Tìm hiểu về giáo lý Duyên khởi - phần 2

Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu một cách tổng quát về giáo lý Duyên Khởi. Đến đây chúng ta đi sâu vào nội dung giáo lý này. Giáo lý Duyên Khởi có nội dung quan trọng hàng đầu là cách lý giải về 12 chi phần nhân duyên. 12 nhân duyên này vận hành chuyền níu nhau khiến cho chúng sanh bị sanh tử luân hồi. Vòng mắt xích 12 nhân duyên cũng nói lên thực trạng khổ đau của kiếp nhân sinh. Tìm hiểu ý nghĩa 12 chi phần nhân duyên và sự vận hành của nó sẽ giúp cho chúng ta khám phá ra một bí mật trọng đại về sự hiện hữu của con người cũng như sự hiện hữu của tất cả chúng hữu tình. Qua sự khám phá đó, chúng ta nắm được chìa khóa để bẻ gãy xiềng xích nhân duyên khổ đau, đồng thời tu tập các pháp đưa đến Niết-bàn, giải thoát.

1. Ý nghĩa 12 chi phần Duyên khởi

Vô Minh: Không biết chân lý, không biết con đường đi đến giải thoát tất cả những khổ đau trong ba cõi sáu đường. Chân lý ở đây là Tứ đế, Thập nhị nhân duyên. Theo Thanh Tịnh Đạo luận, vô minh là không biết khổ, không biết nguyên nhân của khổ, không biết khổ diệt và không biết con đường đưa đến khổ diệt. Không biết quá khứ, vị lai, không biết Duyên khởi và các pháp Duyên khởi.

Hành: Hành vi, tạo tác, hành động có tác ý. Hành là động cơ tạo nghiệp, chúng thuộc về tư tâm sở. Do vô minh mà có hành. Vì không sáng suốt cho nên tạo các nghiệp thiện, bất thiện để làm nhân tái sinh trong ba cõi. Hành có ba loại: thân hành, khẩu hành và ý hành. Trong ba hành trên, ý hành có vai trò quan trọng hàng đầu và chi phối hai hành còn lại như trong kinh Pháp Cú Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo”.

Thức: Nhận thức, phân biệt. Có sáu thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Thức có vai trò nhận thức, phân biệt các pháp theo vô minh, sai lầm, điên đảo. Ngoài ra thức còn làm nhiệm vụ thức tái sanh, nó làm động lực chuyển tiếp từ đời sống này sang đời sống kế tiếp nên còn gọi là thức tái sanh hay kiết sanh thức. Thức vừa làm động cơ tái sanh vừa mang những tập khí của vô minh, hành trong quá khứ và biểu hiện nó trong đời hiện tại.

Danh Sắc: Danh là phần tâm lý gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thắng Pháp Tập Yếu luận cho là Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư. Sắc là phần vật chất, gồm có Tứ đại và Tứ đại sở tạo. Danh sắc là sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất để hình thành một chúng sanh. Danh sắc có ý nghĩa duyên sinh đặc biệt giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần. Trong 12 nhân duyên, Danh Sắc hàm chứa sự hiện hữu sơ khai của một sinh mạng. Đồng thời Danh Sắc còn bao hàm cả mọi hoạt động của các chi phần duyên khởi còn lại hay toàn bộ đời sống của một chúng sanh.

Lục Nhập: Sáu cánh cửa tiếp nhận thế giới bên ngoài. Lục nhập có sáu: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý căn. Sáu cơ quan này tiếp nhận sáu trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, như Nhãn căn ghi nhận hình ảnh, Nhĩ căn tiếp nhận âm thanh..v.v..Trong sáu căn, 5 căn đầu tiếp nhận một lĩnh vực riêng, còn ý căn có thể dung nhiếp các đối tượng của 5 trần còn lại.

Xúc: Sự xúc chạm của các cơ quan cảm giác với các trần cảnh. Xúc là sự kết hợp giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần. Căn và Trần là phần vật chất. Tinh thần gồm thức và các yếu tố tâm lý khác. Phật dạy phải có đủ ba điều kiện thì xúc mới sanh khởi: “Do duyên con mắt và các sắc, Nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi”. Duyên theo sáu căn nên có sáu xúc là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý xúc.

Thọ: Cảm giác, cảm thọ. Thọ do xúc sanh. Khi các giác quan tiếp xúc với các trần cảnh thì sanh cảm thọ. Thọ thuộc về yếu tố tâm lý. Do sáu xúc nên có sáu thọ là Nhãn thọ, Nhĩ thọ..v.v. Còn nếu chia theo cảm giác thì có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ngoài ra thọ cũng có thể phân làm 5 là khổ thọ, lạc thọ, xả thọ, hỷ thọ và ưu thọ. Trong năm thọ trên, ba thọ đầu thuộc về thân, hai thọ sau thuộc về tâm.

