Tinh thần Hoằng pháp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam vẫn còn bị bao phủ bởi bóng tối của mê tín, sống thiếu phạm hạnh… nên Tăng Ni, các vị thiện tri thức có tâm với đạo đã cùng tham gia vận động chấn hưng Phật giáo. Tổ sư Minh Đăng Quang cũng ra hành đạo và hoằng pháp trong giai đoạn này. Vậy phương cách của Ngài như thế nào? Đây chính là điều người viết muốn trình bày trong bài tham luận này.

5

1. Hoằng pháp qua thân hành

Khi nói đến hoằng pháp thì phải đề cập đến việc giảng dạy, thuyết giảng để mọi người thấu hiểu và nhận thức rõ về con đường đạo. Con đường nhận thức này dù gian nan nhưng giá trị chuyển hóa tâm thức cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng vẫn thuộc về lý thuyết trưng bày làm đẹp cho tủ kính nhận thức[1]. Chính vì vậy, Tổ sư đã đề cao con đường chứng nghiệm và dùng thân hành của mình để làm gương đánh thức tâm giác ngộ nhân sanh. Đây cũng chính là tư tưởng chủ đạo trên con đường hoằng dương chánh pháp của Ngài, còn việc thuyết giảng, viết sách để thức tỉnh nhân sinh chỉ là yếu tố hỗ trợ cho con đường hoằng pháp. Tại sao việc hoằng pháp bằng thân hành lại quan trọng hơn việc giảng thuyết, viết sách? Tinh thần này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy và nhấn mạnh trong phẩm Hoa của Kinh Pháp Cú:

“Như bông hoa tươi đẹp,

Có sắc nhưng không hương.

Cũng vậy, lời khéo nói,

Không làm, không kết quả”.[2]

Đức Phật đã khẳng định hết sức rõ ràng như thế, dù có thiện xảo trong việc sử dụng ngôn từ để thuyết giảng như thế nào đi nữa, nhưng không thể biến những thiện xảo ấy thành chất nhựa sống để nuôi cây giác ngộ thì chúng cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Chính vì thế, Đức Tổ sư mới lấy thân hành để làm phương tiện chủ đạo trong công cuộc hoằng pháp giáo hóa nhân sinh. Đây chỉ là hiện thực hóa lời dạy của Đức Thế Tôn, và cũng là để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thân hành trên con đường hoằng pháp. Điều này đã được Đức Tổ sư chỉ dạy trong quyển Chơn lý “Trên mặt nước”: “Những bậc tu xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội gia đình, nhân loại, nhưng cũng đem thân mạng đền trả cho đời bằng gương nết hạnh hiền lương; và lời nói, việc làm, ý niệm, đạo lý, đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình bình yên, trong sạch sáng láng, nên mới được đứng vững lâu dài, không rối loạn”[3].

Ở đây, Tổ sư đã nói rất rõ là phải sử dụng thân hành như nết hạnh hiền lương cùng lời nói, việc làm, ý niệm đạo lý… để giúp đỡ cho xã hội được bình yên, tức là sử dụng thân hành để làm gương giáo hóa, nhiếp phục nhân sanh. Cho nên xuyên suốt 69 quyển Chơn lý, Ngài luôn đề cao tinh thần chuyển hóa những ác pháp để có được thân hành trang nghiêm như “Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch”[4] hay trong quyển “Tu và nghiệp”:

“Thân trong sạch ấy là xứ Phật.

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật.

Ý trong sạch ấy là con Phật.

Tâm trong sạch tức là Đức Phật.

Như thế thì ai ai cũng sẽ là Phật hết”[5].

Như thế đối với Đức Tổ sư, Phật chính là sự trong sạch của thân khẩu ý và tâm, chứ không phải Phật là một khái niệm được những ngôn từ giảng giải một cách khéo léo. Vì thế hoàn thiện đời sống phạm hạnh ngay trong cuộc sống thường nhật, chính là con đường hoằng pháp. Và chỉ có như thế, người xuất gia mới có khả năng khiến cho nhân sanh “tâm phục khẩu phục” mà thực hành theo lời dạy của mình. Bởi một người với những thân hành thô tháo độc ác, miệng nói với những lời quấy ác, tâm huân tập những niệm bất thiện, hay thân khẩu ý chứa đầy tham sân si như thế thì làm sao có thể hướng dẫn và nhiếp phục nhân sanh với thân hành như cỏ cây thú vật ấy: “Nếu tham sân si không diệt thì người ta với cỏ cây thú có khác chi nhau (Cỏ vốn si mê, không biết. Cây có tình thọ là sự tham lam. Thú giành ăn, tham dâm mà sân giận)”[6] . Người như thế Đức Tổ sư gọi là con nít trẻ nhỏ: “Cho nên gọi tham sân si là con trẻ nhỏ nhít hẹp hòi, không giống như người lớn, cái lớn là không tham sân si nhỏ hẹp”[7].

