Tìm hiểu về lễ Tảo mộ ở Việt Nam và tiết Thanh minh của Trung Quốc

taomoA. DẪN NHẬP

Ngược dòng lịch sử, Phật giáo đã bắt rễ và phát triển tại nước ta hơn 2000 năm. Trải qua những thăng trầm biến đổi, cải biến, thích ứng, dung hợp, Phật giáo đã dần dần bám rễ ăn sâu vào nền văn hóa dân tộc Việt Nam trở thành một nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Bên cạnh đó, song song với truyền thống Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Quốc lại rất đa dạng và phong phú không kém, được bao hàm nhiều mảng như: sản phẩm về tinh thần, nghệ thuật điêu khắc, giáo dục Phật giáo, hội họa, thi ca, y phục thông qua mỗi thời đại, nghi lễ của từng địa phương, những ngày lễ tết truyền thống, v.v…, thậm chí đến màu sắc cũng có ảnh hưởng lớn về văn hóa. Phong tục tập quán của người Trung Quốc về các lễ hội chỉ là tập tục tập quán dân gian, tuy chỉ là một mảng nhỏ nhưng nó bao hàm tất cả tập tục bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói đời sống của người dân Trung Quốc có nhiều phong tục tập quán thú vị, trong đó thú vị nhất có thể kể đến ngày lễ tiết Thanh minh truyền thống. Không giống như các nước phương Tây, ngày lễ của Trung Quốc đều có nét văn hóa độc đáo riêng biệt, điều này đã thể hiện khát vọng theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, bình yên, cát tường như ý của người Trung Hoa.

B. NỘI DUNG

I. TÌM HIỂU TIẾT THANH MINH CỦA TRUNG QUỐC VÀ LỄ TẢO MỘ THEO DÂN GIAN VIỆT NAM

- Theo truyền thuyết, tiết Thanh minh của Trung Quốc được bắt nguồn từ khoảng đầu nhà Chu, đã có trên 2500 lịch sử. Tiết Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và người phương Đông chọn dịp này làm lễ Tế Tổ, Tảo mộ, và cho đến nay một số vùng vẫn còn tục lệ này.[1] Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa, đấy là sang tiết Thanh minh. Những ngày này tiết trời trong sáng, mát mẻ nhất của năm. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau nếm trải bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cuộc cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (từ 3/3 đến 5/3 AL). Kể từ đó, ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Dần dần, người dân tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân Trung Quốc. Vào ngày tết Hàn thực, người ta kiêng lửa, mọi việc nấu nướng không được thực hiện, chỉ có dùng bánh trôi – bánh chay hoặc có thể chuẩn bị nấu nướng trước một ngày cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội – hàn thực. Vì vậy, người dân còn gọi tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết Bánh trôi – Bánh chay.[2]

- Lễ Tảo mộ theo dân gian Việt Nam: Thông thường cứ vào những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình vẫn duy trì thói quen đi tảo mộ người thân, với ý nghĩa mong muốn đón nhận những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. “Tảo mộ” nghĩa đen là “quét mộ”. Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp, nhiều gia đình người Việt đi tảo mộ. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.

- Đi tảo mộ trong tiết Thanh minh đã trở thành một tập tục quan trọng trong dân gian và truyền cho đến ngày nay, chỉ có khác là hình thức đơn giản hơn trước. Tại Việt Nam, vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa trang để sửa sang, quét dọn phần mộ của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu. Khác với Trung Quốc, lễ Tảo mộ chỉ diễn ra vào tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) thì ở nước ta, người Việt Nam không những tảo mộ trong tiết Thanh minh mà còn rất quan tâm đến mồ mả ông bà trong ngày tết Nguyên đán. Mỗi địa phương, mỗi dòng họ, gia đình ấn định ngày “tảo mộ” khác nhau, thời điểm thường là tháng Chạp cuối năm hoặc đầu năm mới. Người Việt cũng coi đây là dịp báo cáo công việc trong năm qua với tổ tiên, ông bà, bố mẹ, người thân, những người đã khuất trong dòng tộc, bày tỏ mong muốn đón nhận những điều tốt đẹp hơn trong một năm mới đang đến. Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ Tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này. Đối với người Việt, tiết Thanh minh còn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu, đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất. Còn người Trung Quốc,Thanh minh tiêu biểu cho thời kỳ vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng tiêu biểu cho sự bắt đầu một cuộc sống mới, sanh sản không ngừng, đó là nguyên tắc thiên nhiên. Nhưng sanh mệnh có nguồn gốc của nó, cho nên người Trung Quốc lấy đức tính tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” làm yếu tố quan trọng.

