Tinh thần giáo dục qua kinh Angulimàla

AngulimlaĐể thực hiện con đường chuyển hóa thì trước tiên chúng ta phải có được cái nhìn hay nhận thức chuẩn xác, mới có thể áp dụng hành trì để thay thế những hành động bất thiện bằng thân hành cao thượng được. Và yếu tố nhận thức có được hình thành chuẩn xác hay không lại chính từ con đường giáo dục. Chính vì thế, trong bài kinh Angulimàla, bậc Nhất Thiết Trí đã truyền tải khá nhiều thông tin liên quan đến con đường giáo dục để hình thành một nền nhận thức chân chánh.

Đầu tiên bậc Thiện Thệ đã giảng dạy giáo pháp vô tham qua thân hành đắp y ôm bát, từng bước vào thành Sāvatthī khất thực hóa duyên như bao vị Tỳ-kheo khác. Một bậc đạo sư, thầy của Trời người, thế mà vẫn hành trì nếp sống giản đơn, lấy thân giáo làm gương dạy cho mọi người bài học vô tham, biết sống vừa đủ để đoạn trừ một trong những nguyên nhân đưa đến sự bất hòa, tranh chấp đấu tranh với nhau. Khi vô tham hiện hữu cũng là lúc xã hội được yên vui, làm gì có chuyện bạo lực đánh chém lẫn nhau vì một chút lợi lộc, hay gia đình đổ vỡ cũng chỉ vì ngọn gió tham thổi qua và cuốn đi sự an vui…

Tinh thần ấy đã được các vị học trò tiếp tục gìn giữ, ví như Kinh Angulimàla thuộc Trung Bộ Kinh đã ghi lại: Thưa Tôn giả, mong Tôn giả Gagga Mantāniputta được hoan hỷ. Tôi sẽ cố gắng lo bốn sự cúng dường là y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh cho tôn giả. Lúc bấy giờ, Tôn giả Angulimàla theo hạnh ở rừng núi, đi khất thực mà ăn, sống chỉ với ba y. Rồi Tôn giả Angulimàla nói với vua Pasenadi nước Kosala: Thôi vừa rồi, thưa Đại vương, tôi đã đủ ba y[1].

Hình ảnh “tam y nhất bát” để làm phương tiện sống và giáo hóa chúng sanh của Đức Như Lai cùng chúng đệ tử đã trở thành điểm nhấn vô cùng sống động cho bức tranh hoàn thiện, và vô tham cũng chính là tinh thần giáo dục đầu tiên được biểu hiện qua thân hành của Đức Thế Tôn. Kế đến, trong bài kinh Ngài lại dạy tiếp về tinh thần vô úy cho mọi người. Ở đây sau khi đi khất thực và dùng xong, bậc Minh Hạnh Túc đã đi thẳng con đường dẫn đến khu rừng Jàlinì, nơi tên cướp Angulimàla đang trú ngụ, dù cho mọi người đã ba phen cảnh báo về mức độ nguy hiểm chết người do tên sát nhân này mang lại, nhưng Đức Thế Tôn vẫn giữ thái độ điềm tĩnh an nhiên tiến bước mà không hề biểu hiện chút sợ hãi. Cách hành xử ấy cũng đã truyền trao cho nhân thế một bài học sống động: Tự tại đối với sức mạnh quyền uy của vũ lực; nghĩa là (vị Sa-môn) phải tự tại hay đúng hơn là không bị sự chi phối bởi những vấn đề không liên quan đến con đường dẫn đến giải thoát tối thượng. Điều này được đức Như Lai minh chứng bằng thân hành tự tại, vô úy đối với sức mạnh gươm đao của tên cướp Angulimàla. Và sau khi tỉnh ngộ, Tôn giả Angulimàla lại tiếp tục thể hiện tinh thần ấy, khi thẳng thắn thừa nhận rằng mình là sát nhân Angulimàla trước đây với đức vua Pasenadi mà không hề e sợ bị bắt hay phải nhận lấy hậu quả do hành động sát hại bá tánh của mình đã gây ra trước đây:

Rồi vua Pasenadi nước Kosala đến gần Tôn giả Angulimāla, sau khi đến thưa với Tôn giả Angulimāla: Thưa Tôn giả, có phải Tôn giả là Angulimāla? - Thưa phải, Đại vương[2].

