Tinh thần Bồ-tát đạo trong thơ cố Ni trưởng

Cố Ni trưởng đệ nhất là một bậc thầy mô phạm vĩ đại, một đấng thượng sĩ giữa cõi trần. Cuộc đời của Ni trưởng là những tháng ngày phụng sự đạo pháp và cống hiến cho quê hương dân tộc. Ngài ra đi để lại một kho tàng thơ. Ý thơ của Ni trưởng bao hàm hết cả nhân sinh vũ trụ. Mỗi câu mỗi chữ mỗi từ đều mang triết lý sâu sắc chỉ cho con người nghệ thuật sống, nhân cách sống và đạo đức sống. Người đọc dù đứng ở góc độ nào suy nghiệm, lời thơ ấy vẫn toát lên một triết lý diệu tường. Gần 60 năm xuất gia, con trò luôn lấy những bài thơ của Ni trưởng làm kệ tụng mỗi ngày để tu tập, tự nhắc mình cũng như dạy chúng và hành đạo.

Hôm nay, nhân tưởng niệm 30 năm ngày cố Ni trưởng viên tịch, con trò xin được trích dẫn những câu thơ mang “tinh thần Bồ tát đạo” trong tập “Đóa Sen Thiêng” của cố Ni trưởng kết lại thành bài cảm tưởng hầu ôn lại cuộc đời nhập thế độ sanh của Ni trưởng trong những năm hoằng đạo. Đây cũng là tấm lòng của người đệ tử kính dâng lên Giác linh Ni trưởng - Bậc thầy quý kính của Giáo hội Khất sĩ Liên Hoa.

Trong thơ của cố Ni trưởng, chúng ta thấy câu nào cũng mang một dư vị, dư âm về một ý nguyện:

“Đoạn dứt trần duyên dứt tội tình,

Mượn thân hành đạo cứu nhân sinh.

Suốt đời tận tụy thi ân đức,

Giác ngộ thế gian, giác ngộ mình”.

(Tự Thuật)

Bằng lối tự thuật, Ni trưởng đã cho chúng ta biết lý do và mục đích Ni trưởng đến cõi đời này là để “tận tụy thi ân đức”, là để “giác ngộ thế gian, giác ngộ mình”. Tại sao lại không theo trình tự hành trình “giác ngộ mình” trước rồi mới “giác ngộ thế gian” nhỉ? Điều này cho thấy Ni trưởng đã hé lộ cho chúng ta biết, Ni trưởng đã là một vị Bồ tát, vì sứ mệnh thiêng liêng mà mượn tạm thân Ni lữ để thực hành hạnh nguyện làm viên tròn quả đạo của mình. Cho nên đối với Ni trưởng:

“Vẫn vào đời nhưng chẳng bị đời câu,

Đâu cũng pháp và đâu đâu cũng pháp”.

(Lối Đi)

Đọc thơ Ni trưởng, con trò tâm đắc nhất là hai câu này, nhưng trước đây chỉ nghĩ đơn thuần là Ni trưởng nhập thế độ sanh theo như tinh thần thiền của ngài Khương Tăng Hội hay Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Nhưng giờ đã vỡ lẽ, thì ra Ni trưởng không phải là một chúng sanh bình thường mà từ nhiều kiếp sanh thân Ni tưởng đã là Bậc Bồ tát rồi, kiếp này Ngài được chư Phật bổ xứ xuống trần hóa độ chúng sanh. Vì chỉ có bậc Bồ tát mới thoát ra sự phân biệt nhị biên, tâm như như tự tại, thấy đâu đâu cũng là pháp để mình tu, đâu đâu cũng là nhà của mình, ai ai cũng là cha mẹ, anh em, thân thuộc... nghịch cảnh cũng như thuận duyên đều là pháp tu tối thượng để luyện tâm, để thực hành hạnh nguyện, không có việc chi bị câu chấp nên vẫn vào đời nhưng không bị đời làm ô nhiễm, không bị vướng vấp bởi đời, không bị đời làm cho khổ đau phiền lụy. Chính vì vậy, hơn 40 năm hoằng pháp độ sanh, không một ngày nào Ni trưởng không “hòa mình vào đời” để:

“Giăng tay dắt con thuyền hoằng thệ,

Thả trên mặt bể - an trí kẻ trầm.