Ái: Sự ưa thích, say mê, đắm nhiễm các đối tượng do sáu trần mang lại. Ái phát sinh từ các cảm thọ. Các cảm thọ vui, khả ái, khả lạc, khả hỷ thường làm sinh khởi tâm ái. Căn cứ vào sáu trần mà có sáu ái như Sắc ái, Thinh ái, Hương ái, Vị ái, Xúc ái, Pháp ái. Tâm ái bao trùm cả ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Sự ưa thích 5 trần ở cõi người hoặc cõi trời Dục giới gọi là dục ái, đắm nhiễm các thiền chứng của cõi trời Sắc giới là Sắc ái, còn ở Vô sắc giới là Vô sắc ái.

Thủ: Tâm bám chặt, nắm giữ đối tượng ưa thích. Thủ giống như hình ảnh của một người ôm khư khư một vật không chịu buông bỏ. Thủ có hai hình thức được chia làm bốn loại. Thủ do ưa thích các dục gọi là Dục thủ; Thủ do bám chấp các lý thuyết sai lầm như Ngã luận thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ. Thủ là tâm ái đã được huân tập rất kiên cố đến nỗi tạo thành một sức mạnh lôi kéo chúng sanh vào cảnh giới tương ưng.

Hữu: Do duyên Thủ mà có Hữu. Hữu là quá trình tích lũy, thu thập nghiệp lực để hình thành kiếp sống tương lai. Hữu cũng chính là nghiệp đưa đến tái sinh và hình thành các quả dị thục khổ vui của chúng sanh. Thế nên Hữu có hai loại: Nghiệp hữu và Sanh hữu. Nghiệp hữu tích lũy nghiệp đưa đến kết quả khổ vui, còn Sanh hữu quyết định cảnh giới tái sanh trong tương lai. Nói đến Hữu thì gồm cả hai loại Nghiệp hữu và Sanh hữu. Ngoài ra, tùy theo khuynh hướng tạo nghiệp mà hữu chia ra làm ba thứ Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu.

Sanh: Do có hữu nên có sanh. Một khi đã tạo nghiệp hữu nhất định phải bị nghiệp lôi kéo vào vòng sanh tử luân hồi. Chúng sanh chết rồi theo nghiệp tái sanh trong tam giới lục đạo gọi là sanh. Sanh là sự hình thành một đời sống mới, sự tạo thành thân năm uẩn, sự xuất hiện hợp thể danh sắc. Từ sự khởi đầu của sanh mà con người phải chịu những quả khổ vui trong đời sống hiện tại. Đồng thời tiếp tục tạo các nhân sanh tử ở tương lai.

Lão Tử: Do có sanh nên có già chết. Bất cứ ai, một khi có sanh nhất định phải có ngày chung cuộc. Già là trạng thái suy thoái, xuống cấp của cơ thể biểu hiện qua các tướng trạng như da nhăn, má cóp, răng rụng, mắt mờ, tai điếc..v.v... Tuy nhiên không phải ai cũng trải qua giai đoạn già. Có người chết còn rất trẻ và có thể chết bất cứ lúc nào. Thế nên chết là một điều chắc chắn. Cái chết đưa đến sự tan rã, hoại diệt thân năm uẩn, sự chấm dứt đời sống, sự phân ly hợp thể danh sắc. Nhưng chết không phải là hết, nó chỉ chấm dứt thân ngũ ấm hiện tại và khởi đầu cho một sự sống mới.

2. Bốn cách trình bày của Phật về Duyên khởi

Giáo lý Duyên khởi rất thâm sâu mầu nhiệm, nó thuộc về tuệ quán. Chúng ta nếu dụng tâm không sâu sắc ắt khó mà lãnh hội. Thế nên khi trình bày về giáo lý này, đức Phật cũng tùy duyên uyển chuyển sao cho hợp với căn cơ của người nghe. Đức Phật có bốn cách giảng dạy về duyên khởi khác nhau: từ đầu đến cuối, từ cuối đến đầu, từ giữa đến cuối và từ giữa đến đầu. Vì sao đức Phật lại trình bày giáo lý Duyên khởi đến bốn cách. Ngài Phật Âm đã lý giải điều này trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo: “Bởi vì duyên sinh hoàn toàn có lợi ích, và bởi Ngài có được thiện sảo trong sự giáo dục. Duyên sinh hoàn toàn có lợi ích, dù khởi từ bất cứ khởi điểm nào trong bốn khởi điểm nói trên, duyên sinh cũng chỉ đưa đến thể nhập chánh đạo[1].