Trong ngày tiết Thanh minh Tảo mộ, thể hiện xưa và nay, chết và sống, tổ tiên và con cháu dường như dung hoà với nhau, cùng nhau kết hợp trong đó không những tự nhiên thân thiết mà còn sâu đậm tình người. Tiết Thanh minh có triết lý thâm sâu tinh tế, bởi vì trong thế hệ người Trung Quốc, cuộc sống của một người là thông suốt quá khứ, hiện tại, và vị lai, điều này gọi là Đạo lý học vấn truyền từ đời này sang đời khác. Bình thường con người đem sanh tử phân làm hai, dành cho nhận xét giá trị chánh phản. Ví như sanh là mặt chánh, tiêu biểu cho giá trị tích cực, chết là mặt phản, tiêu biểu cho giá trị tiêu cực, chết là sự kết thúc của một đời người, cởi bỏ những giá trị của đời sống làm cho tất cả đều trở về không.Mỗi dân tộc đều có tư tưởng nhớ ơn tổ tông, tức giá trị cuối cùng và quan tâm sau chốt của sanh mệnh. Nho giáo cụ thể “lập mệnh trên tinh thần “kính Tổ”, đem tiểu ngã của cá nhân nối liền với đại ngã của dân tộc. Đó là tư tưởng báo ân người xưa. Người Trung Quốc mượn tiết Thanh minh Tảo mộ tổ tông, thể hiện luân lý thâm tình đời đời dìu dắt cùng nhau sanh tồn lại làm trí tuệ cao nhất và tình cảm chân thành nhất của nhân loại, biểu hiện tình cảm hài hoà giữa người với người, đồng thời bỏ đi tất cả mâu thuẫn tranh chấp của nhân gian.

II. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI HAI NGÀY LỄ TRÊN

Việc ứng dụng Phật pháp vào các sinh hoạt truyền thống của nhân dân là một việc rất có ý nghĩa. Ngoài mục tiêu hoằng pháp còn có ý nghĩa xây dựng nếp sống mới, văn minh, tiết kiệm. Lễ Tảo mộ là một phong tục tập quán hết sức tốt đẹp của người Việt, đặc biệt là những gia đình theo đạo Phật. Có thể nói, nơi thành thị việc này không được chú trọng lắm nhưng ở các vùng nông thôn thì rất là quan trọng .

Lễ Cầu siêu và Tảo mộ trong tiết Thanh minh ngoài mục đích cầu nguyện cho âm siêu, dương thới còn là phương tiện để tạo tình đoàn kết cho bà con và cũng thể hiện tinh thần từ bi, bình đẳng của đạo Phật.Đó là việc mọi người cùng nhau tảo mộ trong một ngày, gia đình này giúp cho gia đình kia, kể cả các mộ phầnkhông có thân nhân cũng được thắp hương, dọn dẹp sạch sẽ. Mọi người cùng nhau niệm Phật, tụng kinh với sự gia trì chú nguyện của chư Tăng là một việc vô cùng công đức để hồi hướngcho thân nhân quá vãng. Đó cũng là buổi lễ cầu siêu chẩn tế vong linh được tổ chứchằng năm tại công viên nghĩa trang mang ý nghĩa cao đẹp, đậm nét văn hóa của Phật giáo và của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, luôn tưởng nhớ và biết ơn những người đi trước, phản ánh được nét đẹp tâm linh của người phương Đông. Đặc biệt, tư tưởng Phật giáo đã lồng vào với hình thức vô cùng gần gũi đó là hình thức cầu siêu cho vong linh CửuHuyền Thất Tổ. Hễ nhà nào có mồ mả ông bà tổ tiên, đến ngày này họ cùng nhau đi tảo mộ, còn những gia đình tại thành thị khi người thân qua đời, họ thiêu lấy cốt gởi ở chùa, tịnh xá thì ngày này họ cũng về chùa, tịnh xá lau dọn bình cốt, tụng thời kinh cầu siêu, dâng trái cây, hoa quả, thức ăn chay dâng lên cúng dường mười phương Tam bảo và cúng Cửuhuyền Thất tổ cho người thân đã quá vãng,hồi hướng cầu siêu cho thân nhân được vãng sanh về Tây phương Tịnh độ ... Đây cũng là dịp để thắp nén hương lòng, bày chút hoa quả, tưởng nhớ ông bà, tổ phụ và những người thân đã khuất. Con cháu có đi làm ăn xa cũng thu xếp về quê tảo mộ nhân dịp này để tưởng nhớ đến gia tiên, những người đi trước, nhớ về nguồn cội, đồng thời là dịp gặp gỡ gieo duyên với Tam bảo. Hình ảnh ngôi chùa, cây đa, giếng nước luôn đi sâu vào tâm khảm của mỗi con người. Thanh minh không chỉ thể hiện đạo hiếu, tấm lòng luôn hướng về ông cha, tổ tiên, mà còn là dịp để giáo dục con cháu về văn hoá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, bổn phận của con cháu phải tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước, đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền ơn đáp nghĩa một phần nào ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên, của những người quá cố. Do vậy, hng năm đến tiết Thanh minh, con cháu sinh sống ở bất cứ nơi nào cũng về tham dự để tỏ lòng báo ân sinh thành dưỡng dục của các bậc tiền bối. Bên cạnh đó, TiếtThanh minh được thể hiện qua tinh thần báo hiếu trong nhà Phật mà Hoà thượng Tuyên Hoá từng dạy: Đạo hiếu có bốn thứ: một là đại hiếu, hai là tiểu hiếu, ba là viễn hiếu, bốn là cận hiếu. Đại hiếu, tức là báo đền ơn cha mẹ của mình trong nhiều đời về trước, báo đền ơn của sư trưởng. Tiểu hiếu, tức là hiếu thảo với cha mẹ trong đời này mà thôi; lo lắng, chăm sóc làm cho cha mẹ vui vẻ, phụng dưỡng, an ủi, đó tức là cung kính cha mẹ, cúng dường cha mẹ. Viễn hiếu, tức là kính trọng các bậc Thánh hiền xưa kia, lấy mỗi lời nói mỗi công hạnh của họ làm gương sáng để mình bắt chước noi theo. Cận hiếu,tức là ngoại trừ hiếu thảo với cha mẹ mình, cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ người khác.

