giá trị hạnh phúc đích thực của con người không phải ở chỗ giàu sang phú quý mà chính là chỗ con người nhìn nhận đích thực nguyên nhân dẫn ta đến cái khổ, con người do nhiều tham đắm lợi dưỡng nên khổ não mới nổi lên, và mới có nhiều mồi danh bã lợi để cuốn hút con người đi sâu vào tội lỗi, một khi chân đã xa vào bùn lầy thì khó mong vùng vẫy thoát ra được, vì càng vùng vẫy thì càng bị luống sâu hơn. Trong kinh đức Phật có dạy: “Phàm phu ngu si vô học, không trí tuệ, không sáng suốt, đối với năm thọ ấm nói là ngã, hệ trược làm cho tâm bị trói buộc mà sinh tham dục”[7]. Mà chỉ có những người biết sống, biết nhìn nhận chân tướng của sự thật thì mới không bị nó cám dỗ. Qua hình ảnh cuối cùng mà tác giả chọn cho Bảo Ngọc là phương pháp xuất gia học đạo. Đây cũng là mong ước của tác giả đối với đời mình, ông đã giác ngộ ra được đời sống cao sang kia không làm cho con người thỏa mãn, chúng chỉ là miếng mật dính trên lưỡi dao mà biết bao người ngu dại kê miệng liếm thử, kết quả phải bị đứt lưỡi đớn đau. Giá trị cuộc sống không phải là của cải vật chất, vì nó chỉ là một phần nhỏ để làm phương tiện cần thiết, còn tinh thần thống khổ sẽ dễ đưa người vào hố sâu vực thẳm tội lỗi.



[1] Hồng lâu mộng nghiên cứu chuyên san, kỳ 4, tr.56

[2] Minh báo nguyệt san kì 81, tháng 9/1972, tr.4

[3] Trích từ đường dẫn, http://blog.tamtay.vn/entry/view/711620

[4] Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.94

[5]Bàn về Đại quan viên, đăng trên Minh báo nguyệt san, kì 81, tháng 9/1972, tr.4

[6] Nghi Thức Tụng Niệm Hệ Phái Khất Sĩ, Nxb Tôn giáo Hà Nội, Pl 2555, Dl 2012, Tr 172

[7] Kinh Tạp A Hàm I, Hoà Thượng Thích Thiện Siêu (dịch). Thành Phố Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1993, trang 137.