2.1. Từ đầu đến cuối

Giáo lý Duyên khởi bắt đầu từ vô minh đến già chết như sau : “ vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc ...; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết...”[2]. Đức Phật trình bày chi phần vô minh trước tiên trong chuỗi 12 chi phần nhân duyên để nói lên sự nguy hiểm của vô minh và tầm quan trọng của việc giác ngộ. Trước nhất Ngài chỉ dạy về nguyên nhân quá trình hiện hữu của đời sống. Đời sống hiện hữu của chúng ta với những khổ đau của kiếp người, nào sinh già bệnh chết, nào sầu bi khổ ưu não; nào sự tái sinh trong Tam giới Lục đạo…. đều có nguồn gốc từ vô minh. Có vô minh tức có tái sinh, có đau khổ. Ở đây, đức Phật nói lên cái nguyên nhân căn để của khổ đau, để cảnh tỉnh chúng ta. Ngài chỉ đích danh vô minh như là khởi điểm của mọi tiến trình sanh tử, như là xuất phát điểm của 12 chi phần duyên khởi. Mặc dù vô minh cũng mang tính duyên sinh, không phải nguyên nhân đầu tiên. Tuy vậy, vô minh vẫn đóng một vai trò rất lớn trong toàn bộ 12 chi phần duyên khởi, một trong những động cơ chính tạo nghiệp sanh tử. Phật dạy duyên khởi bắt đầu từ vô minh là có mục đích để người nghe thấy sự nguy hiểm của tâm lý si mê lầm lạc nguy hiểm tai hại biết chừng nào. Chính tâm si mê không biết chánh đạo đã khiến cho chúng sanh phải luân chuyển trong lục đạo luân hồi:

“Đêm dài cho kẻ thức

Đường dài cho kẻ mệt

Luân hồi dài kẻ ngu

Không biết chân diệu pháp”[3].

Thứ hai, đức Phật có dụng ý thuyết minh tầm quan trọng của chánh pháp hay giác ngộ chánh pháp. Bởi vô minh có từ vô thủy và chúng sanh không thể thoát khỏi tình trạng vô minh nếu không có đức Phật ra đời. Các vị đạo sư khác giảng dạy con đường đưa đến giải thoát không trọn vẹn, hoặc chỉ đạt được hạnh phúc tương đối trong cõi người, cõi trời mà thôi. Chỉ có đức Phật ra đời với chánh pháp xuất thế vi diệu mới có thể phá tan bóng tối vô minh lầm lạc từ vô thủy, giúp cho chúng sanh giác ngộ, đạt đến niềm vui của Niết-bàn tuyệt đối. Thế nên đức Thế Tôn từng tuyên bố: “Chỉ trong giáo pháp của Như Lai hay đệ tử của Như Lai mới có đệ nhất Sa-môn, đệ nhị Sa-môn, đệ tam Sa-môn và đệ tứ Sa-môn. Các ngoại đạo khác không có[4].

Hoặc sau khi trình bày tiến trình sanh tử qua 12 chi phần nhân duyên như là kết quả của nhân quả khổ đau, đức Phật trình bày con đường giải thoát khổ đau bằng khởi điểm: Phật xuất hiện ra đời, thuyết pháp, người có niềm tin, đến nghe pháp v.v... cho đến chứng quả A-la-hán.

Tóm lại, chúng sanh vì bị vô minh che ám không biết con đường chánh, thế nên đức Phật mới xuất hiện ra đời. Sự ra đời của đấng Giác Ngộ cũng không ngoài hai mục đích chuyển mê và khai ngộ cho chúng sanh. Giúp cho mọi người ra khỏi vô minh, khiến minh sanh khởi là bản hoài của chư Phật. Mọi sự giải thoát an vui theo Phật giáo đều bắt đầu từ Chánh kiến, tức có trí tuệ về Tứ đế hay Duyên khởi.

2.2. Từ cuối đến đầu

Đức Thế Tôn trình bày lý duyên khởi lấy già chết làm khởi điểm, rồi từ đó truy tìm về cái nguyên nhân căn bản vô minh. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật nói lên tiến trình duyên khởi từ thực trạng khổ đau của già chết như sau:

“Này các Tỷ kheo, ta lại suy nghĩ như sau : cái gì có mặt, già chết có mặt. Do duyên gì, già chết sanh khởi. Do duyên sanh, già chết có mặt, do duyên sanh, già chết sanh khởi...Rồi này các Tỷ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: cái gì có mặt, hành có mặt. Do duyên gì, hành sanh khởi. Do duyên vô minh, hành có mặt; do duyên vô minh, hành sanh khởi[5]”.