Mà là trẻ nhỏ thì làm sao hành đạo, giáo hóa nhân sanh? Vì thế, con đường hoằng pháp đòi hỏi vị sứ giả Như Lai phải thể hiện thân hành trang nghiêm thanh tịnh, hay nói cách khác là phải đem thân hành cao đẹp của người xuất gia vào cuộc sống thường nhật. Chính điều này Đức Tổ sư mới khuyên dạy và nhấn mạnh về giới hạnh oai nghi: “Điều quý nhứt của người Khất sĩ là sự giữ gìn giới luật”[8]. Và giữ giới ở đây chính là 10 giới căn bản của một người tập sự xuất gia cho đến 250 giới của một vị Tỳ-kheo sứ giả Như Lai. Mục đích của chúng cũng không ngoài việc giúp cho thân hành của người đem đạo vào đời hay người hoằng pháp có được giới hạnh trang nghiêm, oai nghi cử chỉ đoan chánh. Bằng ngược lại chỉ có hình thức thì làm sao xứng đáng với người đệ tử Phật, vị sứ giả đem Chánh pháp vào đời. Cho nên Tổ sư mới dạy: “Người Khất sĩ phải là có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”[9].

Hay như trong quyển “Học để tu”, Ngài đã đề cập đến hình ảnh bậc Đa văn Đệ nhất A-nan bị Tôn giả Ca-diếp hạch tội và phân tích chỉ dạy cho thấy giá trị thân hành trong việc lưu truyền Chánh pháp. Và nhân đây Ngài khẳng định người hoằng pháp (dù bằng phương pháp thân hành, thuyết giảng hay viết sách… ) phải có thân hành trong sạch, mà ở đây với A-nan là khẩu hành, mới có thể làm cho đạo được vững chắc, lưu truyền và khiến cho mọi người tin tưởng hành trì, ngoại đạo lại chẳng dám khinh chê: “Đạo Phật lưu truyền mãi từ đây về sau là do kinh sách, kinh sách ấy phải có đủ đức tính trong sạch do nơi cửa miệng của một vị Thánh đức thốt ra, thì về sau mới có hiệu nghiệm và đạo Phật sẽ được vững chãi, ngoại đạo không có ai dám xen vào phá hoại”[10].

Cho nên, người hoằng dương Chánh pháp đòi hỏi phải có tư cách của bậc xuất trần thượng sĩ, bằng ngược lại chỉ là người giả danh mượn lốt Tăng sĩ mà thôi. Người như thế sẽ bị chúng ma quấy rối phá nhiễu và sớm muộn gì cũng sẽ trở thành tù binh của chúng. Vì thế trong quyển “Y bát chơn truyền”, Tổ sư có nói: “Giáo lý y bát không phải dễ, không phải tự ai muốn bước ra hành là được, nếu kẻ bắt chước, ham vui hoặc không thông chơn lý, chẳng có giới hạnh, không hiểu Chánh pháp, chẳng biết cách học tu, không rõ sự quý giá của muôn đời, chẳng nếm được mùi vị của Niết-bàn đạo lý thì khó mà thật hành, khó mà chắc chắn bền dài, khó mà giữ hạnh đắc đạo, và nhứt là sẽ bị ma vương phá đổ, chư thiên xô đùa, nhơn loài bắt tội,...”[11]

Chính vì thế Ngài dạy rất kỹ về oai nghi tế hạnh, từ việc đi đứng cho đến việc ăn uống như thế nào để thể hiện được thân hành đoan chánh nghiêm trang. Chẳng hạn như đi thì phải cho ngay thẳng, chậm rãi khoan thai, chớ ngó liếc nhìn ngó lung tung hay đi đánh vòng xa[12]; ăn thì phải ngồi cho ngay thẳng, chẳng đặng nói cười huơ tay trong khi ăn, chẳng đặng nhai có tiếng nhai hở môi và hả miệng lớn, chẳng đặng lấy cơm vò viên mà thảy vào miệng, chẳng đặng chênh mếch chúng Tăng[13]… tất cả đề cập đến 16 hạnh, nhằm hoàn thiện đời sống phạm hạnh, để thân hành của chúng ta trở thành những đóa sen đầy sắc cùng hương mà ai cũng quý kính và muốn hành theo.

