Tìm hiểu xuất xứ các câu PHẬT NGÔN trong Luật nghi Khất sĩ

chonlyluatnghi

“Phật ngôn” là tập hợp 13 lời dạy cô đọng, súc tích được đức Tổ sư Minh Đăng Quang rút tỉa, trích dẫn gián tiếp hoặc tinh chiết từ lời Phật nói trong kinh điển, thuộc phần “Bài học Khất sĩ” trong cuốn “Luật nghi Khất sĩ” – một tài liệu gối đầu giường của chư Tăng Ni Khất sĩ. Tất cả nội dung trong phần “Bài học Khất sĩ”này được chư Tăng Ni Khất sĩ học thuộc lòng để hành trì trong mỗi lúc. Những câu “Phật ngôn” này chú trọng đến phương diện ứng dụng, hành trì nên có nội dung rất khúc chiết, chuyển tải những giáo lý cốt lõi nhất, tinh túy nhất, là những điều cần thiết nhất cho một người xuất gia ghi nhớ và hành trì. Đối với người xuất gia, chỉ cần thực hành miên mật bao nhiêu đó thôi cũng đủ để hiểu rõ phương pháp tu tập, giữ mình thanh tịnh ở ba phương diện thân, khẩu, ý, trở thành bậc chân tăng mô phạm cho đời.

Với mục đích hướng đến giá trị hành trì thực tế, đức Tổ sư chỉ tập trung vào phần nội dung những lời dạy này là chính, nhằmđể cho mọi thành phần trong hàng đệ tử xuất gia có thể ghi nhớ dễ dàng, đức Tổ sư đã lược đi nguồn gốc kinh mà các câu “Phật ngôn” này được trích hoặc rút tỉa ý tưởng. Tuy nhiên, việc truy nguồn của các câu Phật ngôn này là điều cần thiết hiện nay của hàng đệ tử hậu học. Với việc tìm hiểu xuất xứ của các câu Phật ngôn, chúng ta hiểu hơn thâm ý của đức Tổ sư qua những lời dạy này, đồng thời góp phần làm sáng tỏ tính khoa học, tính chính thống và chính xác của “Phật ngôn”. Trên cơ sở đó, nguồn từ kinh điển gốc góp phần xác tín vào “Phật ngôn” nói riêng và các nội dung khác trong bộ Chơn Lý. Rõ ràng "Chơn Lý" không chỉ là kim chỉ nam cho hàng đệ tử trong giáo pháp Khất sĩ mà còn là nguồn tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu vậy.

Phật ngôn 1: Đừng làm việc quấy nào hết: hãy làm việc phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình, ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật.

Nội dung của lời dạy này nhiều người học Phật và thực hành pháp Phậtgọi là “tuyên ngôn chánh pháp”, vì nội dung lời dạy này là nền tảng tất cả hệ thống giáo lý của đức Phật, xác định rõ những việc cần làm của một người thực hành pháp. Nội dung này đượctìm thấy trong kinh Pháp cú, câu số 183, rằng “Không làm các điều ác, làm các điều lành,giữ tâm ý trong sạch. Chính lời chư Phật dạy”.

Phật ngôn 2: Đối với nhà Sư, gần rắn độc còn hơn là gần đàn bà, vì con rắn chỉ hại mạng thôi, chớ người đàn bà nhận chìm tới địa ngục lận. Đã bao phen ta lấy đủ các thí dụ, mà làm cho chư đệ tử hiểu rằng: ái tình rất nguy hiểm đối với người cũng như lửa đối với rơm, cũng như rắn độc, cũng như gươm hươi, cũng như hèo nhọn, nó làm cho nhơ nhuốc Giáo hội của ta.

Nội dung trên được tìm thấy ở Trưởng lão Ni kệ, số 451 rằng:

Các dục thật cay đắng,

Ví như nọc rắn độc,

Kẻ ngu mới tham đắm,

Trong các loại dục ấy,

Những ai thọ hưởng dục,

Trong một thời gian dài,

Bị khổ đau địa ngục,

Hành hạ và tàn hại.