C. KẾT LUẬN

Ngày lễ truyền tải những văn hóa truyền thống phong phú, điều hòa cuộc sống của con người. Thông qua ngày lễ, người ta có thể làm sống dậy truyền thống, hiểu rõ được văn hóa truyền thừa trong những ngày lễ; cũng có thể buông lỏng thân tâm, thể nghiệm nội hàm phong phú của cuộc sống, từ đó làm cho sanh mạng thêm dồi dào mỹ mãn. Dịp lễ để mọi người tụ hội là một đặc điểm cực kỳ quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Những dịp lễ theo bốn mùa tự nhiên trong năm cùng với cuộc sống của con người phát sanh mối quan hệ mật thiết, bao hàm tinh thần của trời đất và trật tự nhân gian, đó là khắc họa tư duy tốt đẹp “trời người hợp nhất”.

Trong lịch sử văn hóa, những ngày lễ truyền thống không bị con người lãng quên. Từ truyền thống của những ngày lễ, chúng ta thể hội được điều kỳ diệu của bốn mùa biến hóa, thể nghiệm sự sống và biến hóa tự nhiên đan xen vào nhau. Những ngày lễ truyền thống nhắc nhở chúng ta một năm cũng giống như một đời người, mỗi một ngày lễ truyền thống tiêu biểu cho một giai đoạn sanh trưởng, phát triển của con người. Tại mỗi một giai đoạn sanh trưởng, phát triển đó đều phải nắm vững thời cơ làm cho tâm mình trầm tĩnh, nhắn bảo bản chất sanh mạng của mình, đồng thời làm một bản kiểm thảo để suy nghĩ. Như vậy, không chỉ biểu hiện có trách nhiệm với sanh mạng của mình mà còn cho thấy biết được thế nào để làm chủ sanh mạng của mình.

Tảo mộ, Thanh minh cũng là ngày giỗ chung của mọi nhà hướng tới người quá cố nhằm báo hiếu trả nghĩa. Dù đi làm ăn xa đến đâu, đầu hoặc cuối năm ai nấy cũng cố gắng về chăm sóc bằng được mộ phần của tổ tiên và sum họp gia đình. Là dịp để cha chú kể lại những kỷ niệm về người xưa, dạy bảo cháu con, dâu rể, biết về mộ phần, tên tuổi, vai vế của người nằm dưới đất và chứng tỏ cho làng xóm biết dòng họ mình vẫn còn người phụng thờ. Với nhiều gia tộc, việc tảo mộ được quy định rất rõ ràng trong gia phả, cứ đến thời gian ấy con cháu phải về phụng sự, và đó là một sợi dây vô hình nối kết dòng họ.

Có thể nói tảo mộ Thanh minh là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc, biểu thị cao độ tính chất nhân văn và đạo lý làm người. Đây là mùa lễ hội thiêng liêng, có tính chất chu kỳ, đi vào tiềm thức người Việt, nhắc nhở mỗi người con trở về với quê hương nguồn cội, thực hiện đạo hiếu theo tư tưởng Phật giáo và xây dựng cuộc sống đoàn kết, thủy chung, thắm đượm nghĩa tình. Riêng ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào tháng 3 Thanh minh hay những ngày cuối năm. Chỉ có điều, người miền Bắc và miền Trung coi trọng ngày Thanh minh, tảo mộ, còn người miền Nam đề cao lễ Vu Lan báo hiếu hơn.


[1]Đàm Gia Kiên (Chủ biên), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội,tr. 222.

[2] Dịch từ Tài liệu tiếng Hán, của SC. TS. Kiên Liên.