2. Hoằng pháp qua con đường khất thực hóa duyên

Khi giới hạnh của một vị Sa-môn được phát triển và dần hoàn thiện, thân hành của họ cũng sẽ trở thành phương tiện hoằng pháp độ sanh một cách hữu hiệu, dù chỉ là việc làm ôm bát hóa duyên đi nữa cũng là phương thức hoằng pháp sống động và thiết thực. Điều này đã được Đức Tổ sư đề cập đến trong quyển “Trên mặt nước”: “Vừa đi xin ăn tạm để nuôi thân sống qua ngày mà lo việc muôn năm khắp cùng thiên hạ, lo cải sửa phong hóa lễ nghi, đức tánh, gương hiền đem sự trong sạch, yên lặng, sáng suốt cho đời, cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, chỉ đạo cho người tu, dìu dắt lớp trên, ông già, cao trên xã hội”[14].

Hình ảnh ôm bát đi xin nhưng lại mang một nội hàm hết sức cao đẹp mà vị sứ giả Như Lai cần phải học hỏi và hành trì. Vì cái việc đi xin kia là cái cớ để tiếp cận với nhân sanh, để rồi giúp cho xã hội cải sửa phong hóa lễ nghi hay chuyển hóa những điều mê tín, những tập tục hủ lậu. Và trên hết là đem gương sáng trọn lành của đời sống phạm hạnh Sa-môn cảm hóa mọi người, dìu dắt họ bước dần lên địa vị của bậc Hiền Thánh. Đồng thời hình tướng khất thực hóa duyên ấy lại còn ẩn chứa tinh thần hoằng pháp độ sanh rất cao. Con đường này vừa thể hiện tinh thần tự lợi, vừa chứa đựng ý nghĩa lợi tha: “Đi xin để vất bỏ tham, sân, si, ái dục. Đi xin để đem thân làm ruộng phước tốt đẹp cho kẻ mong cầu cúng thí đặng gieo giống Phật, diệt lòng ma”[15].

Tự lợi nghĩa là tu tập xả bỏ tâm tham, sân, si, ái dục để hoàn thiện chính tự thân, để thân hành trang nghiêm và là hình ảnh mô phạm cho đời; lợi tha chính là tinh thần hoằng pháp lợi sanh và giúp cho mọi người tu tạo phước điền, hay nói cách khác hình ảnh khất thực đã trợ duyên cho những ai khi tiếp xúc phát khởi tâm thiện lành và gieo hạt giống Phật vào tâm thức. Vì thế trong Chơn lý quyển “Khất sĩ”, Tổ sư đã dạy: “Đi xin để kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, đức từ ái cho nhơn loài, xin cái tham lam, sân giận, si mê: là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh để đưa người lên cõi người, Trời, Phật, Thánh, là dắt cho người bước lên con đường bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn đạo mầu”[16].

Lời dạy này một lần nữa khẳng định thân hành khất thực hóa duyên cũng chính là một phương cách hành đạo, giáo hóa giúp chúng sanh xả bỏ lòng tham, tập tu bố thí để phát triển lòng từ ái và bước dần vào cửa Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), hay nói theo ngôn ngữ của Tổ sư là xin cái tham lam sân giận si mê của chúng sanh để dẫn dắt sanh chúng bước lên nấc thang trời Phật. Hơn thế, con đường này có cơ duyên tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội mà không có sự phân biệt sang hèn trí ngu, tức là con đường giáo hóa chúng sanh một cách bình đẳng, không hề lựa chọn đối tượng được giáo hóa, cũng đồng nghĩa với việc bố thí pháp một cáchvô phân biệt. Tinh thần này được Ngài diễn tả: “Vì muốn khuyên lơn hàng vương giả, vì muốn phục lòng thiên hạ, vì theo sự giải thoát trung đạo, vừa làm gương Tăng chúng vừa để đi đứng khắp nơi công bình, vừa tìm duyên hóa độ vừa để làm quen dạn dĩ đến gần, cho kẻ thấp thỏi nhỏ nhoi… Vậy nên phải đi xin”[17].