Qua lối trình bày trên, đức Phật muốn cho chúng ta nhận thức thực trạng khổ đau đang hiện hữu với tất cả những hệ luỵ của kiếp người bằng chi phần già chết. Cách này tương tự như cách sắp đặt Khổ đế trước rồi mới đến Tập đế trong giáo lý Tứ đế. Từ thực tế khổ đau của kiếp sống nhân sinh mà giác ngộ và lần ra cái nguyên nhân căn để của nó là điều không dễ. Thật ra đây là con đường giác ngộ của các bậc có chí hướng thoát trần thượng sĩ và có căn cơ đặc biệt như các vị Độc giác Phật hoặc Bồ-tát. Các ngài chỉ cần nhìn hoa rơi lá rụng, thấy được cái bất toàn, vô thường, vô ngã, khổ đau của kiếp sống nhân sinh mà giác ngộ được lý duyên sinh, nhận ra cái bí mật của 12 nhân duyên. Đức Phật khi còn ở địa vị Bồ-tát cũng giác ngộ bằng cách ấy. Thật vậy, từ thực trạng khổ đau của kiếp sống luân hồi mà phăng tìm đến cái nguồn căn vô minh, nếu không phải bậc đại trí, vô sư tự ngộ như Phật Độc giác hay Phật Chánh Đẳng Giác thì không thể làm nổi. Thế nên, cách trình bày lý duyên khởi từ cuối đến đầu không phổ biến trong Kinh tạng Nikāya. Các vị tu tập theo hạnh Thinh văn chủ yếu nghe Phật giảng dạy lý duyên khởi bắt đầu từ vô minh đến già chết là phổ biến nhất. Tuy nhiên, lối giảng dạy duyên khởi xuất phát từ già chết cũng có chủ tâm của Thế Tôn. Cái gì cũng có nguyên nhân, nếu quyết tâm thì nhất định sẽ tìm được cái nhân của nó. Đời sống già bệnh sầu bi có là do sinh, không sinh thì nhất định không có các thứ khổ đó. Cứ như thế mà truy dần đến cái cội rễ vô minh. Đó là lý do đức Phật dạy chúng ta quán lý Duyên khởi theo lối hoàn diệt từ già chết đến vô minh, ở đây Ngài dạy cho chúng ta biết cách suy luận theo lối duyên sinh, nhân quả. Chính lối suy luận này đã cho người ta có một cái nhìn giác ngộ về duyên khởi một cách trọn vẹn. Đây cũng chính là con đường đưa đến thể nhập chánh tri kiến, phá tan bóng tối vô minh lầm lạc. Kinh Chánh Tri Kiến, Tôn giả Xá-lợi-phất dành phần lớn nội dung nói về việc chứng được chánh tri kiến từ duyên khởi: “Chư hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri già chết, tuệ tri tập khởi của già chết, tuệ tri đoạn diệt của già chết, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của già chết. Chư hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến. Thế nào là già chết,...Già như vậy, chết như vậy, chư Hiền, như vậy là già chết. Từ sự tập khởi cửa sanh, có sự tập khởi của già chết; từ sự đoạn diệt của sanh, có sự đoạn diệt của già chết. Thánh Đạo Tám Nghành này là con đường đưa đến sự đoạn diệt của già chết[6].

Cứ như thế, ngài Xá-lợi-phất trình bày cho đến chi phần vô minh. Điểm đặc biệt ở đây là chúng ta có thể thấy giáo lý Duyên khởi được thuyết giảng qua hình thức Tứ đế. Điều đó chứng tỏ giáo lý Duyên khởi và giáo lý Tứ đế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu mối tương quan này ở phần sau. Tóm lại, đức Thế Tôn trình bày lý Duyên khởi từ già chết đến vô minh để nói lên kinh nghiệm giác ngộ của chư Phật. Đồng thời cũng chỉ cho chúng ta cách quán sát, suy luận theo tiến trình duyên khởi, nhân quả. Chính lối quán sát này đã giúp cho biết bao người thành tựu chánh kiến, phá tan vô minh chấp thủ ngàn đời để đạt được giải thoát an vui.

2.3. Từ giữa đến cuối

Đức Phật trình bày lý Duyên khởi từ chi phần Lục nhập đến chi phần Lão tử như sau: “Do duyên con mắt và các sắc, Nhãn thức sanh khởi lên. Do ba cái tụ hợp nên có xúc; do duyên xúc nên có thọ; do duyên thọ nên có ái; do duyên ái nên có thủ; do duyên thủ nên có hữu; do duyên hữu nên có sanh; do duyên sanh nên có già chết sầu bi khổ ưu não sanh khởi”[7]. Cũng như thế đối với các căn còn lại. Hoặc có khi đức Phật trình bày khởi điểm duyên khởi từ chi Ái: “Này các tỷ kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ có mặt. Do duyên thủ nên hữu có mặt. Do duyên hữu nên sanh có mặt. Do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”[8].

Với cách trình bày lý Duyên khởi từ giữa đến cuối, đức Phật muốn nhấn mạnh đến động cơ chủ yếu của vòng tái sanh đau khổ chính là ái dục. Thật vậy, trong nhiều kinh điển, đức Thế Tôn thường xem vô minh như là động lực gián tiếp và ái được xem như chủ nhân chính của nghiệp sanh tử: “Chính ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái và vô hữu ái[9].