Trải lòng đan chiếc áo từ tâm,

Choàng khắp cõi trần - ấm thân người thế”.

(Đường Giải Thoát)

Giang rộng vòng tay, Ni trưởng đón nhận những đứa con đang lang thang bất hạnh vào lòng để an ủi, chở che. Ni trưởng chèo lái con thuyền Bát-nhã từ mọi ngõ ngách rạch sông ra đến biển rộng để cứu vớt những tâm hồn trầm luân lầm lạc. Lời thơ mộc mạc mà cao thượng, không rộn ràng mà nhẹ nhàng như tình của mẹ. Tình yêu con của mẹ không bao giờ là giới hạn, cũng như tâm từ của Ni trưởng dành cho chúng sanh quả là vô biên “choàng khắp cõi trần” chỉ với mong muốn duy nhất là chúng sanh được “ấm thân” mà vui sống.

Tùy theo mỗi nơi, tùy theo hoàn cảnh chúng sanh mà Ni trưởng tùy cơ tiếp độ. Người đói khổ tâm linh - Ngài cho uống sữa pháp, ăn cơm thiền; Người đói khổ vật chất - Ngài cho cơm cho áo; Người mồ côi mất cha mất mẹ - Ngài đem về nuôi nấng cưu mang... Nụ cười của chúng sanh chính là niềm hạnh phúc của Ni trưởng. Sẽ dễ dàng cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy khi viết về những đứa trẻ mồ côi:

“Như trái bầu trái mướp,

Con vừa lớn vừa ngoan.

Con vừa vui vừa đẹp,

Con hơn ngọc hơn vàng”.

(Để Nhớ Huệ Phục)

Và nỗi đau xót, lo lắng cho đứa con thơ mồ côi bé bỏng lìa trần một mình ra đi mãi mãi:

“Con ơi con bé bỏng,

Có ai ẵm bồng chăng?

Con ơi con lạc lõng,

Có ai hiếp đáp chăng?”

(Để Nhớ Huệ Phục)

Lời hỏi han thương cảm khiến người đọc không khỏi không chạnh lòng. Chẳng những đối với con người mà đối với con vật Ni trưởng cũng dành cho chúng tình thương, sự chở che rất cảm động:

“Thú kia nó cũng là thân,

Cũng xương cũng thịt có phần như ta.

Đánh đau chúng nó kêu ca,

Tiếng rên đứt ruột tiếng la xé lòng”.

Cho nên Ni trưởng dạy:

“Nếu ta biết lẽ công bằng,

Biết cân tội phước biết căn luân hồi.

Chớ nên giết nó đành rồi,

Cũng đừng hành hạ tỏ lời dễ khinh”. (Giới Sát)

Nghệ thuật so sánh tài tình, Ni trưởng đã nhẹ nhàng đập tan quan niệm “vật dưỡng nhân” nâng tầm nhận thức con người lên một nguyên lý sống mới công bằng hơn, nhân quả hơn.

Đặt chân đến vùng đất nào, Ni trưởng cũng đem làn gió thanh lương làm mát dịu tâm tánh, vơi bớt não phiền con người nơi xứ ấy bằng những lời khuyên rất thực tế:

“Phật xưa có dạy mấy lời,

Thửa rừng công đức một đời trồng gieo.

Lửa sân nổi dậy đốt thiêu,

Như chim mất cánh như diều đứt dây.

Hỡi ai nghe mấy lời này,

Có nên tiếc đám rừng cây chăng là.

Có nên dẹp lửa cho xa,

Có nên nhẫn nhục cho qua tháng ngày.

Có nên lấp mắt ngơ tai,

Có nên niệm Phật hoài hoài hay chăng”. (Nhẫn)

Dùng hình ảnh “ngọn lửa” thiêu đốt “rừng cây” ẩn dụ cho tâm sân hận đốt cháy hết cả rừng công đức, điệp từ “có nên” lặp đi lặp lại như hồi trống pháp đánh động vào tâm thức người đọc khiến cho người đọc phải giật mình suy nghĩ lại: Có nên sân hay không? Có nên nhẫn nhục hay không? Có nên giả mù giả điếc? Có nên niệm Phật hoài hoài cho thân tâm an lạc hay không?