Hay một đoạn khác trong quyển này, Ngài nói về tinh thần đi xin của người Khất sĩ: “Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy”[18].

Quả thật cái cớ ôm bát đi xin đã cảm hóa và kết duyên với thế nhân, và là cơ hội để khuyên nhắc mọi người về đời sống tri túc bằng chính sự thanh bần của tinh thần vô tham, vô gia sản của người Khất sĩ. Hình ảnh đó như là tấm gương phản chiếu và giúp cho thế nhân soi rọi nhìn lại chính mình. Cho nên, việc thực hành pháp khất thực chính là đang hoằng pháp, hướng dẫn nhân sanh quay về chánh đạo, và có thể nói là bậc đi giác ngộ chúng sanh.

3. Hoằng pháp qua con đường thuyết giảng

Tổ sư đã dạy: “Mục đích của Khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui thì xã hội mới được yên vui; xã hội yên vui là gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui. Tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sanh đều tu hết vậy”[19]. Để đạt được mục đích ấy, vị Khất sĩ không chỉ có hoằng pháp bằng thân hành mà còn phải biết vận dụng ngôn từ giảng thuyết một cách thiện xảo để hỗ trợ cho con đường hóa độ nhân sanh. Nói cách khác để nhân sanh thực hành theo tấm gương phạm hạnh, người Khất sĩ phải có trách nhiệm trao cho bá tánh nhân sanh chiếc chìa khóa để họ mở và bước vào cửa đời sống đạo đức phạm hạnh. Chìa khóa đó chính là sự thấu hiểu phương pháp làm thế nào để mở cánh cửa này. Cho nên có thể nói người Khất sĩ như là vị thầy giáo truyền trao cho học sinh nhân thế những phương pháp để chuyển hóa bất thiện pháp: “Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhứt là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời”[20].

Hình ảnh ông thầy giáo vân du khắp nơi cùng xứ để giảng dạy những phương pháp thực hành giúp cho thế nhân có đời sống an vui mà chẳng lãnh tiền lương đã phần nào thể hiện được tinh thần “hoằng pháp vi gia vụ” của vị sứ giả Như Lai. Ở đây Tổ sư đã minh họa tinh thần hoằng pháp của người Tăng sĩ bằng hình ảnh người thầy giáo một cách sống động nhưng lại thực tế và rất gần gũi với cuộc sống. Tuy nhiên, hai vị thầy giáo này vẫn có sự khác biệt: một người vì miếng cơm manh áo, sự tư kỷ cá nhân, đặc biệt là bị chi phối bởi tham sân si; ngược lại vị thầy Khất sĩ chỉ biết giảng dạy, phụng sự cho lợi ích nhân sanh và muốn cho thế nhân vượt thoát khỏi tham sân si mà chẳng hề kể công hay đòi hỏi gì.

Chính tinh thần nhận lấy trách nhiệm tế độ chúng sanh[21] nên người Khất sĩ đã phải vân du và dùng mọi phương tiện để thuyết pháp độ sanh, từ việc sử dụng loa phát thanh để thuyết giảng kinh pháp tại các hội trường cho đến việc giảng giải giáo pháp trong bữa ngọ trai hay cúng hội một tháng 4 kỳ (mùng 8, 15, 23, 30 âm lịch)…, tất cả đều với mục đích giúp cho sanh chúng nhận thức rõ con đường nào nên né tránh và đạo lộ nào nên đi để đến được thành Niết-bàn. Cho nên trong bữa ngọ trai hay ngày cúng hội đều có thuyết giảng nhằm thể hiện tinh thần hoằng pháp giáo hóa nhân sanh của hàng Tăng sĩ. Điều này đã được Đức Tổ sư đề cập qua lời dạy: “Tại chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia”[22]. Hay lời dạy về cách xây dựng tịnh xá: “Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước”[23].