Lại nữa, trong 12 chi phần duyên sinh, chi ái đóng vai trò chủ động trong việc tạo nghiệp. Vì thế đức Phật xem ái chính là khởi điểm của tiến trình duyên khởi khổ đau. Có ái tức có khổ đau, chấm dứt ái là chấm dứt khổ đau. Toàn bộ phương pháp tu hành của Phật giáo cũng nhằm vào mục đích đoạn diệt tham ái. Sở dĩ chúng ta còn tiếp tục tái sanh, 12 chi phần duyên sinh tiếp tục vận hành là do ái luôn luôn được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Cũng giống như một cái cây luôn được cung cấp đủ nước thì nó tiếp tục sinh trưởng, một đống lửa luôn được cung cấp nhiên liệu thì nó tiếp tục cháy mãi. Quả thật, ái thường được vô minh hay các chi phần khác nuôi dưỡng nên chúng luôn được sung mãn, vì người vô trí không nhận chân được ái làm động cơ của mọi tiến trình đau khổ nên liên tục nuôi lớn nghiệp ái để rồi cuối cùng phải tái sanh vào ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nếu giác ngộ được ái, nguồn cội của sống chết khổ đau rồi tu hành để chấm dứt nó, cũng chính là khởi đầu của con đường giải thoát. Có thể nói điểm đột phá để chấm dứt khổ đau, bẻ gãy xiềng xích duyên khởi phải trải qua hai giai đoạn quan trọng: giác ngộ lý Duyên sinh hay giáo lý Tứ diệu đế rồi sau đó tu tập đoạn tận tham ái. Giác ngộ lý Duyên sinh tức đoạn trừ Kiến hoặc, tu tập chấm dứt tham ái phiền não là đoạn trừ Tư hoặc. Kiến tư hoặc không còn thì hoàn toàn ra khỏi sinh tử khổ đau như lời Phật dạy: “Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; ... do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt[10].

Tuy ái làm động lực cho sanh tử, là phần năng động nhất trong chuỗi 12 chi phần nhân duyên, nhưng ái cũng mang tính duyên sinh, thế nên nó cũng hình thành và hoại diệt theo các điều kiện. Duyên sinh ra ái là thọ. Nói rằng đoạn diệt tham ái là khởi điểm của sự tu hành, nhưng thật sự chúng ta phải tu tập từ ngay chi phần thọ. Không có thọ thì ái cũng không thành tựu. Khi các cảm thọ khởi lên, chúng ta giác tỉnh không chạy theo, không đắm nhiễm thì ngay nơi đó ái bị đoạn trừ và toàn bộ khổ uẩn cũng đoạn diệt theo. Đây chính là cốt lõi của sự tu hành đưa đến đoạn tận khổ đau trong giáo lý của đức Phật. Chúng ta sẽ bàn kỹ về vấn đề này ở phần tu tập. Như vậy, đức Thế Tôn trình bày lý duyên khởi từ giữa đến cuối nhằm mục đích nhấn mạnh đến cái động cơ chủ yếu của duyên sinh đưa đến sinh tử. Để từ đó chúng ta biết đâu là điểm xuất phát của sự tu tập. Điểm xuất phát ấy chính là đoạn trừ vô minh và tham ái vậy.

2.4. Từ giữa đến đầu

Được đức Thế Tôn trình bày như sau trong kinh Trung Bộ và nhiều kinh khác: “Này các Tỷ kheo, có bốn món ăn giúp cho an trú các loài hữu tình đã sanh hay phò trợ các loài hữu tình sẽ sanh. Thế nào là bốn ? Đoàn thực thô hoặc tế, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực, và thứ tư là thức thực.Và này các tỳ kheo, bốn món ăn này, lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Bốn món ăn này lấy ái làm nhân duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm sanh chủng và lấy ái làm nguyên nhân...”[11]. Cứ như thế cho đến chi phần Vô minh.

Phần trình bày lý Duyên khởi trên, đức Phật đã đưa ra bốn loại thức ăn như là kết quả của vô minh và tham ái. Bốn loại thức ăn này làm nguyên liệu để duy trì bánh xe sanh tử. Thay vì ái duyên thủ, thủ duyên hữu, v.v... thì được thay thế bằng bốn loại thức ăn là Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực. Đoàn thực duy trì thân vật chất tứ đại, còn ba món còn lại thì duy trì và nuôi dưỡng nghiệp hữu lậu trong hiện tại để đưa đến tái sanh trong tương lai. Thế nên kinh nói bốn loại thực phẩm này có công năng giúp cho an trú các loài hữu tình đã sanh hay phò trợ các loài hữu tình sẽ sanh. Bốn món thức ăn trên được phát sinh, nuôi dưỡng bởi nhân duyên tham ái. Có tham ái nhất định có bốn loại thức ăn. Nếu truy tầm tiếp đến tận gốc thì nó có nguyên do sâu xa từ vô minh. Như vậy, đức Phật trình bày lý duyên khởi phát xuất từ bốn loại thức ăn đến vô minh để nói lên một sự thật: vô minh còn tồn tại thì tham ái còn hiện hữu, và tham ái còn hiện hữu thì thức ăn duy trì nghiệp sanh tử vẫn tiếp tục. Điều đó chứng tỏ rằng vô minh và tham ái luôn luôn là động cơ chính của nghiệp, của tiến trình duyên khởi sanh tử khổ đau. Muốn chấm dứt vòng duyên sinh đau khổ này, yếu tố tiên quyết vẫn là đoạn diệt vô minh và tham ái. Đây là điểm nhất quán trong mọi cách trình bày về giáo lý Duyên khởi của Thế Tôn.