Ngoài ra, nội dung này cũng được tìm thấy ở một số kinh khác, như đức Phật dạy ái dục như (đầu) rắn độc (Trung bộ kinh, số 22:Kinh ví dụ con rắn; Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VI, kinh số 55; Trưởng lão Ni kệ, câu 488, 451), như bó đuốc cỏ khô – có thể đức Tổ sư gọi là rơm cho dễ hiểu(Trung bộ kinh, số 22: Kinh ví dụ con rắn; Trưởng lão Ni kệ, câu 488, 353), như hèo nhọn (kinh Trung bộ, số 22: Kinh ví dụ con rắn; Trưởng lão Ni kệ, câu 491), như gươm giáo (Trưởng lão Ni kệ, câu 58,141, 234, 488 và 491).

Nội dung này cũng được tìm thấy trong kinh Tăng chi bộ kinh, chương Một pháp, phẩm I, kinh số 1, rằng, sắc, thinh, hương, vị và xúc của người khác giới là thứ mạnh nhất có sức lôi cuốn, quyến rũ, xâm chiếm và ngự trị tâm của người khác giới. Ở một bài kinh khác, đức Phật dạy rằng:“Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một sắc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê, sắc đẹp của nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực nữ sắc.”(Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VI, kinh số 55)

Phật ngôn 3:Diệt sự ô trược, diệt các tư tưởng bất chánh là diệt bằng cách tham thiền, làm yên tịnh và thanh bạch cái tâm, cũng như trời mưa làm rạp gió và bụi cây.

Nội dung này được tìm thấy ở Tương ưng bộ kinh, tập V, chương I, phẩm VI, kinh số 156: Mây mưa rằng, “Ví như, này các Tỷ-kheo, vào cuối tháng mùa hạ, bụi mù bay lên, rồi có đám mây lớn trái mùa thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ”. Ở Trưởng lão Tăng kệ, câu số 675, nội dung này được diễn tả ngắn gọn hơn:

Như gió thổi tung bụi,

Được mây trấn áp xuống,

Các tư duy lắng dịu,

Khi thấy, với trí tuệ.

Phật ngôn 4: Có hai người giả dối đáng chê: một hạng khoe mình trong sạch mà họ không có trong sạch gì; một hạng nữa khoe mình có đức để được sướng miệng và no bụng mà thôi. Chúng nó nói láo đặng cho người ta bố thí đó, vì người ta lầm mới cho. Chúng nó là bọn đầu đảng ăn cướp vậy.

Nội dung này được tìm thấy trong Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm XXV, kinh số 241: “Kẻ ác Tỷ-kheo, theo ác giới, theo ác pháp không trong sạch, sở hành đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải Sa-môn nhưng tự xưng là Sa-môn, không hành Phạm hạnh nhưng tự xưng là hành Phạm hạnh, nội tâm mục nát, đầy ứ dục vọng, một đống rác nhơ bẩn”.Đức Phật còn nói rằng đó là những tỳ-kheobị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm”, nên mới khen mình, chê người, cho rằng người khác công đức ít, ảnh hưởng ít, không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh” (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương VI, phẩm I).

Phật ngôn 5: Chúng ta phải dùng tư tưởng tốt, mà đuổi tư tưởng xấu,và chúng ta phải chặt đứt các dây xiềng, để tới Niết-bàn.

Đây là nội dung của chánh tinh tấn được Đức Phật trình bày trong kinh Trường bộ kinh, số 22, Kinh Đại niệm xứ.Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối cới các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phất triển, viên mãn.”

Tỷ-kheo muốn thực tu tăng thượng tâm cần phải thường thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm? Ở đây, Tỷ-kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh(Trung bộ kinh, số 20: An trú tầm).

Phật ngôn 6: Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng quấy, thì bị năm điều hại: Chiêm bao thấy bậy, thần thánh không phò trì, cái tâm tách xa đường đạo, việc vọng tưởng làm nguội lạnh sự tham thiền, và cái thân phải dính trược.

Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng phải thì được năm điều lợi: Chiêm bao thấy điềm lành, được thần thánh phò trì, cái tâm khắn chặt với đạo lý, sự tham thiền càng được thêm hiệu quả, và cái thân không dính trược.