Việc xây dựng nhà giảng đã nói lên tinh thần: đây là chỗ để chư Tăng trụ xứ, tức là những vị Khất sĩ không đủ sức khỏe đi du phương nên phải ở một chỗ, thực hiện bổn phận dạy dỗ cư gia, mà Ngài gọi là Bồ-tát trụ xứ[24]. Chính hình ảnh dạy dỗ cư gia bá tánh, thuyết pháp cứu độ đông người theo lòng mong cầu của họ[25] đã biểu hiện tinh thần truyền trao giáo pháp cho mọi người, và cũng chính là hình ảnh giúp cho thế nhân thắp sáng lên ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng lộ trình tiến hóa cho nhân sanh. Cho nên Ngài mới nói: Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại”[26].

Vì thế, hình ảnh người Khất sĩ như là chất keo để kết nối mọi thành phần trong cuộc sống lại với nhau và giảng dạy cho mọi người thấm nhuần tư tưởng Thánh thiện, để hành động của họ luôn được hướng dẫn bằng chính hoa sen không uế nhiễm trong tâm họ. Đây mới chính là cái đích cao đẹp nhất mà vị Khất sĩ hướng đến trên con đường hoằng dương Chánh pháp: “Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người”[27].

4. Hoằng pháp qua con đường giáo dục và kinh sách

Trên con đường hoằng dương Chánh pháp, ngoài việc giáo hóa bằng thân hành cùng thuyết giảng kinh pháp, thời người Tăng sĩ còn có thể viết sách dịch kinh… để đem phương thức sống đầy từ bi và trí tuệ vào cuộc sống qua những con chữ, nhằm thắp sáng và đẩy lùi màn đêm vô minh đang bao phủ. Đây cũng là con đường giúp thế nhân nhận chân sự sống và tạo hành trang cho hành giả trên bước đường thể nghiệm chơn lý. Vì thế trong quyển “Cư sĩ”, Đức Tổ sư đã nói: “Có hiểu chơn lý mới chịu dứt bỏ lục trần, không bị ngộp trong trần vật chất, không bị bao vây đen tối, thì mới hết ác hung mê muội”[28].

Mà để hiểu được chơn lý đòi hỏi mọi người phải trải qua quá trình Văn Tư Tu, ngoại trừ những bậc đại sĩ có thể tự mình thấy rõ con đường qua sự biến chuyển của các pháp trong cuộc sống. Văn ở đây chính là nghe giảng dạy về Chánh pháp, hay có thể tiếp nhận những lời dạy qua kinh sách…. Cho nên kinh sách cũng là một phương tiện hoằng pháp độ sanh. Để hiện thực hóa điều này, Tổ sư đã chủ trương phải dạy cho mọi người biết chữ (nếu người đến tịnh xá mà chưa biết chữ) để đọc, học và nghiên cứu kinh sách nhằm hỗ trợ cho lộ trình tu tập: “Tại chùa, các sư còn có phận sự phải dạy học chữ quốc ngữ (Hán Việt và Nôm Việt cho tập sự kém chữ), hoặc dịch sách in kinh cho Giáo hội Tăng-già đi du hành, và dạy cho bá tánh sự tu tập”[29].

Hay như lời dạy trong quyển “Cư sĩ”:

“Mỗi người phải biết chữ,

Mỗi người phải thuộc giới,

Mỗi người phải tránh ác,

Mỗi người phải học đạo”[30].

Việc chủ trương dạy chữ để đọc và học kinh như thế giúp cho mọi người có thể tự mình phát triển khả năng nhận thức và thấu hiểu con đường hành trì Chánh pháp thông qua kinh sách. Như thế mới huân tập được những thân hành thiện lành, mới phát triển được gia tài Pháp bảo làm giàu ngôi nhà tâm linh. Cho nên Ngài thường khuyên dạy hàng cư sĩ tại gia: “Hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo, tạo tâm chơn làm sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc…”[31].