Đồng thời thân hành ấy cũng gián tiếp chỉ dạy lại cho thế nhân hạnh sống chân thật không dối trá, dù Tôn giả Angulimàla biết rằng đức vua Pasenadi đang đem quân truy đuổi nhằm tẩn xuất mình, nhưng Tôn giả vẫn an nhiên đón nhận và thành thật thú nhận mình chính là Angulimàla với vua. Để rồi sau đó Tôn giả lại tiếp tục minh họa cho lối sống chân thật bằng lời thưa:

Này bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!” - Bạch Thế Tôn, nếu làm vậy, thời con là cố ý nói láo. Bạch Thế Tôn, con đã cố ý giết hại mạng sống rất nhiều chúng sanh rồi[3]

Và hơn tất cả, những bài học quý báu về lối sống ấy đều được bậc Chánh Biến Tri truyền trao cho hàng đệ tử hay cho thế nhân đều bằng tình thương, muốn cho mọi người đều được an vui, tránh xa con đường dẫn đến những kết quả bất thiện khổ đau, nên trong Trưởng Lão Tăng Kệ thuộc Tiểu Bộ Kinh tập III, đã đề cập đến nhân duyên giáo hóa Angulimàlà: “Rồi Thế Tôn suy nghĩ rằng, nếu Angulimàlà gặp mẹ, sẽ giết mẹ cho đủ một ngàn ngón tay; nay là đời sống cuối cùng của Angulimàlà, nếu Đức Phật không can thiệp thời sẽ có thiệt hại lớn[4]. Chính vì tình thương đối với chúng sanh nên khi quán chiếu thấy được nhân duyên có thể giáo hóa và giúp cho Angulimàla tránh được trọng tội giết mẹ, thế là Ngài liền thân hành đến đó để hóa độ:

Khi Angulimàla thấy mẹ, ngài tính lấy ngón tay của mẹ cho đủ số một ngàn ngón tay, thời Đức Phật đến và đi giữa Angulimàla và người mẹ, Angulimàla liền bỏ ý định giết mẹ và quyết định giết vị Sa-môn cho đủ túc số[5].

Tinh thần từ bi ấy đã được Tôn giả cũng như chư vị đệ tử giữ gìn và hành trì, dù cho người đó có là kẻ thù đi nữa các Ngài vẫn mong muốn cho họ được nghe Chánh pháp, được thấy và bước đi trên con đường dẫn đến an vui, tịnh lạc để vượt thoát bộc lưu sanh tử mà không hề có tâm niệm khiến cho sanh chúng khổ đau:

Mong rằng kẻ thù ta

Được nghe lời Chánh pháp,

Mong rằng kẻ thù ta

Chuyên tâm lời Phật dạy,

Mong rằng kẻ thù ta

Thân cận với những người

Đã đạt được an tịnh,

Sống thọ trì Chánh pháp…[6]

Hơn thế, tâm niệm mong cầu này khởi lên sau khi Tôn giả bị mọi người ném đá, lấy gậy đánh vào người… làm cho thân thể bị thương tích nhưng ngài vẫn kham nhẫn chịu đựng và được Đức Thế Tôn khuyến tấn:

Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn![7] Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm[8].

Và lời dạy này cũng đã hàm chứa một vấn đề căn bản trên lộ trình giáo dục nhân sanh của bậc Thiện Thệ, đó chính là giúp cho thế nhân nhận chân được quy luật nhân quả nghiệp báo, nhằm giảm thiểu những nguyên nhân đưa đến quả khổ đau và gieo tạo thêm nhân thiện lành để giúp cho cuộc sống trở nên an vui, hạnh phúc hơn. Hơn thế, qua câu nói này, Đức Thế Tôn đã xác chứng lại cho chúng ta thấy: Nếu cố gắng tinh tấn chuyển hóa những cấu uế bất thiện pháp thì đều có thể đạt được cái đích an vui và chứng Thánh quả ngay trong đời sống hiện tại.

Qua đó, ta đã thấy chỉ một bài kinh thôi, bậc Toàn Giác đã truyền trao cho thế nhân biết bao phương pháp giáo dục lối sống: Nào tính vô tham, tinh thần vô úy, nào hạnh chân thật, tôn trọng quy luật nhân quả cùng lối sống tình thương đối với mọi người… mà chúng ta đã vừa tiếp xúc qua.


[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2 - Kinh Angulimāla, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 129.

[2] Sđd, tr. 128.

[3] Sđd, tr. 130.

[4]Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 3, Trưởng Lão Tăng Kệ, Chương 16, Phẩm 20 Kệ, HCM: Nxb TP. HCM ấn hành, 1999, tr. 414.

[5] Sđd, tr. 414.

[6] Sđd, tr. 417-18.

[7] Hòa thượng Thích Minh Châu đã chú thích danh xưng Bà-la-môn này như sau: M. III. 339 giải thích, sở dĩ được gọi như vậy là vì các lậu hoặc đã được đoạn trừ.

[8] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2 - Kinh Aṅgulimāla, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 130-31.