Nội dung này được tìm thấy ở Tăng chi bộ kinh: chương Năm Pháp; phẩm XXI, kinh số 210: Thất niệm, rằng “Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?Ngủ một cách khổ sở; thức dậy một cách khổ sở; thấy ác mộng; chư Thiên không phòng hộ; bất tịnh chảy ra.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?Ngủ một các ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra.”

Phật ngôn 7:    Xin nhiều người ghét người phiền

            Xin mà chẳng đặng ta liền buồn ngay

Vậy nên ta chớ xin ai

Đặng cho an lạc khoan thai một mình.

Đức Tổ sư đã răn khuyên các đệ tử phải biết đủ trong các nhu cầu thiết yếu của đời sống khất sĩ. Đây cũng là cách để không làm tổn thương đến niềm tin của người cư sĩ Phật tử, tránh được “tỵ thế cơ hiềm” mà nhiều điều luật được chế định cho mục đích này. Nội dung này có thể được tìm thấy ở Tăng chi bộ kinh, chương 4 pháp, phẩm thứ 3, kinh số 28: Truyền thống rằng “Tỷ-kheo biết đủ với bất cứ loại y nào, loại đồ ăn khất thực nào, loại sàng tọa nào và nói lời tán thán sự biết đủ với bất cứ loại y nào, loại đồ ăn khất thực nào, loại sàng tọa nào. Không vì ba loại thọ dụng này mà rơi vào sự tầm cầu bất chính, không thích hợp. Nếu được thọ nhận những món này, không có tham lam, mê say, tham đắm; nếu không được nhận những món này, không có lo âu tiếc nuối, không thụ động, tỉnh giác, chánh niệm. Vị ấy ưa thích tu tập nhưng không vì thế mà khen mình chê người. Đây là bốn truyền thống bậc Thánh.

Phật ngôn 8: Có hai thứ người sa địa ngục, đầu đâm xuống đất, chơn trở lên trời, ấy là bọn giả danh đạo đức, và bọn phỉ báng người có hạnh.

Đức Tổ sư dạy các đệ tử phải chân chánh, thận trọng khi tác ý. Trong Tăng chi bộ kinh, chương Mười pháp, phẩm IX, kinh số 85, Đức Phật dạy rằng, tỳ-kheo là hạng khoe khoang, khoa trương những chứng đắc của mình, đó là người không có lòng tin, làm tổn giảm trong Pháp và Luật do đức Phật thuyết giảng. Đó là hạng người nghe ít, theo tà hạnh, học ít, nghĩa là mọi phương diện đều giảm trong Pháp Luật do đức Phật thuyết giảng. Đó là người khó nói, bạn bè với ác, biếng nhác,thất niệm,gian xảo,khó nuôi dưỡng,ác tuệ,làm tổn giảm trong Pháp và Luật do đức Phật thuyết giảng.

Cònnội dung vế tiếp theo của câu Phật ngôn này được tìm thấy ở Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VI, phẩm I, Kinh số 9: Tudu Brahma, rằng :

Ai với lời và ý,

Phỉ báng bậc Hiền Thánh,

Dùng ác tâm chống đối,

Sẽ sa đọa địa ngục.

Phật ngôn 9: Mặt trời và mặt trăng lu mờ là bởi bốn vật: thần sanh nhựt thực và nguyệt thực, mây với sa mù, khói và bụi. Cũng như thế chư Tỳ-kheo mất cái minh mẫn, là bởi bốn món này: rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu.

Nội dung này được tìm thấy ở Tăng chi bộ kinh, chương Bốn pháp, phẩm V, kinh số 50: Các uế nhiễm, rằng:

Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của mặt trăng, mặt trời. Do những uế nhiễm này mà mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng, đó là: mây, mù, khói và bụi, này và Ràhu, vua các loài A-tu-la. Cũng như vậy, có bốn uế nhiễm làm cho các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng, đó là uống rượu men, hưởng thọ dâm dục, chấp nhận vàng và bạc và sinh sống với tà mạng”.