Và muốn cho mọi sự yên vui thì điều cần thiết phải làm đó là:

“Việc nhỏ nhen thắc mắc bỏ qua,

Chỗ tranh cãi rầy rà nên tránh”.

(Khuyến Nhẫn)

Để lời nói mình nói ra không làm người khác buồn lòng, không làm tình thân phân cách. Ni trưởng dạy:

“Mở lời trước cạn xét suy,

Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là.

Bằng như lời ấy thốt ra,

Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng”.

(Bốn Nghiệp Miệng)

Đối với Ni chúng, Ni trưởng luôn quan tâm nhắc nhở từng ly từng tý, từ cử chỉ oai nghi cho đến việc trau tâm sửa tánh, Ni trưởng ân cần chỉ cho Ni chúng thấy:

“Lìa cách song thân thật dễ dàng,

Lìa xa ái dục khó trăm đàng.

Ai ơi! Cố gắng trừ mê vọng,

Chẳng kẻo công phu luống lỡ làng”.

(Tu Sửa)

Quả đúng như vậy, bỏ cha bỏ mẹ, cạo bỏ mái tóc xanh, lìa xa gia đình thì dễ, lìa bỏ sự ham muốn lục trần mới là khó. Cho nên, Ni trưởng tha thiết kêu gọi “Ai ơi! Cố gắng trừ mê vọng”, phải cố gắng tinh tấn gột rửa cho sạch si mê, dùng thiền định dẹp trừ tâm đảo điên vọng động mới mong giải thoát không uổng phí kiếp tu hành.

Khuyên người rồi Ni trưởng tự nhắc mình. Trong bài “Tâm”, Ni trưởng viết:

“Tâm ơi, đừng có ưu phiền,

Mặc thương, mặc ghét, mặc tình, mặc sang.

Thân vô thường, vật vô thường,

Lòng người sao khỏi chán chường bạc vôi”.

Cứ mặc cho đời thỏa sức thương ghét hơn thua, thay lòng đổi dạ, bởi đã gọi nơi đây là thế gian thì không sao tránh khỏi sự dối gian nhân thế. Nhưng đó là việc của đời, còn ta, ta cứ mặc kệ bỏ ngoài tai, không việc chi phải bận tâm cho nhọc. Đọc “Vui Mà Sống” chúng ta sẽ thấy được sự lạc quan của Ni trưởng:

“Vui mà sống dù đời đầy đau khổ,

Buồn làm chi bạn hỡi thở than chi.

Và phiền lo nghĩ ngợi có ích gì,

Hãy can đảm sống những ngày hiện tại”.

(Vui Mà Sống)

Hay:

“Sung sướng lúc vượt lên, vẻ vang khi hành động.

Nếu hôm nay sống vui, thấy hôm qua đẹp mộng”.

(Chào Bình Minh)

Là người con Khất sĩ, Ni trưởng thực hành truyền thống “tứ y pháp” của Tổ thầy một cách nghiêm túc trọn vẹn:

“Chẳng cửa không nhà thân Khất sĩ,

Đói ăn mệt nghỉ chốn mồ hoang.

Áo Ca Sa vải vụn kế trăm ngàn,

Một túi vải để mang mình bát đất”.

(Nghỉ Chân Bên Nghĩa Địa)

Một bát ba y, không nhà không cửa, đói ăn mệt nghỉ gốc cây... cuộc sống tưởng chừng như cơ cực tột cùng, ấy vậy mà với Ni trưởng thì đây chính là xứ “cực lạc”, là cảnh “thiên đường”. Bởi lẽ:

Thân là tạm, cõi đời là tạm, cánh bèo trôi bể thảm lênh đênh.

Tâm hằng bền, lẽ đạo hằng bền, gót trí dạo rừng thiền thanh thản.

(Đường Giải Thoát)

Với huệ nhãn của bậc “Bồ tát”, Ni trưởng coi tất cả đều là giả tạm, chỉ có tâm và đạo mới là lẽ hằng bền. Chính vì vậy, thơ của Ngài luôn đả phá cái “Ngã”, dẹp bỏ quan niệm sai lầm về cái “Ta”, cái “Của Ta” cổ hủ:

“Tấm huyễn thân rồi nữa có ra gì,

Một vật giả chứa đầy muôn thứ giả.