Chúng ta có thể nhận định một cách tóm tắt về các cách trình bày giáo lý Duyên khởi của Thế Tôn như sau:

Từ gốc đến ngọn, nói lên diễn tiến qui luật từng tự phát sinh từ căn bản vô minh ra đời sống hiện hữu. Cách này đức Phật nhấn mạnh đến cái nguyên nhân căn để của duyên sinh khổ đau phát xuất từ vô minh. Đồng thời nói lên tầm quan trọng của việc tiếp thu Chánh pháp hay chứng ngộ Chánh kiến phá trừ vô minh. Lối trình bày này khá phổ biến trong kinh điển về duyên khởi.

Từ ngọn đến gốc, nói lên từ hiện trạng khổ đau mà truy tìm về cội rễ của nó. Về mặt lịch sử, đây là truyền thống giác ngộ của chư Phật. Ngoài ra lối giảng dạy này còn giúp hành giả phát sinh trí tuệ, bởi hình thức suy luận theo cách duyên sinh, nhân quả.

Từ giữa đến ngọn, đức Phật muốn nhấn mạnh đến ái như là chi phần đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tạo nghiệp sanh tử. Bên cạnh đó, đức Phật cũng khẳng định việc tu tập chấm dứt tham ái có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa đến giải thoát mọi khổ đau. Cách trình bày này khá phổ biến trong Kinh tạng và có ý nghĩa rất lớn về tu tập.

Từ giữa đến đầu, thông qua bốn loại thức ăn như kết quả của khổ đau, đức Phật chỉ ra cái nguyên nhân sâu xa của nó có nguồn gốc từ tham ái và vô minh. Tham ái đóng vai trò trực tiếp tạo nghiệp sanh tử, còn vô minh có vai trò gián tiếp. Do vậy, muốn giải thoát khổ đau hay cắt đứt vòng duyên sinh ắt phải đoạn trừ vô minh, tham ái. Đây là điểm đúc kết quan trọng về giáo lý Duyên khởi của Thế Tôn.

3. Những cách giải thích khác nhau về mười hai chi phần duyên khởi

Giáo lý Duyên khởi rất thâm sâu và có nhiều tầng ý nghĩa. Tùy theo góc độ tu tập, nghiên cứu của từng trường phái mà sự lý giải về 12 duyên khởi có sai khác. Tuy nhiên cách lý giải nào cũng có một đặc điểm chung là giải thích sự vận hành theo qui luật của các pháp hữu vi nói chung và sự hiện hữu của con người nói riêng. Bởi vì duyên sinh là pháp tính của mọi hiện hữu. 12 nhân duyên là pháp tắc tác thành nên sự hiện hữu của con người. Sự hiện hữu này có thể hiểu qua ba khoảng thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Hoặc chỉ trong kiếp sống hiện tại, hay chỉ trong một sát na. Sau đây là một vài cách lý giải tiêu biểu.

3.1. Nhân quả ba đời

Cách giải thích này nhằm chứng minh sự sinh khởi của 12 nhân duyên kéo dài từ quá khứ đến hiện tại và còn tiếp tục ở tương lai. Mười hai nhân duyên được hiểu qua hai cặp nhân quả, tương ưng với ba khoảng thời gian như bài kệ trong luận Thanh Tịnh Đạo:

“Gốc rễ của bánh xe là vô minh và ái dục

Thời của nó là quá khứ, hiện tại, vị lai

Thuộc về các thời này là

Hai, tám và hai, trong 12 chi ấy”[12].         

Hai chi vô minh và hành thuộc về quá khứ; tám chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu thuộc về đời sống hiện tại. Hai chi phần sanh và lão tử ở kiếp vị lai. Đó là ba thời, còn hai cặp nhân quả được hiểu như sau: vô minh và hành được xem như cái nhân trong quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả khổ trong hiện tại. Đây là cặp nhân quả khổ thứ nhất. Ba chi ái, thủ, hữu là nhân khổ trong kiếp hiện tại và sinh, lão tử là quả khổ trong kiếp vị lai. Đây là cặp nhân quả thứ hai. Cách giải thích về nhân quả ba đời như thế tạo thành thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả rất nổi tiếng của Phật giáo.

Từ cách lý giải 12 nhân duyên sinh như trên, chúng ta thấy rằng đời sống sinh tử luân hồi của chúng sanh vốn vô cùng vô tận. Nhân quả cứ chuyền níu nhau tiếp tục sinh khởi qua ba thời mà không biết đến bao giờ chấm dứt, vì cái nhân sinh tử khổ đau vẫn còn và luôn được nuôi dưỡng. Cái nhân ấy chính là vô minh và hành trong quá khứ, chúng đã dệt nên đời sống khổ đau hiện tại; rồi ái, thủ, hữu hiện tại lại tiếp tục tạo thành đời sống kế ở tương lai. Cứ như thế tiếp diễn đến vô cùng. Ngày nào vô minh, ái, hữu còn tồn tại thì bánh xe sanh tử vẫn tiếp tục xoay vòng. Điều đó nói lên tầm quan trọng của việc giải thoát vô minh tăm tối ngàn đời bằng trí tuệ siêu việt hay Chánh tri kiến. Khi ấy vòng duyên khởi nhất định bị phá trừ, nghiệp hữu tiêu tan và Niết-bàn hiện hữu. Vì vậy thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả là một phát hiện đầy trí tuệ của đạo Phật. Nó vừa chỉ ra nguyên nhân tồn tại, luân chuyển của nhân sinh đồng thời cũng cho chúng ta một nẻo đường đi đến giải thoát an vui bằng cách diệt trừ những nguyên nhân đau khổ ấy.