Lời dạy cho hàng cư gia bá tánh này được Ngài ghi lại trong quyển Chơn lý “Cư sĩ”, nhằm giúp cho mọi người khắc ghi con đường chơn chánh, hay nói cách khác là giúp cho thân hành sanh chúng luôn được hướng dẫn bởi Chánh pháp. Vì thế ngoài việc đi du phương giúp thế nhân trau dồi Pháp bảo, Đức Tổ sư còn viết 69 tiểu phẩm với nhiều đề tài để khuyên dạy hàng môn đệ cùng thế nhân con đường tu tập, hướng về sự giác ngộ giải thoát như Phật. Chính điểm cùng hướng về sự giác ngộ, thấu đạt chơn lý nên 69 tiểu phẩm này được đặt dưới nhan đề Chơn lý. Đồng thời chúng lần lượt được xuất bản nơi nhà in Pháp Ấn tại Tịnh xá Ngọc Long - Long Xuyên. Hơn thế những lời dạy của Đức Tổ sư cũng đã được Việt hóa nhằm giúp cho mọi người khi tiếp xúc giáo pháp có thể dễ dàng tự mình lãnh hội thấu hiểu được. Điều này cho thấy Tổ sư rất coi trọng việc hoằng pháp qua con đường kinh sách, nên mới chủ trương cho thiết lập nhà in riêng cũng như Việt hóa ngôn ngữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thắp sáng lên ngọn đèn Chánh pháp trong cõi đời.

Không những vậy, Ngài còn sáng tác những bộ sách không lời nhưng ẩn chứa nội hàm giáo pháp căn bản như mô hình kiến trúc xây dựng của tịnh xá: chánh điện hình bát giác, một nét đặc sắc trong kiến trúc Phật giáo, tượng trưng cho Bát chánh đạo; 13 tầng tháp đại diện cho l3 cấp bậc tiến hóa của chúng sanh từ địa ngục đến Niết-bàn (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn, thiên, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật); bốn trụ chính giữa nâng đỡ mái tứ giác chính là bốn chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di) cùng nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp…, đã tạo nên một sắc thái độc đáo trong kiến trúc lẫn cách truyền đạt hệ thống giáo pháp.

Như thế, chúng ta có thể thấy được tinh thần hoằng pháp, giáo hóa dạy dỗ chúng sanh của Đức Tổ sư như thế nào. Chính việc sử dụng mọi phương tiện có thể để truyền đạt giáo pháp, thức tỉnh nhân sanh đã nói lên tinh thần phụng sự và tế độ chúng sanh là sự nghiệp của hàng Tăng sĩ. Cho nên, Ngài đã minh họa hình ảnh người Khất sĩ một cách rất sống động: “Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy”[32].

TT. Giác Minh
Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trị sự trưởng Giáo đoàn III
Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đà, Đà Lạt, Lâm Đồng


[1] Trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận xuất bản năm 2011, trang 777, tác giả Nguyễn Lang đã dẫn lời nhận xét của ký giả Đông Giao về phong trào Chấn hưng Phật giáo đương thời: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”.

[2] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, tập I, Kinh Pháp Cú “Phẩm Hoa” (số 51), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành 1999, tr. 41.         

[3] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập I, “Trên mặt nước”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.473.

[4] Sđd, “Y bát chơn truyền”, tr.296.

[5] Sđd, tập III “Tu và nghiệp”, tr.85.

[6] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 262.

[7] Sđd, tr. 262.

[8] Sđd, “Y bát chơn truyền”, tr. 294.

[9] Sđd, tr.289.

[10] Sđd, tập III, “Học để tu”, tr. 27.

[11] Sđd, tập I “Y bát chơn truyền”, tr. 297-98.

[12] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.69

[13] Sđd, tr.82.

[14] Sđd, tập I “Trên mặt nước”, tr. 485.

[15] Sđd, “Khất sĩ”, tr. 271.

[16] Sđd, tr. 274.

[17] Sđd, tr. 275.

[18] Sđd, tr. 274.

[19] Sđd,tập I “Trên mặt nước”, tr.481.

[20] Sđd, “Khất sĩ”, tr. 280.

[21] Trong quyển “Trên mặt nước”, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Lòng từ bi, bắt buộc người Khất sĩ nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh làm nghề nghiệp”.

[22] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr. 56.

[23] Sđd, tr. 55.

[24] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr. 55.

[25] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I, “Cư sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 407.

[26] Sđd, “Y bát chơn truyền”, tr. 310.

[27] Sđd, “Khất sĩ”, tr. 273.

[28] Sđd, “Cư sĩ”, tr. 401.

[29] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr. 57.

[30] Sđd,tập I “Cư sĩ”, tr. 398.

[31] Sđd, tr. 396.

[32] Sđd, tập III “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 424.