Con xây đắp một lâu đài huyễn ngã,

Nền lung lay mà tầng đã nhiều tầng.

Phước càng dày nhưng thiếu đức đỡ nâng,

Họa càng nặng trăm thân khôn chống chỏi”.

(Lối Đi)

Đọc thơ Ni trưởng, càng đọc thấy càng hay, càng suy ngẫm người đọc càng cảm kích hạnh “khiêm cung” và “lợi tha” của Ngài. Thay vì, để cho chúng đệ tử được chăm sóc khi thân tứ đại Ngài mòn mỏi thì Ngài nhắn nhủ:

“Thương thầy bận rộn làm chi,

Thương thầy phát nguyện phụng trì Như Lai”.

(Lời Dạy Cuối Cùng)

Đây là lời tâm sự, lời khuyên tha thiết chân tình chứa đựng cả vũ trụ từ bi. Ý thơ tinh tế, Ni trưởng từ tốn nhắc chúng ta: “Hãy là người thừa tự pháp” vì chỉ có Pháp của Như Lai mới đem đến sự an vui cho mình, cho người, cho trời. Bằng phong cách nghệ thuật độc đáo, Ni trưởng từng bước dẫn người đọc đi vào con đường thực hành “pháp tu” rất nhẹ nhàng thoải mái, không khuôn khổ buộc ràng mà chuyển hóa tâm linh đáng nể.

Vào những ngày cuối đời, khi Ni chúng thỉnh Ngài chọn người tiếp kế Ngài chăm lo Giáo hội sau này, Ni trưởng không chỉ định ai mà Ngài nói lên bài kệ:

“Ngày đã cận cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa.

Định huệ không thiếu không thừa,

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”.

(Lời Dạy Cuối Cùng)

Vỏn vẹn chỉ 4 câu, Ni trưởng đã vẽ lên một bản đồ ghi chép đầy đủ lộ trình tu tập từ “Người lên đến Phật” để lại cho Ni chúng. Lộ trình ấy theo trình tự “Giới - Định - Tuệ”, là con đường “tự độ - độ tha”. Đó là con đường chư Phật đã đi qua, đức Tổ sư đã đi qua và nay chúng ta đang đi, rồi đến lớp hậu học sẽ đi. Chỉ có con đường ấy là con đường duy nhất đưa chúng ta đến bỉ ngạn đạo tràng.

Tóm lại, cuộc đời của Ni trưởng là chuỗi ngày phụng sự cho Đạo pháp và quê hương dân tộc, đúng như tâm nguyện của Ngài:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương”.

Con đường Ngài đi là con đường đem an vui hạnh phúc đến cho mọi loài, hành trang Ngài mang đến cho đời là “lòng từ vô ngã vị tha”. Hơn 800 bài thơ là hơn 800 bài pháp vô cùng quý giá mà Ni trưởng ban tặng cho đời. Bằng bút pháp trữ tình, Ni trưởng dùng thuyền Thơ chuyên chở Ý Đạo đến khắp mọi nơi, đến với mọi người. Tuy ngày nay Ngài không còn nữa nhưng hình ảnh, những công hạnh của Ngài vẫn mãi hiện rõ trong từng câu chữ của văn thơ Ngài và hình ảnh ấy, công hạnh ấy chính là tấm gương sáng cho hàng hậu học nương theo. Với công hạnh ấy, Giáo sư Hoàng Như Mai đã ca ngợi: “Ni trưởng Huỳnh Liên xứng đáng là bông sen vàng trước điện Phật. Ni trưởng đã viên tịch nhưng tư trưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của Ni trưởng vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp”. (Cảm tưởng của Giáo sư Hoàng Như Mai khi đọc thơ NT. Huỳnh Liên)

Con trò tin rằng Ni trưởng sẽ trở lại với chúng ta, sẽ dẫn dắt chúng ta tiến đến con đường cứu cánh Niết Bàn - con đường mà Ngài đã đi qua.

Ni trưởng Sâm Liên – Trụ trì TX. Ngọc Vinh, Trà Vinh