3.2. Kiếp sống nhân sinh

Đời sống hiện tại của chúng ta cũng trải qua 12 nhân duyên khởi kể từ khi mới nhập thai cho đến khi từ giã cõi đời. Do vô minh, hành trong quá khứ hình thành thức tái sanh đi vào thai mẹ. Đó là sự khởi đầu của một đời sống mới. Thức tái sanh kết hợp với tinh cha, huyết mẹ hình thành một hợp thể vật chất tinh thần Danh sắc. Danh sắc có thể xem như đời sống sơ khai của chúng sanh. Người mẹ thụ thai ở giai đoạn này. Phật dạy phải có sự hòa hợp giữa ba yếu tố tinh cha, huyết mẹ và hương ấm mới có thể thọ thai: “Này các tỳ kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, người mẹ trong thời có thể thụ thai và hương ấm có hiện tiền. Có ba sự hòa hợp như thế thì bào thai mới hình hành”[13]. Bào thai phát triển trong cơ thể người mẹ dần dần hình thành đầy đủ các căn gọi là giai đoạn lục nhập. Đến lúc trẻ biết bú là giai đoạn của xúc. Lớn hơn chút nữa, trẻ biết cảm nhận thế giới xung quanh, có cảm giác về các cảm thọ ưa thích, ghét bỏ các cảm thọ khó chịu là giai đoạn của thọ. Khi con người trưởng thành các căn phát dục đầy đủ rồi nảy sinh các tình cảm yêu ghét mạnh mẽ. Cái gì mình cảm thấy vừa lòng thích ý thì yêu mến không rời, còn cái gì không thích lại sanh tâm chán bỏ. Đây là giai đoạn của ái vậy. Từ đây về sau con người cứ huân tập các nghiệp ưa ghét ngày càng nhiều. Nào chạy theo ngũ dục, tiền tài, danh lợi không bao giờ chán chính là giai đoạn hình thành các nghiệp thủ hữu. Và cuối cùng đến giai đoạn già chết rồi theo nghiệp thiện hay ác đi tái sanh trong tương lai.

Cách lý giải 12 nhân duyên diễn tiến trong một đời người như vừa trình bày phần trên, tuy chúng không thật sâu sắc nhưng cũng cho chúng ta biết được chi phần duyên khởi nào nắm giữ vai trò chủ đạo trong một giai đoạn nào đó của đời người. Chẳng hạn ba chi phần thức, danh sắc, lục nhập có vai trò chủ đạo trong buổi sơ khai của con người. Hai chi phần xúc, thọ hoạt động nhiều ở giai đoạn ấu niên; còn ái, thủ, hữu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ thanh niên trở về sau. Qua sự phân tích, chúng ta thấy ở thuở ấu niên con người ít tạo nghiệp hơn. Người ta tạo nghiệp phần nhiều ở giai đoạn thanh niên trở về sau. Các chi phần ái, thủ, hữu hình thành sung mãn ở giai đoạn này đã chứng minh điều đó. Sự phân tích giáo lý 12 duyên khởi trong một đời người như vậy sẽ giúp chúng ta đánh giá được giai đoạn tạo nghiệp chủ yếu của con người. Nhờ đó chúng ta đưa ra những phương pháp giáo dục và tu tập hợp lý để ngăn chặn động cơ tạo nghiệp bất thiện cho từng giai đoạn cụ thể.

3.3. Hành động hiện tại

Có người nhìn lý thuyết duyên khởi thâm sâu, tế nhị hơn, ấy là thuyết duyên khởi trong mỗi hành động. Mười hai nhân duyên có thể được diễn tiến qua một quá trình hành động ngay hiện tại. Bất cứ một hành động nào như việc nhìn một bông hoa, sự hình thành một cơn giận, hay yêu ghét một người nào đó..v.v... đều chứa một diễn trình duyên khởi. Hành động có khi chớp nháng, có khi kéo dài, nhưng hành động nào cũng phải trải qua 12 nhân duyên.

Do vô minh mới có tạo tác sai lầm. Do có sự vận hành nên sinh ra cái biết, từ đó có sự phân biệt chủ thể và khách thể. Tính biết hay tính phân biệt tự tạo ra hai khía cạnh của nó là tâm lý và vật lý (danh sắc). Danh sắc tạo ra điều kiện và phương tiện để nó vận hành là lục nhập, gồm các căn bên trong và các cảnh giới tương ưng bên ngoài. Có trong có ngoài nên sanh ra sự tiếp xúc. Tiếp xúc sinh ra cảm thọ. Từ cảm thọ sinh ra sự ham muốn. Từ ham muốn sinh ra sự nắm giữ, chấp chặc, ràng buộc. Vì nắm giữ nên sinh cái hiện hữu, môi trường. Cái môi trường hiện hữu này tạo sự sinh. Và đã sinh thì có già, chết, hư hoại, diệt vong”[14].