Đức Tổ sư có thay đổi một tí là yếu tố thứ tư làm ô uế một vị sa-môn, bà-la-môn trong bài kinh trên là “sinh sống với tà mạng”, còn đức Tổ sư nói là “sự danh lợi phong lưu”. Thế nhưng, hai yếu tố này không xa nhau là bao.

Phật ngôn 10: Khi nào mình nói, dầu với thú vật cũng vậy, phải nói thế nào cho người ta được dạn dĩ thêm, chớ không phải chôn sống hạ mạt người ta.

Lời này được đúc kết từ các kinh dạy về lời nói chân thật, tránh bốn phương diện không tốt của lời nói: nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác khẩu và nói lời chân thật. Điển hình cho nội dung này là “Vị Thánh đệ tử từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo; nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không phản lại đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này, không đến nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói lời độc ác, tránh xa nói lời độc ác, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy từ bỏ nói lời phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi”.Kinh Những người ở Veludvàra, Tương Ưng Bộ, tập V, chương IX, phẩm I. Rất nhiều kinh diễn tả nội dung tương tự, như Kinh Ví dụ cái cưa(số 21), Vô tránh phân biệt(số 139), Kinh Tùy phiền não(số 128), kinh Kosambiya(số 48) trong Trung Bộ; Kinh Nói như hoa, Kinh Những đề tài câu chuyện, Tăng Chi Bộ kinh.

Phật ngôn 11:Con người ta thường thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào.

Câu Phật ngôn này nhằm răn khuyên các đệ tử luôn chánh niệm, đừng xen vào việc không phải phận sự của mình, để giữ hòa khí trong Tăng đoàn và an tịnh nội tâm, để nuôi dưỡng tâm mình và phát triển các tâm lý tích cực. Đây là câu đúc kết từ kinh nghiệm hành trì của đức Tổ sư trong quá trình ứng dụng lời Phật dạy, do đó, lời Phật dạy về nội dung này có thể ngầm hiểu xuyên qua rất nhiều bài kinh, chứ lời dạy này không được tuyên bố rõ ràng trong một bài kinh cụ thể nào.

Phật ngôn 12:

Nương mình ở chỗ thanh êm,

Thì lòng khoái lạc càng thêm thâm trầm.

Sống mà giữ giới chẳng lầm,

Thì bề yên tịnh mười phần chẳng xao.

Chẳng ganh, chẳng ghét người nào,

Chẳng hay phá hại đau rầu chúng sanh.

Chẳng còn mong mỏi ham tranh,

Chẳng còn luyến ái quẩn quanh theo mình.

Phải cho khéo tập, khéo gìn,

Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.

 Phật ngôn 13:

Đức Thầy chỉ dặm nẻo đường xa,

Chẳng trở, chẳng lui, chẳng sợ tà.

Lang hổ rống to Ngài tỉnh mỉnh

Gió mây thổi nhẹ Phật ôn hòa

Chú tâm cứu khổ cho muôn loại,

Định chí vớt nàn kẻ bá gia.

Phàm tục Thánh Tiên nhờ tế độ,

Được thêm thuần hậu chốn Ta bà !

Trong số 13 câu Phật ngôn, 10 câu Phật ngôn đầu tiên được rút tỉa từ ý một hoặc nhiều bài kinh cùng diễn đạt một nội dung, tuy nhiên, nội dung câu thứ 11 “Con người ta thường thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào”được đúc kết từ kinh nghiệm tu học của tác giả, có thể ngầm hiểu qua rất nhiều bài kinh, chứ không được nêu rõ trong một hay vài bài kinh cụ thể nào. Phật ngôn thứ 12 và 13 là hai bài kệ tóm tắt các câu Phật ngôn ở trên, nêu lên vắn tắt lộ trình tu tập giới-định-tuệ của một hành giả, nhằm sách tấn chư đệ tử tinh tấn tu học và khuyến khích tinh thần dấn thân hành đạo vì sự lợi ích, hạnh phúc của tha nhân. Vì vậy, trong phạm vi bài này, người viết chỉ có thể truy nguồn của những câu Phật ngôn số 1 đến câu số 10 mà thôi.