Cách giải thích 12 nhân duyên diễn tiến trong hành động hiện tại rất sâu sắc và phức tạp, nhưng chúng hoàn toàn phù hợp theo qui luật vận hành của tâm thức con người, vì khi vô minh còn hiện hữu thì con người còn điên đảo vọng tưởng, chấp ngã, chấp pháp là điều tất yếu. Lẽ dĩ nhiên hành, thức, danh sắc bị vô minh chi phối cũng chấp thủ sai lầm theo. Sự chấp thủ ấy tất nhiên phải hình thành theo các điều kiện duyên sinh từ xúc, thọ, ái, thủ, hữu... Cái gì có sanh ắt có diệt, cho nên một hành động nào cũng có lúc phải kết thúc. Để hình dung điều này, chúng ta có thể dùng một ví dụ rất nổi tiếng “Người ăn xoài” trong luận Thắng Pháp Tập Yếu:

Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài. Một trái xoài rơi xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giật mình ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình giật mình thức giấc. Người ấy thấy trái xoài, lượm lên, ngửi và xem xét trái xoài. Khi được biết trái xoài đã chín, người ấy ăn trái xoài, ăn xong người ấy nằm xuống ngủ tiếp”[15].

Theo luận này phân tích thì người đang ngủ chỉ cho trạng thái vô minh tiềm ẩn, còn gọi là hữu phần hay tiềm thức. Ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình thức giấc, chỉ cho tâm thức được kích thích thông qua các căn môn, ở đây cũng có nghĩa hành, thức sinh khởi. Việc thấy trái xoài chỉ cho sự sanh khởi của thức. Hành động lượm trái xoài chỉ cho tâm thức lãnh thọ sự tiếp xúc của ngoại vật, còn gọi là tiếp thọ tâm. Việc ngửi và xem xét trái xoài chỉ cho tâm thức tìm hiểu đối tượng với kinh nghiệm quá khứ, gọi là suy đạt tâm. Xác định trái xoài đã chín tức là xác định đối tượng theo sự hiểu biết của mình. Đây là xác định tâm. Ba tâm tiếp thọ, suy đạt, xác định cũng đồng nghĩa với sự sinh khởi các chi phần lục nhập, xúc, thọ. Hành động ăn trái xoài chỉ cho tâm xử sự với đối tượng. Đây chính là giai đoạn tạo nghiệp quan trọng nhất. Ái, thủ, hữu phát sanh trong giai đoạn này. Người kia nằm xuống ngủ tiếp chỉ cho kết thúc hành động ăn xoài đồng nghĩa với lão tử.

Tóm lại, cách giải thích 12 duyên khởi trong hành động nhằm nhấn mạnh rằng, dù bất cứ hành động nào hay bất cứ pháp hữu vi nào cũng vận hành theo qui luật duyên sanh. Con người hay hành động của con người cũng là pháp hữu vi thế nên cũng sinh thành và hoại diệt theo qui luật duyên sinh

3.4 Trong từng sát na

Ngoài ra cũng có trường phái nhìn 12 nhân duyên qua một sát na hiện hữu. Cách nhìn này cực kỳ sống động, mầu nhiệm và vi tế. Theo quan điểm sát na hiện hữu, 12 nhân duyên không còn sinh khởi từng tự theo thời gian nữa mà chúng sinh khởi đồng thời. Một chi phần có mặt lập tức 11 chi phần kia có mặt. Nếu suy rộng ra, một pháp hiện hữu thì tất cả pháp đều hiện hữu. Cách giải thích này đã đưa chúng ta về định thức duyên khởi tổng quát: "Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh... ”. Từ đó mở ra một chân trời mới, bao la và mầu nhiệm về giáo lý Duyên khởi. Thật vậy, lý thuyết trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm với thuyết “một là tất cả, tất cả là một” và thuyết nhân quả đồng thời của Pháp Tướng tông có lẽ cũng phát triển từ cách nhìn sâu sắc này. Không riêng gì Pháp Tướng hay Hoa Nghiêm mà toàn bộ Phật giáo Đại thừa cũng hình thành và phát triển trên nền tảng giáo lý Duyên khởi của 12 nhân duyên. Nhưng với cái nhìn sâu sắc nhất, tế nhị nhất, mầu nhiệm nhất của chân lý duyên khởi.        

(Còn tiếp).                                                                        


[1] NS. Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo II, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 884.

[2] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 14

[3] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, tr. 22..

[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 151-152.

[5] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 24 -26.

[6] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 117-118.

[7] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 134.

[8] Sđd, tr. 154.

[9] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng V, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh,1991, tr. 612.

[10] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr

[11] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 570-572.

[12] NS. Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo II, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 711.

[13] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 582.

[14] HT. Thích Giác Toàn, Giáo Dục Phật Giáo, 2005, tr. 26

[15] HT. Thích Minh Châu dịch, Thắng Pháp Tập Yếu, Tư thư viện Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 11-12.